KỆ NGÔN VI
HẠNH PHÚC XIX
Āratī viratī pāpā
Nết hạnh ghê gớm và tránh xa tội lỗi
Đức Phật
nhận thấy người còn phiền não, thì còn phải sanh trong cõi này và cần phải có
sự tiến hoá về hai phương diện vật chất và tinh thần.
Vì vậy nên Đức Thế Tôn mới dạy
ta 38 điều Hạnh phúc. Trong 33 điều này, từ 1 đến 18, Phật dạy về đời, như xa
kẻ ác gần người lành, đối xử với quyến thuộc, phụng dưỡng mẹ cha, tiếp độ vợ
con.
Đó là những điều Đức Phật dạy
đối xử với gia đình xã hội, làm cho ta được an vui trọn kiếp hiện tại.
Từ Hạnh phúc thứ XIX trở đi, Đức
Phật dạy về tâm, hay nói cho dễ hiểu hơn, là Ngài dạy về sự tiến hóa về phần
tinh thần. Vấn đề dạy tâm là vấn đề quan trọng, là phương pháp đưa tâm con
người tới chỗ cao thượng đến một mức độ tối cao, vượt qua phiền não tiến đến
Niết Bàn.
Dĩ nhiên sự cao thấp của tâm,
không lấy mực thước hay bằng cấp làm tiêu chuẩn thông thường mà đo được.
Phật pháp lấy thiện và ác làm
tiêu chuẩn, do người hay tâm. Hạnh phúc XIX này dạy về sự cao thấp của tâm.
Tâm phân ra làm ba hạng khác
nhau:
- Tâm người nào chán ghét điều
ác, quý mến điều thiện, gọi là tâm cao thượng hay tâm thiện.
- Tâm người nào xu hướng theo
thời, nghĩa là ác cũng theo, mà thiện cũng mến, là tâm của người bậc trung.
- Tâm của người nào hoàn toàn
ghét thiện, ưa ác, là tâm của người thấp hèn hay gọi là tâm ác.
Thiện và ác là cây thước đo tâm
cao thượng hay thấp hèn.
Phạn ngữ của câu Hạnh phúc này
là: Ārati viratīpāra, cũng có thể nói tóm lại cho gọn: Pāpaviratī,
nghĩa là nết hạnh tránh xa tội ác. Aratī nghĩa là không ưa hoặc ghê sợ, Viratī
nghĩa là chừa hay trốn lánh.
Nói về phương pháp sửa trị tâm,
Đức Thế Tôn dạy hãy tránh xa tội ác, khi nào ta không xa tránh tội ác, thì
phương pháp sửa trị tâm sẽ khó được kết quả, nếu không muốn nói là không thể có
kết quả được. Tại sao? Vì khi tâm đang bị nhuộm đen, nếu ta muốn tâm không bị
đen, thì phải đem tâm ra khỏi nước nhuộm ấy, rồi mới có thể giặt sạch được. Khi
tâm nhơ nhớp thì nó làm cho thân nhơ nhớp. Vì vậy, tránh xa tội ác là việc mà
các bậc trí thức thường thực hành và hằng dạy người hành theo.
Muốn dễ hiểu, tôi xin chia Hạnh
phúc này ra làm ba phần để giải:
- Ý nghĩa của tiếng Bāra (tội
ác).
- Sự tránh xa tội ác.
- Hạnh phúc sanh lên vì sự tránh
xa tội ác
Tội ác là gì? Tội ác là những
điều hung dữ xấu xa, ai ai cũng ghê sợ. Tội là sự làm trái với pháp luật của
chính phủ mà đối với đạo đức càng trái hơn nhiều. Tâm không trong sạch, xấu xa,
thấp hèn, hung ác, là tâm tội lỗi. Người nào có tâm tội lỗi, người ấy gọi là
người ác, vì tội lỗi làm cho tâm người trở nên nhơ đục. Tâm nhơ đục vì tâm ấy
bị các pháp ác ngự trị. Ta có thể nhìn thấy bên ngoài của người ấy ở trong hành
động của họ, ác hay thiện đều do tâm bên trong sai khiến.
Tội có hay không cũng do nơi tâm
ta mà ra, như câu Phật dạy Attānā akatam pāmattānāva visujjhati: người
nào không tội, người ấy được trong sạch. Kẻ nào làm tội, kẻ ấy bị tội. Theo câu
này cho ta thấy rằng: tội mà có, là do ta tạo ra, do phiền não, chớ không do
nơi một nhân nào cả. Sở dĩ có tội là do nơi tự mình tạo ra cả. Khi người đã làm
tội rồi, không có một ai có thể giảm bớt cho người làm tội, hoặc xoá bỏ tội ấy
được, đúng như lời Phật dạy Suddhi asuddhi paccattam: sự trong sạch hay
là sự nhơ đục là chuyện riêng của một cá nhân. Nānno annam
visothaye: không kẻ nào làm cho người khác trong sạch được. Lại có câu Nattha-papam
aqabbato: tội không có đến với người vô tội.
Tội ở nơi nào? Như đã giải, tội
là sự làm cho lòng mình bực tức ăn năn. Khi ta làm tội là ta làm mất hạnh phúc
của ta.
