Đời sống
Hành Trình Đến Chính Niệm
Tác giả: Bhante Henepola Gunaratana - Jeanne Malmgren Diệu Liên Lý Thu Linh (Dịch)
25/09/2556 18:03 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

 

Chương 5. Trường Phật học

 

 

Khi tỉnh lại, tôi thấy mình đang nằm trên mặt đất bên bờ sông, một người đàn ông đang quỳ cạnh tôi. Tôi bắt đầu ói nước sông ra khi đám đông bu quanh đứng nhìn. Sau đó tôi được kể rằng chú điệu nhỏ, người đã cùng lội với tôi không thể bước lên khỏi sông, vì trong lúc hoảng loạn, tôi đã níu rách áo quần của chú. Trần truồng, chú phải đứng nép ở bờ sông, giấu mình dưới nước và la cầu cứu.

May là có một người đàn ông vừa bước ra khỏi quán trà cạnh bên ga xe lửa, hỏi cớ sự. Chú điệu nhỏ đã chỉ nơi tôi bị chìm xuống.

"Giờ nầy chắc anh ta đã chết rồi," chú la lên.

Người đàn ông mặc nguyên cả đồ, nhảy xuống sông, mò mẫm dưới nước. Đến khi ông tìm được, tôi đã bất tỉnh ở dưới đáy sông. Ông kéo tôi lên bờ sông và bắt đầu cứu tôi bằng phương pháp hô hấp nhân tạo trong khi đám đông tụ lại xem.

Dần dần tôi ngồi dậy, ho và ói nước. Tôi hơi run sợ, nhưng cảm thấy an toàn. Chú điệu nhỏ đi tìm sư phụ của mình, và hai người đã đưa tôi trở lại chùa của họ, cách đó khoảng năm mươi thước. Họ cho tôi một tách cà phê nóng với rất nhiều đường và một bộ y khô. Không lâu sau đó thì tôi trở lại bình thường.

Vị sư trưởng rất tử tế. Ông hỏi tên tôi và nơi tôi đi đến. Sau khi tôi trả lời, ông sai người ra ga xe lửa mua vé cho tôi đi Gampaha.

Sau một vài giờ nghỉ ngơi, tôi lại lên đường. Trớ trêu thay, khi tôi đến trường Phật học ở Gampaha, người đầu tiên bắt chuyện với tôi, hỏi tại sao giọng tôi nói giống như người bị chết đuối.

“Tôi chỉ bị cảm,” tôi trả lời. Tôi quá xấu hổ không thể nói sự thật.

Nhưng ngày hôm sau, trên trang đầu của một tờ báo có tiếng ở Ceylon đã có in hình của tôi với câu chuyện về một tăng sĩ trẻ suýt chết đuối dưới sông ở ga xe lửa Veyangoda. Bạn bè ở trường Phật học đã trêu ghẹo tôi về chuyện đó hàng năm trời.

Mặc dầu trường Phật học miễn học phí, nhưng tăng sinh nội trú phải trả khoảng năm rupee một tháng. Tiếc thay, tôi không có đồng nào để trả, vì thế tôi được cho một căn lều bỏ hoang để ở. Căn lều chỉ có nền đất, tường lửng chỉ cao khoảng hơn một thước, không có cửa. Tôi gom mấy bao tải gạo, vài cây tre và dây nhợ để làm một cánh cửa tạm bợ và che chắn cửa sổ. Để có ánh sáng, tôi dùng một cây đèn đất đốt bằng dầu dừa. Đó là cái kuti đầu tiên của tôi, loại thất một gian mà các tăng sĩ hay trú ngụ trong đó, và tôi cũng rất vui được ở đó.

Phần lớn tôi học hành ở trong thất. Chẳng lâu sau, tôi nổi tiếng là một tăng sinh thông minh nhất ở trường. Tôi khám phá ra rằng tôi có một trí nhớ như in, rõ ràng là một quà tặng của thiện nghiệp. Tôi có thể đọc một quyển sách dài trong mười phút và nhớ tất cả mọi thứ trong đó. Tôi không biết bằng cách nào; chỉ biết rằng mỗi trang sách trụ lại trong tâm tôi như một bức ảnh.

