Chương
14. Hành trình trở lại nhà
Ngay khi
vừa trở về sau cuộc hành hương, tôi đã gửi thư đến Devapriya, tổng thư ký của
hội Mahabodhi, người đã hứa cho tôi chuyển nhiệm sở mới để tôi có thể rời bỏ
Sanchi. Khi trao đổi với nhau trước đó, ông bảo rằng có thể sẽ gửi tôi đến Calcutta hay Bodhgaya, nhưng khi viết thư trả lời tôi, ông
đã có một nhiệm sở mới trong đầu: New
Delhi. Hình như có đại đức Ariyawansa, người Bengal, có thể cần đến tôi. Tôi vui mừng chấp nhận nhiệm
vụ mới và sau đó tìm được một tu sĩ khác thay thế tôi ở Sanchi. Tôi báo cho đại
đức Pannatissa việc tôi sắp ra đi. Phản ứng của ông đúng như tôi đã đoán trước:
ông rất vui mừng được tống khứ tôi đi vì tôi không biết vâng lời.
Điều duy nhất mà đại đức
Pannatissa cần, trước khi tôi ra đi là bản thảo mà tôi đã viết giải thích về
các hình ảnh được khắc trên các cột đá ở cổng chùa Sanchi. Tôi đã cố gắng tìm
người giúp in quyển sách nhỏ bằng tiếng Anh đó, để chúng tôi có thể tặng cho khách
đến viếng chùa. Tôi do dự, vì biết đại đức Pannatissa sẽ không in bản thảo mà
sẽ lờ nó đi hay ngay cả hủy bỏ nó, và thế là tất cả mọi công sức của tôi sẽ
tiêu tan. Tôi chắc chắn rằng đó đúng là lý do tại sao ông cần nó. Tuy nhiên,
tôi biết rằng nếu từ chối, ông sẽ không bao giờ để tôi ra đi trong bình an. Vì
thế tôi chỉ biết hít thở sâu vào, và trao bản thảo viết tay cho ông, rồi xách
duy nhất một chiếc valise, đi xuống đồi lần cuối cùng. Tôi không một lần ngoái
đầu nhìn lại.
Vào ngày 1 tháng 2 năm 1957, tôi
đến New Delhi,
sẵn sàng vào làm việc tại văn phòng hội Mahabodhi trên đường Reading. Tôi sống
trong ngôi chùa nhỏ với vị sư người Bengal, đã từng học ở Ceylon. Ông nói
lưu loát tiếng Sinhala, và tiếp nhận tôi rất nồng hậu.
Ngay sau đó tôi viết thư cho ông
Moonasinghe, thư ký của hội Mahabodhi ở Ceylon. Tôi báo cho ông biết tôi đã
chuyển về New Delhi
và nhờ ông chuyển tiền chi tiêu hàng tháng của tôi đến đó. Chỉ trong vài ngày,
ông đã trả lời: “Ai cho phép sư chuyển đến New Delhi?” ông viết. “Trụ sở đó là của hội
Mahabodhi Ấn Độ! Chúng tôi không thể chu cấp tiền sinh hoạt hằng tháng cho sư
nếu như sư còn sống ở đó. Nếu còn muốn lãnh bảy mươi lăm rupee của chúng tôi,
sư phải trở về Sanchi. Ngôi chùa đó mới là sở hữu của chúng tôi.”
Tôi rụng rời. Tôi không hề biết
các hội Mahabodhi ở Ceylon
và Ấn Độ là những đơn vị tách biệt. Tôi cầu cứu với Devapriya, “Làm sao tôi có
thể sống mà không có tiền sinh hoạt này?” tôi hỏi ông. “Phật tử quanh đây rất
ít, tôi không thể đi khất thực quanh Delhi
vì đường nào cũng đầy người ăn xin.”
Devapriya viết một lá thư đến
Moonasinghe, giải thích rằng ông là tổng thư ký của Hội Mahabodhi ở cả Ấn Độ và
Ceylon.
Với tư cách như thế, ông có quyền hạn để chỉ định, loại trừ hay chuyển đổi bất
cứ tu sĩ nào và chính ông muốn tôi đến New
Delhi.
Sau đó, Devapriya theo dõi để
chắc rằng người ta vẫn gửi tiền từ Calcutta
cho tôi hàng tháng mà không có vấn đề gì.