Đã biết rằng tội là nhân làm ta
mất sự an vui và gây bực tức, thì người biết yêu thương bản thân mình, rất vui
lòng dứt bỏ tội ác để làm cho tâm được thơ thới an vui. Chỉ có những hạng người
nghĩ rằng, mặc kệ tới đâu hay tới đó, hạng người này để mặc phiền não thống
trị, họ chỉ có tâm, nhưng không có trí tuệ, họ cả đời chỉ biết khổ mà thôi, họ
không tôn trọng chủ quyền của bản thân họ, để giá trị của mình càng ngày càng
giảm mất. Những người này khó mà chữa cho khỏi căn bệnh phiền não được.
Khi người biết sợ tội thì cố
nhiên phải gắng diệt trừ tội. Nhưng có vấn đề quan trọng nhất, là người không
thể nhận định được rõ ràng đâu là ác, đâu là thiện, thì phải làm sao? Vì lắm
điều mà chư Tăng cho là tội, mà người đời không nhận đó là tội, mà họ thấy đó
là chuyện vui hay vô tội, cũng như bác sĩ bảo hút thuốc có hại, mà người hút
thuốc rất nhiều không thấy hại gì mà chỉ thấy thuốc hút vào làm cho lòng họ thơ
thới vui tươi, dễ chịu không buồn bực.
Về phương diện khác, kẻ trộm,
khi trộm được của, họ nghĩ rằng họ không khổ, mà tài gia mới là khổ, vì bị mất
của. Con người trả thù được, họ thấy trong lòng họ vui mừng, không thấy gì là
khổ, mà người bị trả thù mới là người khổ. Vì những quan niệm chủ quan thiên
lệch như vậy, nên lắm lúc lời dạy của chư Tăng không thể làm cho những hạng
người ấy hối cải bỏ dữ về lành được.
Sự thật tội mà Đức Thế Tôn dạy,
là sự xấu xa, tham lam, sân hận, si mê trong lòng người, khiến người làm hại
lẫn nhau. Muốn biết tội thì chỉ có phương pháp là nên dùng trí tuệ quan sát
lòng mình, xem có những gì xấu xa ở trong ấy không?
Nguyên nhân sanh ra tội có mười
điều là thập ác, đã có giải ở trước rồi.
Đây xin giải về ba cách xa lánh
tội ác:
1. Sampattiviratī: nghĩa
là xa lánh tội ác nhất thời, ý nói một người không biết tu hành, nghĩa là người
ấy không phải là tín đồ một tôn giáo nào, nhưng lúc có gặp trường hợp có thể
làm nên tội được, nhưng không làm. Tôi xin đem lại một ví dụ của ông Cakkana
khi còn trẻ, chưa quy y Tam Bảo và chưa biết tu là gì.
Khi ông Cakkana còn nhỏ chưa
biết đạo đức. Ngày nọ mẹ ông đau, lương y bảo rằng cần có máu thỏ tươi mới làm
thuốc cứu mẹ ông được. Anh ông liền sai ông đi bắt thỏ. Khi ông bắt được thỏ ôm
vào lòng, thấy thỏ run sợ ông mới nghĩ rằng giết một sanh mạng khác vì mẹ ta là
một việc không nên làm, vì chúng sanh nào cũng sợ chết và tham sống, mà mình
lại toan giết đi một mạng để cứu một mạng.
Ông liền vuốt ve thỏ và nói
rằng: "Thỏ, ta trả tự do lại cho ngươi, xin ngươi hãy vui vẻ trở về
vậy". Rồi ông về tỏ thật chuyện thả thỏ cho anh nghe, người anh nóng giận
rầy mắng ông, ông liền vào phòng mẹ ôm mẹ và phát nguyện rằng: "Từ khi sơ
sanh đến giờ, tôi không hề cố ý sát sanh, xin nhờ oai đức ấy cầu xin mẹ tôi
lành bệnh ". Do lời nguyện vọng và phước báu của ông nên mẹ ông liền lành
bệnh.
Sự tích này cho thấy một trường
hợp tránh điều ác, trong khi có thể làm được mà vẫn không làm.
2. Samādānaviratī: nghĩa
là xa lánh những việc làm ác mà có phát nguyện trước. Đây là trường hợp của
người thiện nam hay tín nữ có phát nguyện thọ trì giữa Tam Bảo, hay với nhiều
hoặc một nhà sư. Người ấy có thể chịu chết chớ không để phạm vào điều mình đã
thọ trì hay đã phát nguyện giữ, như sự tích sau đây:
Có một thiện nam ở một làng gần
núi Danta-vaddhamānātho thọ bát quan trai giới cùng với ngài Đại đức
Pingalabuddharakkhita tại chùa Ambariya. Sau khi thọ xong ông đi cày ruộng. Khi
ấy bò của ông mất, ông lên núi tìm, vì vô ý ông bị một con trăn to quấn ông.
Lúc bấy giờ trên tay ông có cầm một con dao thật bén, ông mới nghĩ rằng:
"Một khi ta đã thọ giới với một bậc có đức hạnh thanh cao, ta không nên để
giới hạnh ta bị hư hoại". Ông nghĩ như thế ba lần, ông mới nhất định rằng:
"Ta nhất định thà chết còn hơn phạm giới", rồi ông liệng cây dao ấy
rất xa, vì ông sợ rằng khi con dao ấy còn trên tay ông sẽ giết trăn, vì tâm ác
và lòng tham sống. Oai lực của sự hy sinh bản thân mình để giữ giới hạnh cho
trong sạch, làm cho con trăn có cảm tưởng là đang quấn nhằm lò lửa, nên lật đật
tháo ra và bỏ chạy.
