KỆ NGÔN I
HẠNH PHÚC THỨ NHẤT
Asevanā ca bālānaṃ
Không
thân cận với kẻ ác
Trên thế
gian này có nhiều giống người, chỉ khác nhau ở màu da, phong tục, tiếng nói,
nhưng chung qui có thể chia hai hạng người là:
- Balā: người
ác.
- Pandita: người
thiện tri thức.
Phật dạy chúng sanh cần phải học
để biết người ác đặng lánh xa, vì khi ta thân cận với người ác rồi, thì không
thể nào chạy khỏi đều khổ sở trong ác đạo.
Vì vậy, ta nên học để hiểu rõ
thái độ và cách cư xử của người ác cho rõ ràng để tránh xa. Trước hết, ta phải
học cho biết rõ thái độ người ác cũng như chúng ta, nghĩa là không có gì khác
chúng ta về thể chất. Người ác không phải chỉ là hạng người côn đồ, cướp bóc,
hay nghèo khó, thất học hoặc bệnh tật, mà có khi họ lại là người cao sang,
quyền quí, học thức, thượng lưu trong các giai cấp xã hội đều có người ác. Tìm
biết một người ác là một chuyện không phải dễ vậy.
Trong kinh Phật có dạy hai cách
thức để nhận ra người ác là:
1. Cách thức của các bậc trí
thức giàu kinh nghiệm đời hiểu rõ tâm lý của người ác.
2. Cách thức của đấng Giác ngộ,
ngài hiểu rõ tâm địa của kẻ ác bằng trí tuệ.
Mặc dù là của đấng Giác ngộ hay
của các bậc trí thức, hai cách thức ấy chung qui đều dạy tâm lý của người ác để
chúng ta biết mà lánh xa, ví như khoa học dạy chúng ta biết chứng bệnh của
người bệnh và cách tránh xa của bệnh ấy. Vậy theo thiết tưởng chúng ta cũng nên
học cho biết rõ hai cách thức để lánh xa người ấy.
Trước hết xin giải về cách nhận
thức kẻ ác theo lời giảng giải của các bậc trí thức. Ở đây, tôi xin nhắc lại
tích xưa về tiền thân của Đức Phật Thích Ca trong bộ Túc sanh truyện để quí vị
dễ nhận thức.
Lúc quá khứ có một vị trưởng giả
ở thành Ba La Nại tên là Akitta. Sau khi cha mẹ quá vãng. Ông nhận thấy đời là
vô thường, khổ não, vô ngã; và quan tâm được rằng sau khi dứt ba tấc hơi thì
mọi vật ở đời mình đã có đều không đem theo một vật nào, mà chính thân hình
mình cũng không đem theo được. Vì vậy nên ngài mới bố thí hết của cải của ngài,
không biết số lượng bao nhiêu mà kể. Rồi ngài xuất gia làm đạo sĩ ở trong rừng
tuyết lạnh.
Ngài hành theo hạnh tri túc.
Ngài chỉ ăn lá cây và trái cây rụng ở gần bên ngài thôi. Pháp hành cao thượng
của ngài như thế đã đến tai Đức Đế Thích. Thiên vương Đế Thích mới hiện xuống
và nói với ngài: "Bạch Đại đức, tôi rất hoan hỷ với hạnh tri túc của ngài.
Vì vậy tôi đến đây và xin hứa với ngài rằng ngài mong ước điều gì, tôi cũng xin
vui lòng giúp ngài đoạt thành như ý".
Vị đạo sĩ ấy đáp rằng: "Tâu
Đại vương, lời hứa của ngài thật là quí giá, nhưng sự mong ước của bần đạo
không có gì khó".
Thiên vương nói: "Trẫm biết
rồi, chính Đại đức thọ thực lá và trái cây rụng gần bên ngài thôi".
Đạo sĩ nói: "Tâu Đại vương,
hiện giờ lá và trái cây vẫn còn. Nếu Đại vương có lòng từ bi ban bố hạnh phúc
cho bần đạo, thì bần đạo có một điều rất mong muốn là..."
Đức Đế Thích nói: "Đại đức
cứ thật tình báo cho tôi biết, tôi hết lòng giúp đỡ ngài, thuốc men hay là y
phục chi chi, xin ngài cứ bảo"
Đạo sĩ nói: "Tâu Đại vương,
bần đạo không cần những thứ ấy". Đức Đế Thích nóng lòng hỏi: "Vậy vật
chi, bạch Đại đức?"
Vị đạo sĩ nói: "Điều cần
thiết nhất là xin cho tôi đừng gặp kẻ ác, không bao giờ làm công chuyện gì có
kẻ ác nhúng tay vào".
Đức Đế Thích hỏi: "Đại đức
ghét kẻ ác đến thế à?"
Vị đạo sĩ nói: "Chẳng những
thế, xin cho tâm của bần đạo không ưa thích và xu hướng theo những kẻ ác".
Đức Đế Thích nói: "Vậy là
lời thỉnh cầu của ngài là không bao giờ muốn gặp, mặc dù là tin tức của kẻ ác
và cũng xin đừng nghe đến".
Vị đạo sĩ đó: "Phải đúng
như vậy".
Đức Đế Thích hỏi: "Bạch
ngài, ngài có thể cho tôi biết người ác đã từng làm gì đối với ngài?"
Đạo sĩ nói: "Tâu Đại vương,
xin Đại vương đừng bắt tôi nói chuyện đã qua của kẻ ác đã làm. Nhưng bần đạo
xin nói sơ lược hành động của người ác là:
1. Kẻ ác hằng rủ người làm điều
sai lầm.
2. Kẻ ác làm những chuyện không
phải phận sự của chúng.
3. Kẻ ác thường nhận thức sai
lầm, cho quấy là phải.
4. Kẻ ác, mặc dù chúng ta nói sự
chân thật, lời hay lẽ phải, họ cũng không nhận thức, mà còn hờn giận, chuốc
oán, gây thù.
5. Kẻ ác không chịu hành theo lẽ
phải, nghĩa là không theo luật lệ của chính phủ.
Người ác thường hay có những
điều xấu xa như thế nên bần đạo nguyện lánh xa."
Dưới đây tôi trình bày 5 loại
hành động của người ác theo quan niệm của vị đạo sĩ ấy.
1. Anayam nayati dummedho:
Kẻ ác thích rủ rê xúi giục kẻ khác làm điều ác, tức là kẻ ác hằng rủ người làm
điều sai lầm.
Khi muốn biết người thiện hay ác
chúng ta nên quan tâm xem người ấy rủ rê xúi giục ta làm những gì, thiện hay
ác.
Ta chớ nên quên rằng người ác
bao giờ cũng có ý định rất khác thường, là làm cho người khác đau khổ. Như ta
đã biết, không phải người ác toàn là những hạng mà ta gọi là côn đồ du đãng,
trái lại, lắm khi người ác lại là người mà ta tưởng là hạng trí thức, giàu sang
vinh dự, và cũng có khi chúng ta tin tưởng sùng kính như bậc tu hành, bên ngoài
ta xem như vậy, như là một vị đại đức xứng đáng với sự lễ bái cúng dường của
chúng ta, hay là người nối chí từ bi của Đức Từ Phụ để tế độ chúng sanh. Vì
vậy, chúng ta không nên tin càn mà không suy xét, phân biệt cho kỹ, mà chúng ta
phải dùng trí tuệ mà nhận định, kẻo sai lầm như tích vua A Xà Thế: ông Đề Bà
Đạt Đa là một vị đệ tử của Phật, người bấy giờ lầm tưởng là đấng có giới đức
trang nghiêm, nhưng thật sự ông là người rất là ác, ông xúi giục vua A Xà Thế
giết cha để đoạt ngôi và xúi vua hại Phật, để tranh dành lãnh đạo Tăng đoàn. Sở
dĩ đức vua A Xà Thế tin tưởng nơi ông, vì ông là một nhà sư mang lá cờ của
Phật. Hơn nữa nhà vua vì nhiều đức tin, nhưng thiếu trí tuệ, nên dễ bị rủ rê
xúi giục, mới phạm tội trọng như thế.