Công việc của tôi ở New Delhi là làm việc với
những người thuộc giai cấp Hạ tiện đã quy y theo Phật giáo. Mỗi chủ nhật tôi
đều đến chỗ họp của họ để thuyết pháp. Tôi cũng viếng thăm các cộng đồng của
người Hạ tiện ở ngoại ô thành phố. Một lần đó tôi đến Beerat, là nơi người ta
tin rằng Đức Phật đã giảng bài kinh nổi tiếng Mahasatipatthana, bài kinh Tứ
Niệm Xứ ở đó.
Tôi cũng tìm được một trường học
gần đó, đại học cộng đồng Das Gupta, nơi tôi có thể ghi danh học tiếng Anh và
những môn ngoại điển khác. Thầy hiệu trưởng, một người rất rộng rãi và từ bi,
đã miễn phí tiền học cho tôi. Das Gupta không thể so sánh với đại học Benares về nhiều mặt, nhưng ít nhất tôi cũng được trau
dồi thêm kiến thức và điều đó khiến tôi rất hạnh phúc. Vấn đề duy nhất là, từ
ngày đầu tiên tôi đặt chân đến trường, các sinh viên khác đã dùng lời lẽ thóa
mạ tôi. Tôi đoán là do họ nghĩ tôi là người thuộc giai cấp Hạ tiện vì tôi luôn
có mặt ở các khu vực của người Hạ tiện.
Tất cả các tu sĩ phục vụ cho Hội
Mahabodhi đều được nghỉ phép mỗi hai năm. Lúc đó tôi đã ở Ấn Độ hơn hai năm, vì
thế tôi đủ điều kiện, hay đúng ra là đã phải được nghỉ phép lâu rồi. Tôi nhận
được thư gia đình báo rằng cha tôi bịnh nặng và họ yêu cầu tôi về thực hiện
nghi lễ tụng niệm cầu an cho ông. Tôi đã trả lời rằng tôi sẽ về vào ngày 20
tháng 3.
Đơn xin nghỉ phép của tôi nhanh
chóng được chấp thuận, nhưng tôi không tin rằng mọi thứ sẽ hoàn toàn trôi chảy.
Dầu tiền đi lại phải được tính trong kỳ nghỉ phép, nhưng văn phòng Hội không
gửi cho tôi vé tàu hỏa. Khi gần đến ngày 20 tháng 3, tôi vẫn còn nôn nóng chờ
đợi vé tàu. Rồi bỗng nhiên, tôi được gặp một vị sư cho biết ông có một vé tàu
hạng nhất đến Bombay.
Sư nói rằng ông không cần dùng vé, nên đã cho một tu sĩ khác, nhưng người này
cũng không có nhu cầu sử dụng. Vào ngày 20, khoảng mười giờ rưỡi sáng, cuối
cùng tôi cũng tìm ra được vị sư thứ hai. Ông nói rằng ông cũng dự định đi
chuyến tàu ngày đó, nhưng vừa hoãn lại, vì thế ông trao tôi cái vé. Chuyến tàu
dự định sẽ rời sân ga để đến Bombay
lúc năm giờ rưỡi chiều.
Tôi vội vàng chuẩn bị hành lý và
vì tôi chỉ có ba rupee trên người, tôi mướn một chiếc taxi ba bánh, một loại xe
đạp có ba bánh thật to -với người điều khiển đạp xe ở phía trước và hành khách
ngồi ở phía sau -để đưa tôi đến trạm xe lửa. Vé tàu hạng nhất đến Bombay cho phép tôi được
lên xuống ở nhiều trạm nếu tôi muốn, vì thế tôi đã tham quan một số nơi. Trên
đường đi, tôi dừng lại ở một số chùa, mỗi nơi ở lại một hay hai đêm. Và tôi
cũng viếng được những hang Phật nổi tiếng ở Ajanta
và Allora. Lúc tôi đến Bombay
thì đã đầu tháng 4.
Tôi bước ra khỏi tàu không biết
chắc mình phải làm gì. Tôi chỉ mới đi được nửa đường về nhà mà đã hết tiền. May
mắn thay, tôi gặp một nhóm khoảng hai mươi người Sinhala. Họ đang đi hành hương
ở Ấn Độ, và đang trên đường trở về nhà ở Ceylon. Họ nói rằng họ đã giữ chỗ
cả một buồng tàu hỏa, nên vẫn còn đủ chỗ cho tôi tháp tùng theo họ, và tôi đã
làm thế.
