Tịnh độ
Lá Thơ Tịnh Ðộ
Ấn Quang Ðại Sư Việt dịch: HT Thích Thiền Tâm ---o0o---
26/10/2553 05:47 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Phần Ba

Thơ đáp Cư Sĩ Hoàng Tụng Bình

Thơ gởi Cư Sĩ Tạ Dung Thoát

Thơ đáp Cư Sĩ Hà Huệ Chiêu

Thơ đáp Cư Sĩ Lâm Giới Sanh

Thơ đáp Cư Sĩ Lưu Trí Không

Thơ đáp Cư Sĩ Hoàng Tụng Bình 

Bệnh do thân sanh, thân do nghiệp sanh, muốn cho bệnh mau lành, các hạ nên tha thiết sám hối để tiêu trừ túc nghiệp. Với việc phòng thất, cũng phải tự răn cấm thì bệnh mới khỏi tăng thêm. Bất luận bệnh gì, nếu không răn chừa sự vợ chồng chung chạ, tất nhiên khó được lành.

Hàng ngoại đạo rất nhiều có đến trăm ngàn phái, nhưng cách dụng công của họ đều không ngoài việc vận khí luyện đơn. Bên ngoại đạo dù có bảo người xem kinh niệm Phật, cũng là việc bề ngoài, chính họ cũng không cho đó là đạo. Khi truyền giáo, các ngoại đạo thường lựa vào lúc ban đêm, đóng kín các cửa lớn cửa sổ, bên ngoài phái người qua lại canh tuần, chỉ để một người thọ giáo vào thất. Trước khi được điểm đạo, người thọ giáo phải phát lời thề rất độc địa thảm ác. Nếu kẻ nào trái với lời dạy bảo của họ, sẽ phải chịu kết quả của lời thề ấy. Khi phát thệ rồi, họ lại chỉ khiếu điểm huyệt hoặc ở đầu, ở mặt, ở thân. Những huyệt nơi thân cần phải cởi áo mới chỉ điểm được. Việc làm như thế thật là một bức sáo để mê hoặc người. Họ lại thêm rằng một phen truyền qua, không tu cũng có thể đắc quả. Giả sử bỏ hẳn những việc chỉ điểm bí mật cùng phát lời thề, mà đem công bố rõ ràng ra cho mọi người tự do lựa chọn, tất hạng ấy không còn căn cứ đứng vững. Trong Phật Pháp không có việc bí mật truyền lén nhau, cũng không dạy người phát lời thề độc ác, kẻ nào tin thì theo, không tin thì thôi.

Các hạ đã niệm Phật mà còn sợ lạc vào ngoại đạo, ấy cũng bởi chính mình không phân minh sự tà chánh giữa đôi bên, chỉ bắt chước theo người phát sanh tín tâm, thật ra chưa có lòng tin chân thật. Nếu có lòng tin chân thật thì chỉ gắng sức tu trì, cần gì phải lo ngoại đạo đông nhiều và sợ mình đi lạc lối? Các hạ đã tự nhận có nhiều túc nghiệp nên mang bệnh dữ, thế thì cần phải ăn chay niệm Phật và vì những oan gia đời trước mà làm việc siêu độ. Nói siêu độ đây, cũng không cần phải thỉnh tăng chúng làm Phật sự, chỉ tự mình thành thật khẩn thiết niệm Phật và niệm Quán Âm mà thôi. Các hạ chớ nên nghĩ rằng; chỉ niệm một đức Phật, một vị Bồ Tát sợ e không lành bệnh. Nên biết niệm Phật là pháp rất tròn mau thẳng tắt trong Phật Pháp, sự lợi ích vượt hơn tất cả pháp môn. Nếu có sai biệt là do tâm mình chí thành cùng không chí thành, chẳng phải pháp có linh nghiệm hoặc không linh nghiệm.

 

Thơ gởi Cư Sĩ Tạ Dung Thoát 

Nơi quê hương của các hạ được biết pháp môn Niệm Phật, là do Lâm Giới Sanh thỉnh kinh sách Tịnh Độ đem về truyền bá. Nếu trong đời trước các vị cư sĩ không trồng căn lành đối với pháp môn ấy, thì đâu có thể lấy gương xưa làm thầy, sau khi nghe rồi liền sanh lòng tín nguyện, tự tu và khuyên người ư? Và, đâu có thể trong vòng không đầy mười lăm năm, đạo pháp lan rộng như thế ư?

