1. Các thuyết ngoại
giáo
Vì sao không thể nắm
bắt thực ngã?[1]
Một cách tổng quát,
có ba loại chấp ngã: 1. Chủ trương tự thể của ngã thường hằng, châu biến, lượng
đồng hư không. Bởi vì, tùy theo môi trường mà nó tạo nghiệp, hay thọ nhận khổ,
lạc. [2] 2. Chủ trương tự thể của ngã thì thường hằng nhưng lượng của nó thì
bất định; bởi vì nó trải rộng hay thu nhỏ tùy theo sự lớn hay nhỏ của thân.[3]
3. Chủ trương tự thể của ngã là thường hằng, và cực kỳ vi tế như một cực vi,
tiềm tàng chuyển vận trong thân để tạo tác sự nghiệp.[4]
1. Quan điểm thứ nhất là phi lý. Vì sao?
a. Chủ trương rằng tự
ngã thường hằng, phổ biến, lượng đồng hư không, thế thì nó không tùy thân lãnh
thọ khổ lạc.[5]
b. Thêm nữa, vì là
thường hằng phổ biến nên nó không thể chuyển động,[6] vậy làm thế nào nó có thể
tùy theo thân tạo tác các nghiệp?[7]
c. Lại nữa, ngã theo
quan điểm này là đồng nhất hay dị biệt trong tất cả hữu tình? Nếu là đồng nhất,
khi một cá thể tác nghiệp, tất cả cũng tác nghiệp;[8] khi một cá thể lãnh thọ
quả, tất cả cũng lãnh thọ; khi một cá thể chứng đắc giải thoát, tất cả cũng
giải thoát. Như thế thì hết sức sai lầm. Nếu nói là dị biệt,[9] tự ngã của các
hữu tình phổ biến lẫn nhau cho nên tự thể trở thành hỗn tạp.
d. Lại nữa, khi một
cá thể tác nghiệp, một cá thể lãnh thọ quả báo, khi ấy cũng nên nói tất cả đều
tác nghiệp, đều lãnh thọ, vì xứ sở của tự ngã không dị biệt. Nếu nói, tác
nghiệp và lãnh thọ đều có sở thuộc riêng biệt cho nên không phạm sai lầm ấy;
điều này cũng không hợp lý. Nghiệp, quả và thân cùng hiệp nhất với ngã, nhưng
lại thuộc vể nơi này mà không thuộc về nơi kia, thế thì không hợp lý.
e. Lại nữa, khi một
cá thể giải thoát, tất cả cũng đều giải thoát, vì pháp được tu và được chứng
cùng hiệp nhất với tất cả tự ngã.
2. Quan điểm thứ hai
cũng phi lý.[10] Vì sao?
a. Nếu tự thể của ngã
là thường trú, nó không thể trải rộng hay co rút tùy theo thân. Đã có sự trải
rộng hay co rút, như gió trong đãy hay ống sáo, không thể là thường trú.
b. Lại nữa, ngã có
thể bị chia chẻ tùy theo thân, như thế làm sao có thể cho rằng tự thể của ngã
nhất thể?
Cho nên, thuyết của
phái này giống như trò đùa của trẻ nít.
3. Thuyết sau cùng
cũng phi lý. Vì sao?
Lượng của ngã cực
tiểu, chỉ bằng như một cực vi, làm sao có thể khiến cho toàn thân to lớn chuyển
động?[11]
ếu nói tự ngã tuy nhỏ
nhưng chạy khắp thân nhanh như vòng lửa quay, có vẻ như chuyển động toàn diện;
ngã được quan niệm như thế thì không phải là nhất thể, không phải thường hằng.
Vì tất cả những gì có di chuyển đều không phải là nhất thể, không phải thường
hằng.
2. Uẩn và ngã
Lại nữa, có ba quan
điểm về ngã[12]: 1. đồng nhất với uẩn; 2. dị biệt uẩn; 3. phi đồng nhất phi dị
biệt đối với uẩn.[13]
1. Thứ nhất, uẩn tức
ngã, phi lý.
a. Vì như uẩn, ngã
không phải là thường hằng, không phải là nhất thể.
b. Lại nữa, các sắc
trong nội thân quyết định không phải là thực ngã, vì có chất ngại,[14] như
ngoại sắc.
b. Tâm và tâm sở
pháp[15] cũng không phải là thực ngã, vì không hằng tương tục, và vì cần hội đủ
duyên.[16]
c. Các hành và các
sắc còn lại[17] cũng không phải là thực ngã, như hư không, vì không phải là
giác tánh.[18].
