TẠP A-HÀM QUYỂN 17
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Đức Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây
Kỳ-đà thuộc nước Xá-vệ. Bấy giờ Đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
“Có quang giới, tịnh giới, vô lượng không nhập xứ
giới, vô lượng thức nhập xứ giới, vô sở hữu nhập xứ giới, phi tưởng phi
phi tưởng nhập xứ giới, hữu diệt giới[2].”
Khi ấy có Tỳ-kheo từ chỗ ngồi đứng dậy, sửa lại y
phục, cúi đầu lễ dưới chân Phật, chắp tay, bạch Phật:
“Bạch Thế Tôn, có quang giới, tịnh giới, vô lượng
không nhập xứ giới, vô lượng thức nhập xứ giới, vô sở hữu nhập xứ giới,
phi tưởng phi phi tưởng nhập xứ giới, diệt giới. Các thứ giới như vậy do
nhân duyên gì để có thể biết?”
Phật bảo Tỳ-kheo:
“Quang giới kia do duyên tối tăm mà được biết. Tịnh
giới do duyên bất tịnh nên biết. Vô lượng không nhập xứ giới do duyên sắc
mà biết. Vô lượng thức nhập xứ giới do không[3]
mà được biết. Vô sở hữu nhập xứ giới do duyên sở hữu[4]
mà được biết. Phi tưởng phi phi tưởng nhạâp xứ giới do duyên hữu đệ nhất[5]
mà được biết. Diệt giới là do duyên hữu thân[6]
mà được biết”.
Các Tỳ-kheo bạch Phật:
“Bạch Thế Tôn, từ quang giới cho đến diệt giới này
do vào chánh thọ[7]
gì mà đạt được?”
Phật bảo các Tỳ-kheo:
“Quang giới, tịnh giới, vô lượng không nhập xứ
giới, vô lượng thức nhập xứ giới, vô sở hữu nhập xứ giới; các cõi này ngay
nơi chánh thọ đang tự hành mà đạt được[8].
Phi tưởng phi phi tưởng nhập xứ giới ở nơi chánh thọ của đệ nhất hữu[9]
mà đạt được và diệt giới do chánh thọ của diệt hữu thân[10]
mà đạt được.”
Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe lời Phật
dạy, hoan hỷ phụng hành.
*
Tôi nhge như vầy:
Một thời, Đức Phật ở tại giảng đường Lộc mẫu, Đông
viên, nước Xá-vệ. Bấy giờ vào buổi chiều, Đức Thế Tôn sau khi từ thiền
tịnh tỉnh giác, đến trong bóng mát giảng đường, trải tòa, ngồi trước đại
chúng, nói những câu kệ Ưu-đàn-na, rồi bảo các Tỳ-kheo:
“Vì duyên giới mà sanh thuyết[12],
chứ không phải không do giới. Duyên giới mà sanh kiến, không phải không do
giới, Duyên giới mà sanh tưởng, không phải không do giới. Duyên giới hạ
liệt[13],
Ta nói, sanh thuyết hạ liệt[14],
kiến hạ liệt, tưởng hạ liệt, tư hạ liệt[15],
dục hạ liệt[16],
nguyện hạ liệt, hạ sĩ phu hạ liệt[17],
sở tác hạ liệt, thi thiết hạ liệt, kiến lập hạ liệt, hạ bộ phận hạ liệt,
hạ hiển thị hạ liệt, hạ thọ sanh hạ liệt.
“Trung giới[18]
cũng như vậy.
“Cũng vậy, đối với giới thù thắng[19].
Do duyên thắng giới, Ta nói kia sanh thuyết thù thắng, kiến thù thắng,
tưởng thù thắng, nguyện thù thắng, sĩ phu thù thắng, sở tác thù thắng, thi
thiết thù thắng, kiến lập thù thắng, bộ phận thù thắng, hiển thị thù
thắng, thọ sanh thù thắng”.
Bấy giờ có Tỳ-kheo Bà-ca-lị[20]
đang đứng sau, cầm quạt hầu Phật, bạch rằng:
“Bạch Thế Tôn, nếu đối với Chánh đẳng Chánh giác,
mà khởi lên kiến giải không phải Chánh đẳng Chánh giác, thì các kiến giải
này cũng duyên theo giới mà sanh chăng?”
Phật bảo Tỳ-kheo:
“Đối với Chánh đẳng Chánh giác mà khởi kiến giải
không phải Chánh đẳng Chánh giác[21],
cũng duyên theo giới mà sanh ra, không phải không duyên giới. Vì sao? Giới
của phàm phu là vô minh giới. Như trước Ta đã nói, duyên hạ giới sanh hạ
thuyết, hạ kiến,… cho đến, hạ thọ sanh. Duyên trung giới cũng như vậy, đối
với thắng giới, cũng sanh thắng thuyết, thắng kiến, cho đến, thắng thọ
sanh.”
Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe lời Phật
dạy, hoan hỷ phụng hành.
*
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây
Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với các Tỳ-kheo:
“Có nhân sanh ra dục tưởng, chứ không phải không có
nhân; có nhân sanh ra nhuế tưởng, hại tưởng[23],
chứ không phải không có nhân.
“Do nhân gì sanh dục tưởng? Do duyên dục giới.
Duyên dục giới nên sanh ra dục tưởng, dục dục, dục giác, dục nhiệt, dục
cầu[24].
Kẻ phàm phu ngu si khi đã khởi lên dục cầu rồi, chúng sanh này khởi lên tà
vạy qua ba nơi là thân, miệng, tâm. Do nhân duyên tà vạy như vậy nên hiện
tại sống trong khổ não; có khổ, có khốn quẫn, có thất vọng[25],
có nóng bức; sau khi chết rồi sanh vào trong đường ác. Đó gọi là nhân
duyên sanh dục tưởng.
“Thế nào là nhân duyên sanh ra nhuế tưởng, hại
tưởng? Đó là hại giới. Do duyên hại giới nên sanh hại tưởng, hại dục, hại
giác, hại nhiệt, hại cầu. Kẻ phàm phu ngu si khi đã khởi lên sự mong muốn
làm hại, chúng sanh này khởi lên tà vạy qua ba nơi là thân, miệng, tâm. Do
nhân duyên tà vạy như vậy nên hiện tại sống trong khổ não; có khổ, có khốn
quẫn, có thất vọng, có nóng bức; sau khi chết rồi sanh vào trong đường ác.
“Này các Tỳ-kheo, nếu Sa-môn, Bà-la-môn nào đang an
trú nơi sanh như vậy mà sanh tưởng nguy hiểm[26],
không tìm cách loại bỏ, không tỉnh giác[27],
không nhả ra, thì hiện tại người ấy ngay trong đời hiện tại an trú khổ; có
khổ, có khốn quẫn, có thất vọng, có nóng bức; sau khi chết rồi sanh vào
trong đường ác.
“Ví như cách thành ấp, làng xóm không xa, có cánh
đồng hoang, chợt bốc lửa lớn. Nếu không có ai có sức mạnh để dập tắt lửa,
nên biết, những chúng sanh ở trong đồng hoang đó chắc chắn sẽ bị lửa hại.