Nhắc đây để quý vị thấy, khi xưa
các bậc tu hành thật là chân chính, khi đã phát nguyện xong gắng thọ trì cho
tới phút cuối cùng.
3. Sammucchedavipatī: nghĩa
là xa lánh tuyệt. Đây là trường hợp của vị đã được đắc thánh quả rồi, không bao
giờ tái phạm tội lỗi, mặc dù là nhỏ. Đó là bậc thánh nhân hoàn toàn trong sạch.
Chú giải có dạy rằng: Tâm là
nhân phạm lỗi, mà các bậc thánh nhân đã kềm chế được tâm và diệt tận các phiền
não, thì giới đức của các ngài hoàn toàn trong sạch. Vì lẽ ấy, nên các ngài
không bao giờ phạm giới. Nhất là các ngài xa hẳn điều tội ác, gọi là Kammakilesa,
tạm dịch là tứ trọng, mà chú giải thích có giải là chúng sanh hằng bị tâm nhơ
đục nên tạo tác (nghiệp) bởi vậy tạo tác (nghiệp) ấy Đức Phật gọi là Kammakilesa,
nghĩa là vì còn phiền não nên tạo nhiều tội lỗi.
Kammakilesa (tứ
trọng) gồm bốn tội trọng: sát sanh, trộm cướp, tà dâm, vọng ngữ.
Những tội lỗi mà chúng sanh đã
tạo ra sẽ là nguyên nhân đưa chúng sanh vào cảnh khổ, vì đó mà chúng sanh phải
bị khổ, nên gọi là tội. Trong bốn tội ấy, chỉ có nói dối có gồm nhiều chi tiết
đã giải ở trước rồi, đây chỉ muốn nhắc lại một sự tích nói về đâm thọc là muốn
làm cho hai người đang thương yêu nhau trở nên thù hay ít nhất cũng xa nhau. Sự
đâm thọc này chẳng phải dùng lời nói mà dùng một phương pháp nào chẳng hạn, làm
cho người xa nhau ghét nhau cũng phạm vào tội đâm thọc. Tôi xin nhắc tích trong
bộ Pháp Cú kinh:
Kể từ ngày thấy Tỳ khưu tên
Kondadhāna xuất gia, mỗi khi thầy đi đâu, sau lưng thầy cũng có người phụ nữ đi
theo sau. Ai ai cũng thấy vậy, nhưng chính thầy thì không thấy. Những thí chủ
để bát cho thầy đều nói rằng: "Muỗng này đi về phần ngài và muỗng này về
phần cô bạn gái của ngài".
Chư vị Tỳ khưu khác thấy vậy
đinh ninh rằng thầy Kondadhāna phạm tội Bất cộng trụ của giới tà dâm, mới đem
chuyện ấy thuật cho ông trưởng giả Cấp Cô Độc nghe và yêu cầu ông trưởng giả
đuổi thầy Tỳ khưu ấy ra khỏi chùa. Ông trưởng giả không dám làm vậy; chư vị Tỳ
khưu mới thuật chuyện ấy cho một bà đại thí chủ hay và bà này cũng không dám dự
vào chuyện ấy. Các vị Tỳ khưu mới vào báo cáo đức vua Ba Tư Nặc và cùng yêu cầu
như vậy. Đức vua nhận lời ngay. Chiều lại ngài ngự vào chùa, ngài cho quan quân
bao vây chánh điện. Ông Kondadhāna nghe ồn ào, mới từ trong chùa ra xem, Vua
thấy một phụ nữ theo sau Konda-dhāna, nhưng khi thầy trở vào chùa, vua không
đảnh lễ, nhưng lại không thấy có người phụ nữ như lúc ở ngoài. Ngài liền tìm
xem nơi kẹt cửa, dưới gầm giường, cũng không có, ngài mới hỏi: "Bạch Thầy,
trẫm vừa thấy một người phụ nữ ở tại đây, cô ấy đâu rồi?"
- Tâu Đại vương, bần đạo cũng
chẳng thấy.
- Chính trẫm trông thấy một
người phụ nữ đứng sau lưng Thầy.
Ông Tỳ khưu ấy cũng quả quyết
rằng không bao giờ có, và ông không bao giờ thấy người phụ nữ ấy.
Đức vua thầm nghĩ lấy làm lạ mới
nói: "Vậy xin Thầy đi ra ngoài". Ông Tỳ khưu ra ngoài, thì lập tức có
người phụ nữ theo sau lưng. Đức vua thấy vậy mới mời thầy vào. Thầy trở vào
ngồi.
Đức vua trông chừng theo hình
của người phụ nữ ấy, nhưng bỗng dưng người phụ nữ ấy lại biến mất. Đức vua lấy
làm lạ hỏi: "Bạch Thầy, còn người phụ nữ ấy đâu?"
- Tâu Đại vương, bần đạo chẳng
thấy người phụ nữ nào cả.
- Xin Thầy thành thật cho trẫm
rõ.
- Tâu Đại vương, hàng đại chúng
đều nói rằng có một người phụ nữ hằng đi sau lưng bần đạo, mà bần đạo không
thấy.
Đức vua mới nghĩ đây chắc là
hình giả, nhưng vẫn còn nghi, nên phán rằng: "Vậy xin Thầy vui lòng rời
khỏi nơi này lần nữa ạ". Thầy liền đứng dậy ra bên ngoài, thì hình phụ nữ
hiện ra liền sau lưng thầy. Đức vua lại hỏi, thầy vẫn trả lời như trước".
