Vì sao ngoài thức
không thể có quan niệm về tính thực hữu của các pháp? Vì pháp ngoại tại mà
Ngoại đạo và các Thừa khác quan niệm không được chứng minh là thực hữu.
A. CÁC HỌC THUYẾT
NGOẠI ĐẠO
Vì sao ngã được quan
niệm bởi các ngoại đạo là không tồn tại?
1. SỐ LUẬN
Vã, Số luận[1] cho
rằng ngã là tư[2] thọ dụng 23 pháp gồm Đại[3] các thứ được tác thành bởi
tát-đỏa, lặc-xà, đáp-ma.[4] Đại các thứ tuy là hợp thành của ba sự nhưng là
thực chứ không phải giả, được tiếp nhận bằng hiện lượng.[5]
Chủ trương ấy phi lý.
Vì sao?
i. Về các yếu tố
Các pháp như đại các
thứ được hợp thành[6] bởi nhiều sự, như đoàn quân hay đám rừng,[7] hẵn là giả
chứ không phải thực. Thế thì, làm sao có thể nói chúng được tiếp nhận bằng hiện
lượng?
Lại nữa, các pháp như
đại các thứ, nếu là thực hữu, chúng phải như là bản sự,[8] không phải là hợp
thành của 3 sự.
ii. Về ba đức
ì ba sự, tát-đỏa các
thứ, chính là đại các thứ, tất cũng như đại các thứ, cũng phải do ba sự hợp
thành.[9]
Chuyển biến không
thường hằng,[10] cũng lý luận như trên.
Lại nữa, trong ba bản
sự, mỗi một sự có nhiều công năng[11] nên cũng phái có nhiều tự thể. Vì công
năng và tự thể phải đồng nhất.
Ba tự thể ấy đã là
phổ biến,[12] thì khi một nơi chuyển biến, các nơi khác cũng vậy. Vì tự thể
không dị biệt.
Cho rằng thể và tướng
của ba sự đều dị biệt, thế thì làm sao chúng hòa hiệp để cùng tác thành một
tướng? Không thể nói khi hiệp thì chúng trở thành một tướng, vì tự thể vẫn
không dị biệt với khi chưa hiệp.
Nếu cho rằng thể của
ba sự thì dị biệt nhưng tướng của chúng thì tương đồng, như vậy tự mâu thuẫn
với tông nghĩa của mình vì theo đó thể và tướng vốn đồng nhất. Thể tất phải như
tướng, mặc nhiên là một; tướng cũng phải như thể, hiển nhiên có ba.
Như vậy, không thể
nói ba hiệp thành một.
iii. Ba đức và các
yếu tố
(1) Lại nữa, ba sự là
biệt, đại các thứ là tổng. Vì tổng và biệt là một, cho nên, hoặc không thể là
một, hoặc không thể là ba.
(2) Ba sự này khi
chuyển biến, nếu không hoà hiệp thành một tướng,[13] chúng phải như trước khi
chưa chuyển biến. Vậy, vì sao sắc được nhận thức hiện tiền như là một?[14]
Nếu ba sự hoà hiệp
thành một tướng, chúng phải mất đi tướng dị biệt nguyên thuỷ, và như vậy thể
của chúng cũng mất.
(3) Không thể nói mỗi
ba sự đều có hai tướng, là tổng tướng và biệt tướng. Vì tổng cũng chính là
biệt, như vậy tổng phải là ba, làm sao được thấy như là một?
(4) Nếu cho rằng thể
của ba sự, mỗi sự có ba tướng mà sự hoà hiệp hỗn tạp của chúng khó nhận ra cho
nên được nhận thức như là một:
a. Nhưng, đã có ba
tướng, đâu có thể thấy là một.[15]
b. Và rồi làm sao có
thể biết được có sự dị biệt của ba sự?[16]
c. Nếu mỗi một sự đều
có đủ ba tướng, thế thì mỗi một sự có thể tác thành sắc các thứ, vì sao phải
hội đủ ba sự hoà hiệp chứ không thể thiếu bớt một?
d. Mỗi sự cũng phải
có ba thể, vì thể chính là tướng.
e. Lại nữa, các pháp
như đại các thứ đều do ba sự hiệp thành, sẽ không có sự sai biệt giữa pháp này
và pháp kia, thế thì sẽ không có sự sai biệt giữa nhân và quả; giữa các duy
lượng, các đại, các căn.[17] Nếu vậy, bằng một căn mà có thể tiếp nhận được tất
cả mọi cảnh; hoặc một cảnh có thể được tiếp nhận bởi tất cả các căn. Và như
vậy, nhưng gì được nhận thức trong thế gian, hữu tình và phi tình, các vật tịnh
hay uế, hiện lượng hay tỉ lượng, vân vân, tất cả sẽ không có gì sai biệt. Thế
thì hết sức sai lầm.
Do đó, pháp mà học
thuyết ấy quan niệm là thực hữu chỉ là hiện hữu do suy diễn bởi tưởng tượng cá
nhân thôi.
2. THẮNG LUẬN
Các cú nghĩa,[18]
thực v.v., mà Thắng luận[19] quan niệm, vốn đa thù, thực hữu tính,[20] được
nhận thức bằng hiện lượng.[21]
Quan điểm của phái ấy
phi lý. Vì sao?
1. Tổng phá.
(1)Trong các cú
nghĩa,[22] những cú nghĩa được cho là thường trú,[23] (a) nếu chúng có khả năng
sinh quả,[24] tất phải vô thường, vì có tác dụng; như quả được sinh. (b) Nếu
không sinh quả,[25] chúng không có tự tánh thực hữu tồn tại ngoài thức, như
sừng thỏ v.v.[26]
(2) Những cú nghĩa
được cho là vô thường, (a) nếu có tính chất ngại,[27] tất phải có phương
phần,[28] và có thể bị phân tích, như đoàn quân, khu rừng v.v., không có tính
thực hữu. (b) Nếu không có tính chất ngại,[29] như tâm và tâm sở,[30] tất không
thể ngoài đây[31] mà thực hữu tự tính.
2. Thực và đức.[32]
a. Lại nữa, đất,
nước, lửa, gió mà phái ấy quan niệm không thể là những cái có tính cản ngại được
bao hàm trong cú nghĩa thực,[33] vì được xúc chạm bởi thân căn;[34] như cứng,
ướt, nóng, động.[35]
b. Hoặc, các tính
chất cứng, ướt, nóng, v.v.,[36] mà phái ấy quan niệm không thể là những thứ có
tính không cản ngại được bao hàm trong cú nghĩa đức, vì được xúc bởi thân
căn,[37] như đất, nước, lửa, gió.
c. Ba thực thể đất,
nước, lửa, đối màu xanh các thứ[38] đều được thấy bởi mắt, chuẩn theo đó mà phê
bình.