2. Adhurāyam nyunjati: Kẻ
ác thường làm chuyện không phải phận sự của chúng.
Kẻ ác thường can thiệp vào việc
làm của người gần bên mình hay là của tất cả mọi người, để làm cho người ta bực
mình hay đau khổ. Để tránh nạn can thiệp nguy hại ấy, khi chúng ta làm việc gì
đang trôi chảy, hoặc có kẻ khác chen vào, xúi điều này, giục mưu nọ, chúng ta
nên quan tâm suy nghĩ cho kỹ, không nên vội tin cho rằng kẻ ấy có thiện chí đối
với ta, giúp ta, nên suy nghĩ cho kỹ rồi mới tin theo, nên nhận định rằng kẻ ấy
thành tâm thiện chí giúp ta hay không.
Tiện đây tôi xin nhắc lại một
chuyện ngụ ngôn để quí vị thấy và làm, và cho quí vị dễ nhớ.
Có một vị trưởng giả, ruộng đất
cò bay thẳng cánh mà bề làm ăn rất phát đạt dễ dàng, nhờ tá điền và người làm
công đối với ông hết lòng thành thật. Ông trưởng giả ấy có nuôi một bầy chó
thật dữ để giữ nhà.
Nhưng về sau lợi tức của ông
càng ngày càng kém đi. Ông ta lấy làm lạ vì số ruộng và người làm công đều như
cũ mà cũng không ai thiếu lúa ruộng của ông. Ông hỏi lại người quản gia thì đâu
đâu cũng không có gì sai sót. Ông điều tra mãi không ra duyên cớ. Ông mới hỏi
người chăn bầy trâu của ông, chừng ấy ông mới vỡ lẽ rằng: Bầy chó dữ của ông
không giữ nhà mà hằng ngày chúng đi ví cắn trâu bò, làm cho đàn trâu bò không
ăn uống gì được. Vì vậy, đàn trâu bò đau yếu, công việc cày ruộng và kéo xe của
chúng sút kém, khiến lợi tức của ông bị kém đi. Ông trưởng giả nghe vậy mới dạy
đem bầy chó đi bỏ hết. Từ ấy, câu chuyện đồng áng của ông mới trở lại mức bình
thường.
Trong câu chuyện ngụ ngôn này,
bầy chó đã không làm phận sự giữ nhà mà đi làm chuyện ngoài phận sự của mình,
nên đem tai hại cho người chủ như thế.
Xin nhắc thêm một tích nữa để
quí vị dễ nhớ hơn.
Có một người làm vườn của Vua
Bārānasī, hắn định đi xem lễ, bèn gọi người phụ tá lại bảo rằng: "Ta định
đi xem lễ trong vài ngày, vậy các người ở nhà lo chăm sóc vườn, lo tưới cây,
đừng bỏ bê nhé."
Khi người làm vườn đi xong,
người cầm đầu nhóm phụ tá ấy mới gọi những người phụ tá và bảo rằng:
"Người làm vườn đối với ta thật là tốt, vậy chúng ta thay anh ấy tưới cây,
nhưng trước khi tưới, chúng ta hãy nhổ hết cây ấy lên xem rễ nó ăn xuống bao
sâu, đặng tưới cho vừa sức nó". Tất cả những người kia vâng lời người cầm
đầu, làm y như lời dạy bảo. Những cây bị nhổ lên, đều héo và chết hết.
Đức Bồ tát, tiền thân của Đức
Thích Ca, nghe thấy chuyện này, mới nói rằng: "Những kẻ ngu muội không
hiểu việc làm của mình, mà thày lay làm ngoài phận sự, nên đem tai hại đến cho
mình và người khác."
Khi ấy ngài mới ngâm câu kệ
rằng:
Nave anatihaklisalena
Attha carita sukhāvaha
Hapeti arāmiko dummedho
Kapiarāmiko tathā
Nghĩa là người ngu muội dù cố
làm điều lợi ích để tìm sự an vui cũng không kết quả được, trái lại, bị hư hại
cũng như những người làm vườn kia.
3. Dunnado seyyaso hoti: Kẻ
ác thường nhận thức sai lầm, cho quấy là phải.
Theo câu Pāli này, ta
nhận thấy sự nhận thức này có hai điều tương quan là nhận thức sai lầm và hành
động sai lầm, bắt nguồn ở nơi tâm là thích điều quấy.
Nguyên người ác thường thích đều
hung ác, xấu xa, như hiếp đáp kẻ khác, cướp giựt, hành hung. Ai ai cũng thấy
các điều đó thật là đáng ghê, đáng ghét. Nhưng trái lại, những kẻ ác lại cho
các điều đó là cử chỉ anh hùng, là hay, là giỏi, nên có khi đem những hành vi quá
ác ấy khoe khoang và lấy làm tự đắc.
Người ác thường có ba tư cách để
nhận thức được dễ dàng.
- Người ác thích điều quấy.
- Tự mình làm điều ác, mà không
biết ăn năn, trái lại thỏa thích và đem khoe với người khác.
- Thấy kẻ khác làm ác như mình,
thì rất thích và khi nghe người khác làm ác như mình, lại càng thích.
Những người ác ấy thường thù
ghét người lương thiện, xem người lương thiện là đối thủ của họ, mặc dù người
lương thiện vẫn sợ họ và nhường nhịn họ trong mọi việc.
4. Sammāvuttapikuppati:
Kẻ ác mặc dù chúng ta nói chơn chất hay nói sự thật, chúng cũng oán giận ta.
Tâm lý của người ác, theo câu
này, khỏi phải giảng giải nhiều cũng dễ hiểu. Đã là người ác thì họ không bao
giờ chịu nhận lẽ phải, hay là sự chân thành của người khác đối với họ, mặc dù
người nói lời chân thật ấy với tấm lòng từ bi, hay người nói là thầy tổ, cha,
mẹ, hoặc là quyến thuộc, hoặc vợ chồng, họ cũng đều không bao giờ nghe theo. Họ
không chịu nhận sự thật, không chịu phục thiện.
5. Vinayam so na janati: Kẻ
ác không chịu hành động theo luật lệ.
Kẻ ác không bao giờ chịu hành
động theo luật lệ của chính phủ hay của tôn giáo nào, mà chỉ biết làm theo bản
tánh ác của họ thôi.
Sự thật, luật lệ của một quốc
gia là để bảo đảm phần nào hạnh phúc cho con người. Kẻ ác thì không chịu câu thúc
trong luật lệ ấy, lại cứ thích vượt khỏi vòng luật lệ để thỏa mãn ác tâm của
mình và gây tổn hại cho người khác.
Trên kia, kẻ ác được mô tả theo
nhận định của bậc trí thức, còn dưới đây thì Đức Phật phân tích kẻ ác theo trí
thức của Ngài.
