Đời sống
Hành Trình Đến Chính Niệm
Tác giả: Bhante Henepola Gunaratana - Jeanne Malmgren Diệu Liên Lý Thu Linh (Dịch)
25/09/2556 18:03 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

 

Chương 2. Cuộc sống không nhà

 

 

Khi tôi lớn hơn, ý muốn được trở thành một người tu sĩ càng tăng lên. Trước khi xuất gia, tôi rất thích giả bộ tôi đã là một tu sĩ. Tôi sẽ quấn quanh mình một miếng vải trắng, giống như các vị sư quấn y quanh mình, rồi ngồi xuống một gốc cây trong rừng. Tôi tưởng tượng rằng các cây chung quanh là người, rồi thuyết cho đám đông thính giả thầm lặng đó, hay đọc tụng lại một vài đoạn kinh bằng tiếng Pali mà tôi đã nghe ở chùa. Rồi tôi cũng ngồi xuống, giả vờ như mình đang lắng sâu trong “thiền định”, dầu lúc đó tôi chẳng biết thiền là gì.

Từ thuở đó, tôi đã tin rằng nghiệp của tôi là phải trở thành người tu sĩ. Điều đó không có nghĩa là “số kiếp” của tôi phải là như thế, vì trong Phật giáo không có những quan niệm như thế. Đúng hơn, đó là vì tất cả các nhân đã tích lũy trong quá khứ, không biết là đã bao lâu rồi, khiến bây giờ tôi lại muốn trở thành một tu sĩ Phật giáo. Có thể tôi đã là một tu sĩ trong một kiếp trước -không được thành công lắm, vì rõ ràng tôi vẫn chưa đạt được giác ngộ trong kiếp này, nhưng cũng không hoàn toàn thất bại, vì tôi đã có duyên lành được tái sinh làm người, được có thêm cơ hội để hoàn thiện công phu tu tập của mình. Dầu không phải như thế, thì sự thôi thúc được xuất gia, niềm khao khát sâu xa được mặc chiếc áo nhà tu cũng đã chớm nở trong tôi rất sớm.

Khoảng năm mười một tuổi, tôi đã không còn thích thú gì trong những trò quậy phá và đánh nhau của đám con trai, mà tôi và Rambanda thường ưa thích, và tôi cũng không còn hứng thú trong chuyện học. Tôi chỉ muốn được gia nhập vào tăng đoàn Phật giáo, theo truyền thống Á châu cổ xưa của hơn hai ngàn năm trăm năm trước. Những câu chuyện của các thiếu niên vào thời Đức Phật còn tại thế, với những ước muốn trở thành người tu tương tự như tôi, làm tôi say mê. Một trong những câu chuyện như thế là về một cậu bé tên gọi là Culapanthaka.

Culapanthaka được sinh ra ở ven đường, khi mẹ cậu trên đường trở về quê ngoại. Ở Ấn Độ vào thời cổ xưa, người phụ nữ có thai, theo truyền thống, phải trở về nhà cha mẹ ruột để sinh con, và thường những nhọc nhằn trong cuộc hành trình dẫn đến việc sinh con trên đường về. Thái tử Siddhattha Gotama (gọi trong tiếng Phạn là Siddhartha Gautama), người mà sau này trở thành Đức Phật, được sanh trong một khu rừng nhỏ bên đường vì mẹ của thái tử, hoàng hậu Mahamaya đang trên đường trở về nhà cha mẹ ruột.

Mẹ của Culapanthaka có hai người con trai, cả hai đều được sinh ra bằng cách đó, ở ven đường. Người đầu tiên bà đặt tên là Mahapanthaka –“người lữ hành lớn”. Người thứ hai tên là Culapanthaka, có nghĩa là người “lữ hành tí hon.” Vì người mẹ rất nghèo, bà để hai con trai lại cho cha mẹ bà nuôi ở Rajagaha.

Mahapanthaka thường đi theo ông ngoại đến nghe Đức Phật thuyết pháp, và điều đó lôi cuốn ông dần dần trở thành một tăng sĩ. Vài năm sau, người em Culapanthaka cũng đi theo bước chân anh.

Mahapanthaka muốn dạy Pháp cho em mình, nhưng thấy cậu bé là người quá kém thông minh. Culapantakha không thể nhớ đến một câu kinh đơn giản trong mấy tháng trời. Mahapanthaka rất thất vọng và đã nghĩ rằng nếu em mình không thể học Pháp thì không thể tiếp tục làm tăng sĩ.

“Em nên cởi bỏ y áo rồi về nhà đi”, ông bảo với em trai mình.

Culapantakha rất buồn khổ. Ông rất thích cuộc sống tu hành và được làm đệ tử Đức Phật. Ông không biết phải làm gì, nhưng biết rằng ông không muốn phải hoàn tục.

Không lâu sau đó, Jivaka Komarabhacca, người thỉnh thoảng làm lương y cho Đức Phật, yêu cầu Mahapanthaka thỉnh Đức Phật và tăng đoàn ở tu viện đến dùng bữa trưa tại nhà ông. Mahapanthaka thay mặt tăng đoàn chấp nhận lời mời, rồi nói thêm, “Đến ngày mai Culapanthaka sẽ không còn ở tu viện nữa. Tôi đã yêu cầu thầy ấy hoàn tục nhưng tôi sẽ đến cùng với Đức Phật và tăng đoàn”.

Nghe giọng nói quyết liệt của anh mình, Culapantakha đau buồn thảm thiết, với đôi mắt đẫm lệ, ông thu xếp vật dụng rồi rời tu viện. Nhưng khi ông vừa đi ra, Đức Phật thấy ông và hỏi tại sao ông buồn vậy, ông kể cho Phật nghe những gì đã xảy ra.

Đức Phật nói: “Thầy không cần phải cởi bỏ y áo, từ bỏ đời sống tu sĩ chỉ vì thầy không thể thuộc một câu kinh. Đây, tôi có thể chỉ cho thầy một việc mà thầy có thể hiểu một cách dễ dàng”.

Đức Phật đưa cho ông một miếng vải trắng và nói, “Hãy cầm mảnh vải này ra ngồi ngoài sân. Tay trái thầy cầm mảnh vải, lau lên bàn tay mặt, lặp đi lặp lại câu ‘Chùi sạch, chùi sạch, chùi sạch’”.

Culapantakha làm đúng như lời Phật dạy. Ông ngồi dưới nắng, cầm mảnh vải lau vòng vòng trên bàn tay mặt, lặp lại câu chú bất thường mà Đức Phật đã dạy cho ông để thực hành chánh niệm.

Sau một lúc ông nhìn lại. Miếng vải trắng đã trở thành đen, lem luốc bởi mồ hôi trong tay ông. Mặc dầu đọc câu chú về làm sạch, nhưng ông đã làm dơ hết miếng vải!