Do đó biết rằng,
không có thực thể đất, nước, lửa, gió tồn tại với tự tính riêng biệt ngoài cứng,
ướt, v.v., cũng không phải mắt thấy thực thể đất, nước, lửa.
3. Tái nghiệm xét cú
nghĩa.
a. Lại nữa, trong cú
nghĩa thực mà phái ấy quan niệm, những cái thường hằng,[39] có tính cản ngại,
vì thảy đều có tính cản ngại, như đất thô, tất phải là vô thường.
b. Trong các cú nghĩa
khác, các pháp không chất ngại được nhận thức bởi sắc căn[40] tất phải có tính
ngại, vì cho rằng được nhận thức bởi sắc căn,[41] như đất, nước, lửa, gió.
c. Các cú nghĩa không
phải là thực như đức v.v. [42] theo quan niệm của phái ấy tất không có tự tánh
riêng biệt ngoài thức, vì thuộc về phi thực, như con của thạch nữ.
d. Những gì phi hữu,
như thực, v.v.,[43] tất không thể lìa thức mà có tự tính riêng biệt, vì thuộc
về phi hữu, như hoa đốm giữa trời.
4. Phủ định hữu tánh
a. Đại hữu tánh[44].-
Hữu mà phái ấy quan
niệm không thể có tự tánh riêng biệt tách ngoài thức, vì cho rằng phi vô, như
thức, đức, v.v.[45]
Nếu tách rời thực các
thứ tất không phải là hữu tánh, vì được cho rằng dị biệt với thực các thứ, như
cái vô tuyệt đối, v.v.[46]
Cũng như hữu không
phải là vô, không có tự tánh riêng biệt,[47] tại sao thực, v.v., có tự tánh
riêng biệt?
Vậy, hữu tánh ấy chỉ
là sự suy diễn theo tưởng tượng.
b. Đồng dị tánh[48].-
Lại nữa, Thắng luận
quan niệm rằng thực tánh, đức tánh, nghiệp tánh dị biệt với thực, đức,
nghiệp;[49] quan niệm này không hợp lý. Không nên cho rằng đây cũng không phải
là thực tánh, đức tánh, nghiệp tánh, vì bị biệt thực, v.v., như đức, nghiệp,
v.v.[50]
Lại nữa, thực v.v.
không thể được bao hàm trong thực v.v. Vì dị biệt thực tánh v.v. Như đức,
nghiệp, thực.[51]
Địa tánh v.v. đối chiếu thể của địa v.v. để trưng cật lẫn nhau, chuẩn theo trên
mà lập luận.
Cũng như thực tánh
v.v.[52] không khác biệt thực tánh v.v., thực v.v. cũng không khác biệt thực
tánh.
Nếu tách ngoài thực các thứ mà có thực tánh các thứ, thì cũng nên tách ngoài
phi thực các thứ mà có phi thực tánh các thứ.
Trường hợp kia mà có
thể, sao đây lại không thể? Vậy, đồng dị tánh chỉ là khái niệm giả lập.
c. Hòa hiệp cú.-
Cú nghĩa hòa hiệp mà
Thắng luận quan niệm[53] quyết định không phải là thực hữu. Vì được bao hàm
trong các pháp phi hữu, phi thực các các thứ.[54] Như cái tuyệt đối không tồn
tại.
Thắng luận quan niệm
rằng thực các thứ, được nhận thức bằng hiện lượng,[55] theo lý mà suy trưng,
cũng còn không phải là thực hữu, huống gì cú nghĩa hòa hiệp, mà phái ấy cho
rằng không được nhận thức bằng hiện lượng, lại có thể thực hữu?
5. Giải thích của Duy
thức
a. Nhưng, thực v.v.
của Thắng luận không phải là cái đạt được bằng hiện lượng do lấy tự thể thực
hữu ngoài thức làm đối tượng.[56] Vì được cho là sở tri. Như lông rùa các thứ.
b. Lại nữa, trí lấy
thực làm đối tượng không thuộc trí (nhận thức) bằng hiện lượng lấy tự thể của
cú nghĩa thực tồn tại ngoài thức làm đối tượng. Vì phát sinh từ giả hợp.[57]
Như trí (nhận thức) đức v.v. Nói rộng ra, cho đến, trí lấy hòa hiệp làm đối
tượng không thuộc trí hiện lượng lấy làm đối tượng là tự thể của hoà hiệp tồn
tại ngoài thức. Vì phát sinh từ sự giả hợp. Như trí lấy thực làm đối tượng.
Vậy, các cú nghĩa của
Thắng luận, thực v.v., chỉ là những suy diễn do tưởng tượng sai lầm.
3. ĐẠI TỰ TẠI THIÊN
GIÁO[58]
Có thuyết cho rằng có
một vị Đại Tự Tại Thiên mà tự thể là thực, phổ biến, thường hằng, sinh ra các
pháp.
Quan niệm ấy phi lý.
Vì sao? Vì pháp nào mà sinh sản (các pháp khác), pháp ấy tất không phải là
thường hằng. Và vì, cái gì không thường hằng, cái ấy không phổ biến. Cái gì
không phổ biến, cái ấy không chân thật.
Nếu tự thể thường
hằng, phổ biến, sẵn đủ các công năng, tất phải trong mọi thời đồng loạt đột
sinh tất cả mọi pháp. Nếu cần phải có dục và duyên mới sinh sản, thế thì mâu
thuẫn với nhất nhân luận.[59] Hoặc dục và duyên cũng phát nhất thời đột hiện,
vì nguyên nhân luôn luôn hiện hữu.
4. BẢY LUẬN SƯ NGOẠI
ĐẠO
Các thuyết khác chấp
có một Đại Phạm,[60] thời,[61] phương,[62] bản tế,[63] tự nhiên,[64] hư
không,[65] ngã. Những cái này thường trú, thực hữu, đủ các phẩm tính, sinh sản
tất cả các pháp. Chúng cũng bị bác bỏ như trên.
5. THANH LUẬN SƯ[66]
Thuyết khác chủ
trương rằng chỉ riêng âm thanh của Minh luận là thường hằng, là tiêu chuẩn để
biểu thị các pháp.
Thuyết khác cho rằng
tất cả âm thanh đều thường hằng, nhưng cần hội đủ duyên mới hiển hiện hay phát
sinh.[67]
Cả hai thuyết đều phi
lý. Vì sao?
a. Vã, âm thanh của
Minh luận được cho là khả năng biểu thị, tất phải là không thường trú. Như các
thanh khác.
b. Các loại thanh
khác cũng không thể là tự thể âm thanh thưòng hằng, như bình, vải các thứ, vì
cần hội đủ các duyên.