Cũng vậy, Sa-môn, Bà-la-môn đang an trú nơi sanh mà sanh tưởng nguy hiểm,
sau khi thân hoại mạng chung sanh vào đường ác.
“Này các Tỳ-kheo, có nhân sanh tưởng xuất yếu[28],
chứ không phải không có nhân.
“Thế nào là nhân sanh tưởng xuất yếu? Đó là xuất
yếu giới[29].
Do duyên xuất yếu giới sanh xuất yếu tưởng, xuất yếu dục, xuất yếu giác,
xuất yếu nhiệt, xuất yếu cầu. Nghĩa là người có trí kia khi tìm cầu sự
xuất yếu, chúng sanh này[30]
phát sanh chánh hành qua ba chỗ là thân, miệng, tâm. Kia sau khi do nhân
duyên sanh chánh hành như vậy, ngay hiện tại sống an lạc; không khổ, không
khốn quẫn, không thất vọng, không nóng bức; sau khi chết sanh vào cõi
lành. Đó gọi là nhân duyên sanh tưởng xuất yếu.
“Thế nào là nhân duyên sanh tưởng không nhuế, không
hại[31]?
Đó là bất nhuế, bất hại giới. Do nhân duyên bất hại giới sanh bất hại
tưởng bất hại dục, bất hại giác, bất hại nhiệt, bất hại cầu không hại.
Nghĩa là người có trí kia khi tìm cầu sự bất hại, chúng sanh phát sanh
chánh hành qua ba chỗ là thân, miệng, tâm. Kia sau khi do nhân duyên sanh
chánh hành như vậy, ngay hiện tại sống an lạc; không khổ, không khốn quẫn,
không thất vọng, không nóng bức; sau khi chết sanh vào cõi lành. Đó gọi là
nhân duyên sanh tưởng bất hại.
“Nếu các Sa-môn, Bà-la-môn an trụ nơi sanh mà sanh
tưởng bất hại, không lìa bỏ, không loại bỏ[32],
không nhả ra, ngay hiện tại sống lạc; không khổ, không khốn quẫn, không
thất vọng, không nóng bức; sau khi chết sanh vào cõi lành.
“Ví như ven thành ấp, làng xóm, có cánh đồng hoang
chợt bốc lửa lớn. Có người có khả năng dùng tay, chân để dập tắt lửa. Nên
biết, các chúng sanh sống nương cây cỏ đều không bị hại. Cũng vậy, Sa-môn,
Bà-la-môn an trụ nơi sanh mà sanh tưởng bất hại, không lìa bỏ, không loại
bỏ, không nhả ra, ngay hiện tại sống lạc; không khổ, không khốn quẫn,
không thất vọng, không nóng bức; sau khi chết sanh vào cõi lành.”
Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe lời Phật
dạy, hoan hỷ phụng hành.
*
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây
Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, có Bà-la-môn đến chỗ Phật, sau khi cùng Thế
Tôn thăm hỏi, rồi đứng sang một bên, bạch Phật:
“Chúng sanh không phải tự mình làm, không phải cái
khác làm.”
Phật bảo Bà-la-môn:
“Với luận thuyết như vậy thì Ta và ông không gặp
nhau. Ông nay tự mình đi đến đây mà lại nói không tự mình làm, không phải
cái khác làm.”
Bà-la-môn bạch:
“Thế nào, bạch Cù-đàm, chúng sanh là tự mình làm
hay cái khác làm?”
Phật bảo Bà-la-môn:
“Bây giờ Ta hỏi ông, tùy ý mà trả lời Ta. Này
Bà-la-môn, ý ông nghĩ sao, có phương tiện giới[34]
của chúng sanh, nhờ đó các chúng sanh biết tạo ra phương tiện chăng?”
Bà-la-môn bạch:
“Bạch Cù-đàm, có phương tiện giới của chúng sanh
đó, khiến cho các chúng sanh biết tạo ra phương tiện.”
Phật bảo Bà-la-môn:
“Nếu có phương tiêïn giới nhờ đó mà các chúng sanh
biết có phương tiện, thì đó là chúng sanh tự mình làm hay là cái khác làm[35]?”
“Này Bà-la-môn, ý ông nghĩ sao, có an trú giới,
kiên cố giới, xuất giới, tạo tác giới[36]
của chúng sanh, nhờ đó mà chúng sanh biết là có tạo tác chăng?”
Bà-la-môn bạch Phật:
“Có an trú giới, kiên cố giới, xuất giới, tạo tác
giới của chúng sanh, nhờ đó mà chúng sanh biết là có tạo tác.”
Phật bảo Bà-la-môn:
“Nếu có an trú giới, kiên cố giới, xuất giới, tạo
tác giới của chúng sanh, nhờ đó mà chúng sanh biết là có tạo tác, thì đó
là chúng tự mình làm hay là cái khác làm?”
Bà-la-môn bạch:
“Chúng sanh có việc tự mình làm, có việc người khác
làm. Bạch Cù-đàm, vì ở đời có nhiều công việc, bây giờ xin phép được cáo
từ.”
Phật bảo Bà-la-môn:
“Ở đời có nhiều công việc, ông nên đúng thời.”
Sau khi nghe lời Phật dạy, Bà-la-môn hoan hỷ, tùy
hỷ, từ chỗ ngồi đứng dậy ra về.
*
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại vườn Cù-sư-la, nước
Câu-diệm-di[38].
Bấy giờ gia chủ Cù-sư-la[39]
đi đến chỗ Tôn giả A-nan, đảnh lễ dưới chân Tôn giả A-nan, rồi lui ngồi
qua một bên, bạch Tôn giả A-nan:
“Nói là nhiều chủng loại giới[40].
Vậy thế nào là nhiều chủng loại giới?”
Tôn giả A-nan bảo gia chủ Cù-sư-la:
“Nhãn giới khác, sắc giới khác thuộc về hỷ xứ[41].
Hai nhân duyên sanh thức. Ba sự hòa hợp sanh xúc. Do nhân
duyên hỷ xúc sanh lạc thọ. Cũng vậy, nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý pháp cũng nói
như vậy.
“Lại nữa, này gia chủ, có nhãn giới khác, sắc giới
khác thuộc về ưu xứ.
Hai nhân duyên sanh thức. Ba sự hòa hợp sanh khổ xúc. Do
nhân duyên khổ sanh khổ thọ. Cũng vậy, nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý pháp cũng
nói như vậy.
“Lại nữa này gia chủ, nhãn giới khác, sắc giới khác
thuộc về xả xứ. Hai nhân duyên sanh thức. Ba sự hòa hợp sanh xúc, không
khổ, không lạc. Do nhân duyên xúc không khổ, không lạc sanh thọ, không
khổ, không lạc. Cũng vậy, nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý pháp cũng nói như vậy.”
Gia chủ Cù-sư-la sau khi nghe lời dạy của Tôn giả
A-nan hoan hỷ, tùy hỷ, đảnh lễ rồi lui ra.
