Triết học
Luận Thành Duy Thức
Thích Tuệ Sỹ
05/11/2554 07:04 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

1. TỔNG THÍCH

Hành tướng[1] và sở duyên của thức này như thế nào? 

Tụng nói: không thể biết sự chấp thọ, xứ, liễu của nó.[2]

Liễu[3] tức liễu biệt. Đó là hành tướng, vì thức lấy sự liễu biệt làm hành tướng.

Xứ,[4] tức xứ sở. Đó là khí thế gian;[5] vì là y xứ của các hữu tình.

Chấp thọ[6] có hai; đó là các chủng tử và thân có căn.[7] Các chủng tử là tập khí của tướng, danh và phân biệt.[8] Thân có căn là các căn thuộc sắc và y xứ của căn. Cả hai cái này được chấp thọ bởi thức, được nhận làm tự thể của thức, vì cùng chung an, nguy.

Chấp thọ và xứ đều là sở duyên.

2. HÀNH TƯỚNG

Thức a-lại-da, do ảnh hưởng của nhân duyên, khi tự thể sinh, bên trong biến thái thành chủng tử và thân có căn, bên ngoài biến thái thành khí mãnh (tự nhiên giới). Rồi nó lấy ngay những gì được biến thái đó làm sở duyên và hành tướng, dựa vào đó mà sinh khởi. Trong đó, liễu (biệt) chỉ cho hoạt dụng cá biệt của thức dị thục đối với sở duyên (đối tượng) của nó. Hoạt dụng liễu biệt này được xem là thuộc kiến phần.

i. Hai phần.[9] Nhưng, thức hữu lậu, khi tự thể của nó sinh khởi, xuất hiện với đặc tướng tương tự sở duyên và năng duyên. Pháp tương ưng với nó,[10] nên biết, cũng vậy.

Đặc tướng tương tự sở duyên là thuyết minh tướng phần. Đặc tướng tương tự năng duyên là thuyết minh kiến phần. 

Nếu tâm, tâm sở không có đặc tướng sở duyên, chúng không thể vươn đến cảnh vực sở duyên cá biệt của mình.[11] Hoặc, trái lại, từng cái cá biệt có thể vươn đến tất cả. Vì cảnh vực cá biệt của riêng nó cũng như của những cái khác; và của những cái khác cũng như của nó vậy.

Nếu tâm, tâm sở không có đặc tướng năng duyên, chúng không thể vươn đến cái gì, như hư không chẳng hạn. Hoặc, nếu không thế, hư không cũng là cái năng duyên.

Cho nên, tâm và tâm sở tất có hai tướng. Như Khế kinh nói,[12] “Tất cả chỉ có giác. Nghĩa sở giác hoàn toàn không. Các phần năng giác và sở giác chuyển vận một cách tự nhiên.”[13]

ii. Ba phần. Những vị[14] quan niệm cảnh sở duyên tồn tại ngoài thức nói rằng ngoại cảnh là sở duyên, tướng phần được nói là hành tướng,[15] kiến phần được nói là sự,[16] vì đó là tướng của tự thể của tâm và tâm sở.

Tâm và tâm sở đồng chung sở y và sở duyên nên hành tướng của chúng tương tự.[17] Số của sự tuy bằng nhau[18] nhưng tướng khác biệt nhau, vì đặc tướng của thức, thọ, tưởng, v.v., đều khác nhau. Khi thức nhận thức được cảnh sở duyên không phải ở bên ngoài thức, khi ấy tướng phần được nói là sở duyên, kiến phần là hành tướng. Tự thể (của thức) làm sở y cho tướng và kiến được gọi là sự; đó tức là tự chứng phần.[19] Nếu không có phần này, tâm và tâm sở pháp không tể tự hồi ức, như không thể hồi ức những cảnh chưa từng được trải qua.[20]
Tâm và tâm sở có chung căn[21] làm sở y; sở duyên của chúng tương tự, nhưng hành tướng thì khác biệt, vì các hoạt dụng nhận thức (liễu biệt), lãnh nạp (cảm thọ) thảy đều khác nhau.[22] Số của sự tuy bằng nhau nhưng tướng thì mỗi thứ mỗi khác, vì thể của thức, thọ, v.v. đều có sự sai biệt.

Nhưng mỗi một tâm và tâm sở khi sinh khởi, suy cứu theo lý, thảy đều có ba phần, vì đối tượng nhận thức (sở lượng), chủ thể nhận thức (năng lượng) và kết quả của nhận thức (lượng quả)[23] vốn khác biệt nhau, và vì tướng và kiến tất phải có tự thể làm sở y. Như già-tha trong Tập lượng luận nói, “Đối tượng nhận thức (sở lượng) là tướng của cảnh tương tự.[24] Chủ thể tiếp nhận tướng, và chủ thể tự chứng, tức chủ thể nhận thức (năng lượng) và kết quả nhận thức. Tự thể của ba cái này không riêng biệt.”[25]

iii. Bốn phần. Lại nữa, nếu phân tích kỹ, tâm và tâm sở phải có bốn phần. Ba phần, như đã nói trên. Sau cùng có phần thứ tư, chứng tự chứng phần. 