6. THUẬN THẾ NGOẠI
ĐẠO[68]
Có thuyết ngoại đạo
cho rằng cực vi của đất, nước, lửa, gió là thực, thường hằng, sinh thô sắc.[69]
Lượng của thô sắc không vượt qua lượng của nhân,[70] tuy là vô thường nhưng tự
thể là thực hữu.[71]
Thuyết này phi lý. Vì
sao?
a. Cực vi mà phái ấy
chấp nếu có phương phần,[72] như hàng kiến các thứ, tất không phải là tự thể thực
hữu. Nếu không có phương phần, như tâm và tâm sở, tất không thể tụ tập để sinh
quả thô là sắc.
b. Đã có thể sinh
quả, hẵn như các được sinh kia, làm sao có thể nói cực vi là thường trú?
c. Lại nữa, lượng của
quả được sinh không vượt quá lượng của nhân, vậy nó phải bằng như cực vi, không
thể gọi là thô sắc. Và như vậy, sắc của quả ấy tất không thể được nhận thức bởi
căn con mắt các thứ. Như thế thì trái với lập trường của mình.
Nếu cho rằng[73] sắc
quả kết hợp với phẩm tính lượng trong cú nghĩa đức, nên không phải là thô mà
tương tợ như thô, được tiếp nhận bởi sắc căn. Nhưng nếu lượng của sắc quả đã
bằng với lượng của nhân, thế thì nó phải như cực vi, không thể kết hợp với phẩm
tính thô trong cú nghĩa đức. Hoặc cực vi[74] cũng có thể kết hợp với phẩm tính
thô, như thô quả sắc. Vì không có không gian riêng biệt.[75]
d. Nếu cho rằng sắc
quả phổ biến khắp trong nhân của nó, vì nhân không phải là một[76] nên có thể
nói là thô. Thế thì, thể của quả sắc này không thể là một, như nhân sở tại, vì
không gian riêng biệt.[77] Đã thế thì quả ấy không thành thô, và do vậy cũng
không thể được tiếp nhận bởi sắc căn.
e. Nếu nói quả do
nhiều bộ phận hợp thành nên thành thô. Nhiều cực vi làm nhân để kết hợp, thế
thì không phải là vi tế; như vậy đủ thành căn, cảnh, cần gì đến quả? Đã là có
nhiều bộ phận thì không thể là thực hữu. Như vậy, quan điểm của ông trước sau
mâu thuẫn nhau.
f. Lại nữa, quả và
nhân đều có tính chất ngại, tất không thể đồng xứ, như hai cực vi.
Nếu cho rằng thể của
quả và của nhân thiệp nhập nhau, như cát hút nước, như dược liệu hoà tan trong
dung dịch đồng, ai bảo thể của cát và lọ hút nước và thuốc? [Cực vi] hoặc bị
tách rời,[78] hoặc bị biến đổi,[79] không phải nhất thể, không phải thường
hằng.
g. Lại nữa, nếu thể
của thô quả sắc là nhất thể,[80] thế thì khi được một bộ phận cùng là được toàn
thể, vì cái này và cái kia là một. Không chấp nhận thì trái lý. Chấp nhận thì
trái sự.
Do đó, quan điểm ấy
tiến hay thối đều bất thành, chỉ là sự suy diễn theo tưởng tượng sai lầm.
7. TỔNG PHÁ NGOẠI ĐẠO
Các thuyết ngoại đạo
tuy có nhiều phẩm loại, nhưng pháp mà các phái ấy chủ trương không quá 4 khuynh
hướng.[81]
i. Cho rằng thể của
hữu pháp và hữu tánh[82] các thứ[83] quyết định là đồng nhất, như Số luận,
v.v.[84]
Thuyết này phi lý. Vì
sao?
a. Không thể nói tất
cả pháp cũng chính là hữu tánh, vì thảy đều như hữu tánh, không có tự thể sai
biệt. Như vậy mâu thuẫn với quan điểm nói ba đức và ngã có tự thể dị biệt. Và
cũng mâu thuẫn với thế gian, theo đó các pháp sai biệt nhau.
b. Lại nữa, nếu sắc
tức sắc tánh, sẽ không có sự khác nhau của các sắc xanh, vàng các thứ.
ii. Quan niệm thể của hữu pháp và của hữu tánh quyết định dị biệt, như Thắng
luận, v.v.[85]
Thuyết này phi lý. Vì
sao? Không nên nói tất cả pháp không phải là hữu tánh, như vô thể của cái đã
diệt,[86] không thể nhận thức được. Như vậy mâu thuẫn với tự giáo, theo đó tự
thể của thực (cú nghĩa) các thứ không phải không hiện hữu. Và cũng trái với tri
giác hiện thực của thế gian là có vật thể hiện hữu.
b. Lại nữa, nếu sắc
không phải là sắc tánh, thế thì nó như thanh, không phải là đối tượng của con
mắt.
3. Quan niệm hữu pháp
và hữu tánh vừa đồng nhất, vừa dị biệt.[87] Như phái Vô tàm, vv.[88]
Thuyết này phi lý. Vì
sao? Nhất và dị, cũng sai lầm như nhất và dị đã nói trên kia. Và vì hai đặc
tướng mâu thuẫn nhau, thì tự thể của chúng cũng phải khác nhau. Và vì, nhất thể
và dị thể cùng tồn tại thì không thành. Không nên nói tất cả các pháp đều đồng
một thể. Hoặc cái vừa nhất vừa dị chỉ là giả chứ không thực, nhưng quan niệm là
thực thì nhất định không hợp lý.
4. Thuyết thứ tư, quan niệm hữu pháp và hữu tánh v.v. không phải đồng nhất cũng
không phải dị biệt, như pháp Tà mạng.[89]
Thuyết này phi lý. Vì
sao? Phi nhất cũng đồng với dị; phi dị cũng đồng với nhất.
Câu nói “phi nhất dị”
là phủ định hay khẳng định? Nếu chỉ là khẳng định, thì không thể phi bác cả
hai.[90] Nếu chỉ là phủ định, thế thì không có gì được chủ trương.[91] Nếu vừa
khẳng định vừa phủ định, thế thì mâu thuẫn lẫn nhau. Nếu vừa không phải khẳng
định, vừa không phải phủ định, thế thì thành hý luận.
Lại nữa, phi nhất dị
thì trái với nhận thức chung của thế gian là có vật vừa nhất vừa dị;[92] và
cũng mâu thuẫn với tông nghĩa của mình theo đó hữu pháp, sắc v.v., quyết định
thực hữu.
Vậy, những điều phái
ấy nói chỉ là để tránh né sai lầm. Những người có trí không nên nhầm lẫn mà
chấp nhận.