Tôi rất hãnh diện về khả năng thiên phú này của mình, và thường yêu cầu bạn bè thử thách tôi, bằng cách đặt những câu hỏi từ trong sách. Tôi có thể trả lời câu họ hỏi ở trang số mấy, và ngay cả dấu chấm phẩy trong câu hỏi.

Có lẽ vì vậy, thầy hiệu trưởng của trường rất thích tôi, cho tôi làm phụ tá cho ông. Tôi cũng được bầu chọn làm thủ quỹ, có nghĩa là tôi quản lý, cất giữ tất cả tiền đóng góp được gửi tới trường, và cả các vật dụng khác như là y áo, thuốc men. Rồi sau đó tôi sẽ phân phát lại cho các tăng sinh nếu cần.

Vì quyền hạn và bổn phận này của tôi mà một số bạn học trở nên ganh tỵ với tôi, đã thế, tôi lại còn sanh tánh hay thóc mách khuyết điểm của các bạn khác với thầy hiệu trưởng; tóm lại, tôi là một kẻ tồi tệ. Tôi gửi báo cáo này đến báo cáo khác, kẻ vạch từng chi tiết những sai trái của bạn bè. Tôi biết rằng, lý ra tôi phải quan tâm về các hành động của mình hơn là tìm kiếm lỗi của người, nhưng vì muốn duy trì lòng tin yêu của thầy hiệu trưởng nên tôi đã làm thế.

Tôi đã không thực hành lời dạy của Đức Phật trong kinh Pháp Cú:

Thấy lỗi người thì dễ, nhưng lỗi mình khó thay. Ta sàng lọc lỗi người như rơm trấu, mà lại giấu lỗi mình, hay như gã thợ săn giảo quyệt núp sau những cành cây ngụy tạo. Người luôn tìm lỗi người, luôn xét nét, (vì thế) uế nhiễm của họ càng tăng. Họ rất khó đoạn trừ uế nhiễm.

Vào những ngày rằm, tôi được giảng pháp khoảng nửa giờ tại trường. Thường thường những bài Pháp này dựa trên các sách tôi đã đọc. Nhưng một lần kia tôi nghĩ rằng làm thế sẽ khiến cho thính giả của tôi nhàm chán, vì thế tôi quyết định “sáng tạo”. Tôi chỉ học thuộc một bài kinh dài ba trang, một trong những bài giảng của Đức Phật gọi là kinh Visakhuposatha. Rồi tôi lặp lại với thính giả của mình.

Bài thuyết pháp thể nghiệm thất bại. Tôi đọc xong bài kinh chỉ trong mười phút, sau đó tôi chỉ lảm nhảm thêm năm phút nữa về điều gì, tôi cũng không nhớ nữa. Thật xấu hổ. Đó là một bài học quý giá cho tôi về giá trị của sự chuẩn bị chu đáo. Từ đó, tôi luôn chuẩn bị cẩn thận từng bài thuyết pháp của mình. Tôi thường chọn một câu trong kinh Pháp Cú rồi giảng rộng ra dùng những câu chuyện trong phần chú giải. Kinh Pháp Cú bao gồm 423 câu, phần lớn dạy về giới luật và đạo đức. Ngoài ra cũng có hàng trăm câu chuyện rải rác khắp nơi trong tàng kinh Phật giáo để minh họa cho các đề tài được nói đến trong kinh Pháp Cú. Tôi rất thích kể những câu chuyện này, để tạo cho người nghe một căn bản về đạo đức Phật giáo.

Mãi lâu sau này, qua bao năm tu tập, tôi mới cảm thấy đủ tự tin để thuyết pháp mà không cần chuẩn bị trước.

Ở trường Phật học, vào tuổi mười bảy, cuối cùng tôi cũng bỏ được tật hút thuốc lá. Đó là một thói quen tôi đã huân tập nhiều năm, nhưng tiếc thay tôi chỉ thay đổi cái ghiền này bằng cái ghiền khác. Thói quen mới của tôi là ăn trầu, một hỗn hợp gồm lá trầu, cau, vôi và sợi thuốc lá.

