Lời cuối
Năm nay
tôi đón sinh nhật thứ bảy mươi lăm của mình. Khi nhìn lại quãng đời mình đã
trải qua, tôi bàng hoàng. Bảy mươi năm trước, tôi là một cậu bé đi chân không,
sống trong một ngôi làng rậm rạp cây, trên một hòn đảo ở Ấn Độ Dương. Cậu bé đó
thường ngồi vẽ tranh dưới cát bằng một que cây. Hôm nay tôi là một tu sĩ có
trình độ học vấn sau tiến sĩ, với hàng ngàn dặm đường bay đã được tích lũy và
một chiếc máy vi tính xách tay G4 loại mạnh, xếp trong hành lý xách tay của
mình.
Tôi có bạn bè và đệ tử ở khắp
nơi trên thế giới và lục địa duy nhất mà tôi chưa đến là vùng Nam Cực. Quyển
sách đầu tiên của tôi, Chánh Niệm
Cơ Bản (Mindfulness In Plain English),
đã được dịch sang tiếng Trung Hoa, Đại Hàn, Tây Ban Nha, Ý, Đức và Pháp. (ND:
Sư Gunaratana chưa biết là quyển sách ấy đã được dịch sang cả tiếng Việt Nam, tựa là Chánh Niệm-Thực Tập Thiền Quán, dịch
giả Nguyễn Duy Nhiên).
Tôi nói điều này không phải để
khoe khoang, nhưng để chứng minh rằng người ta có thể đạt đến những mục tiêu
cao xa, khi họ được trang bị với lòng quyết tâm và nghiệp lành. Và tôi thực sự
tin rằng rất nhiều cuộc hành trình và nhiều sự thành tựu của tôi có được là do
nghiệp quả từ nhiều đời trước của tôi.
Nhưng tôi cũng luôn tự thôi thúc
để hoàn thiện mình hơn. Nhìn lại cuộc đời mình, tôi cảm thấy giống như, lúc đầu
tôi là một người đi đứng khó khăn. Rồi người này cố gắng một cách chậm rãi,
khốn khổ để bước vài bước tới. Dần dần khi đã vững vàng hơn trên đôi chân, anh
ngước nhìn lên và thấy một ngọn đồi cao ba, bốn chục mét trước mặt. Vì thế anh
cố trèo lên. Rồi anh ta lại thấy một ngọn đồi khác cao hơn chút nữa, sáu chục
mét. Anh cũng đã trèo lên ngọn đồi đó nữa.
Còn nhiều ngọn đồi nữa tiếp theo
sau. Mỗi ngọn lại cao hơn ngọn trước đó, và anh tiếp tục leo lên tất cả, từng
cái một. Dần dần anh thấy ngọn núi cao nhất chưa từng thấy trước đó -vĩ đại,
hùng vĩ. Anh hít thở thật sâu vào, đặt chân này trước chân kia, rồi lần bước
tới.
Khi đến trên đỉnh núi, anh nhìn
quanh và thấy những đỉnh núi khác nữa. Cuối cùng, anh nhận ra rằng, mình đã
không còn sức để tiếp tục trèo lên nữa.
Giờ khi đã đạt đến thập kỷ thứ
tám của mình, tôi nghĩ rằng tôi sẽ nghỉ ngơi chút đỉnh. Tôi có thể đợi đến kiếp
sau để trèo lên những ngọn núi còn lại.
Dĩ nhiên, tôi vẫn còn phải vượt
qua ngọn núi cao nhất. Tất cả những gì tôi đã vượt qua đều không đáng kể, so
với ngọn núi ở phía trước mặt, đỉnh núi vô cùng tận -sự giác ngộ viên mãn, toàn
diện, siêu việt.
