Chương
26. Vô giá
Vào cuối
những năm 1980 và đầu những năm 1990, lịch đi hoằng pháp của tôi dày đặc. Tôi
được mời đi thuyết giảng khắp nước Mỹ, Canada, Nam Mỹ, Scandinavia,
Âu châu, Úc và Á châu. Tôi đồng ý với gần như tất cả các lời mời gửi đến tôi
-càng đi xa càng tốt. Tôi rất thích du lịch.
Ở nhiều nơi, sẽ có người thông
dịch các bài thuyếp pháp của tôi. Ở các quốc gia khác, thì phần đông thính giả
nói tiếng Anh, nên tôi có thể giảng Pháp bằng ngôn ngữ này.
Sau mỗi khóa tu hay một buổi
thuyết pháp, người ta thường đến gặp tôi để cảm ơn. Đôi khi họ muốn bắt tay
tôi, hay ôm tôi. Dĩ nhiên, phần đông họ là phụ nữ. Điều này, luôn tạo ra sự khó
xử cho tôi. Các tăng sĩ Nguyên thủy không được đụng chạm đến phụ nữ.
Tôi thường chắp hai tay lại với
nhau, mỉm cười, và nói: “Xin lỗi. Không phải tôi vô lễ nhưng đây là cách chúng
tôi, người tu sĩ Phật giáo chào nhau hoặc để tỏ lòng biết ơn."
Điều này khiến có người bối rối,
người thì đỏ mặt. Số khác lại cảm thấy như bị xúc phạm, quay đi không nói một
lời nào. Điều đó luôn khiến tôi cảm thấy buồn.
Tôi biết nhiều người nghĩ rằng
các vị tu sĩ Phật giáo không đụng chạm đến phụ nữ vì họ không 'sạch'. Tôi đã
từng bị coi là một người kỳ thị giới tính, kiêu mạn, lạnh lùng, e thẹn. Không
có điều gì đúng.
Tôi tránh đụng chạm phụ nữ không
phải vì tôi nghĩ họ là những sinh vật gớm ghê, xấu xa. Trái lại, phụ nữ là
những sinh vật đẹp nhất trên thế giới. Và đó mới chính là vấn đề.
Có một câu chuyện về Đức Phật đã
giải thích điều đó rất rõ ràng. Có lần khi thị giả của Đức Phật là ngài Ananda
hỏi Phật, "Bạch Thế tôn, người tu sĩ chúng ta phải đối xử thế nào đối với
phụ nữ?"
"Đừng nhìn họ," là câu
Phật trả lời.
"Nhưng đôi khi chúng ta
không thể tránh nhìn họ," Ananda nói. "Rồi ta phải làm sao?"
"Đừng nói chuyện với
họ."
"Nếu hoàn cảnh bắt buộc ta
phải tiếp chuyện với họ thì làm sao, bạch Thế tôn?" ngài Ananda tiếp tục
hỏi.
"Chỉ nói vắn tắt, một cách
đầy chánh niệm," Đức Phật trả lời.
Đức Phật là một người nam, một
người đàn ông bằng xương thịt. Ngài hiểu rất rõ rằng không có hình ảnh nào có
thể chiếm ngự tâm người đàn ông bằng hình ảnh của một người phụ nữ. Không có
lời nói nào, không có hương nào, không có vị nào. Không có sự tưởng tượng nào
có thể chiếm ngự tâm của người đàn ông giống như là ý nghĩ về một phụ nữ, họ
không còn có thể nghĩ đến thứ gì khác.
Khi người nữ nhìn một người nam
họ thích cũng giống như thế.
Đó là lý do tại sao Đức Phật đã
đề ra những giới luật khắt khe cho cả tăng và ni. Một tăng sĩ không được đụng
chạm đến phụ nữ và nữ tu sĩ cũng không được đụng chạm đến người nam.
Khi họ xuất gia, giới luật của
người tu sĩ Phật giáo Nguyên thủy là phải nguyện sống đời độc thân. Lời nguyện
đó khá khó giữ, nhưng nếu bạn bắt đầu đụng chạm đến người khác giới, thì gần
như không thể nào giữ được. Một cái ôm hay một nụ hôn nhẹ cũng có thể đánh thức
lòng ham muốn, sự quyến luyến. Mà đó chính là những điều mà chúng tôi cố gắng
chế ngự khi chúng tôi đã chọn đi theo con đường của Phật.
Ở hội Bhavana, chúng tôi rất coi
trọng các giới luật tu viện. Khách vãng lai và các cư sĩ ở chùa được yêu cầu
phải giữ tám giới luật, bao gồm ngũ giới cộng thêm một số giới ở chùa nữa là:
không ăn sau giờ ngọ, không có những hoạt động tình dục, không có những giải
trí như xem truyền hình hay nhảy múa.