Nếu không có phần này, cái gì chứng biết phần thứ ba? Phần của các tâm đã đồng,[26] vậy cần phải được chứng biết. Lại nữa, phần tự chứng sẽ không có quả (nếu không có phần thứ tư). Các phán đoán nhận thức (năng lượng) đều phải có quả. Kiến phần không thể là quả của phần thứ ba. Vì cũng có khi kiến phần thuộc phi lượng.[27] Do đó kiến phần không chứng tri phần thứ ba. Vì chứng tri tự thể chính là hiện lượng.[28]

Trong bốn phần này, hai phần đầu thuộc ngoại giới; phần sau thuộc nội tại. Phần thứ nhất chỉ là sở duyên (đối tượng). Ba phần sau gồm cả hai (vừa là đối tượng, vừa là chủ thể). Theo đó, phần thứ hai chỉ vin đến phần thứ nhất như là đối tượng. Nó có thể là lượng hay phi lượng; là hiện lượng hay tỷ lượng. Phần thứ ba là chủ thể vin đến phần thứ hai và phần thứ tư như là đối tượng. Phần chứng tự chứng chỉ vin đến phần thứ ba như là đối tượng. Nó không vin đến phần thứ hai, vì vô dụng. Phần thứ ba và phần thứ tư đều thuộc hiện lượng. Như vậy, tâm và tâm sở được hợp thành bởi bốn phần, đủ cả đối tượng sở duyên và chủ thể năng duyên, không phạm lỗi vô cùng,[29] không phải tương tức, không phải tương ly. Lý Duy thức như vậy được chứng minh.

Cho nên, già-tha trong Khế kinh nói, “Tâm chúng sinh lưỡng tính,[30] nội ngoại tất cả phần, quấn chặt[31] sở năng thủ, thấy sai biệt đa thù.”[32] 

“Ý bài tụng này nói, tâm tính của chúng sinh được hợp thành bởi hai phần, hoặc ngoại hoặc nội,[33] thảy đều bị quấn chặt bởi năng thủ và sở thủ, do đó đủ mọi hình thái, với nhiều phần sai biệt, hoặc lượng hay phi lượng, hoặc hiện lượng hay tỷ lượng.”[34]

Trong đoạn này, nói “thấy” (kiến) tức chỉ cho kiến phần.

iv. Quan hệ các phần. Bốn phần như vậy hoặc được thâu tóm thành ba, tức phần thứ tư được coi như là phần tự chứng. Hoặc bốn phần tóm lại thành hai, vì cả ba phần sau đều có tính chất năng duyên nên được coi như là kiến phần. Ở đây nói kiến, tức có nghĩa là năng duyên.

Hoặc bốn phần tổng quát thành một, vì thể của chúng không dị biệt. Như già-tha trong Nhập Lăng già nói, “Do tự tâm chấp trước, tâm chuyển biến thành ảnh tợ ngoại cảnh. Cái được thấy kia không thực hữu, cho nên nói duy tâm.”[35] 

Như vậy, rải rác nhiều nơi, duy nhất tâm được nói đến. Từ nhất tâm này cũng gồm luôn cả tâm sở. Do đó, hành tướng của thức chính là liễu biệt. Mà liễu biệt chính là kiến phần của thức.
3. SỞ DUYÊN

i. Xứ: thế giới ngoại tại.

Nói là xứ, đó là thức dị thục, do ảnh hưởng của sự thành thục của chủng tử cộng tướng,[36] biến thành tợ sắc các thứ, thành khí thế gian, tức các đại chủng ngoại tại và các sắc sở tạo. Mặc dù sở biến của các hữu tình hoàn toàn khác biệt nhau, nhưng tướng trạng của chúng tương tự, và xứ sở không khác;[37] như nhiều ánh đèn giao thoa nhau toàn diện tương tự như là một.

Nhưng, dị thục thức của ai[38] biến thái thành các tướng trạng ấy?

1. Có thuyết nói, tất cả.[39] Vì sao? Khế kinh nói, “(thế giới) xuất hiện do ảnh hưởng cộng đồng bởi lực tăng thượng của nghiệp của tất cả hữu tình.”[40]

2. Thuyết khác nói rằng,[41] nếu thế, chư Phật Bồ tát hẳn phải thật sự biến hiện thành cõi tạp uế này. Trái lại, các hạng dị sinh thật sự biến hiện thành các cõi thanh tịnh vi diệu ở phương này hay phương khác. Lại nữa, các Thánh giả vốn nhàm chán cõi hữu sắc để sinh cõi vô sắc,[42] tất không tái sinh cõi dưới này, vậy sự biến thái thành cõi này có mục đích gì?

Nhưng, các loài đang tồn tại ở đây và sẽ tái sinh vào đây, dị thục thức của các hạng ấy biến thái thành thế giới này. Kinh dựa trên phần nhỏ mà nói là tất cả.[43] Các nghiệp đồng nhau đều cùng chung biến thái.

3. Có thuyết nói, nếu vậy, khi khí thế gian sắp hoại diệt ở đây không có loài đang tồn tại và sắp tái sinh đến, vậy dị thục thức của ai biến thái thành thế giới này? 