Xét về thiên tư và cảnh duyên của các hạ đối với thời cơ pháp vận hiện nay, thì chỉ nên giữ năm giới để hộ trì Tam Bảo, truyền Tịnh Độ mà khuyên chúng vãng sanh, là hợp lý hợp thời và cần yếu hơn hết. Tại sao tôi lại nói như thế? Vì, các hạ tuổi đã hơn bốn mươi, căn tánh chưa phải là bậc thượng, nếu muốn nghiên cứu Tạng Kinh, tham hỏi hàng tri thức, e cho pháp môn quá rộng, ngày tháng chẳng nhiều, rồi khi trở tay không kịp, có sự ăn năn. Lại hiện nay tuy có bậc tri thức, song tăng chúng phần nhiều đều ô lạm, bạn đồng hạnh ít người (đồng hạnh: bạn giúp đỡ về phần tu tập, có thể khiển trách lẫn nhau, khiến cho đạo hạnh tiến thêm), nếu khi chí hướng thượng suy kém, tất sự biếng trễ cũng nương theo, khó bề gắng gượng. Như tôi năm hai mươi mốt tuổi, từ cha mẹ xuất gia, cũng có thể gọi là lập chí mạnh và phát tâm chơn. Nhưng đến nay tuổi đã năm mươi ba, mà bên tông bên giáo đều không sở đắc chi cả. Nghĩ tủi thẹn luống phụ ơn mẹ cha, uổng làm con đức Phật! Song cũng may, đối với môn Tịnh Độ, khi mới xuất gia học Kinh A Di Đà, tôi đã sanh lòng tin, thật chưa nhờ bậc tri thức nào chỉ dạy. Vì lúc đó thầy thọ nghiệp và các vị tri thức chỉ chuyên về sự tham cứu, những lời khai thị đều phá môn Tịnh Độ. Tôi lượng biết sức mình, nên không lay chuyển theo ai, dù Phật, Tổ hiện thân cũng chẳng đổi ý, huống nữa là lời nói của bậc tri thức bên tông Thiền? Lại hiện nay, chánh yếu tà mạnh, việc hộ trì Phật Pháp, với tục thì dễ, với tăng lại khó. Nếu các hạ giữ chắc năm giới, chuyên niệm Phật, về phần tu thân lời và hạnh hiệp nhau, thì có thể truyền bá chánh pháp, làm lợi ích cho mọi người. Song chớ nên ở địa vị thầy mà tự cao, và thọ tiền của để lợi dưỡng. Phải đem lẽ chánh khuyên bảo những kẻ thân sơ, tất mọi người đều mến đức vâng theo lời. Đó gọi là: 'sửa mình được chánh, tuy không bảo người cũng theo, như cỏ ở trước ngọn gió tất phải thuận chiều vậy.' Lệnh lang không tin đạo Phật, cũng chẳng nên ép, đợi khi nào cảnh ngộ đẩy đưa khiến cho tánh thiên chơn phát lộ, chừng ấy chỉ dùng một lời nhắc bảo, tự nhiên tấm lòng của y sẽ phơi phới hướng về chánh pháp, khó nỗi cản ngăn.

Liên xã mới mở phải có quy tắc nhất định và thận trọng về việc cho người nữ dự vào. Chẳng nên bắt chước theo các nơi khác, thờ ơ không kiểm ước, để đến đỗi một pháp vừa lập trăm mối tệ sanh theo, điều ấy rất cần yếu. Không cơ duyên được lễ bái xá lợi và gần gũi tòng lâm, việc ấy có hại gì? Nếu khi thấy tượng Phật, tưởng như Phật sống, thấy Kinh Phật, lời Tổ, tưởng như Phật, Tổ đối trước mình chỉ dạy, tấm lòng kỉnh sợ không dám biếng trễ, tức là trọn ngày được thấy Phật và gần gũi các bậc Bồ Tát, Tổ Sư, thiện tri thức. Như thế, xá lợi và tòng lâm có thấm vào đâu? Về tập quán thô lỗ, đừng nói hàng cư sĩ, nếu người xuất gia mà không chơn tu, lại còn quá hơn thế tục. Muốn trừ bỏ tánh ấy, trước phải nhận rõ các pháp giữa đời đều là khổ, không, vô thường, vô ngã, hoặc nhơ nhớp, thì ba ngọn lửa tham, giận, mê, sẽ dịu tắt lần. Nếu chưa dứt được, phải dùng lòng ngay thật, xót thương, nhẫn nhục, tha thứ mà đối trị. Thảng hoặc còn chưa dứt, cứ tưởng rằng mình đã chết, thì bao nhiêu sự nóng bức đều hóa thành mát mẻ tươi nhuần. Kinh Báo Ân dạy phải lần lượt thọ giới, người xuất gia khi thọ giới cũng y theo thứ đệ: giới Sa Di, Tỳ Kheo và Bồ Tát. Nhưng người xưa thọ giới là phát tâm vì dứt sự sanh tử, trái lại, người đời nay phần nhiều đều muốn cho ra vẻ một vị đại tăng, đắc giới hay không, chẳng cần nghĩ đến. Vì thế, mấy ông sư thiếu học thiếu tu bên ngoài, đều là những người đã thọ qua ba đàn đại giới cả. Sự tệ đó do bởi vua Thế Tổ nhà Thanh bỏ độ điệp, bãi lệ thí tăng mà ra. Cho đến những kẻ xưng là thầy người, song chỉ cầu danh lợi, tham quyến thuộc, cũng xuất phát từ nguyên nhân ấy. Tôi e chư tăng ở quí địa không rõ điều nầy, bảo rằng độ người xuất gia là việc rất tốt, để cho hạng vô lại lẫn vào cửa Phật phá hủy chánh pháp, nên chẳng sợ tị hiềm mà nói thẳng ra.