Bỗng nhiên, Culapantakha chứng ngộ rằng tất cả đều vô thường. Tất cả những gì ông ưa thích, tất cả những gì ông đã nếm trải, đã chống đối, không có gì là ngoại lệ, tất cả đều vô thường như miếng vải trắng sạch đó. Ngay lúc đó, Culapantakha đã trở nên giác ngộ, nhận thức rõ ràng được sự vô thường của vạn vật. Ông trở vào tu viện ngồi dưới một cội cây và dùng năng lực tâm linh huyền bí của một người đã hoàn toàn giác ngộ, tạo ra hàng trăm tăng sĩ giống hệt như ông.

Trong lúc đó, các vị tăng khác ở tu viện đã đi với Đức Phật đến nhà Jivaka. Đức Phật không thấy Culapantakha, do đó Ngài đã từ chối thọ thực.

“Bạch Đức Thế Tôn, có chuyện gì?” Jivaka lo lắng hỏi. “Còn thiếu gì nữa chăng?”

Đức Phật hỏi: “Ông có chắc rằng tất cả tăng đoàn đã đến chăng?”

“Bạch Đức Thế Tôn, con chắc rằng tất cả đã đến. Đại đức Mahapanthaka đã xác nhận điều đó”.

“Dầu vậy,” Đức Phật từ tốn nói, “hãy cho người trở lại tu viện xem còn có tăng sĩ nào ở lại phiá sau”.

Jivaka sai người trở lại tu viện. Người đó nhanh chóng trở lại mặt xanh như người chết.

“Bạch Đức Thế Tôn cả tu viện đầy tăng sĩ!”, ông thưa. “Người thì đang hành thiền, người đang vá áo, người lau chùi, người gánh nước, người kinh hành, người đọc tụng kinh pháp.”

Đức Phật bảo người kia trở lại tu viện tìm thầy Culapantakha. Ông ta làm theo. Và khi ông làm thế, thì tất cả tu sĩ -hàng trăm người- trả lời, trong một giọng, “Tôi là Culapantakha.”

Người đàn ông kinh hoàng. Ông trở về nhà Jivaka, báo lại những gì ông đã chứng kiến. Sau đó Đức Phật dạy ông trở lại, nắm lấy áo một vị. “Nếu ngươi làm thế,” Đức Phật nói, “các tu sĩ khác sẽ biến mất.”

Người đó đã y theo lời Phật dạy. Và ông đã đưa vị tên là Culapantakha về để thọ thực. Sau khi thọ thực, Đức Phật yêu cầu Culapantakha thuyết một bài Pháp. Người anh, Mahapanthaka và các vị tăng còn lại đều ngạc nhiên. Tại sao Đức Phật lại trân trọng một người yếu kém như thế, một vị tu sĩ tồi tệ đến nỗi không nhớ đến một câu kinh?

Nhưng Culapantakha đã thuyết một bài Pháp tuyệt diệu, dựa ngay trên sự chứng nghiệm của mình về vô thường. Mọi người đều bàng hoàng trước sự hiểu biết sâu rộng của ông.

Theo câu chuyện này, trong tiền kiếp ông đã là một vị sư rất thông minh, nhưng đã chế ngạo một huynh đệ kém thông minh, đang cố gắng với nhiều khó khăn để học thuộc lòng một đoạn kinh. Cho nên trong kiếp kế tiếp của Culapantakha, nghiệp của ông đã trổ quả: Một mặt ông không thể học một câu kinh trong bốn tháng, mặt khác ông lại có thể đạt được giác ngộ và thần thông. Cả hai đều là kết quả của những nghiệp trước đó, tốt và xấu. Một câu chuyện với hai chủ đích: vừa sách tấn, vừa cảnh cáo!

Cũng giống như Culapantakha, tôi rất kiên quyết theo đuổi mục đích của mình. Tôi van nài cha mẹ tôi để được đi tu mãi, đến nỗi dần dần họ cũng coi điều yêu cầu của tôi là nghiêm chỉnh, chứ không phải là bốc đồng thoáng qua. Tôi còn rất trẻ để có thể được xuất gia ngay, nhưng tôi có thể ở trong chùa và học tập làm chú tiểu. Nhiều cậu bé đã làm như thế, và nhiều người trong số họ đã trở thành tu sĩ khi họ lớn lên.

Gia đình nào có một trong những người con trai của họ gia nhập tăng đoàn thì được coi là rất vinh dự. Khi một người xuất gia, tất cả họ hàng đều được công đức tâm linh. Ngay chính như người thanh niên đã lập gia đình, khi anh ta quyết định xuất gia, bỏ vợ lại nhà cũng không bị khiển trách. Người vợ cũng được công đức bởi sự xuất gia của chồng.

Vì thế dầu ngần ngại, cuối cùng cha tôi cũng đồng ý để tôi thử sống ở chùa. Mẹ tôi khóc vì bà không muốn tôi rời xa nhà, nhưng bà thấy không thể lay chuyển quyết định của tôi -ngay chính tử vi của tôi cũng đã tuyên đoán như thế! Và mẹ tôi chắc chắn không phải là người mẹ duy nhất ở Ceylon phải đưa đứa con trai nhỏ nhất của mình vào đời sống tôn giáo; vì Phật giáo quá phổ biến trong nền văn hoá của chúng tôi, điều đó xảy ra luôn.

Cha tôi đi hỏi một vị chiêm tinh gia trong làng để chọn một ngày may mắn cho tôi rời nhà. Thời đó, thuật chiêm tinh quyết định những biến cố quan trọng trong cuộc đời của chúng tôi. Người ta xem sao để quyết định khi nào xuống giống, khi nào lập gia đình, khi nào chôn người chết, khi nào cắt tóc cho đứa trẻ lần đầu tiên, khi nào bắt đầu một công việc quan trọng, kể cả khi đào móng xây nhà.

Mặc dầu sự tiên đoán của thuật chiêm tinh có vẻ trái nghịch với giáo lý Phật giáo về nghiệp luật của nhân quả, niềm tin vào thuật chiêm tinh vẫn hiện hữu bên cạnh Phật giáo, và không ai nghĩ điều đó có vấn đề gì.

Vào ngày đã chọn, mẹ tôi nấu một ít cơm sữa cho tôi. Đó là một sự chiêu đãi đặc biệt. Khi đứa trẻ học đánh vần lần đầu tiên, bà mẹ nấu cơm sữa. Hay khi đứa trẻ lần đầu tiên đến trường, bà mẹ nấu cơm sữa. Để mừng sinh nhật hay năm mới, người ta cũng nấu cơm sữa. Hàng năm, vụ mùa đầu tiên thường được dùng để nấu cơm sữa dâng cúng cho các vị sư.

Và dĩ nhiên, đó chính là cơm sữa mà cô thôn nữ Sujata đã dâng cho thái tử Siddhattha Gotama gầy yếu, sau khi Ngài quyết định từ bỏ cách tu khổ hạnh. Ngài đã nhận sự cúng dường đó. Chén cơm sữa đã giúp Ngài hồi sức để có thể dũng mãnh toạ thiền dưới gốc cây bồ đề và đạt được giác ngộ, rồi sau đó giảng dạy về con đường trung đạo.