*
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại vườn Cù-sư-la,
nước Câu-diệm-di[43].
Bấy giờ gia chủ Cù-sư-la đi đến chỗ Tôn giả A-nan, đảnh lễ dưới chân Tôn
giả A-nan, rồi lui ngồi qua một bên, bạch Tôn giả A-nan:
“Nói là nhiều chủng loại giới. Vậy
thế nào là nhiều chủng loại giới?”
Tôn giả A-nan bảo gia chủ Cù-sư-la:
“Có ba giới. Những gì là ba? Đó là Dục giới, Sắc
giới và Vô sắc giới.”
Bấy giờ, Tôn giả A-nan nói bài kệ:
Hiểu rõ về Dục giới,
Sắc giới cũng như
vậy.
Bỏ tất cả hữu dư,
Được
tịch diệt vô dư.
Nơi
thân hòa hợp giới[44],
Đoạn tuyệt, chứng vô dư.
Đấng Chánh Giác[45]
đã chỉ,
Dấu vô ưu, ly cấu[46].
Tôn giả A-nan nói kinh này xong,
gia chủ Cù-sư-la hoan hỷ, tùy hỷ, rồi lui ra.
*
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại vườn Cù-sư-la, nước
Câu-diệm-di[47].
Bấy giờ gia chủ Cù-sư-la đi đến chỗ Tôn giả A-nan, đảnh lễ dưới chân Tôn
giả A-nan, rồi lui ngồi qua một bên, bạch Tôn giả A-nan:
“Nói là nhiều chủng loại giới. Vậy thế nào là
nhiều chủng loại giới?”
Tôn giả A-nan bảo gia chủ Cù-sư-la:
“Có ba giới. Những gì là ba? Đó là Sắc giới, Vô sắc
giới, Diệt giới[48].”
Bấy giờ, Tôn giả A-nan nói bài kệ:
Nếu chúng sanh Sắc giới,
Và trụ Vô sắc giới,
Mà không biết Diệt giới,
Thì lại thọ các hữu.
Nếu đoạn được
sắc giới,
Không trụ vô sắc giới,
Diệt giới, tâm giải thoát,
Thì xa lìa sanh tử.
Khi Tôn giả A-nan nói kinh này
xong, thì gia chủ Cù-sư-la tùy hỷ, vui mừng làm lễ mà lui.
*
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại vườn Cù-sư-la,
nước Câu-diệm-di. Bấy giờ gia chủ Cù-sư-la đi đến chỗ Tôn giả A-nan, đảnh
lễ dưới chân Tôn giả A-nan, rồi lui ngồi qua một bên, bạch Tôn giả A-nan:
“Nói là nhiều chủng loại giới. Vậy
thế nào là nhiều chủng loại giới?”
Tôn giả A-nan bảo gia chủ Cù-sư-la:
“Có ba thứ giới xuất ly, đó là xuất ly từ Dục giới
cho đến Sắc giới và xuất ly từ Sắc giới cho đến Vô sắc giới. Ở đây, tất cả
các hành, tất cả những tư tưởng về giới đều dứt hết. Đó gọi là ba thứ giới
cần xuất ly, rồi Tôn giả nói bài kệ:
Biết xuất ly Dục giới,
Vượt
luôn khỏi Sắc giới,
Tất cả hành tịch diệt,
Siêng tu, chánh phương
tiện.
Đoạn trừ tất cả ái,
Tất cả hành diệt tận.
Biết tất cả hữu dư,
Không xoay chuyển lại hữu.
Khi Tôn giả A-nan nói kinh này
xong, thì gia chủ Cù-sư-la tùy hỷ vui mừng làm lễ mà lui.
*
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại vườn Cù-sư-la, nước
Câu-diệm-di. Bấy giờ Tôn giả A-nan đi đến chỗ vị Thượng tọa tên là Thượng
Tọa[49].
Khi đến nơi ấy, Tôn giả cung kính thăm hỏi, rồi ngồi lui qua một bên, bạch
vị Thượng tọa tên là Thượng Tọa:
“Nếu có Tỳ-kheo ở nơi vắng vẻ, dưới bóng cây, hay ở
trong phòng yên tĩnh tư duy, nên dùng pháp gì để chuyên tinh tư duy?”
Thượng tọa đáp:
“Này Tôn giả A-nan, nếu người nào ở chỗ vắng vẻ,
dưới bóng cây hay trong phòng yên tĩnh, nên dùng hai pháp này để chuyên
tinh tư duy, đó là chỉ và quán[50].
Tôn giả A-nan lại hỏi Thượng tọa:
“Tu tập chỉ, sau khi tu tập nhiều, sẽ thành tựu
được pháp gì? Tu tập quán, sau khi tu tập nhiều, sẽ thành tựu được pháp
gì?”
Thượng tọa trả lời Tôn giả A-nan:
“Tu tập chỉ, cuối cùng thành tựu được quán. Tu tập
quán, cũng thành tựu được chỉ. Nghĩa là Thánh đệ tử tu tập gồm cả chỉ và
quán, chứng đắc các giải thoát giới.”
Tôn giả A-nan lại hỏi:
“Bạch Thượng tọa, thế nào là các giải thoát giới?”
Thượng tọa đáp:
“Này Tôn giả A-nan, đoạn giới, vô dục giới, diệt
giới, đó gọi là các giải thoát giới.”
Tôn giả A-nan lại hỏi Thượng tọa:
“Thế nào là đoạn giới cho đến diệt giới?”
Thượng tọa đáp:
“Này Tôn giả A-nan, đoạn tất cả hành, đó gọi là
đoạn giới. Đoạn trừ ái dục, đó là vô dục giới. Tất cả hành diệt, gọi là
diệt giới.”
Tôn giả A-nan, sau khi nghe Thượng tọa nói xong,
tùy hỷ hoan hỷ, rồi đi thẳng đến chỗ năm trăm Tỳ-kheo, cung kính hỏi thăm,
rồi ngồi lui qua một bên, bạch với năm trăm vị Tỳ-kheo:
“Nếu Tỳ-kheo nào trong lúc ở chỗ vắng vẻ, dưới bóng
cây hay trong phòng yên tĩnh tư duy, nên dùng pháp gì để chuyên tinh tư
duy?”
Bấy giờ năm trăm Tỳ-kheo trả lời Tôn giả A-nan:
“Nên dùng hai pháp chuyên tinh mà tư duy.” Chi
tiết, cho đến, “diệt giới,” như vị Thượng tọa đã nói trên kia.
Khi Tôn giả A-nan nghe năm trăm vị Tỳ-kheo nói như
vậy, hoan hỷ tùy hỷ, liền đi đến chỗ Phật, cúi đầu đảnh lễ dưới chân Phật,
rồi ngồi lui qua một bên, bạch Phật:
“Bạch Thế Tôn, nếu Tỳ-kheo ở chỗ vắng vẻ, dưới bóng
cây hay trong phòng yên tĩnh mà tư duy, nên dùng phương pháp gì để chuyên
tinh tư duy?”