Đức vua mới nghĩ: "Quả thật
hình giả rồi". Ngài mới phán rằng: "Bạch Thầy, một khi có điều không
trong sạch như thế này thì không ai trong sạch cúng dường cho Thầy, vậy trẫm
xin thỉnh ngài cứ vào cung nội, trẫm xin cúng dường cho Thầy".
Các thầy Tỳ khưu khác thấy vậy
mới bảo rằng: "Các ngài hãy xem đức vua thật là ươn hèn, chúng ta mời đến
để xem xét chuyện tình tệ như thế này, lại không chịu đuổi thầy Tỳ khưu phá
giới ấy, lại mời vào hoàng cung cúng dường". Rồi các thầy mới bảo ông
Kondadhāna rằng: "Này kẻ phá giới, nhà vua cũng là kẻ hèn như ngươi
vậy".
Lúc trước vì không có bằng cớ
đáp lại, nhưng giờ được nhà vua làm chứng, nên thầy trả lời rằng: "Các
người là kẻ phá giới, các người là kẻ dẫn gái đi". Các vị Tỳ khưu kia tức
giận, nên đem chuyện ấy vào bạch Đức Thế Tôn.
Đức Thế Tôn gọi ông Kondadhāna
vào và hỏi: "Thầy có chửi mắng các vị Tỳ khưu kia không?"
Thầy bạch: "Vì các vị này
nói xấu đệ tử".
Đức Thế Tôn hỏi các vị kia:
"Tại sao các thầy mắng thầy Tỳ khưu này?"
Các vị ấy đáp: "Bọn đệ tử
thấy có một phụ nữ đi theo sau lung thầy Tỳ khưu này".
Đức Thế Tôn mới phán hỏi thầy
Kondadhāna rằng: "Các thầy Tỳ khưu này có thấy một người phụ nữ đi theo
sau ngươi, vậy tại sao ngươi lại không thấy, mà lại gây với các thầy Tỳ khưu
này. Quả này cũng do nghiệp đê tiện của ngươi kiếp trước, vậy mà hiện tại ngươi
vẫn không bỏ tánh đê tiện ấy".
Các thầy Tỳ khưu đồng bạch hỏi
rằng: "Bạch hóa Đức Thế Tôn, thầy Kondadhāna làm nghiệp thế nào trong quá
khứ?"
Đức Thế Tôn mới dạy rằng: Trong
thời kỳ Đức Chánh đẳng Chánh giác tên Kassapa, có hai vị Tỳ khưu thương nhau
không khác nào anh em ruột. Thời ấy, mỗi năm Chư Tăng hội làm lễ phát lồ, một
lần. Gần đến ngày phát lồ, hai thầy rủ nhau ra đi định đến nơi làm lễ phát lồ.
Có vị chư thiên ở cõi trời Đạo
Lợi thấy hai vị rất thương nhau, mới nghĩ rằng: "Hai vị Tỳ khưu này rất
thương mến nhau, ta có thể nào chia rẽ được không?"
Trong khi, họ đang nghĩ kế chia
rẽ, thì một trong hai thầy nói rằng: "Sư huynh đợi tôi đi sông một chút
đã". Vị chư thiên ấy mới đợi cho thầy Tỳ khưu ấy đi sông xong, từ trong
bụi rậm chui ra, liền hoá ra một người phụ nữ, một tay nắm lấy quần, một tay
vén tóc như mới vừa ân ái với vị Tỳ khưu xong. Vị chư thiên ấy biết thầy Tỳ
khưu kia thấy rồi nên biến mất.
Khi vị Tỳ khưu kia đến, thầy mới
bảo rằng: "Ông là người phá giới!"
Thầy Tỳ khưu kia mới nói:
"Bạch sư huynh đâu có!"
- Vừa rồi tôi trông thấy một cô
gái đi sau thầy.
- Bạch sư huynh không hề có.
Hai thầy cãi nhau. Kết cuộc, hai
thầy chia đường nhau đi, không bao giờ hợp nhau, không bằng lòng làm lễ phát lồ
chung nhau.
Vị chư thiên ấy thấy vậy mới
nghĩ rằng: ‘Ta đã làm nên tội quá đáng lắm rồi!". Nên vị chư thiên ấy hiện
xuống nói rằng: "Giới đức của vị Tỳ khưu này vẫn trong sạch, đây do nơi
tôi muốn thử hai ngài thôi, xin hai ngài cùng làm lễ phát lồ".
Vì nghiệp đê tiện ấy, sau khi
chết, vị chư thiên đó phải bị đọa địa ngục A Tỳ, lâu bằng một khoản thời gian
của một Đức Phật, nghĩa là Đức Phật Ca Diếp đến Đức Thế Tôn muốn hiện tại mới
xin làm vị Tỳ khưu tên Kondadhāna.
