Đời sống
Giảng Giải 38 Pháp Hạnh Phúc
Pháp sư Maha Thongkham (Bình Anson hiệu đính, 2006)
22/08/2554 23:20 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng


KỆ NGÔN V

 

HẠNH PHÚC XV

Dāna
Nết hạnh bố thí

 

 

Phạn ngữ Dāna (Tàu âm là Đàn na) nghĩa là bố thí, là cho cơm nước, quần áo, chỗ ở, thuốc chữa bệnh .

Đàn na bố thí hàm ý cắt đứt sự bỏn sẻn, đánh đuổi, sự bỏn sẻn ra khỏi tâm, cắt đứt sự tham lam trong lòng.

Đàn na bố thí còn hàm ý gìn giữ, nghĩa là sự bố thí giữ người thí chủ không cho ở trong ác pháp, là tham lam bỏn sẻn. Hơn nữa, sự bố thí ấy giữ người thí chủ không cho sanh vào địa ngục v.v...

Cuối cùng Đàn na bố thí có nghĩa là đem của mình có ra cho.

Nói đến sự bố thí hình như là ít có người hưởng ứng. Vì người ta quan niệm thông thường rằng người sanh ra để thu vào chứ không có phát ra. Và trong thực tế ai ai cũng đều ưa thu hơn phát. Thậm chí đến khi thấy người quanh mình đang bị đói khổ thiếu thốn, như những người đang bị tai nạn như cháy nhà hay bão lụt, nhà cửa không có, cơm cũng không, y phục cũng thiếu, tuy họ dư ăn dư để, nhưng không bao giờ tự động đem của ra cho đâu. Người mà được nghe tiếng bố thí nhiều nhất là tín đồ Phật giáo, vì tiếng bố thí là tiếng đầu tiên mà người Phật tử nghe và biết. Nết hạnh bố thí là nết hạnh học trước nhất trong Phật giáo, mà bố thí cũng là một pháp Ba la mật đứng đầu trong 30 pháp Ba la mật.

Người đời rất ưa sự tiến bộ về vật chất, nhưng người ta không nghĩ tới tinh thần. Ý tôi muốn nói sự tiến hóa về vật chất là sự giàu sang nhà cao cửa rộng. Còn sự tiến hóa về tinh thần là phương diện đạo đức.

Nếu người đời chỉ biết đi tìm lấy một điều duy nhất là sự giàu sang, thì càng ngày thế gian này càng nhiều đau khổ, vì ai ai cũng tranh nhau để mình làm giàu, không nghĩ đến người khác, không biết giúp đỡ kẻ đói nghèo, người hoạn hạn.

Con người tiến hóa về tinh thần thì lại khác, chỉ lo cho bản thân mình vừa phải, rồi lo giúp đỡ cho thân bằng quyến thuộc và cho tất cả người trong xã hội bằng mọi thể cách nhất là sự bố thí. Ai ai cũng có thể bố thí được tùy trường hợp và từng giây từng phút.

Đức Phật dạy pháp bố thí là phát ra những cái dư giả của mình, tùy theo mình có, cho người khác, trong khi người ấy đang thiếu hụt. Bố thí là nguyên nhân đánh đuổi sự bỏn xẻn và dứt bỏ được lòng tham lam trong tâm mình, làm cho tâm trở nên cao thượng quý báu. Tâm con người không được sự cao quý thống trị, sẽ khiến cho người bị phiền não, tức thì bị tam độc là tham lam, sân hận và si mê hoành hành. Đức Phật dạy tâm của chúng ta ví như con rắn, loài rắn thích ở nơi ẩm thấp. Tâm cũng vậy thích ở nơi thấp hèn là phiền não, vì có phiền não nên tâm ta bị chìm đắm trong tài, sắc, lợi, danh, vì vậy nên nó tham lam để đem lại lợi tức cho nhiều, đặng mua lấy những gì mà nó thích, còn ai chết mặc ai. Vì tâm ích kỷ dục lợi, nên không đem hạnh phúc vĩnh viễn lại cho ta, có được chăng chỉ tạm thời thôi. Vì muốn cho chúng sanh làm cho tâm mình trở nên cao thượng ra khỏi nơi ẩm thấp là bỏn xẻn, tham lam và ích kỷ ấy, nên Đức Phật dạy ta pháp bố thí. Bố thí là pháp đối trị của bỏn xẻn, tham lam, dục lợi và ích kỷ.

Bố thí có hai cách, có hai ý nghĩa khác nhau:

- Cho để làm ơn.

- Cho có ý là làm phước, để dứt lòng tham lam, trừ bỏn xẻn và ngừa sự ích kỷ dục lợi. Đây thật là bồi bổ đức tính từ bi.

Người thường hiểu lầm rằng cho là làm ơn và làm phước.

Trong Phật giáo có dạy bố thí và làm ơn khác nhau. Người cho thì muốn người thọ lãnh biết đến mình và muốn người thọ lãnh luôn luôn nhớ lấy của cho ấy, tiếng Phạn gọi là Sanghaha nghĩa là giúp đỡ. Còn người bố thí (đàn na) thì trong mỗi việc bố thí nào cũng đều có tác ý là thuơng hại người mà mình cho (đó là lòng từ bi) và quyết diệt lòng tham lam, bỏn xẻn, trừ cả lòng ích kỷ của mình.

Chúng ta cho ai một vật gì, đừng muốn cho họ nhớ ơn mình và đền ơn mình, để tránh nguyên nhân sanh thêm phiền não. Bố thí cố dứt phiền não ở lòng mình là cao thượng.

Người làm phước nên làm bằng tác ý lành, cố tránh phiền não và nên để lòng thương người bị hoạn nạn, như mình thương bản thân mình hay là thương con đẻ của mình. Làm như vậy mới là bố thí. Làm như vậy là ta bồi bổ thêm tâm lành của ta và ta diệt phiền não bỏn xẻn, ích kỷ. Đó mới là tu, nghĩa là sửa chữa lòng mình, không cho còn phiền não nữa.

Sự bố thí hợp pháp theo Phật giáo, có 3 điều kiện là:

1. Vật bố thí trong sạch: Đồ vật đem ra bố thí ấy do nơi sự làm ăn chân chánh mà có, nghĩa là của ấy do nơi chánh mạng và chánh nghiệp tạo ra, không do sự trộm cướp hay lường gạt của người đem về làm của mình. Vả lại, không bao giờ Đức Phật dạy bố thí nhiều hay chê bố thí ít, mà chỉ cần của ấy là của hợp pháp thôi.

2. Tác ý trong sạch: Người cho vì lòng từ ái mà cho, chớ không phải cho để mong được một lợi lộc nào khác, chẳng hạn như bố thí để được sanh về cõi trời hay cõi nào. Để vun trồng tác ý cao thượng ấy, Đức Phật dạy nên bố thí bằng cách vô úy thí, nghĩa là người bố thí không chọn người thọ lãnh, mà cũng không nghĩ một điều nào ngoài ra lòng từ ái, muốn làm lành, muốn diệt trừ tham lam, bỏn xẻn, ích kỷ trong tâm của mình.

3. Người thọ lãnh trong sạch: Người thọ lãnh là người có giới đức trong sạch đáng thọ lãnh của bố thí.

Nhiều người bỏn xẻn, khi có tiền của dư giả mà thấy người nghèo khổ hoạn nạn cũng làm lơ không giúp đỡ. Hạng người này càng được của cải nhiều, càng bỏn xẻn nhiều, và vì lẽ ấy mà khong khi nào giải thoát được; trái lại, phải đọa vào ác đạo là khác. Đành rằng bỏn xẻn ấy không hại ai, nhưng tâm bỏn xẻn không gọi là thiện được. Tuy những người bỏn xẻn thường nói họ là người tu, vì họ không có làm gì nên tội hết.