Phật bảo A-nan:
“Nếu Tỳ-kheo nào ở nơi vắng vẻ, dưới bóng cây hay
trong phòng yên tĩnh mà tư duy, nên dùng hai pháp để chuyên tinh tư duy.”
Chi tiết, cho đến, “diệt giới,” như năm trăm Tỳ-kheo đã nói.
Bấy giờ, Tôn giả A-nan bạch Phật:
“Kỳ diệu thay, bạch Thế Tôn, Bậc Đạo Sư và các đệ
tử, tất cả đều đồng một pháp, đồng văn cú, đồng một nghĩa, đồng một vị.
Hôm nay con đến Thượng tọa có tên là Thượng Tọa hỏi nghĩa này, Tôn giả ấy
cũng đem nghĩa này, văn cú này, vị này giải đáp cho con, như những gì Thế
Tôn đã nói hiện tại. Con lại đến chỗ năm trăm Tỳ-kheo cũng đem nghĩa này,
văn cú này, vị này hỏi năm trăm Tỳ-kheo, họ cũng đem nghĩa này, câu này,
vị này mà đáp như những gì Thế Tôn đã nói hiện tại. Cho nên biết rằng,
Thầy và đệ tử, tất cả đều đồng một pháp, đồng văn cú, đồng một nghĩa, đồng
một vị.”
Phật bảo Tôn giả A-nan:
“Ngươi có biết vị Thượng tọa này là Tỳ-kheo như thế
nào không?”
A-nan bạch Phật:
“Bạch Thế Tôn, con không biết.”
Phật bảo Tôn giả A-nan:
“Thượng tọa này là A-la-hán, các lậu đã giũ sạch,
đã vứt bỏ gánh nặng, đạt được chánh trí, tâm khéo giải thoát. Năm trăm vị
Tỳ-kheo kia cũng đều như vậy.”
Phật nói kinh này xong, Tôn giả A-nan nghe những gì
Đức Phật đã dạy, hoan hỷ phụng hành.
*
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở trong vườn Trúc, khu Ca-lan-đà,
thành Vương xá. Bấy giờ Tôn giả La-hầu-la đi đến chỗ Thế Tôn, cúi đầu đảnh
lễ dưới chân Phật, rồi ngồi lui qua một bên, bạch Phật:
“Bạch Thế Tôn, biết cái gì, thấy cái gì, để ở nơi
thức thân này của con và tất cả những tướng của cảnh giới bên ngoài mà
không có kết sử ngã, ngã sở, ngã mạn[52]?”
Phật bảo La-hầu-la:
“Hãy lắng nghe và suy nghĩ kỹ, Ta sẽ vì ngươi mà
nói.
“Nếu Tỳ-kheo nào đối với những gì thuộc địa giới,
hoặc quá khứ, hoặc vị lai, hoặc hiện tại, hoặc trong, hoặc ngoài, hoặc
thô, hoặc tế, hoặc đẹp, hoặc xấu, hoặc xa, hoặc gần, mà biết như thật, thì
tất cả những thứ đó đều không phải ngã, không khác ngã, không ở trong
nhau. Đối với thủy giới, hỏa giới, phong giới, không giới, thức giới, lại
cũng như vậy.
“Này La-hầu-la, Tỳ-kheo nào biết như vậy, thấy như
vậy đối với thức thân này của chính mình và tất cả những tướng thuộc cảnh
giới bên ngoài, thì không có kết sử ngã, ngã sở, ngã mạn.
“Này La hầu la, nếu Tỳ-kheo nào đối với thức thân
này và tất cả những tướng của cảnh giới ở bên ngoài mà không có kết sử
ngã, ngã sở, ngã mạn, thì đó gọi là dứt sự ràng buộc của ái, dứt các kết
sử, đoạn trừ ái, dừng kiêu mạn, đắc hiện quán, đến tột cùng của mé khổ.”
Phật nói kinh này xong, Tôn giả La-hầu-la nghe
những gì Đức Phật đã dạy, hoan hỷ phụng hành.
*
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở trong vườn Trúc, khu Ca-lan-đà,
thành Vương xá. Bấy giờ Tôn giả La-hầu-la đi đến chỗ Thế Tôn, cúi đầu đảnh
lễ dưới chân Phật, rồi ngồi lui qua một bên, bạch Phật:
“Bạch Thế Tôn, biết cái gì, thấy cái gì, để ở nơi
thức thân này của con và tất cả những tướng của cảnh giới bên ngoài mà
không có kết sử ngã, ngã sở, ngã mạn[54]?”
Phật bảo La-hầu-la:
“Có ba thứ thọ, đó là khổ thọ, lạc thọ, không khổ
không lạc thọ. Ba thọ này do nhân gì, tập gì, sanh gì, chuyển gì? Tức là,
ba thọ này, xúc là nhân, là tập, là sanh, là chuyển. Do xúc nhân như thế
này, thế kia sanh các thọ như thế này, thế kia. Nếu xúc thế này thế kia
diệt, thọ thế này thế kia cũng diệt, tĩnh chỉ, thanh lương, tịch tĩnh.
Biết như vậy, thấy như vậy thì ở nơi thức thân này của con và tất cả những
tướng của cảnh giới bên ngoài mà không có kết sử ngã, ngã sở, ngã mạn.”
Phật nói kinh này xong, Tôn giả La-hầu-la nghe
những gì Đức Phật đã dạy, hoan hỷ phụng hành.
*
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở trong vườn Trúc, khu Ca-lan-đà,
thành Vương xá. Bấy giờ Tôn giả La-hầu-la đi đến chỗ Thế Tôn, cúi đầu đảnh
lễ dưới chân Phật, rồi ngồi lui qua một bên, bạch Phật:
“Bạch Thế Tôn, biết cái gì, thấy cái gì, để ở nơi
thức thân này của con và tất cả những tướng của cảnh giới bên ngoài mà
không có kết sử ngã, ngã sở, ngã mạn?”
Phật bảo Tôn giả A-nan:
“Có ba thứ thọ, đó là khổ thọ, lạc thọ, không khổ
không lạc thọ. Quán sát lạc thọ mà khởi tưởng là khổ; quán sát khổ thọ mà
khởi tưởng là kiếm đâm; quán sát không khổ không lạc thọ mà khởi tưởng là
vô thường. Nếu Tỳ-kheo quán sát lạc thọ mà khởi tưởng là khổ, quán sát khổ
thọ mà khởi tưởng là kiếm đâm, quán sát không khổ không lạc thọ mà khởi
tưởng là vô thường, hoại diệt, thì đó gọi là chánh kiến.”
Sau đó Thế Tôn nói bài kệ:
Quán vui, khởi tưởng khổ,
Khổ thọ như
kiếm đâm,
Đối với không khổ vui,
Tu tưởng
vô thường,
diệt;
Đó gọi là Tỳ-kheo
Thành tựu được
chánh kiến.
Đạo an vui tịch diệt,
Trụ nơi
mé cuối cùng,
Vĩnh viễn lìa phiền não,
Dẹp tan chúng quân ma.