Lại nữa, các dị sinh chán hữu sắc mà sinh vô sắc, hiện không có thân thuộc sắc, sự dự định biến thái thành cõi này có mục đích gì? Giả sử có thân thuộc sắc,[44] nhưng cùng với giới địa khí thế gian khác vốn quá cách biệt nhau về sự thô và tế, không y tựa lẫn nhau, duy trì lẫn nhau, vậy thì ở đây sự biến thái ấy có ích gì cho loài ở cõi kia? 

4. Tuy nhiên, thế giới do biến thái ấy nguyên lai vì mục đích duy trì và thọ dụng cho sắc thân. Cho nên, nếu có khả năng để duy trì và thọ dụng cho thân thì cõi ấy được biến thái thành. Do vậy, giả sử có tái sinh ở phương khác hay ngay chính giới địa này, thức ấy vẫn có thể biến thái thành cõi này.[45] 

Vậy, khí thế gian sắp hoại diệt hay bắt đầu sáng thành,[46] tuy không có hữu tình nhưng vẫn hiện hữu.

Đó là nói, tất cả cùng thọ dụng chung.[47] Nếu thọ dụng riêng biệt, chuẩn theo đây mà biết. Vì cái thấy của loài quỷ, loài người và chư thiên khác nhau.

2. Chấp thọ: đối tượng nội giới.

Các chủng tử,[48] chỉ cho chủng tử của tất cả pháp hữu lậu được duy trì bởi thức dị thục. Các chủng tử này được bao hàm trong tự tính của thức nên chúng cũng là sở duyên của thức.

Chủng tử của pháp vô lậu tuy y tựa thức này nhưng không cùng tính chất với nó nên không phải là sở duyên. Tuy không phải là sở duyên, nhưng không tương ly. Như Chân như tính không trái với duy thức.[49]

Thân hữu căn, đó là căn thuộc sắc và y xứ của căn mà thức dị thục, do ảnh hưởng bởi sự thành thục của chủng tử cộng tướng, biến thái thành ảnh tợ; tức sắc sở tạo và đại chủng nội tại. Và cũng ảnh hưởng bởi sự thành thục của chủng tử cộng tướng, nó cũng biến thái thành ảnh tợ nơi tha thân. Nếu không thế, sự thọ dụng nơi tha thân trở thành vô nghĩa.[50] 

Trong đây, có giải thích nói nó cũng biến thái thành ảnh tợ căn. Biện trung biên nói, “Xuất hiện ảnh tợ như là năm căn của tự thân và tha thân.”[51]

Giải thích khác nói,[52] duy chỉ có thể biến thái thành tợ ảnh là y xứ;[53] vì căn của tha thân không phải là sở dụng của tự thân. Điều [mà Biện trung biên] nói, “Xuất hiện ảnh tợ như là năm căn của tự thân và tha thân,” đó là nói tự thức và tha thức tự biến riêng biệt. Vì vậy, khi tái sinh vào địa giới khác hay nhập Bát-niết-bàn, thi hài còn lại của vị ấy vẫn được thấy còn tiếp nối tồn tại.

4. BIẾN THÁI ĐẶC BIỆT

Trên đây đã nói về sai biệt của địa giới, nội thân, ngoại giới, được biến thái bởi ảnh hưởng của nghiệp. Nếu là giới địa, thân, khí (ngoại giới) được biến thái bởi các lực,[54] định lực v.v., tự và tha không xác định.

Thân và khí được biến thái phần lớn hằng tương tục. Thanh và ánh sáng, v.v.,[55] được biến thái phần lớn là tạm thời; vì chúng được kích phát bởi lực của hiện duyên.

Nói một cách tóm tắt, cảnh biến thái bởi thức này là chủng tử hữu lậu, 10 xứ thuộc sắc,[56] và sắc thật được biến hiện thuộc pháp xứ.[57]

Vì sao thức này không biến thái thành ảnh tợ như tâm và tâm sở các thứ[58] để làm sở duyên? Tóm tắt, sự biến thái của thức hữu lậu có hai loại: 1. biến tùy theo thế lực của nhân duyên;[59] 2. biến tuỳ theo thế lực của phân biệt.[60] Biến thứ nhất tất có tác dụng. Biến thứ hai chỉ là cảnh vực.[61] Sự biến thái của dị thục thức chỉ tùy theo nhân duyên; sắc các thứ được biến thái (bởi thức này) tất có tác dụng thực tiễn. Nếu nó (di thục thức) biến thái thành tâm các thứ tất không có thật dụng, bởi vì tâm như là tướng phần (đối tượng) thì không thể duyên (như là chủ thể).[62] Những gì có nhu cầu về hoạt dụng thực tiễn từ thức này[63] thì đặc biệt từ nó được sản sinh. 

Nếu nó biến thái thành vô vi các thứ;[64] vô vi, v.v., không có tác dụng thực tiễn.[65] Cho nên, thức dị thục không vin vào tâm các thứ để làm đối tượng.

