Theo ý nghĩa nào mà
nói là huân tập?[1] Cái được huân tập và cái huân tập cần hội đủ bốn nghĩa.
1. Sở huân
Bốn nghĩa cho cái
được huân tập[2] là gì?
(1) Tính kiên trụ.
Tính bền lâu. Pháp mà thủy chung đồng một loại tiếp nối nhau liên tục để duy
trì tập khí; pháp ấy chính là cái được huân tập. Ý nghĩa này loại ra các chuyển
thức, và âm thanh, gió, v.v.,[3] vì tính chất không bền lâu nên chúng không thể
bị xông ướp (huân tập).
(2) Tính vô ký. Tính
trung hòa. Pháp bình đẳng, không có tính kháng cự khả năng dung nạp tập khí;
pháp ấy mới có thể được huân tập.[4] Ý nghĩa này loại ra ngoài các pháp thiện ô
nhiễm, do thế lực cường thịnh nên không dung nạp bất cứ cái gì; do đó chúng
không thể bị huân tập.
Do ý nghĩa này, thức
thứ tám của Như lai, vốn là tịnh thức, duy chỉ mang chứa chủng tử cố cựu chứ
không dung nạp sự huân tập mới.
(3) Tính khả huân.
Tính hấp thu. Pháp nào có tính tự tại (tự do), không chặt cứng (như đá) để có
khả năng dung nạp tập khí, pháp đó mới có thể bị huân tập. Ý nghĩa này lọai ra
ngoài tâm sở và vô vi pháp, vì y tha và chặt cứng nên không thể bị huân tập.
(4) Tính cộng đồng
hòa hiệp với năng huân. Pháp nào cùng đồng thời và đồng xứ với cái huân tập,
pháp ấy mới được huân tập. Ý nghĩa này loại ra ngoài tha thân, sát na trước
sau, vốn không có ý nghĩa hòa hiệp nên không thể bị huân tập.
Duy chỉ dị thục thức
có đầy đủ bốn ý nghĩa này mới có thể được huân tập, chứ không phải tâm sở các
thứ.
2. Năng huân
Bốn tính chất của cái
huân tập[5] là gì?
(1) Có tính sinh
diệt. Pháp mà không thường hằng, có tác dụng sinh trưởng tập khí; pháp ấy mới
là năng huân. Điều này loại ra pháp vô vi; nó không thể là năng huân, vì trước
sau không biến đổi, không có tác dụng sinh trưởng.
(2) Có tác dụng ưu
thắng.[6] Pháp có tính sinh diệt mà thế lực tăng thịnh để dẫn sinh tập khí;
pháp ấy mới là năng huân. Điều này loại ra tâm, tâm sở thuộc dị thục[7]; vì thế
lực yếu kém nên chúng không thể là năng huân.
(3) Có tăng giảm.
Pháp có tác dụng ưu thắng, lại có tăng có giảm, duy trì tập khí; pháp ấy mới là
năng huân. Điều này loại trừ pháp thiện viên mãn nới Phật quả; vì không tăng
không giảm nên không thể là năng huân. Nếu nó là năng huân thì không phải là viên
mãn; vì như vậy Phật quả trước sau có ưu có khuyết.
(4) Cùng với sở huân
hòa hiệp mà chuyển. Nếu cùng với cái được huân tập mà đồng thời, đồng xứ, không
tương tức, không tương ly; pháp ấy mới là năng huân. Điều này loại trừ tha
thân, sát na tước sau, vốn không có ý nghĩa hòa hiệp; cho nên nó không phải là
năng huân.
Duy bảy chuyển thức
cùng với các tâm sở của chúng có thế lực, tác dụng nhưng có tăng giảm, đủ bốn
nghĩa này mới có thể nói là năng huân.
Cái năng huân và thức
được huân tập cùng sinh cùng diệt như vậy, ý nghĩa huân tập được xác chứng. Làm
cho chủng tử tăng trưởng trong cái được huân tập, như ướp mùi cho vừng, đó gọi
là huân tập.
