Đời sống
Hành Trình Đến Chính Niệm
Tác giả: Bhante Henepola Gunaratana - Jeanne Malmgren Diệu Liên Lý Thu Linh (Dịch)
25/09/2556 18:03 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

 

Chương 22. Gặp mẹ lần cuối

 

 

Một cuộc chiến tranh nhỏ đang âm ỉ ở chùa Phật giáo Washington. Ngay khi tôi vừa về đến nhà, một số thành viên trong ban chấp hành tấn công tôi: “Sư đã bỏ rơi chùa,” họ nói. “Chúng tôi mời Sư đến Mỹ để làm việc cho chúng tôi, nhưng giờ thì Sư bỏ hết thời gian giúp mấy người Việt Nam đó. Chúng tôi không ưu tiên hơn họ sao?”

“Tôi phụng sự Phật, Pháp và Tăng,” tôi trả lời. “Là người tu sĩ, tôi phụng sự tất cả mọi chúng sanh, tôi không thể phân biệt người Sinhala hay người Việt Nam. Những người tỵ nạn đó đang đau khổ, nên tôi cần giúp đỡhọ.”

Mặc dầu họ không than phiền nữa, tôi biết đó không phải là lần cuối cùng tôi phải nghe về những điều này.

Tôi trở về chùa đầu tháng chín, vừa đúng lúc cho khóa mới tại đại học American. Tôi được một học bổng toàn phần để bắt đầu việc chuẩn bị cho bằng thạc sĩ về lịch sử tôn giáo - thật là một món quà tuyệt vời!

Sau khi học được vài tháng, tôi nhận được thư em gái, báo tin mẹ của chúng tôi không được khỏe, bà không còn ăn được gì nữa. Kèm theo bên trong lá thư là một mảnh giấy do mẹ tôi viết. Chỉ một vài dòng, nhưng ở cuối thư, bà bảo đã phải mất gần một tuần để viết. Bà đã quá yếu đến nỗi không thể viết một hay hai chữ cùng một lúc. Cầm được viết cũng đã khó rồi. Nhưng bà quyết tự viết thư cho tôi. Có lẽ bà biết rằng đó là lá thư cuối cùng bà viết cho tôi. “Mẹ mong có thể được gặp con,” bà viết.

“Anh nên trở về,” em tôi viết trong thư. “Mẹ có thể không sống lâu hơn nữa.”

Đó là cuối mùa thu năm 1976. Tôi thông báo cho ban chấp hành của chùa rằng mẹ tôi có thể sẽ mất, và tôi cần về thăm gia đình. Họ đồng ý mua vé cho tôi đi.

Vào tháng mười hai, tôi lên chiếc Pan Am 747 và hướng thẳng về nhà ở Tích Lan. (Năm 1972, chính phủ Ceylon chính thức đổi tên quốc gia này trở lại cái tên truyền thống hơn, Tích Lan, có nghĩa là ‘phồn thịnh và đẹp đẽ’ trong tiếng Phạn). Tôi ngồi ở ghế cạnh cửa sổ, như tôi vẫn thường làm. Máy bay trước hết đến Honolulu, rồi Guam và Singapore.

Khoảng một tiếng đồng hồ sau khi chúng tôi rời Honolulu, tôi nhìn ra cửa sổ, thấy lửa bốc lên từ một trong những bộ máy. Tôi đã nghĩ đó có thể là do dầu cặn thải ra.

Nhưng không phải thế.

Một vài giây sau, phi hành gia thông báo rằng chúng tôi phải trở lại Hawaii vì một trong những bộ máy bị cháy. Rồi các tiếp viên hàng không hướng dẫn chúng tôi cách thoát ra khỏi máy bay sau khi đáp xuống. Cầu thang thoát hiểm được bung ra, vì thế chúng tôi có thể ra khỏi máy bay nhanh chóng. Rõ ràng là mọi người đều lo lắng rằng một vụ nổ có thể xảy ra.