Trong Tam Tạng Kinh, Đức Thế Tôn
có dạy trong đoạn kinh Uparipaññāsaka, bài kinh Bāla-panditasutta
rằng: Tini bhikkhave bālassa bāla-lakkhanāni bālaninittāni - Này các
thầy Tỳ khưu người ác có ba thái độ thấy rõ là:
- Duccintacinti: Suy
nghĩ ác.
- Dubhāsitabhasī: Nói lời
ác.
- Dukkhatamnakarī: Làm
điều ác.
Nói một cách khác thì, theo lời
Phật dạy, thái độ của người ác là nghĩ cũng ác, nói cũng ác, mà làm cũng ác,
nghĩa là thân, khẩu, ý đều ác.
Thế nào gọi là suy nghĩ ác, nói
ác, làm ác? Lời chú giải trong kinh có dạy rằng suy nghĩ ác có ba điều là tham
lam thái quá, mưu hại kẻ khác và oán thù, và tà kiến, là không tin nghiệp nhân
quả và luân hồi. Nói ác là nói dối, nói đâm thọc, chửi rủa, mắng nhiếc, nói
biếm, nói lời vô ích. Làm ác là sát sanh, trộm cắp, tà dâm.
Ba thái độ ấy có khi tác động ở
trong tâm chúng sanh, có khi phát hiện ra ngoài mặt, nên trong bộ chú giải 38
Pháp Hạnh phúc, ba thái độ ấy chia ra làm hai hạng là:
1. Ác bên ngoài: người ác trong
thế gian này chia ra làm hai loại là:
- Andhabala: ác ôn,
nghĩa là hạng người này hung dữ, khiến người ta kinh sợ như là bệnh ôn dịch, họ
có thể giết người bằng mọi cách, hoặc bằng vũ lực, hoặc bằng mưu kế, miễn là
hại được người mới vừa lòng. Hạng người này phạm đủ thập ác, không thể tránh
một điều nào.
- Kalianabala: kẻ ác,
nhưng vẫn còn điểm thiện tâm, nghĩa là đôi khi cũng làm lành, hoặc giúp đở
người nghèo khó, bệnh tật v.v... Vì lòng nông nổi mà họ làm ác, nhưng lúc nào
đó, họ lại ăn năn, mặc dù không ai dạy bảo. Như vậy là hạng người này có ngày
tu hành, không hoàn toàn theo thập ác.
2. Ác bên trong: ác tính trong
lòng của ta. Cũng ngụ ý nói ác tính trong lòng của chúng sanh chưa dứt trừ hẳn
phiền não. Ác tính ấy là 27 điều ác của tâm, mà Phạn ngữ gọi 14 điều là: Akusala
cetasika (ý ác), và 13 điều là Annasa mana cetasika (tác ý có hành
động khác nhau).
Những ác tính kể trên có tính
cách xấu xa khác nhau, làm cho thiện tâm lu mờ và yếu hẳn đi, không đủ khả năng
nhận định được lẽ phải quấy, nên tâm, hằng phóng túng và dã dượi buồn ngủ. Mặc
dù tâm ấy không thật là ác nhưng không thiện, không tham thiền, bố thí được.
Ba thái độ ác trên đây sẽ đem
lại cho chúng sanh tám điều tai hại trong kiếp này và vị lai:
1. Làm mất lợi ích kiếp này và
vị lai của mình và người thân của mình.
2. Thân, khẩu, ý của mình bị nhơ
đục.
3. Làm cho tên tuổi xấu xa, hay
càng ngày càng lu mờ đi, trong xã hội không ai nhắc tới.
4. Bậc trí và tất cả ai cũng ghê
tởm như một món đồ bẩn thiểu.
5. Ai ai cũng cố xa lánh không
dám gần và kinh sợ, như sợ một tai họa, nói theo ngôn ngữ chiến tranh bây giờ, thì
sợ một quả bom nổ chậm.
6. Kẻ ác tâm không được sáng
suốt để phán đoán điều phải lẽ quấy, tâm không có an lạc.
7. Kẻ ác làm cho danh tiếng
trong họ hàng bị lu mờ, hay bị người đời xóa bỏ đi.
8. Kẻ ác sau khi chết, sanh vào
bốn đường ác đạo.
Vì vậy chúng ta không đến gần kẻ
ác, mà phải hành theo những điều sau đây:
- Không đến gần kẻ ác.
- Không ngồi gần kẻ ác.
- Không nghe kẻ ác.
- Không chơi với kẻ ác.
- Cố gắng xa lánh kẻ ác.
- Cố tâm trì giới, bố thí, tham
thiền.
Người không thân cận với kẻ ác
sẽ được 12 quả báo lành là:
1. Người không thân cận với kẻ
ác là người được hạnh phúc tuyệt đối.
2. Người không chơi với kẻ ác là
người đi trên chánh đạo.
3. Người không chơi với kẻ ác
người gieo trồng Giới-Định-Tuệ.
4. Người không chơi với kẻ ác là
người đi theo pháp học, pháp hành và pháp thành.
5. Người không chơi với kẻ ác là
người không cắt đứt điều lợi ích quá khứ, hiện tại và vị lai, nghĩa là khi thân
thiện với người ác, thì tự mình làm tội lỗi, không làm lành, thì quả lành của
mình làm trong kiếp trước không thể trổ quả được, như vua A Xà Thế vì thân cận
với Đề Bà Đạt Đa để cho Đề Bà Đạt Đa xúi giết cha, hại Phật, nên phạm ngũ
nghịch đại tội, không thể đắc đạo quả được, mặc dù ngài có duyên lành để dành
từ kiếp trước.
6. Người không chơi với kẻ ác là
người ở trong thiện pháp.
7. Người không chơi với kẻ ác là
người hằng được các bậc trí thức ngợi khen.
8. Người không chơi với kẻ ác
hằng được thạnh lợi.
9. Người không chơi với kẻ ác
được bậc trí thức yêu mến.
10. Người không chơi với kẻ ác
thì không đi vào đường tội lỗi.
11. Người không chơi với kẻ ác
sẽ được sanh về cõi trời.
12. Người không chơi với kẻ ác
thì hạnh phúc đến với họ hằng ngày, không lo sợ tai họa gì do người ác gây nên.
Theo đây tôi xin nhắc lại một
vài tích xưa trong Túc sanh truyện, để mình học lời dạy của Đức Phật về sự thân
cận với kẻ ác và người thiện.
Chuyện Két
Khi xưa trên một ngọn đồi gần
rừng Tuyết Lãnh, trong một ổ két có hai con két con. Ngày nọ có bão tố, két bị
lạc mỗi con một nơi. Một con rơi vào nơi cư ngụ của các đạo sĩ, một con lại rơi
vào làng của kẻ cướp. Hai con chim đều được hai nơi nuôi dạy tử tế.
Ngày nọ đức vua xứ Pañcala đi
săn, vì bị lạc đường nên ngài mới nằm nghỉ trưa dưới một cội cây bên bờ suối
gần làng bọn cướp. Két của bọn cướp trông thấy đức vua trang sức vàng ngọc, mới
gọi bọn cướp và bảo rằng: "Chúng ta hãy đến giết người kia để cướp
của". Nhà vua nghe được kinh sợ, lật đật chạy trốn. Ngài lại đi lạc vào
nơi cư ngụ của chư vị đạo sĩ. Két của đạo sĩ trông thấy đức vua mới nói:
"Người ơi, từ xa người đến đây chắc là mệt nhọc lắm, xin mời người vào
ngồi nghỉ, nơi đây là đất lành, không có gì kinh khủng đâu".