Trong thực tế, sở dĩ hạng người ấy không có làm tội là vì họ sợ pháp luật của chính quyền, hoặc vì danh dự hay trường hợp thuận tiện chưa đến, bởi nếu có dịp, chưa chắc họ không nhân cơ hội làm điều tội lỗi. Riêng người tu là người có phát nguyện xa tội ác, vì ghê sợ và hỗ thẹn tội ác, nên không dám làm tội, mặc dù là có làm, cũng không ai biết. Hơn nữa, người tu càng cố gắng giữ lấy đức hạnh của mình, như là lo cho đời sống của mình.

Đức Phật dạy: Tiền tài là món thuốc độc dành cho người kém trí tuệ; trái lại, đó là món thuốc bổ cho bậc trí thức.

Thật vậy, người kém trí tuệ mê theo tiền tài, không hề làm một việc lành nào mặc dù rất nhỏ, lại còn hay lường gạt cướp bóc của người đem về cho mình, để rồi, chừng sắp chết, họ tiếc của phải bị bỏ lại dương trần, khi mà họ muốn gần của ấy mãi. Tiếc của như vậy có nguy hại vô cùng, như sự tích sau đây:

Tại kinh đô Sāvatthī, có một ông trưởng giả rất là ích kỷ, không bao giờ bố thí một đồng điếu cho người ăn xin. Người trong thành đặt tên ông là Micchāriya (bỏn xẻn). Ông có chôn rất nhiều khạp vàng. Khi sắp chết ông sực nhớ lại vàng ấy, mà ông không có dịp tỏ cho người nhà hay. Vì luyến tiếc vàng ấy, nên ông lại sanh làm chó trong gia đình của ông. Khi chó ấy lớn lên, nó rất khôn và giữ của rất giỏi, nên con ông lấy làm thương mến.

Ngày nọ, Đức Thế Tôn đi khất thực ngang qua nhà con ông trưởng giả, con chó chạy ra sủa. Đức Thế Tôn mới phán hỏi: "Trưởng giả Micchāriya, người đã sanh vào nhà này rồi hả?". Oai lực của Đức Thế Tôn làm cho chó ta nhớ lại tiền kiếp, lấy làm buồn và trở về nhà nằm.

Khi con ông trưởng giả đi công việc về, không thấy chó chạy ra mừng như mọi khi, mới hỏi rằng tại sao chó hôm nay coi buồn như vậy? Người nhà cho hay khi nãy thầy Cồ Đàm đi ngang qua đây, không biết có nói gì mà chó buồn như vậy. Con ông trưởng giả lấy làm tức giận, lập tức vào chùa hỏi Đức Thế Tôn.

Đức Thế Tôn mới ngự đến nhà của trưởng giả và hỏi chó rằng: "Này Micchāriya, ngươi còn chôn vàng ở đâu sao không chỉ cho con ngươi?" Chó riu ríu lại moi chỗ chôn vàng, con ông trưởng giả mới đào lên được vàng của cha chôn lúc trước.

Tích này cho thấy rằng lòng bỏn xẻn, sự tham lam và tâm quyến luyến của cải có hại như vậy. Vậy các bậc trí thức nên dùng của cải làm việc từ thiện; bố thí là gởi của về ngày vị lai. Người bỏn xẻn trong kiếp này tuy là dư ăn dư để, nhưng kiếp sau họ sẽ trơ trọi nghèo nàn. Tại sao vậy? Vì người bỏn xẻn không kết trước duyên lành với kẻ khác, không có lòng từ ái thương hại kẻ khác đang chịu thiếu thốn bần hàn cực khổ. Vì quả của bỏn xẻn ấy, kiếp sau nghèo khó bần hàn thiếu hụt mọi bề, không ai giúp đỡ cho khi hoạn nạn.

Sau đây là một sự tích bố thí:

Đời Đức Phật Ca Diếp, có một thanh niên xuất gia mà hằng ngày về thọ thực ở nhà cha mẹ. Ngày nọ sau khi thọ thực xong, ra về đến gần chùa, chàng trông thấy một con chó cái mù cả hai mắt với một bầy con ốm vì thiếu ăn bu lại bú. Tình cảnh thật là bi đát. Khi chàng thấy vậy, lòng thương hại chợt phát sanh. Chàng không biết lấy gì cho chó ăn. Chàng bỗng nhớ lại mình vừa thọ thực xong, chàng liền dùng tay móc cổ cho ói vật thực ra cho bầy chó ấy ăn. Nhờ bữa ăn ấy, chó mới đủ sức khỏe đi ở nơi khác.

Sau khi chết, chàng thanh niên ấy được sanh về cõi trời, hưởng sự an lạc trong cõi trời từ đời Đức Phật Ca Diếp tới đời Đức Phật Thích Ca. Chàng lại sanh vào một gia đình Phật tử và có đức tin xuất gia theo Phật giáo. Nhờ phước báu bố thí từ kiếp trước còn dư sót, nên người trong thành rất trong sạch với chàng, bố thí rất nhiều vật thực, đến đổi dùng không hết.

Trong sự tích trên đây, của bố thí không cần phải là bạc nén vàng thoi hay là cao lương mỹ vị và cần thiết nhiều, nhưng cốt ở tâm trong sạch của mình. Nếu quí vị không muốn gặp những cảnh tượng hãi hùng như nhà cháy, bão lụt v.v... thì nên làm việc phước thiện cho những nạn nhân thiên tai hỏa hoạn. Đức Phật dạy hễ vừa lòng cho, thì bằng được vừa lòng. Khi ta giúp người qua khỏi cơn tai nạn, thì ta lại được phước và sẽ khỏi tai nạn.

Bố thí chia ra làm hai loại là:

1. Amissadāna: tài thí, là bố thí cơm nước, y phục, thuốc uống và chỗ ở.

2. Dhammadāna: pháp thí, là bố thí pháp.

Đức Phật có dạy: Sabbadānam dhammadānam jināti, nghĩa là trong các sự bố thí chỉ có bố thí pháp là cao thượng hơn hết. Vì người bố thí pháp gọi là bố thí thiên đàng, Phạm thiên và Niết Bàn. Tại sao? Vì người đời biết tu hành là nhờ nghe pháp; nhờ sự tu hành ấy mà người được sanh vào cõi trời, hoặc cõi Phạm thiên hay đắc đạo quả Niết Bàn.

Người bố thí tứ vật dụng, là cơm nước, y phục, thuốc men, nhà ở, làm cho người thọ lãnh được sự an vui cấp thời về vật chất thôi. Còn bố thí pháp có thể làm cho người rất hung dữ trở nên lương thiện, chớ ta không thể đem tiền của thuê người ác trở nên thiện được, vì vậy nên bố thí pháp, có phước vô lượng vô biên. Đức Phật dạy: Có người nào giàu vô cùng tận, mời thỉnh chư Chánh đẳng Chánh giác, Độc giác và chư Thánh Tăng ngồi chật quả địa cầu này, rồi bố thí tứ vật dụng; đoạn chư thánh nhân cầu chúc cho. Người này được phước không sao tả được, nhưng phước ấy không bằng một phần 16 của một phần, của một pháp sư thuyết chỉ một nữa câu kệ ngôn thôi.

