Thơ khuyên dạy một vị Tỳ Kheo Ni
Thơ gởi Đế Nhàn
Pháp Sư
Một bức thơ phúc đáp khắp nơi
Thơ đáp Pháp Hải Đại Sư
|
Thơ khuyên dạy một vị Tỳ Kheo Ni
Đêm ngày thấm thoắt,
mùa tiết đổi dời, thời gian chuyển biến âm thầm, không
giây phút nào dừng nghỉ! Có phải tạo vật hiện ra tướng
lưỡi rộng dài, diễn nói pháp mầu, cho chúng sanh nhận thấy
kiếp người vô thường, vinh hoa giả tạm, mau tìm đường
giải thoát để khỏi bị trầm luân đó ư? Ngươi đã
chán mùi phú quí, tìm học đạo mầu, phải gắng sức chuyên
tu, chớ nên lần lựa qua ngày, vì mạng người chỉ mong manh
trong hơi thở. Nên xét tự thân tuy là ngũ chướng, song tâm
tánh vẫn đủ ba đức
niết bàn, mà cố rửa sạch tập
tánh người nữ và chuyên trì thánh hiệu đức
A Di Đà. Thường tưởng nghĩ cõi Ta
Bà rất nên nhơ ác, miền Cực Lạc chính là chốn gia hương,
chớ mong phước báo hiện tại hoặc đời
sau, chỉ nguyện khi mạng chung được về Cực Lạc. Nếu sớm
chiều tha thiết, mỗi niệm không rời, niệm đến công sức
thuần thục, tự nhiên đạo cảm ứng thông nhau, khi lâm chung
chắc sẽ được toại nguyện. Lúc đã về Tịnh Độ, tỏ ngộ
lý vô sanh rồi, nhìn lại cõi Ta Bà,
thấy sự vinh hiển giàu sang chẳng khác nào ánh nắng, hoa
không và ngục tù, biển độc!
Nhưng muốn đạt chí nguyện, điều cần yếu là
trước phải dứt trừ tập nhiễm mới dễ thành tựu sự
vãng sanh. Kinh Phật thường nói: 'Người giàu sang khó học đạo,
người nữ cũng khó học đạo.' Bởi người giàu
sang phần nhiều hay quen tánh kiêu mạn, xa xí, ít chịu nhún
nhường để xét sửa mình và tiếp đãi người. Như thế, đâu
dễ dứt mối âu lo, xóa tan trần niệm, để cõi
lòng vắng mà cầu đạo ư? Người nữ thì ưa sửa soạn dung
nghi, thường đem lòng đố
kỵ, đâu biết rằng dù cho hương trời
sắc nước, vẫn là túi phẩn đẫy
nhơ; đã luyến huyễn hình, làm sao ngộ
đạo? Đức Như
Lai vì trị những chứng bệnh ấy, chỉ
dạy phép quán Tứ Niệm Xứ, quán thân không sạch, thọ là
khổ, tâm vô thường và pháp vô ngã. Nếu thành tựu phép
quán nầy, thì lòng tập nhiễm luyến sắc thân, cậy quyền
thế, sẽ tiêu diệt như điểm tuyết giữa lò hồng.
Ngươi dẫu là người nữ dòng trâm anh đi xuất
gia, cần phải trừ sạch tập tánh kiêu xa, trang điểm, khiến
cho không còn mảy may nào, về sau mới có phần thoát khổ. Hiện
nay chánh pháp suy yếu, ma ngoại tung hoành, khó gặp được thầy
hay bạn tốt, phải tìm thầy bạn trong gương mẫu của người
xưa. Nên đọc kỹ
những quyển: Tỳ Kheo Ni Truyện, Thiện Nữ Nhơn Truyện, Tịnh
Độ Thập Yếu, Tịnh Độ Thánh Hiền Lục, mới tìm được
những tấm gương sáng, không còn sợ
lạc vào đường tà. Gần đây
tăng ni ít bậc thanh tu, phần nhiều là kẻ không đúng phép,
chẳng nên lạm thâu đồ chúng, để tránh sự hư rối trong
đạo Phật. Lại giữ mình theo thanh
quy, gắng sức tu tịnh nghiệp, làm sao cho khi sống thành người
khuôn mẫu, lúc thác dự hội Liên Trì. Như thế mới không phụ
chí vượt ra hầm lửa muôn tầm, mới chẳng uổng làm con của
Phật. Phải cương quyết cố gắng, chớ quên lời ta!
Thơ gởi Đế Nhàn
Pháp Sư
Ấn Quang từ lúc mới xuất gia liền tin pháp
môn Tịnh Độ, nhưng vì nghiệp chướng
che lấp, trong hai
mươi năm nay, ngày luống qua ngày. Nghĩ
những thẹn khi tự thấy miệng tuy niệm Phật, song lòng
không nhiễm đạo!