Phật nói kinh này xong, Tôn giả
La-hầu-la nghe những gì Đức Phật đã dạy, hoan hỷ phụng hành.
*
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại vườn Trúc, khu Ca-lan-đà,
thành Vương xá. Bấy giờ Tôn giả La-hầu-la đi đến chỗ Đức Phật, cúi đầu
đảnh lễ dưới chân Phật, rồi ngồi lui qua một bên, bạch Phật:
“Bạch Thế Tôn, biết cái gì, thấy cái gì, để ở nơi
thức thân này của con và tất cả những tướng của cảnh giới bên ngoài mà
không có kết sử ngã, ngã sở, ngã mạn?”
Phật bảo Tôn giả La-hầu-la:
“Có ba thứ thọ, đó là khổ thọ, lạc thọ, không khổ
không lạc thọ. Khi quán sát lạc thọ, vì muốn dứt trừ tham sử[57]
đối lạc thọ, nên ở nơi Ta mà tu phạm hạnh; vì muốn dứt trừ sân nhuế sử[58]
đối với khổ thọ, nên ở nơi Ta mà tu phạm hạnh; vì muốn dứt trừ ngu si sử[59]
đối với bất khổ bất lạc thọ, nên ở nơi Ta mà tu phạm hạnh.
“Này La hầu la, nếu Tỳ-kheo nào đối với kết sử tham
nơi lạc thọ đã dứt trừ, đã biết; đối với kết sử sân nhuế nơi khổ thọ đã
dứt trừ, đã biết; và đối với kết sử si nơi bất khổ bất lạc thọ đã dứt trừ,
đã biết, thì đó gọi là Tỳ-kheo đã đoạn trừ ái dục, bứt các kết buộc, diệt
kiêu mạn[60],
đến tột cùng của mé khổ[61].”
Sau đó, Đức Thế Tôn nói bài kệ:
Khi cảm nhận lạc thọ,
Thì không biết lạc thọ
Bị tham sử sai khiến,
Không thấy đường
xuất ly.
Lúc cảm nhận khổ thọ,
Thì không biết khổ thọ
Bị sân nhuế sai sử,
Không thấy đường
xuất ly.
Thọ không vui không khổ,
Đấng Chánh Giác đã nói,
Nếu không khéo quán sát,
Quyết không qua bờ kia.
Tỳ-kheo cần tinh tấn,
Chánh tri không động chuyển[62],
Như
tất cả thọ nàyï,
Người
trí thường hiểu biết.
Người
hiểu biết các thọ,
Hiện tại hết các lậu,
Người
trí sáng mạng chung,
Không rơi vào các số[63],
Các số đã dứt tuyệt,
Thường nhập Niết-bàn lạc.
Phật nói kinh này xong, Tôn giả
La-hầu-la nghe những gì Đức Phật đã dạy, hoan hỷ phụng hành.
*
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Đức Phật ở tại vườn Trúc, khu Ca-lan-đà,
nơi thành Vương xá. Bấy giờ Đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
“Biển lớn sâu hiểm[65].
Đó là cái sâu hiểm mà người ngu ở thế gian này thường nói, không phải là
sâu hiểm được nói trong pháp luật của Hiền thánh[66].
Những gì mà thế gian nói về sự sâu hiểm thì đó chỉ là sự tích tụ số lượng
nước nhiều mà thôi. Nếu các thọ phát sanh từ thân, các khổ bức bách, hoặc
bị khốn quẫn, hoặc chết, thì đó mới gọi là nơi sâu hiểm vô cùng của biển
lớn.
“Phàm phu ngu si không học, ở nơi các thọ phát sanh
từ thân, các khổ bức bách, hoặc bị khốn quẫn, hoặc chết, sầu bi, thán oán,
khóc lóc, kêu la, tâm loạn phát cuồng, mà trường kỳ chìm đắm, không chỗ
dừng nghỉ.
“Đa văn Thánh đệ tử, ở nơi các thọ phát sanh từ
thân, các khổ bức bách, hoặc bị khốn quẫn, hoặc chết, sầu bi, thán oán,
khóc lóc, kêu la, tâm loạn phát cuồng, mà không chìm đắm sanh tử, được chỗ
dừng nghỉ.”
Sau đó, Đức Thế Tôn nói bài kệ:
Thân sanh các khổ thọ,
Bức bách cho đến chết,
Sầu bi không chịu nổi,
Than khóc, phát cuồng loạn.
Tâm tự sanh khốn quẫn,
Chiêu tập các khổ tăng,
Mãi chìm biển sanh tử,
Nào biết chỗ dừng nghỉ.
Xả các thọ nơi
thân,
Khổ não sanh từ thân,
Bức bách cho đến chết,
Không khởi tưởng
buồn lo,
Không than khóc kêu gào,
Thường
nhẫn thọ các khổ,
Tâm không sanh chướng
ngại,
Chiêu tập các khổ tăng,
Không chìm đắm sanh tử,
Quyết được nơi an ổn.
Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo
nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
*
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật trú trong vườn Trúc, khu Ca-lan-đà,
thành Vương xá. Bấy giờ, Đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
“Phàm phu ngu si không học sanh khổ thọ, lạc thọ,
không khổ không lạc thọ. Đa văn Thánh đệ tử cũng sanh khổ thọ, lạc thọ,
không khổ không lạc thọ. Này các Tỳ-kheo, như vậy giữa phàm phu và Thánh
nhân có gì sai khác?”
Các Tỳ-kheo bạch Phật:
“Thế Tôn là căn bản của pháp, là con mắt của pháp,
là sở y của pháp. Lành thay, Thế Tôn! Cúi xin nói đầy đủ, các Tỳ-kheo sau
khi nghe xong sẽ lãnh thọ thực hành.”
Phật bảo các Tỳ-kheo tiếp:
“Hãy lắng nghe và suy nghĩ kỹ, Ta sẽ vì các ông mà
nói.
“Này các Tỳ-kheo, phàm phu ngu si không học, vì
thân xúc chạm sanh các thọ, tăng thêm các khổ đau, cho đến bị cướp mất
mạng sống, sầu bi, thán oán, khóc lóc, kêu gào, tâm sanh cuồng loạn. Ngay
lúc đó hai thọ tăng trưởng, là thân thọ và tâm thọ. Như có người thân bị
trúng hai mũi tên độc, vô cùng đau đớn. Phàm phu ngu si không học lại cũng
như vậy. Hai thọ tăng trưởng: thân thọ, tâm thọ vô cùng đau đớn, khổ sở.
Vì sao? Vì phàm phu ngu si không học này vì không biết rõ, nên ở nơi ngũ
dục mà phát sanh cảm xúc lạc thọ, lãnh thọ năm thứ dục lạc. Do lãnh thọ
năm thứ dục lạc nên bị tham sử sai khiến[68].
Vì xúc chạm cảm thọ khổ nên sanh sân nhuế. Vì nổi sân nhuế nên bị nhuế sử
sai khiến[69].