Đức vua lấy làm trong sạch với
két và nghĩ thầm rằng: "Cùng một loài két với nhau, một con ở với bọn cướp
thì hung ác, còn con ở với bậc chơn tu thì thiện lương".
Tích này cho chúng ta thấy rằng,
mặc dù là loài diều thú nhưng chúng bị ảnh hưởng cái ác và thiện của người
nuôi. Thế thì con người làm sao chạy khỏi ảnh hưởng của ác và thiện?
Chuyện Cây Xoài
Ngày xưa đức vua Dadhavāhana ngự
đi tắm dưới sông, trước khi ngài tắm, các quân lính phải giăng lưới quanh nơi
ấy để phòng ngừa tai nạn. Trong khi ấy có một trái chín trôi từ rừng Tuyết Lãnh
mắc vào lưới, quân hầu vớt được đem dâng cho Vua. Ngài thấy trái lạ mới cho gọi
tất cả thợ rừng để hỏi là trái chi. Những người ấy bảo rằng đó là trái xoài,
một thứ trái có vị ngọt và mùi thơm. Nhà vua bèn thọ thực, nhìn nhận trái xoài
ấy có mùi vị ngọt ngon. Ngài mới truyền lấy hột đem về trồng nơi thượng uyển và
dạy phải chăm nom kỹ lưỡng và đặc biệt tưới bằng sữa tươi. Ba năm sau, cây xoài
sanh được trái, mùi vị ngon thơm tho. Đức vua muốn khoe trái quí của xứ mình
với lân bang trồng được giống quí ấy, nên trước khi đem biếu, ngài dạy phải lấy
dùi nhọn đâm thủng mầm non của trái xoài. Vì vậy các nhà vua lân quốc lấy hột đem
trồng nhưng không mọc được.
Một vị vua liền cho lấy hột xoài
lên để tìm xem duyên cớ, thì mới thấy cái mầm trong hột đã bị đâm hư rồi. Vị
vua ấy hiểu được ác ý của vua Dadhavāhana, liền nghĩ ra kế độc, bèn sai một
người làm vườn tin cậy đến xin vào làm vườn của vua Dadhavāhana để tìm phương
hủy diệt cây xoài ấy. Người làm vườn đến tâu cùng vua Dadha-vāhana rằng:
"Tâu Hoàng thượng, hạ thần là người chuyên môn về nghề trồng cây và hoa,
đã từng làm nhiều nơi và phục dịch cho nhiều nhà vua rồi, các ngài hài lòng với
hạ thần, nay hạ thần muốn đến hầu Hoàng thượng". Đức vua lấy làm hài lòng
thâu nhận người ấy vào làm.
Khi được vào làm, người ấy mới
đem dây thần thông trồng ở nơi gốc xoài và trồng cây sầu đâu gần đó. Dây thần
thông bò trên thân cây xoài, còn cây sầu đâu lớn lên giao nhành với cây xoài
trở nên đắng. Thi hành xong phận sự phá hoại, người làm vườn trốn đi.
Ngày nọ vua Dadhavāhana ngự vào
vườn thượng uyển, truyền quan hầu bẻ xoài cho ngài dùng. Xoài ấy trở nên đắng
và không còn thơm như trước. Đức vua mới phán hỏi vị quốc sư ở gần bên rằng:
"Này hiền khanh, tại sao mùa này xoài trở nên đắng, hôi, màu không đẹp như
trước?".
Vị quốc sư quan sát kỹ chung
quanh thấy một sự việc mới tâu rằng: "Tâu Đại vương, cây xoài này trước
kia được vun trồng chu đáo, tưới sữa tươi, hiện giờ bị dây thần thông và cây
sầu đâu là loại đắng quấn nhau và giao nhành, nên làm mất mùi vị của
xoài". Vị quốc sư mới ngâm câu kệ rằng:
Vannagandhrasupeto
Amdayam ahuva puri
Tameve pujam labhamāno
Kehamb kutukapphalo
Pucinanda parivāro
Ambote dadhvāhanam
Mulam mulenasanlattham
Sākhāsākham nisevare
Asatasan nivāsene
Tenambo katukap phalo
Nghĩa là: "Cây xoài này
trước có màu, mùi vị tốt ngon, trong khi được cúng dường (nhờ được săn sóc chu
đáo), nhưng hiện giờ bị đắng bởi tại sao? Tâu Hoàng thượng, cây xoài của ngài
bị cây sầu đâu và dây thần thông ở chung, rễ và rễ xen lẫn nhau, nhành với
nhành giao nhau. Vì mọc chung chạ với dây thần thông và cây sầu đâu nên xoài
của ngài không còn vị ngon ngọt, mà trở nên đắng như thế".
Tích này chỉ cho ta thấy rằng sự
thân cận chung lộn có ảnh hưởng như thế. Nếu ở với người lành thì được an vui,
ở với kẻ ác thì phải đau khổ, như câu tục ngữ Việt Nam ta dạy: "Gần mực thì đen,
gần đèn thì sáng", và "Ở bầu thì tròn, ở ống thì dài".
Cây xoài là vật vô tri vô giác
mà còn bị ảnh hưởng như thế. Vậy, chúng ta nên lấy đó làm gương, và chúng ta
biết thương mình thì nên xa lánh kẻ ác, dù người ấy là quyến thuộc của mình.
Chúng ta thường sợ kẻ ác hơn thương mình, vì vậy thường hay xu hướng theo kẻ ác
làm tội như rượu trà, cờ bạc, đàng điếm, vì là kẻ khác xúi giục, nếu không theo
họ thì sợ họ buồn, hoặc sợ người ta cười là không biết xã giao v.v...
HẠNH PHÚC II
Paṇḍitānañca
sevanā
Thân cận với bậc thiện trí thức
Thiện trí thức là người tương
phản với người ác. Trí thức mà chúng ta thường hiểu có hai hạng khác nhau là:
1. Hạng trí thức theo quan niệm
của người đời, hạng này khác hơn hạng trí thức trong Phật giáo. Hạng trí thức
ấy là những vị học cao hiểu rộng, có bằng cấp to lớn, được tước vị cao sang như
bác sĩ hay kỹ sư.
2. Hạng trí thức theo quan niệm
Phật giáo, họ không luôn là người khoa bảng, hay kẻ lục thường tài, mà họ là
người hoàn toàn trong sạch không làm tội lỗi do thân, khẩu, ý.
Theo Phật giáo bậc trí thức là
bậc có thiện tâm, không phạm vào thập ác, mà có những thái độ như lời Phật dạy
trong bộ Pháp Cú Kinh:
Ditthe dhamme ca yo attho
Yo attho samparayiko.
Atthabhisamaya dhiro
Panditoti pavuccati.
Nghĩa là: "Người hiểu lợi
ích đời hiện tại, lợi ích đời vị lai và lợi ích cao quí nhất, đó là trí
thức".
Hiểu lợi ích đời hiện tại là
không hành theo tà pháp, không làm trái luật của chính phủ, không làm phiền
người bên mình, tức là thọ trì giới luật của Phật.
Hiểu lợi ích của vị lai là hiểu
rằng đời không bền vững, của không đem theo được xuống mồ, nên không bỏn xẻn,
ích kỷ, dám đem tiền của ra giúp đỡ người đời, bố thí cho nhân loại được nhờ.