Khi đang ăn chén cơm sữa mà mẹ đã nấu cho ngày rời xa nhà của tôi, tôi nhìn thấy những giọt nước mắt bắt đầu lăn trên mặt mẹ và các chị tôi. Rambanda cũng đang kiềm giữ những giọt nước mắt.

Khi thời điểm phải rời nhà đến gần, cha tôi xuất hiện, trong bộ xà rông và áo sơmi trắng tốt nhất của ông. Ông bảo tôi đã đến lúc phải đi. Tôi cũng mặc vào chiếc áo sơmi và cái xà rông trắng.

Lúc đó thì anh tôi oà lên khóc, và bỗng nhiên tôi cảm thấy rất khó ra đi. Những tình cảm lẫn lộn làm tôi nghẹn ngào. Tôi rất hạnh phúc, vì cuối cùng cũng được đến ở chùa, nhưng tôi cảm thấy rất buồn vì phải xa gia đình. Với sự ra đi này, tôi coi như đã từ bỏ cuộc sống gia đình để theo một cuộc sống được gọi là ‘vô gia cư’, cuộc sống của một vị tu sĩ Phật giáo.

Cả gia đình tụ ra trước nhà để tiễn tôi đi. Tôi quỳ gối trước mặt mẹ, và chạm trán xuống đất dưới chân bà.

Bà vuốt đầu tôi bằng cả hai tay.

“Nguyện cầu Tam Bảo phù hộ cho con,” bà thầm thì, giọng nói nghẹn ngào. “Cầu chư thiên phù hộ con. Cầu cho con được sống lâu sức khoẻ. Cầu cho con khỏi mọi tai nàn”.

Và rồi bà bắt đầu khóc.

Tôi đứng dậy và mẹ tôi hôn lên trán tôi, ôm chặt lấy tôi.

Cha tôi và tôi đi bộ hàng giờ trên con đường bụi bặm để đến ngôi chùa, nơi sẽ là mái nhà mới của tôi. Chúng tôi không có hẹn trước, cha tôi đã không báo với nhà chùa rằng tôi sẽ đến. Các vì sao đã báo rằng đó là một ngày tốt để tôi rời nhà, và đúng như thế.

Gần cuối ngày, chúng tôi đến thành phố Kosinna, ở quận Rambukkana. Ngôi chùa nằm trong một đồn điền dừa ở cuối con đường đất. Khuôn viên chùa bao gồm một giảng đường, khu nội viện của các tăng và một chánh điện riêng biệt. Ngoài sân có vài chiếc ghế và rất nhiều cây hoa, cũng như là các luống trầu cho ra những lá trầu mà các vị sư thường nhai vì chất gây nghiện nhẹ của chúng.

Cha dẫn tôi đến trước vị sư trụ trì, là một người đàn ông nhỏ thó, khoảng sáu mươi tuổi. Sau này tôi được biết rằng ông đã lập gia đình trước khi xuất gia, đã sống trong ngôi nhà ở cạnh vườn dừa, và có được một người con trai lớn.

Cha ở lại chùa với tôi khoảng hai tiếng đồng hồ; rồi ông về. Tôi rất mệt và chỉ muốn đi ngủ. Gia đình và thời thơ ấu của tôi dường như đã xa thẳm.

Sáng hôm sau vị sư trưởng đưa cho tôi một quyển sách tiếng Pali căn bản, ngôn ngữ mà Đức Phật đã sử dụng và được dùng trong các kinh điển Phật giáo nguyên thủy. Sư bảo rằng tôi phải thuộc lòng tất cả mọi thứ trong sách để chuẩn bị cho sự xuất gia của tôi, và sư hoạch ra những bổn phận tôi phải làm.

Tôi và ba cậu bé khác ở chùa phải đi vòng quanh đồn điền để lượm những trái dừa rụng và đem chất chúng ở nhiều nơi. Chúng tôi cũng phải quét nhà, lượm củi để nấu ăn, kéo nước, rửa chén, và giặt đồ. Căn bản chúng tôi là những người lao động không công -cũng một loại nô lệ.

Những bổn phận thuộc về tôn giáo của chúng tôi bao gồm hái hoa để chưng trên bàn thờ trong chánh điện, và dự các buổi đọc kinh mỗi sáng chiều.

Các cậu bé khác thì nấu ăn mỗi ngày. Công việc của tôi là đến nhà cũ của vị sư trưởng, để mang những thức ăn đặc biệt do người vợ trước của ông chuẩn bị. Chỉ có ông được quyền dùng các món này.

Ba cậu bé ở trong chùa tất cả đều lớn và to con hơn tôi. Những ‘cậu bé ở chùa’ nầy không phải là các chú tiểu, như tôi sẽ trở thành sau nầy, nhưng họ được có cơ hội lãnh hội một nền giáo dục tôn giáo bằng cách sống ở chùa, và làm việc để bù cho tiền ăn ở của họ. Một cậu phải coi sóc các luống trầu. Cậu nữa quản lý nhà bếp. Đứa thứ ba thì trông chừng những con chó chạy rong trong khuôn viên chùa. Thường họ làm những việc mà một vị tu sĩ không được phép làm do giới luật, thí dụ như là nấu ăn hay đi chợ.

Đây sẽ là cuộc sống mới của tôi.

Nhưng tôi chỉ sống ở chùa đó được khoảng ba tháng.

Một ngày kia tôi đang ở trong nhà bếp rửa nồi. Hai đứa trẻ khác đứng gần đó cãi nhau dữ dội. Một đứa chọi đứa kia cục đá nhưng lại trúng cườm tay tôi. Bàn tay tôi lập tức sưng lên và rất đau đớn.

Tôi viết cho cha một lá thư và kể cho ông nghe câu chuyện. Vài ngày sau đó, cha đến để dẫn tôi về. Ông nói, ‘Tôi không muốn con trai tôi ở bất cứ chùa nào mà có những người bạo lực.’ Ông cho rằng cha có thể đánh con, điều đó hợp lý, nhưng không nghĩ rằng những hành động như thế lại có chỗ ở trong chùa. Tôi trở về nhà với cha.

Mẹ và các chị tôi rất vui mừng được gặp lại tôi, và thật tuyệt vời được trở về với Rambanda. Tất cả chúng tôi lại tiếp tục sống như trước kia.

Phần lớn thời gian của tôi là chạy qua chạy lại giữa nhà cha mẹ, và nhà nơi người chị cả của tôi sống với chồng chị và đứa con gái. Họ nói với tôi rằng họ rất thích có một đứa con trai trong nhà, thế thì tại sao tôi không đến sống với họ?

Điều đó thật hấp dẫn. Tôi thương cả hai rất nhiều, và cháu gái tôi cũng giống như là em tôi. Hoàn cảnh của tôi, lúc đó có vẻ rất bấp bênh. Tôi đã gần mười hai tuổi và đã nghỉ học bốn tháng rồi.