[1] Thuật ký: Số
luận, Phạn âm là Tăng-khư (Skt. Samkhyā), dịch là số, tức trí tuệ số. Do tính
đếm căn bản của các pháp, theo đó mà đặt tên... Người sáng lập là Kiếp-tỉ-la,
phiên âm cũ là Ca-tì-la, dịch là Huỳnh Sắc. Tiểu sử truyền thuyết, xem Kim thất
thập luận 1 (tr.1245a8).
[2] ibid.,
(tr.1245c5): ngã là tri giả (skt. cit, cetana, caitanya, jñā).
[3] Số luận là triết
thuyết nhị nguyên luận, với hai bản thể: Thần ngã (Puruṣa), bản thể tâm linh; và Tự tánh (Prakṛti), bản thể của vật chất. Từ tự tánh, khi
kết hợp với Thần ngã, phát sinh 23 sự thật, theo thứ tự: đại (mahat), ngã mạn
(ahaṃkāra); từ ngã mạn
phát sinh 16 thứ: 11 căn (indriyāni) và năm duy (pañca tanmātrāṇi); từ 5 duy phát sinh 5 đại (pañca
mahābhūtāni); ibid., (tr.1250b30). Trong đó, một nguyên lý duy bản chất là tự
tánh; duy biến thái gồm có 5 đại và 11 căn vì được sinh từ cái khác chứ tự thân
không làm bản chất để phát sinh cái khác; vừa bản vừa biến gồm đại, ngã mạn và
5 duy vì được sinh từ cái khác và cùng phát sinh ra cái khác. Thần ngã phi bản,
phi biến. ibid., (tr.245c90). Tổng thể, có tất cả 25 nguyên lý, từ đó phát sinh
tất cả mọi hiện tượng.
[4] Ba đức (tri-guṇa), 3 yếu tính trong tự tánh (prakṛti). Thuật ký, tát-đỏa (Sk. sattva), dịch là
hữu tình, dũng kiện; lặc-xà (Sk. rajas), dịch là vi (tế), như lông bò, hạt bụi;
đáp-ma (Sk. tamas) dịch là ám, tức ám độn. Ba yếu tính này còn chỉ cho, theo
thứ tự, hỉ, ưu, ám; nhiễm, thô, hắc (đen); vàng, đỏ, đen. Cf. Kim thất thập,
tr. 247c15. Do tỉ lệ hòa hiệp khác nhau của 3 yếu tính này mà xuất hiện các yếu
tố khác nhau.
[5] Kim, ibid. tr.
245c23: có ba công cụ nhận thức: chứng, tỷ và Thánh ngôn. Tức hiện lượng
(pratyakṣa-pramāṇa), nhận thức bởi trực giác; tỷ lượng
(anumāna), nhận thức bằng loại suy hay luận lý học; Thánh giáo lượng (āgama),
nhận thức được truyền bởi Thánh giáo.
[6] Thuật ký: nói là
thành, chứ không nói là sinh, để không trái với tông nghĩa của Số luận.
[7] Thuật ký: không
lấy bình làm thí dụ; vì tuy cũng do nhiều thứ hiệp thành nhưng các thứ này
không rời nhau. Trong khi, đoàn quân do nhiều lính và đám rừng do nhiều cây,
chúng biệt lập nhau.
[8] Như bản sự, như
ba đức nguyên thủy, tức như bản tự tánh.
[9] Trừ Thần ngã và
Tự tánh, 23 yếu tố còn lại đều là hợp thành của ba đức. Kim thất thập (tr.
1247b19): biến dị có 3 đức. Biến dị là đại (mahat), ngã mạn (ahaṃkāra), cho đến 5 đại (mahābhūtāni).
[10] Phản luận, ba đức cũng chuyển biến vô thường như đại các thứ. Nêu mâu
thuẫn ngay trong chủ trương của Số luận. Thuật ký (tr. 253c24): nói chuyển biền
phi thường để tránh lỗi năng biệt bất cực thành, và không có đồng dụ. Vì Số
luận không quan niệm vô thường theo nghĩa hoại diệt, mà theo nghĩa chuyển biến.
Cf. Kim thất thập, tr.1247a28: tự tánh thưòng hằng, ibid., tr. 1247b8: tự tánh
không chuyển biến.
[11] Công năng phát
sinh đại các thứ.
[12] ibid., tr.
1247b1: tự tánh và ngã phổ biến khắp mọi nơi.
[13] ibid.,
(tr.1248a26): ba đức, tự thể, theo thứ tự, là hỷ, ưu, ám; ba tướng: khinh quang
(sáng và nhẹ), trì động (hưng phấn và xung động), trọng phú (nặng nề và mù quáng).
[14] Sắc được thấy
thành ba, thay vì là một, vì có ba tự thể, như ba sự.
[15] Thuật ký
(tr.255a07): như vậy, một đại (mahat) phải được thấy thành 9 thay vì chỉ một,
vì mỗi sự đều có 3 sự.
[16] ibid., (tr.255a13):
Vì tát-đỏa cũng do 3 sự như lặc-xà, nên không thể khác nhau.
[17] Tức 5 duy
(lượng), 5 đại và 11 căn. Xem trên.
[18] Skt. padārtha:
phạm trù (thực tại). Căn bản có 6 (Vaiśeṣika-sūtra): thực (dravya), đức (guṇa), nghiệp (karma), đồng (sāmānya), dị (sādṛśya), hòa hiệp (samavāya). Về sau, chỉnh lý
và triển khai thành 10: 6 cú nghĩa đầu, như trên, thêm 4: hữu năng (śakti), vô
năng (aśkati), câu phần (sādṛśya: tương tợ), vô
thuyết (abhāva). Bách luận và Thành duy thức chỉ đề cập 6. Xem, Thắng tông thập
cú nghĩa luận (T54n2138). Tác giả: Thắng giả Huệ Nguyệt; Hán dịch: Huyền Trang.
Skt. Vaiśeṣika-nikāya-daśapadārtha-śāstra,
bản Phạn thất lạc.
[19] Skt. Vaiśeṣika. Thuật ký 1 (tr. 255b26):
“Phệ-thế-sư-ca, đây dịch là Thắng . Sáng lập lục cú luận, mà không có học
thuyết nào hơn nỗi, nên gọi là Thắng. Hoặc do Thắng nhân sáng lập nên gọi là
Thắng luận.” Vaiśeṣịka-sūtra 1.1: “Mọi
hiện tượng sai biệt (dharmaviśeṣa) phát sinh từ chân
trí, vốn quan hệ với đồng tướng và dị tướng của sáu cú nghĩa.” Bách luận 1
(T30n1569, tr.171b7): “Đệ tử của Ưu-lâu-ca (Skt. Ulūka) tụng kinh Vệ-thế-sư...”
