Đời sống
Giảng Giải 38 Pháp Hạnh Phúc
Pháp sư Maha Thongkham (Bình Anson hiệu đính, 2006)
22/08/2554 23:20 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng


KỆ NGÔN X

 

HẠNH PHÚC XXXV

Phuṭṭhassa lokadhammehi,
Citta
yassa na kampati
Tâm không xao động vì pháp thế gian

 

 

Câu Phật ngôn này có ba yếu tố nên giải:

1. Loka: nghĩa là thế gian. Phạn ngữ Loka còn có nghĩa là hư hoại, tiêu diệt, tan rã, ý nghĩa ấy rất đúng vì thế gian này có gì bền vững lâu dài đâu, mặc dù là núi non sông bể đều cũng có ngày thay đổi, hay tiêu diệt.

2. Lokadhamma: nghĩa là pháp thế gian. Pháp thế gian có tám điều, thường ở trong thế gian hay là ở trong tâm của con người. Vì con người còn luân hồi trong thế gian, nên pháp ấy gọi là thế gian pháp hay là pháp thế gian.

3. Kampate: là rung động. Tâm người vì còn phiền não nên bị tâm pháp ấy làm rung động, xao xuyến, khó được hay mất những pháp ấy. Vì tâm rung động bởi các pháp ấy nên người rất lo chạy theo nó, hoặc tìm về vì chưa có, hay kiếm lại vì bị mất, hoặc vì sợ mất nên lo giữ. Đấy là nguyên nhân sanh khổ vì khi được cũng khổ, khi mất cũng khổ. Thật vậy khi được thì mất công gìn giữ sợ bị mất, khi bị mất thì khổ đã đành. Trong tám pháp ấy có những pháp mà mình không thích không ưa, nên mình lại không muốn cho nó đến với mình, nên hết sức cố gắng không cho nó đến, mà nó vẫn đến.

Tâm pháp ví như cái luới, còn chúng sanh ví như cá trong lưới thật là khó thoát khỏi. Đây tôi xin giải luôn tiếng "Chúng sanh" Phạn ngữ Satta nghĩa là chúng sanh, nhưng còn có nghĩa là dính, ý nói dính trong pháp thế gian; ví như cá mắc dính trong lưới, hay cắn phải câu vậy.

Còn tám pháp thế gian ấy là:

1. Lābho: được lợi.

2. Alābho: mất lợi.

3. Yaso: được quyền chức.

4. Ayaso: mất quyền chức.

5. Pasamsā: được khen.

6. Nindā: bị chê.

7. Sukha: được an vui.

8. Dukha: bị khổ

Trong tám pháp này có bốn pháp người ưa thích, còn bốn pháp người chán ghét.

Chúng ta ham mê hay ưa thích bốn pháp "được lợi, được quyền chức, được khen, được an vui". Vì ưa thích nên ta chạy theo nó, đến nổi quên già. Chúng ta quên rằng những gì mà ta ưa thích, ta chưa thỏa mãn, thì lại bị mất đi, hay ta lại bỏ nó ra đi, tôi muốn nói ta chết và không đem gì theo được. Vì con người chưa có trí tuệ, nên không nhận thức vô thường, khổ não, vô ngã, nên chi ta cứ chạy theo các pháp ấy. Ta lại thương tiếc buồn rầu vì những của cải không phải là ta mà không phải là của ta, cũng không trung thành với ta nữa. Đã gọi là Loka (thế gian) nghĩa là tiêu hoại, thì khi nào ta tìm được một điều gì trung thành với ta được? Con người cũng vì tám pháp thế gian nên giết hại nhau. Vì tám pháp ấy mà cá nhân tranh với cá nhân, gia đình tranh với gia đình, xóm này tranh với xóm kia, xứ này tranh với xứ nọ, nên thế gian thường bị chiến tranh tiêu diệt. Xét kỹ, không có gì gây thảm họa cho chúng ta hơn là 8 pháp ấy. Vì vậy nên đức Thế Tôn dạy chúng ta không nên rung động vì pháp thế gian, ý nói không nên để pháp ấy ngự trị trong lòng ta.

Khi chúng ta biết tám pháp ấy gây thảm họa cho nhân loại, thì chúng ta cũng nên cố tránh đi được phần nào hay phần ấy, khi chúng ta cố tránh thì lợi ích trước nhất là chúng ta được an vui, mà người gần ta cũng được hạnh phúc.

Muốn diệt trừ các pháp ấy, phải cần có các pháp này là:

1. Lokapāladhamma: pháp hộ trì Loka (thế gian), gồm hai pháp: Hiri, hổ thẹn tội lỗi; và Ottappa, ghê sợ tội lỗi.

Như ta biết Loka hư hoại, tiêu hoại, mà pháp này gọi là pháp giữ (hộ trì), thì rõ ràng là pháp tương đối, hay đối trị với pháp tiêu hoại. Hai pháp này có ý dạy rằng khi người đời biết thẹn và sợ tội lỗi, thì không bao giờ dám làm tội, thì không khi nào ác pháp đến gần, thì tất nhiên được hạnh phúc vậy.

2. Sati: trí nhớ và Sapajjanna: biết mình. Hành giả phải có trí nhớ để quan sát những đề mục mà tâm thâu lấy, trí nhớ ví như người giữ cửa thành (khi xưa) biết rõ rằng người nào nên cho vào, người nào không nên cho vào. Trí nhớ cũng vậy, không cho các ác pháp xâm nhập vào, mà cho các thiện pháp nhập vào. Biết mình là khi biết pháp ác đã xâm nhập vào rồi, nên cố diệt trừ nó bằng mỗi phương cách.

3. Yonisomanasikāra: có trí tuệ suy xét cho chu đáo. Ý nói khi ta muốn làm việc gì nên dùng trí tuệ suy nghĩ cho kỹ, và biết đâu là hại, đâu là lợi để thực hành.

Trong Chú giải bài kinh Hạnh phúc có dạy rằng: Vì chúng sanh còn nhiều phiền não nên bị tám pháp ấy chi phối, nên khi được lợi thì vui, khi mất lợi thì buồn, tức sanh ra oán thù, cột oan trái làm hại kẻ khác, đó là nhân làm cho người luân hồi và phải khổ mãi mãi, chung quy là ta không diệt bỏ được tám pháp thế gian.