Hiểu lợi ích cao quí nhất là do
tu hành theo Giới-Định-Tuệ trong kiếp hiện tại này để mau giải thoát khỏi vòng
sanh tử luân hồi.
Lời Phật dạy đó có thể giải một
cách thiết thực để chúng sanh tuân hành trì cho đúng bậc thiện trí thức. Bậc
thiện trí thức theo Phật ngôn đó phải:
- Phân biệt lẽ phải, lẽ trái.
- Làm phước (bố thí).
- Hiểu rõ nguyên nhân sanh lợi
và nguyên nhân sanh tai hại.
Hơn nữa bậc trí thức còn thực
hành theo bốn điều lợi ích khác là:
1. Utthanasampada: siêng
năng làm phận sự của mình, một là siêng năng làm công việc có tiền phụng dưỡng
mẹ cha, giúp đỡ vợ con và quyến thuộc, việc làm không thuộc về tà mạng và tà
nghiệp, hai là siêng năng trau giồi thân, khẩu, ý cho trong sạch.
2. Arakkhasampada: hết
lòng gìn giữ của cải đã có, nghĩa là đừng dễ duôi, dễ mất và tiêu phí tiền của,
như cờ bạc, rượu chè v.v.. và gắng lo trì giới hạnh của mình đã có, vì đây là
của rất quí báu ta có thể đem về ngày vị lai, đây là của tinh thần.
3. Kalyānamitta: có bạn
lành, nghĩa là nên thân cận với các bậc trí thức, bậc có giới đức trang nghiêm
để học thêm các pháp giải thoát.
4. Sammajivita: nuôi mạng
chân chính, nghĩa là không làm gì phạm với luật đời và luật đạo.
Ngoài ra bốn điều lợi ích kể
trên, người gọi là trí thức còn phải có hành theo những pháp sau đây:
1. Saddhā: có đức tin,
tin Nhân Quả và Nghiệp.
2. Sīla: trì giới, người
trí thức nếu là người tại gia ít nhất phải có ngũ giới trong sạch, trên nữa là
Bát quan trai.
3. Cāga: biết bố thí.
4. Pañña: có trí tuệ để
nhận định tà, nẻo chánh và biết suy nghĩ thấy rõ ba tướng là vô thường, khổ não
và vô ngã.
Trong bộ Chú giải 38 sự Hạnh
phúc còn có dạy rằng: phàm người trí thức còn có mười đặc ân để chúng sanh nhận
thức được là:
1. Dhīro: người có trí
tuệ và trí nhớ.
2. Pañña: người có trí
tuệ nhận thức rõ rệt vô thường, khổ não, vô ngã.
3. Bahusutto: người học
nhiều hiểu rộng về pháp học, pháp hành và pháp thành.
4. Dhorayho: người hết
lòng tinh tấn hành theo pháp hành là Chỉ quán và Minh sát tuệ.
5. Sīlava: người có giới
đức trong sạch.
6. Vatavanto: bậc có đức
hạnh thanh cao, nếu là bậc xuất gia thì bậc hằng giữ hạnh đầu đà, nếu là cư sĩ
thì hành hạnh tri túc.
7. Ariyo: bậc xa kẻ thù,
nghĩa là xa phiền não.
8. Sumedho: bậc có trí tuệ,
nghĩa là người gắng lo bồi đắp thánh tuệ là tuệ giải thoát.
9. Tadiso: người không
rung động, nghĩa là người tin chắc nơi Tam Bảo không có gì làm nao động, mặc dù
là miếng mồi cao quí đến đâu.
10. Sappuriso: bậc có
thân, khẩu, ý trọn lành.
Khi thân cận với các bậc trí
thức, phải thực hành như thế này thì mới có kết quả:
1. Đến ở gần bên người.
2. Ngồi bên người để nghe lời
giảng giải của người.
3. Cố nghe lời giảng giải của
người.
4. Nghe pháp của người.
5. Cố nhớ pháp của người đã dạy.
6. Cố suy nghĩ về pháp đã nghe.
7. Khi suy nghĩ thấy rõ và biết
rõ đó là chánh pháp thì nên hết lòng hành theo.
8. Hết lòng thực hành theo thiện
pháp.
9. Cố hành theo cho 3 điều thanh
tịnh phát sanh tức là: Sīlavisuddhi (giới thanh tịnh), Citta-visuddhi
(tâm thanh tịnh), Paññāvisuddhi (tuệ thanh tịnh).
10. Cố hành cho mau đắc đạo quả
Niết Bàn.
Sự thân cận với các bậc trí thức
có những kết quả sau đây:
1. Được thông hiểu pháp học,
pháp hành và pháp thành.
2. Được làm ba điều lành là: bố
thí, trì giới, tham thiền.
3. Được giác ngộ sáu điều mà Đức
Phật gọi là cao quí: Dassanānuttariya (thấy cao quí), Savanā-nuttariya
(nghe cao quí), Lābhanuttariya (được cao quí), Sikkhanuttariya (học
cao quí), Paricariyanut-tariya (hầu hạ cao quí), Anusarananuttariya (nhớ
cao quí).
4. Được hành theo các bậc trí
thức.
5. Không sợ có tai hại và oan
trái.
6. Biết rõ đường sanh về nơi an
lạc là cõi trời và người biết ác đạo mà lánh xa.
7. Tự mình được an vui.
8. Được sự khen ngợi của quần
chúng, nhất là của bậc có đạo hạnh thanh cao.
9. Có tên tuổi tốt đồn đãi đi
mọi nơi.
10. Không bị đọa vào ác đạo.
11. Được an vui trong kiếp này,
và về cõi trời kiếp sau.
Sự thân cận với các bậc trí thức
thật là hữu ích, mặc dù chỉ gần các ngài trong một giờ thôi.
Các bậc trí thức ở nơi nào đều
đem sự an lành đến nơi ấy. Hơn nữa, các bậc trí thức thường tùy thời cứu nguy
cho kẻ khác, như tích của bà hoàng hậu Mallikā, vợ vua Ba Tư Nặc có giải
trong bộ kinh Pháp Cú, quyển ba, như sau:
Đêm nọ, đức vua Ba Tư Nặc nghe
bốn tiếng la thật to là: "Du, Sa, Na, So", làm ngài lấy làm kinh sợ.
Sáng ngày lâm trào, đức vua cho thỉnh các vị Bà la môn chuyên về đoán điềm lành
dữ vào triều kiến và phán hỏi nguyên do.
Các thầy Bà la môn ấy mới tâu
rằng: "Tâu đại vương, đây là điềm bất thường, có hại đến ngai vàng và
hoàng thượng nữa, nếu ngài không tế thần lửa".
Cách thức tế thần lửa ấy thật là
dã man. Trước hết phải tìm cho đủ một trăm giống thú đực và cái và trăm đồng
nhi nam và đồng nhi nữ. Rồi đào một cái hầm thật to, đốt lửa cháy thật hực xong
mới giết cả thú và người lấy máu đổ vào lửa.
Đức vua nghe lời bàn tán của chư
vị Bà la môn, lấy làm kinh sợ, mới truyền cho phải lập đàn tràng để tế thần
lửa. Trong khi sắp làm lễ, thì đồng nhi nam, nữ kinh sợ, la khóc, những con thú
bị nhốt cũng gầm thét. Những tiếng ấy làm rung chuyển cả hoàng hung, bà hoàng
hậu lấy làm lạ, mới vào hầu vua và hỏi tự sự. Đức vua mới thuật chuyện ấy cho
bà nghe, bà mới tâu rằng: "Thật Hoàng thượng không thông minh chút nào cả.