Nhưng ước muốn được trở thành một tu sĩ vẫn còn cháy bỏng trong tôi. Tôi rất nhớ những ngày được mặc áo tu. Vì thế tôi xin cha tìm một ngôi chùa nào khác chấp nhận tôi.

Vài tháng sau, vào tháng giêng năm 1939, anh rể tôi nói với cha rằng anh có nghe về một ngôi chùa khác, ở làng Malandeniya, đang tìm một cậu bé để cho xuất gia. Chùa đó được gọi là Sri Vijayarama, có nghĩa là ‘sung túc và thắng lợi.’ Cha và anh rể nghĩ rằng Malandeniya cách nhà tôi khoảng chín kilômét, nhưng họ cũng không chắc chắn vì chưa có ai trong chúng tôi đã từng đến đó.

Lần thứ hai tôi rời nhà cũng giống như lần đầu tiên: cũng cơm sữa của mẹ; xà rông trắng tinh; nước mắt và cảm giác vừa phấn khởi vừa đau buồn của tôi. Tôi cảm thấy hạnh phúc khi nghĩ đến tương lai được làm một tu sĩ. Đồng thời nhớ lại những kinh nghiệm của tôi ở ngôi chùa trước, lòng tôi đầy âu lo khi phải đến sống ở một nơi xa lạ, với những người xa lạ.

Lần này, cả cha và anh rể đều cùng đi với tôi trong chuyến đi này. Khi chúng tôi ra đi, mẹ bảo với anh rể tôi rằng, “Hãy chăm sóc con trai mẹ. Vì con sống gần chùa đó, hãy báo cho mẹ biết tin tức của nó.”

Rồi chúng tôi cất bước, khi mẹ đứng bên cửa nhà. Tôi cứ ngoái đầu lại để nhìn bà, và mỗi lần như thế, bà vẫn còn đứng đó, xa dần xa dần, cho đến khi tôi không còn nhìn thấy mẹ nữa -và còn lâu hơn nữa những giọt nước mắt trên má tôi mới khô đi.

Không có con đường nào từ làng tôi dẫn đến Malandeniya. Chúng tôi phải đi dọc theo những lối đi băng qua ruộng lúa, qua các dòng suối nhỏ và các đồn điền cao su. Thỉnh thoảng, chúng tôi đi qua những ngôi làng nhỏ khác. Mỗi lần như thế, chúng tôi lại hỏi đường đến Malandeniya, người ta lại bảo chúng tôi đi xa thêm chút nữa.

Cuối cùng thì chúng tôi cũng đến được một ngôi chùa có dây thép gai rào quanh. Sau này chúng tôi biết rằng người ta làm vậy để không cho trâu bò trong xóm vào chùa ăn những cây dừa non trên mặt đất. Ở cổng, có một hàng rào tre, che dây thép gai để chúng không làm vướng xà rông khi người ta bước qua đó.

Khi chúng tôi bước vào, một đàn chó ùa ra sủa như để chào đón chúng tôi, sau đó là một vài cậu bé, và cuối cùng là vị trụ trì, một người có tầm cao trung bình, với đôi mắt sáng và một chiếc mũi dài. Ông cười, để lộ hàm răng bợn đen vì trầu cau.

Cha, anh rể và tôi lập tức quỳ xuống dưới đất và lễ bái ba lần. Nhà sư ra dấu cho chúng tôi đi vào bên trong chùa và chỉ chiếc chiếu trên sàn nhà nơi chúng tôi có thể ngồi xuống.

Danh xưng của Sư là Kiribatkumbure Sonuttara Mahathera. Mahathera, ‘trưởng lão,’ hàm ý rằng Sư đã là một vị tỳ kheo ít nhất ba mươi tám năm. Giờ Sư đã gần sáu mươi tuổi và có vẻ rất thân thiện; nụ cười thường ở trên môi.

Cha giới thiệu về tôi và thưa với Sư rằng tôi muốn đến sống ở chùa và xuất gia. Nhà sư nhìn tôi từ đầu đến chân, rồi gật đầu.

Thật đơn giản. Tôi đã được chấp nhận.

Cha và anh rể tôi nán lại khoảng một tiếng đồng hồ tiếp chuyện với Sư rồi cáo từ. Ngay khi họ vừa đi khỏi, tôi cảm thấy một làn sóng cô đơn phủ trùm lấy tôi. Tôi muốn chạy theo họ và bảo rằng tôi đã thay đổi ý định, rằng tôi muốn về nhà.

Tôi bắt đầu khóc, và không thể dừng lại sau hàng giờ.

Sư Sonuttara an ủi tôi, bảo rằng ở chùa, tôi sẽ có được một mái ấm, tôi sẽ được học Pháp từ các vị thầy uyên thâm. Rồi Sư đưa cho tôi một manh chiếu cũ và một cái gối dơ để trải trên nền nhà cứng làm giường.

Chánh điện gồm có một sàn gỗ dựng trên bốn cây cột cao khoảng hơn một thước. Giữa sàn là một tượng Phật bằng đất sét cũ kỹ và xấu xí.Tôi nhớ tượng Phật đó có đôi mắt nhìn dữ tợn, ghê khiếp, không giống chút nào với những tượng thanh thoát thường thấy ở hầu hết các chùa. Rõ ràng là người nặn tượng chưa từng học qua về những phẩm chất của Đức Phật, mà họ phải biểu hiện trong các bức tượng của Ngài.

Ở một bên tượng Phật dữ tợn đó là hình của vị thần da xanh Vishnu, một trong những vị thần lớn của Ấn Độ giáo. Ở bên kia là hình của Humiyam Devata, một vị hung thần mà cho đến ngày nay vẫn còn một số người Sinhala tôn thờ. Người ta cầu nguyện vị thần này để nhờ uy lực của thần chống lại kẻ thù của họ. Vishnu và Huniyam có mặt trên bàn thờ của một ngôi chùa Phật giáo, là một sự chọn lựa lạ lùng, nhìn chung ba hình ảnh nầy thật đối chọi nhau.

Trong một gian nhà khác, cách chánh điện khoảng sáu thước, có ba phòng, tất cả đều dơ bẩn, u ám: đó là chỗ ngủ của sư trưởng, một phòng khách dành cho các sư vãng lai, và một căn phòng chứa đồ. Bên ngoài có một hành lang, nhỏ dẫn đến nhà bếp. Có một khoảng diện tích hẹp là góc ăn uống, cũng rất dơ bẩn, và một bếp lò bằng gỗ với ba hòn gạch để lên trên, nơi người ta có thể đặt những chiếc nồi lên đó nấu.

Phía sau nhà bếp là căn nhà vệ sinh, chỉ dành riêng cho sư trưởng sử dụng. Mấy đứa trẻ chúng tôi được bảo phải giải tỏa ngoài đồng trống, phía sau khuôn viên chùa. Và khi nào chúng tôi làm việc đó, là mấy con heo hàng xóm sẽ đến và ủi sạch cho chúng tôi.