Gần đây, nhờ ơn Pháp Sư khuyên nhắc, xin thề không dám để
phụ tấm lòng chiếu cố, xót thương.
Chỉ khổ nỗi hôn trầm, tán loạn thay nhau
đánh đổ, đạo lực không thêm được chút nào,
lối cũ vẫn còn nguyên dấu cũ. Cho nên mỗi ngày tôi xem hơn
mười tờ tịnh điển,
mong nương theo ngôn hạnh sáng suốt của người xưa để phát
lòng thẳng tấn.
Pháp môn Bảo Vương Tùy Tức, tôi thử dùng
thì thấy vọng niệm không còn sôi nổi như lúc trước, tưởng
rằng lâu ngày chắc cũng có lúc được nhìn cảnh mây tạnh
trời trong. Tôi tra trong Lạc Bang Văn Loại và Thánh hiền Lục
đều thấy có
chép đoạn này, bỗng chợt hiểu
phép Thập Niệm mượn hơi nhiếp tâm của ngài Từ Vân là căn
cứ ở nơi đây. Và, trong bộ Liên
Tông Bảo Giám cũng có nói đến
nữa. Như thế đủ thấy người xưa liệu biết cơ nghi đời
mạt pháp, nếu phi phương pháp nầy chắc khó nỗi gia công,
nên đã dự lập ra trước. Nhưng cổ nhơn ít ai đem môn Bảo
Vương Tùy Tức để giáo hóa, vì thuở
trước căn tánh người còn sáng lẹ, một khi phát lòng quả
quyết, tự được
nhất tâm. Đời nay, người chướng nặng căn độn như tôi,
e đến chết cũng không được cảnh giới không loạn. Vì
thế, tôi không dám giấu sự dở riêng của mình, mong thỉnh
ý nơi bậc cao minh; vậy có nên thực hành cùng chăng, xin nhờ
chỉ rõ? Tôi lại nghĩ: phép này nhiếp cả Ngũ Đình Tâm
Quán, nếu có thể theo hơi thở mà niệm, tức là gồm đủ
hai môn: Sổ Tức và Niệm Phật. Nếu nhiếp tâm niệm Phật
thì lòng tham nhiễm lần lần dứt tuyệt, sân hận không còn
lẫy lừng, khi hôn trầm tán loạn đã lui, trí huệ liền hiện
mà phá luôn cả si mê nữa. Pháp môn nhiếp sáu căn
của đức Thế Chí, theo ngu ý thì những
người niệm Phật lơ là hiện thời, dường như chẳng nên
dùng, vì nếu không lần chuỗi ghi số, họ sẽ trở thành biếng
trễ. Khác hơn thế, những ai quyết tâm niệm Phật, nếu bỏ
phép này, nhất định khó thành Tam Muội.
Pháp Sư nương bản nguyện lợi sanh, tự mình
tuy không dùng, nhưng cũng nên vì người thí nghiệm, để
dạy kẻ hậu lai. Phép nhiếp sáu căn với bậc lợi cơ, trong
một hai thất, quyết sẽ được không loạn. Dù cho hạng ngu
kém như tôi, nếu cố gia công hoặc tám năm hay mười năm,
tưởng may ra có thể được nhất tâm.
Một bức thơ phúc đáp khắp
nơi
Lời văn tuy quê thật,
nhưng nghĩa lý vẫn căn
cứ trong kinh.
Nếu có ai y theo
đây mà làm,
sự lợi ích sẽ
rộng lớn vô cùng!
Ấn Quang Pháp Sư
-1-
Pháp môn Tịnh Độ trùm khắp cả ba căn, gồm
thâu hàng lợi độn, là đại pháp của đức Như Lai, để mở
phương tiện cho tất cả thánh phàm đều được giải thoát
sanh tử, lên ngôi Bất Thối ngay trong
hiện đời. Với pháp mầu nhiệm đặc biệt nầy mà
không tin không tu, thật là đáng
thương, đáng tiếc!!
Pháp môn Tịnh Độ lấy tín, nguyện, hạnh
làm tông chỉ.
Tín là ta phải tin cõi Ta Bà có vô lượng sự
khổ; tin cõi Cực Lạc có vô lượng điều vui; tin ta là phàm
phu đầy nghiệp lực,
quyết không thể nương cậy vào sức
mình để dứt hoặc
chứng chơn, thoát sanh tử ngay trong hiện đời; tin Phật A Di
Đà có lời thề nguyền rộng lớn, nếu
chúng sanh nào niệm danh hiệu Ngài, cầu về nước Ngài, khi mạng
chung sẽ được Ngài tiếp dẫn vãng sanh Cực Lạc.