Thứ hai, ngã lìa uẩn
cũng phi lý, vì như hư không không có tác và thọ.
3. Thứ ba, phi đồng
nhất và phi dị biệt đối với uẩn, cũng phi lý.
a.Vì nếu y trên uẩn
mà thiết lập ngã nên không phải đồng nhất cũng không phải dị biệt uẩn, thế thì,
như bình các thứ, vì không phải là thực ngã.
b. Lại nữa, đã không
thể nói là hữu vi hay vô vi,[19] thì cũng không thể nói là ngã hay phi ngã. Do
đó, ngã theo quan niệm của thuyết ấy không thành.
3. Tổng hợp phê bình
1. Lại nữa, thể của
ngã được quan niệm là thực hữu ấy có tư lự, hay không có tư lự?[20]
a. Nếu có tư lự, tất
là vô thường, vì không phải có tư lự trong tất cả mọi thời gian.
b. Nếu không có tư
lự, thì như hư không, nó không thể tác nghiệp, cũng không thọ quả.
Do đó, quan niệm về
ngã không chứng minh được lý do của nó.
2. Lại nữa, thể của
ngã được quan niệm là thực hữu ấy có tác dụng, hay không có tác dụng?
a. Nếu có tác
dụng,[21] thì như tay hay chân,[22] phải là vô thường.
b. Nếu không có tác
dụng, như sừng thỏ, tất không phải là thực ngã.
Do đó, hai quan niệm
về ngã này đều bất thành.
3. Lại nữa, thể của
ngã được quan niệm là thực hữu ấy có phải là cảnh sở duyên của ngã kiến
không?[23]
a. Nếu không phải là
cảnh sở duyên của ngã kiến, làm sao các ngài biết thực có ngã?
b. Nếu ngã là cảnh sở
duyên của ngã kiến, thế thì có phạm trù ngã kiến không được bao hàm trong điên
đảo, vì là được biết một cách như thực.[24] Nếu vậy, tại sao Chí giáo mà những
người theo quan điểm hữu ngã tin theo[25] lại chỉ trích ngã kiến, ca ngợi vô
ngã, nói rằng, ai không ngã kiến thì chứng Niết-bàn; ai chấp trước ngã kiến thì
chìm đắm sinh tử? Há có trường hợp, người có tà kiến thì chứng Niết-bàn, trái
lại chánh kiến khiến cho trầm luân sinh tử?
c. Lại nữa, các ngã kiến
đều không duyên thực ngã, vì có sở duyên.[26] Như tâm duyên các pháp khác.[27]
Sở duyên của ngã kiến quyết định không phải thực ngã, vì là sở duyên, như các
pháp khác.[28]
Do đó, ngã kiến không
duyên thực ngã. Nhưng nó lấy các uẩn là những biến hiện của thức làm đối tượng,
rồi tùy theo tưởng tượng cá biệt mà diễn dịch thành nhiều hình thái khác nhau.
4. Quá trình diệt ngã
Tổng quát, các quan
điểm về ngã có hai loại: 1 câu sinh; 2 phân biệt.[29]
1. Ngã chấp câu sinh,
do năng lực của nhân nội tại được huân tập bởi hư vọng kể từ thời vô thủy đến
nay, thường hằng tồn tại cùng với thân; không cần chịu ảnh hưởng bởi tà giáo và
tà phân biệt, mà chuyển hiện một cách tự nhiên, do đó gọi là câu sinh.
Loại ngã chấp này lại
có hai thứ:
a. Thường tương tục,
ở tại thức thứ bảy; nó lấy thức thứ tám làm đối tượng khiến sinh khởi hình
tướng của tự tâm,[30] rồi chấp đó là thực ngã.
b. Có gián đoạn, tại
thức thứ sáu; nó lấy hình tướng năm thủ uẩn, vốn là biến hiện của thức, làm đối
tượng, hoặc tổng thể hoặc cá biệt,[31] khiến sinh khởi tướng của tự tâm[32] rồi
chấp đó là thực ngã.