Cũng giống như ở ngôi chùa đầu tiên, tôi cũng có rất nhiều bổn phận phải làm. Tôi phải bửa củi nấu ăn, gánh nước từ giếng lên, quét sân, hái hoa chưng bàn Phật, nấu ăn, rửa chén, và cho hơn cả chục chó mèo chạy rông trong chùa ăn.

Bên cạnh những công việc này tôi còn phải học thuộc lòng những bài kinh tiếng Phạn từ các sách gọi là Sataka, nghĩa đen là “một trăm” nhưng thường ám chỉ “một trăm câu thơ tán thán Đức Phật.” Khi thuộc lòng hết một quyển sách, chúng tôi sang qua quyển khác. Một trong những quyển sách Sataka giải thích về một trăm lẻ tám danh hiệu của Đức Phật, quyển khác lại giới thiệu về chín phẩm chất đáng ngưỡng mộ của Đức Phật, vân vân.

Mục đích của việc bắt mấy đứa trẻ chúng tôi học thuộc những bài kinh nầy là vì ba việc: để dạy chúng tôi phát âm tiếng Phạn đúng; để giới thiệu với chúng tôi về những phẩm chất của Đức Phật; và quan trọng hơn cả, theo tôi, là để phát khởi sự tín tâm, thành ý trong những đầu óc non trẻ của chúng tôi.

Mỗi chiều, khi chúng tôi phải trả bài học thuộc lòng trong ngày, Sư Sonuttara sẽ vặn nhỏ ngọn đèn dầu xuống để chúng tôi không thể ăn gian bằng cách đọc từ trong sách ra. Nếu tôi sai hay không thuộc đủ các bài kinh, Sư sẽ nổi giận và đánh tôi. Những cái đánh của Sư thì giống như ‘dụng cụ hỗ trợ học tập’, không hoàn toàn giống như sự bạo lực, đã khiến tôi phải rời ngôi chùa đầu tiên.

Tuy nhiên, thường thì tôi học khá thuộc bài. Tôi có vẻ là người học mau hiểu biết, và thầy tôi rất vừa lòng. Trong ba tháng, Sư đã tuyên bố rằng tôi tiến bộ nhiều, và đã sẵn sàng để được làm lễ thọ giới Sadi.

 Sư Sonuttara cũng xem lịch để chọn một ngày giờ tốt cho buổi lễ. Rồi ông gửi lời mời cha mẹ tôi và khoảng hai mươi tăng sĩ từ các chùa khác trong vùng. Vị sư trưởng lão nhất trong vùng, Sư Alagoda Sumanatissa Nayaka Mahathera, sẽ đứng ra chủ lễ và truyền giới cho tôi. Ngày hôm trước buổi lễ, cả chùa bận rộn với các sinh hoạt khi các vị khách lần lượt đến, và dân làng ở Malandeniya chuẩn bị thức ăn cho các khách tăng.

Rất nhiều bà con của tôi cũng đến trong ngày trọng đại đó, kể cả cha, anh rể, và Rambanda, người anh trai thân thiết của tôi. Mẹ tôi không thể đi xa như thế vì đau lưng. Bà rất đau khổ vì không thể có mặt ở đây, cha đã nói với tôi như thế, và tôi cũng rất buồn.

Vào lúc mười giờ sáng, tất cả mọi người đều tụ lại trước hiên của khu nội viện tăng. Thông thường lễ xuất gia sẽ được tổ chức trong chánh điện, nhưng vì có quá nhiều khách dự, thầy tôi quyết định làm lễ ở một nơi rộng rãi hơn.

Tôi mặc áo chemise và xà rông trắng. Cha cùng với tôi tiến đến chỗ quý sư đang ngồi trên sàn nhà cạnh bên một bàn thờ vừa được dựng lên, đối mặt với đám đông.

Tôi quỳ xuống trước vị lão sư, Sumanatissa, và đảnh lễ Sư ba lần. Sư bảo tôi xin phép cha để được bước vào cuộc sống không nhà của người tu. Vì thế tôi quỳ xuống trước mặt cha và lập lại nghi lễ vái lạy ba lần, mỗi lần đều để trán chạm xuống nền nhà ngay chỗ chân cha, để bày tỏ lòng kính trọng. Tôi vẫn còn nhớ gương mặt nghiêm trang của cha khi nhìn xuống tôi.

Khi tôi quay trở lại phía các sư, Sư Sumanatissa lấy kéo cắt một vài lọng tóc của tôi, và dạy tôi lặp lại theo Sư: “Tóc trên đầu, lông trên thân, móng tay chân, răng, da.” Các bộ phận thân thể là những đối tượng thiền quán đầu tiên của tôi. Đây là lời chỉ giáo truyền thống dành cho tất cả những ai vừa xuất gia, phản ảnh lãnh vực đầu tiên trong Tứ niệm xứ của Đức Phật, đó là thân vật chất.

Trong kinh Mahasatipatthana, bài kinh về Tứ Niệm Xứ, một trong những bài kinh chánh yếu của Đức Phật, đã chỉ bày cho chúng ta bốn lãnh vực mà ta cần chú tâm thẳng đến: thân, thọ, tâm và đối tượng của tâm.

Nếu thật sự quán sát bốn lãnh vực nầy với sự chú tâm hoàn toàn, không xao lãng, và rõ ràng, chúng ta bắt đầu thấy rằng chúng luôn biến đổi với thời gian. Chúng chuyển biến, thay đổi từ phút này qua phút khác, khiến ta không thể bám vào khoảng khắc của chúng. Quán tưởng về bốn đối tượng không ngừng chuyển đổi nầy, ta sẽ thấy sự vô thường của vạn vật thể hiện trong chính sự hiện hữu của chúng ta.

Hơn thế nữa, chúng ta sẽ thấy rằng không có sự khác biệt giữa chúng ta và tha nhân. Mỗi người và tất cả chúng ta, là một tổng thể của thân, thọ, tâm và pháp. Hiểu được như thế, chúng ta sẽ trở nên đồng cảm với người khác. Lòng ganh tỵ và chia rẽ sẽ tan dần, và được thay thế bằng lòng bi mẫn và tâm từ bi.

Nhưng đó không phải là điều dành cho một đứa trẻ mười hai tuổi đang trong buổi lễ xuất gia của mình –tất cả những điều đó, vẫn còn là một mục đích xa vời trong ngày mà chú sadi nhận chủ đề thiền quán đầu tiên của mình. Các vị trưởng lão cũng có thể hướng dẫn cho các chú sadi đến bất cứ lãnh vực nào của tứ niệm xứ, nhưng họ luôn chọn thân, vì lãnh vực đó rất dễ, ngay chính người sơ cơ cũng có thể cảm nhận. Thân thì, có thể nói là ở ngay đây, với tất cả những ham muốn, đau khổ, kiêu mạn phát khởi ngay nơi thân. Nhưng khi quỳ gối trước thầy tôi, tôi hoàn toàn mù mịt về những gì tôi sẽ tu tập sau nầy, về niệm xứ đầu tiên nầy.