Cho đến trạng thái vô lậu, nó tương ưng với huệ ưu việt, tuy vô phân biệt nhưng vì trừng tịnh, nên giả sử vô vi v.v.. không có tác dụng thực tiễn nó vẫn biến hiện ảnh tợ của chúng.[66] Nếu không thế, chư Phật tất không phải là biến tri.[67] 

Cho nên, trong trạng thái hữu lậu, thức dị thục này chỉ duyên khí (thế gian), thân, và chủng tử hữu lậu. Tại Dục giới và Sắc giới, đủ cả ba sở duyên.[68] Trong Vô sắc giới, vin vào chủng tử hữu lậu làm đối tượng. Vì ở đây do nhàm chán sắc nên không tồn tại sắc như là kết quả của nghiệp, mà tồn tại sắc như là kết quả của định. Điều này không mâu thuẫn với lý tính. Thức này cũng duyên vào sắc (quả của định) ấy làm đối tượng.

5. BẤT KHẢ TRI

Nói “không thể biết”[69] vì hành tướng của thức này cực kỳ vi tế nên rất khó để nhận thức. Hoặc, sở duyên của nó là cảnh được chấp thọ nội tại cũng vi tế, và lượng[70] của khí thế gian ngoại tại rất khó ước lượng; do đó nói là “không thể biết.”

Vì sao hành tướng của cảnh sở duyên là đối tượng mà thức này tiếp nhận lại rất khó biết?[71] Thì cũng như trong diệt tận định, thức không rời thân.[72] Và cũng nên tin là có.[73]

Cố nhiên, cần phải thừa nhận rằng trong diệt tận định thức vẫn tồn tại, vì (vị nhập định) vẫn thuộc về hữu tình. Như trong trạng thái hữu tâm.[74]

Trong các trạng thái vô tưởng,[75] nên biết, cũng vậy.

[1] Skt. ākāra, hình thái (hoạt động). Nghĩa đăng (tr. 723a15): “hành nơi tướng, mang theo tướng mà hành, nên gọi là hành tướng. 行於相故帶相行故名行相. Thuật ký (tr. 315b27): “Tướng, hoặc tướng của cảnh 境相; vậy, hành nơi tướng của cảnh nên gọi là hành tướng. Hoặc tướng trạng 相狀, vậy hành nơi tướng trạng của cảnh nên nói là hành tướng.”

[2] 不可知執受  處了常與觸.Cf. Chuyển thức luận (tr.61c13):相及境不可分別一體無異, tướng và cảnh, không thể phân biệt; nhất thể, không dị biệt. Skt. asaṃviditakopādisthānavijñaptikaṃ ca tat/ Tib. de ni len pa dag daṅ gnas/ rnam par rig pa mi rig te/ Teramoto: không thể biết sự chấp thọ, và sự liễu biệt về xứ của nó. H. H. Jacobi: in ihm bleibt sowohl das Material (upādi) wie die Präsentation eines Standorts unbewußt. Các bản này đều đọc: asamviditopādi/(asaṃviditaka)sathānavijñaptika; nghĩa là, trong bản Hán, đọc là: bất khả tri chấp thọ, và bất khả tri xứ-liễu. Trong các bản dịch này, sthānavijñapti được hiểu là hoạt động nhận thức của A-lại-da về y xứ của nó. Hoạt động ấy không thể biết được. Đây là hiểu theo giải thích của Sthiramati: asaṃviditaka upādir yasmin asaṃviditakāvasthāvijñaptir yasmin tad ālayavijñānam asaṃviditakopādisthānavijñaptikaṃ. Trong thức A-lại-da, chấp thọ (upādi) của nó là bất khả tri, và nhận thức về y xứ của nó cũng bất khả tri. Về xứ liễu biệt, Sthiramati giải thích: sthānavijñaptir bhājanalokasaṃniveśavijñaptiḥ; nhận thức về (biểu hiện) y xứ, đó là nhận thức (biểu hiện) về vị trí của khí thế gian.

[3] Skt. vijñaptika, hình dung từ, thuộc về vijñapti (biểu hiện, biểu thị, hiển thị). Trong bản Hán, nó được hiểu như là danh từ.

[4] Skt. sthāna. Giải thích của Sthiramati, xem cht. 2 trên. 

[5] Skt. bhājana, thế giới như là khí mãnh, như là cái bát để chứa đựng.

[6] Skt. upādi. Sthiramati: upādānam upādiḥ sa punar ātmādivikalpavāsanā rūpādidharmavikalpavāsanā ca, chấp thọ tức thủ (chấp thủ, trong thủ uẩn). Nó là tập khí của phân biệt ngã chấp và tập khí của phân biệt pháp chấp. upādi được dùng trong từ phức hợp: sa-upādi-śeṣa-nirvāṇa, hữu dư y niết-bàn; Đại tỳ-bà-sa 32 (tr. 167c13): “Thế nào là hữu dư y niết bàn giới? A-la-hán đã đoạn tận các lậu, nhưng thọ mạng vẫn còn, dòng tương tục của sắc do đại chủng tạo vẫn chưa bị cắt đứt, dòng tương tục của tam y nơi thân của năm căn mà chuyển…” Theo giải thích này, upādi được hiểu là căn bản của sự sống, hay sinh y, là năng lực duy trì dòng tương tục của căn thân không để đứt đoạn. Xem thêm cht. 7 tiếp theo. Thuật ký (tr. 315c11): “Chấp, nghĩa là nhiếp trì 攝義持義 (thâu tóm và duy trì). Thọ, nghĩa là lãnh thọ và giác tri 領義覺義. Thâu tóm vào tự thể, duy trì không để hủy hoại. cọng đồng an nguy là lãnh thọ, để làm phát sinh cảm giác. Do đó, nói là chấp thọ.” Giải thích này hiểu chấp thọ là upatta, trong từ phức hợp upatta-mahābhūta, (hữu) chấp thọ đại chủng, chỉ vật chất hữu cơ, có khả năng phát sinh cảm giác.