Cả hai chấp trước này
rất khó đoạn trừ, vì rất vi tế. Về sau, trong tu đạo, thường xuyên tu tập sinh
không quán đặc biệt[33] mới có thể diệt trừ.
2. Ngã chấp do phân
biệt cũng do năng lực của ngoại duyên hiện tại, không cùng tồn tại với thân, mà
cần phải có ảnh hưởng của tà giáo và tà phân biệt mới có thể phát khởi, vì vậy
nói là phân biệt.
Nó chỉ tồn tại trong
thức thứ sáu là ý. Loại này cũng có hai thứ:
a. Duyên vào tướng
của uẩn được thuyết bởi tà giáo khiến sinh khởi tướng của tự tâm, rồi phân biệt
suy diễn chấp là thực ngã.
b. Duyên vào tướng
của ngã được thuyết bởi tà giáo khiến sinh khởi tướng của tự tâm, rồi phân biệt
suy diễn chấp đó là thực ngã.
Hai loại ngã chấp này
dễ bị đoạn trừ, vì thô. Khi ở sơ khởi của kiến đạo,[34] quán chân như về sinh
không và pháp không của hết thảy các pháp thì có thể đoạn trừ.[35]
5. Tổng thích
Tất cả ngã được quan
niệm như vậy, nếu đó là uẩn ngoại tại của tự tâm, hoặc tồn tại hoặc không tồn
tại.[36] Nếu đó là uẩn nội tại của tự tâm, nó hoàn toàn tồn tại. Do đó, tất cả
ngã chấp đều lấy tướng[37] của năm thủ uẩn vốn vô thường rồi vọng chấp là ngã.
Nhưng, tướng của các
uẩn sinh khởi từ duyên,[38] do đó chúng hiện hữu như là huyễn. Ngã được chấp
trước sai lầm ấy, vì được suy diễn một cách ngẫu hứng, quyết định không tồn
tại.
Cho nên, Khế kinh
nói, “Bí-xô nên biết, những gì là ngã kiến của các sa-môn, bà-la-môn trong thế
gian, tất cả đều duyên vào năm thủ uẩn mà sinh khởi.”[39]
6. Phản vấn
1. Nếu không tồn tại
thực ngã, làm sao có thể có các sự việc như ký ức, nhận thức, đọc tụng, ôn tập,
ân, oán?[40]
Ngã được quan niệm
như vậy đã là thường hằng, không biến dị, thì sau cũng như trước, sự việc ấy
không phải là có; trước cũng phải như sau, sự việc ấy không phải là không.[41]
Vì trước và sau tự thể không khác biệt.
Nếu nói rằng dụng của
ngã có biến dịch trước và sau nhưng tự thể của ngã thì không; điều này cũng
không hợp lý. Bởi vì, hoặc dụng phải là thường hằng vì không tách rời thể; hoặc
thể phải là không thường hằng vì không tách rời dụng.
Tuy nhiên, các hữu
tình mỗi mỗi có bản thức riêng, tồn tại một cách tương tục và đồng nhất loại
tợ, duy trì chủng tử, hỗ tương làm nhân cho tất cả các pháp. Những sự việc như
ký ức các thứ có được là do năng lực của cái được huân tập. Do đó, nạn vấn được
nêu lên là do sai lầm nơi ông, chứ không phải nơi tiền đề của tôi.
2. Nếu không tồn tại
thực ngã, cái gì tạo nghiệp? Cái gì thọ quả?[42]
Ngã được quan niệm là
thực ấy đã là không biến dịch, như hư không, làm thế nào có thể tạo nghiệp, thọ
quả? Nếu nó có biến dịch, nó phải là không thường hằng.
Tuy nhiên, tâm và tâm
sở pháp của các hữu tình tương tục không gián đoạn do bởi năng lực của nhân
duyên; cho nên sự tạo nghiệp và thọ quả không có gì trái lý.
3. Nếu ngã thực sự
không tồn tại, cái gì luân hồi các cõi trong sinh tử?[43] Cái gì nhàm tởm khổ
mà mong cầu thú hướng Niết-bàn?