Môn Tịnh Độ là pháp rất mầu nhiệm, viên đốn nhất trong một đời thời giáo của đức Như Lai. (Viên đốn: một pháp đủ tất cả pháp là viên, hiện đời tu, hiện đời giải thoát là đốn). Hạng phàm phu thấp kém đều được dự vào, bậc Đẳng Giác Bồ Tát cũng không thể vượt ra ngoài pháp ấy. Thật là con đường rất tắt để mau đi đến quả Phật cho thượng thánh hạ phàm. chư Phật, chư Tổ đều dùng môn nầy làm chiếc thuyền từ để độ khắp tất cả chúng sanh. Đối với một pháp như thế mà chẳng sanh lòng tin, hoặc tin mà không chơn thiết, đó là người nghiệp chướng sâu nặng, không ưng được giải thoát, sẽ phải chịu khổ luân hồi không biết lúc nào ra khỏi. Khi đã ở trong vòng sanh tử, dù có được làm thân trời, người cũng ngắn ngủi như lữ khách nghỉ nơi quán trọ. Trái lại, phần đọa vào ác đạo, thời gian rất lâu dài, như người ở yên nơi quê nhà. Mỗi khi tôi nghĩ đến điều này, bất giác cả sợ, nên chẳng nài mỏi nhọc, khẩn thiết tỏ với đồng nhân. Nay xin dẫn một bằng chứng rõ ràng, để các hạ phát thêm lòng tín nguyện và đem ra khuyên bảo mọi người.

Những kinh chuyên nói về tông Tịnh Độ, có ba quyển: Phật Thuyết A Di Đà, Quán Vô Lượng Thọ và Vô Lượng Thọ Kinh. Ngoài ra, các kinh điển Đại Thừa phần nhiều đều phát minh pháp môn nầy. Như Kinh Hoa Nghiêm là khi đức Phật mới thành đạo, vì các bậc pháp thân Đại Sĩ trong bốn mươi mốt vị: Thập Trụ, Thập Hạnh, Thập Hồi Hướng, Thập Địa, Đẳng Giác, nói pháp cao cả về giới ngoại, hàng phàm phu và nhị thừa đều không thể biết được. Sau rốt, trong phẩm Nhập Pháp Giới, Thiện Tài đồng tử vâng lời dạy của đức Văn Thù, đi tham phỏng khắp các bậc tri thức. (Đồng tử: danh từ xưng tặng bậc dứt hoặc chứng chơn, phá vô minh trở về bản tánh, tâm hạnh trong sạch chân thật ví như kẻ đồng tử. Người đời không biết, vẽ hình tượng nhi đồng là sai lầm. Như đức Văn Thù, trong Kinh Hoa Nghiêm có chỗ gọi là Văn Thù Đồng Tử. Các kinh khác đôi khi cũng dùng danh từ nầy để xưng những bậc Bồ Tát). Ban đầu Đồng Tử ra mắt ngài Đức Vân nghe pháp môn Niệm Phật, liền chứng bậc Sơ Trụ. Kế đó lần lượt tham học mọi nơi đều được chứng, cho đến vị tri thức thứ năm mươi ba là đức Phổ Hiền. Bấy giờ, Bồ Tát Phổ Hiền dùng oai thần gia bị, khiến cho chỗ chứng của Đồng Tử bằng mình và chư Phật, (đây gọi là Đẳng Giác Bồ Tát) rồi khuyên ngài Thiện Tài cùng hải chúng Bồ Tát trong cõi Hoa Tạng phát mười nguyện rộng lớn, đem công đức ấy hồi hướng về Tây Phương Cực Lạc, để cầu mau phương tròn quả Vô Thượng Bồ Đề. Lại, chương Hạ Phẩm Hạ Sanh trong Kinh Quán Vô Lượng Thọ nói: 'Những chúng sanh tạo năm tội nghịch, mười điều ác, làm đủ những việc chẳng lành, sẽ phải đọa vào địa ngục, trải qua nhiều kiếp chịu sự khổ vô cùng. Nhưng nếu kẻ ấy khi sắp chết gặp bậc thiện tri thức khuyên bảo niệm Phật, liền vâng lời niệm đủ mười câu, tức thì tội chướng tiêu trừ, được vãng sanh.' Như Trương Thiện Hòa, Trương Chung Quì, trong Long Thơ Tịnh Độ Văn chính là hạng người đó. Thế thì, trên như đức Văn Thù, Phổ Hiền là những bậc Đại Bồ Tát, dưới như kẻ phạm năm nghịch mười ác sắp đọa tam đồ, đều thuộc về cơ nhiếp hóa của môn Tịnh Độ. Bao nhiêu đó cũng đủ thấy pháp môn này quảng đại không bỏ sót một ai, và đức A Di Đà hạnh nguyện rộng sâu, xem chúng sanh bình đẳng. Tôi thường có đôi liễn:

'Bỏ đường tắt Tây Phương, chín cõi chúng sanh khó thể được tròn nên quả giác.

Rời cửa mầu Tịnh Độ, mười phương chư Phật không vẹn toàn độ khắp hàng mê.'

Các hạ gắng phát lòng mạnh mẽ tinh tiến, đảm đương pháp này. Nên đem những ngôn luận hợp cơ về sự truyền dương Tịnh Độ của người xưa, giảng lại cho trong thôn ấp nghe. Làm sao cho ở trần không nhiễm, nơi tục tu chơn, mới hợp với danh nghĩa hai chữ dung thoát. Vì dung thoát là lẫn với trần mà thoát khỏi trần vậy. Đó là ý kiến quê hèn của tôi, các hạ nghĩ thế nào? Xin suy gẫm lại.

 

Thơ đáp Cư Sĩ Hà Huệ Chiêu  

Được thơ, biết ngươi túc căn rất sâu, hiện hạnh lại tinh thuần nên mới có những cảnh tượng lạ ấy. Nhưng người đời nay phần nhiều hay ưa danh vọng, có được nửa phần một phần, liền nói đến trăm ngàn muôn phần. Như trong quyển ký lục của vị cư sĩ nọ, những cảnh giới của y đều do tự ý vẽ vời ra khác hẳn với sự thật. Ngươi đã không nói dối, nhưng e hoặc khi có tập quán đó thì lầm lỗi rất nhiều! Đức Phật đem tội nói dối liệt vào trong năm giới căn bản, chính là để phòng ngừa mối tệ ấy. Như về việc thường, không thấy nghe nói thấy nghe, tội hãy còn nhẹ. Nếu cố ý muốn xây dựng lâu các giữa hư không, dối nói những cảnh giới nhiệm mầu, chưa chứng đắc bảo rằng chứng đắc, tức là đại vọng ngữ, tội này nặng hơn giết, trộm, dâm trăm ngàn muôn ức lần. Người đã phạm, nếu không hết sức sám hối, tất sẽ bị đọa vào ngục A Tỳ, vì lời nói ấy làm cho chúng sanh nghi lầm, có thể phá hoại Phật Pháp. Vậy ngươi cần phải thận trọng với những cảnh đã thấy, chớ nên nói thêm bớt một mảy ly. Nếu thêm bớt tức là có lỗi, vì bậc tri thức chưa chứng được tha tâm đạo nhãn, chỉ dùng lời nói làm bằng cớ để phán đoán mà thôi. Đem những cảnh giới như thế tỏ với bậc trí thức để cầu quyết trạch sự chơn, giả, chánh, tà, thì không lỗi. Nếu không vì việc chứng minh quyết trạch, ý muốn tự khoe cũng có lỗi. Lại, chỉ nên tỏ cùng bậc tri thức cầu xin chứng minh, ngoài ra chớ nên nói với ai, nếu lộ bày thì có hại, vì về sau không còn được thấy cảnh giới ấy nữa. Đây là điều quan hệ thứ nhất của người tu hành, mà trong Thai giáo thường nói đến. Cho nên người niệm Phật đời nay phần nhiều hay bị ma dựa, đều do dùng tâm vọng động mong được những cảnh lạ thường. Đừng nói cảnh ấy là ma, dù có thắng cảnh, nếu sanh lòng vui mừng tham trước cũng bị tổn hại, huống chi vị tất quả thật là thắng cảnh ư? Nếu người có công hàm dưỡng, dứt hẳn tâm vọng động, khi thấy các cảnh giới, không vui mừng, tham trước, sợ hãi, nghi ngờ, thì dù gặp ma cảnh cũng được lợi ích, nói gì là cảnh nhiệm mầu? Sở dĩ được như thế, là bởi không bị ma chuyển nên có thể tiến triển thêm. Những điều trên đây ta ít hay đem nói với người, nay nhân vì ngươi có việc ấy nên phải dẫn bày chỉ rõ.