Họ cho những người có con nhỏ ra trước. Kế đến là phụ nữ có thai và người già, sau cùng là những hành khách còn lại. Họ bảo hãy để tất cả hành lý trên máy bay.

Tôi để ý thấy một vài hành khách làm dấu thánh giá trên ngực. Người khác thì khóc lóc hay cắn móng tay, hay thầm thì với người kế bên. Tôi nhìn thấy một vài cuốn kinh thánh được mở ra trên đùi.

“Ôi,” tôi nghĩ, “tôi đã làm tất cả những gì có thể trong cuộc đời. Tôi đã giảng pháp cho nhiều người, và tôi đã được công đức. Tôi đang trên đường đi gặp mẹ tôi. Dầu có chết bây giờ, tôi cũng sẽ được một sự tái sinh tốt đẹp.”

Tôi thật sự không cảm thấy sợ hãi. Tôi nghĩ rằng nếu máy bay có rớt xuống, thì dầu gì tất cả chúng tôi sẽ đều bất tỉnh trước khi chạm mặt đất. Chết như thế cũng chắng phải ghê gớm gì.

Rồi tự động tôi bắt đầu nghĩ về những lời Phật dạy về sợ hãi. Sợ hãi, ngài nói, phát sinh từ sự bám víu vào năm uẩn –thân, thọ, tưởng, hành và thức. Chúng ta bám víu vào những thứ này mà ta coi như là ‘cái tôi’. Chúng ta không muốn đánh mất ‘cái ngã’ này, vì thế chúng ta trở nên sợ hãi khi nó bị đe dọa dưới bất cứ hình thức nào.

“Phiền não phát sinh từ ái dục,” một đoạn trong kinh Pháp Cú đã nói thế. “Sợ hãi phát sinh từ ái dục. Sẽ không còn có phiền não hay sợ hãi đối với người không còn ái dục”. 

Khi máy bay chúi đầu xuống từ trên không, tôi biết nếu tôi có thể quán tưởng đến Tam Bảo, tôi sẽ được bình an. Tâm đầy uế nhiễm bị sợ hãi, lo âu, căng thẳng và bức xúc chế ngự. Nhưng tâm đầy những ý tưởng hướng về Phật, Pháp và Tăng thì tràn đầy thanh tịnh.

Tới Honolulu, máy bay hạ xuống sốc giật mạnh. Đã có những chiếc xe cứu hỏa đậu sẵn trên đường băng và ngay khi chúng tôi vừa chạm mặt đất, những chiếc xe này bắt đầu thổi khói quanh máy bay.

Mọi người nhảy lên, chạy đến cửa thoát hiểm. Chúng tôi không biết máy bay sẽ phát hỏa bất cứ phút giây nào.

Tôi nghĩ có lẽ tôi là người duy nhất trên cả chuyến bay này là chưa bao giờ trượt cầu tuột lúc còn bé. Ôi thật kỳ cục, dĩ nhiên, với chiếc y phùng lên quanh tôi, nhưng tôi phải nhận rằng nó cũng vui một chút! Khi xuống đến mặt đất, tôi nhảy ra và chạy thật nhanh. Đêm đó chúng tôi ở lại khách sạn Hawaii sang trọng, do Pan Am đài thọ.

Ngày hôm sau, tôi tiếp tục đến Singapore. Khi đáp xuống đó, tôi ngạc nhiên khi gặp một số người từ chùa Phật giáo Tích Lan, một chùa Sinhala. Họ mời tôi ở lại chùa họ một tháng. Tôi bảo với họ, tôi đang đi thăm mẹ bịnh, nhưng tôi có thể gửi điện báo cho em tôi để hỏi tình trạng mẹ tôi như thế nào, có thể tôi không cần phải về gấp rút như thế.