Vị lão sư bỏ mấy lọng tóc vào lòng bàn tay tôi. Đó là dấu hiệu để một vị tăng trẻ bước đến, dẫn tôi ra ngoài để cạo hết phần tóc còn lại trên đầu tôi.

Nghi lễ cạo tóc, biểu tượng của một người tu sĩ từ bỏ những bám víu vật chất thế gian, lúc nào cũng được diễn ra ở nơi kín đáo, tránh xa sự chứng kiến của các cư sĩ. Khi đầu tôi đã được cạo sạch trơn, tôi đi tắm ở giếng chùa, sau nhà bếp. Sau đó tôi mặc lại bộ quần áo trắng.

Khi quay lại phòng họp, tôi đội trên đầu một bọc vải đã được xếp lại -đó là y của tôi. Tôi quỳ trước thầy tôi. Tụng bằng tiếng Pali, tôi thỉnh cầu Sư chấp nhận bộ y mà tôi có, và truyền giới cho tôi làm sadi, để tôi có thể chấm dứt mọi khổ đau và đạt được Niết Bàn.

Tôi lạy ba lạy nữa.

Rồi Sư Sumanatissa làm lễ quy y tam bảo và truyền mười giới là những đạo đức căn bản trong cuộc sống mới của tôi. Sư đọc tụng bằng tiếng Pali và tôi lập lại theo Sư:

Con nguyện quy y Phật.

Con nguyện quy y Pháp.

Con nguyện quy y Tăng.

 (Được tụng ba lần)

 

Con xin giữ giới không sát hại.

Con xin giữ giới không trộm cắp.

Con xin giữ giới không tà dâm.

Con xin giữ giới không nói dối.

Con xin giữ giới không uống rượu và các chất gây nghiện.

Con xin giữ giới không ăn sái giờ.

Con xin giữ giới tránh xa sự múa hát, chơi các nhạc cụ, xem múa hát.

Con xin giữ giới không đeo tràng hoa, thoa nước thơm, trang điểm, làm đẹp thân thể.

Con xin giữ giới tránh xa chỗ nằm ngồi quá cao sang và đẹp đẽ.

Con xin giữ giới không nhận vàng bạc.

Sau khi đọc tụng những lời này, tôi thỉnh cầu thầy tôi hãy chia sẻ công đức mà tôi đã có được do xuất gia: “Bạch Sư, xin hãy hoan hỷ chấp nhận mọi công đức mà con đã có được, và cho phép con được chia sẻ những công đức của Sư.”

Rồi tôi đảnh lễ Sư ba lần, cũng như đảnh lễ tất cả các vị tăng sĩ khác.

Cuối cùng, Sư Sumanatissa ban cho tôi danh hiệu mới: Gunaratana, “Báu vật của Giới hạnh.”

Giờ thì tôi đã là một Sadi.

Tôi được cho một cái gối nhỏ và được ngồi giữa các tăng sĩ khác, dầu không được quá gần! Tôi ngồi xuống và một nhóm nhỏ các cư sĩ bước đến, mỗi người vái chào và đặt một món quà nhỏ trước mặt tôi. Có khăn lông, xà phòng, một cây dù - những đồ vật thật hữu dụng cho tôi trong cuộc đời mới, đơn giản này.

Ngày lễ được kết thúc với một bữa ăn thịnh soạn. Tôi cùng dùng bữa với các vị sư khác, ngồi trên sàn nhà. Thực phẩm do các cư sĩ cúng dường ở chùa chỉ dành cho các tu sĩ, vì thế trước đó tôi chưa bao giờ được phép nếm qua. Thiệt là ngon.

Ngày hôm đó thực sự là một cao điểm trong cuộc đời tôi. Tất cả mọi thứ đều tuyệt vời, chỉ trừ một việc: người mẹ thương yêu của tôi vắng mặt. Tôi nhớ mẹ rất nhiều.

Hai tuần sau đó tôi được về thăm mẹ. Bà quá đỗi vui mừng được gặp lại đứa con trai út của mình, giờ với chiếc đầu cạo bóng, mình mặc bộ y màu vàng của một vị tu sĩ xuất gia.

Bà trải một cái khăn sạch dưới chân tôi, và đau đớn quỳ xuống để vái chào tôi. Cả ba lần, trán bà đều chạm xuống khăn.

Ngược lại với ngày tôi rời nhà ra đi, khi ấy tôi đã lạy chào mẹ. Giờ mẹ lại bày tỏ lòng kính trọng đối với tôi. Thật là một giây phút xúc động mãnh liệt cho cả hai chúng tôi.

“Chú tiểu đáng yêu của mẹ,” mẹ nói, mắt rướm lệ, “con không bao giờ được hoàn tục. Cuộc đời tu sĩ là tốt nhất cho con. Đó là một cuộc sống giải thoát. Đừng bao giờ nghĩ đến việc bỏ tu.”

Kể từ ngày hôm đó, mỗi lần tôi về thăm nhà, mẹ tôi đều lặp lại nghi lễ và lời căn dặn đó, lúc nào cũng nói, “Con trai, đừng bao giờ bỏ tu.”

Sau lễ xuất gia, cuộc sống ở chùa lý ra phải thay đổi, vậy mà không phải thế. Vẫn còn những bài kinh phải học, các công việc phải làm, những hình phạt phải hứng chịu. Tuy nhiên các bữa ăn thì khác. Giờ, theo giới luật, tôi không được ăn sau giờ ngọ. Căn bản là chúng tôi có một bữa ăn chính trong ngày. Bữa ăn có được bằng việc đi khất thực quanh làng. Là người vừa mới xuất gia, đó là nhiệm vụ của tôi.

Mỗi ngày, sau khi xong việc buổi sáng, tôi rời chùa khoảng chín giờ ba mươi sáng. Một bình bằng đồng to, khoảng cỡ một nồi xúp, được máng vào một miếng vải to bản, treo quanh cổ tôi, miệng bình được đậy lại bằng vải cotton.

Bổn phận của tôi là thọ nhận thức ăn cho cả hai, sư trưởng và tôi, từ mỗi nhà trong sáu mươi hay khoảng đó nhà trong làng. Dân làng đứng trước cửa nhà họ, với những tô cơm hay rau hay bánh ngọt trong tay. Khi tôi chậm rãi bước qua, trong im lặng và tránh giao tiếp bằng mắt, họ sẽ đặt một muỗng đầy thực phẩm cúng dường của họ vào bình bát của tôi.

Ngày nay, việc khất thực vẫn còn được thực hành ở các làng khắp Á châu. Thật là một cảnh tượng đẹp đẽ - một hàng dài các tu sĩ đi trong im lặng, chân trần và dừng lại trước nhà của các cư sĩ. Dân làng thành kính chấp tay vái chào khi đặt thức ăn vào bình bát. Không một lời trao đổi.