Chẳng bao lâu sau tôi trở thành cây hài của trường. Mỗi tối, tôi đều tụ tập bạn bè lại, kể chuyện tiếu lâm cho họ nghe hằng giờ đồng hồ. Tôi rất thích làm cho họ cười.

Một trong những câu chuyện tiếu của tôi là về một vị bảo trợ của chùa, người rất bực tức vì quý tu sĩ ở đó không bao giờ mang đồ cúng dường của ông dâng trước tượng Phật. Vì thế ông cột một sợi dây quanh cổ tượng Phật rồi treo tượng lên xà nhà. Khi các tăng sĩ khám phá ra điều đó, hỏi ông tại sao, ông bảo đó là một sự tự tử. “Tượng Phật bảo rằng không thể sống ở một nơi như thế,” ông giải thích. 

Cũng lạ là thầy hiệu trưởng không phản đối những câu chuyện tiếu lâm bất kính đó. Thường thường, sau màn trình diễn của tôi, chúng tôi vào phòng ông, cùng thưởng thức việc ăn trầu với ông. Ông là một người rất tinh tế trong việc đối xử với các tăng sinh trẻ. Ông nghiêm khắc, nhưng cũng rất hoà nhã. Ông biết cách khuyến khích chúng tôi mà không ép buộc, nếu không, chúng tôi cũng chẳng màng đến chuyện học hành. Ông khuyến khích chúng tôi trở nên những tăng sĩ gương mẫu. “Các cư sĩ luôn ngưỡng mộ quý thầy,” ông nói. “Họ biết rằng quý thầy đã hy sinh các dục lạc để dâng hiến cuộc đời cho việc hành pháp, vì thế quý thầy phải xứng đáng với lòng kính trọng đó.”

Gần như không bao giờ tôi có đồng nào, nhưng không hề gì. Chỗ ở khiêm nhường của tôi được miễn phí, đồ ăn thì do đi khất thực, và thay vì phải mua sách giáo khoa, tôi mượn các bạn và chép lại bằng cách viết tay. Tôi chỉ nghĩ đơn giản là tôi đã có tất cả mọi thứ cấn thiết để hoàn tất chương trình học của mình. Tôi rất tự tin ở bản thân cũng như ở Tam Bảo - Phật, Pháp và Tăng.

Tôi cảm thấy như là Đức Phật vẫn còn sống và đi bên tôi xuyên suốt cuộc đời, hỗ trợ tôi bất cứ những gì tôi cần. Tôi tin chắc rằng Phật pháp sẽ bảo vệ tôi vì tôi đã phấn đấu không ngừng để học hỏi những điều Phật dạy. Và tôi nghĩ rằng vì tôi là thành viên của Tăng đoàn, tôi sẽ không gặp khó khăn, trở ngại để có những thứ tôi cần. Ngay cả bây giờ, nhiều thế kỷ sau, tôi vẫn cảm thấy Tam Bảo luôn hộ trì cho tôi. Tất cả những nhu cầu vật chất của tôi dần dần đều được thoả mãn, mà không cần vất vả kiếm tìm.

Một ngày kia, một sư huynh nhờ tôi cạo tóc giùm. Đó là việc thường xảy ra trong tu viện, nhưng tôi chưa bao giờ cạo tóc cho ai, ngay chính cho bản thân. Tôi bảo với ông điều đó, nhưng ông khư khư nói, “Cũng đến lúc thầy phải học.”

Việc cạo râu tóc là một phần quan trọng của giới luật trong các tu viện Phật giáo. Cả tăng và ni đều phải làm thế. Một chiếc đầu cạo nói lên sự sạch sẽ, khiêm cung và nó cũng giúp ta tránh được vấn đề phải giết chí trên đầu! Đó cũng là biểu tượng của sự xả bỏ, nhằm giúp tăng ni bớt bám víu vào vẻ đẹp hình thức bên ngoài. Nếu quý tăng ni không phải mất nhiều thì giờ gội, chải, sửa soạn tóc tai, thì họ có nhiều thời gian hơn dành cho việc theo đuổi những vấn đề tâm linh.

Vinaya hay là giới luật ở tu viện, dạy rằng tăng ni có thể để tóc dài chừng năm centimét. Có người thì cạo tóc mỗi tháng một lần, thường là ngay trước ngày rằm. Người khác thì cạo mỗi tuần, hay có khi mỗi ngày.