Các giới luật này nhằm bảo vệ
hơn là hạn chế chúng ta. Chúng bảo vệ chúng ta bằng cách loại bỏ nhiều hoạt
động khiến chúng ta xao lãng việc tu thiền một cách nghiêm chỉnh.
Tôi luôn cảm thấy rằng chúng tôi
không cần phải giảm bớt các giới luật để thu hút thêm nhiều người đến trung tâm
của mình. Nếu họ cảm thấy giới luật ở Hội khá khắt khe, không muốn đến thì họ
sẽ không đến, như thế cũng không sao. Vẫn có người khác đến. Người cư sĩ luôn
có lòng tôn kính các giới luật. Khi họ thấy chúng tôi sống ở đây như thế nào,
họ rất cảm kích. Họ sẽ chấp nhận các giới luật một cách vui vẻ, dầu cho đó là
một khóa tu cuối tuần hay dài lâu.
Họ cũng tán thán việc chúng tôi
điều hành hội Bhavana chỉ dựa vào dana
(tiền cúng dường), thay vì bắt họ phải đóng lệ phí. Không có lệ phí nào cho các
hoạt động như thuyết pháp, các khóa tu hay các lễ lạc. Chỉ có một thùng phước
sương ở trong phòng ăn, và một hộp bao thư để cạnh bên. Các vị khách muốn cúng
bao nhiêu, tùy hỉ.
Đây là một truyền thống lâu đời
như giáo lý của Đức Phật. Dana
dịch theo tiếng Pali có nghĩa "rộng rãi". Phật Pháp luôn được coi là
vô giá, vì thế không thể áp đặt cái giá nào lên đó; nó chỉ có thể được ban
tặng, không tính toán.
Ở Mỹ, dĩ nhiên, cái gì cũng có
giá. Suy cho cùng đây là một nền kinh tế tài chính. Người bán sẽ cho bạn biết
sản phẩm của họ giá bao nhiêu, và bạn, là người tiêu dùng phải quyết định sẽ bỏ
ra bao nhiêu tiền để mua sản phẩm đó. Dana,
trái lại, có nghĩa rằng bạn, người tiêu dùng, phải tự quyết định rằng một sản
phẩm đáng giá bao nhiêu. Bạn tự xét mình muốn trả bao nhiêu, chỉ hy vọng là bạn
đã công bằng.
Trong nền văn hóa Mỹ, dana là một thông điệp mạnh mẽ. Lần đầu
nghe về nó, người ta thường phản ứng với sự lạ lẫm. Họ khó thể tin rằng toàn
thể tu viện và trung tâm thiền đã được xây dựng dựa trên lòng tin và sự rộng
rãi của con người. Sự phụ thuộc của chúng tôi vào dana, lòng tin rằng chúng tôi sẽ được hỗ trợ khi cần đến,
là điều hiếm thấy ở Mỹ đến nỗi dường như nó đã mở được tâm và trí của mọi
người. Tôi nghĩ rằng họ tin tưởng chúng tôi hơn vì rõ ràng chúng tôi không có ý
lấy gì của họ. Thay vào đó, chúng tôi ban tặng cho họ một điều gì đó.
Từ lúc ban đầu, tôi cũng rất
cương quyết không để Hội Bhavana mang dấu ấn của một nền văn hóa nào. Tôi không
muốn trung tâm này được coi là một chùa Sinhala, hay một trung tâm tu thiền Mỹ
hay một thiền đường Nhật Bản. Tôi muốn nó là một nơi mà mọi người thuộc mọi
truyền thống, và mọi chủng tộc, nguồn gốc quốc gia, đều cảm thấy thoải mái, tự
tại.
Đôi khi điều đó đòi hỏi các vị
khách của chúng tôi phải uyển chuyển. Phật tử Á châu theo truyền thống không
gọi trước hay ghi danh cho các Phật sự ở chùa. Họ ghé đến bất cứ khi nào họ
muốn cúng dường, cần tham vấn một tăng ni nào đó, hay cần làm lễ cầu an cho một
em bé sơ sinh. Họ luôn đến chùa vào những ngày rằm. Đối với họ, chùa là một nơi
rất tuyệt vời để thư giãn với gia đình và bè bạn.
Người Mỹ, trái lại, đòi hỏi một
không khí có quy củ hơn. Họ luôn hẹn trước khi đến trung tâm. Và vừa đến nơi là
họ tham khảo xem thời khóa biểu ở chùa có gì, vì thế họ biết rõ ràng họ phải
làm gì từng giờ trong ngày. Họ muốn tìm ở chùa một không khí tĩnh lặng và trầm
ngâm.