[20] Đa thực hữu
tính, có 2 giải thích: đa phần, hoặc đa thù. Thuật ký: “Nói là đa, để nêu rõ
không phải chỉ một pháp (tức đa thù). Từ ba pháp trở lên được nói là đa. Trong
9 cú nghĩa, 9 cú nghĩa là thực hữu. Cú nghĩa thứ 10 là vô. Đa phần thực hữu nên
nói là đa.” Nghĩa đăng (tr. 689a28): “Trong thực cú, đoàn quân, khu rừng là
giả, như luận đã nói... Những cái đó, một phần ít là giả, còn lại đa phần là
thực.”
[21] Thuật ký, ibid.,
trong 6 cú nghĩa, trừ hoà hiệp, 5 còn lại được nhận thức bởi hiện lượng. Thắng
tông (tr.1263b06): Căn cảnh khi hòa hiệp làm phát sinh nhận thức, đó gọi là
hiện lượng. Các hình thái hiện lượng: 4 hòa hiệp sinh (căn, cảnh, ngã, ý), 3
hòa hiệp sinh (căn, ý, ngã), 2 hoà hiệp (ý và ngã).
[22] Các cú nghĩa,
xem các cht. 111, vv., ở dưới.
[23] Trong 10 cú
nghĩa, 6 thường: đồng, dị, hòa hiệp, hữu năng, vô năng, câu phần. Thực, đức, vô
thuyết, một phần thường, một phần vô thường. Nghiệp, duy vô thường. Trong 9
thực, 5 thường; 4 phân biệt: đất, nước, lửa gió nếu là đại sơ bản, chúng thường
hằng; nếu hợp thể, chúng vô thường. Trong 24 đức, 14 vô thường (giác, lạc, khổ,
dục, sân, cần dũng, pháp, phi pháp, hành, ly, bĩ tánh, thử tánh, thanh, hương).
[24] Trong thực cú, 4
đại sơ bản (đất, nước, lửa, gió), trong đức có 10, và hữu năng, là thường và
sinh quả. 5 cú nghĩa còn lại (đồng, dị, hòa hiệp, vô năng, câu phần), thường
nhưng không sinh quả.
[25] Xem cht. trên.
[26] Thắng luận, cái
tuyệt đối không tồn tại, thuộc cú nghĩa vô thuyết (abhāva, vô thể), là thường
trú. Do đó, dẫn sừng thỏ làm đồng dụ.
[27] Trong thực cú, 4
đại phái sinh (cực vi con), và ý, là vô thường, và có tính chất ngại.
[28] Có phương sở hay
vị trí và phần vị hay thành phần.
[29] 4 trong thực cú
(không, thời, phương, ngã), và 9 cú nghĩa còn lại, không có tính chất ngại. Vô
thường, không chất ngại: gồm toàn phần 14, và một phần 10 trong 24 đức; 5 toàn
phần nghiệp; toàn phần vô thể của cái chưa sinh (prāgabhāva), một phần vô thể
của cái không hội trong cú nghĩa vô thuyết (vô thể).
[30] Tâm, tâm sở, tức
giác, lạc các thứ trong đức cú của Thắng luận, được quan niệm là vô thường,
không chất ngại. Do đó dược dẫn là đồng dụ.
[31] Không ngoài
thức.
[32] Thực cú nghĩa
(dravya-padārtha: phạm trù vật thể hay thực thể) có 9: địa (pṛthivi), thủy (ap), hỏa (tejas), phong
(vāyu), không (ākāśa), thời (kāla), phương (diś), ngã (ātman), ý (manas). Đức
cú nghĩa (guṇa-padārtha), phạm trù
phẩm tính, có 24: sắc (rūpa), vị (rasa), hương (gandha), xúc (sparśa), số (saṃkhyā), lượng (parimāṇa), biệt thể (pṛthaktva), hiệp (saṃyoga), ly (vibhāga), bĩ thể (paratva), thử
thể (aparatva), trọng thể (gurutva), dịch thể (dravatva), nhuận (sneha), thanh
(śabda), giác (buddhi), lạc (sukha), khổ (duḥkha), dục (icchā), sân (dveṣa), cần dũng (prayatna), pháp (dharma), phi pháp (adharma), hành
(saṃskāra).
[33] Thắng tông, (tr.1264a13): trong thực cú, 5 có chất ngại: đất, nước, lửa,
gió và ý; 4 còn lại không chất ngại.
[34] ibid., tr.
(1264a18): 4 có xúc: đất, nước, lửa, gió. Còn lại 5, vô xúc. Vì có xúc, nên nói
là được tiếp nhận bởi thân căn.
[35] Thuật ký
(tr.258c10): cứng, ướt v.v., thuộc xúc trong cú nghĩa đức. Thắng tông, tr.
1263a09, Vaiśeṣika-sūtra 2.1.1: Xúc,
đối tượng được nhận thức bởi da, với 3 trạng thái: lạnh (śīta), nóng (uṣṇa), và không lạnh không nóng (anuṣṇāśīta).
[36] Thuật ký: đây là
các tính chất trong xúc đức. Sūtra 2.1.1: xúc có 3, lạnh (śīta), nóng (uṣṇa), không lạnh không nóng (anuṣṇāśīta).
[37] Thuật ký,
(tr.258c22): theo thuyết Thắng luận, thân căn nhận thức được 11 đức: xúc, số,
lượng, biệt tánh, hiệp, ly, bĩ tánh, thử tánh, dịch tánh, nhuận, thế dụng (tức
hành, saṃskāra).
[38] Vaiśeṣika-sūtra 2.1.1: đất
màu xanh (nīla), nước màu trắng (śveta), lửa màu sáng chói (bhāsvara). Thắng
tông, (tr.1264a20, 21): ba thực thể này có thể thấy bằng mắt. Gió không có màu.
[39] Trong cú nghĩa
thực, bốn đại sơ bản (cực vi cha mẹ) và ý, là thường hằng, hữu ngại. Các đại
phái sinh hay hợp thể (cực vi con), như đất thô, thảy đều vô thường.
[40] Các pháp này,
trong cú nghĩa đức, có 15: sắc, vị, hương, xúc, thanh, số, lượng, biệt thể,
hiệp, ly, bĩ thể, thử thể, trọng thể, dịch thể, nhuận; cùng với nghiệp, đại hữu
(đồng), câu phần.
[41] Thắng tông, (tr.1264a25): 5 trong 9 thực cú là căn, đất; tỉ căn, nước:
thiệt căn, lửa: nhãn căn, gió: bì căn, không: nhĩ căn. ibid., (tr.1263c12): cú
nghĩa đồng, bởi tất cả các căn; tr. 1263c23: trong cú nghĩa câu phần, thực tánh
(dravyatva) được nhận thức bởi nhãn xúc (tr.1263c26); đức tánh (guṇatva) bởi tất cả căn (tr.1263c28); nghiệp
tánh (karmatva), bởi nhãn xúc (tr.1263c29).