Khi nhắc tiền kiếp xong, Đức Thế
Tôn muốn dạy rằng: "Thầy Tỳ khưu vì nghiệp đê tiện ấy, nên mới có chuyện
phi thường như hôm nay, mà người cũng vẫn còn giữ, ấy là tính đê hèn. Người
không nên nói tiếng gì với các thầy Tỳ khưu, ngươi hãy làm như người câm, khi
ngươi làm như thế, ngươi sẽ đắc được Niết Bàn". Rồi Đức Thế Tôn dạy câu kệ
rằng:
Sace nēsi attānam
Kamso upahato yathā
Esa pattosi nibbānam
Sārambho te vijjati
Nghĩa là: Ngươi không nên nói
lời bất nhã với ai, những người bị ngươi nói sẽ trả lời lại với ngươi, sự kình
chống nhau là nguyên nhân đem sự khổ đến, những sự đánh đập kẻ khác sẽ trở lại
cho ngươi. Nếu người làm ra người không lay động cũng như cái cồn mà người đã
cắt lấy cục u, thì người sẽ đến Niết Bàn.
Sau khi dứt câu kệ, ông
Kondadhāna đắc quả A La Hán.
Câu kệ ngụ ý rằng: Không nên
mắng chửi kẻ khác. Nếu ta mắng chửi kẻ khác thì sẽ bị người ấy mắng lại, sự
kình chống nhau phần nhiều đều bị hại. Khi tâm không bị lung lạc vì hoàn cảnh,
thì không khác nào như cái cồn bị cắt cục u ở giữa ra, không còn kêu được,
người sẽ đến Niết Bàn nếu người bỏ cả sự kình chống với mọi người.
Tích này cho ta thấy rằng,
chuyện làm cho người chia ly nhau là một tội. Vậy ta nên cố tránh, không nên
đem chuyện người này nói với người kia lập lại cho kẻ khác nghe. Chuyện mình
nghe đâu, nên bỏ đó, không nên đem vào nhà, cũng như không nên để nó vào lòng.
Sự xa lánh tội lỗi được những
hạnh phúc là:
1. Không có kinh sợ và oan trái.
2. Đó là phước báu vĩ đại.
3. Không có bị bệnh tật.
4. Là người không dễ duôi.
5. Người có sắc đẹp.
6. Được an vui trong ba cõi.
7. Được ba điều lợi ích.
8. Được 7 điều hạnh phúc (an
vui).
9. Người có thể hành theo chánh
pháp.
HẠNH PHÚC XX
Majjapānā ca saññamo
Thu thúc sự uống rượu
Trong 38 điều Hạnh phúc, có 3
điều Đức Thế Tôn cấm ngặt là:
- Anavajjakamma: cấm làm
việc gì có tội lỗi.
- Papavirati: cấm
không cho làm tội lỗi, lánh xa tội.
- Majjavirati: cấm
uống chất say.
Theo 3 câu trên quí vị hãy suy
nghĩ xem có câu nào lẫn câu nào hay không?
Hai điều trên đây đều nói về
tội, câu thứ nhất nói về làm việc có tội và câu thứ hai là lánh xa tội khác
nhau như thế nào? Tại sao lại chia ra làm hai điều? Vì tránh xa tội lỗi thì đâu
có làm tội lỗi. Đã có giải rồi nên nơi đây không phải giải thêm nhiều, chỉ giải
tóm tắt hầu quí vị thôi.
Pháp Hạnh phúc thứ XVIII ngụ ý
dạy không nên làm sai với giới luật của đời, với phong tục của một nhóm người
hay với xã hội. Còn Hạnh phúc thứ XIX dạy lánh xa tội lỗi, đừng hành sai với
điều của Đức Phật dạy, nghĩa là không để tâm phải nhơ đục. Hai Hạnh phúc ấy
không giống nhau, nhưng ta thấy hình như giống nhau.
Câu Hạnh phúc thứ XX này cấm
uống chất say. Tiếng Saññama có nghĩa là thu thúc, ý khuyên cẩn thận
trong sự không uống rượu.
Ở đây, Đức Phật không dạy xa
lánh mà dạy nên thận trọng hay cẩn thận hoặc thu thúc. Ngài thấy rằng con người
phần đông vì vui thích, nên ưa uống rượu. Ngài mới dạy hãy thận trọng, không
nên để sự an vui thích thống trị, và nên thu thúc, ý nói không nên để tâm chạy
theo dục vọng tội lỗi trong nhất thời mà đem chất say tai hại ấy vào mình.
Chẳng phải chỉ có Phật giáo cấm
uống rượu mà thôi, các tôn giáo khác như Hồi giáo cũng cấm uống rượu.
Đức Phật trông thấy cái hại của
sự uống rượu là to lớn, nên Ngài cấm nhặt, dạy thành giới điều trong ngũ giới,
bát quan trai giới, thập giới, thập thiện và cụ túc giới.
Sở dĩ ngài cấm như vậy, vì Ngài
thấy chúng sanh đã dễ duôi mà còn đem thêm vào tâm sự dễ duôi, là chất say sưa
nữa, e tội lỗi càng chồng thêm, bởi uống rượu thuộc vào tội dễ duôi.
Tóm lại, câu Phật dạy thu thúc
tâm không cho thêm vào những chất say khác vì chúng sanh đã say và mê trong
tài, tình, danh, lợi lắm rồi. Một bệnh ấy mà chữa còn chưa hết, mà đem theo
bệnh ở bên ngoài vào, thì không biết khó chữa tới đâu nữa.
Uống rượu và uống những chất say
khác đã phí tiền của để mua rượu, còn phí thì giờ quí báu và gây nhiều tai hại
khác nữa.