[7] Hữu căn thân 有根身, Skt. sendriya-kāya. Câu-xá 10 (tr. 55c05): “Sở y (āśraya) là thân có căn được nuôi dưỡng bởi thức ăn vật chất (đoàn thực).” Sthiramati: āśrayopādānaṃ copādiḥ, āśraya ātmabhāvaḥ sādhiṣṭthānam indriyarūpaṃ nāma ca; “Lại nữa, chấp thọ là chấp thủ sở y. Sở y là tự thể (thân thể, Tib. lus) cùng với y xứ của nó là danh và sắc (gồm các căn).”

[8] Năm pháp (pañcadharmāḥ) của Lăng-già: tướng (nimitta), danh (nāma), phân biệt (vikalpa), như tính (tathātā), chính trí (samyagjñāna). Hai pháp sau là vô lậu, không đề cập trong đây, vì không là đối tượng của A-lại-da thức.

[9] Thuật ký: An Huệ và các Luận sư Đại thừa thời cổ phần nhiều chủ trương chỉ có tự chứng phần của thức; không có kiến và tướng phần. Đoạn này, từ đây trở xuống lập hai phần, phê bình thuyết một phần của An Huệ.

[10] Chỉ các tâm sở. Thuật ký: An Huệ và Chính lượng bộ cho rằng các tâm sở không có sở duyên tướng nhưng vẫn được gọi là duyên. Nghĩa là, khi các tâm sở duyên đến các đối tượng,,ảnh tượng không xuất hiện trên chúng. Quan diểm này bị bác bỏ trong đoạn tiếp theo. Xem cht. 11.

[11] Bác An Huệ và Chính lượng bộ. Thuật ký lập 2 nhân minh lượng để giải thích. 1.Tông: Tâm, tâm sở, khi duyên đối tượng màu xanh mà trên chúng không ghi tướng mạo của đối tượng (sở duyên), (tâm và tâm sở ấy) không thể duyên đến đối tượng của chính tâm đang hiện khởi (hoạt động). Nhân: vì được cho rằng không có tướng sở duyên. Dụ: Như các đối tượng không được duyên đến. (Vì ảnh tượng của các đối tượng này không xuất hiện trên thức). 2. Tâm mà những khi khác tôi duyên đến thanh nay cũng có thể duyên đến sắc (hiện tại). Vì được cho rằng không có sở duyên. Như tâm hiện nay duyên đến xanh các thứ.

[12] Thuật ký: dẫn kinh Hậu nghiêm.

[13] Bài kệ này cũng được thấy trong kinh Mật nghiêm, Bất Không dịch, quyển trung (T16n682, tr. 757a14); cùng tên kinh, Địa-bà-ha-la dịch, quyển trung, T16n681, tr. 731c24.

[14] Thuật ký: Trừ Đại chúng và Chính lượng, còn lại 17 bộ phái khác. Vì hai bộ này chủ trương tâm có thể lấy ngay chính nó làm đối tượng, cũng gần như nhận có tự chứng phần của thức. Cf. Tỳ-bà-sa 9 (tr. 42c12): Đại chúng bộ nói, tâm và tâm sở nhận thức được tự thể của nó. Tự tính của trí là liễu tri, nó nhận thức cái khác và chính nó, như ngọn đèn soi sáng vật khác và soi sáng chính nó.” Quan điểm của Hữu bộ (ibid. tr. 43a26): như đầu ngón tay không thể tự xúc; lưỡi dao không thể tự cắt… tự tính không nhận thức tự tính.

[15] Cảnh bên ngoài tâm là đối tượng (sở duyên). Ảnh tượng tương tự đối tượng ấy (pratibhāsa, ảnh chiếu) xuất hiện trên tâm được gọi là hành tướng. Cf. Câu-xá 30 & Quán sở duyên duyên: đới bỉ tướng 帶彼相. Tướng đây tức là hành tướng. Skt. tādākāratā = sādṛśya (loại tợ, tương tợ).

[16] Skt. vastu; cf. Dharmottara: cảnh tức đối tượng hoạt động gây nên một hiệu quả. Đối tượng với đặc tướng như vậy là sự tức cơ sở để nhận thức phán đoán (arthasya prayojanasya kriyā niṣpattiḥ tasyām sāmarthyam śaktiḥ/ tad eva lakṣaṇaṃ rūpaṃ yasya vastunaḥ, Ṭīkā, 13.17).

[17] Tức ảnh tượng của đối tướng xuất hiện trên tâm và trên tâm sở thì giống nhau, nhưng không phải là một, giống như cùng một ảnh xuất hiện trong hai mặt gương khác nhau.