Một khi gần bên ta có Đấng Giác Ngộ là Thiên Nhân Sư, là vị đại trí thức, mà
không hỏi, lại đi hỏi và tin các thầy Bà la môn ấy".
Đức vua tỉnh ngộ mới vào hầu
Phật và hỏi về bốn tiếng lạ ấy. Đức Thế Tôn dạy rằng: "Bốn tiếng Du, Sa,
Na, So ấy là của bọn ngạ quỷ, vốn là quyến thuộc của ngài, chịu đói từ mấy
kiếp, đến nay biết ngài sanh làm vua, muốn kêu cầu cứu với ngài, để ngài làm
phước hồi hướng phước cho chúng". Đức vua nghe qua lấy làm trong sạch, khi
về đến hoàng cung, truyền thả hết người và thú sắp tế lễ. Tất cả ai ai cũng đều
tán dương ân đức của hoàng hậu Mallikā.
Nhắc tích này cho thấy rằng các
bậc trí thức hằng đem lợi ích cho tất cả mọi người, con người ác như các thầy
Bà la môn, hằng làm cho người kinh sợ, chúng ta nên nhớ rằng không phải là
người học nhiều hiểu rộng hay là người khoát ngoài một bộ áo tu mà là trí thức,
chúng ta cần phải suy nghĩ và quan sát như những đoạn kinh dạy về thiện và ác
để phân biệt ác và thiện.
HẠNH PHÚC III
Pūjā ca pūjanīyānaṃ
Cúng dường đến bậc đáng cúng dường
Những nhà nông chuyên
nghiệp, lúa đã về đến sân nhà xong rồi, ấy cũng chưa phải là xong chuyện, còn
phải làm thêm ba việc cần yếu nữa là:
- Phải loại bỏ phần lúa lép.
- Cất lúa chắc vào bồ.
- Lựa lấy giống lúa tốt để làm
mùa sau.
Người đã tu theo Phật chưa phải
là trọn đủ như nhà nông sau mùa lúa, còn phải làm thêm ba điều nữa mới hạnh
phúc:
- Phải xa kẻ ác, như nhà nông
sàng bỏ lúa lép.
- Thân cận với bậc trí thức, như
nhà nông chọn lúa chắc cất vào bồ để dành.
- Cúng dường đến các bậc đáng
cúng dường, cũng như nhà nông lựa giống lúa tốt để làm mùa sau.
Phần đông chúng ta hiểu rằng
cúng dường là lo sắm nhang đèn bông hoa dâng trước tượng Phật, hay dâng đến chư
Đại đức. Hiểu như vậy là chưa rốt ráo, chúng ta phải hiểu rõ:
- Ý nghĩa của cúng dường.
- Nhân vật nào đáng cho ta cúng
dường?
- Nguyên nhân cúng dường.
Cúng dường đúng lời Phật dạy có
một ý nghĩa cao sâu mầu nhiệm hơn. Người có tâm trong sạch đem lễ vật vào chùa
cúng Phật hoặc Tăng, người ấy chưa gọi là thông đạt được ráo rốt ý dạy của đấng
hoàn toàn giác ngộ.
Ở đầu sách này, dưới mục
"Nguyên nhân có pháp hạnh phúc", chúng ta đã phân biệt 38 pháp Hạnh
phúc làm hai loại. Một loại của một người học giả quan niệm ra thế nào, rồi tự
tin như thế ấy. Còn một loại do đấng Giác ngộ, dựa vào quan niệm của Ngài, căn
cứ vào kinh nghiệm hành trì của Ngài đã đắc giác ngộ dưới cội bồ đề, sau nhiều
a tăng kỳ kiếp.
Tôi xin nhắc lại trong 38 pháp
Hạnh phúc, có 38 cách thức hành trì khác nhau của đấng Giác ngộ đã thuyết. Sự
cúng dường cũng là một chi trong 38 chi, hay là một hạnh trong 38 hạnh, mà Phật
tử phải hành theo Phật.
Trước hết nên hiểu rõ tiếng Pūja
(cúng dường) nghĩa là gì? Chúng ta thường lầm lẫn với tiếng Dāna nghĩa
là "bố thí" trong pháp Hạnh phúc thứ XV. Sự cúng dường có ngụ ý là lễ
bái một cách kính trọng hay là làm trở nên long trọng. Vì sự tôn kính hay kính
trọng như thế gọi là Garavo. Khi xưa các đạo khổ hạnh và người ta nói
hành đạo khổ hạnh như thế là cúng dường. Nói như thế cũng chẳng phải.
Theo sách chú giải, sự cúng
dường có đủ ba tính chất mới đúng.
- Pagaganha: ca
tụng, nghĩa là ca tụng nhân vật mà ta cúng dường, như ta ca tụng ân đức Tam Bảo
theo kinh Tam Bảo mà ta hằng tụng, hoặc như ta tụng rằng Phật là đấng Từ bi Ba
la mật để tìm đường giải thoát tế độ chúng sanh, Pháp là con đường đức Thế Tôn
tìm thấy để đi đến nơi vô sanh bất diệt, Tăng là đấng đã lìa xa thế tục, bỏ cả
vạn vật nơi vũ trụ, bỏ cả chính bản thân của mình, chỉ cần sự giải thoát thôi,
là đấng nhận thấy rõ rệt luân hồi, khổ não và cố ra khỏi luân hồi, là đấng xứng
đáng thay mặt bậc Giác ngộ dắt dẫn chúng ta ra khỏi bể trầm luân.
- Sakkara: vật
cúng dường, đây là những vật dụng đem đi cúng dường cho nhân vật mà mình muốn
cúng dường, thể hiện lòng sùng bái của ta đối với nhân vật ấy và cũng thể hiện
hạnh bố thí của ta.
- Samamana: kính
trọng, là kính trọng một nhân vật nào mà ta đem lễ vật đến biếu dâng, nhưng ta
không có tâm muốn một tư lợi nào do người ấy ban bố cho ta.
Tóm lại, sự cúng dường phải có
đủ ba tính chất do sự ca tụng vật cúng dâng và nhân vật thọ cúng.
Sự cúng dường cũng như sự ăn. Ta
chẳng nên nghĩ rằng ăn gì cũng được, miễn là no bụng thôi. Nghĩ vậy là sai lầm.
Ta cần ăn, nhưng phải là món ăn bổ ích cho cơ thể ta, nếu không bổ ích cũng
không hại đến sức khỏe ta. Sự cúng dường cũng vậy, ta phải biết chọn nhân vật
để cúng dường.
Đối tượng mà ta cúng dường là
ai?
- Người thọ cúng là một vị nào,
hay một đấng, thiêng liêng hoặc một vị giáo chủ nào, là bậc có công đức đối với
chúng ta, như cha mẹ và Đức Phật là hai bậc đáng cho ta cúng dường.
- Lời giảng dạy tức là Pháp bảo,
tức là lời giảng dạy của Đức Phật mà cũng là con đường của chư Phật tử để noi
theo, để đi đến Niết Bàn.
- Cùng một nhóm người, tức thị
chư Tăng, là bậc có giới đức thanh cao, người thoát khỏi vòng của sắc, tài,
danh lợi, là ngọn cờ của Phật giáo, là người có thể thay Phật để dạy tín đồ, là
đấng có chí hướng thanh cao, có đức tánh Từ, Bi, Hỷ, Xả.