Nếu có người hỏi: Vậy thì chỉ có các vị pháp sư mới bố thí được pháp thôi, còn chúng tôi là cư sĩ thì làm sao bố thí được?

Thật ra ai ai cũng có thể bố thí pháp được, bằng cách thỉnh chư pháp sư về nhà thuyết pháp cho bạn đồng đạo đến nghe, hay là hùn tiền để ấn tống kinh sách. Điều hay hơn hết là quí vị nhờ một vị pháp sư nào viết sách rồi quí vị ấn tống. Đây thật là phước cao thượng.

Hạnh bố thí đem đến những điều hạnh phúc sau đây:

1. Bố thí là nhân của tất cả sự an vui.

2. Bố thí là nguồn gốc của sự có tài sản.

3. Bố thí là kho chứa tài sản.

4. Bố thí là thành trì kiên cố để che chở tai nạn cho thí chủ.

5. Bố thí là vật nương nhờ của ta trong ngày vị lai.

6. Bố thí ví như hang sư tử cư ngụ, tất cả các giống thú không bao giờ dám bén mảng đến gần hang ấy.

7. Bố thí ví như mặt địa cầu; địa cầu là nơi nương nhờ của nhân loại.

8. Bố thí ví như sợi dây để buộc tâm con người, không cho phóng túng chạy theo tội ác.

9. Bố thí ví như ghe thuyền, có khả năng đưa người qua sông biển là luân hồi.

10. Bố thí ví như người chiến sì can đảm xông pha trong trận giặc, đó là giặc phiền não.

11. Bố thí ví như thành quách kiên cố.

12. Bố thí ví như hoa sen sanh trong bùn, nhưng không hôi tanh mùi bùn.

13. Bố thí ví như lửa thiêu đốt các ác pháp là tham lam, bỏn xẻn, ích kỷ, dục lợi.

14. Bố thí ví như rắn độc cắn chết các ác pháp.

15. Bố thí ví như sư tử không hề biết sợ một loại thú nào.

16. Bố thí ví như voi, vì voi là thú có sức mạnh hơn hết, bố thí cũng có sức mạnh thắng các ác pháp.

17. Bố thí ví như thiên lý mã, có sức chạy rất mau, chạy khỏi phiền não là tham lam v.v... và chạy tới Niết Bàn.

18. Bố thí là con đường đi của các bậc thánh nhân, nhất là Đức Phật.

19. Bố thí là một hạnh của chư Phật.

20. Bố thí kết quả cho người không thiếu thốn những gì khi còn luân hồi trong tam giới.

21. Bố thí cho sanh làm Đế Thích.

22. Bố thí cho sanh vào cõi Tha hóa tự tại.

23. Bố thí được sanh làm vua Chuyển luân vương.

24. Bố thí làm cho đắc quả Thinh văn.

25. Bố thí làm cho đắc quả Độc giác.

26. Bố thí làm cho đắc được quả Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.

 

 

HẠNH PHÚC XVI

Dhammacariyā
Hành theo pháp

 

Dhammacariyā nghĩa là hành theo pháp. Người hành theo pháp là người được sự hạnh phúc, làm cho người tiến hóa trên đường đời cũng như trên đường đạo. Chúng ta nên hành cách nào gọi là hành theo pháp?

Đây xin chia ra làm ba phần:

1. Pháp là gì?

2. Phương pháp hành theo pháp?

3. Khi hành theo pháp được những hạnh phúc gì?

Trong Hạnh phúc thứ XVI này, chỗ trọng yếu là pháp và phương pháp hành theo pháp. trước hết chúng ta nên biết pháp là gì đã? Nếu hỏi thế, thật khó đáp cho đúng trong mấy câu ngắn. Nhưng có thể nói rằng: Pháp là thiện ác, không thiện, không ác, là sắc thinh, hương vị xúc, sắc, thọ v.v... Có người lại nói pháp là vật vô hình khó hiểu, cần phải hiểu bằng trí tuệ.

Tôi xin giải tóm tắt:

1. Sự hành động đúng gọi là lành hay thiện, Đức Phật gọi là thiện pháp.

2. Sự làm hại kẻ khác, làm cho người hay thú đau khổ, gọi là làm ác, Đức Phật gọi là ác pháp.

Giảng tóm tắt như vậy thì có vị muốn hỏi: Nếu pháp mà giải dễ hiểu như thế, thì cần gì Đức Thế Tôn phải dạy tám muôn bốn ngàn pháp môn?

Hỏi như thế thật là chí lý, nhưng tôi lược giải như trên là tôi muốn nói cái ý nghĩa cốt yếu của pháp, chớ chưa phải là pháp môn.

Đức Thế Tôn có mười hồng danh, mà chư thiên, Phạm thiên ca tụng. Trong mười hồng danh ấy có hai hồng danh có ý nghĩa từa tựa nhau là: Buddho - Phật, và Bhagavā - Thế Tôn.

Phật có nghĩa là hiểu thông các pháp và phân biệt được ác hay thiện và người hành theo pháp nào được an vui, pháp nào đưa khổ đến. Còn Thế Tôn có nghĩa là chia ý, vì tiếng Phạn Bhagavā nghĩa là chia từng phần. Đức Thế Tôn chia pháp môn ra từng phần để dễ hóa độ chúng sanh, vì chúng sanh có cơ duyên không giống nhau.

Còn một vấn đề rất khó là sự chọn lấy một con đường chân chánh để hành theo và chọn lấy pháp nào làm tiêu chuẩn để hành theo?

Muốn quí vị dễ hiểu, tôi xin đem pháp tiêu chuẩn mà Đức Phật đã dạy để quí vị quan sát hành theo thiện pháp.

Đức Thế Tôn có dạy ba điều để người làm tiêu chuẩn, như cây thước để đo biết pháp nào ác, pháp nào thiện. Ba pháp ấy gọi là Adhipatī, xin tạm dịch là chủ quyền:

1. Attādhipatayya: theo ý mình.

2. Lokadhipatayya: theo ý người đời.

3. Dhammādhipatayya: theo pháp.

Ba điều Phật dạy trên có thể đem so sánh với những điều thường có ở đời. Theo ý mình, có thể sánh với chính sách độc đoán chuyên chế. Theo ý người đời, có thể sánh với chính sách dân chủ. Còn theo pháp, thì ở ngoài hai chính sách trên, vì theo pháp là nguyên nhân xuất thế gian, nghĩa là giải thoát khỏi các sự ràng buộc trong đời, tức là phiền não. Người hành theo pháp, thì không còn độc tài hay dân chủ.

Tôi xin giải ba điều ấy

1. Theo ý mình: Người theo ý của chính mình là người có tánh độc tài, không bao giờ chịu nghe lời ai hết, thích sao làm vậy, cố chấp ý kiến của mình không chịu nghe lời ai khuyên bảo. Những người làm theo ý mình một cách độc tài như vậy thường hay đi tới chỗ tai hại, và ít nhất là cũng sai lầm.

Nếu trong xã hội mỗi người theo ý của riêng mình, thì xã hội không còn là một xã hội thuần túy an vui, vì quyền lợi của cá nhân này, sẽ phản trái với quyền lợi của cá nhân khác và sinh ra xung đột vô cùng vô tận. Tinh thần độc đoán của người này, không dung nạp được tinh thần độc đoán của người kia và tự do cá nhân không có luật lệ kiềm hãm sẽ gây hỗn loạn.