Còn trong lúc này đây, cuộc sống
vẫn còn đầy thử thách. Một trong những bổn phận của tôi là phải giữ giới luật
của một người tu khi còn sống trong thế giới phàm tục. Khi tôi du hành, người
ta dành cho tôi những tiện nghi vượt bực. Tôi ở trong những khách sạn năm sao
hay những biệt thự sang trọng có hồ tắm được xây ngay trong đại sảnh. Những
người giàu sang lái xe đưa tôi đi trong những chiếc Bentley hay Porsche của họ.
Có lần tôi còn được đón trong một chiếc Rolls-Royce màu trắng, mui trần, và một
lần khác, trong một chiếc trực thăng của tư nhân.
Dầu người ta cố gắng dành cho
tôi nhiều vinh dự, nhưng tôi cảm thấy rất bức xúc khi thụ hưởng tất cả những sự
sang cả này. Người tu sĩ phải sống đời đơn giản. Không rườm rà, không đòi hỏi
gì hơn những nhu cầu tối thiểu. Vậy mà đôi khi tôi phải nằm trên những chiếc
giường quá ấm êm đến nỗi tôi phải bí mật lấy mền, trải ra trên thảm ngủ, với hy
vọng rằng các vị chủ nhà không bao giờ khám phá ra được điều ấy.
Nhiều bạn bè, thân quyến của tôi
vẫn còn sống ở Tích Lan. Họ vẫn còn phải đi trên những sàn nhà làm bằng phân
bò, giống như tôi đã từng trải qua trong thời thơ ấu. Tôi nghĩ về họ khi ngồi
trên những chiếc ghế hạng nhất êm ái trên các chuyến bay, và tôi không cầm được
nước mắt.
Mặc dầu tôi đã cố gắng giảm bớt
các chuyến du hành những năm gần đây, nhưng những lời mời đến dạy và hướng dẫn
các khóa tu thiền vẫn đến từ khắp các nước trên thế giới. Những nơi như - Canada, Brazil,
Malaysia, Singapore, Úc, Scandinavia,
Âu châu- tôi đi gần như hàng năm. Dấu thông hành đến các nước được đóng đầy
trong hộ chiếu tôi từ rất lâu rồi.
Năm 1977, tôi trở thành công dân
nước Mỹ, vì thế Mỹ giờ đã trở thành quê hương. Tôi đã thõa mản ước nguyện được
giảng Pháp bằng thứ ngôn ngữ được sử dụng nhiều nhất trên thế giới. (ND: tiếng
Anh).
Hội Bhavana, cũng như các trung
tâm thiền khác, cũng có những khó khăn riêng của nó: sự cúng dường không đều
đặn, những xung đột nội bộ, những kẻ lang thang ghé qua, xin ở lại, rồi ra đi
với sổ tiết kiệm của chùa hay chiếc xe của cộng đồng.
Nhưng những người trong ban điều
hành của Hội vẫn rất hài lòng với những thành tựu mà Hội đã đạt được. Năm 1997,
chúng tôi đã xây được một thiền đường thật khang trang, nhờ vào sự cúng dường
đóng góp gần $150.000 đô của các nhà bảo trợ người Thái ở Mỹ và ở Thái Lan.
Thiền đường là một công trình
kiến trúc thật đẹp mắt, gần giống các vương cung thánh đường với những cây xà
bằng gỗ thông vàng trông như bộ sườn của một chú cá voi. Một tượng Phật đồ sộ,
nặng hơn ba trăm ký, ngồi trên tòa cao dưới một cửa sổ bằng kính khắc họa. Các
cửa sổ đều được khắc hình lá Bồ đề, gợi nhớ đến loại cây đã che chở cho Đức
Phật khi Ngài ngồi thiền định trong đêm Ngài đạt được giác ngộ. Tôi hy vọng
rằng điều này sẽ mang đến nhiều cảm hứng cho những ai đến đây tu hành.
Thiền đường cũng có những tiện
nghi vật chất khác: Ngay cả trong những mùa đông khắc nghiệt của West Virginia, các thiền
sinh cũng được sưởi ấm bằng những ống dẫn nước nóng dưới sàn nhà.