Điều lệ này quan trọng đến nỗi một lưỡi dao cạo bén là một trong tám thứ được kể trong nhóm sở hữu (thường được gọi là nhu yếu phẩm) mà người tu sĩ được tiếp nhận lúc thọ giới. (Những vật dụng khác là nội y; áo để quấn quanh mình; áo ngoài hai lớp như một tấm mền; một dây nịt vải; một đồ lược nước; một bộ kim chỉ; và một bình bát.)

Khi vị sư huynh nhất định là tôi phải cạo tóc cho ông, tôi đảnh lễ và đồng ý làm theo truyền thống. Tôi thấm nước lên đầu ông, chà xà bông lên đó, và cầm lưỡi lam lên. Đứng phía sau ông, tôi kéo lưỡi dao trên da đầu và một miếng da khoảng hai centimét tụt khỏi đầu ông! Ngay lập tức máu tuôn ra. Tôi sợ quá đến nỗi tôi bắt đầu run lên.

“Thưa đại đức, xin hãy tha thứ cho con,” tôi nói, rồi chạy đi tìm một tăng sinh khác. Thầy ấy mang vào một ít nước lạnh để rửa vết thương. Rồi trong khi tôi đứng nhìn trong sự xấu hổ và sợ hãi, thầy cạo nốt phần tóc còn lại của vị đại đức không may. Dĩ nhiên vào thời đó chúng tôi không có băng cá nhân, nên vị sư huynh kia phải đi khất thực với một cục thuốc dán trên đầu.

Nhờ vào trí nhớ như chụp ảnh, tôi học rất nhanh. Tiếng Sinhala, Pali và Santrit là những môn bắt buộc. Và tiếng Tamil, Ấn Độ và tiếng Anh là tuỳ chọn. Không cần nhiều cố gắng, tôi học được tất cả các môn. Như để thưởng tôi, cuối cùng tôi được phép vào sống trong ký túc xá với các tăng sinh khác, mặc dầu tôi tiếp tục không có khả năng để trả tiền trọ. Tôi được phép đến ở chung phòng với một sadi khác.

Rủi thay, người bạn cùng phòng ganh tỵ với tôi. Một ngày kia tôi kéo trong túi ra một quyển sách giáo khoa tiếng Anh mỏng, mà tôi đã mượn của người khác, tôi thấy nó đã bị xé hai. Tôi lo lắng không biết làm sao để đền tiền quyển sách, và bắt đầu khóc. Một tăng sinh khác ở phòng bên cạnh nghe tôi thút thít, đã hứa giúp đỡ bằng cách mua một quyển sách khác.

Vài ngày sau đó, người bạn cùng phòng đã thú nhận rằng thầy đã xé sách của tôi vì ganh tỵ với sự nổi tiếng và học giỏi của tôi ở trường. Chiều hôm đó chúng tôi giải quyết mọi khúc mắc và dần trở thành bạn tốt của nhau.

Dần dần, ngày thọ đại giới của tôi cũng đã được định. Đó là ngày 25 tháng 6, năm 1947. Tôi rất phấn khởi và hạnh phúc. Cuối cùng tôi cũng sẽ được làm một vị tỳ kheo với đầy đủ giới luật, ước mơ của tôi cũng đã thành hiện thực. Trước một hội đồng tăng già trang nghiêm, tôi sẽ thọ các giới luật mới khắt khe hơn. Thay vì là một sadi với mười giới luật, giờ tôi sẽ chấp nhận thọ 227 giới luật -những giới luật mà một tỳ kheo Phật giáo nguyên thủy phải tuân hành.

Tôi gần như không thể chờ đợi lâu hơn.

Buồn thay, ngay từ ban đầu, đã có một bóng mây trong quá trình đó. Vấn đề không phải là tôi có đủ tư cách để trở thành một tỳ kheo không, mà là vấn đề chính trị trong hội đồng Tăng Già Phật giáo ở Ceylon. Những vấn đề chính trị nầy đe dọa sẽ trì hoãn giấc mơ mà tôi đã ấp ủ cả đời.