Trước tiên, ngươi lễ Phật, bỗng thấy tượng Quán Âm Đại Sĩ hiện ra là không đích xác. Nếu quả đúng cảnh Phật thì không đến đỗi nhân khi suy nghĩ: 'Tượng cùng Quán Kinh không hợp', liền ẩn hình. Nhưng do đó lòng tin của ngươi càng tha thiết, thì cũng là nhân duyên tốt. Song chẳng nên thường muốn thấy hình tượng, chỉ thành tâm lễ bái mà thôi. Như thế mới khỏi lo có sự rủi ro khác.

Khi ngươi sắp ngủ, thấy trước mắt có ánh sáng trắng và lúc lễ Phật, thấy hình Phật đứng lơ lửng giữa hư không, tuy thuộc về cảnh tốt, song chớ nên tham trước mong cầu, vì nếu thế, về sau cảnh ấy không còn hiện nữa. Xem căn tánh của ngươi dường như kiếp trước đã từng tu tập thiền định, nên mới thường có những tướng ấy. Đời nhà Minh, ông Ngu Thuần Hi tịnh tu ở núi Thiên Mục, chỗ tử quan của Cao Phong Diệu Thiền Sư thuở xưa, lâu ngày tự biết việc quá khứ vị lai, hay nói trước những cơn mưa nắng và sự họa phước của người. Liên Trì Đại Sư nghe được việc ấy, gửi thơ cực lực bài xích, cho rằng đó là lưới ma. Thuần Hi tỉnh ngộ, quả nhiên về sau không còn đoán trước được nữa. Cho nên người học đạo phải để tâm lo việc lớn, nếu chẳng thế tất sẽ bị việc nhỏ làm tổn hại. Đừng nói chi những cảnh giới ấy, dù cho được ngũ thông cũng phải gác bỏ bên ngoài, mới có thể chứng lậu tận thông. Nếu một bề tham trước thì công phu khó tiến, hoặc có khi thối lui, điều nầy cần phải biết.

Ngươi nằm mơ thấy vào điện Phật, nhớ hai câu kinh, cũng thuộc về cảnh lành. Song hai câu ấy nghĩa lý rất rõ ràng không chi khó. 'Phản hư y giác lộ. Quy chơn ngộ thường không' (Bỏ giả theo đường giác. Về chơn ngộ thường không), là ý nói: Chúng sanh vì nhận lầm sự vật giữa đời đều có thật, nên mới mê man xoay vần trong nẻo luân hồi. Nếu có thể quán sát biết sự vật đương thể vốn không, thì liền ra khỏi lối mê, nương theo đường giác, trở về bản tánh, ngộ được lý thật tướng, chơn không, chơn thường. Hai câu ấy chưa thấy ở đâu, cũng có khi đó là câu văn đã ghi nhớ đời trước, chưa chắc chính thực văn kinh. Muốn phân biệt ma cảnh hay thánh cảnh, phải xét lại cảnh ấy xem có hợp với lời dạy trong kinh chăng? Và như quả là thánh cảnh, thì khiến cho người khi trông thấy tâm liền thanh tịnh, không vọng động chấp trước; nếu là ma cảnh thì tâm liền vọng động chấp trước không được thanh tịnh. Lại nữa, quang minh của Phật tuy sáng ngời song không làm xót con mắt, nếu không đúng thế, tức là ma trá hình. Khi Phật hiện, dùng lý: 'các tướng hữu vi, đều là giả dối' mà gạn, thì càng hiện rõ. Nếu ma trá hiện, dùng lý ấy xét gạn thì liền ẩn hình. Đây là phương châm rất vững chắc để khán nghiệm sự chơn giả vậy. Ban đêm, ngươi thấy ánh sáng trắng và cảnh trong ngời giữa hư không đó là do tâm thanh tịnh hiện ra, đâu nên cho là tướng pháp giới tịch chiếu không hai? Nếu nghĩ như thế là đem phàm lạm thánh, tội lỗi chẳng ít. Người tu tịnh nghiệp như chẳng lấy các cảnh giới làm mong cầu, thì cũng không có hiện cảnh chi nhiều. Nếu trong lòng chuyên muốn thấy cảnh, tất cảnh giới hiện ra phức tạp. Lúc ấy, như không khéo dụng tâm, hoặc có khi bị tổn hại, phải để ý nhớ kỹ điều này.