Nguyện là ta nên nguyện mau ra khỏi thế giới
nầy, nguyện sớm sanh về cõi vui kia.
Hạnh là ta phải chí thành khẩn thiết niệm
câu Nam Mô A Di Đà Phật, mỗi thời mỗi khắc đừng
để tạm quên, tùy theo hoàn cảnh gấp
hoãn lập một khóa trình, sớm tối lễ bái trì tụng trước
bàn Phật. Ngoài thời khóa tụng, những khi đi
đứng nằm ngồi và làm những công
việc không dụng tâm, đều nên niệm Phật. Lúc ngủ nghỉ phải
niệm thầm, không nên ra tiếng và chỉ niệm bốn chữ A Di Đà
Phật để dễ nhiếp tâm. Lại, những khi
y phục không chỉnh tề, hoặc giặt rửa, tắm gội, đại tiểu
tiện, cho đến lúc đi ngang qua chỗ không sạch sẽ, cũng đều
phải niệm thầm. Chí tâm niệm thầm, công đức cũng đồng
như niệm ra tiếng. Trong những lúc ấy nếu niệm ra tiếng
thì chẳng hợp nghi thức và có
lỗi không cung kính. Không luận niệm lớn tiếng, nhỏ tiếng,
niệm Kim Cang hoặc niệm thầm, đều phải trong tâm ghi nhớ
rành rẽ rõ ràng, miệng niệm rành rẽ
rõ ràng và hai tai nghe rành rẽ rõ ràng. Niệm như thế thì
tâm không còn dong ruổi theo cảnh ngoài, vọng
tưởng lần dứt, câu niệm Phật lần thuần, công đức rất
lớn.
- 2 -
Người niệm Phật phải hiếu dưỡng cha mẹ,
phụng thờ sư trưởng, tâm từ bi không giết hại, tu mười
nghiệp lành (Thân không sát sanh, trộm cướp, tà dâm; miệng
không nói dối, nói thêu dệt, nói đôi chiều, nói hung ác; ý
không tham dục, giận hờn, ngu si, tà kiến). Lại cần phải:
cha lành, con thảo, anh em thương kính, chồng vợ thuận hòa,
chủ nhân, tớ trung, mỗi người đều giữ tròn bổn phận.
Ta chỉ nên làm hết nhiệm vụ mình, đừng
so đo phiền trách người khác đối với mình
có trọn cùng không. Nếu người nào đối
với gia đình xã hội làm tròn thiên
chức, đó là người lành. Người lành mà niệm Phật thì dễ
có cơ cảm, quyết định
khi lâm chung được Phật tiếp dẫn sanh về Tây Phương vì
tâm hạnh hợp với Phật. Trái lại, những ai miệng tuy niệm
Phật, song lòng không nhiễm đạo,
đối với cha mẹ, anh em, vợ chồng, con cái, bạn bè
làng xóm không tròn bổn phận, thì tâm hạnh trái với Phật,
khó được vãng sanh. Tại sao thế? Bởi người ấy tâm không
điềm tịnh thuần hòa, tự sanh ra mối não phiền chướng ngại,
nên khó được cảm
thông với Phật, đó cũng là lẽ tất
nhiên.
- 3 -
Người niệm Phật nên khuyên thân bằng quyến
thuộc và tất cả đồng
nhân đều niệm Nam Mô A Di Đà Phật
và Nam Mô Quán Thế Âm Bồ Tát. (Mỗi ngày như niệm Phật
1.000 câu thì niệm Quán Âm 500 câu, niệm Phật 10.000 câu thì
niệm Quán Âm 5.000 câu. Niệm nhiều ít so theo đây mà gia giảm).
Ta đã tìm được
con đường giải thoát yên ổn, lại
nỡ nào để cho đấng
sanh thành, người quyến thuộc cùng tất
cả đồng nhân mất sự lợi ích lớn, chìm trong biển khổ
ư? Huống chi giữa cõi đời nhiều hoạn nạn, khó tránh sự
hiểm nguy như hiện nay, nếu có thể thường niệm Phật và
Quán Âm, tất sẽ được lượng từ bi ủng hộ, gặp dữ hóa
lành. Giả sử không tai nạn mà chí tâm trì niệm, cũng sẽ
được nghiệp tiêu trí sáng, chướng hết phước nhiều. Hơn
nữa, khuyên người niệm Phật cầu sanh Tây Phương, tức là
thành tựu kẻ phàm phu làm Phật, công đức
rất lớn, đem công đức ấy hồi hướng vãng
sanh tất sẽ mãn nguyện.