Tôi đã thực hiện nhiều lễ xuất
gia ở hội Bhavana cho cả nam và nữ cư sĩ. Một số là Á châu; còn lại phần đông
là người Tây phương. Một số vẫn sống đời tu sĩ; số khác đã hoàn tục.
Có khoảng hai mươi thất ở rải
rác trong rừng trên đất của chúng tôi, và chúng tôi đã xây cũng như làm mới lại
nội điện để các thiền sinh có thể ở lại, tổng cộng là chín tòa nhà. Có thể chứa
đến sáu mươi khách ở lại qua đêm.
Tôi cảm thấy cuối cùng tôi đã
thực hiện được cách sống mà tôi đã phác họa ra cho những năm cuối đời mình. Tôi
không còn phải sửa chữa các ống nước bị nhiễu, làm đệm tường, hay cắt cỏ. Tôi
không phải lái xe hay phải cân bằng sổ sách. Có người ở quanh tôi để làm các
chuyện đó.
Tất cả tác quyền từ các sách của
tôi, và tiền cúng dường của thiền sinh trong các khóa tu thiền, tôi đều bỏ cả
vào tài khoản ngân hàng của hội Bhavana. Vào ngày sinh nhật tôi và các ngày lễ,
tôi thường nhận được các ngân phiếu cúng dường từ bè bạn và thân quyến.
"Bhante, hãy dùng tiền này
cho riêng sư," họ nói. "Đừng bỏ vào quỹ hội Bhavana."
Tôi chỉ mỉm cười, cảm ơn họ, rồi
bỏ tất cả vào tài khoản của hội Bhavana. Đó là việc phải làm. Tôi là tu sĩ; tôi
không có tài sản. Tôi sẽ ra đi như tôi đã đến trong thế giới này -không có sở
hữu. Tài sản mà ta thực sự sở hữu chính là nghiệp của mình.
Tôi không thể tưởng tượng ra một
cuộc sống nào khác cho mình hơn là cuộc sống như thế này của một tu sĩ, và được
hoằng Pháp. Tôi được sinh ra để làm Phật sự đó, và tôi cảm thấy rất hàm ân vì
có duyên lành để làm thế. Tôi đã được tiếp xúc với những người nghèo nhất trong
các người nghèo, cũng như giàu nhất trong các người giàu, những người nổi
tiếng, những kẻ hạ tiện, những người thánh thiện và những kẻ ác độc.
Qua tất cả, tôi đã nhận thức
được rằng không có gì quan trọng bằng việc có thể nhìn thấy được Tứ thánh đế
trong tất cả mọi thứ ở quanh ta. Tham, sân và si chế ngự cuộc sống của con
người. Chúng ta phải cố gắng tu hành tinh tấn để chế ngự được những uế nhiễm
này nếu chúng ta muốn chấm dứt khổ đau.
Pháp Phật luôn che chở cho tôi,
là cánh dù trong những cơn bão tố. Đó là chỗ nương tựa mà chúng ta lúc nào cũng
có thể quay về, nếu chúng ta nhớ được thế.
Tôi mong rằng bạn cũng sẽ tìm
được chỗ nương che cho cuộc đời của mình giống như thế.
High View, West
Virginia - Mùa Xuân 2003
Bhante Henepola Gunaratana
Chú Thích
Trong sách này, Sư Gunaratana sử
dụng các đơn vị đo lường của Anh. Xin ghi bảng đối chiếu để bạn đọc tiện theo
dõi:
-Inch/Inches = 2.54 cm
-Foot/Feet =.3048 m
-Yard =.9144 m
-Acre
= 4046.86 m2
-Gallon = 3.7858 lít
- Ceylon:
Tên gọi của Sri Lanka
trước đây.
- Sinhalese:
Ngôn ngữ của người Sinhala, một trong hai dân tộc chính ở Sri Lanka, chiếm 68%
dân số, hầu hết theo đạo Phật. Dân tộc lớn thứ hai ở Sri Lanka là Tamil (14%),
phần lớn theo đạo Ấn Độ.