[42] Thuật ký (tr.259b04):
trừ thực cú, 8 cú nghĩa còn lại đều phi thực. Thuật ký không kể vô thuyết.
[43] Hán: phi hữu thực đẳng; Thuật ký: “Các cú nghĩa thực v.v. ngoài giác, lạc
các thứ, và không phải hữu tánh.” Sūtra 1.2.7-9: “Nguyên nhân làm phát sinh
khái niệm tồn tại nơi thực, đức, nghiệp, đó gọi là hữu tánh (sattā). Hữu tánh
là nguyên lý ở ngoài thực, đức, nghiệp. Hữu tánh không phải là đức, không phải
là nghiệp, vì nó tồn tại nơi đức, nghiệp.”
[44] Cựu dịch đại hữu
tánh, tân dịch là đồng (cú nghĩa). Skt. sāmānya.
[45] Xu yếu
(tr.622c11), lập luận của Thắng luận: “Hữu tánh có tự tánh riêng biệt tách
ngoài thực cú,v.v. Vì (phái này) cho rằng phi vô. Như đức, nghiệp.” Nhân phạm
lỗi pháp tự tướng tương vi. Cf. Nhân minh nhập chánh lý luận (T32n1630,
tr.12a15); Nhân minh nhập chánh lý luận sớ (T44n1840, tr.112a12).
[46] Tất cánh vô
(atyantābhāva), tuyệt đối không tồn tại, một trong 5 vô thuyết (abhāva). Thuật
ký: từ “đẳng,” kể luôn vị sanh vô (prāgabhāva).
[47] Thuật ký
(tr.259c26) giải thích: “Như hữu tánh không phải là pháp không tồn tại (vô
pháp), hữu tánh không dị biệt cái hữu của hữu tánh; vậy, thực v.v. cũn không
phải là vô, tại sao không có cái hữu riêng biệt?”
[48] Tức dị cú nghĩa
(viśeṣa-padārtha). Thuật ký
(tr. 256c21): “Cựu dịch là đồng dị tánh. Vừa đồng vừa dị, nên nói là đồng dị
tánh.”
[49] Sūtra 1.2.5:
“Thực tánh (dravyatva), đức tánh (guṇatva), nghiệp tánh (karmatva), vừa đồng vừa dị.” ibid.1.2.2:
“Thực tánh, trong đó bao hàm đa số, cho nên nói nó là cái tồn tại ngoài thực.”
Thuật ký (tr. 260a22): “thật tánh, đức tánh, nghiệp támh, tức đồng dị tánh.”
[50] ibid., “Không
nên cho rằng đồng dị tánh này cũng không phải là đồng dị tánh. Tổng lập lượng:
Thực tánh, đức tánh, nghiệp tánh mà các ông quan niệm tất không phải là thực
tánh, đức tánh, nghiệp tánh. Vì dị biệt thực, đức, nghiệp. Như hòa hiệp, v.v.”
[51] Văn lập luận
tổng hợp. Thuật ký phân tích: Thực hẵn không phải là thực. Vì bị biệt thực
tánh. Như đức, nghiệp. Thay chủ từ trong tông chi bằng đức, nghiệp, cũng vậy.
Xu yếu (622c23): trong lập luận của Thắng luận, nhân phạm lỗi hữu pháp tự tướng
tương vi (dharmi-svarūpa-viparita-sādhana). Tức là nói, “Đồng dị tánh quyết
định tồn tại biệt lập ngoài thực (cú nghĩa). Vì dị biệt thực. Như đức, nghiệp.”
[52] Thực tánh
(dravyatva), v.v., tức đồng dị tánh (viśea).
[53] Thuật ký (tr.):
“Thắng luận quan niệm có một pháp thường hằng, chân thật, có tác dụng kết hợp
khiến cho thực các thứ lệ thuộc nhau không phân ly.” Sūtra 7.2.26: Trong quan
hệ nhân quả, nguyên nhân làm phát sinh khái niệm “Cái này tồn tại nơi cái này,”
nguyên nhân đó được gọi là hòa hiệp. Tarkasaṅgraha 75: Hòa hiệp là sự kết hợp thường hằng, tồn tại không thể
phân ly...Như đức với cái có đức là thực, nghiệp với cái có nghiệp là thực.
[54] Phi hữu (asat),
phi thực (adravya): chỉ các thức không thuộc hữu tánh (sattā) tức không tồn
tại, và các thứ không thuộc trong cú nghĩa thực, tức 8 cú nghĩa còn lại trừ vô
thuyết.
[55] Xem cht. 101
trên.
[56] Hán: duyên ly
thức ngoại...Thuật ký (261b08), duyên, chỉ năng duyên là hiện lượng, để bác bỏ
đối tượng được cho là thực hữu tồn tại ngoài thức, chứ không bác bỏ đối tượng
giả hữu ở trong nội thức. Diễn bí (831c14): “Nếu không nói đến từ duyên...phạm
lỗi mâu thuẫn với tông. Vì tự tông và tha tông đều cho rằng tâm (tâm và tâm sở
trong Duy thức; giác, lạc,v.v., trong đức cú nghĩa) đều không tồn tại ngoài
thức.” Thuật ký (tr. 261b16, 20): “Duyên..., để xác định nhóm từ là phức hợp từ
y sĩ (tatpuruṣa-samāsa), chứ không
phải là trì nghiệp (karmadhāraya).”
[57] Giả hợp sanh: nhận thức phát sinh do lấy đối tượng là sự giả hợp của nhiều
thứ, như đại hữu, là hữu tánh của 9 thực; hay các phẩm tính của đức xuất hiện
trên các thực.
[58] Thuật ký (tr.
262a16): “Mạc-hê-y-thấp-phạt-la (Mahāśvara), là Đại Tự Tại Thiên. Nếu trưòng
hoá nguyên âm, đọc là Ma-hê-y-thấp-phạt-la (Māheśvara), là người thờ Tự Tại
Thiên. Giáo thuyết chủ trương nguyên nhân bất bình đẳng...Phái này cho rằng
Pháp thân của vị Trời này là phổ biến, thường hằng, thân lượng như hư không,
không có cư xứ riêng biệt. Thân biến hoá của ông có trú xứ riêng biệt.” Đề-bà
(Ārya-Deva), Ngoại đạo Tiểu thừa Niết-bàn luận (T32n1640, tr.157c23):
“Ma-hê-thủ-la luận sư nói như vầy, quả là cái được tác thành bởi Na-la-diên
(Nārāyaṇa). Phạm thiên là
nhân. Ma-hê-thủ-la là một thể mà có ba phần; đó là, Phạm thiên, Na-la-diên và
Ma-hê-thủ-la. Chúa cõi đất là Ma-hê-thủ-la. Trong ba cõi, tất cả mọi vật có
mạng hay không có mạng thảy đều do Ma-hê-thủ-la thiên sinh. Nơi thân của
Ma-hê-thủ-la, đầu là hư không, thân là đất, nước tiểu là nước, phân là núi, sâu
trũng trong ruột là các loại chúng sinh, mạng là gió, hơi ấm là lửa, nghiệp là
tội phước...Tự Tại Thiên là nguyên nhân của sinh diệt. Tất cả sinh từ Tự Tại
Thiên, diệt do Tự Tại thiên.”