Nếu đối với sự tập khởi, sự diệt tận, vị ngọt, tai hại và xuất ly của hai
thọ này mà không biết như thật; vì không biết như thật nên sanh cảm thọ
không khổ không lạc, bị si sử sai khiến. Nó bị lạc thọ trói buộc, mãi
không thể lìa[70];
bị khổ thọ trói buộc, trọn không thể lìa; bị cảm thọ không khổ không lạc
trói buộc, cuối cùng không thể lìa.
“Cái gì trói buộc? Bị tham, nhuế, si trói buộc; bị
sanh, già, bệnh, chết, ưu, bi, khổ, não trói buộc.”
“Đa văn Thánh đệ tử, thân xúc sanh khổ thọ, khổ lớn
bức bách… cho đến cướp mất sanh mạng, mà không khởi lo buồn, thán oán,
khóc lóc, kêu gào, loạn tâm phát cuồng. Ngay lúc đó chỉ sanh một thứ thọ,
đó là thân thọ, chứ không sanh tâm thọ. Như người bị một mũi tên độc,
không bị mũi tên độc thứ hai, ngay khi đó chỉ sanh có một cảm thọ, đó là
thân thọ mà không sanh tâm thọ. Khi xúc chạm lạc thọ, không nhiễm dục lạc.
Vì không nhiễm dục lạc nên đối với lạc thọ này, tham sử không sai khiến.
Khi xúc chạm khổ thọ không sanh sân nhuế. Vì không sanh sân nhuế, nên nhuế
sử không thể sai khiến. Nếu đối với sự tập khởi, sự diệt tận, vị ngọt, tai
hại, sự xuất ly của hai sử này mà biết như thật; vì biết như thật cảm thọ
không khổ không lạc, nên si sử không thể sai khiến được. Đối với lạc thọ
được giải thoát, không bị trói buộc; khổ thọ, không khổ không lạc thọ cũng
được giải thoát, không bị trói buộc.
“Không bị cái gì trói buộc? Tham, nhuế, si không
trói buộc; sanh, già, bệnh, chết, ưu, bi, khổ, não không trói buộc.”
Bấy giờ, Đức Thế Tôn nói bài kệ:
Đa văn đối khổ vui,
Không phải không cảm giác.
So với kẻ không học,
Người
này thật xa khác[71].
Thọ lạc, không buông lung,
Gặp khổ không tăng sầu;
Khổ vui thảy đều bỏ,
Không thuận cũng không trái.
Tỳ-kheo siêng phương
tiện,
Chánh trí không khuynh động[72],
Đối với các thọ nàyï,
Trí tuệ thường
biết rõ.
Vì biết rõ các thọ,
Hiện tại sạch các lậu,
Khi chết không đọa lạc[73],
An trú Đại Niết-bàn.
Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo
nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
*
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật trú trong vườn Trúc,
khu Ca-lan-đà, thành Vương xá. Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
“Như giữa hư không, gió lộng từ bốn
phương thổi đến như gió có bụi bặm, gió không bụi bặm, gió tỳ-thấp-ba[75],
gió tỳ-lam-bà[76],
gió mỏng, gió dày, cho đến phong luân gió dậy. Gió cảm thọ trong thân cũng
như vậy. Đủ các thứ thọ khởi lên như lạc thọ, khổ thọ, không khổ không lạc
thọ. Đó là những cảm thọ lạc của thân, cảm thọ khổ của thân, cảm thọ không
khổ không lạc của thân; cảm thọ lạc của tâm, cảm thọ khổ của tâm, cảm thọ
không khổ không lạc của tâm; cảm thọ thực vị lạc[77],
cảm thọ thực vị khổ, cảm thọ thực vị không khổ không lạc; cảm lạc thọ phi
thực vị, cảm thọ khổ phi thực vị, cảm thọ không khổ không lạc phi thực vị;
cảm thọ lạc do tham, cảm thọ khổ do tham, cảm thọ không khổ không lạc do
tham; cảm thọ lạc xuất ly, cảm thọ khổ xuất ly, cảm thọ không khổ không
lạc xuất ly.”
Bấy giờ, Đức Thế Tôn nói bài kệ:
Như ở giữa hư không,
Các gió cuồng nổi dậy;
Gió Đông, Tây, Nam, Bắc,
Bốn phương
đều như vậy.
Có bụi và không bụi,
Cho đến phong luân khởi.
Cũng vậy trong thân này,
Các thọ cũng dấy lên.
Hoặc lạc, hoặc khổ thọ,
Và không khổ không lạc,
Có ăn cùng không ăn,
Tham trước
không tham trước.
Tỳ-kheo siêng phương
tiện,
Chánh trí không lay động[78],
Đối với các thọ này,
Trí tuệ thường
biết rõ.
Vì biết rõ các thọ,
Hiện tại sạch các lậu,
Khi chết không đọa lạc[79],
An trụ Bát-niết-bàn.
Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo
nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
*
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật trú trong vườn Trúc, khu Ca-lan-đà,
thành Vương xá. Bấy giờ, Đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
“Như nhà khách có đủ hạng người đến ở. Hoặc
Sát-đế-lợi, Bà-la-môn, gia chủ, cư sĩ, người nhà quê, thợ săn, người trì
giới, người phạm giới, người tại gia, người xuất gia. Tất cả đều trọ ở
trong đó. Thân này cũng lại như vậy. Đủ các thứ thọ sanh khởi như khổ thọ,
lạc thọ, không khổ không lạc thọ; thân thọ lạc, thân thọ khổ, thân thọ
không khổ không lạc; tâm thọ lạc, tâm thọ khổ, tâm thọ không khổ không
lạc; cảm thọ thực vị lạc[81],
cảm thọ thực vị khổ, cảm thọ thực vị không khổ không lạc; cảm thọ phi thực
vị lạc, cảm thọ phi thực vị khổ, cảm thọ phi thực vị không khổ không lạc;
cảm thọ lạc do tham trước, cảm thọ khổ do tham trước, cảm thọ không khổ
không lạc do tham trước; cảm thọ lạc xuất ly, cảm thọ khổ xuất ly, cảm thọ
không khổ không lạc xuất ly.”
Bấy giờ, Đức Thế Tôn nói bài kệ:
Như ở trong nhà khách,
Đủ hạng người
ở trọ,
Sát-lợi, Bà-la-môn,
Gia chủ và cư
sĩ,
Chiên-đà-la, dân quê,
Người
trì giới, phạm giới,
Kẻ tại gia, xuất gia,
Nhiều hạng người
như vậy.
Thân này cũng như
vậy,
Các thứ cảm thọ sanh,
Hoặc vui, hoặc khổ thọ,
Và không khổ không lạc,
Thực vị, phi thực vị,
Tham đắm, không tham đắm.
Tỳ-kheo siêng phương
tiện,
Chánh trí không lay động,
Đối với các thọ này,
Trí tuệ thường
biết rõ,
Vì biết rõ các thọ,
Hiện tại hết các lậu,
Khi chết không đọa lạc,
An trụ Bát-niết-bàn.
Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo
nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
*
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật trú trong vườn Trúc, khu Ca-lan-đà,
thành Vương xá. Bấy giờ, có Tỳ-kheo một mình ở chỗ vắng[83],
thiền tịnh, tư duy: ‘Thế Tôn nói ba thọ: lạc thọ, khổ thọ, không khổ không
lạc thọ; lại nói những gì thuộc về thọ thảy đều là khổ. Vậy, điều này có
nghĩa gì?”
Tỳ-kheo này suy nghĩ như vậy rồi, sau khi từ thiền
tịnh tỉnh giấc, đi đến chỗ Phật, cúi đầu lễ dưới chân Phật, rồi đứng lui
qua một bên, bạch Phật:
“Bạch Thế Tôn, con ở chỗ vắng, trong lúc thiền tịnh
tư duy có nghĩ rằng: ‘Thế Tôn nói ba thọ: lạc thọ, khổ thọ, không khổ
không lạc thọ; lại nói những gì thuộc về thọ đều là khổ. Vậy, điều này có
nghĩa gì?”
Phật bảo Tỳ-kheo:
“Ta, vì tất cả hành đều vô thường, tất cả hành là
pháp biến đổi nên nói những gì thuộc về thọ thảy đều là khổ.”
Bấy giờ, Đức Thế Tôn nói bài kệ:
Biết các hành vô thường,
Đều là pháp biến dịch,
Nên nói thọ là khổ,
Chánh Giác biết điều này.
Tỳ-kheo siêng phương
tiện,
Chánh trí không lay động,
Đối với tất cả thọ,
Trí tuệ thường
biết rõ.
Biết rõ tất cả thọ,
Hiện tại hết các lậu,
Khi chết không đọa lạc,
An trụ Bát-niết-bàn.
Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo
nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
*
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật trú trong vườn Trúc,
khu Ca-lan-đà, thành Vương xá. Bấy giờ, Tôn giả A-nan ở một mình chỗ vắng,
trong lúc thiền tịnh nghĩ rằng: ‘Thế Tôn nói ba thọ: lạc thọ, khổ thọ,
không khổ không lạc thọ; lại nói những gì thuộc về thọ đều là khổ. Vậy
điều này có nghĩa gì?’
Suy nghĩ vậy rồi, sau khi từ thiền
tịnh tỉnh giấc, đi đến chỗ Phật, cúi đầu đảnh lễ dưới chân Phật, rồi đứng
lui qua một bên, bạch Phật:
“Bạch Thế Tôn, lúc con một mình ở
chỗ vắng, thiền tịnh tư duy rằng: ‘Như lời Thế Tôn nói ba thọ: lạc thọ,
khổ thọ, không khổ không lạc thọ; lại nói những gì thuộc về thọ đều là
khổ. Vậy điều này có nghĩa gì?”
Phật bảo A-nan:
“Ta, vì tất cả hành là vô thường,
tất cả hành là pháp biến đổi, nên nói những gì thuộc về thọ đều là khổ.
Lại nữa A-nan, Ta, vì các hành tuần tự tịch diệt[85],
vì các hành tuần tự tĩnh chỉ[86],
nên Ta nói tất cả thọ đều là khổ.”
A-nan bạch Phật:
“Thế Tôn vì các hành tuần tự tịch
diệt mà nói, là nghĩa thế nào?”
Phật bảo A-nan:
“Khi nhập[87]
Sơ thiền, thì ngôn ngữ tich diệt. Nhập Nhị thiền thì giác
quán[88]
tịch diệt. Nhập Tam thiền, tâm hỷ tịch diệt[89].
Nhập Tứ thiền, hơi thở ra vào tịch diệt. Nhập Không nhập xứ[90],
sắc tưởng tịch diệt. Nhập Thức nhập xứ[91],
tưởng không nhập xứ vắng lặng. Nhập Vô sở hữu nhập xứ, tưởng thức nhập xứ
tịch diệt. Nhập Phi tưởng phi phi tưởng nhập xứ, tưởng vô sở hữu nhập xứ
tịch diệt. Nhập Tưởng thọ diệt, tưởng và thọ tịch diệt. Đó gọi là các hành
dần dần vắng lặng.”
A-nan bạch Phật:
“Thế Tôn vì các hành tuần tự tĩnh
chỉ mà nói, là nghĩa thế nào?”
Phật bảo A-nan:
“Khi nhập Sơ thiền, ngôn ngữ tĩnh
chỉ. Nhập Nhị thiền thì giác quán tĩnh chỉ. Nhập Tam thiền, tâm hỷ tĩnh
chỉ. Nhập Tứ thiền, hơi thở ra vào tĩnh chỉ. Nhập Không nhập xứ, sắc tưởng
tĩnh chỉ. Nhập Thức nhập xứ, tưởng không nhập xứ tĩnh chỉ. Nhập Vô sở hữu
nhập xứ, tưởng thức nhập xứ tĩnh chỉ. Nhập Phi tưởng phi phi tưởng nhập
xứ, tưởng vô sở hữu nhập xứ tĩnh chỉ. Nhập Tưởng thọ diệt, tưởng và thọ
tĩnh chỉ. Đó gọi là các hành tuần tự tĩnh chỉ.”
A-nan bạch Phật:
“Bạch Thế Tôn, có phải đó gọi là
các hành tuần tự tĩnh chỉ?”
Phật bảo A-nan:
“Lại có sự tĩnh chỉ thù thắng, tĩnh
chỉ kỳ đặc, tĩnh chỉ tối thượng, tĩnh chỉ vô thượng. Sự tĩnh chỉ như vậy,
đối với những sự tĩnh chỉ khác, không có gì hơn được.”
A-nan bạch Phật:
“Bạch Thế Tôn, những gì là tĩnh chỉ
thù thắng, tĩnh chỉ kỳ đặc, tĩnh chỉ tối thượng, tĩnh chỉ vô thượng. Sự
tĩnh chỉ như vậy, đối với những sự tĩnh chỉ khác, không có gì hơn được?”
Phật bảo A-nan:
“Đối với tham dục, mà tâm ly nhiễm,
giải thoát; với sân nhuế, mà tâm ly nhiễm, giải thoát; đó gọi là tĩnh chỉ
thù thắng, tĩnh chỉ kỳ đặc, tĩnh chỉ tối thượng, tĩnh chỉ vô thượng. Sự
tĩnh chỉ như vậy, đối với những sự tĩnh chỉ khác, không có gì hơn được.”
Phật nói kinh này xong, Tôn giả
A-nan nghe những gì Đức Phật đã dạy, hoan hỷ phụng hành.