Pháp môn Tịnh Độ dùng Tín, Nguyện, Hạnh làm tông. Có tín nguyện, không luận công hạnh nhiều ít, cạn sâu, đều được vãng sanh. Không tín nguyện, dù cho tu đến cảnh quên cả năng sở, thoát hẳn căn trần, cũng khó hy vọng được về Cực Lạc. Bởi vì, nếu quả chứng được thật lý của cảnh ấy, có thể dùng tự lực để thoát sanh tử, thì không cần luận. Như chỉ có công phu dẹp trừ vọng chấp tỏ thấy lý ấy, chưa được thật chứng, tất nhiên khó vãng sanh khi thiếu Tín Nguyện. Nhà tham thiền khi bàn luận Tịnh Độ, đều bỏ tín nguyện đem về tông thiền. Như y theo đó mà tu, cũng có thể khai ngộ, nhưng nói đến sự thoát sanh tử, e cho mộng tưởng không thành, bởi vì chưa dứt hoặc nghiệp. Nên biết phàm phu được về Tịnh Độ, đều do lòng tín nguyện cảm Phật, nên nương nhờ từ lực, đới nghiệp vãng sanh. Nếu không phát tín nguyện, lại dẫn câu niệm Phật đem về tự tâm, thì làm sao cảm được Phật? Đạo cảm ứng đã không hợp, tất chúng sanh cùng Phật riêng cách, dùng môn hoành siêu làm pháp thụ xuất, sự lợi ích cạn mà tổn thất lại sâu. Lợi ích, là tu y theo nhà Thiền nói, cũng có thể tỏ ngộ; tổn thất, là bỏ tín nguyện nên không được tiếp dẫn vãng sanh. Vì thế người chơn thật tu Tịnh Độ không dùng được lời khai thị của nhà tu Thiền, bởi pháp môn và tông chỉ đều riêng khác.

Vậy ngươi nên xét kỹ lại. Như chẳng cho lời ta là phải, thì cứ thỉnh cầu nơi bậc đại thông gia, hoặc may có thể hợp với tâm chí của ngươi. Về việc ấy, „n Quang này vẫn không chấp trước chi cả.

 

Thơ đáp Cư Sĩ Lâm Giới Sanh 

Đã mấy năm không gặp nhau, tấc lòng hằng tưởng nhớ đến cư sĩ. Mùa thu rồi, nhân lệnh huynh Lâm Chi Phân đi dự kỳ hương thí, có đem thơ đến Phổ Đà, tôi mới được biết sự tu trì của cư sĩ trong thời gian gần đây. Nghe nói trong nhà bất hạnh, mất đứa con yêu, nên cư sĩ hôm sớm thương buồn không an, tôi muốn nói rõ sự lý nhân quả, nhưng vì công việc biên soạn quá gấp, nên chỉ viết thơ kể sơ lược qua. Ngày rằm hôm nay, thầy Triệt Quyền lên núi thăm, trong câu chuyện lại nói đến tình trạng oán trách của cư sĩ, và những tà thuyết của một vài người tục dựa vào đó bảo: làm lành mang họa, tu hành không lợi ích chi... Tôi nghe xong bất giác ngậm ngùi, e rằng bậc thượng trí nhân việc này trễ nải sự tu, kẻ hạ ngu lại dám làm ác, nên không nại quê hèn, xin đem lời ngay để cùng nhau bày tỏ.

