Giáo pháp Tịnh độ được thành lập bởi 48 nguyện lực sâu nặng đại từ đại bi của Phật A-di-đà, thâu nhận tất cả chúng sinh trong mười phương, hễ ai đầy đủ lòng tin đều được vãng sinh.
Tin là tin có Tây Phương Tịnh độ, tin có Phật A-di-đà thâu nhận chúng sinh, tin những chúng sinh bọn ta có phần vãng sinh. Tuy bảo rằng Phật Di-đà tiếp dẫn chúng sinh vãng sinh, nhưng cần phải tin chỉ tùy tâm tự hiện, đạo cảm ứng qua lại, rốt cuộc chẳng phải từ bên ngoài mà được. Người tin như thế, đó chính là niềm tin chân thật.
Tin mà không thật hành thì chẳng thành tựu lòng tin. Hành là như trong kinh Lăng-nghiêm nói: “Nhiếp cả sáu căn, Tịnh niệm tiếp nối”. Kinh A-di-đà bảo rằng: “Nghe nói về Phật A-di-đà, nắm giữ danh hiệu, một ngày, hai ngày, cho đến bảy ngày nhất tâm không loạn”. Thực hành như thế, đó gọi là thực hành chân chánh.
Thực hành mà chẳng có nguyện thì chẳng thành tựu sự thực hành. Nguyện là phải tương ưng với từng nguyện trong 48 nguyện của Phật A-di-đà, đó là đại nguyện.
Tín–Hạnh–Nguyện là ba chân của cái đảnh, thiếu một tất không thể được. Nên biết, một niệm hiện giờ vốn tự viên mãn thường hằng, Tín–Hạnh–Nguyện nguyên là tánh đức như thế, xưa nay vốn có của chính mình. Nay chỉ là làm hiển bày phát khởi ánh sáng của bản tánh mà thôi.
Ngay khi vọng tâm tạp loạn, liền đề khởi một niệm như đối trước đấng Từ Tôn, nắm vững sáu chữ Hồng danh, mỗi câu mỗi câu miệng niệm tai nghe, sự tạp loạn ấy tự nhiên theo đó lặng lẽ. Từ một niệm đến mười niệm, cho đến niệm niệm chẳng đổi dời, đó chính là chỗ trong kinh gọi Tịnh niệm tiếp nối.
Người niệm Phật cần phải có lòng tin tha thiết, chánh nhân mạnh mẽ, nghĩ nhớ về sự sinh tử luân hồi đáng buồn thương, chán nản cảnh trần lao lăng xăng mà đau lòng. Đề khởi một danh hiệu Phật, ngay đó liền không có cái thấy nào khác, cho đến nhất tâm không loạn, năng sở đều quên, chẳng cần nói về việc đến nhà, đâu nhọc gì đề cập đến danh từ thẳng tắt, đây thật đáng gọi là: Thuật thần diệu để chứng đắc sự tu hành, con đường chân chánh vượt qua phương tiện.