Ngã được quan niệm là
thực hữu ấy đã không sinh diệt, làm sao có thể nói nó luân chuyển trong sinh
tử? Thường hằng như hư không, không bị bức não bởi khổ, cần gì phải nhàm tởm,
xả ly, mong cầu thú hướng Niết bàn? Cho nên, điều được phát biểu kia thường chỉ
là tự hại.
Tuy nhiên, thân và
tâm của các loại hữu tình tương tục, do năng lực của nghiệp phiền não mà luân
chuyển các cõi thú, và do nhàm tởm khổ mà mong cầu thú hướng Niết-bàn.
Do những chứng lý như
thế mà nhận thức được rằng tuyệt đối không tồn tại thực ngã. Thế nhưng, dòng
tương tục của nhân quả của các hữu tình kể từ vô thủy, cái trước diệt cái sau
sinh, do được huân tập một cách sai lầm, xuất hiện với tướng như là tợ ngã. Người
ngu ở trong đó quan niệm một cách sai lầm là ngã.
[1] ibid., tr. 244c3:
đặt vấn đề với các xu hướng hữu ngã: Độc tử bộ (Vātsīputriya), Chánh lượng bộ
(Sammatīya), Kinh lượng bộ (Sautrāntika)…
[2] Quan niệm về tự
ngã của Số luận (Thuật ký: Tăng-khư; Skt. Saṅkhyā), Thắng luận (Thuật ký: Phệ-thế-sử-ca; Skt. Vaiśeṣika). Câu-xá 30 (158b7), Thắng luận nạn vấn:
“Nếu tự ngã không tồn tại hiện thực, cái gì tạo nghiệp? Bởi vì chính tự ngã sẽ
nhận lãnh quả báo khổ, lạc.”
[3] Quan niệm ngã của
phái Ni-kiền tử (Thuật ký: Ni-kiền-đà phất-trở-la, dịch là Ly hệ tử;
Skt.Nigrantha-putra)
[4] Quan niệm của Thú chủ (Thuật ký: Bá-thâu-bát-đa, Skt. Paśupati), và cũng
của Xuất gia ngoại đạo (Thuật ký: Ba-lị-đát-la-câu-ca dịch là Biến xuất; Skt.
Parivrājaka). Thú chủ (Paśupati) cũng là biệt hiệu của Tự Tại Thiên
(Maheśvara), Thiên chúa của phái ngoại đạo Bôi tro (Đồ hôi ngoại đạo, Skt.
bhasman). Cf. Câu xá Quang ký 9 ( tr.172c9).
[5] Cf. Kim thất thập
luận (T54n2137, tr.1249c29): “Tăng-khư (Saṃkhyā) nói Thần ngã (puruṣa) không phải là tác giả. Vệ-thế-sư (Vaiśeṣika) nói, Tự ngã là tác giả.”
[6] Chủ trương của
Thắng luận (Thắng tông thập cú nghĩa, tr.1264a12): tự ngã (ātman) thuộc thật cú
nghĩa (dravya-padārtha) không có động tác. Cf. Bách luận (tr.170c18):
“Ưu-lâu-ca (Ulūka) nói, thật có Thần (Ngã) thường hằng. Do các dấu hiệu như thọ
mạng, nhắm mở mắt, thở ra vào, mà biết có Thần (Ngã).”
[7] Xem cht. 41
trên.
[8] Cf. Kim thất thập
luận (tr.1249c15): “Nếu ngã đồng nhất, khi một người sinh, tất cả cùng sinh.”
[9] Chủ trương của Số
luận (Kim thất thập luận, tr.1249c12): Có nhiều ngã; tùy theo mỗi thân có một
tự ngã riêng.
[10] Quan điểm về ngã
của phái Ni-kiền tử.
[11] Thuật ký
(tr.246c9): Ngã cực vi tiểu này có thể làm chuyển động thân thể cực kỳ to lớn
đến 1 vạn 6 nghìn do tuần của trời Sắc cứu cánh.
[12] Cf. Du-già 6
(tr.306b7), bốn cơ sở chấp ngã: ngay chính nơi uẩn (uẩn tức ngã), (dị biệt uẩn)
nhưng ở trong uẩn, (dị biệt uẩn) nhưng ở ngoài uẩn, không liên hệ gì đến uẩn.