[59] Vì cần hội đủ
nhiều duyên.
[60] ibid.,
(T32n1640, tr.157a11): Luận sư Vi-đà (Veda) nói, từ rốn của Thần Na-la-diên
(Nārāyaṇa) sinh ra một bông
sen lớn. Từ bông sen sinh ra Phạm thiên Tổ ông. Vị Phạm thiên này tạo tác nên
hết thảy các loài có mạng và không có mạng. Từ miệng Phạm thiên sinh ra những
người thuộc giai cấp bà-la-môn; từ hai vai, giai cấp sát-đế-lị; từ hai bắp vế,
tỳ-xá-xà; từ gót chân, thủ-đà-la. Tất cả đại địa là giới trường tu phước. Nơi
đó sinh các loại hoa cỏ làm phẩm vật cúng dường. Lại hoá làm thú rừng, gia súc
các thứ. Nơi giới trường, giết hại chúng để hiến tế Phạm thiên thì được sinh
lên cõi kia gọi là cõi Niết-bàn.”
[61] ibid.,
(tr.158a11): “Thời tán luận sư nói, thời gian chín muồi thì mọi vật lớn lên.
Thời gian tác thành mọi vật. Thời gian làm tan rã mọi vật. Như khi bị trăm mũi
tên mà thời chưa đến thì chưa thể chết. Thời đến thì bị một cọng cỏ chạm vào
cũng chết. Tất cả mọi vật sinh bởi thời, chín muồi bởi thời, tiêu diệt bởi
thời. Không thể vượt qua thời. Cho nên, thời luận sư nói, thời gian là cái
thường hằng, sinh sản mọi vật.” Đại trí độ 1 (tr. 65b11):” Thời kinh nói, thời
đến thì chúng sinh chín muồi; thời gian đi thì hối thúc. Thời khiến cho người
giác ngộ, Cho nên, thời là nhân.”
[62] ibid., (tr.157a3): “Ngoại đạo phương luận sư nói, tối sơ sinh các phương
(diśatā). Từ các phương sinh người đời. Từ người đời sinh trời đất. Trời đất
diệt tận quay về nơi kia gọi là cõi Niết-bàn.”
[63] Skt. pūrvakoṭi. Thuật ký (262c5):
“Bản tế, tức khởi điểm tối sơ, lúc bắt đầu sinh sản hết thảy hữu tình.” Thuật
ký tập thành 7 (T67n1266, tr. 148b13): “Bản tế, tức Bản sinh An-trà luận sư.”
Ngoại đạo Tiểu thừa Niết-bàn luận (T32n1640, tr. 158b02): Ngoại đạo Bản sinh
An-trà luận sư (Pūrvaja-aṇḍakavādin?) nói, khởi
thủy không có mặt trời, mặt trăng, sao, hư không và đất. Khi ấy chỉ có nước phổ
biến. Từ nước sinh ra một đại an-trà (Skt. aṇḍa, quả trứng), như gà con, tròn trịa, màu vàng ròng. Thời gian
chín muồi, quả trứng vỡ làm hai, nửa trên thành trời, nửa dưới thành đất.
Khoảng giữa, xuất sinh Phạm thiên, gọi là Tổ phụ của hết thảy chúng sinh, tác
thành hết thảy loài có mạng và không mạng.”
[64] Thuật ký, ibid.,
có một pháp riêng biệt, là thực, là thường, gọi là tự nhiên, sinh ra hết thảy
pháp. Thuật ký tập thành 7 ibid., tự nhiên, chỉ Vô nhân luận sư (Ahetu-vādin).
Ngoại đạo Tiểu thừa Niết-bàn luận (T32n1640, tr. 158b02): “Ngoại đạo vô nhân
luận sư nói, không nhân, không duyên sinh tất cả mọi vật. Không có nhân cho
nhiễm, không nhân cho tịnh. Như gai nhọn không do ai làm ra; như khổng tước
(chin công) có nhiều màu sắc, không do ai làm ra. Chúng tự nhiên mà có, không
do nhân mà sinh.” Cf. Dīgha i, tr. 53, thuyết luân hồi tịnh hoá (saṃsārasuddhi) của Makkhali-Gosala: natthi hetu
natthi paccayo sattānaṃ saṃkilesāya... natthi hetu natthi paccayo
sattānaṃ visuddhiyā.
[65] Hư không, chỉ
Khẩu lực luận sư. Niết-bàn luận (T32n1640, tr. 158a24): “Ngoại đạo Khẩu lực luận
sư nói, hư không là nguyên nhân của vạn vật. Thoạt kỳ thủy, sinh hư không. Từ
hư không sinh gió. Từ gió sinh lửa. Từ lửa sinh hơi ấm. Từ hơi ấm sinh nước.
Nước đông cứng thành đất. Từ đất sinh các thứ cỏ thuốc. Từ cây cỏ thuốc sinh
ngũ cốc. Từ ngũ cốc sinh mạng. Loài có mạng sau khi ăn, chết, quay trở về hư
không; đó gọi là Niết-bàn.”
[66] Thuật ký (tr.
262c24): “Bà-la-môn chủ trương âm thanh của Minh luận là thường hằng. Minh
luận, trước kia nói là Vi-đà luận 韋陀論 (Veda). Nay nói là Phệ-đà luận 吠陀論.” Thanh thường trú
luận (nityaśabdavāda) là chủ trương của phái Mimāṃsa, theo đó, âm thanh của các từ ngữ của Thánh điển Veda là
những bản thể thường hằng.
[67] Hán: hiển phát;
Skt. abhivyati và sphoṭa, chỉ thanh hiển
luận (śabdābhivyakti-vāda) và thanh sinh luận. Lý môn luận thuật ký (T44n1839,
tr.78b5), Nhập chánh lý luận sớ 1 (T44n1840, tr.108a27): thanh minh luận có
hai; một, thanh phát sinh từ các duyên nhưng bất diệt; hai, thanh chỉ hiển hiện
tùy theo duyên, nhưng vốn không sinh không diệt.