[18] Một thức, một thọ, một tưởng cùng dựa trên một sở y, cùng vươn đến một đối tượng.

[19] Tự chứng. Skt. svasaṃvitti = svasaṃvedana; hai từ này thường được dùng đồng nghĩa, cùng chung ngữ tộc với vedanā (thọ, cảm thọ). Dharmakīrti: tất cả tâm và tâm sở đều tri nhận trực tiếp tự thể của chính nó (sarvacittacattānām ātmasaṃvedanam, Nyāyabindu, k. 10). Dharmottara: tâm chỉ nắm bắt cảnh. Tâm sở nắm bắt các trạng thái cá biệt như cảm thọ lạc. Vì vậy, lạc thọ v.v.. khi được cảm thọ một cách rõ ràng đều là thức tự cảm thọ (svasaṃviditā, thức tự chứng) (Nyāyabindu-ṭīka, 11.5). 

[20] Phật địa kinh luận 3 (T26n1530, tr. 303a26), dẫn Tập lượng luận (Pramāṇasamuccaya, Dignāga – Trần-na): Các tâm và tâm sở pháp đều chứng nghiệm tự thể, đó gọi là hiện lượng. Nếu không thế, thì cũng như không thể hồi ức những gì chưa từng trải… Các tâm và tâm sở tuy có hơn kém nhưng vươn ra ngoại cảnh và chứng nghiệm tự thể bên trong. Như ánh sáng vừa soi sáng vật khác đồng thời soi sáng chính nó.” Cf. Dharmakīrti, Nyāyabindu, k.10, Dharmottara, Ṭīkā, 11.6: sarvacittacaittānām ātmasaṃvedanam.

[21] 
[22] Cf. Câu-xá 1, tr. 3c28: thọ lãnh nạp tùy xúc, tưởng thủ tượng vi thể, v.v.
受領納隨觸 想取像為體.
[23] Khuy Cơ, Nhân minh nhập chính lý luận sớ, quyển hạ (T44n1840, tr.140b11): Như cây thước đo là năng lượng (pramāṇa). Tấm vải là sở lượng (prameya). Nhận thức số đo là lượng quả (pramāṇaphala). Theo Hữu bộ, cảnh là sở lượng. Căn là năng lượng. Tâm và tâm sở y căn phát khởi (kết quả nhận thức) là lượng quả. Ngoại đạo chủ trưởng cảnh là sở lượng, thức (manas) là năng lượng, thần ngã (ātman, hoặc puruṣa) là lượng quả. Đại thừa nói, trí (jñāna) là lượng quả.

[24] Tức ảnh chiếu của đối tượng (pratibhāsa).

[25] 似境相所量能取相自證即能量及果此三體無別. Dignāga (Trần-na), Pramāṇasamuccaya, chưa có Hán dịch.

[26] Phần thứ hai của tâm cần được chứng biết bởi phần thứ ba. Vậy phần thứ ba cũng cần có phần thứ tư.

[27] Phi lượng, Skt. apramāṇa, nhận thức không chuẩn xác, bao gồm tợ hiện lượng (pratyakṣa-ābhāsa) và tợ tỷ lượng (Khuy Cơ, Nhân minh nhập chính lý luận sớ, hạ, T44n1840, tr. 95c16). 

[28] Cf. Dharmottara, Nyāyabinduṭīkā, 11.14: Nhận biết được tự thể là bản sắc của trí (nhận thức). Sự chứng nghiện tự thể ấy là không suy lý phân biệt, không lầm lạc, do đó nó chính là hiện lượng (tacca jñānarūpaṃ vedanaātmanaḥ sākṣātkāri nỉvikalpakam abrāntaṃ ca tasmāt pratyakṣam).
[29] Lỗi vô cùng tức nghịch suy vô cùng: phần thứ hai được chứng tri bởi phần thứ ba; thứ tư được chứng tri bởi thứ tư; vậy thứ tư cũng cần được chứng tri bởi phần thứ năm. Như vậy là ngịch suy đến vô cùng.

[30] Nguyên Hán: nhị tính 二性, hai tính, đây chỉ tính phân đôi, lưỡng cực tính. Cf. Nhiếp luận thích (Vô Tính), Huyền Trang, 4 (T31n1598, tr. 401c5): [Lý Duy thức được chứng minh …] Do tính chất phân đôi (nhị tính = lưỡng cực tính, Skt. dvayatā) của thức, tức từ một thức mà an lập tướng (nimitta) và kiến (darśana). Cả hai phần cùng hoạt động, chúng không tương tức cũng không tương ly… Lại nữa, đối tượng được nắm bắt (grāhya: sở thủ) là tướng phần, và chủ thể nắm bắt (grāhaka: năng thủ) là kiến phần.” Cf. Đồng, Thế Thân thích, Huyền Trang 4, T31n1597, tr. 339c2.

[31] Triền , Thuật ký nói là triền nhiễu 纏繞: quấn quanh. Nghĩa đăng 3, tr. 724a14: năng thủ và sở thủ, với bốn phần lệ thuộc lẫn nhau nên nói là triền. Đây không có nghĩa triền phược của phiền não.