Nghĩa là khi say rồi không làm
việc được, chỉ ngủ thôi, như thế những công việc làm bị đình trệ. Có người nói
rằng: tôi uống rượu vừa phải để ngủ. Những người này không thấy thì giờ là vàng
bạc, những thì giờ làm cho ngủ vì rượu để xem sách, xem kinh, quan sát việc làm
của ta trong ngày, có điều nào sai lầm ta diệt bỏ, mà dù uống để ngủ cũng không
chạy khỏi mất tiền.
Thêm vào đó, người say sưa:
- Chửi mắng vợ con, làm cho gia
đình vì đó mà kém vui và lắm khi còn gây với hàng xóm.
- Không còn biết hổ thẹn, cứ la
lối om sòm theo dọc đường, làm mất giá trị của con người.
- Không ai dám thuê, hay giao
phó một công việc gì quan trọng.
- Không thể nào tạo được hạnh
phúc cho đời mình và làm cho cơ sở của mình hư hại.
- Phanh phui chuyện kín đáo của
mình.
- Rượu sinh nhiều bệnh khó trị.
- Trí óc lu mờ, mất cả sự khôn
ngoan. Đây là cái hại trong kiếp hiện tại, về kiếp sau, nghiệp còn dư sót, sanh
lại thành người tối tăm, học không thuộc, thiếu trí nhớ.
Đức Thế Tôn dạy trong bài kinh Sinalaka
rằng: Này Gahapati, cái hại của sự uống rươu có 6 điều là:
1. Dhanājāni: bị tốn tiền
của.
2. Kalahappavaddhāni:
hằng có sự gây gổ (trong gia đình hay ngoài xã hội).
3. Roganam ayatanam: là
nguyên nhân sanh ra nhiều bệnh.
4. Akitti sanjani: làm
mất danh dự, giá trị.
5. Hirikop an aniddamsanī:
không còn biết hổ thẹn.
6. Pannaya dubbalīkaranī:
làm cho trí nhớ và trí tuệ càng ngày càng lu mờ.
Vì rượu gây tai hại như vậy, nên
chẳng những Đức Phật cấm uống rượu mà cũng cấm bán rượu và bố thí rượu nữa.
Trong bộ Chú giải của kinh Hạnh
phúc có giải rằng: người không uống rượu là người biết thu thúc thân, khẩu, ý
của mình, nghĩa là mình thống trị được thân, khẩu ý của mình. Người không uống
rượu là người dễ nuôi, mà ai ai cũng ưa mến, giúp đỡ, người không chạy theo phiền
não, người cố gắng mài giũa phiền não trong lòng mình, ví như nngười thợ rèn
đốt sắt đỏ và đập sắt cho ra hết rỉ sét. Người không uống rượu là người thích
làm phước thiện, không để ý đến tội lỗi, người giữ được lễ phép đúng theo phong
tục hay đúng theo giáo lý của tôn giáo mà người ấy đang giữ. Người không uống
rượu là người trì giới được trong sạch, người không uống rượu là công dân lương
thiện. Tâm người không uống rượu hằng không phóng túng, thu thúc được dễ dàng.
Có ba hạng người không uống rượu
khác nhau:
- Người không uống rượu bậc hạ
là người có thọ trì ngũ giới, là Phật tử chân chánh, không phải là người Phật
tử cuỡng danh để gọi là người Phật tử chân chánh đáng ngợi khen.
- Người không uống rượu bậc
trung là người có thọ trì bát quan trai giới, họ có thiền định và cố hành để
tâm được thanh tịnh.
- Người không uống rượu bậc
thượng là người có thọ trì ngũ giới, hay bát quan trai giới, hoặc cụ túc giới,
ngoài ra, có học và hành minh sát tuệ, gắng hành để mau đi đến nơi kết quả.
Người hành tới bậc thượng thừa này là người trừ được cái say của tài, tình,
danh, lợi, và đắc quả Niết Bàn.
Tóm lại, uống rượu chẳng luận
theo mặt đạo đức hay về đời đều là tai hại. Uống rượu gây khoái lạc trong
khoảnh khắc cho người uống, nhưng là thứ khoái lạc trong sự đau khổ, có thể gây
hậu hoạn khôn lường.
Vì vậy tất cả các tôn giáo đều
dạy phải thu thúc sự uống rượu.
Không uống rượu thì được hạnh
phúc như:
1. Có trí nhớ, có tên tuổi tốt,
người kính nể.
2. Không si mê, không say sưa,
không dễ duôi, không phạm giới.
3. Không có sự kinh sợ, không có
oan trái, ai cũng thương mến.
4. Có được sự nương nhờ cao quí.
5. Có để dành lộ phí để đi về
cõi trời và Niết Bàn.
6. Có thất bửu nhà Phật trong
tâm.
7. Sẽ hưởng ba điều hạnh phúc là
người, trời, và Niết Bàn.
8. Được gọi là hành theo Pháp.
9. Đem mình ra khỏi khổ luân
hồi.
HẠNH PHÚC XXI
Appamādo ca dhammesu
Sự không dễ duôi trong các pháp
Hạnh phúc XXI này, tôi xin chia
ra làm ba phần để quí vị dễ hiểu:
- Trạng thái của sự dễ duôi.
- Thế nào gọi là sự không dễ
duôi trong các pháp?
- Phương pháp hành.
1. Trạng thái của sự dễ duôi:
Phạn ngữ Appamāda nghĩa là không dễ duôi, ngụ ý nói là tâm không xa trí
nhớ. Ta cũng có thể nói không dễ duôi là trạng thái của tâm không xa trí nhớ.