Có hai hạng người xứng đáng thọ
lãnh cúng dường, là:
1. Người có công đức cao thượng
như Đức Phật, là đấng có đủ đức hạnh, là công đức đối với chúng sanh. Vì Ngài
là đấng tìm ra đường giải thoát, mà lại đem ra giáo hóa chúng sanh không nài
cực nhọc.
2. Người có công sanh dưỡng là
cha mẹ, và người có công chỉ dạy con đường giải thoát cho ta, là chư Tăng và
các bậc thầy tổ.
Nói tóm lại, sự cúng dường và sự
đền ơn có khác nhau. Ta có thể cúng dường chư Phật, vì chư Phật dạy đời không
vì tư lợi hay danh vọng, cũng không mong được chúng sanh kính nể, mà chỉ dạy
đời với tất cả tấm lòng từ bi, thương chúng sanh phải luân hồi khổ não, chẳng
khác nào người mẹ hiền thương con, dạy con với tấm lòng sông biển.
Còn cha mẹ nuôi con cũng chẳng
cần sự đền đáp của con và cũng không bao giờ kể công với con. Cha mẹ là Đức
Phật đối với con. Người không phụng thờ cha mẹ mà cúng dường đến Đức Phật, thật
không bổ ích vào đâu cả, đúng với câu: "Phật trong nhà không thờ, lại đi
thờ Phật Thích Ca ngoài đường".
Ngoài hai bậc đã kể trên, người
nào giúp đỡ ta, ta nhớ ơn mà lo đền đáp lại bằng cách này cách nọ thì không gọi
là cúng dường mà gọi là đền ơn.
Cúng dường có nhiều ý nghĩa:
1. Cúng dường có nghĩa là đệ tử
đem lễ vật đến dâng cho thầy tổ để tỏ lòng biết ơn của các ngài dạy cho mình
con đường giải thoát.
2. Cúng dường có nghĩa là kính
trọng các bậc có đặc ân cao thượng, là giải thoát khỏi luân hồi.
3. Cúng dường theo ý 38 điều
Hạnh phúc của Đức Phật đã dạy, khi mình đã hiểu ra nhân vật mà mình hiểu, hiểu
rằng nhân vật ấy là bậc thánh nhân, còn nếu không phải là thánh nhân chăng nữa,
cũng là gắng hành để giải thoát. Hiểu như thế rồi ta hết lòng kính trọng, hành
theo lời giảng dạy của nhân vật ấy để giải thoát khỏi luân hồi. Cách cúng dường
như vậy Đức Thế Tôn mới ngợi khen, gọi là cúng dường bằng cách hành theo thánh
đạo để tự giải thoát cho mình. Cách cúng dường như thế này mới gọi là cúng
dường cao thượng, mà Chư Phật và Chư thánh
nhân mới thường lấy làm hoan hỷ.
4. Cúng dường cũng có nghĩa là
lễ bái với tất cả tấm lòng cung kính đến đấng có đặc ân cao thượng là:
- Paññāguna: đặc ân
là Trí tuệ.
- Karunaguna: đặc ân
là Từ ái.
- Visuddhiguna: đặc ân
là Trọn lành.
Cúng dường có hai thể cách:
- Amisapūja: cúng dường
bằng vật dụng, như là cơm, nước, y phục, nhà và thuốc.
- Patipattipūja: cúng
dường bằng sự hành đạo để mau tới nơi giải thoát, như người tại gia cư sĩ, khi
tin theo lời Phật dạy, thì quy y Tam Bảo, hành theo ngũ giới, hay bát quan trai
giới, thêm nữa có thể gắng tham thiền để mau dứt được phiền não. Đây gọi là
cách cúng dường cao thượng đến chư Phật.
Để giải rộng về hai thể cách
cúng dường ấy, tôi xin nhắc lại sự tích của một phụ nữ nghèo cúng dường đến Đại
đức Ca Diếp:
Gần thành Gājagaha có một hang
tên Pipphali. Bên miệng hang ấy có một cây dương. Trong hang ấy có Đại đức Ca
Diếp nhập đại định bảy ngày. Sau khi xả định, ngài rảo bước đi bộ, dùng trí tuệ
xem người nào có duyên với ngài, thấy có một cô gái rất nghèo giữ ruộng bắp có
duyên với ngài, ngài liền mang bát đi đến nơi cô ấy. Khi cô trông thấy Đại đức
Ca Diếp, cô liền phát tâm kính thành và rất trong sạch, thầm nghĩ rằng:
"Nhiều khi ta có vật cúng dường mà lại không gặp ngài để cúng dường, cũng
khi ta không có vật gì lại gặp ngài. Hôm nay ta có vật cúng dường, mà lại gặp
ngài thì thật là quí hóa biết chừng nào". Vật mà cô ta có ấy là hột nổ
(bắp rang). Cô liền đem hột nổ ấy dâng cúng cho ngài Ca Diếp và phát nguyện
rằng: "Bạch ngài, duyên lành của đệ tử gieo trồng hôm nay, xin cho đệ tử
đắc những pháp mà ngài đã đắc!" Rồi ngài ra về.
Cô giữ ruộng bắp được làm phước
trong lòng vui thích vô cùng. Khi ấy, vì vô ý cô lại đạp nhằm một con rắn độc,
cô bị rắn cắn chết liền tại chỗ. Vì trong khi tâm cô vui với phước, cô được
sanh về cõi trời Đao Lợi, ví như người đang ngủ giựt mình tỉnh dậy. Cô thấy cô
đang ở trong một tòa lầu bằng vàng.
Tích này còn dài hơn nhưng chỉ
nhắc sơ lược để chúng ta dễ nhớ và thấy rằng, sự cúng dường đến các bậc đáng
cúng dường có được nhiều hạnh phúc như vậy. Sự tích cô giữ bắp còn cho ta thấy
rằng, sự bố thí hay cúng dường của ta không trọng về vật nhiều hay quí mà quí ở
tấm lòng trong sạch và thành kính của chúng ta. Chúng ta không nên nghĩ rằng
giàu mới làm phước được, nghèo không làm phước được. Dù giàu hay nghèo, tùy
theo của mình có và tấm lòng trong sạch của mình, sự bố thí của mình mới quí.
Sự cúng dường bằng vật dụng đã
cao quý như thế, nhưng sự cúng dường bằng sự hành đạo giải thoát còn cao
thượng, quý hơn vô tận vô cùng.
Cúng dường đến Đức Phật bằng
cách cao thượng hơn hết là chỉ có sự hành đạo để giải thoát cho mình, như thọ
trì giới hạnh trang nghiêm, hành thiền cho tinh tấn, dùng trí tuệ hằng quán xét
ba tướng (khổ, vô thường, vô ngã).
Khi Đức Thế Tôn sắp nhập diệt
dưới cội Sala, chư thiên, Phạm thiên đem các kỳ hoa dị thảo đến cúng
dường cho Đức Phật, để gom lại cao như núi, và rải đầy cả mặt đất. Đức Thế Tôn
trông thấy sự cúng dường rất nhiều như thế, ngài mới gọi Đức Ānanda đến
mà dạy rằng:
"Sabbaphāli phullakho
ānanda yamakasala alakapuppehi tathagatassa sariram okiranti.