Người độc đoán không làm gì nên việc, chỉ làm hại cho mình và người bạn mình thôi. Gia đình nào có người chồng, hay cha, hoặc con vợ như thế, thật khổ cho gia đình ấy.

2. Làm theo ý người đời: Làm theo ý người đời, có ít khi lợi lạc , mà nhiều khi tai hại. Lợi là khi nào ý của người đời hiệp theo lẽ phải, thiên về đạo đức. Bằng trái lại thì tai hại cho mình và cho cả người đời. Theo ý người một cách mù quáng thì chắc chắn tai hại, theo ý người đời một cách sáng suốt sao cho dung hòa được quyền lợi chung, thì mới lợi lạc. Chế độ dân chủ chân chánh là chế độ xây dựng theo ý kiến của người đời, mưu đồ lợi lạc cho quảng đại quần chúng.

Đức Phật thiên về ý kiến phần đông, nên Ngài dạy chư Tăng nên hội họp lại làm Tăng sự và hội họp lại để giải quyết những chuyện gì xảy ra trong tăng chúng, mà một số ít người không giải quyết xong.

Đức Phật dạy: Nesāsabhā na santisanto, nghĩa là nơi hội họp nào không có bậc tri thức, đều trở thành vô dụng. Chung qui lại, sự lấy theo ý kiến phần đông cũng tùy trường hợp của nhóm người cho ý kiến, ngoài ra, ta còn cần phải có trí tuệ để phán đoán.

3. Làm theo pháp: Trong đoạn trước tôi đã nói, pháp là một cái cân hay là sự công bình, chỉ biết là lẽ phải, và pháp là nguyên nhân của chánh lý. Xét về mặt đời, theo pháp có thể nói là theo lẽ phải, theo chánh nghĩa, theo luật công bình.

Về phương diện Phật giáo, theo pháp là sửa chữa bản thân mình cho khác hơn, thường là thọ trì ngũ giới hay bát quan trai giới, đi chùa nghe pháp, tụng kinh niệm Phật, và nếu có thể, xuất gia làm sa di hay Tỳ khưu để giải thoát khỏi vòng luân hồi.

Hành theo Phật pháp có thể chia ra làm 3 hạng:

1. Pathamacariyā: hành theo bậc sơ cấp, là thọ ngũ giới, hay bát quan trai giới, giữ thập thiện, lễ Phật mỗi ngày, vào chùa học pháp Phật.

2. Majjhimacariyā: hành theo bậc trung, là học tham thiền theo phương pháp Chỉ quán.

3. Uttmacariyā: hành theo bậc thượng, là học tham thiền theo phương pháp Minh sát tuệ.

Hành bậc sơ cấp là dạy thân:

a) Thân không sát sanh. Giới sát sanh của Phật dạy là không giết con vật nào có sự sống, bỏ cả khí giới trong tay, nghĩa là không bao giờ trên tay cầm khí giới, người phải có hổ thẹn và ghê sợ tội lỗi, như người kinh sợ rắn độc vậy; ngoài ra còn hết lòng từ ái giúp đỡ nhân loại;

b) Không trộm cắp, mặc dù cây kim, ngọn cỏ. Đây là nhằm ngăn chặn lòng tham lam.

c) Không tà dâm, xa hai mươi hạng phụ nữ như đã có giải trong Hạnh phúc IX. Đây là nhân chặn đứng lòng tham dục.

Hành bậc sơ cấp về khẩu:

a) Không nói dối. Người không nói dối, dù đứng trong trường hợp nào cũng giữ được phong độ của người chân thật, thà chết chớ không bao giờ nói dối, mặc dù người có cho gì cũng không màng.

b) Không nói đâm thọc, nghĩa là không thiên về một bên nào, không đem chuyện mình đã nghe mà thuật lại cho người thứ nhì nghe.

c) Không nói lời hung ác, nghĩa là một tiếng gì xấu cũng không nói, mặc dù có một nhóm người thích nói.

d) Không nói lời vô ích, nghĩa là lời nói nào không đem lợi ích lại cho mình và người bên mình.

Về sự hành động:

a) Không tham lam, nghĩa là không bao giờ nghĩ tới tài sản của người khác cho là đẹp là quí và muốn đem về cho mình. Người tu hành chân chánh, mặc dù sự mơ ước, cũng gắng đánh đuổi ra khỏi lòng mình.

b) Không làm hại kẻ khác, nghĩa là không cột oan trái oán thù, mặc dù sự nghĩ đến oan trái oán thù cũng gắng diệt bỏ.

c) Không có tà kiến nghĩa là không nghĩ sai lầm, như nghĩ về quả của nghiệp thiện hay ác cũng không có, không có thiên đàng, địa ngục v.v...

Hành theo pháp có được những hạnh phúc:

1. Đại phước .

2. Không dễ duôi.

3. Hành theo chánh pháp.

4. Làm cho Phật giáo được thịnh hành.

5. Được an vui trong đời này và vị lai.

6. Không bị kinh sợ và không có oan trái.

7. Không làm cho chúng sanh kinh sợ.

8. Đi theo con đường của các bậc trí thức.

9. Xa kẻ thù bên ngoài là người ác, và kẻ thù bên trong là phiền não.

10. Tự tạo ra thiên đàng và Niết Bàn cho mình.

Đây xin nhắc lại một tích để quí vị dễ nhận thức:

Khi Đại đức Millaka chưa xuất gia, ngài là một người thợ săn rất giỏi, mỗi ngày giết rất nhiều thú. Ngày nọ ăn cơm xong không có nước uống, ngài mới đi tới một tư thất của một vị đại đức ở trong rừng tìm nước uống. Khi dở nấp hủ nước ra, không thấy có nước, ông ta nổi giận nói: "Thầy Tỳ khưu ăn cơm của tín đồ xong, lo tìm chỗ thanh tịnh ngủ, chỉ có nước để uống mà cũng không có một nhiểu để làm thuốc, thật là tệ".

Vị đại đức nghe vậy lấy làm lạ, nghĩ rằng: "Ta đã múc nước đầy rồi, tại sao người này lại nói không có!" Ngài mới đến chỗ hủ nước xem coi, thấy nước vẫn còn đầy. Ngài mới múc cho ông thợ săn ấy một gáo. Ông ta uống cả thảy 32 gáo. Khi uống xong ông ta mới nghĩ: "Kiếp sau của ta sẽ ra sao kìa? Ta làm nhiều tội lỗi đến đổi hủ nước đầy mà ta không trông thấy".

Ông chán vì tội của mình đã làm, nên xin xuất gia. Sau khi xuất gia xong, ông cố hết sức hành đạo, nhưng không bao giờ tâm ông trụ lại. Vì khi ông tham thiền, thì trông thấy những con thú bị ông giết bằng cách này, cách nọ, thật là ghê. Ông cảm thấy ông không thể hành đạo được, mà ở ăn của tín đồ càng thêm tội, nên ông xin với thầy tế độ cho ông hoàn tục.

Thầy tế độ bèn dạy: "Được, nhưng ngươi phải đốn cây tươi chất cho thật nhiều lại cho ta, rồi ngươi đốt cho cháy hết đi". Ông gắng làm nhưng không thể nào đốt cây tươi cháy được.

Thầy tế độ thấy vậy mới nói: "Ngươi để đó cho ta."

Rồi ngài dùng thần thông lấy một đốm lửa bằng con đom đóm để vào đống cây tươi thật to ấy, đống cây ấy cháy trong nháy mắt, chỉ còn tro thôi.