Giải nghĩa như trên đối với chư sư có học Phạn ngữ thì thật rành, nhưng đối với
quí vị tại gia cư sĩ hay người tham cứu Phật giáo cũng thấy khó hiểu. Vậy nơi
đây tôi xin nói cho dễ hiểu hơn, thì sự không dễ duôi là trạng thái của tâm có
trí nhớ kiểm soát, tâm có trí nhớ, hay người có trí nhớ (người đây thế cho
tâm).
Phạn ngữ Citta nghĩa là
tâm. Tâm là vật vô hình, có chức vụ theo dõi và quan sát các đề mục như sắc,
thinh, hương, vị, xúc. Sati là trí nhớ và một pháp vô hình hằng đi sát
theo tâm để nhắc nhở tâm và cũng kềm chế tâm, không để tâm quên mình. Lẽ cố nhiên
khi tâm không có trí nhớ kiểm soát, tâm sẽ phóng túng, nghĩa là tâm suy nghĩ
chuyện này sang chuyện nọ không bờ bến và khi đang nói chuyện, nếu không trí
nhớ kiểm soát thì chắc chắn nói chuyện ngoài đề. Tâm ấy không dùng vào đâu được
vì thiếu trí nhớ.
Nói về tâm là nói đến pháp vô
hình. Vậy quí vị muốn biết nên học tham thiền, khi quí vị tham thiền càng muốn
làm cho tâm yên tịnh chừng nào, quí vị sẽ thấy nó vọng động đến độ nào.
Người không dễ duôi có những đặc
ân là:
- Sankeyya sankītabbhani: cẩn thận
trong việc nên cẩn thận.
- Rakkheyyanagatam bhayam: cẩn thận
và giữ không cho có sự kinh sợ xảy ra trong ngày vị lai.
Cẩn thận có nghĩa là quan sát kỹ
càng không cho sơ thất.
2. Không dễ duôi trong các pháp:
Tiếng Dhamma ta dịch ra là Pháp, tựu trung có nhiều ý nghĩa khác nhau.
Dhamma là
tiếng thông dụng nhất trong Phật giáo, thường kèm sau hồng danh của Tam Bảo là
Phật, Pháp, Tăng, và chỉ định những giáo điều của Phật như Giới, Định, Tuệ,
Tinh tấn, Nhẫn nại v.v...
Pháp bảo là lời giảng dạy của
Đức Phật, là pháp bất di bất diệt, là pháp giải thoát không có một ai phản đối
hay chỉ trích được. Tại sao? Vì pháp ấy là sự thật hiển nhiên, Đức Phật tự giác
ngộ sự thật ấy và đem sự thật ấy dạy chúng sanh, mà không cho là tuyệt đối;
trái lại, Ngài dạy hãy dùng trí tuệ để suy nghĩ quan sát sự thật ấy. Chúng ta
có thể tin chắc nơi pháp của Phật là chân chính, là con đường đi đến nơi vô
sanh bất diệt bởi các điều sau đây:
Đức Phật giáo hóa với sự đắc tuệ
quả của Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác của Ngài. Ngài dạy đời với chánh pháp
của Ngài đã đắc, chớ không phải do nơi một uy quyền nào bắt buộc chúng sanh
phải nghe theo, và cũng không mua chuộc chúng sanh bằng nguyên nhân gì, mà trái
lại, Ngài cấm các nhà sư không nên dùng bùa phép, làm thầy thuốc, hay được của
cúng dường nơi này đem cho nơi khác, hoặc đem của Tăng cho người tin tưởng theo
mình.
Ngài để cho người nghe có quyền
chất vấn Ngài hay về nhà suy nghĩ lại, rồi sẽ tin sau. Ngoài ra, Ngài còn
khuyến khích Phật tử dùng trí tuệ để tham cứu Pháp bảo và thường hội nhau lại
để giải những pháp mà họ còn nghi ngờ.
Ngài thuyết pháp độ chúng sanh,
không phân giai cấp, hầu như các vua chúa trong thời kỳ ấy xin làm đệ tử tại
gia và cũng có nhiều vị giáo chủ của một tôn giáo, tự giải tán tôn giáo của
mình lập ra, và theo làm đệ tử của Ngài như ba anh em ông Jālila nhờ
thần lửa v.v... Trong khi ấy có biết bao là người trí thức theo Ngài. Nhưng
những thái độ ấy Ngài chẳng xem là làm danh dự cho Ngài.
Hiện nay đã hơn 25 thế kỷ rồi mà
lời giảng dạy của Ngài vẫn còn sáng chói và biết bao nhiêu người vâng giữ hành
theo, chứng tỏ rằng Phật pháp là sự chân thật vĩnh cữu đem người đến nơi giải
thoát.
Dhamma còn có
nghĩa là gìn giữ, ý nói người nào thực hành theo Dhamma (Pháp) thì Dhamma
ấy gìn giữ không để cho người ấy sanh vào nơi khổ cảnh.
Vì những lẽ kể trên, nên Hạnh
phúc XXI này dạy rằng: Không nên dễ duôi trong các pháp, nghĩa là không nên dễ
duôi trong lời Phật dạy, nghĩa là không nên dễ duôi mà không hành theo pháp của
Phật.