- 4 -
Người niệm Phật khi tụng kinh, trì chú, lễ
bái, sám hối, cứu tai nạn, giúp kẻ nghèo, tất cả công đức
lành đều phải hồi hướng vãng sanh Tây Phương, không nên cầu
hưởng phước báo ở cõi trời, cõi người, trong hiện tại
hoặc đời sau. Nếu có tâm niệm ấy thì mất phần vãng sanh
và phải bị chìm đắm trong biển luân hồi khổ não. Nên biết,
hưởng phước càng nhiều tất gây nghiệp càng lớn, qua một
đời sau nữa quyết
khó khỏi đọa vào đường địa ngục, ngạ quỉ, súc sanh.
Chừng ấy muốn trở lại làm thân người, được nghe pháp
hiện đời giải thoát của môn Tịnh Độ, còn
khó hơn lên trời. Phật dạy chúng sanh niệm Phật cầu về
Tây Phương, là vì chúng sanh mà giải quyết vấn đề
sanh tử ngay trong hiện kiếp. Nếu chỉ cầu đời sau hưởng
phước báo ở cõi nhân thiên tức là
trái với lời Phật dạy, như đem
hạt bảo châu vô giá đổi lấy một thẻ đường để ăn, há
chẳng đáng tiếc lắm ư? Kẻ tối tăm niệm Phật không cầu
vãng sanh mà cầu hưởng phước báo,
cũng như đây không khác.
- 5 -
Người niệm Phật không nên tập theo lối
tham cứu của nhà tu thiền. Vì kẻ tu thiền hầu hết đều
không chú trọng về việc tín nguyện vãng sanh. Dù có niệm
Phật, họ chỉ chú trọng vào câu 'Niệm Phật đó là ai?' để
cầu khai ngộ mà thôi. Ta chỉ nên niệm Phật cầu sanh Tây Phương,
khi được thấy đức
A Di Đà lo gì không khai ngộ? Nếu ở
cõi này tu thiền, như hoặc nghiệp dứt hết thì có thể
thoát sanh tử; thảng như hoặc nghiệp chưa dứt thì đã
không thể cậy vào sức mình để giải thoát, lại vì không
tín nguyện nên không được nương nhờ sức Phật ra khỏi luân
hồi. Hai bên tự lực và Phật lực đều
không nhờ cậy được, người ấy đâu thể nào
thoát khỏi trần lao? Nên biết bậc pháp thân Bồ Tát khi chưa
thành Phật đều phải nhờ oai lực của Phật, huống chi ta là
phàm phu đầy nghiệp chướng mà ưa luận về sức mình,
không cầu sức Phật ư? Lời ấy tuy cao, song xét lại hành vi
thật là thấp kém! Sự hơn kém của Phật lực và tự lực
khác
xa nhau như trời vực, nguyện đồng nhân nên
thể tất nghĩa nầy!
- 6 -
Người niệm Phật không nên bắt chước kẻ
ngu tối, làm những việc hoàn thọ sanh, gởi kho. Bởi sự
hoàn thọ sanh, trong Kinh Phật không có nói, do người sau bày
đặt ra. Còn gởi kho là muốn cho mình khi chết rồi thành quỉ,
nên mới sắm trước tiền của đồ vật cho thân quỉ dùng.
Đã có tâm niệm muốn làm quỉ thì khó được vãng sanh. Như
người nào chưa làm thì thôi, nếu đã làm, phải bạch rõ trước
bàn Phật như vầy: 'Đệ tử là... chỉ cầu vãng sanh, những
đồ minh khố đã gởi khi trước, xin đem chẩn tế cho cô hồn.'
Như thế mới không chướng ngại cho sự sanh về cõi
Phật.
Lại những thứ kinh: Thọ Sanh, Huyết Bồn,
Thái Dương, Thái Âm, Nhãn Quang, Táo Vương, Thai Cốt, Phân
Châu, Diệu Sa... đều là kinh ngụy tạo, không phải kinh của
Phật nói, không nên trì tụng. Những kẻ quê tối, không chịu
tụng Kinh Đại Thừa
(như các kinh: A Di Đà, Vô Lượng Thọ, Quán Vô Lượng Thọ,
Tâm Kinh, Kim Cang, Pháp Hoa, Dược Sư, Lăng Nghiêm,
Hoa Nghiêm, Phổ Hiền Hạnh Nguyện Phẩm v.v...) mà chỉ tin
các thứ kinh ngụy tạo ấy, muốn làm những việc hoàn thọ
sanh, phá địa ngục, phá huyết hồ, mới yên tâm. Nếu có người
hiểu Phật Pháp khuyên bảo nói đó là những kinh ngụy tạo,
họ cũng không nghe lời. Nên biết, làm các Phật sự, chỉ
có niệm Phật là công
đức rộng lớn, nên đem số tiền hoàn thọ sanh, phá địa
ngục, phá huyết hồ ấy, thỉnh những vị tăng chơn chánh niệm
Phật cho, thì được lợi ích rất nhiều.