Khi ông ta biết đó là lửa địa ngục, rất lấy làm kinh sợ mới hỏi thầy rằng: "Bạch Thầy, đạo Phật có thể đưa con người khỏi khổ được chăng? Nếu có thật, đệ tử nguyện hết lòng tinh tấn tu hành để giải thoát".

Từ ngày ấy ông gắng hết sức tu hành không hề xao lãng. Khi nào tham thiền mà buồn ngủ thì ông lấy khăn nhún nước bịt đầu, còn chân thì ngâm trong nước.

Ngày nọ, ông đổ nước vào lu xong, còn cái nồi nước, ông để trên vế; những giọt nước còn dư nhiễu xuống. Ông thầy tế độ thấy vậy mới dạy rằng: "Quyền chức thường đến cho người siêng năng, có trí nhớ, việc làm trong sạch, suy nghĩ trước mới hành động sau, người hành theo chánh pháp và không dễ duôi".

Ông nghe câu ấy, liền suy nghĩ rằng: "Đã gọi là người siêng năng thì như ta đây là người có trí nhớ, việc làm chân chánh, suy nghĩ trước thực hành sau, đã thu thúc ở trong chánh pháp, không dễ duôi". Ông nghĩ thấy sự tu hành của ông trong sạch, giới hạnh thanh cao, ông dùng trí tuệ quan sát thân này là vô thường, khổ não và vô ngã, đắc được quả A Na Hàm.

Tích này cho quí vị thấy mặc dù người đã làm tội, sau biết ăn năn, lo tu hành tinh tấn, thì cũng đắc được đạo quả, trừ phi người phạm vào ngũ nghịch đại tội.

 

 

HẠNH PHÚC XVII

Ñātakānañca saṅgaho
Giúp đỡ quyến thuộc

 

Ñāti nghĩa là quyến thuộc. Hạnh phúc này xin chia ra 3 phần:

- Quyến thuộc là gì?

- Sự giúp đỡ quyến thuộc.

- Hạnh phúc sanh lên do sự giúp đỡ quyến thuộc.

Quyến thuộc là gì? Cha mẹ, vợ, con, là ba hạng người thân nhau nhất và gần nhau hơn hết, không gọi là quyến thuộc, không thể gọi là bà con được, vì có giới hạn riêng.

Quyến thuộc có thể nói có hai hạng:

- Quyến thuộc là những người cùng một dòng huyết thống.

- Quyến thuộc là những người cùng một tôn giáo.

Đức Phật đã dạy sự tiếp độ quyến thuộc là sự hạnh phúc. Nhưng ta nên biết phương pháp giúp đỡ, chẳng nên giúp đỡ mà thiếu suy nghĩ, hay vì lòng tự ái của mình. Đức Phật dạy giúp đỡ quyến thuộc, những phải biết rõ điều lợi hại cho mình và cho quyến thuộc mình, chớ đừng làm một cách thiếu suy nghĩ.

Đức Phật dạy thực hành ba điều:

- Lokatthacaruya: giúp đỡ người đời.

- Ñātatthacariya: giúp đỡ quyến thuộc.

- Buddhatthacariya: giúp đỡ Phật tử.

Đức Thế Tôn giúp người đời bằng cách dạy người đời phải giúp đỡ nhau, thương yêu nhau và đừng làm điều gì oan trái oán thù mà hại nhau, hãy xem nhau như quyến thuộc, không phân biệt giai cấp và chủng tộc.

Ngài giúp đỡ Phật tử bằng cách chỉ dạy Phật tử phải hành đúng theo con đường đi đến nơi giải thoát. Lắm khi Ngài đến thăm các vị Tỳ khưu bệnh và chính tay Ngài tắm rửa săn sóc, như Ngài săn sóc vị Đại đức tên Girinanda; Ngài đi hoá độ những người hữu duyên với ngài như tướng cướp hung tàn nhất trong thời đó, là Vô Não. Tướng cướp này xách gươm rượt Phật cả 3 do tuần, mỗi do tuần 16 cây số ngàn thời bấy giờ, được Ngài độ cho trở nên một vị A La Hán.

Còn đối với quyến thuộc, sau khi xuất gia, Ngài không còn lưu luyến và cũng chẳng màng gì đến sự giúp đỡ của quyến thuộc, vì Ngài đã thoát vòng của thế tục. Nhưng Ngài cũng không bỏ quyến thuộc, khi biết quyến thuộc có hại, như khi Ngài biết rằng hai họ Koliya là họ mẹ và Thích Ca là họ cha, vì giành lấy dòng nước mà đem binh ra đánh nhau, Ngài ngự đến thuyết pháp, khuyên hai họ bỏ oán giận. Cả hai bên vâng lời Ngài không đánh giết nhau. Lần thứ nhì Ngài biết rằng Thái tử Viduapha sẽ đem binh về tiêu diệt dòng Thích Ca, Ngài mới ngự đi đón Thái tử ba lần, đến lần thứ tư Ngài không đón cản nữa vì Ngài biết rằng oan trái của hai bên rất nặng, cái nghiệp đã đến, Ngài không dự vào.

Nếu có người hỏi: Đã nói rằng Phật là Đấng thông hiểu cả mọi việc, vậy Ngài không biết rằng không thể ngăn được sao, mà Ngài phải cất công đi tới 3 lần đón Thái tử?

Đức Phật biết chắc là không thể cản được Thái tử, nhưng Ngài phải đi như vậy để chúng sanh sau này không nói rằng Đức Phật dạy người tiếp độ quyến thuộc, mà chính Ngài không tiếp độ hay ngăn ngừa tai họa cho quyến thuộc.

Khi ta nghĩ kỹ lại thì sự giúp đỡ quyến thuộc của Ngài trong trường hợp này không có hại gì cho Ngài và cho quyến thuộc. Ngài giúp quyến thuộc là một chuyện, và cái quấy, cái nghiệp của quyến thuộc là chuyện khác.

Theo Phật pháp, có mấy phương pháp giúp đỡ quyến thuộc rất hoàn toàn như:

- Dāna: giúp đỡ vật liệu như tiền của, cơm nước, y phục, thuốc men, nhà cửa, không để cho quyến thuộc phải cực khổ vì sự thiếu thốn.

- Piyavācā: lời nói êm dịu, ý nói khi nào mình giàu có, có quyền chức, đối với quyến thuộc, một mực thương yêu, không vì lẽ có quyền chức giàu có mà khinh khi quyến thuộc, nói lời bất nhã.

- Atthacariyā: Gắng giúp đỡ quyến thuộc được nhiều lợi ích hợp pháp. Khi quyến thuộc gặp tai nạn, như có tang, ta nên giúp tùy theo sức mình, hoặc quyến thuộc, mình có chuyện gì khác, mà khi mình giúp không hại cho mình và được an vui cho quyến thuộc.

- Samānatta: hòa mình theo quyến thuộc, nghĩa là kính trọng bậc trưởng thượng, thương yêu người nhỏ, nể nang người ngang hàng với mình, không hống hách hay khinh khi quyến thuộc.

Đức Phật dạy có hai cách giúp đỡ quyến thuộc:

- Amisasaṅgaha: giúp đỡ tài chánh.

- Dhammāsaṅgaha: giúp đỡ bằng cách gắng lo giúp đỡ quyến thuộc bỏ dữ về lành, tu hành theo chánh pháp để mau giải thoát.