Riêng về các bậc trí thức, khi được lợi lộc quyền chức v.v... cũng như khi bị mất, các ngài không lấy đó làm vui hay buồn, vì các ngài thấy rõ rằng các món làm ta ưa thích, có ở vĩnh viễn với ta chăng nữa, thì ngày kia ta phải bị một lượt với xác thân này ra đi. Trong lúc đó thì thế thường những gì ta yêu thương lắm, thích thú lắm, khi cái ấy hư hay mất vì nguyên nhân nào, thì ta càng buồn nhiều. Mà nếu ta có nhiều vật mà ta yêu thương nhiều mỗi ngày mất đi một món, thì cái khổ ấy sẽ càng gia tăng.

Tâm không rung động vì pháp thế gian là tâm của các bậc thánh nhân, ta còn là phàm nhân, không sao tránh khỏi, nhưng ta cũng phải gắng diệt lần đi, ngày nào duyên tròn đủ, ta cũng đắc được thánh quả vậy.

Có hai pháp làm cho tâm không rung động vì pháp thế gian:

1. Bước đầu tiên học và hành minh sát tuệ, để trí nhớ quan sát từng mọi việc, dùng trí tuệ phán đoán việc làm, làm cho trí tuệ và trí nhớ càng ngày càng tăng trưởng. Quan sát thấy thân này vô thường, khổ não và vô ngã nên bền công tụ lập mãi mãi theo minh sát tuệ.

2. Hành theo Bát Chánh Đạo.

Tâm không xao động vì pháp thế gian có hạnh phúc là:

1. Là người không bị nóng nảy.

2. Là phước lành.

3. Được an vui.

4. Không dễ duôi.

5. Là người thực hành theo lời giáo huấn của Đức Từ Phụ.

6. Là người hành theo Giới-Định-Tuệ.

7. Là người làm lợi ích cho mình trong kiếp hiện tại và vị lai.

8. Là người đáng là gương mẫu cho hậu sanh.

9. Là nhân làm cho Phật giáo được thịnh hành.

 

 

HẠNH PHÚC XXXVI

Asoka
Không có sự uất ức

 

Asoka nghĩa là không uất ức. Phạn ngữ Asoka có thể chiết tự để giải cho dễ hiểu hơn: A có nghĩa là không, Soka có nghĩa là thấp xuống, tâm khô héo, ưu phiền, dường như là tâm bị ghim vào mũi tên.

Khi ráp hai chữ lại thành Asoka thì nghĩa chung là tâm không uất ức, không ưu phiền, không khô héo, không bị tên ghim. Asoka còn có một nghĩa khác là vắng lặng, không có sự uất ức, sự ưu phiền, bực tức, buồn rầu, nên Asoka có nghĩa cuối cùng là vô ưu hay Niết Bàn, và tóm lại là tâm không bị phiền não ngự trị.

Sau đây tôi xin xét lại uất ức về hai phương diện:

- Vật gì là tâm người bị uất ức.

- Tại sao tâm đắc được Niết Bàn không có uất ức.

Làm người không ai chạy khỏi sự uất ức, nên chi nơi đây tôi không giải trạng thái của sự uất ức, vì ai ai cũng biết mà chỉ giải về nguyên nhân làm cho tâm uất ức, theo câu Phật ngôn dạy trong kinh Pháp Cú rằng:

Pemato jāyate soko

Pemato jāyatebhayam

Pemato vippamuttassa

Natthisoko kuto bhayam

Nghĩa là thương yêu sanh ra uất ức, thương yêu sanh ra lo sợ, dứt được thương yêu thì sự uất ức lo sợ không còn có nữa.

Ý câu Phật ngôn này dạy rằng: Người bị uất ức hành hạ là do nơi sự thương yêu càng nhiều thì khổ lại càng cao. Khi tâm yêu thương vật gì mà vật ấy mất, khi thất vọng thì có uất ức. Khi không có thương yêu, thì làm gì có uất ức hay thất vọng.

Quý vị cũng từng biết trước sự sanh tử biệt ly là cảnh rất đỗi đau khổ, mà chúng ta ai ai cũng phải trải qua hoặc nhiều hay ít, vậy chúng ta ai ai cũng nhận thức cái khổ ấy và chắc chắn rằng ngày nào đây ta phải còn gặp cảnh ấy nữa. Sự chắc thật không thể nào khỏi, là ta phải bỏ thân này ra đi với nghiệp mà ta đã làm, mặc dù ta giàu sang quyền chức, có nhiều thế lực, anh em vợ con, những nhân vật này không làm sao cho ta ở lại được, mặc dù họ rất thương tiếc ta.

Đức Thế Tôn nhận rõ sự uất ức là tai hại khủng khiếp mà chúng sanh còn trong tam giới không sao tránh khỏi. Vì vậy Đức Thế Tôn dạy không nên để cho sự uất ức ngự trị lòng mình.

Đức Thế Tôn có dạy hai phương pháp ngăn ngừa và diệt trừ sự uất ức ấy:

1. Hằng niệm về sự chết do Đức Bồ tát dạy:

a) Sattanam ma ramadhuvam: chắc chắn là chúng sanh phải chết.

b) Jivatam adhuvam: sanh mạng của chúng sanh không chắc (nghĩa là không bền vững).

c) Sabbe sankhārā aniccā: tất cả các pháp hành đều vô thường.

d) Rattimaca divāsa appamāttā hotha: tất cả các pháp hành không bền vững, hằng thay đổi từng giờ phút, vậy các người không nên dễ duôi.

2. Hành theo lời Phật dạy là:

a. Adhuvam javatam: đời sống không bền vững chắc chắn.

b. Dhuvammaranam: sự chết rất chắc chắn (không ai chạy nổi).

c. Avass ammaya maritabbam: ta chắc phải chết.

d. Marana pairiyosānam me jivitam: đời sống của ta có sự chết là nơi cuối cùng.

e. Jivitameva niyatam: đời sống thật là không bền vững.

f. Maranam niyatam: cái chết thật bền vững (ý nói cái chết không hề thay đổi, nó phải đến với ta).