Ngày hôm sau, em tôi nhắn tin trở lại. Cô ấy cho biết mẹ chúng tôi cũng không yếu lắm ngay bây giờ, nên tôi ở lại Singapore một tuần. Rồi tôi đi Malaysia, ở đó một tuần nữa. Thời gian rộng rãi đó thật tốt, vì nó cho phép tôi sắp đặt để mang lại một ngạc nhiên thú vị cho mẹ.

Một vài người bạn ở Malaysia đã cúng dường một máy chiếu phim slide, và tôi cũng kiếm được một radio FM với một microphone không dây. Tôi có khoảng năm trăm ảnh slide màu của những nơi tôi đã thăm viếng khắp trên thế giới. Có chùa chiền, nhà chọc trời, khung cảnh thiên nhiên, thú vật và các lễ hội. Tôi muốn cho mẹ thấy những nơi tôi đã từng có mặt suốt những năm qua, khi tôi không ở với gia đình. 

Khi đến Tích Lan, chúng tôi đã có buổi chiếu slide ở nhà chị tôi. Vì không có điện ở đó, chúng tôi phải mượn dây nối từ nhà hàng xóm. Mẹ tôi ngồi, hoàn toàn bị thu hút khi bà xem những tấm ảnh slide và lắng nghe những lời giới thiệu của tôi. Mắt bà sáng lên.

Chúng tôi bắt đầu buổi chiếu lúc 10 giờ tối và kéo dài cho đến hai giờ sáng, nhưng mẹ tôi hình như không biết mệt. Khi buổi chiếu đã kết thúc, bà hỏi còn thêm slide nào nữa không. Đó là lần cuối chúng tôi vui vẻ bên nhau.

Ngày hôm sau tôi gọi bác sĩ của mẹ để hỏi về tình trạng sức khỏe của bà. Ông bảo rằng trái tim mẹ tôi đã yếu. Bà đã tám mươi sáu tuổi, bà có thể ra đi bất cứ lúc nào. Rằng tôi nên cho bà vào nhà dưỡng lão, nơi bà có thể được chăm sóc một cách chu đáo.

Vì thế chị tôi, cháu tôi và tôi quyết định chuyển bà vào một nhà dưỡng lão ở Kandy. Rồi tôi chào từ giã mẹ, đi Colombo. Khi tôi ra đi, họ cũng trên đường chuyển mẹ tôi đến nhà dưỡng lão. Ngày hôm sau, tôi nhận được điện thoại của cháu tôi. Nó khóc.

Nhà dưỡng lão quyết định trả mẹ tôi về, sau khi đã tiếp nhận bà vào được một đêm. Không nói lý do; có thể họ nghĩ rằng nếu bà mất ngay sau khi đến đó sẽ là điều không tốt cho việc kinh doanh của họ. Lúc đó, tình trạng sức khỏe của mẹ tôi đã tồi tệ hơn, có lẽ vì phải di chuyển đường xa để đến được nhà dưỡng lão. Chị và cháu tôi biết rằng phải đưa mẹ đi bệnh viện, nên họ quay trở lại nhà dưỡng lão đón bà -ở đó không có xe cứu thương.

Bà nhất quyết muốn ngồi thay vì nằm xuống ở băng sau. Họ kể rằng bà đã rên đau suốt chuyến đi. Khi đến được bệnh viện, bà đã im lặng.

Bà đã ra đi trong dáng ngồi thẳng, ở băng ghế sau xe. 

Tôi nhớ về những lần mẹ băng bó vết thương cho tôi ngày tôi còn bé, làm sao mà bà luôn biết chính xác phải làm gì để tôi cảm thấy dễ chịu hơn. Tôi nhớ lại cảm giác được mẹ ôm vào lòng như thế nào. Tôi nghĩ đến lá thư cuối cùng mẹ đã viết cho tôi, chỉ vài dòng, một cách khó khăn.