Đêm đó, tôi để túi xách dưới gối
nằm ngủ. Việc trộm cắp trên tàu hỏa rất thường xảy ra, vì thế tôi phải cẩn
thận. Trong túi xách đó có tất cả những giấy tờ tùy thân của tôi, kể cả công
văn hộ chiếu khẩn cấp mà khó khăn lắm tôi mới xin được. Sáng hôm sau, thức dậy
thì tôi thấy túi xách đã biến mất, ai đó đã rút nó ra khỏi gối nằm của tôi! Tôi
lục tung mọi xó xỉnh, nhưng cũng không thể tìm được chiếc túi. Tôi biết rằng
mình không thể đi qua biên giới giữa Ấn Độ và Ceylon nếu không có công văn chứng
thực đó. Tôi cần phải xin một công văn khác, mà nơi gần nhất là Madras. Vì thế tôi trao
hành lý cho một trong những vị khách hành hương Sinhala mà tôi vừa quen. Tôi
nhờ ông trao lại những vật này cho bất cứ ai trong gia đình đến đón tôi ở trạm
cuối cùng. “Không,” người khách nói. “Hãy đi với chúng tôi đến Mandapam, trạm
kiểm soát hộ chiếu để báo lại sự việc với hải quan. Hy vọng rằng họ có thể viết
cho Sư một thông tư giải thích mọi việc với chính quyền Ceylon. Nếu họ
không tin thì Sư có thể trở về Madras
để xin giấy tờ khác.”
Tôi không tin tưởng lắm về lời
đề nghị này. Nếu cuối cùng mà tôi phải trở lại Madras khi tôi đã ở Mandapam, thì chuyến đi
của tôi sẽ còn bị trì hoãn thêm nữa. Nhưng họ cố thuyết phục tôi.
Đứng trong hàng chờ đợi kiểm
soát giấy xuất nhập cảnh ở Mandapam, tôi rất lo lắng. “Lý ra mình phải trở lại Madras sớm hơn,” tôi suy
nghĩ. Trong đầu tôi một hình ảnh khiến tôi cảm thấy thật bất an, nhưng không
thể xua đuổi khỏi tâm trí: hình ảnh đám táng của cha tôi. Tôi nhìn thấy mẹ, các
anh chị em tôi khóc khi họ đứng quanh quan tài của cha.
Tôi cũng suy nghĩ: “Không biết
tôi có phải quay trở lại gặp vị Cao ủy ở New Delhi, người đã gây khó khăn cho
tôi khi tôi xin hộ chiếu lúc trước?”
Khi đến lượt mình, tôi giải
thích với người hải quan rằng túi xách đã bị mất cắp. May mắn thay, ông ta tin
chuyện tôi kể, và lập tức trao cho tôi một lá thư để giao cho hải quan ở cửa
khẩu Ceylon.
Tôi thở phào nhẹ nhõm.
Trong lúc đó, những người hành
khách đi cùng tàu, đã gom góp lại được một ít tiền cho tôi, vì họ cảm thấy tội
nghiệp việc tôi bị mất cắp túi xách. Họ lén bỏ tiền vào tay nải của tôi.
5 giờ sáng hôm sau, ngày 6 tháng
4 năm 1957, tôi về đến Ceylon.
Khi tàu vào ga ở Kurunegala, tôi
nhìn quanh tìm những khuôn mặt thân thuộc nhưng không thấy ai. Tôi cảm giác
giống như lần đầu tiên xa nhà -chỉ có một mình.
Dùng tiền mà những người hành
hương Sinhala đã gom góp cho, tôi mướn một chiếc taxi. Xe chạy qua những trang
trại dừa gần Malandeniya, cho tới khi không còn đường đi nữa. Tôi phải đi bộ
khoảng đường còn lại, qua những ruộng lúa mà nhiều năm trước tôi và
Gunawardhena đã lẻn băng qua khi chúng tôi bỏ chùa chạy trốn.
Khi tôi về đến chùa, tất cả hoàn
toàn yên ắng. Sư phụ tôi không có ở chùa, nên tôi hỏi một nhóm cư sĩ. “Sư phụ
ra ga đón thầy,” một người bảo với tôi. “Sư phụ đi rồi,” một người khác nữa
nói. Tất cả thì thầm một cách lo âu với nhau và liếc nhìn tôi. Chắc chắn có
điều gì đó không bình thường. Cuối cùng lúc 10 giờ, sư phụ tôi bước vào khuôn
viên chùa. Tôi đảnh lễ xuống chân sư.
“Sư vừa đến thăm gia đình con,”
ông nói với tôi. “Cha con vừa mất tối qua.”