"Này Ānanda, hai cây
Sala trổ bông trái mùa và rụng trên mình Như Lai, đó là tỏ ý cúng dường
Như Lai. Bông Mandārava (Tàu âm là Mạn thú) từ trên không rơi xuống trên
mình Như Lai cũng tỏ ý cúng dường Như Lai. Những tiếng đàn ca, kèn trống ở trên
không, đều là những món cúng dường Như Lai. Này Ānanda, Như Lai không
cho rằng cúng dường trọng thể như vậy là kính mến Như Lai. Này Ānanda,
tín đồ nào trong hàng Tỳ khưu và Tỳ khưu ni, thiện nam, tín nữ là người cố gắng
hành đúng theo lời dạy bảo của Như Lai, người ấy mới gọi là người kính mến, yêu
thương và cúng dường trọng thể đến Như Lai. Vậy, tín đồ trong giáo pháp của Như
Lai nên luôn luôn ghi nhớ rằng: ‘Chúng ta phải hành trì theo chánh pháp, không
được dễ duôi’, Ānanda này, các người nên nhớ như vậy!".
Đức Thế Tôn dạy thêm: "Ānanda
này, Như Lai không phải là đấng để chúng sanh cúng dường bằng các vật cúng
dường như vậy. Ānanda này, những công đức mà Như Lai tạo ra và phát
nguyện dưới chân của các đấng giác ngộ, nhất là Đức Phật Nhiên Đăng, không phải
là để ta muốn những vật cúng dường như vậy, vì lẽ ấy mà Như Lai mới dạy rằng:
Như Lai không phải là đấng để cho mọi người cúng dường những hương hoa và các
vật dụng nào khác." (trích Dighanikāya - Trường Bộ, bài kinh
Parinibbāna - Bát Niết Bàn).
Lời dạy trên đây về sự cúng
dường tựa dường như không nhất trí với nhiều lời dạy của Đức Thế Tôn ghi lại
trong trong kinh điển, về Ngài hằng giải về quả báu mà sự cúng dường nhỏ nhen
như một nắm cát của đứa bé, hay là nhờ nhớ đến ân Đức Phật.
Suy cho cùng thì tánh chất của
sự cúng dường vẫn tương đối, tùy trình độ tinh tấn của tín đồ, nên Ngài tùy cơ
hội mà thuyết huấn, chỉ muốn cho tín đồ tùy cấp bậc tu hành mà tiến mãi cao
lên. Vì lòng từ bi vô lượng vô biên nên Ngài dạy cúng dường bằng công đức tu
hành, chứ không phải bằng phẩm vật phàm tục, Ngài e rằng trong tương lai các
thầy Tỳ khưu không gắng lo tu học theo Giới-Định-Tuệ, mà lại bày chỉ cho thiện
nam, tín nữ cúng dường vật này vật nọ, hay lập ra mấy muôn ngàn cái tháp, mấy
triệu cảnh chùa, vì hành đạo như vậy không thể làm cho Phật giáo được thịnh
hành, chỉ có hành trì cho chín chắn theo chánh pháp và giới luật thì mới có thể
làm cho Phật giáo được trường cửu.
Lời giảng của Đức Thế Tôn về
pháp cúng dường trên đây có nhiều điều lợi ích là:
- Tín đồ hành theo chánh pháp
được mau giải thoát.
- Khi hành đúng theo kinh luật
thì Phật giáo không bị suy đồi.
- Và các vị Tỳ khưu không thể
lợi dụng sự lập chùa đúc tượng để thủ đắc tư lợi.
Đức Thế Tôn dạy cúng dường cách
cao thượng như thế chỉ có một ý cao sâu mầu nhiệm, là Ngài chỉ muốn chúng sanh
phải gắng lo tu hành, mau giải thoát khỏi luân hồi và không muốn để các vị Tỳ
khưu bất chính khai thác lòng tín ngưỡng của tín đồ để mưu lợi riêng cho cá
nhân mình. Sự thật khi tín đồ hiểu thông lý đạo, thì dù chư Tăng có cấm không
cho họ cúng dường, họ vẫn cúng dường như thường, vì họ nhận thấy rằng đó là
phận sự và cũng là một phương pháp diệt trừ phiền não là lòng tham.
Đức Thế Tôn không khen ngợi sự
cúng dường bằng vật dụng nghĩa là tài thí ấy, Ngài lại khen cúng dường bằng sự
hành đạo rằng: "Này Ānanda, trong hàng tứ chúng có một người nào
hành đúng theo phận sự của mình, người ấy gọi là người cung kính và cúng dường
đến Như Lai. Vì lẽ ấy, các người nên gắng hành theo chánh pháp." (Bộ
Digha-nikāya - Trường Bộ, bài kinh Parinibbāna).
Những lời Phật dạy trên đây thật
là quý báu vô cùng. Giờ phút nhập diệt đã kề rồi, mà Ngài vẫn không quên những
đứa con nhỏ dại đang ở trong những cảnh khổ giữa nhiều cám dỗ và cạm bẫy của ma
vương, nên Ngài có dặn lại câu cuối cùng như thế. Chúng ta là hàng Phật tử chân
chánh nên nhớ câu này để hành đạo của Ngài.
Vào ngày rằm tháng Giêng, Đức
Thế Tôn cho các hàng đệ tử hay rằng, còn ba tháng nữa Ngài sẽ nhập diệt. Các vị
Tỳ khưu còn tâm phàm cất tiếng lên than khóc, tiếc thương. Duy có một vị Đại
đức tên Tissa không than thở buồn than gì cả, vì ngài nghĩ rằng:
"Nghe tin Đức Thế Tôn sắp nhập diệt ngày rằm tháng Tư mà tâm ta vẫn còn
nhiều phiền não, vậy ta phải đạt được cho quả A La Hán trong khi Đức Thế Tôn
còn sinh tiền". Rồi ngài kiếm nơi thanh tịnh hành trì. Chuyện ấy thấu đến
tai Đức Thế Tôn, ngài cho mời vị Đại đức ấy lại hỏi. Vị Đại đức mới bạch rằng:
"Bạch Đức Thế Tôn, đệ tử xuất gia từ lâu nhưng chưa đắc đạo quả, đệ tử xét
rằng đệ tử không xứng đáng là Phật tử biết thương đấng Từ Phụ".
Đức Thế Tôn đáp: "Lành
thay! Này các thầy Tỳ khưu, kẻ nào thật biết thương Như Lai, kẻ ấy nên thực
hành như Tissa, vì những người cúng dường ta bằng vật phẩm tràng hoa
v.v... không gọi là cúng dường ta, chỉ có người thực hành theo chánh đạo mới
gọi là người cúng dường Như Lai rất xứng đáng." Rồi Ngài thuyết câu kệ:
Pavivekarasam pipvā
Rasam up asamassa ca
Nyddaro hotinippāpo
Dhammappitirasampivanpi.
Nghĩa là các bậc thánh nhân
hưởng vị của Viveka (thanh tịnh) và vị của sự vắng lặng, vị của hỷ lạc
trong thiện pháp (đạo quả và Niết Bàn), các ngài biết sự nóng nảy (của phiền
não), và các ngài không tạo ra tội lỗi.
Tóm lại, sự cúng dường cao quý
nhất trong Phật giáo là sự hành đạo đúng chánh pháp, để giải thoát cho bản thân
mình. Nếu tất cả hàng tứ chúng đều thực hành theo lời Phật dạy, thì Phật giáo
sẽ được trường tồn và vẫn hưng thịnh đến năm ngàn năm.