Sự giúp đỡ quyến thuộc những điều hạnh phúc như:

1. Đại phước cho mình.

2. Quyến thuộc nhớ đến mình luôn luôn.

3. Càng ngày càng gần với quyến thuộc.

4. Quyến thuộc kính mến.

5. Quyến thuộc càng ngày càng đoàn kết chặt chẽ.

6. Sự thương yêu lẫn nhau càng ngày càng gia tăng.

7. Đó là pháp cao thượng trong Phật pháp.

8. Đó là việc làm của các bậc trí thức.

9. Đó là gương mẫu cho kẻ hậu sanh.

10. Là con đường đi của các bậc trí thức.

11. Là con đường đi đến thiên đàng.

12. Không còn có oan trái và kinh sợ.

13. Lợi ích cho mình trong kiếp này và vị lai.

14. Là duyên đưa đi đến an lạc.

15. Cũng là một nguyên nhân làm cho người được Niết Bàn.

Tích xưa:

Thời quá khứ, Đức Bồ tát sanh làm chó chúa đàn ở ven rừng gần thành Barānasī. Ngày nọ, đức vua Barānasī ngự xem vườn thượng uyển về. Ngài ngự đi bằng xe ngựa: tối về, người phu xe mới đem xe để trước sân. Đêm ấy trời mưa to ướt cả đồ bắc kế ngựa. Những con chó trong cung mới cắn đứt và ăn hết đồ ấy. Sáng ngày tên phu xe thấy vậy lấy làm kinh sợ, mới vào tâu với vua rằng: "Những con chó ngoài thành, lén vào cắn ăn hết yên cương của xe". Đức vua cả giận, mới truyền bắt hết chó ngoài thành và giết hết.

Chó chúa thấy quyến thuộc mình bị giết một cách tàn ác và đã chết rất nhiều, chó chúa mới nghĩ rằng: "Ta phải làm sao để cứu giúp quyến thuộc thoát khỏi tai nạn này?". Rồi chó chúa mới phát nguyện pháp Ba la mật, cầu xin phước báo để vượt qua vòng của quân binh. Phát nguyện xong chó chúa liền chạy một mạch đến trước mặt đức vua, khi đức vua trông thấy chó chúa, liền sanh thiện cảm, nên không ai động chó cả. Đức vua mới phán hỏi tại sao nó lại chạy vào đền vua.

Chó chúa đáp: "Tâu Đại vương, có phải Đại vương ra lịnh tru diệt hết loài chó không?"

Đức vua đáp: "Phải, ta có ra lịnh ấy, vì tội của chúng dám vào hoàng cung cắn ăn đồ trang điểm xa giá của ta. Nếu chó không phá hại, thì ta không truyền lịnh giết; như chó trong cung ta, ta có ra lịnh giết đâu?"

Chó chúa tâu: "Tâu Đại vương, Đại vương có biết rằng chó nào cắn và ăn đồ ấy chăng?"

Đức vua đáp: "Không." Chó chúa nói: "Tâu Đại vương, khi ngài chưa hiểu rõ mà ra lịnh như thế, là chuyện bất công. Lẽ công nhiên nhà vua phải ở trong mười pháp và còn phải ở trong bốn pháp tây vị nữa. Bốn pháp tây vị là: vì thương, vì giận, vì si mê, vì sợ. Người mà còn ở trong 4 pháp ấy, chắc chắn khi chết phải bị đọa vào ác đạo". Sau khi nghe những lời ấy, đức vua lấy làm hoan hỉ trong sạch với chó chúa, nên phán hỏi rằng: "Này vị trí thức, người có biết chó nào cắn đồ ấy không?"

"Tâu Đại vương, sự thật chó ngoài thành không thể vào trong cung nội để ăn đồ ấy. Nếu Hoàng thượng còn nghi ngờ, xin lấy mở và đâm cỏ may trộn vào cho chó trong cung ăn thì nó sẽ mửa ra lập tức đồ bằng da ấy".

Đức vua lập tức truyền cho thị thần làm y như lời. Thì rõ ra chó trong cung nội ăn những da ấy. Đức vua phát tâm trong sạch và mời chó ngồi lên trên ghế và cúng dường như một nhà sư. Chó chúa mới thuyết rằng: "Tâu Đại vương, xin Đại vương hãy hành theo thập thiện và phụng dưỡng mẹ cha, làm như thế mới gọi là cao thượng".

Sau khi ấy chó chúa mới khuyến khích đức vua thọ trì ngũ giới, xong xuôi, chó chúa về rừng, nhà vua truyền ân xá tội cho chó. Và từ ngày ấy đức vua lo hành theo thập thiện.

Tích này ngụ ý khuyên ta nên giúp đỡ quyến thuộc lúc lâm nguy, nên hy sinh và bất cứ giờ phút nào ta có thể giúp được, nên giúp liền. Đó là con đường đi của các bậc trí thức.

 

 

HẠNH PHÚC XVIII

Anavijjāni kammāni
Nết hạnh làm những việc vô tội

 

Khả năng của người làm việc có thể chia ra làm hai phần là:

1. Người làm được việc.

2. Người làm việc được kết quả mỹ mãn.

Pháp Hạnh phúc thứ X dạy làm việc không nên bỏ dỡ, nghĩa là làm việc gì cũng phải cho đến chốn đến nơi. Hạnh phúc thứ XVIII này cũng dạy về làm việc, nhưng làm việc vô tội.

Theo quan niệm thông thường, thì người nào làm việc được việc gọi là giỏi. Người ta phê bình như vậy, mà không chịu xét đến tính cách và hậu quả của việc làm. Chính tính cách và hậu quả của việc làm mới bảo đảm giá trị của việc làm, nhất là xét theo khía cạnh của Phật giáo, chiếu theo pháp Hạnh phúc XVIII.

Trong Hạnh phúc XVIII này Đức Phật dạy: Làm việc chân chánh là làm việc hoàn toàn không tạo tội. Việc làm không tạo tội (vô tội) nơi đây chia ra làm hai phần: việc làm và người làm. Ở đây, việc làm là do thân, do khẩu, và do ý.

Việc làm do thân là việc làm nặng nề. Những việc ấy phải là việc vô tội, không sát sanh, không trộm cắp, không tà dâm.

Việc làm do khẩu là dạy học, hay giảng đạo cho người nghe, tuyệt đối không cho phạm vào giới nói dối.

Việc làm do ý là suy nghĩ điều thiện như học tham thiền và đánh đuổi ý ác như cột oan trái oán thù v.v...

Quí vị đạo hữu có nhiều tuổi, không còn làm việc nặng nề và không dạy học hay diễn thuyết về Phật pháp, quý vị phải làm những gì? Thiết tưởng quý vị nên học tham thiền và quan sát tâm, không cho tham luyến việc đời để đắp con đường vị lai.

Tuy nhiên, việc làm bằng tâm như thế chẳng phải riêng để cho quý vị lớn tuổi mà cho tất cả các hạng người trong thế gian, phương pháp này là phương pháp làm cho tâm mình được yên tịnh và đi theo chánh đạo.

Việc làm thế nào, gọi là việc làm vô tội? Việc làm vô tội là việc làm theo đúng lời Phật dạy. Theo quan niệm ở đời thì việc làm có tội là việc gì chính phủ đã ra điều luật ngăn cấm, mà ta còn phạm vào là tội. Có vị học theo tạng Luận lại dạy rằng, điều nào ta làm hợp pháp như là bố thí trì giới hay tham thiền, mà lòng mình còn mong mỏi sanh trong vòng tam giới gọi là Vattagāminikusala (phước hữu lậu), nghĩa là phước còn dẫn chúng sanh luân hồi nữa, điều làm này mặc dù là thiện, nhưng vì còn muốn sanh trong tam giới, vì còn trầm luân, là việc làm có tội.