Thời gian mới đầu ở hội Bhavana,
khi chỉ có một cánh cửa duy nhất ngăn chia thiền đường và nhà bếp, thường có
những sự xung đột văn hóa xảy ra. Người Tây phương thì im lặng, ngồi nhắm mắt
trên chiếu thiền trong thiền đường. Ở phòng bên cạnh, một nhóm người Sinhala và
Thái trò chuyện lớn tiếng trong lúc chuẩn bị bữa ăn thịnh soạn cho các vị tăng
ni.
Giờ thì tất cả chúng tôi đều học
sống hòa hợp với những sự khác biệt của nhau một cách dễ dàng hơn, và tôi nghĩ
đó là một điều tốt. Người Á châu bắt đầu ngưỡng mộ sự tinh tấn thực tập thiền
quán của người Tây phương, và người Tây phương cũng thán phục tâm chân thật,
tốt đẹp, rộng rãi của các vị khách người Á châu. Buồn thay, lòng tôn trọng lẫn
nhau quá hiếm hoi trên thế giới này.
Năm 1983, cuộc nội chiến đã bùng
nỗ ở Tích Lan. Sự xung đột đã âm ỉ từ khi đất nước giành được độc lập từ người
Anh vào năm 1948. Hai nhóm thiểu số mạnh nhất -người Sinhala (mà đa số là Phật
tử) và người Tamil (đa số theo Ấn Độ giáo) -lập tức bắt đầu tấn công nhau.
Người Sinhala cho rằng người Anh
đã dành nhiều quyền lợi cho nhóm người Tamil bằng cách xây dựng cho họ trường
tốt, cho họ những công việc lương cao. Vì thế, người Sinhala đòi được đền bù.
Vào năm 1956, một người Sinhala, tên là Bandaranaike, đã thắng cuộc tranh cữ
quốc hội. Vừa vào được quốc hội, ông vận động tuyên truyền sẽ biến tiếng
Sinhala thành ngôn ngữ chính thức ở Tích Lan.
Điều đó khiến cho người Tamil
nổi giận và làm cho họ cảm thấy bị bỏ rơi. Một phong trào chống chính phủ bí
mật nổi lên trong nhóm người Tamil. Một thanh niên trẻ háo chiến tên là
Prabhakaran, kêu gọi những người trẻ tuổi tình nguyện đánh bom tự sát. Anh ta
tiêu diệt những người lãnh đạo Tamil khác mà anh ta coi là kẻ thù của mình. Năm
1983, nhóm “Những Con Hổ” Tamil của Prabhakaran bắt đầu cuộc tấn công đầu tiên
của họ, giết hại mười ba người lính. Để đáp trả, biểu tình nổi lên khắp nơi
trong xứ.
Kể từ đó đã có một cuộc chiến
tranh đẫm máu giữa người Sinhala và người Tamil. Suốt gần hai mươi năm của cuộc
nội chiến, 65.000 người đã chết.
Cuộc bạo động này đã làm tôi rất
buồn, và tôi cố gắng không đứng ở phe nào. Nhưng năm 1983, tôi được biết về
500.000 người tỵ nạn, nhiều nhất là người Tamil, bị kẹt ở các trại tỵ nạn ở
miền Bắc Tích Lan. Lúc đó tôi vẫn còn ở chùa Phật giáo Washington. Tôi liền gửi một lá thư đến tất
cả thành viên của chùa kêu gọi họ đóng góp cho quỹ cứu trợ những người tỵ nạn.
Rất nhiều người công kích tôi vì đã ủng hộ người Tamil.
Tôi trả lời rằng, tôi không cần
biết họ là người Sinhala hay người Tamil – nhưng họ là những chúng sinh đang
đau khổ. Chỉ vì lý do đó, tôi muốn giúp đỡhọ.
Một lần khác, tôi đang giảng
Pháp cho một nhóm người Sinhala ở Ottawa.
Có người hỏi về ngũ giới. Về giới đầu tiên, cấm sát sinh, tôi nói đó là một
giới luật vô điều kiện. Có nghĩa là không được giết hại trong bất cứ hoàn cảnh
nào.
Giới thứ ba (cấm tà dâm) và giới
thứ năm (cấm rượu và những chất gây ghiện) là những giới luật có điều kiện, tôi
nói. Những giới luật này có thể được uyển chuyển để phù hợp với một vài hoàn
cảnh nào đó. Thí dụ, vợ hay chồng có thể hành dục với người hôn phối của mình.
Hoặc người ta có thể dùng các loại thuốc có chứa rượu hay uống chút ít rượu nếu
điều đó không ảnh hưởng đến chánh niệm.