Đức Phật có dạy người nên niệm thêm 8 điều nữa là:

1. Sự chết ví như đao thủ phủ đã đưa đao lên và chực hạ xuống nơi cổ ta.

2. Sự chết của con người như tay nấm mọc từ dưới đất lên. Ý nói khi tay nấm mọc từ dưới đất lên thì thế nào trên đầu nó cũng có dính đất, ví như con người khi vừa tượng thai vào lòng mẹ thì cái chết dính liền theo.

3. Sự chết ví như mặt trời. Mặt trời mọc ở hướng Đông chắc chắn phải lặn về hướng Tây, từ cổ chí kim không bao giờ mặt trời lặn về hướng khác, mà cũng không bao giờ không lặn. Đời người cũng vậy, không bao giờ không chết, hễ đã sanh vào bào thai là tử thần đã kề liền vào cổ rồi.

4. Thân này là cái nôi của các thứ vi trùng và các chứng bệnh.

5. Thân này thường bị biến đổi từng giờ phút theo thời gian mà chúng sanh không biết.

6. Thân này không có nơi nào gọi là nương tựa để tránh khỏi tay tử thần được.

7. Thân này ta chấp là của ta, nhưng ta không thể nhất định thời giờ mà ta phải chết và chỗ ta chết được.

8. Đời sống của con người chỉ trong một sát na thôi, ý nói đời sống của người rất ngắn (một sát na còn ngắn hơn một nháy mắt, ý câu này dạy rằng, khi không còn thở là không còn có xác thân này rồi).

Đức Phật là đấng cao thượng hơn tất cả các bậc trí tuệ. Ngài thường dạy chúng sanh cái nhân sanh ra quả. Ngài dạy khi bị quả, nên bỏ đi không nên luyến tiếc tham mê quả ấy mặc dù quả ngon. Tóm lại, Ngài dạy ngăn cái nhân và bỏ cái quả, cũng như Ngài dạy không nên trồng cây. Khi chúng sanh đã lỡ trồng cây rồi, Ngài dạy đốn bỏ, hay nếu cây có trái và trái đang hái, Ngài dạy quăng trái luôn không nên dùng nó.

Người sở dĩ phải uất ức ưu phiền, vì người vẫn luyến tiếc nhân vật mà mình bị mất. Nếu ta không luyến tiếc thì ta không bị uất ức, tức nhiên không còn khổ, đó là Niết Bàn, là hạnh phúc.

Đây tôi xin nhắc lại tích của gia đình nọ có 5 người và cô gái không than khóc uất ức vì thương yêu, nên được hạnh phúc.

Khi Đức Thế Tôn ngự tại Kỳ Viên tịnh xá, có một người tên Kutumbi có con chết. Ngài mới thuyết Túc sanh truyền này.

Người Kutumbi có con chết than khóc thê thảm, bỏ cả công ăn việc làm. Đức Thế Tôn trông thấy duyên lành người ấy, nên ngài mới dự đến nhà. Khi an vị xong, nguời mới gọi Kutumbi ấy đến và hỏi: "Người buồn khổ lắm phải không?"

- Bạch Đức Thế Tôn, từ ngày con của đệ tử chết đến nay, đệ tử lấy làm đau khổ, không sao kể diệt được.

- Này Kutumbi, lẽ cố nhiên của các pháp hữu vi thì có sự diệt là lẽ thường, sự tiêu diệt ấy không phải để riêng cho cá nhân, hay một gia đình, hoặc một xóm, hay một gia tộc nào, mà là của chung của chúng sanh. Hơn nữa pháp vô sanh bất diệt, người không thể tìm thấy trong vũ trụ này. Không có ai có quyền thế gì làm cho chúng sanh còn trong dòng sanh tử luân hồi này khỏi chết được. Tất cả các pháp hành không có một pháp nào bền vững. Tất cả chúng sanh đều phải chết là thường như vậy. Lẽ cố nhiên của các pháp hành, nếu có sanh thì có diệt không sao tránh khỏi được. Nhưng riêng các bậc trí thức, không khi nào khóc khi con chết, bởi nghĩ rằng đó chẳng qua là pháp hành cấu tạo, rồi lài phải tiêu diệt, nó hằng có sự tiêu hoại là lẽ tự nhiên.

Đức Thế Tôn chỉ thuyết chừng ấy xong, ông Kutumbi mới yêu cầu Đức Thế Tôn thuyết thêm. Đức Thế Tôn mới dạy rằng:

"Lúc quá khứ, đức vua Brahmadatta trị vì tại kinh đô Bārānasī. Đức Bồ tát sanh trong gia đình Bà la môn, nhà ở gần cửa thành Bārānasī, nhà người chỉ làm ruộng thôi. Khi ấy Đức Bồ tát mới cưới vợ cho con trai ngài cũng là dòng Bà la môn cùng ở một làng. Tính cả người trong gia đình của ngài có 6 người là: ngài, vợ ngài, và con gái, con trai, dâu và người ở gái. Sáu người này đều hòa thuận và rất kính thương nhau. Đức Bồ tát thường dạy người nhà rằng: "Các người nên giữ thập thiện và tùy theo sức mình mà bố thí; hãy thọ ngũ giới và chuyên trì thêm bát quan trai giới, phải có trí nhớ và luôn luôn phải niệm tưởng rằng ta sẽ chết là lẽ dĩ nhiên, đời sống của con người rất bấp bênh, không vững chắc, đời sống con người không bảo đảm, mà của cải của ta đã có cũng vậy. Cái chết chắc chắn có cho ta. Vậy các ngươi không nên dễ duôi". Người nhà đều vâng lời của ngài lo niệm tử, không hề xao lãng".