Tôi cảm thấy buồn vì bà đã ra đi trong đau đớn và hối hận rằng tôi không có mặt ở đó bên bà.

Đức Phật đã nói: “Phải xa cách người mình yêu thương là đau khổ.” Mặc dầu tôi đã trải qua nhiều năm giảng Pháp về đau khổ và phiền não, đã hành bao nghi lễ ở đám táng và an ủi người ta sau sự ra đi của người thân, tôi không nghĩ tôi hoàn toàn hiểu những lời dạy của Phật, cho đến khi tôi kinh nghiệm sự ra đi của mẹ tôi. Khi mẹ mất, nỗi đau khổ của tôi quá sâu đậm đến nỗi tôi cảm thấy trái tim tôi như đã bị châm chích bởi những mũi thuốc đắng cay, nhức nhối.

Với công phu tu hành của tôi cho đến thời điểm đó, tôi luôn cố gắng để làm vừa lòng mẹ. Tôi muốn cho bà, hơn tất cả bất cứ người nào trên thế giới, được sung sướng. Mẹ tôi đã rất hạnh phúc vì tôi xuất gia và tôi đi hoằng pháp khắp cả thế giới. Vì thế mỗi lần làm được điều gì mới, hay điều gì tốt, tôi đều viết cho mẹ biết. Không phải để khoe khoang, nhưng tôi biết rằng chúng sẽ mang lại cho mẹ tôi bao hạnh phúc.

Giờ bà đã ra đi, tôi còn cố gắng làm vui cho ai?

Tôi cảm thấy rằng sự đau khổ đó thực sự làm bấn loạn tâm tôi. Sự bám víu của tôi đối với mẹ là một kết sử lớn nhất của tôi. Khi mất mẹ, trong chốc lát tôi đã quên hết những lời Phật dạy về cái chết và vô thường. Tôi chỉ hoàn toàn bị chìm đắm trong khổ đau.

Cả hai người anh lớn của tôi đều đã ra đi, việc tang ma cho mẹ, tôi phải gánh vác vì là người con trai duy nhất còn sống. Các chị em tôi quyết định hỏa táng mẹ. Buổi lễ đơn giản, với các vị sư tụng kinh bên cạnh giàn hỏa thiêu của mẹ ở nghĩa trang. Cũng giống như tôi đã làm ở đám tang cha, tôi cũng nói vài lời để cảm ơn tất cả mọi người đã đến. Chỉ là lần này, điều đó khó làm hơn. Rất khó hơn.

Cho đến ngày nay, tôi vẫn còn cảm thấy rất trân quý những kỷ niệm về mẹ.

Vào năm 1979 hay 1980, tôi có buổi nói chuyện ở một hội nghị về các tôn giáo ở Dallas, Texas. Vì thời gian đó gần lễ Thanksgiving, người ta yêu cầu tôi nói về lòng biết ơn. Vì thế, tôi quyết định nói về mẹ tôi.

Nhưng khi tôi đứng ở bục giảng, cố gắng để nói những lời đầu tiên của bài diễn văn, bỗng nhiên tôi bắt đầu khóc. Thật là xấu hổ. Tôi tức tưởi khóc đến nỗi không thể nói được điều gì. Thính giả chỉ ngồi đó nhìn tôi. Phải rất lâu sau, tôi mới lấy lại được bình tĩnh.

Tất cả những gì tôi muốn nói với họ là tôi sẽ không bao giờ quên mẹ tôi, và tôi rất mang ơn tình thương vô giới hạn của bà. Lạ lùng thay, khi đứng đó khóc trước một khán phòng đầy người, tôi lại bắt đầu hiểu một trong những lời Phật dạy về cái chết và sự khổ đau. Ngài đã nói rằng nước mắt mà chúng ta đã đổ xuống vì sự mất mát những bà mẹ trên thế gian, trong luân hồi – những nước mắt ấy còn nhiều hơn nước ở tất cả đại dương.