[68] Cf. Pháp hoa 5:
“Chớ thân cận ... lộ-già-da-đà, nghịch lộ-già-da-đà..” Sad. xiii, na ca
lokāyatamantradhārakān na lokāyatikā sevete, không học tập kinh chú thế tục,
không thân cận những người lokāyatika.
[69] Bách luận thích
2 (T30n1571, tr.195c15): “Thuận thế ngoại đạo (Lokāyatika) nói rằng, các pháp
và tự ngã đều lấy đại chủng làm tự tánh. Ngoài bốn đại chủng, không tồn tại vật
gì cả. Chính bốn đại hiệp thành tự ngã và các pháp nội ngoại, thân, tâm. Chỉ có
đời này, không có đời sau.”
[70] Thắng luận, cf.
Vaiśeṣika-sūtra 2.14.18: 2
cực vi (paramāṇu) sơ bản, gọi là cực
vi cha mẹ, từng đôi một kết hợp thành một cực vi con, hay vi thể cấp hai (dvyaṇuka). Lượng của vi thể con bằng với lượng
cực vi cha mẹ. Hai vi thể con kết hợp thành vi thể cấp ba (tryaṇuka).
[71] Thắng luận và
Thuận thế đều quan niệm cực vi là viên thể thường trú (nityaṃ parimaṇḍalam).
[72] Phương phần hay phương giác, Skt. dig-bhāga. Câu-xá 2 (T29n1558,
tr.11c28), cực vi có phương phần hay không? Duy thức nhị thập luận (T31n1590,
tr.76a17): Cực vi có phương phần, là có 6 phương giác khác nhau, không thành
nhất thể. Cf. Viṃśatika 14.
[73] Phê bình riêng
Thắng luận.
[74] Chỉ cực vi sơ
bản.
[75] Cực vi sơ bản và
vi thể phát sinh có dung lượng tương đẳng, cùng chiếm cứ trong một điểm không
gian, chúng thiệp nhập lẫn nhau.
[76] Vì do 2 cực vi
hợp thành.
[77] Nhân, tức 2 cực
vi sơ bản ở tại 2 điểm khác nhau.
[78] Nước (dụ vi thể
phân tử) không thấm vào cát (dụ cực vi sơ bản), mà chảy lọt giữa hai hạt
cát.
[79] Thuốc không hoà tan vào hai cực vi đồng, mà xúc tác giữa chúng.
[80] Cf. Duy thức Nhị
thập luận: Cf. Viṃśatika 15.
[81] Đề-bà (Āryaḍeva), Ngoại đạo Tiểu thừa tứ tông luận
(T32n1639, tr.155a18): “Có 4 tông pháp không phải là Phật pháp: tất cả pháp là
nhất (nhất thể luận), dị (dị thể luận), câu, và bất câu.” Tông pháp thứ nhất là
của Số luận (Tăng-khư). Thứ hai, Thắng luận (Tỳ-thế sư). Thứ ba, Ni-kiền tử
(Nirgrantha). Thứ tư, Nhã-đề tử (Jñātiputra).
[82] Hữu pháp (Skt.
saddharma), pháp hiện hữu; hữu tánh (Skt. sattā), lý tính của pháp hiện hữu.
Diễn bí (tr. 833c5): đây không phải đồng dị tánh của Thắng luận. Có hai giải
thích: 3 đức là hữu tánh; 23 đế là đồng dị tánh. Hoặc, hữu tánh là lý tánh của
tất cả 25 đế. Nhưng 25 đế đều dị biệt, đó là đồng dị tánh. Cf. Đề-bà, ibid.,
(tr. 155a29): “Tăng-khư nói, ngã (puruṣa) và giác (buddhi), hai pháp là một, vì không thể nắm bắt được
sự sai biệt của hai đặc tướng.”
[83] Hán: hữu đẳng
tánh; Thuật ký, ibid., từ đẳng, chỉ đồng dị tánh (samāyna-viśeṣatva).
[84] Số luận đẳng,
Thuật ký (tr.265b04): Trong nội bộ của Tăng-khư (Saṃkhyā) phân thành 18, do đó nói là đẳng. Từ
đẳng cũng có thể chỉ các phái khác có chủ trương như vậy.
[85] Đề-bà, ibid.,
chủ trương nhất thiết pháp dị của Tỳ-thế sư.
[86] Một trong 5 vô
thuyết (vô thể) của Thắng luận. Skt. pradhvaṃsābhāva.
[87] Đề-bà, ibid.,
chủ trương của Ni-kiền tử, nhất thiết pháp câu, vừa đồng nhất vừa dị biệt, như
tấm lụa trắng; lụa và trắng vừa là nhất thể vừa là dị thể. Tức xu hướng khả dĩ
luận (syād-vāda) của Kỳ-na giáo, khả dĩ vừa tồn tại, khả dĩ vừa không tồn tại.
[88] Vô tàm, đây chỉ
cho phái Ni-kiền tử. Thuật ký (tr. 265c27): “Ni-kiền tử, dịch là Ly hệ; nghĩa
là tách lìa sự hệ phược của tam giới. Cũng gọi là Vô tàm, vì tu hành lõa thể,
nên Phật pháp chê là không biết hỗ thẹn.” Cũng có khi chỉ cho Ca-la-cưu-đà
Ca-chiên-diên (Kakuda-Kātyāyana), một trong 6 tôn sư ngoại đạo thời Phật. Cf.
Đại bát-niết-bàn kinh 19.
[89] Thuật ký, ibid.,
“Tà mạng, Phạn âm là A-thì-phược-ca (Skt. ājīvika), dịch đúng là Chánh mạng.
Nhưng Phật pháp chê là tà mạng, sinh hoạt không chân chánh.”
[90] Song phi: phủ
định kép, vừa không phải nhất vừa không phải dị. Thuật ký: song phi thì không
phải là khẳng định. Như nói, “thạch nữ không có con trai cũng không có con
gái.” Hán: vô nhi vô nữ. Diễn bí (tr. 834a03): “Nói vô nhi thì đã biết là thạch
nữ rồi, cần gì nói thêm vô nữ?” Tức là hiểu “vô nhi” là “không con cái.” Như
vậy thiếu một hạng từ, không thành phủ định kép.
[91] Thuật ký: có một
quan điểm, tức có khẳng định. Như nói, “Thạch nữ không có con trai cũng không
có con gái.” Không thể nói tất cả chỉ là phủ định, hoàn toàn không khẳng định
một điều gì. Thế thì, có gì để tranh luận?
[92] Nhất dị vật,
Thuật ký: màu xanh là nhất thể với vật xanh, nhưng dị thể với màu vàng.