Ngày nọ, nhằm mùa ruộng. Đức Bồ tát và con trai ra đồng lo cày ruộng. Đức Bồ tát thì cày, còn con trai thì gom rác lại đốt gần bên một cái gò mối, trong gò mối ấy có một con rắn độc. Khi bị khói, rắn không chịu nổi nên bò ra, gặp người thanh niên đang đốt rác nó cắn chết tại chỗ. Khi Đức Bồ tát hay thì con mình đã chết rồi. Ngài không buồn lo than khóc chi cả, bồng con lại để nằm dưới một tàng cây, còn ngài vẫn đi cày như thường. Vì khi ấy ngài nghĩ rằng sự thật khi các pháp hành đã cấu tạo ra, thì cũng có ngày tan rã là thường, nên dù ta buồn thương cũng chẳng ích lợi chi. Vật phải chết đã chết rồi, vật phải tiêu diệt, nay cũng đã tiêu diệt rồi. Tất cả các pháp hành không bền vững là thế, cái kết quả thảm khốc nhất đời, là ta phải dứt bỏ nó hay là nó bỏ ta. Không ai tránh khỏi chết.

Trong khi ấy, ngài trông thấy một người thanh niên cùng xóm đi ngang qua, ngài mới hỏi rằng: "Em ơi, em về nhà em phải không?"

- Dạ thưa ông phải!

- Nếu em vui lòng ghé ngang nhà tôi và bảo người nhà tôi rằng hôm nay, đừng đem ra hai phần cơm, chỉ đem ra một phần thôi. Mỗi ngày trước, khi người tớ gái đem cơm ra, hôm nay em bảo họ ra đây cả bốn người, mà phải sửa soạn cho sạch và phải có tràng hoa.

- Dạ được.

Người thanh niên ấy mới về nói cho người nhà của Đức Bồ tát hay. Bà vợ Đức Bồ tát mới hỏi: "Này em ai là người nhắn tin này cho tôi?"

- Thưa bà, ông nhắn về cho bà.

Bà la môn biết con mình đã chết rồi, mặc dù bà biết thế chăng nữa, bà cũng không than khóc thương tiếc chi cả. Bà gọi con gái, dâu, và người tớ gái đến và bảo hãy tắm cho sạch sẽ, sắm sửa tràng hoa cho tinh khiết và đem theo một phần cơm ra ruộng với bà. Khi bốn người ra đến ruộng, họ vẫn thấy Đức Bồ tát đi cày như thường, không tỏ vẻ gì bi ai cả. Họ đem cơm lại cho ngài dùng cơm tự nhiên. Khi ngài dùng cơm xong, năm người lo chất củi khô lại để làm hỏa đài, trong khi ấy cũng không có ai tỏ vẻ buồn tiếc cả, khi làm hỏa đài xong, họ để thi hài lên đốt lửa. Trong khi ấy cũng không có người nào than khóc, mỗi người ai lo phận sự nấy.

Lòng trong sạch của 5 người ấy làm cho nóng đến Đức Đế Thích. Ngài lấy làm lạ không biết vì nguyên nhân gì, ngài dùng thiên nhãn thông xem, thì mới thấy câu chuyện của 5 người ấy. Ngài mới quyết định phải xuống hỏi rõ xem những người này hành Phạm hạnh gì, mà không bị lụy giữa cảnh sanh tử biệt ly. Ngài liền hiện ra một thầy Bà la môn đến hỏa đài và hỏi rằng: "Các người làm gì đây?"

Đức Bồ tát đáp: "Tôi làm lễ hỏa táng".

Đức Đế Thích nói: "Theo tôi tưởng, thì không phải là hỏa táng, các người đang chuẩn bị nướng thịt chi đây?"

Đức Bồ tát đáp": "Thưa thầy Bà la môn, chúng tôi không bao giờ biết nói dối, chúng tôi làm lễ hỏa táng thật!"

Đức Đế Thích hỏi: "Nếu vậy các người làm lễ hỏa táng người thù của các người chăng?"

- Thưa thầy, người này không phải là người thù của chúng tôi, trái lại là người con chí thân của tôi.

- Nếu là đứa con chí thân của ông sao, không thấy ông than khóc chi cả vậy?

Đức Bồ tát muốn tỏ rằng sở dĩ mình không than khóc là vì lẽ đã quán tưởng nhiều về cái chết, nên nói câu kệ:

Uragova tacam jinnam hitvā gacchati santanum eva.

Sarīre nibbhoge pete kālakate sati dayhamāno na jānāti nātīnam paridevatam.

Tasmā etam na ocati tato so tassa yagati.

Nghĩa là một khi rắn đã lột da rồi, đã sanh về cảnh giới khác như thế này, thì sự than bi lụy có cần và ích gì. Thân của con tôi hôm nay có đem đâm chém, hoặc đang đốt đây cũng không biết đau nóng, cũng như con tôi đã chết rồi, nó còn thiết gì đến quyến thuộc mà thương tiếc khóc than? Vì vậy nên tôi không thương tiếc khóc than uất ức với con tôi. Nhân như thế nào thì được hay bị như thế ấy.

Đức Đế Thích nghe thế mới dạy qua hỏi vợ của Đức Bồ tát rằng: "Thưa bà, còn người chết đây là chi của bà?"

Bà đáp: "Người chết đây là con trai yêu quí của tôi".

- Ô! Phàm người cha thì thường có tâm cứng rắn, đó là lòng của người đàn ông, tôi không lấy làm lạ, còn tâm của người mẹ, thì rất mềm mà tại sao bà lại không khóc.

Bà muốn giải tại sao bà không khóc cho Đức Đế Thích nghe, bà mới nói câu kệ rằng:

Anabbhito tato agā nānuata ito gato

Yathā gato tathā gato tathā kā parivedana

Dayhamāno na jānāti nātīnam paridevatam

Tasmā etam na socati gato tassaya gati

Nghĩa là con tôi đây không mời nó từ cảnh giới khác đến, tự nó sẽ sanh vào nhà tôi. Đến khi ra khỏi cõi này, nó cũng không xin phép tôi. Một khi nó đến cũng tùy ý nó, một khi nó đi cũng tùy ý nó, thì sự than khóc thương tiếc cái xác thân của con tôi đây có ích lợi gì. Một khi con tôi bị lửa đốt cháy như thế này, mà nó cũng không biết vui hay khổ, thì nó nào có biết sự than khóc uất ức của thân thuộc đâu mà tôi khóc? Vì lẽ ấy nên tôi không than khóc thương tiếc con tôi, con người làm nhân nào thì được quả ấy.