Sự thực hành này là một truyền thống lâu đời được áp dụng để tạo ra sự liên hệ tương quan giữa người tu và cư sĩ. Các tu sĩ, những người vì giữ giới không nấu ăn, tiếp nhận sự nuôi dưỡng từ các cư sĩ. Người cư sĩ, bằng cách cúng dường thực phẩm cho người tu, được công đức tâm linh và hỗ trợ sự tiếp nối con đường của Đức Phật.

Nhưng đối với tôi, việc đi khất thực bao giờ cũng đầy căng thẳng. Tôi phải đến tất cả sáu mươi nhà và trở về chùa đúng mười một giờ sáng. Nếu tôi chỉ trễ năm phút, thầy tôi cũng nhất quyết không ăn. Giới luật đặt ra cho người tu là phải xong bữa trước ngọ, và thầy tôi không muốn phải ăn một cách hối hả. Vì thế tôi phải nhanh chân đi qua làng, không dám thiếu sót nhà nào, vì như thế sẽ khiến cho người ở nhà đó không được có công đức cúng dường thực phẩm, rồi họ sẽ than phiền với thầy tôi và tôi sẽ bị quở phạt.

Trong làng có rất nhiều chó, chúng cũng đói. Khi nhìn thấy một đứa trẻ mang bình bát đầy thức ăn nóng sốt, thơm lừng, chúng trở nên rất hung tợn. Tôi cố gắng xua đuổi chúng bằng cây dù tôi mang theo để bảo vệ tôi khỏi ánh nắng mặt trời thiêu đốt. Nhưng tôi khó mà thành công.

Đôi khi tôi cố gắng chạy trốn lũ chó, nhưng với chiếc bình bát nặng treo quanh cổ, điều đó không dễ dàng. Không thể tránh được tôi bị vấp ngã, đổ thức ăn ra đất. Lũ chó sẽ rượt theo tôi, gầm gừ cắn táp. Nhiều khi tôi trở về chùa với đôi chân chảy máu và một bình bát chỉ còn một nửa đồ ăn.

Vài người dân làng hình như cảm thấy tội nghiệp cho tôi. Bất cứ khi nào có một con chó nào đó cắn tôi, vài ngày sau họ sẽ đến chùa và tuyên bố rằng con chó đó đã “chết”. Kết cục như thế không phải là điều tôi muốn xảy ra chút nào, nhưng dù sao nó cũng đã xảy ra.

Mỗi ngày sau bữa ăn, tôi phụ hai cậu bé ở chùa dọn dẹp nhà bếp, rồi tôi phải đi bộ gần ba cây số để đến một ngôi chùa ở làng kế bên, nơi vị trụ trì ở đó sẽ dạy tiếng Pali cho tôi. Tôi có thể học thuộc kinh một cách dễ dàng, vì thế vị thầy này rất thích tôi. Rồi sau buổi học, tôi lại nhanh chóng trở về chùa của tôi, để làm các công việc trong chùa và công phu chiều, một nghi lễ tán tụng các phẩm chất của Phật, Pháp, và Tăng.

Sau buổi lễ, chúng tôi dùng trà và tôi phải học tiếp nữa. Thường chúng tôi đi ngủ lúc chín giờ ba mươi tối. Chuông đánh thức sẽ nổi lên lúc bốn giờ sáng hôm sau.

Giống như cha tôi, Sư Sonuttara rất nóng tính. Sư dùng ngôn ngữ không tế nhị để chửi rủa tôi và mấy cậu bé trong chùa. Nếu chúng tôi phạm bất cứ điều luật gì, hay xao lãng công việc hàng ngày, dù chỉ chút ít, Sư cũng không ngần ngại gì để đánh chúng tôi với bất cứ thứ gì trong tầm tay: đá, roi, gạch, chổi, hay ngay cả dao.

Vì thế tôi hết sức cố gắng để tuân theo các luật lệ. Ngay khi vừa thức dậy lúc bốn giờ mỗi sáng, tôi bắt đầu chuẩn bị điểm tâm và đun nước. Đến năm giờ, thầy tôi cần nước để rửa mặt. Sau đó tôi phải đi hái hoa tươi và chưng trên bàn thờ, chuẩn bị cho công phu buổi sáng lúc năm giờ rưỡi.

Điểm tâm sẽ phải sẵn sàng đúng sáu giờ. Sư Sonuttara muốn mấy cái đĩa cho chó ăn phải để cạnh bên chỗ sư ngồi, để chính tay sư có thể cho chúng ăn. Chúng tôi không được ăn cho đến khi sư đã dùng xong, rồi chúng tôi phải ngốn vội thức ăn để có thể nhanh chóng bắt tay vào các nhiệm vụ khác. Sau khi đã thọ giới làm sadi, tôi được phép ngồi cạnh sư để ăn, nhưng sư ngồi trên ghế với đĩa thức ăn trên bàn. Tôi ở gần bên, ngồi trên sàn nhà, với đĩa đồ ăn để trên một chiếc ghế đẩu thấp trước mặt tôi.

Khi tôi đi khất thực về lúc mười một giờ, chúng tôi lại trải qua một nghi lễ tương tự để phục vụ buổi trưa, rồi ngốn vội bữa ăn của chính mình.

Một giờ trưa là lúc thầy chúng tôi phải có trà trên một chiếc bàn đặc biệt. Sau đó tôi đi qua chùa kia để học tiếng Pali, và không được về trễ hơn ba giờ chiều.

Vườn cây và hoa phải được tưới xong lúc năm giờ rưỡi, sau đó tôi có thì giờ để vội vã đi tắm, trước thời khóa tụng kinh buổi chiều lúc sáu giờ. Sáu giờ rưỡi, tôi châm trà cho Sư. Bảy giờ tôi trả bài thuộc lòng cho sư. Sau đó, tôi chuẩn bị trầu cau cho sư ăn lúc bảy giờ rưỡi. Rồi là dọn dẹp lần cuối trước khi đi ngủ.

Vào ngày rằm và mùng một, chúng tôi rất thích được khỏi làm những công việc hàng ngày nầy. Thay vì là các lao động chân tay, chúng tôi trở thành chủ đối với những người dân làng đến để ở lại chùa vào ngày đặc biệt đó. Phần đông họ là những người già cả, không biết đọc hay viết. Ở hầu hết các chùa, quý sư sẽ đọc các câu chuyện Jataka và giải thích về ý nghĩa quan trọng của chúng cho các cư sĩ nghe. 

Jataka là những câu chuyện về tiền thân của Đức Phật. Cả bộ sách có khoảng 550 câu chuyện. Mỗi câu chuyện biểu hiện lại cho ta thấy Đức Phật trong những kiếp sống trước đã có các phẩm chất cao thượng như thế nào: rộng lượng, đạo đức, xả ly, trí tuệ, tinh tấn, nhẫn nại, chân thật, kiên quyết, từ bi, và hỷ xả. Đôi khi trong các câu chuyện nầy, Đức Phật có thể ở trong kiếp thú; nhưng Ngài luôn là một vị Bồ Tát, hay người ở trong giai đoạn chuẩn bị thành Phật.