[32] Được nói là dẫn từ kinh Hậu nghiêm. Bài tụng cũng được dẫn bởi Phật địa kinh luận, hạ, T26n1530, tr. 303b21.

[33] Cf. Câu-xá 2 (tr. 9c15): trong 18 giới, những gì là nội, và ngoại? 12 giới (dhātu) thuộc nội, đó là 6 căn và 6 thức giới. 6 cảnh còn lại là ngoại. Những gì là sở y của tự ngã được nói là nội (adhyātmika: nội, do từ ātma: tự ngã).

[34] Nguyên đoạn văn trích dẫn từ Phật địa kinh luận, như trên.

[35] Cf. Nhập Lăng-già (Bồ-đề-lưu-chi), 10 (T16n671, tr. 576c29): 分別依熏習 種種生種種 眾生心見外 故我說惟心. Cf. Laṅkā, 10 (Sagāthakam). 486: vikalpavāsanābaddhaṃ vicitram cittasambhavam/ bahirdhā jāyate nṛṇāṃ cittamātram hi laukikam/ bị dính chặt bởi tập khí phân biệt, tâm xuất hiện đa thù; người đời thấy nó xuất sinh bên ngoai, nhưng quả thực thế giới chỉ là tâm.

[36] Cọng tướng chủng tử: chủng tử có tính cộng đồng, thành tựu do bởi cộng nghiêp. Thuật ký: hai loại chung tử, cộng tướng và bất cộng tướng. Cộng tướng: do bởi cộng nghiệp, dẫn đến biến thái cùng thọ dụng chung. Bất cộng tướng: nghiệp cá biệt dẫn đến thọ dụng bởi cá thể riêng biệt.

[37] Các vật thể trong thế giới tự nhiên có hình dáng nhất định và không gian nhất định mà nhiều sinh vật cùng có nhận thức chung. Du-già 54 (tr. 597c28): “Các pháp có tính đối kháng (sapratigha: hữu đối, hữu ngại) cùng chiếm cứ một vị trí không gian mà không tách rời nhau; còn không có tính đối kháng thì không như vậy… (Bởi vì) tất cả sắc tụ đều được thọ dụng chung bởi tất cả các căn.”

[38] Thế giới tự nhiên (khí thế gian) là môi trường chung của nhiều chủng loại: Thánh, phàm v.v.. Thế giới này là biến thái bởi thức của hạng nào?

[39] Thuật ký: quan điểm của Nguyệt Tạng (Candragarbha): chung bởi tất cả Thánh, phàm, mọi loại hữu tình., 

[40] Thuật ký: đây chỉ kinh Lập thế, .nhưng nguyên văn không hoàn toàn nhất trí. Cf. Lập thế A-tì-đàm kinh, quyển 10 (T32n1644, tr. 223c02): “Phật nói nói với các tỳ kheo, bấy giờ, rồi thế giới lại bắt đầu chuyển thành; đó là pháp thế gian. Khi thế giới bất đầu xuất hiện, chúng sinh nào mà nghiệp tăng trưởng dẫn đến cảm quả Đại Phạm thiên, liền xả nghiệp quả trước kia… Cung điện Đại Phạm thiên tự nhiên xuất hiện…” 

[41] Nạn vấn giả thiết của Hộ Pháp (Dharmapāla).

[42] Chỉ một hạng Thánh giả A-na-hàm (Ānagamin); cf. Tỳ-bà-sa 174 (tr. 876a25). 175 (tr. 882a14).
[43] Chỉ các loài cùng chung cộng nghiệp mới có sự biến thái chung, không phải toàn bộ các loài biến thái.

[44] Quan điểm của Đại chúng bộ: vô sắc giới không tuyệt đối không có sắc. Sắc tồn tại, nhưng cực kỳ vi tế, nên gọi là vô sắc.

[45] Thuật ký: thân cộng đồng tồn tại đối với môi trường sở y bao gồm ba nghìn thế giới gọi chung là đương địa. Thức của tất cả hữu tình này cùng biến thái chung thành đương địa.

[46] Khi thế giới sáng thành, một kiếp đầu hình thành thế giới tự nhiên (khí thế gian) và 19 kiếp kế phát triển sinh vật (hữu tình thế gian). Khi thế giới hủy diệt, 19 kiếp cho sinh vật hủy diệt; 1 kiếp cuối cùng, thế giới tự nhiên hoại diệt.

[47] Do chủng tử của nghiệp cộng đồng (cộng nghiệp) biến thai thành khí thế gian. Cộng nghiệp, hay nghiệp do tạo tác cộng đồng, dẫn đến cộng đồng biến thái. Cf. A-tỳ-đạt-ma tập tập luận 7 (T31n1606, tr. 729a6): “Cộng nghiệp là gì? Nghiệp dẫn đến sự sai biệt đa thù của thế giới tự nhiên (khí thế gian). Bất cộng nghiệp là gì? Nghiệp dẫn đến sự sai biệt đa thù của thế giới sinh vật (hữu tình thế gian).”

[48] Các chủng tử mà thức thứ tám chấp thọ. Giải nghĩa từ “chấp thọ” trong tụng văn.