Đế Thích mới hỏi cô con gái của Đức Bồ tát rằng: "Người này là chi của cô?"

- Thưa ông, người này là anh ruột của tôi.

- Lẽ cố nhiên cô là thiếu nữ hằng thương mến anh trai, tại sao cô lại không bi lụy giữa tình cảm biệt ly như thế này?

Cô muốn giải lòng cô cho Đế Thích rõ nên nói câu kệ:

Sace rode kīsā assam tassā ne kim phalam siya

Nātimittā suhajjānam bhiyo no arati siya

Deyhamāno na jānāti nātīnam paridevatam

Tasmā etam na rocemi tata so tassa yagati

Nghĩa là một khi anh tôi đã chết, dù tôi có than khóc thì tôi chỉ chắc lấy cái ốm o gầy mòn, anh tôi cũng chẳng được sự lợi ích gì của sự than khóc của tôi, chỉ tôi là người bị thiệt hại thôi. Những sự khổ sở thương mến than khóc của những người bạn đang còn sanh tiền đây, anh tôi cũng không hay biết gì cả. Về vậy tôi không than làm gì vô ích. Người tạo ra duyên nghiệp thế nào thì sanh theo duyên nghiệp thế ấy.

Khi Đức Đế Thích hỏi cô em gái của người chết xong, mới hỏi đến dâu của Đức Bồ tát rằng: "Cô, người chết ấy là chi của cô?"

- Thưa ông, người chết ấy là chồng tôi.

- Lẽ cố nhiên tình nghĩa vợ chồng thương yêu nhau lắm, phàm một người chết, thì cũng như người còn sống lại chết đi hết nửa người, người ấy gọi là người quả phụ. Tại sao cô lại không than khóc, khi mà cô trông thấy rằng trên đời này cô mất tình thương đầm ấm nhất?

Cô ấy muốn tỏ lòng không uất ức khóc than cho Đức Đế Thích biết nên nói câu kệ rằng:

Yathā pi dārako candam gacchantam anuro-dati

Evam sampademevedam yo petāmanussocati

Deyhamāno na jānāti nātīn am paridevatam

Tasmā etam nasocāmi gatoso tassa yagati

Nghĩa là đứa bé chưa hiểu sự đời, khi nó trông mặt trăng đang di chuyển trên không, nó cứ theo đòi (muốn đem về chơi), điều này cũng ví như người đời kêu khóc người đã quá vãng, thì thật là không có ích gì cả. Chồng tôi một khi bị đốt trên hỏa đài mà cũng không hay biết gì cả, thì chồng tôi đâu biết rằng quyến thuộc vợ con đang khóc. Vì cớ ấy nên tôi không than khóc thương tiếc. Phàm người tạo nghiệp nào hưởng quả ấy.

Đức Đế Thích day qua hỏi người tớ gái rằng: "Người chết này là chi của cô?"

- Thưa ông người ấy là chủ tôi.

- Có lẽ là cô thường bị người chủ hành hạ đánh đập khổ sở lắm, nên khi người ấy chết, cô không than khóc thương tiếc chi cả, vì cô nghĩ rằng người này có chết đi chỉ là một chuyện may cho ta khỏi còn bị đòn, hành hại khổ sở nữa.

- Xin ông đừng nói thế, vì không đúng với sự thật của chủ tôi. Người chết đây là người đủ đức tánh tốt, nào là nhẫn nại, từ bi, đối với tôi không khác nào người cùng một cha mẹ.

- Nếu vậy tại sao cô lại không khóc?

Cô muốn cho Đức Đế Thích biết tại sao cô không khóc, cô mới nói câu kệ rằng:

Yathapi udakakumbho bhinno appatisandiyo

Evam sampadamevetam yo pet am anussocati

Deyhamano na janati natinam paridevanam

Tasma emma na socāi gato so tassa ya gati

Nghĩa là cái nồi đất đã bị bể, không thể ráp cho nó liền được như trước, cũng như người nào than khóc người đã quá vãng, chỉ hoài công vô ích. Chủ tôi bị thiêu trên hỏa đài còn không biết gì thay, phương chi quyến thuộc than van khóc lóc thì có ích gì. Vì lẽ ấy nên tôi không than khóc chi cho vô ích, chúng sanh tạo những nghiệp gì thì đi theo cái ấy.

Ý cô này nói lẽ cố nhiên khi cái nồi đất bể, không thể có người làm lành lại được, như người đã chết thì không làm sao sống lại được.

Sau khi nghe 5 người nói xong lòng mình. Đức Đế lấy làm trong sạch, bảo rằng: "Vậy từ đây trở đi các người không dễ duôi với sự niệm đề mục chết. Vậy từ đây trở đi các người khỏi làm lụng khó nhọc. Ta đây là Đế Thích, ta sẽ ban cho các người 7 thứ ngọc quí đầy nhà. Các người sẽ sống được nhàn, phải bố thí, trì giới".

Sau khi thuyết xong, Đức Thế Tôn dạy rằng người tớ gái ấy chính là nàng Khujjutarā. Hiện tại, người con gái là cô Upalavanan, người con trai là Rahula, người mẹ là cô Khema. Còn vị Bà la môn ấy là Như Lai đây.

Tích này cho quí vị thấy rằng không ai chạy khỏi chết, và khi người đã chết mà ta uất ức tiếc thương, không lợi ích gì cả.

Khi người không uất ức, được hạnh phúc là:

1. Tâm đã dạy niệm tử hằng ngày, nên không buồn phiền uất ức khi gặp cảnh sanh tử biệt ly.

2. Trí nhớ luôn luôn kiểm soát tâm và nhớ đến cái chết.

3. Năm điều chướng ngại sẽ được từ từ yên lặng.

4. Thiền định sẽ phát sanh.

5. Là người luôn luôn không dễ duôi,

6. Người chán trong cõi sanh tử luân hồi.

7. Bỏ sự yêu thương của đời sống.

8. Là người hằng chỉ trích tội lỗi của mình

9. Người có nhiều phước thiện sẵn sàng để đem về cõi khác.

10. Không còn bỏn sẻn.

11. Thấy rõ vô thường, khổ não và vô ngã.

12. Không kinh sợ trước tử thần.

13. Là phước báu cao thượng.

14. Không còn sanh vào ác đạo.

15. Giải thoát khỏi phiền não.

16. Đến nơi an vui tuyệt đối là Niết Bàn.