Có vị lại dạy: Việc làm vô tội phải hành theo minh sát tuệ.

Hai định nghĩa trên đây về giáo lý rất đúng, nhưng rất tiếc, vì thật là khó, không đem ra thực hành được. Đây tôi xin ví dụ: Người đi đường buổi trưa nóng bức, khát nước, múc nước vũng bên đường uống. Nếu y múc phớt trên, thì bị rong bèo trên mặt nước, còn múc sâu quá thì lại nhằm bùn, bề nào cũng uống không được.

Muốn có nước uống được thì y phải lấy tay khỏa rong rêu đi và múc nhè nhẹ. Người học pháp này hành theo pháp cũng vậy, nếu hiểu một cách nông cạn, thì không được chu đáo, làm sao hành được. Còn bằng nghĩ cao sâu quá, cũng khó mà hành theo, vì lắm khi pháp ấy không phù hợp với trường hợp của mình đang hành. Vì vậy pháp sư cũng như người hành đạo đều phải biết pháp nào thích hợp với hoàn cảnh, mới có thể hành theo được.

Phạn ngữ Vajja nghĩa là tội, nhưng tội đây không phải là tội đối với chính phủ khiến bị phạt, bị tù hay bị cách chức, mà tiếng Vajja chỉ có nghĩa là bị rầy, bị chỉ trích, bị phê bình. Vì quan niệm khác biệt như vậy, nên chư Đại đức thường bị người đời chỉ trích, bởi người đời thấy chuyện nào đó là chuyện tội mà chư Đại đức không thấy phải tội, không sái, tội ấy gọi là Lokavajja, tội đối với đời. Ví dụ xưa kia, không có xe hơi nên không có luật cấm lái xe hơi, mà vị Đại đức nào lái xe ngày nay, chắc chắn có người đời chỉ trích, vì người ta chấp rằng chư Đại đức là bậc không còn có gì hơn là ba lá y che thân và bình bát để xin ăn thôi.

Đức Phật không dạy riêng cho người tại gia hay xuất gia mà dạy chung cho hàng Phật tử nên thận trọng làm việc đừng để bị phê bình hay chỉ trích (Vajjakamma). Sự tránh khỏi phê bình hay chỉ trích, chính là làm việc vô tội vậy.

Việc làm vô tội hay là khỏi bị phê bình chỉ trích theo Phật dạy là việc làm trong sạch đúng theo chánh pháp, không làm hại mình mà không làm hại kẻ khác, hay lợi mình mà hại kẻ khác, hoặc hại mình mà lợi kẻ khác, không có oan trái, oán thù, ganh tỵ.

Việc làm vô tội theo đời là việc làm của người đời, như làm ruộng, làm vườn, mua bán, làm thơ, và làm công v.v... nhưng những việc ấy không phạm luật quốc gia cũng không phạm luật đạo, như thập ác ... Còn việc làm vô tội theo lý đạo, là việc làm lành lánh dữ để tầm an vui cho vị lai, để tạo những phước báo như:

- Phước để sanh vào cõi dục giới, nghĩa là phước thiện này còn lẫn phiền não, nên sau khi quá vãng lại sanh vào sáu cõi trời dục giới; phước này do sự bố thí trì giới.

- Phước được sanh vào cõi sắc, nghĩa là phước này sanh vào cõi Phạm thiên hữu sắc, nhưng không phân biệt nam nữ nên không có vợ con như cõi dục, người được sanh vào cõi này là nhờ đắc được sơ thiền đến tứ thiền.

- Phước sanh vào cõi vô sắc, nghĩa là người đắc được thiền vô sắc, nên được sanh vào cõi vô sắc; cõi này không có thân xác, nhưng tâm vẫn còn; cõi này hưởng thọ sự an lạc của thiền định.

- Phước sanh vào thánh vức, nghĩa là người đã diệt được tất cả phiền não trong tâm sau khi quá vãng, được lên Niết Bàn.

Việc làm vô tội theo Phật pháp gồm 8 điều, gọi là bát quan trai giới. Bát quan trai giới gọi là việc làm vô tội. Bát quan trai giới làm cho tâm người sạch phiền não bên trong và đánh đuổi ngừa đón phiền não bên ngoài, không cho thâm nhập vào.

Tám điều ấy là:

1. Không sát sanh.

2. Không trộm cướp.

3. Không hành dâm.

4. Không nói dối.

5. Không uống rượu và các chất say.

6. Không ăn sái giờ.

7. Không múa hát, xem múa hát, trang điểm đeo vàng vòng, giồi phấn thoa son.

8. Không nằm ngồi nơi cao sang xinh đẹp.

Trong tám điều, từ điều một đến điều năm là giống như ngũ giới, chỉ khác ở chỗ hành dâm và tà dâm, giới tà dâm không cho tư tình với vợ con kẻ khác, còn giới hành dâm thì dạy trong ngày bát quan trai giới mặc dù vợ nhà cũng không được gần.

Về giới thứ 6, theo nguyên văn của Phạn ngữ, không ăn sái giờ là khi bóng đã xế chỉ qua một sợi tóc, cũng không ăn gì nữa. Nghĩa là có thể ăn được từ khi mặt trời mọc cho tới đứng bóng. Đức Phật dụng bóng mặt trời làm tiêu chuẩn, chớ không cần giờ. Vì Đức Phật biết rằng mỗi nơi giờ khắc khác nhau, thì khó cho chư Tỳ khưu theo, nên dùng mặt trời để cho chư Tăng sau này làm tiêu chuẩn. Giới này dạy giảm bớt sự ăn, để con người bớt bận rộn về ăn và còn dư thời giờ để niệm Phật tham thiền. Giới này làm cho con người biết tri túc. Vì miếng ăn mà chúng sanh làm thêm nhiều tội lỗi. Người không ăn cơm chiều, trước chưa quen, thấy khó chịu, sau dần quen, thấy trong người dễ chịu và nhẹ nhàng lại ít ngủ, nhờ vậy mà có thể tham thiền dễ dàng.

Giới thứ 7 là không múa hát, xem múa hát ... Đức Phật muốn kềm hãm tâm của chúng sanh lại, không cho ham mê những tiếng hay vị thơm và mê theo thân này, quên rằng mình già đi, lo tìm phương pháp che lấp cái già, tô lên phấn để dấu nét nhăn, nhuộm tóc đen lại để che cái trắng. Không trang điểm thân này để xa lần cái quý mến nó, mà nhờ vậy mà ta có thể tham thiền hay hành minh sát tuệ được.

Giới thứ 8 là không nằm ngồi nơi cao sang xinh đẹp, cốt là để trừ phiền não, tức là ham mê trong sự nằm, ngồi nơi tốt đẹp mềm dịu. Khi người thích sự nằm ngồi êm đẹp, thì gặp nơi khác, phiền não sanh lên làm cho tâm nhơ đục.

Bát quan trai giới có ba cách khác nhau:

- Paraka uposatha: nghĩa là bát quan trai giới thường. Bát quan trai giới này thọ trì một ngày một đêm. Mỗi tháng có 8 ngày là mùng 5, 8, 14, 15, 20, 23, 29, 30 (tháng thiếu thọ ngày 28, 29). Người ta có thể thọ đủ tám ngày, hay 4 ngày, 2 ngày tùy theo sức mình, không ai bắt buộc.