Trong Kinh Phật thường nói: Quả báo thông ba đời và người sanh con cái lược có bốn nhân. Quả báo thông ba đời gồm có: hiện báo, sanh báo và hậu báo. Hiện báo là đời nay làm dữ, lành, đời nay được họa phước; như sĩ tử cần học tập, hiện thân được công danh. Việc này mắt phàm đều có thể thấy. Sanh báo là đời nay làm dữ lành, đời sau được họa phước; như ông cha trọng văn chất, con cháu mới phát đạt, hiển vinh (sanh báo ước nơi bản nhơn và việc cách đời khó chỉ rõ, là tạm mượn thí dụ để cho dễ hiểu, xin đừng nhân lời mà hại ý). Việc này mắt phàm không thấy, thiên nhãn còn có thể thấy được. Hậu báo là đời nay làm dữ, lành, đến đời thứ ba, thứ tư, hoặc ngàn muôn đời, cho đến vô lượng vô biên hằng hà sa kiếp về sau mới được họa phước; như vương nghiệp của đời Thương, Châu, thật ra m* đầu từ ông Tắc, ông Khiết. Việc ba, bốn đời thiên nhãn còn thấy được, nếu việc trăm ngàn kiếp thiên nhãn không thể thấy, nhưng đạo nhãn của hàng Thanh Văn thấy biết rõ ràng. Đến như việc vô lượng vô biên hằng hà sa kiếp, chỉ có đấng Như Lai ngũ nhãn tròn sáng mới nhìn sáng suốt trước sau. Cảnh ấy còn không phải là nhãn giới của Thanh Văn, huống chi là thiên nhãn, nhục nhãn? Biết được quả báo ba đời, thì sự làm lành được phước, dữ mang họa, lời thánh vẫn không sai, và giàu nghèo, sang, hèn, thọ, yểu, cùng, thông đều có số phần, đâu từng thiên lệch? Như hình đẹp xấu thế nào, bóng hiện trong gương cũng như thế ấy, người trí biết sửa đổi hình, kẻ ngu luống ghét hờn với bóng! Cảnh nghịch vẫn thuận chịu, là biết vui số phần; không oán trời trách người, mới có thể lập mạng.

Con cái có bốn nhân: báo ân, báo oán, trả nợ, đòi nợ. Báo ân là con đối với cha mẹ đời trước có mang ân, vì báo ân nên đến làm con, trọn đời phục dịch nhọc nhằn, khiến cho song thân khi sống còn được phụng dưỡng an vui, lúc qua đời được chôn cất, cúng tế. Cho đến hoặc con làm những việc giúp nước an dân, danh nêu thanh sử, để cho thiên hạ đời sau nhân kính người mà mến trọng cả cha mẹ như các ông: Tăng Lỗ Công, Trần Trung Túc, Vương Quy Linh, Sử Đại Thành... Đời nay những con thảo cháu hiền đều thuộc về hạng ấy.

Báo oán là cha mẹ đối với con đời trước có điều phụ nghĩa, nó mới đến làm con để báo oán. Khi còn nhỏ con đã sanh lòng ngỗ nghịch, lớn lên lại gây họa làm lụy cho cha mẹ; khi song thân còn sống, không cung phụng, lúc chết, để nhục lây đến kẻ cửu tuyền. Thậm chí có khi, con nắm quyền chức trọng yếu rồi làm điều trái phép, khiến cho nhà cửa nát tan, dòng họ diệt tuyệt, mồ mả bị đào xiềng, để thiên hạ đời sau nhân thóa mạ người mà ghét luôn cả cha mẹ, như bọn Vương Mãng, Tào Tháo, Đổng Trác, Tần Cối...

Trả nợ là đời trước con có thiếu tiền của nơi cha mẹ, vì trả nợ nên đến làm con, nếu số thiếu nhiều thì trả đến mãn đời song thân, thiếu ít hoặc đến nửa chừng rồi đi. Như con học vừa thành danh thoạt chết mất, buôn bán mới được lợi bỗng lìa trần.

Đòi nợ là đời trước cha mẹ có thiếu tiền nơi con, nay nó đến làm con để đòi lại. Như số nợ nhỏ thì cha mẹ chỉ tốn tiền cho con ăn mặc, thuốc men, học hành, cưới gả, và dạy bảo đủ điều muốn cho mai sau thành lập, nhưng vì kỳ hạn đã mãn, nó liền qua đời. Nếu số nợ lớn, có khi đứa con xài phá tiêu tan hết sự sản của cha mẹ mới thôi.