 

 

HẠNH PHÚC XXXVII

Viraja
Dứt khỏi sự phiền não

 

Phạn ngữ Raja nghĩa là bụi nhơ, ngụ ý chỉ là phiền não, còn Vi nghĩa là ra khỏi. Phiền não sanh trong tâm của ai, làm cho tâm người ấy nhơ dục, như là bụi làm cho vật dụng dơ, khi ta thấy vật dụng dơ thì ta gớm, ta không muốn sờ mó đến, nếu phải cần sờ mó đến thì lật đật đi rửa tay chân ta bị dơ bẩn, ta có thể rửa được, chớ khi tâm nhơ đục thì làm cho thân này càng rất ghê gớm hơn và không có thứ nước nào rửa cho sạch.

Phiền não là những gì? Phiền não nếu kể ra thì rất nhiều; nếu căn cứ vào những danh từ khác nhau mà Đức Thế Tôn đã dùng, nhưng chung qui, chỉ có ba điều gọi là tam độc, đó là tham lam, sân hận và si mê.

Nơi đây tôi xin nhắc câu Phật dạy ngài Đại đức Culapandaka trong bộ kinh Pháp Cú rằng: Rāgo rājo na ca panarenu vuccati... nghĩa là tiếng bụi nhơ đây ngụ ý nói là sự tham ái, chớ không phải là bụi thường, nên các thầy Tỳ khưu dứt bỏ bụi nhơ, tức là dứt bỏ tham ái, sẽ được an vui trong đạo hạnh thanh cao.

(Câu thứ nhì và câu thứ ba có nghĩa khác nhau, nhưng chỉ khác tên của phiền não là đổi tham ái ra sân hận và si mê).

1. Nguyên nhân sanh ái dục có hai điều là:

- Thích để ý đến lời ca tụng, về sự giàu có và sắc đẹp.

- Thích và để ý đến sắc đẹp của mình hay người ngoài mình.

Đây là nguyên nhân dập tắt tham ái:

- Cố tâm để ý vào lời khuyên giải chỉ dạy và sự chỉ trích về tội của ngũ trần và sự tham lam, sắc đẹp.

- Cố tâm quan sát suy nghĩ cái tội và hại của sắc đẹp và sự tham lam trong ngũ trần.

2. Đây là nguyên nhân sanh sân hận:

Thích và để ý đến lời nói làm cho mình sân, thích và để ý đến điều làm cho mình sân.

Nguyên nhân diệt sân:

- Cố ý nghe lời giảng dạy của các bậc thánh nhân về nguyên nhân sanh lòng từ (thương hại).

- Vâng giữ hành theo niệm từ.

3. Nguyên nhân sanh si mê:

- Thích nghe lời nói xấu xa không lễ phép của những kẻ vô giáo dục.

- Thích chú ý tới những lời ấy.

Nguyên nhân diệt si mê:

- Thích nghe những lời giáo huấn, cao thượng, ít nhất là lễ phép.

- Cố ý và hành theo những pháp cao thượng đã nghe.

Các phương pháp dạy trên đây là phương pháp dẹp yên phiền não nhất thời thôi, chớ không phải phương pháp giải thoát. Nếu muốn hoàn toàn giải thoát, thì chỉ có cách trì giới cho trong sạch, hành thiền định theo minh sát tuệ, là dùng trí tuệ quan sát cho thấy rõ vô thường, khổ não và vô ngã, như thế mới tận diệt được phiền não.

Trong bộ kinh Anguttaranikāya Duttiyanipāta, Đức Thế Tôn có dạy rằng: "Này các thầy Tỳ khưu bụi nhơ là gì? Đức Thế Tôn tự đáp rằng bụi nhơ là tham lam, sân hận, và si mê.

Nếu có người hỏi về những điểm dị đồng của các pháp ấy thì các thầy nên đáp rằng: Tham lam tội tuy nhẹ nhưng thật là khó dứt bỏ được. Sân hận, tội thật nặng, nhưng khi người thức tỉnh, dứt bỏ được dễ dàng. Si mê, tội nhiều nặng, nhưng trái lại, lại khó dứt bỏ được".

Theo câu Phật ngôn này, thì ta thấy rằng tham ái tội tương đối nhẹ, nhưng thật khó dứt. Đây tôi xin nhắc lại tích để quý vị dễ nhận thức.

Tại kinh đô Thất La Phiệt có người thợ cạo thường vào làm râu tóc cho nhà vua và các phi tần. Ông là người có thọ trì tam qui ngũ giới rất trong sạch.

Ngày nọ, ông đi làm râu tóc cho nhà vua, ông dẫn con trai theo vào cung nội. Con trai ông trông thấy một công nương trẻ đẹp trang diện lộng lẫy, anh chàng cảm sắc đẹp ấy, khi về nhà anh vào phòng nằm mãi không ra, cha anh hỏi, anh nói đã yêu công nương. Ông thợ cạo bảo: "Con ơi, những cô ấy toàn là những hạng cao quý; thuộc dòng vua chúa, còn ta là hàng thứ dân, thì biết làm sao? Vậy nếu con ưng một cô nào môn đăng hộ đối, thì cha sẽ xin cưới về cho con".

Con trai người thợ cạo đáp: "Nếu không được cô ấy, con không bằng lòng cô nào hết".

Chuyện này thấu tới tai của chư vị Tỳ khưu, chư vị Tỳ khưu mới hội nhau lại bàn rằng: vì yêu thương mà chết thật là không phải chút nào hết. Người ta, nên biết giá trị của gia đình mình ra sao đã chớ?

Đức Phật nghe chuyện ấy ngài mới dạy chư Tỳ khưu đang bàn với nhau rằng: Người dứt bỏ lòng tham ái, và trong trường hợp phát sanh lòng tham ái, nên diệt lòng tham ái như giọt nước nhểu trên lá sen vậy (ý Đức Thế Tôn dạy đừng để lòng tham ái nhiễm vào tâm, cũng như là sen không nhiễm nước vậy).