- Patijāgara uposatha: nghĩa là bát quan trai giới theo trật tự, theo đây thì trước ngày chánh của bát quan trai giới một ngày, phải nhớ sửa mình trong ngày ấy, rồi ngày sau là ngày chánh, nên tạm gọi là bát quan trai giới thọ ngày rước và ngày đưa. Bát quan trai giới này trong mỗi tháng có 12 ngày là mùng 1, 4, 6, 7, 9, 13, 16, 19, 21, 22, 24, 28, (tháng thiếu là ngày 27). Bát quan trai này nếu người thọ đủ mỗi tháng phải thọ 20 ngày (muốn hiểu rõ, xin xem quyển Nhựt Hành của Đại đức Hộ Tông).

- Patihāriya uposatha: nghĩa là bát quan trai giới thọ trì từ ngày 16 tháng 6 tới rằm tháng 9, nghĩa là thọ theo ba tháng hạ của chư Đại đức (Tỳ khưu).

Trong bộ Chú giải của bài kinh Uposatha có dạy: Người muốn thọ trì bát quan trai cho trong sạch, thì trước ngày thọ phải coi sóc việc trong nhà cho chu toàn, rồi sáng lại đi thọ, người thọ chính chắn trong một ngày đêm không nói tới gạo trắng gạo đen, cơm khô cơm nhão. Nói tóm lại, chuyện gì ngoài kinh luật nhà Phật, tuyệt nhiên không nói đến.

Chúng ta không nên thọ bát quan trai giới như người chăn bò, sáng ngày đến lãnh bò lùa ra đồng bỏ đó, mặc kệ bò đói hay no cũng chẳng cần, miễn là chiều đem về giao đủ cho chủ thôi. Người thọ bát quan trai, sáng ra đến thọ trì giới cùng nhà sư, khi thọ xong về nhà tha hồ không nghĩ gì cả, chỉ thọ cho có chừng, được phước chút nào hay chút ấy thôi, cả ngày lẫn đêm không có niệm tưởng đến ân đức Tam Bảo, không quán tưởng đến vô thường, khổ não vô ngã. Người thọ giới như thế gọi là bát quan trai như người chăn bò.

Cũng trong bài kinh Uposatha, Đức Phật còn dạy rằng: "Cho dù là nhà vua còn ngự trị trên 16 nước lớn trong cõi Diêm Phù Đề này có cả 7 thứ châu báu, có quyền uy sang trọng nhất, nhưng cái phước ấy cũng vẫn không bằng một phần thứ 16 của công đức thọ bát quan trai giới một ngày và một đêm".

Đây tôi xin nhắc tích đức vua Udaya để quí vị thấy quả của bát quan trai giới:

Trong thời quá khứ, tại xứ Barānasī, có một ông trưởng giả tên Suciparivā thích làm phước; những người trong gia đình ông, từ vợ con cho đến người ăn kẻ ở, ông đều dạy họ thọ trì bát quan trai giới ít lắm một tháng 6 ngày.

Khi ấy, có một người mới đến ở, không biết rằng tất cả người trong nhà ông đều thọ bát quan trai giới. Người ấy làm việc siêng năng. Ngày nọ nhằm ngày giới, nhân công trong nhà chỉ ăn một buổi thôi. Riêng người làm công mới ấy cứ đi ra đồng làm việc như thường lệ, vì anh không biết. Trong khi ấy những người khác không đi làm mà vẫn ngồi niệm Phật, hoặc quan sát lại phẩm hạnh của mình. Chừng anh đi làm đồng về, người làm bếp mới dọn cơm ra cho anh ăn.

Anh lấy làm lạ vì mọi khi chừng này, người trong nhà tụ hội lại ăn uống om sòm, mà bữa nay họ đi đâu mất hết? Anh mới hỏi người làm bếp. Người làm bếp đáp: "Những người ấy giữ bát quan trai, nên họ về chỗ nghỉ của họ hết". Anh ta mới nghĩ rằng: "Ta ở chung với toàn thể những người có giới đức, vậy ta không nên để cho ta thành người không có giới đức". Anh bèn không ăn cơm và vào hầu ông trưởng giả, rồi hỏi rằng: "Thưa ông, nếu tôi phát nguyện thọ bát quan trai giới giờ này, thì tôi có được phước của bát quan trai không?".

- "Người không phát nguyện thọ từ sáng sớm, nếu ngươi thọ từ bây giờ thì chỉ được nửa ngày phước thôi".

Anh ấy nghĩ rằng: "Dù phân nữa cũng được, còn hơn là không có". Rồi anh mới xin phát nguyện thọ. Sau khi thọ xong về chỗ nghỉ và quan sát về phẩm hạnh của mình. Vì cả ngày làm việc vất vả, tối lại không có ăn gì, đến khuya, anh bị ngộ gió độc. Ông trưởng giả đem thuốc và vật thực lại cho anh và bảo rằng: "Đây con hãy dùng thuốc và vật thực này đi".

Anh thầm nghĩ: "Ta nguyện không phạm giới". Anh mới trả lời rằng: "Tôi giữ giới trong sạch đến chết".

Đến rạng đông anh không còn sức chịu nổi với chứng bệnh làm anh mê man. Người nhà mới cho rằng anh sắp chết, nên khiêng ra để ngoài hiên, vì người thời ấy không để người chết trong nhà.

Ngày ấy, đức vua Bārānasī ngự đi quanh thành để xem sự sinh sống của nhân dân. Anh làm công ấy trông thấy sự sang trọng của nhà vua, liền thầm ước muốn được như vua. Anh chết liền trong khi mơ ước như vậy, anh lại sanh vào lòng hoàng hậu xứ Bārānasī do nhờ quả của bát quan trai giới. Sau khi anh sanh ra, đức vua đặt tên anh là Udaya. Khi được lên nối ngôi của vua cha, Udaya nhớ kiếp trước nên gắng lo tu hành.

Khi Đức Thế Tôn thuyết tích này xong, ngài mới dạy rằng: "Này các Tỳ khưu, một khi người đã thọ bát quan trai giới, thì gọi là làm những việc lành mà các bậc trí thức xưa kia đã được hưởng quả cao quý ấy".

Việc làm vô tội (không tạo tội lỗi) theo Phật dạy có 10 điều là:

- Pakati Uposatha: bát quan trai giới thường, nghĩa là thọ một ngày một đêm thôi.

- Veyyavacakaranam: giúp đỡ nhau theo lẽ đạo.

- Ārāmarupā: cất chùa.

- Vanarupā: trồng cây.

- Setukaranā: làm cầu.

- Papa: đào giếng.

- Udapāna: để nước theo đường cho người uống.

- Upasava: làm nhà theo đường cho người ở.

- Dhammattha: bố thí tham thiền.

- Sīlasampaññā: có giới hạnh trong sạch.

Làm việc vô tội có những điều hạnh phúc là:

1. Gọi là người chuẩn bị sẳn sàng trước khi chết.

2. Là đại phúc.

3. Ngăn đường ác đạo.

4. Diệt được phiền não.

5. Là người hộ trì Phật giáo.

6. Gọi là người cúng dường cao quý đến Tam Bảo bằng mình hành đạo.

7. Được hạnh phúc tùy theo Ba la mật của mình đã làm.