Dễ duôi có nghĩa là không làm
tròn phận sự, hoặc lừa đảo kiếm cách không làm phận sự. Có người tự dối mình
hay lừa mình rằng tôi chưa già nên chưa phải lúc tu. Họ đã quên rằng trong các
nghĩa địa, có biết bao nhiêu mồ của những người còn trẻ hơn nhiều, và quên rằng
của cải nhiều, con khôn, vợ ngoan, bạn nhiều, nhưng khi tử thần đến thì không
đem của cải đi đổi được, vợ con bạn bè không giúp mình chống với tử thần được.
Nghĩ mình còn trẻ, chưa già, chưa chịu làm lành, đó là trạng thái của sự dễ
duôi.
Chú giải có dạy rằng sự mến tiếc
trần tục gọi là dễ duôi. Có lời Phật dạy trong bộ Khuddaka-vibhanga rằng
hai pháp dễ duôi và không dễ duôi ấy như thế nào? Sự bỏ qua những việc làm, sự
để tâm phóng túng ngũ trần làm cho thân, khẩu, ý nhơ đục gọi là dễ duôi. Hơn
nữa, không chú tâm làm việc và sự không tiếp tục làm mãi mãi, sự làm bị gián
đoạn, sự lười biếng, làm một cách miễn cưỡng, bỏ dỡ việc đang làm, không sốt
sắng, không quan tâm đến những việc làm, đều gọi là dễ duôi. Sự không cố tâm,
sự trụy lạc trong trần tục như thế, Như Lai gọi là dễ duôi.
Bài kinh này còn dạy rằng sự
không đầy đủ trí nhớ để kiểm soát tâm phóng túng, lung lạc theo tài, tình,
danh, lợi, gọi là dễ duôi.
Hai pháp dễ duôi và không dễ
duôi có quả báo khác nhau, vì dễ duôi nên sanh ra tội lỗi, không dễ duôi là
nhân sanh phước thiện. Vì vậy nên Đức Phật có dạy trong Chattavagga ở
phần Ekanipatta Anguttaranikāya rằng "Này các thầy Tỳ khưu, Như Lai
suy nghĩ không thấy pháp nào là nguyên nhân làm cho các pháp lành đã có rồi,
phải bị tiêu diệt, bằng pháp dễ duôi. Này các thầy Tỳ khưu, vì một người dễ
duôi thì tất cả các pháp ác chưa sanh cũng phát sanh và các pháp thiện đã có,
lại từ từ tiêu diệt".
Rồi ngài dạy thêm rằng:
"Này các thầy Tỳ khưu, Như Lai không thấy một pháp nào là nguyên nhân sanh
các thiện pháp, và là nguyên nhân làm cho các thiện pháp chưa phát sanh được
phát sanh và lại là nguyên nhân tiêu diệt các ác pháp, ngăn ngừa các ác pháp
bằng pháp không dễ duôi. Này các thầy Tỳ khưu, một người không dễ duôi thì các
thiện pháp chưa sanh sẽ sanh, và các ác pháp đã có rồi sẽ bị tiêu diệt".
Đức Phật có dạy trong Pháp Cú
kinh, đoạn Appamadavagga, và dạy thêm về dễ duôi trong tích của bà hoàng
hậu Samavati rằng:
Appamādo amatam padam
Pamato maccuno podam
Appamatta na myan tiye
Pamatta yatha mata
Nghĩa là sự không dễ duôi là con
đường đi đến chỗ không chết (bất tử). Sự dễ duôi là con đường đi đến chỗ chết.
Những người không dễ duôi gọi là không chết. Người dễ duôi, mặc dù sống cũng
như chết. Ý nói rằng sự không dễ duôi không làm tội lỗi và diệt trừ phiền não
là con đường đi đến Niết Bàn, là nơi vô sanh bất diệt.
Còn người dễ duôi cứ làm nô lệ
cho phiền não, nghĩa là chạy theo ngũ trần lục dục.
3. Phương pháp hành: Trong bộ
kinh Angut-taranikāya, Đức Phật có dạy 4 phương pháp hành theo không dễ
duôi:
a) Không nên dễ duôi trong sự
diệt trừ sự ác do nơi thân, và không nên dễ duôi không làm việc làm do thân
(làm việc lành do thân là bố thí).
b) Không dễ duôi trong sự diệt
bỏ ác khẩu, và cũng không nên dễ duôi về sự làm lành do khẩu (lời khuyên người
tu hành).
c) Không dễ duôi trong sự diệt
bỏ ác tâm, và không nên dễ duôi về sự sửa trị tâm cho thanh tịnh.
d) Không dễ duôi trong sự diệt
bỏ tà kiến, và không nên dễ duôi trong sự làm cho tâm mình trở nên chánh kiến.
Người không dễ duôi được những
hạnh phúc là:
1. Đại phước.
2. Bất tử (như đã có giải rồi).
3. Ngừa được ác đạo,
4. Xa tất cả các điều khổ.
5. Hưởng an vui trong thiện
pháp,
6. Đi đến nơi thiện.
7. Được hưởng an vui,
8. Tự mình thức tỉnh lấy mình,
9. Lòng được thanh thản.
10. Diệt trừ được các ác pháp.
11. Không lẫn lộn với các pháp
ác.
12. Gọi là người hộ trì Phật
pháp.
13. Được nghe lời chỉ dạy của
các bậc thánh nhân.
14. Là người Phật tử chân chánh.
15. Là người có giới đức trong
sạch.
16. Sau khi chết được sanh về
nơi nhàn cảnh.