Nhưng đối với giới thứ nhất, cấm
sát sinh, không có điều kiện. Ngay cả khi chúng ta giết hại để bảo vệ bản thân,
gia đình mình hay quốc gia mình cũng không đúng. Tôi có thể thấy một vài khuôn
mặt cau mày, tỏ vẻ phản đối khi tôi nói như thế.
Sau đó, một người đến nói với
tôi, "Bhante, nếu Sư giảng như thế ở Tích Lan, sư sẽ không sống được đến
ngày mai. Kêu gọi bất bạo động là việc không nên làm lúc này ở đó."
Tuy nhiên, ở Mỹ, không phải là
quan điểm chính trị gây cho tôi những khó khăn, mà đôi khi chính là chiếc y tôi
mặc.
Một lần tôi đến viếng một vị bác
sĩ người Sinhala giàu có, sống ở St.
Louis. Ngoài tôi, vị bác sĩ còn mời bốn tăng sĩ khác
nữa, để thực hiện một nghi lễ đặc biệt cho ông. Trước khi buổi lễ bắt đầu,
chúng tôi đi vòng quanh công viên ở phía bên kia đường. Không lâu sau, một
chiếc xe cảnh sát đậu tấp vào lề cạnh chúng tôi. Viên cảnh sát bước ra khỏi xe,
hỏi chúng tôi đang làm gì.
"Chúng tôi đang đi
bộ," tôi nói. "Chúng tôi đã làm gì sai à?"
Vị cảnh sát nói rằng gần đây có
một số vụ trộm cắp trong khu vực. Và một người dân cư ngụ trong vùng đã gọi
cảnh sát báo rằng có ba kẻ lạ mặt luẩn quẩn trong công viên. Sau đó viên cảnh
sát bắt đầu thẩm vấn tôi một cách cặn kẽ, một cuộc thẩm vấn mà tôi chưa bao giờ
phải trải qua như sau:
Tôi từ đâu đến? Tôi làm gì ở St. Louis? Tôi đang ở
đâu? Đã từng phạm tội gì chưa? Tên cha? Tên mẹ? Cha mẹ tôi làm nghề gì? Tôi đã
lập gia đình chưa? Có con cái không? Ai đã mời tôi đến đây? Tại sao?
Rồi anh ta hỏi thêm tôi cao bao
nhiêu, nặng bao nhiêu và có dấu vết gì đặc biệt trên người không. Sau đó anh ta
còn hỏi số an sinh xã hội cũng như xét visa của tôi.
Tôi trả lời tất cả mọi câu hỏi
của anh, nhưng thực sự điều tôi muốn làm là chỉ hỏi anh ta một câu đơn giản:
Ông đã biết bao nhiêu kẻ trộm cướp mà lại quấn mình trong những chiếc áo vàng
rực rỡ, rồi lại rảo bước trong công viên trong một buổi sáng như thế này?
Đôi khi tôi cũng thu hút sự chú
ý của các nhân viên bảo vệ an ninh ở phi trường. Suy cho cùng, chắc hẳn là vì
màu da đen và y phục khác thường của tôi. Y của tôi có rất nhiều ngăn, trong đó
tôi có thể giấu ma túy hay vũ khí.
Một lần ở Denver, tôi bị một nhân viên bảo vệ trì kéo
vì cô ta không tin ống muối nhỏ tôi mang trong túi thực sự là muối. “Tôi dùng
để súc miệng. Cổ tôi bị viêm,” tôi giải thích.
Cô ta nhất quyết gọi cảnh sát
phi trường và một chuyên viên về ma túy. Kết quả là tôi trễ chuyến bay đi
Vancouver và phải đợi tám tiếng chờ chuyến bay kế tiếp.
Một lần khác nữa, trở về nhà đến
phi trường Dulles sau chuyến đi hoằng pháp ở Âu châu, tôi gặp một người bạn Mỹ.
Khi ông đi qua cửa hải quan cùng với tôi. Các nhân viên hải quan nhảy sổ vào
chúng tôi. Bạn tôi bảo với họ, tôi là một tu sĩ Phật giáo trên đường về nhà sau
một khoá tu thiền, nhưng họ cứ đoan chắc là tôi tàng trữ cocaine. Chúng tôi
phải giải thích rất lâu mới có thể đi qua được.
Trong những trường hợp như thế,
trước đây tôi thường giữ im lặng, nhưng giờ thì tôi cứng rắn hơn. Tôi nói với
các nhân viên hải quan rằng họ không có quyền làm khó dễ tôi, khi mà tôi rất
sẵn sàng hợp tác và đồng ý mở tuí xách của mình ra.
"Tôi
không có gì để che giấu," tôi luôn nói vậy. Rồi tôi tặng cho các viên chức
kia một nụ cười thật tươi và trải lòng từ bi đến họ.