- 7 -
Người niệm Phật nên ăn
chay trường, như chưa được thế, thì giữ lục trai hoặc thập
trai, để lần lần bỏ hẳn các thứ
thịt của chúng sanh, mới là hợp lý. Lục trai là các ngày:
mùng 8, 14, 15, 23, 29, 30; nếu thêm vào đó mấy ngày: mùng 1,
18, 24, 28 thì thành ngày thập trai. Những tháng thiếu, nên ăn
trước một ngày. Lại, tháng giêng, tháng năm, tháng chín là
ba trai nguyệt, nên ăn chay trường và làm các việc công đức.
Dù chưa ăn chay
được, cũng nên mua thịt cá đã làm
sẵn, chớ sát sanh trong nhà. Nếu mỗi ngày sát sanh thì cái
nhà ấy đã thành lò sát sanh, là chỗ oan quỉ tụ hội,
không được an lành. Cho nên sát sanh trong nhà là điều rất
cấm kỵ.
- 8 -
Người niệm Phật nên khuyên cha mẹ niệm Phật
cầu sanh Tây Phương. Muốn cho cha mẹ khi lâm chung quyết định
được vãng sanh, thì phải dặn trước
người quyến thuộc về cách trợ niệm và chớ nên khóc lóc
cùng bày vẽ những
điều vô ích. Lại, lúc bình thời phải
vì cha mẹ giảng rõ sự lợi ích của môn niệm Phật khiến
cho song thân thường niệm không quên. Thế thì chẳng những
cha mẹ được lợi ích, mà quyến thuộc hiện tại hoặc con
cháu đời sau cũng
được ảnh hưởng giải thoát an lành.
Về phương pháp trợ niệm khi lâm chung, không luận già trẻ,
đều phải làm đúng như thế.
- 9 -
Người nữ khi sắp sanh thường bị đau khổ
không kham, có khi vài ngày sanh không
được, hoặc chết vì sản nạn. Có người tuy sanh được
nhưng lại bị huyết băng và nhiều
bệnh nguy hiểm. Đứa con sanh ra thì bị
các chứng cấp nạn, kinh phong v.v... Cho nên, người nữ lúc
sanh sản, nên chí thành khẩn thiết niệm Nam Mô Quán Thế Âm
Bồ Tát. Khi niệm cần phải to tiếng, không nên niệm thầm,
vì niệm thầm do tâm lực kém nên sức cảm ứng
cũng kém. Lại trong lúc ấy sản phụ đang dùng sức sanh đứa
bé ra, nếu niệm thầm thì nín ép hơi
phải mang bệnh. Nếu chí thành khẩn thiết mà niệm, quyết
không có sự đau
đớn, khó sanh, huyết băng, đứa con sẽ khỏi bệnh kinh
phong, và các chứng nguy hiểm khác.
Dù gặp trường hợp khó sanh, có nguy hiểm đến tánh mạng,
sản phụ cùng những kẻ hộ sanh cũng phải đồng
to tiếng niệm Quán Âm. Người quyến thuộc tuy ở nơi khác,
đều phải vì sản phụ niệm giúp. Như thế, không đầy giây
phút, sản phụ liền được yên ổn
mà sanh. Kẻ ngoại
đạo không rõ lý nầy, chấp chặt một việc cung kính, chẳng
biết căn cứ theo sự mà luận lý,
khiến cho mấy bà lão niệm Phật xem sanh sản là việc đáng
sợ, cho đến dâu con của mình sanh cũng không dám qua săn sóc,
huống chi là niệm Quán Âm? Nên biết
Bồ Tát lấy sự cứu khổ làm lòng, lúc sanh sản, tuy lõa lồ
không sạch, nhưng đó là việc dĩ nhiên, không phải mình tự
ý buông lung, nên niệm đã không có tội lỗi, mà lại khiến
cho mẹ con sản phụ gieo trồng căn lành. Nghĩa nầy trong Kinh
Dược Sư đã có nói, không phải
tự tôi đưa ra điều ức kiến. „n Quang nầy chỉ là người
đề xướng mà thôi.
- 10 -
Người nữ từ mười hai, mười ba tuổi đến
bốn mươi tám, bốn mươi chín tuổi, đều có nguyệt kinh.