Nay tôi xem lệnh tử dường như đòi nợ mà đến, may vì số nợ có ít, nên vừa lớn khôn đã vội từ trần. Vậy cư sĩ nên sám hối nghiệp đời trước, gắng sức tu hành. Do sự bồi phước ấy, chắc có lẽ rồi đây cư sĩ sẽ sanh được đứa con quí làm rực rỡ tông môn chớ chẳng không! Xem như đức Khổng Tử là thánh nhơn mà người con một mất thu* trung niên, thầy Nhan Uyên là bậc đại hiền, song lại tuổi xuân ngắn ngủi, ông Nguyên Hiến nghèo xơ xác, thầy Tử Lộ bị tuẫn nạn. Bá Di, Thúc Tề chết đói nơi núi Thú Dương, còn ngài Cừ Bá Ngọc cùng khốn * nước Vệ. Cư sĩ cho rằng thánh hiền do tu đức mà bị trời phạt ư? Hay là sống chết, giàu sang đều có số mạng? Vậy cư sĩ chỉ nên trách đức mình chưa đủ, chớ hỏi điều họa phước làm chi. Được như thế kiết thần sẽ đến, tai tinh tự nhiên lánh xa.

Trong đời sống, con người có đủ tám sự khổ, dù sanh lên cõi trời cũng khó khỏi năm tướng suy, chỉ thế giới Cực Lạc * phương Tây là thuần vui không khổ. Biết đâu do cư sĩ có công hoằng dương pháp môn Tịnh Độ nên thánh thần đem đứa con không phước thọ ấy, làm một mũi kim thống tỉnh đâm trên đỉnh đầu, để cư sĩ thấy rõ ba cõi như nhà lửa không an, các sự khổ dẫy đầy rất đáng sợ, kiếp người vô thường mau như chớp, khi đại hạn đã đến không ai cầm giữ được ai. Tất cả pháp hữu vi như mộng huyễn, bóng bọt, bây giờ chưa tỉnh ngộ cần tu tịnh nghiệp thì có khác nào gỗ đá vô tình? Người có ý chí đâu chịu làm khối thịt biết đi, chạy, để ngày kia đồng chết mục với cỏ cây? Đâu nỡ tự cam ở cảnh phàm ngu, cứ mãi nâng cao cảnh thánh? Gặp duyên nhắc nhở khẩn yếu như thế mà không phấn phát, nghe được chánh pháp mà không chịu làm theo, ấy là Phật phụ chúng sanh hay là chúng sanh phụ Phật?

Là người trí huệ, mong cư sĩ xét nghĩ...

 

Thơ đáp Cư Sĩ Lưu Trí Không

Vừa rồi tiếp được thơ, biết ngươi bệnh lâu mới lành mạnh, lòng rất vui mừng! Việc sống thác trọng đại, cơn vô thường chóng mau, tai nghe nói đến tuy kinh sợ, song không thống thiết bằng tự thân đã từng trải những giờ phút gần kề cảnh ấy. Vậy ngươi nên phát lòng đại Bồ Đề, đem tình cảnh mình khuyên trong thân quyến, bạn bè, và người có duyên thì sự lợi ích mới được rộng.

Trong thơ nói: vì niệm Phật mau gấp nên mới lao hơi, đó là tại ngươi không khéo dụng tâm. Niệm Phật phải tùy sức mình, hoặc niệm thầm hay ra tiếng, niệm lớn hay nhỏ đều được, sao lại cứ một mặt niệm to tiếng, để đến đỗi lao hơi thành bệnh như thế? Bệnh nặng của ngươi tuy bởi nơi thương khí mà ra, song kỳ thật là do sức nghiệp từ vô lượng kiếp đến nay phát hiện. Bởi ngươi niệm Phật tinh tấn, nên mới chuyển hậu báo làm hiện báo, đổi quả nặng thành quả nhẹ, chớ nên vì đó mà thối chí, nghi ngờ. Một cơn bệnh ấy, đã tiêu không biết bao nhiêu kiếp số những tội ác đáng lẽ phải đọa vào tam đồ. Thế mới biết sức Phật khó nghĩ, ơn Phật khó đền, nên sanh lòng vui mừng, hổ thẹn và càng thêm tin tưởng. Từ đây, phải siêng năng tu hành, đem môn Tịnh Độ khuyên người, khiến cho những kẻ thân sơ đều được sanh về Cực Lạc. „y mới không phụ ơn đức Phật đã dùng cơn bệnh thức tỉnh và chuyển trừ tội chướng cho mình.

Non Phổ Đà không cần đến làm chi, vì tiền đi về tốn kém nhiều. - nhà niệm Phật công phu dễ tiến, lại khỏi phí của tiền sức khỏe. Như thế có phải tiện lợi hơn không?

---o0o---