Thắc năng huân khi
sinh khởi từ chủng tử, ngay lúc đó nó làm nhân để huân tập trở lại thành chủng
tử. Ba pháp lần lượt,[8] nhân quả đồng thời. Như bấc đèn sinh ngọn lửa. Ngọn
lửa đốt trở lại bấc đèn. Cũng như bó lau, các cọng lau nương tựa lẫn nhân. Nhần
và quả cùng tồn tại trong một thời; điều này không làm đảo lộn lý tính.
Cái năng huân sản
sinh chủng tử; chủng tử phát khởi hiện hành; như nhân câu hữu đạt được quả sĩ
dụng.[9] Chủng tử cùng với đồng loại trứoc sau sinh sản nhau, như nhân đồng
lọai dẫn đến quả đẳng lưu.[10] Cả hai cái này là nhân duyên tính cho kết quả.
Trừ đó ra, các pháp còn lại đều không phải là nhân duyên. Nhưng đặt tên là nhân
duyên, nên biết, đó chỉ là giả thuyết.
Như vậy, đã tóm tắt
các đặc tướng của chủng tử.
[1] Nhiếp luận thích
(TTh) 2 (tr. 328a01): “Luận: Thế nào là huân tập (vāsanā)? …Cái y nơi pháp kia
mà cùng sinh cùng diệt; trong đó nó mang tính chất của nhân để sản sinh pháp
kia; cái đó là sự huân tập. Như vừng được ướp hoa; vừng và hoa cùng sinh cùng
diệt. Vừng mang trong nó cái tự thể làm nguyên nhân cho mùi thơm xuất hiện.
Thích: Y nới các pháp tạp nhiễm kia, cùng sinh cùng diệt, thức a-ại-da sản sinh
pháp kia, là nhân tính của các pháp. Đó gọi là huân tập.”
[2] Sở huân; Skt.
vāsya.
[3] Nhiếp luận thích,
ibid., bản tính của gió là lưu động, không thể mang theo mùi được xông ướp đi
đến một do-tuần. Tinh dầu của hoa chiêm-băc (champaka) có thể mang theo nó mùi
xông ướp xe đên một do tuần.
[4] ibid., không quá
thơm cũng không quá hôi. Như tỏi, vì quá hôi, không thể được xông ướp bằng mùi
khác.
[5] Năng huân; Skt.
vāsaka.
[6] Thuật ký: thắng
dụng có hai: 1. năng duyên thế dụng, loại trừ hững gì là sắc không thể là năng
huân; 2. cường thịnh thắng dụng, loại trừ tâm tâm sở dị thục tức thức thứ tám
và các tâm sở tương ưng.
[7] Di thục tâm tâm
sở: các yếu tố tâm lý hoàn toàn bị chi phối bởi hậu quả của nghiệp quá khứ.
[8] Thuật ký (tr.
310b09): “Ba pháp: Chủng tử và hiện hành làm nhân duyên sản sinh chủng tử mới
nữa.”
[9] Sĩ dụng quả
(puruṣakārahetu). Tì-bà-sa 121 (tr. 630b01): “Pháp mà dược tác thành do bởi
hành vi của con người, pháp ấy được gọi là sĩ dụng quả.” Câu-xá 6 (35a28):
“Pháp mà tác động của nó như hành vi của con người, pháp ấy được gọi là sĩ dụng
quả. Cung như người ta gọi mô0jt loại dược thảo là chân quạ (kākajaṅghā) vì nó
giống chân quạ; hoặc gọi vị tướng quân là voi say vì ông dũng cảm như con voi
say.” Ibid. (tr. 35a27): Nhân câu hữu (sahabhūhetu) va nhân tương ưng
(saṁprayuktaka-hetu) cho kết quả sĩ dụng.
[10] Ibid (tr. 35a26): nhân
đồng loại (sabhāgahetu) và nhân biến hành (sarvatragahetu) cho quả đẳng lưu
(niṣyandaphala). Vì cả hai đều cho quả tương tợ nhân.