Có kẻ bảo: trong lúc nguyệt kinh, chẳng nên
lễ bái trì tụng. Lời này rất không hợp tình lý. Thời kỳ
có kinh, mau thì hai ba ngày, lâu đến sáu bảy ngày mới dứt;
người tu trì cần phải niệm Phật không xen hở, đâu nên
vì một chút bệnh nhỏ thiên nhiên mà bỏ lãng thời tu niệm
ư? Khi có nguyệt kinh chỉ nên lễ bái ít (lễ bái ít chớ chẳng
phải tuyệt nhiên không lạy), còn sự tụng kinh niệm Phật
đều chiếu theo lệ thường. Nên thường thay giặt vải dơ,
phải rửa tay cho sạch sẽ, đừng dùng tay dơ mà lần chuỗi,
lật kinh và đốt
hương. Trong Phật Pháp, pháp pháp đều viên
thông, hàng ngoại đạo chỉ chấp một bên lý, người đời
phần nhiều lại ưa tin lời ngoại đạo, không rõ
chánh lý Phật giáo, nên không được thấm nhuần pháp lợi.
- 11 -
Quán Thế Âm Bồ Tát thệ nguyện rộng sâu,
tìm tiếng cứu khổ. Khi gặp những tai nạn: đao
binh, nước lửa, đói kém, cào cào,
ôn dịch, khô hạn,
cướp bóc, oan gia, thú dữ, rắn độc, ác quỉ, yêu
mị, nghiệp binh, kẻ tiểu nhơn hãm hại v.v... nếu phát tâm
sửa lỗi làm lành, lợi mình lợi người, chí thành khẩn thiết
niệm Quán Thế Âm không xen hở, thì quyết định
sẽ được nhờ sức từ bi ủng hộ tránh
khỏi tai nguy. Nếu vẫn còn giữ lòng bất thiện, dù có xưng
niệm, chẳng qua là gieo chút căn lành về sau, không được sự
cảm ứng hiện tại, vì chư Phật, Bồ Tát thành tựu niệm
lành cho người, tuyệt không thành tựu niệm ác cho người.
Như không phát tâm sửa lỗi làm lành, lầm lạc muốn đem
công đức niệm Phật, Bồ Tát, để cầu cho việc ác của
mình thành tựu thì quyết không được
cảm ứng. Rất không nên phát tâm điên đảo ấy.
Đã niệm Phật, cần
phải giữ trọn nhơn luân, gìn lòng thành kính, dứt các điều
dữ, làm các việc lành, giữ lòng tốt, nói lời tốt, làm việc
tốt. Việc nào mình làm được thì thiết thật mà làm, như
không làm được cũng nên phát lòng lành ấy, hoặc khuyên người
có thế lực làm, hoặc thấy người làm sanh tâm vui đẹp. Thốt
lời khen ngợi việc lành cũng thuộc về công
đức của tâm và miệng. Nếu việc
mình không thể làm, khi thấy người khác làm được mà sanh
lòng ganh ghét, đó là tâm hạnh của kẻ tiểu nhơn. Như thế,
quyết định phải
bị mất phước tổn thọ, không được kết quả tốt, cần
để ý răn chừa. Rất không nên giả
mặt hiền
lương
để mua danh chuốc lợi, tâm hạnh ấy quỉ thần đều ghét,
có thì mau cải, không thì nên cố gắng
làm lành.
- 12 -
Có nhiều người nữ vì không rõ chánh lý, hoặc
bất hiếu với cha mẹ chồng, khi dể chồng, quá cưng yêu chiều
chuộng con, ngược đãi tôi tớ, hoặc là mẹ ghẻ hiếp đáp
hành hạ con riêng của chồng. Những người ấy đâu biết rằng:
hiếu thảo với cha mẹ chồng, kính trọng chồng, dạy dỗ
con cái, ra ân huệ cùng hàng tôi tớ, an ủi nuôi dạy con
riêng của chồng, chính là đạo thánh hiền ở thế gian mà cũng
là phép tắc đầu
tiên của đạo Phật. Nếu có đủ công đức ấy mà tu Tịnh
Độ, thì quyết định danh dự thêm nhiều, phước thọ bền
vững, khi mạng chung được Phật tiếp dẫn về chín phẩm
sen. Nên biết đã có nhân phải có quả,
nếu ta gieo nhân hiếu kỉnh từ ái, tự nhiên sẽ được quả
hiếu kỉnh từ ái. Vì người tức là vì mình, hại người còn
quá hơn hại mình, cho nên mỗi người đều phải làm tròn bổn
phận, Phật trời tất sẽ chứng tri.
- 13 -
Trẻ con khi vừa khôn lớn, phải dạy cho
chúng biết đạo lý hiếu, đễ, trung, tín, lễ, nghĩa, liêm,
sỉ và việc ba đời nhân quả, sáu nẻo luân hồi. Như thế
là làm cho chúng hiểu tâm của mình cùng tâm chư Phật, Bồ Tát,
trời đất, quỉ thần, mỗi hơi thở thông nhau. Nếu khởi một
niệm bất chánh, làm một việc không phải, thì các vị ấy
thảy đều biết,
như đối trước gương sáng, hình ảnh
tốt xấu hiện ra rõ ràng, không che giấu được.
