Phật A-di-đà ai không thể niệm, mà rất khó niệm; Tây Phương Cực Lạc ai chẳng nguyện sinh, mà rất hiếm được sinh. Bởi vì, người niệm Phật chưa được bí quyết thôi.
Dạy niệm Phật muốn cho được chân thật thiết tha, có lẽ chỉ dùng một chữ “chết”. Đặt chữ “chết” trên ý niệm thì đối với cảnh duyên tự nhiên lạnh nhạt, tình ái tự nhiên cũng nhẹ bớt, danh lợi, quyền thế, hào phú, ở chỗ này (chết) đều vô dụng. Thấy nghe hiểu biết đến khi ấy lại không dùng được. Bốn đại đều phân ly, biết nương tựa vào đâu? Cô hồn vô chủ sao được tự do? Lúc ấy, chẳng thấy Di-đà, e gặp La-sát, không sinh Tịnh độ, sợ vào thai lừa. Dù không có nghiệp ác, cũng không khỏi lại qua trong loài người; dù có nhân lành, phước trời dễ hết biết làm sao! Chớ bảo rằng tự mình có chủ tể, nghiệp quả trói buộc thật khó trốn tránh. Chớ bảo vốn không sinh tử, thức tâm chưa hết đều thuộc luân hồi. Đừng xem việc này là thong thả, việc ngày mai chẳng biết được. Chớ xem thường điều ấy, lầm qua đời này, trầm luân muôn kiếp. Tất cả việc không gì bằng việc lớn sinh tử, thế thì mọi việc đều chẳng phải là việc cấp thiết. Lúc nào cũng nghĩ là lúc sắp mạng chung, thì lúc nào cũng là lúc niệm Phật. Niệm Phật như thế, trong lòng khẩn thiết, khẩn thiết như thế mới sinh Tịnh độ. Cần phải kiên quyết công phu mới thành tựu Tịnh nghiệp, thường nghĩ nhớ khi chết mới khẩn thiết hành trì. Đó chính là nấc thang thành Phật, đó thật là bí quyết vi diệu của việc niệm Phật.
(Dịch xong ngày 24 / 03/ 2004 tại chùa Bửu Liên)