Người diệt được lòng sân hận, không sân hận trong trường hợp đang sân hận. Người diệt trừ lòng sân hận như trái thốt nốt chín và rụng (ý nói khi trái chín mùi và đã rụng thì không bao giờ trái ấy trở lại với cành, mà nó đã rụng nghĩa là khi diệt được lòng sân hận thì không cho lòng sân hận sanh lại được).

Người diệt được lòng si mê, không bị si mê theo trường hợp phải si mê, người ấy ví như mặt trời đã mọc (ý nói khi mặt trời mọc thì xua đuổi được sự tối tăm, cũng như người xua đuổi được sự tối tăm, xua đuổi được sự si mê, thì lòng mình tự nhiên sáng và không còn luân hồi nữa).

Chung qui người đệ tử Phật muốn rửa sạch bụi trần nhơ thì phải tu theo Bát Chánh Đạo, và minh sát tuệ.

Tâm không nhiễm bụi nhơ, được hạnh phúc là:

1. Là đại phước cho bản thân mình.

2. Không bị những sự phiền lòng đến.

3. Được an vui trong đời này và vị lai.

4. Được nơi nương tựa rất cao quí.

5. Là người không dễ duôi.

6. Là người gắng hành cho giới, định, huệ được trọn lành.

7. Là người đáng gọi là cúng dường cao thượng đến Tam Bảo bằng cách hành đạo.

8. Là người thoát khỏi phiền não trong kiếp này và sẽ đắc được đạo quả tùy theo sự hành của mình ngày vị lai.

9. Là người sẽ đắc đạo quả trong kiếp này; nếu duyên lành đầy đủ, bằng không chắc chắn sẽ đắc ngày vị lai.

 

 

HẠNH PHÚC XXXVIII

Khema
Lòng tự tại.

 

Phạn ngữ Khema nghĩa là tự tại, lại còn có nghĩa khác nữa là không sợ sự kinh hoàng, thoát khỏi tất cả tai nạn, trở ngại, không còn bận rộn, được có sự an vui, tiến hóa, đẹp và cao quý, giải thoát khỏi bốn điều trầm nghịch, đến Niết Bàn.

Lòng tự tại chia ra làm ba hạng:

1. Lòng tự tại bậc thấp là tâm vắng lặng phiền não tạm thời trong khoảng thời gian lâu hay mau tùy theo sự đè nén tâm của hành giả có thể chịu đựng được, như trong khi nghe pháp, học pháp hay học tham thiền nhưng chưa chắc đắc thiền định, mà cũng chưa đắc minh sát tuệ.

2. Lòng tự tại bậc trung là tâm của hành giả đã đắc được thiền định, và tâm của các vị đắc định do nhờ hành minh sát tuệ.

3. Lòng tự tại bậc thượng là tâm của các vị đắc được minh sát tuệ và một trong bốn quả.

Tâm hồn của chúng sanh thật là phức tập, lúc là bạn khi là thù, nghĩ kỹ không khác nào trên sân khấu, nhưng là sân khấu lớn vô lượng vô biên và ai ai cũng đóng tuồng hết, nên không thấy rõ chân tướng của mình hay của kẻ khác. Chỉ có bậc thánh nhân mới là đấng giải thoát, nên các bậc ấy là khán giả trông thấy rõ rệt hành vi của ta vụng hay khéo thôi.

Khi tâm thiện phát sanh thì lời nói cũng như việc làm hoàn toàn lành, bằng khi tâm ác sanh, thì nói hay việc làm đều đáng ghê tởm.

Trong điều hạnh phúc chót này, Đức Phật chỉ rõ cái phức tạp rắc rối trong tâm của chúng sanh, cùng phương pháp để trừ và phòng bị những cái rắc rối phức tạp trong tâm chúng sanh.

Tâm của chúng sanh thường bị trầm nghịch trong bốn cái hầm, nên không được tự tại. Bốn hầm ấy là:

1. Kāmāsava: hầm ái dục.

2. Bhavāsava: hầm tam giới.

3. Ditthāsava: hầm tà kiến.

4. Avijjāsava: hầm vô minh.

Bốn cái hầm này rất là sâu rộng và tối tăm, nên chúng sanh không thấy đâu là bờ mà lội vào. Hầm ấy sâu, có sóng to gió lớn, nhận chìm chúng sanh xuống đáy của sự khổ, không sao trôi ra khỏi được.

Hầm ấy rộng, nên chúng sanh khó lội vào bờ. Chúng sanh nào giỏi lắm là vớ lấy một miếng gỗ để lội tạm thời, đến khi bị trận gió lớn sóng to, sút tay chìm đắm lại nữa. Tôi muốn nói khúc gỗ mà ta vớ được tạm thời ấy, là cõi trời hay cõi sắc giới hoặc vô sắc giới, ta chỉ tạm ở được một lúc thôi, rồi phải bị rớt trở lại nơi khổ nữa.

Những lượn sóng to ấy ví như vật dục. Vật dục ấy là sắc đẹp, tiếng hay, mùi thơm, vị ngon, sự cảm xúc mềm mại làm cho chúng ta mê theo, quên già, đau và chết.

Những trận gió lớn ấy tức là phiền não dục, hay là tham lam, sân hận, si mê. Những phiền não dục này nhận chìm cả thuyền to, chớ chẳng phải chỉ có ta mà thôi.

Xin giải về bốn hầm ấy như dưới đây:

1. Hầm ái dục là cái hầm thương yêu khó mà lội qua khỏi, vì cái hầm này to không phân biệt đâu là bờ bến. Thậm chí bậc chư thiên vẫn còn sa vào, như đức vua Mahāsudassana trong sự tích sau đây:

Đức vua Sudassana là vị Chuyển Luân Thánh Vương. Quanh thành của ngài có cây thốt nốt bằng bạc, lá vàng, trái ngọc hằng có các loại chim quý đến ca hót nghe thật vui tai.