Đã hiểu như thế, tất nhiên chúng sẽ
sợ hãi, gắng sức làm lành. Chẳng luận người nào, dù là
con cái tôi tớ trong nhà cũng không nên đánh
đập mắng chửi thô tháo. Phải tìm
cách khuyến hóa, khiến cho chúng biết phụng thờ bậc trên,
nhường thuận kẻ dưới, kính trọng giấy chữ, chẳng xài
phá cơm gạo, quần áo, của tiền, yêu tiếc sanh mạng loài
trùng kiến, không ăn
vặt vạnh để khỏi mang bệnh. Nếu dạy được như thế, thì
một ngày kia quyết định chúng sẽ thành người lương thiện.
Trái lại lúc con cháu còn thơ ấu, cha mẹ chẳng chịu dạy dỗ,
để mặc cho chúng buông lung, khi lớn lên nếu chúng nó không
là kẻ dung ngu, cũng là hàng phỉ loại. Chừng ấy dù có ăn
năn cũng vô ích. Lời xưa nói: 'Giáo phụ sơ lai, giáo tử
anh
hài' (Dạy con dạy thuở còn thơ, dạy vợ dạy lúc ban sơ mới
về), tánh tình phần lớn là do ảnh hưởng của tập quán,
cho nên phải cẩn thận từ bước đầu tiên. Cá nhân là phần
tử của xã hội, trong thiên hạ bình yên hay loạn lạc, cội
nguồn đều do sự hiền lương
hoặc
bạo ác của con người. Vậy những điều trên đây quan hệ,
thiết yếu, không phải tôi bàn luận
chuyện vô ích, xa vời...
- 14 -
Ấn Quang tôi năm nay đã
quá già yếu, tinh thần mỗi ngày thêm suy kém, không còn đủ
sức để phúc đáp những bức thơ gởi đến. Chỉ vì
sự lưu thông thuận tiện, nên xa gần lầm nghe chút hư danh,
gởi thơ hỏi đạo
quá nhiều. Nếu tôi không đáp, vẫn tự hơi có phụ ý người
gởi; như mỗi mỗi đều phúc đáp, thật ra cũng không đủ
tinh thần. Vì thế, tôi cho in bức thơ
dài nầy để phúc
đáp cùng khắp. Trong
đây, những điều quan hệ về sự tu trì, cách lập thân xử
thế, đạo thờ cha mẹ, dạy con cái, tôi đều nói lược
qua. Về sau, ai đưa tin đến hỏi đạo, tôi đều dùng thơ nầy
phúc đáp, hoặc có vài điều đặc biệt, cũng chỉ nên
thêm đôi hàng nơi bức thơ gởi đến mà thôi.
Như thế, để cho đạo niệm đôi bên được thông nhau, mà
tôi cũng đỡ bớt sự nhọc mệt. Nếu vị nào
muốn hiểu suốt kinh nghĩa, xin thưa hỏi nơi các bậc Pháp Sư
dựng cao tràng pháp, tông giáo kiêm thông. Nhưng nên biết, dù
thông suốt kinh pháp, cũng chưa chắc
được thoát sanh tử. Muốn thoát sanh tử luân hồi, phải
chú trọng nơi sự tín nguyện niệm Phật cầu sanh Tây Phương!
Thơ đáp Pháp Hải Đại Sư
Hơn mười năm nay, tòa
hạ tìm thầy học đạo
để mưu sự lợi ích cho mình và người,
đó là điều đáng
khen ngợi. Nay lại buông bỏ muôn
duyên, một lòng niệm Phật, lấy quả giác làm nhân địa tu
hành, có thể sẽ thân chứng Tam Muội và chiếm được phẩm
cao. Nếu tòa hạ phát lòng quả quyết thì sự mong cầu tất
nhiên thành tựu. Nhưng người đời niệm Phật tuy nhiều,
song chứng Tam Muội rất ít, vì chưa buông được muôn duyên
giữ một niệm, nên tâm cùng Phật khó dung hợp nhau. Tòa hạ
đã thiết thật giữ sạch thân tâm, lẽ nào lại không có chỗ
sở đắc? Nhưng
trong thơ về mấy điểm: 'tỏ lòng thấy
tánh, thoát ly sự sống chết và bằng cứ chứng đạo
đến tay', cần phải đôi chút phân biệt.