Vì đã học đến lớp bốn, tôi trở thành như là một người hùng đối với những người dân làng thất học đến chùa. Họ thích lắng nghe tôi đọc các câu chuyện bằng cái giọng mới lớn, như con gái.

Một ngày kia, tôi nhớ đang kể một câu chuyện từ tiền thân của Đức Phật. Tôi nói rằng sau khi rời cung điện của vua cha và cắt tóc, hoàng tử Siddhattha trở thành một nhà tu khổ hạnh. Ngài quấn y vàng quanh người và khất thực trong bình bát.

Một trong những người dân làng đang lắng nghe, một ông lão giống như ông nội tôi, nói, “Này chú tiểu, tôi nghĩ chú sai rồi. Y vàng và bình bát chưa có mặt trên thế gian này cho đến khi thái tử Siddhattha trở thành Phật và bắt đầu thiết lập Tăng đoàn.”

Tôi trả lời ông: “Thưa ông, cái bình bát trong tiếng Phạn là patra, có nghĩa là bất cứ một đồ chứa gì có nắp ở trên. Chắc chắn rằng những vật dụng như thế đã được sử dụng trước khi Đức Phật có mặt. Những người ăn xin thường sử dụng chúng. Và tiếng Phạn cho y vàng là kashaya vastra, để chỉ bất cứ mảnh vải vàng nào. Vậy tại sao thái tử Sidhattha không thể quấn y áo màu vàng?”

Theo tôi nhớ, câu trả lời của tôi đã làm ông lão rất vừa lòng.

Nhưng không phải mọi thứ ở chùa đều trôi chảy như thế. Một ngày kia mấy cậu bé trong chùa, chúng đều lớn hơn tôi, mời tôi hút thuốc với chúng. Tôi hút, và thế là một thói quen nghiện hút đã thành hình. Chúng tôi không có tiền để mua thuốc lá, vì thế chúng tôi đã lấy cắp thuốc lá từ phòng của sư trưởng, nơi sư cất để khi nhai trầu, sư trộn với trầu cau.

Chúng tôi cuộn thuốc lá trong những mảnh giấy báo và bí mật hút. Thỉnh thoảng sư bắt gặp chúng tôi hút thuốc và đánh chúng tôi vì tội đó. Nhưng điều đó cũng không làm chúng tôi suy chuyển; chúng tôi chỉ trở nên cẩn thận hơn để không bị bắt gặp.

Một ngày kia sau khi khất thực trở về, tôi đốt một điếu thuốc ve tròn nhỏ trong nhà bếp và bắt đầu hút. Thầy tôi xuất hiện, đang bưng một cái thau trên đường ra giếng tắm.

Sư dừng lại, nhìn thẳng vào tôi: tôi đã bị bắt quả tang. “Sư sẽ không đánh con lần này,” ông nói. “Nhưng nếu Sư bắt gặp con hút lần nữa thì sư sẽ phải làm gì với con? Con nói cho sư nghe đi.”

Tôi nghẹn lời. Sự giận dữ của thầy tôi rất đáng sợ. Tôi biết là chỉ có một câu trả lời cho câu hỏi đó.

“Nếu Sư thấy con hút thuốc lần nữa, Sư đánh con bao nhiêu cũng được,” tôi trả lời.

Nhưng tôi không bỏ thuốc được; tôi đã bị ghiện mất rồi. Vài tuần sau tôi lại bị sư bắt gặp. Sư Sonuttara đánh tôi bằng tay không.

Sau đó, sư khoá thuốc lại để chúng tôi không thể lấy cắp. Lần nữa, chúng tôi cũng không nản lòng mà chỉ trở nên mưu chước hơn: chúng tôi bán dừa, khăn lông, khăn tay, và gạo, bất cứ thứ gì đến tay chúng tôi -thường là vật thực của cư sĩ cúng dường- để mua thuốc lá.

Khi gần đến tuổi dậy thì, tôi cảm thấy rất muốn được độc lập. Tôi không còn quá sợ những cơn giận không đoán trước được của Sư Sonuttara. Những hình phạt quá khắt khe của Sư dường như bất công và tàn nhẫn quá nên tôi bắt đầu oán hận sư.

Tôi cũng bắt đầu cảm thấy tôi không được học hành đầy đủ. Tôi đã mười ba tuổi mà chỉ mới học xong lớp bốn -một thành đạt trong những ngày đó, nhưng đối với tôi vẫn chưa đủ. Cả thầy tôi lẫn vị sư ở chùa làng bên, người dạy tôi tiếng Pali, đều không được học hành đàng hoàng. Tôi muốn học thêm nữa, một ước muốn theo tôi suốt đời.

Tôi bắt đầu cảm thấy ở chùa giống như ở tù. Đây không phải là đời sống tôn giáo huy hoàng mà tôi đã mơ tưởng đến.

Một ngày, sau khi thọ trai, Sư Sonuttara đi nghỉ trưa. Một trong mấy cậu bé kia muốn hái trái cam trên cây bên ngoài phòng Sư. Nó bắt đầu chọi đá lên cây để trái cam rụng xuống.

Tiếng động đánh thức thầy chúng tôi. Sư bước ra khỏi phòng, giận dữ muốn biết ai là người đã làm huyên náo. Cậu bé bảo đó là tôi, là tôi đã chọi đá.

Và bỗng nhiên lúc đó tôi cũng nổi giận. Tôi hỏi cậu bé, bằng thứ ngôn ngữ rất khó nghe, tại sao nó nói dối Sư. Sư Sonuttara quay qua tôi. Sư bảo tôi vô lễ. Sư bảo sư không cần biết ai đã chọi đá, nhưng vì tôi vô lễ, tôi là người phải bị phạt.

Sư với lấy cây chổi và đánh tôi tới tấp, cho tới lúc tôi ngã ra sàn nhà. Tôi không còn thở nổi.

Đó là giọt nước tràn ly cho tôi.

Chiều hôm đó, tôi thu gom sách vở như thường lệ khi tôi phải đến chùa Kebilitigoda học tiếng Pali. Tôi bắt đầu ra cửa, đúng lúc thầy tôi và những đứa trẻ khác đi về hướng phía sau chùa, để đào một nhà vệ sinh mới. Tôi canh cho họ đi qua, rồi tôi lặng lẽ trở vào bên trong, vứt sách xuống.

Tôi vào phòng nơi mấy cậu bé ở chùa để đồ, tóm lấy một cái áo chemise và xà rông trắng. Không một chút nuối tiếc, tôi cởi y ra rồi mặc áo chemise và xà rông vào.

Một niềm hưng phấn trỗi dậy trong lòng, tôi lẻn ra cửa trước chùa, bước qua cổng hàng rào dây thép, đi trên con đường gồ ghề.

Tôi không còn là một chú tiểu nữa. Tôi đã được tự do.