[49] Thuật ký: Chân như không phải là biến thái của thức, nhưng không tồn tại ngoài thức.

[50] Thức chỉ có thể nhận thức những gì do chính nó biến thái thành. Để nhận thức được tha thân, tha thân ấy cũng phải là biến thái của thức.

[51] Biện trung biên (Huyền Trang), quyển thượng, T31n1600, tr. 464c9 giải thích nghĩa “biến tợ” trong bài tụng: thức sinh biến tợ nghĩa, hữu tình, ngã cập liễu, 識生變似義 有情我及了. Skt. Madhyāntavibhaṅga: arthasattvātmavijñaptipratibhāsaṃ prajāyate/ vijñānaṃ nāsti. (thức) xuất hiện như là ảnh chiếu của cảnh, hữu tình, tự ngã và thức biệt. Trong đó, biến tợ hay ảnh chiếu hữu tình là sự xuất hiện của ảnh tợ như là tính thể năm căn của tự thân và tha thân (sattvapratibhāsaṃ yat pañcendriyatvena svaparasantānayoḥ). 

[52] Thuật ký: giải thích của Hộ Pháp.

[53] Chỉ y xứ của căn.

[54] Năm loại lực có khả năng biến hóa: định lực, thần thông lực, pháp đức lực, tá thức lực, đại nguyện lực. Thức thứ tám chỉ có định lực và thần thông lực. Các thức khác đủ cả năm.

[55] Hán: đẳng. Thuật ký: đẳng, là kể cả sắc của hoa và hương của hoa.

[56] 10 sắc xứ: 5 căn và 5 cảnh.

[57] Trong Hữu bộ, 1 loại sắc thuộc pháp xứ, đó là vô biểu sắc. Ở đây, sắc xuất hiện do bởi định lực, đối tượng của ý thức nên thuộc về pháp xứ. Cf. Du-già 54 (tr. 597b6): sắc thuộc về pháp xứ có hai loại, thật và giả. Trong đó, sắc thật là những thật vật trong cảnh giới được biến hiện bởi năng lực của uy đức định.

[58] Kể luôn hành không tương ưng và các pháp vô vi.

[59] Thuật ký: do bởi nghiêp quá khứ, và chủng tử danh ngôn. Biến thái do vận hành tự nhiên của tâm, không do tác ý, hay cố ý. Đây là biến thái bởi thức thứ tám và năm thức trước.

[60] Biến bởi thức thứ sáu và thứ bảy, do tác ý phân biệt.

[61] Chỉ là đối tượng hư cấu, không có tác dụng thực tiễn.

[62] Cf. Giải thâm mật (Huyền Trang 5 (T16n676, tr. 710c14): Hóa thân của Như lai là hữu tâm hay vô tâm? Không phải hữu tâm hay vô tâm. Vì không có tâm tự y, mà chỉ có tâm y tha. Cf. Phật địa luận 6 (T26n1530, tr. 318c8): “Hóa thân, cũng nói là hữu tâm và vô tâm. Vì có tâm ý tha mà không có tâm tự y. Tức là, tâm biến hoá y tâm thật mà xuất hiện. Nhưng tướng phần trên tâm thật chỉ tợ như có tác dụng duyên lự, như lửa trong gương không có tự thể riêng biệt.”

[63] Nghĩa là, các thức cần thọ dụng cảnh được biến thái bởi thức thứ tám.

[64] Kể luôn bất tương ưng pháp.

[65] Vô vi chưa được thực chứng nên không tác dụng.

[66] Thuật ký: tức duyên vô thể làm đối tượng.

[67] Phật trí không chỉ duyên hữu thể mà có thể duyên đến vô thể làm đối tượng.

[68] Tức khí thế gian, thân hữu căn và chủng tử hữu lậu.

[69] Giải thích từ “bất khả tri” (asaṃviditaka) trong câu tụng ‘bất khả tri chấp thọ.”

[70] Chỉ chiều kích và dung lượng của thế giới tự nhiên ngoại tại.

[71] Thuật ký: nạn vấn bởi Kinh bộ và Hữu bộ. Hành tướng mà khó biết thì không phải là thức. Hành tướng ở đây hiểu là kiến phần.

[72] Trả lời cho Kinh bộ. Tì-bà-sa 152 (tr. 775a22): “Diệt tận định vẫn là hữu tâm, chỉ diệt tưởng và thọ.” Thuận lý 13 (tr. 403a21): “Thí dụ luận giả nói, trong diệt tận định, chỉ diệt thọ và tưởng. Vì nhất định không có loại hữu tình vô tâm.” Câu-xá 5 (tr. 25c26): “Tôn giả Thế Hữu… không phải trong diệt tận định hoàn toàn không có tâm… Trong diệt tận định vẫn tồn tại tâm vi tế …”

[73] Khuyến cáo Hữu bộ, vì bộ này không tin thức tồn tịa trong diệt tận định.

[74] Xem đoạn sau của luận, đoạn chứng minh tồn tại thức A-lại-da.

[75] Gồm vô tưởng định (asaṃjñi-samāpatti) và vô tưởng quả (asaṃjñika, asaṃjñi-sattva).