[13] Quan điểm của
Độc tử bộ (Vāsīputrīya). Thuật ký: Phiệt-tra thị ngoại đạo 筏蹉氏外道; Skt. Vatsagotra-parivrājaka;
cf. Câu-xá 30, (tr.156a6), một người xuất gia ngoại đạo hỏi Phật có ngã hay
không, Phật không trả lời; Pali: Vacchagotta-paribbājaka, cf. S.iv. tr. 400.
Khuy Cơ đồng nhất Vatsagotra với Vātsī-putrīya (Pali: Vajji-puttaka). Cf. Dị bộ
tông luân luận (tr.16c15), Độc tử bộ chủ trưong hữu ngã: Bổ-đặc-già-la
(pudgala) phi tức uẩn phi ly uẩn; y uẩn, xứ giới mà giả thi thiết tên gọi. Về
bác bỏ Ngã của Độc tử bộ, chi tiết xem Câu xá 29 (tr.152c9), tiếp theo và quyển
30: Độc tử bộ quan niệm thể của bổ-đặcgià-la phi nhất phi dị đối với uẩn.
[14] Chất ngại, tính
chất cố kết, hữu hình. Xem đoạn sau, tr. 2c26.
[15] Chỉ các uẩn còn
lại, trừ sắc uẩn và một phần hành uẩn.
[16] Thuật ký lập thí
dụ, như ngọn đèn, và như âm thanh.
[17] Các hành còn
lại, chỉ các hành phi tâm sở, tương hành không tương ưng tâm. Các sắc còn lại,
chỉ 6 ngoại xứ và sắc vô biểu.
[18] Thuật ký 1b,
giác tức giác sát; tên gọi chung cho tâm và tâm sở.
[19] Độc tử bộ lập
năm tạng. Ngã thuộc tạng thứ năm, gọi là bất khả thuyết (avyaktavya). Cf.
Câu-xá 29 (T29n1558, tr.153b3).
[20] Thuật ký: có tư
lự (Skt. cinmātra), nhắm Tăng-khư (Saṃkhyā); không tư lự, nhắm Phệ-thế (Vaiśaṣika)
[21] Xu yếu
(tr.621c5): Tăng-khư (Saṃkhyā) và các phái
khác, tác dụng mà không động chuyển.
[22] Thuật ký: tay
với tác dụng chuyển biến, nhắm Số luận. Chân với tác dụng hoại diệt, nhắm Thắng
luận.
[23] Câu-xá 29
(tr.153c25): Độc tử bộ nói, ngã (bổ-đặc-già-la, Skt. pudgala) không phải là sở
duyên (Skt. ālambana) của thức.”
[24] Quảng bách luận
2 (tr.194b29): “Nếu ngã được quan niệm ấy là thực hữu thì không thể là đối
tượng của ngã kiến vốn là kiến chấp điên đảo.” Thuật ký, “Giáo lý của các phái
Ngoại đạo và Tiểu thừa chủ trương hữu ngã đều cho rằng ngã kiến tuy thuận sở
duyên nhưng tự thể là điên đảo. Khi đoạn trừ nó thì thành Thánh.”
[25] Chỉ Độc tử bộ,
tuy Phật giáo nhưng chủ trương hữu ngã, do đó có tranh luận về ý nghĩa chính
xác của Kinh. Cf. Câu-xá 29 (tr.154c13).
[26] Skt. sālambana.
Chỉ thức hay các tâm giới, là nhữn thứ luôn luôn hướng đến đối tượng; xem
Câu-xá 2 (tr.8b9)
[27] Như duyên dư
tâm. Thuật ký (tr.249a3): “như tâm duyên ngã là ngọai sắc các thứ.”
[28] Thuật ký: Dụ,
như sắc pháp v.v. ibid. 195c13: “Đối tượng của ngã kiến không phải là thực ngã.
Vì mang hình tướng hoặc nam, hoặc nữ là đối tượng nhận thức của tâm. Như thân
thể.”
[29] Cf. Laṅkā, tr. 118: tatra Mahāmate satkāyadṛṣṭir dvividhā yaduta sahajā ca parikalpitā ca.
Nhập Lăng-già 4 (bản 10 quyển, tr.537a17), “Thân kiến có hai: 1. câu sanh, 2. hư
vọng phân biệt.”