Nếu tu theo giáo lý thông thường, dù được
tỏ lòng thấy tánh, cũng còn cách xa với sự thoát ly sống
chết luân hồi, vì cảnh giới ấy thuộc về ngộ chớ không
phải chứng. Người đời
nay ngộ đạo còn rất ít, huống nữa
là chứng ư? Chứng
đạo thì hoặc nghiệp mới hết sạch, gốc sanh tử đã
dứt, không còn cảm quả luân hồi. Bậc Tu Đà Hoàn bảy lần
sanh lên trời, bảy lần trở lại nhân gian, mới tiêu hết
hai món hoặc kiến, tư, chứng quả A La Hán. Ngài Thiên Thai thị
hiện ở ngũ phẩm, ngài Nam Nhạc
ở ngôi Thập Tín; các bậc Đại Sĩ ấy còn ẩn thật đức
của mình, tự bảo chỉ được địa vị nội, ngoại phàm,
thì đâu phải dễ dàng khi muốn nói chứng đạo?
Song đây là ước theo giáo lý thông thường để luận sự khó
khăn về chứng đạo trong hiện đời. Nếu cứ theo môn Tịnh
Độ là pháp đặc biệt của đức Như Lai lập ra, thì
trên từ bậc Đẳng
Giác dưới đến hạng tội nặng A Tỳ, như đủ tín nguyện,
đều được nương sức từ của Phật sanh về Cực Lạc. Khi
đã vãng sanh, tất sự tỏ ngộ cùng
chứng đạo dễ dàng như lượm cỏ. Một điều hơi khác,
tòa hạ chuyên tâm niệm Phật, không đề
cập đến sự vãng sanh trong lúc lâm chung, lại nói có thể nắm
chắc bằng cứ chứng đạo. Nói rằng chứng đạo cũng được,
sao lại bảo: bằng cứ đến tay? Nếu bằng cứ đến tay thì
không cần luận, thảng như không đến mới liệu làm
sao? Xét qua ý tứ trong lời nói ấy, dường như tòa hạ chỉ
niệm Phật suông, không phát lòng tín nguyện cầu sanh Cực Lạc.
Đó là lối dùng sự niệm Phật làm câu thoại đầu của nhà
tu Thiền, không đúng
với tông chỉ Tín Nguyện Hạnh trong môn Tịnh Độ. Niệm Phật
không tín nguyện so với phép tu Thiền tham câu thoại đầu
tuy công đức lớn hơn, nhưng nếu hoặc nghiệp vẫn còn, tất
không được giải thoát. Lại bởi không tín nguyện, nên
không thể nương nhờ sức Phật tiếp độ, vẫn là pháp môn
tự lực thông thường, rất khó chứng đạo.
Chớ cho sự tín nguyện cầu sanh là thấp kém, vì trên hội
Hoa Nghiêm, hải chúng trong cõi Hoa Tạng đều dùng mười đại
nguyện vương để hồi hướng vãng sanh. Hơn nữa, các bậc Bồ
Tát, Tổ Sư trong tông Tịnh Độ đều bảo phải phát lòng
tín nguyện cầu sanh Cực Lạc. Sao Tòa hạ lại lập riêng
môn đình không theo thánh quy của Phật, Tổ như thế? Và, người
đã suốt tháng, suốt năm,
suốt đời niệm Phật, đâu nên không tu hạnh Lễ Kỉnh?
Trong mười đại nguyện vương, Lễ Kỉnh đứng đầu, tòa
hạ bỏ việc gì còn có thể được, quyết không nên bỏ sự
lễ Phật. Nếu chẳng lễ Phật chắc khó cảm thông, vì lẽ
thân ưa an ổn, tất thiếu trợ duyên để
triển đạt hết lòng thành. Theo phép
chuyên tu của ngài Thiện Đạo thì thân chuyên lễ, miệng
chuyên xưng, ý chuyên niệm, niệm cùng cực tự nhiên ngoài
tâm không Phật, tâm Phật như nhau.
Sự chứng đạo ấy, các lối tu chứng về tự
lực không thể sánh kịp. Về việc này, người xưa đã
thí dụ như tên dân hèn kém nương bánh xe báu của Luân Vương,
một ngày có thể dạo khắp bốn châu lớn. Vậy tòa hạ
không nên đem pháp môn Niệm
Phật rất đặc biệt, tu theo đường lối tự lực về quán
hạnh thông thường. „n Quang tuy hèn
ngu, thật chẳng dám hứa nhận việc ấy. Nếu tòa hạ có thể
dùng lòng trong sạch không nhiễm mảy trần, phát ba tâm mà niệm
Phật, thì hiện đời sẽ thân chứng Tam Muội, sau khi mạng
chung liền sanh về thượng phẩm. Như thế, „n Quang xin vòng
tay trước để chúc mừng.
Kẻ ngu ngàn việc, dùng được
một điều, mong tòa hạ xét lại.