Ngày trai giới, đức vua mặt đồ trắng thọ bát quan trai giới xong, ra đứng giữa trời vỗ tay ba tiếng có mưa vàng ngọc đầy đồng. Nhân dân nhờ đó mà sống một cách an nhàn sung túc thảnh thơi. Thế mà đức vua vẫn còn thấy chưa đủ.

Vì vua có phước quá nhiều, nên các bậc thiên vương như Đế Thích cũng nể mặt, nhất là Đức Đế Thích nhường cho ngài trị vì nữa cõi Đạo Lợi. Nhưng không vì vậy mà toại nguyện, ngài còn muốn chiếm luôn trọn cả cõi Đạo Lợi mới vừa lòng, nên ngài đánh đuổi Đức Đế Thích đi, để chiếm lấy hết. Nhưng không sau thắng nổi Đức Đế Thích, nên ngài bị Đức Đế Thích đưa về cõi người.

Câu chuyện trên đây để chúng ta thấy rằng người hay chư thiên cũng là nô lệ của ái dục, tham ái, không sao thoát khỏi hầm này.

2. Hầm thứ hai là hầm tam giới tức là dục giới, sắc giới và vô sắc giới. Khi người chưa ra khỏi ba hầm này là còn ở dưới quyền thống trị của ngũ ma. Khi muốn chạy hay đánh ngã được ngũ ma thì phải dùng khí cụ tối tân của Đức Thế Tôn, là Bát Chánh Đạo.

Dục giới còn khổ hơn sắc giới và vô sắc giới. Mặc dù hai cõi này có phần an vui hơn, nhưng cũng không khỏi luân hồi. Vì vậy hành giả nào có kinh sợ luân hồi mới giải thoát được khỏi tam giới. Muốn thoát khỏi luân hồi, chỉ có một con đường, là đạo có đủ tám chi, hay tám điều.

3. Hầm thứ ba là hầm tà kiến, còn đáng sợ hơn hai hầm trên rất nhiều. Vì người đã sa vào hầm tà kiến thì không còn ai thuyết phục được. Vì vậy nên phương pháp của Đức Phật dạy, muốn giải thoát, phải đi theo Bát Chánh Đạo, mà trong ấy, chánh kiến đi đầu, thế thì ta thấy rằng diệt tà kiến là quan trọng tới chừng nào.

4. Hầm thứ tư là hầm vô minh. Nói đến vô minh thì ai cũng lầm tưởng rằng là tối tăm, mờ ám, không thấy đường đi, chúng sanh vì ở nơi tối tăm nên không thấy đường ra nên chịu khổ mãi.

Nói thế có thể tạm gọi là trúng một phần, nhưng thật ra, vô minh làm cho ta không tìm và thấy được phiền não, nhất là ái dục, là động cơ chính yếu, làm cho chúng ta không tìm thấy Niết Bàn là nơi giải thoát khỏi luân hồi. Vì vậy nên chúng ta không tiến hành theo đường chánh được.

Tóm lại, vì vô minh nên không giải thoát khỏi luân hồi. Vì vậy, diệt vô minh là một điều rất quan trọng. Quí vị hãy hình dung một đêm giữa biển rộng mưa bão, phần thì thuyền nhỏ mà chở khẳm, thì quý vị sẽ thấy kinh sợ dường nào. Đời người cũng vậy, quanh ta đầy những tai nạn hãi hùng, cái chết gần bên ta trong một sợi tóc mà thôi, mà ta không thấy, tại sao ta không nhìn thấy? Rồi trả lời, chắc quí vị thấy, tại vì vô minh che đậy mọi việc, nên thấy xấu cho là đẹp, thấy trái với sự thật mà Đức Phật đã dạy. Đó là vô minh vậy.

Bóng tối và gió bão cùng những con cá đang chờ ăn thịt ta, ví như nạn tai đợi chờ ta trong tam giới. Đối với sóng to gió lớn mà lại vô phương chống chỏi, thật là kinh khủng phi thường. Vậy tại sao ta không tìm lấy một vật gì để nương tựa vào? Đức Thế Tôn có dạy, còn có con thuyền vượt qua khỏi biển rộng sóng to gió lớn và đầy loài cá dữ ấy, đó là Bát Chánh Đạo.

Tóm lại bề sâu của vô minh làm cho chúng sanh tối tăm không nhận thấy ba tướng trong luân hồi khổ... Bề rộng của vô minh là cái che lấp đường tiến thủ của chúng ta.

Vì vậy trong Bát Chánh Đạo có tám pháp mà tóm lại là giới, định, tuệ; không khác nào là chiếc thuyền có đủ tiện nghi cho ta vượt qua biển rộng.

Tôi xin ví dụ: Chiếc thuyền ấy là giới, định ví như cột buồm, cánh buồm là tất cả những tiện nghi trên ghe. Còn tuệ là vị thuyền trưởng thông hiểu phương hướng để đưa thuyền đến nơi đến chốn. Cũng có thể ví giới như là chiếc thuyền, định như sức mạnh đẩy thuyền vào bờ, tuệ ví như đèn soi đường thấy bờ bến để thuyền vào được.

Khi ta có giới, định, tuệ đầy đủ, dù hầm ái dục có sâu rộng và nhiều gian nguy, nhưng ta cũng có thể thoát ra được. Ta có thể tin như thế được, vì đã có nhiều vị đã giải thoát và có để lại phương pháp và họa đồ để ta noi theo đấy mà ra.

Người có tâm tự tại được những hạnh phúc sau đây:

1. Là đại phước.

2. Là người không dễ duôi.

3. Là người không xa chánh pháp.

4. Là người đã chuẩn bị sẵn sàng vật thực để đi đường xa.

5. Là người đã xa ác đạo.

6. Là người đã cúng dường sự hành đạo giải thoát của mình đến Đức Phật.

7. Là người có thân, khẩu, ý trong sạch.

8. Là người tự tại ngoài bốn hầm to lớn ấy.

9. Là người hành theo Phật ngôn.

10. Là người được hưởng an vui trong mọi hoàn cảnh.

11. Là người Phật tử chân chánh.

12. Là người hiểu rõ Pháp bảo.

13. Là người có thể làm gương mẫu cho đàng hậu tấn.

- HẾT-