[30] Xu yếu (621c19),
khởi tự tâm tướng, có 2 giải thích: 1. tướng là ảnh tượng; 2. tướng là cái bị chấp.
Thuật ký, đây là tướng của tự tâm của thức thứ bảy. Diễn bí (tr. 824c25): sở
duyên đều là tướng phần của tự tâm.
[31] Thuật ký: lấy
tổng thể ngũ uẩn làm đối tượng; hoăc lấy từng uẩn cá biệt làm đối tượng.
[32] ibid., tướng của
tự tâm, chỉ tướng là ảnh tượng.
[33] Thắng sinh không
quán. Laṅkā, ibid., srotaāpannasya
sadasatpakṣadṛṣṭidarśaṇāt satkāyadṛṣṭiḥ prahīṇā bhavati, “Khi Tu-đà-hoàn thấy rõ kiến chấp sai lầm về hữu và
phi hữu, thân kiến (câu sanh) được đoạn trừ.”
65 Sơ kiến đạo; kiến
đạo có 2 phần: chân kiến đạo và tướng kiến đạo. Đây thuộc phần đầu.
[35] Laṅkā, ibid., sā ca tasya
pudgalanairātmyagrahābhā- vataḥ prahīṇā, “kiến chấp này bị đoạn trừ khi
(Tu-đà-hoàn) không còn chấp chặt đối với nhân vô ngã.”
[36] Thuật ký (tr.
250c10): “Hữu hay vô, xét theo bản chất...Y uẩn mà chấp ngã, ngã ấy có bản chất;
lìa uẩn mà chấp ngã, ngã ấy không có bản chất.”
[37] Tướng, chỉ tướng
phần (nimittabhāga). Thuật ký (tr. 250c25): “Ảnh tượng, là tướng phần, tất nhiên
là uẩn; lấy đó làm đối tượng mà chấp là ngã”
[38] Thuật ký,
ibid.,:Tướng (phần) nội thức, do y tha duyên sinh, nên tồn tại.”
[39] Tham chiếu, Tạp
A-hàm 2 ( tr.011b1); Pali, S. iii. 46:
ye hi keci,
bhikkhave, samaṇā vā brāhmaṇā vā anekavihitaṃ attānaṃ samanupassamānā samanupassanti, sabbe pañcupādānakkhandhe samanupassanti,
etesaṃ vā aññataraṃ.
[40] Cf. Câu-xá 30 (tr156c26):
“Nếu tự thể của ngã tuyệt đối không tồn tại, thế thì, tâm sát-na diệt làm thế
nào có thể nhớ biết cảnh tương tợ đã từng được nhận thức từ lâu xa?” Cf.
Tì-bà-sa 11 (tr.156c26). trả lời Độc tử bộ và giải thích về ký ức.
[41] Thuật ký: “ Minh
tánh (Skt. prakṛti) khi chưa biến
chuyển thành đại (mahat) các thứ, thì Ngã (puruṣa) chưa có thọ dụng cảnh. Về sau, khi đại các thứ xuất hiện, Ngã
(puruṣa) mới có sự thọ
dụng. Trước, không có sự việc ấy; không có tác dụng lãnh thọ cảnh. Sau, có sự
việc ấy, có tác dụng thọ nhận cảnh.”
[42] Câu-xá 30 (tr.158b26).
Liễu nghĩa đăng (tr.688a23): “ Năm bộ gồm Độc tử, Chánh lượng, Bản kinh, Hiền
trụ, Mật lâm sơn, đều nói 5 thức không có khả năng tác nghiệp, thọ qủa; thứ sáu
có cả hai. Đại chúng bộ đông thuyết. Hữu bộ, 5 thức thọ quả nhưng không tác
nghiệp.” Phụ chú của Thuật ký tập thành biên 6 (tr. 123c12): “Giải thích này
chỉ được nghe truyền thuyết chứ không thấy minh văn của Kinh giáo.”
[43] ibid., (tr. 156c2):
nạn vấn của Độc tử bộ, dẫn kinh chứng: “Trong kinh, Phật nói, các hữu tình bị
vô minh trùm kín, bị tham ái trói buộc, nên dong ruổi sinh tử. Như vậy, phải có
bổ-đặc-già-la (pudgala).”