*
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật trú trong vườn Trúc,
khu Ca-lan-đà, thành Vương xá. Bấy giờ, Đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
“Phật Tỳ-bà-thi, khi chưa thành
đạo, một mình ở chỗ thanh vắng thiền tịnh tư duy, bằng quán sát thọ như
vầy mà quán sát các thọ: ‘Thế nào là thọ? Thế nào là sự tập khởi thọ? Thế
nào là sự diệt tận của thọ? Thế nào là con đường đưa đến sự diệt tận của
thọ? Thế nào là vị ngọt của thọ? Thế nào là sự tai hại của thọ? Thế nào là
sự xuất ly thọ?’ Như vậy quán sát, có ba thọ: khổ thọ, lạc thọ, không khổ
không lạc thọ. Khi xúc tập khởi thì thọ tập khởi, khi xúc diệt thì thọ
diệt. Nếu đối với thọ mà ham muốn, khen ngợi, đắm nhiễm, hệ lụy, đó gọi là
con đường đưa đến sự tập khởi của thọ. Nếu đối với thọ mà không ham muốn,
khen ngợi, không đắm nhiễm, không hệ lụy, đó gọi là con đường đưa đến sự
diệt tận của thọ. Hỷ lạc nếu do nhân duyên thọ mà sanh, đó gọi là vị ngọt
của thọ. Nếu cảm thọ là vô thường, là pháp biến dịch, đó gọi là sự tai hại
của thọ. Nếu đối với cảm thọ mà đoạn trừ dục tham, vượt qua dục tham, gọi
đó là xuất ly thọ.”
Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo
nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
“Giống như Phật Tỳ-bà-thi; Phật
Thi-khí, Phật Tỳ-thấp-bà-phù, Phật Ca-la-ca Tôn-đề, Phật Ca-na-ca Mâu-ni,
Phật Ca-diếp và Ta là Phật Thích-ca Văn, khi chưa thành Phật, cũng lại tư
duy quán sát các thọ như vậy.”[93]
*
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật trú trong vườn Trúc, khu Ca-lan-đà,
thành Vương xá. Bấy giờ, có Tỳ-kheo, một mình ở chỗ vắng vẻ, thiền tịnh,
tư duy, quán sát các thọ như vầy: Thế nào là thọ? Thế nào là sự tập khởi
của thọ? Thế nào là sự diệt tận của thọ? Thế nào là con đường đưa đến sự
tập khởi của thọ? Thế nào là con đường đưa đến sự diệt tận của thọ? Thế
nào là vị ngọt của thọ? Thế nào là sự tai hại của thọ? Thế nào là xuất ly
thọ?
Bấy giờ, Tỳ-kheo này sau khi từ thiền tịnh tỉnh
giấc, đi đến chỗ Phật, cúi đầu đảnh lễ dưới chân Phật, rồi ngồi lui qua
một bên, bạch Phật:
“Bạch Thế Tôn, con một mình ở nơi chỗ vắng thiền
tịnh, tư duy, quán sát các thọ: Thế nào là thọ? Thế nào là sự tập khởi của
thọ? Thế nào là sự diệt tận của thọ? Thế nào là con đường đưa đến sự tập
khởi của thọ? Thế nào là con đường đưa đến sự diệt tận của thọ? Thế nào là
vị ngọt của thọ? Thế nào là sự tai hại của thọ? Thế nào là sự xuất ly thọ?
Phật bảo Tỳ-kheo:
“Có ba thọ: khổ thọ, lạc thọ, không khổ không lạc
thọ. Khi xúc tập khởi thì thọ tập khởi, khi xúc diệt tận thì thọ diệt tận.
Nếu đối với thọ mà ham muốn, khen ngợi, đắm nhiễm, hệ lụy, đó gọi là con
đường đưa đến sự tập khởi của thọ. Nếu đối với thọ mà không ham muốn, khen
ngợi, đắm nhiễm, hệ lụy, đó gọi là con đường đưa đến sự diệt tận của thọ.
Hỷ lạc nếu do nhân duyên thọ mà sanh, đó gọi là vị ngọt của thọ. Nếu cảm
thọ là vô thường, là pháp biến dịch, đó gọi đó là sự tai hại của thọ. Nếu
đối với cảm thọ mà đoạn trừ dục tham, vượt qua dục tham, gọi đó là xuất ly
thọ.”
Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì
Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
*
Như kinh Tỳ-kheo hỏi ở trên, kinh
này Tôn giả A-nan cũng hỏi như vậy.
*
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật trú trong vườn Trúc,
khu Ca-lan-đà, thành Vương xá. Bấy giờ, Đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
“Thế nào là thọ? Thế nào là sự tập
khởi của thọ? Thế nào là sự diệt tận của thọ? Thế nào là con đường đưa đến
sự tập khởi của thọ? Thế nào là con đường đưa đến sự diệt tận của thọ?”
Các Tỳ-kheo bạch Phật:
“Thế Tôn là căn bản của pháp, là
con mắt của pháp, là sở y của pháp. Lành thay, Thế Tôn! Cúi xin nói đầy
đủ, các Tỳ-kheo sau khi nghe xong sẽ lãnh thọ thực hành.”
Phật bảo các Tỳ-kheo:
“Hãy lắng nghe và suy nghĩ kỹ, Ta
sẽ vì các ông mà nói.
“Này các Tỳ-kheo, có ba thọ: khổ
thọ, lạc thọ, không khổ không lạc thọ. Khi xúc tập khởi thì thọ tập khởi;
khi xúc diệt tận, thọ diệt tận. Nếu đối với thọ mà ham muốn, khen ngợi,
đắm nhiễm, hệ lụy, đó gọi là con đường đưa đến sự tập khởi của thọ. Nếu
đối với thọ mà không ham muốn, khen ngợi, đắm nhiễm, hệ lụy, đó gọi là con
đường đưa đến sự diệt tận của thọ. Hỷ lạc nếu do nhân duyên thọ mà sanh,
đó gọi là vị ngọt của thọ. Nếu cảm thọ là vô thường, là pháp biến dịch, đó
gọi đó là sự tai hại của thọ. Nếu đối với cảm thọ mà đoạn trừ dục tham,
vượt qua dục tham, gọi đó là xuất ly thọ.”
Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo
nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
*
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật trú trong vườn Trúc, khu Ca-lan-đà,
thành Vương xá. Bấy giờ, Đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
“Nếu Ta không biết như thật đối với các thọ; không
biết như thật đối với sự tập khởi của thọ, sự diệt tận của thọ, con đường
đưa đến sự tập khởi của thọ, con đường đưa đến sự diệt tận của thọ, vị
ngọt của thọ, sự tai hại của thọ, xuất ly thọ, thì Ta ở giữa chư Thiên,
thế gian, Ma, Phạm, Sa-môn, Bà-la-môn và các chúng trời, người, không được
giải thoát, xuất thọ, thoát khỏi các điên đảo, cũng không phải Chánh Đẳng
Chánh Giác[97].
Vì Ta biết như thật đối với các thọ, sự tập khởi của thọ, sự diệt tận của
thọ, con đường đưa đến sự tập khởi của thọ, con đường đưa đến sự diệt tận
của thọ, vị ngọt của thọ, sự tai hại của thọ, xuất thọ, nên ở giữa chư
Thiên, thế gian, Ma, Phạm, Sa-môn, Bà-la-môn và các chúng trời, người, Ta
là Bậc Giải Thoát, là Bậc Xuất Ly, là Bậc ra khỏi các điên đảo và đạt được
Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác.”
Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì
Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
*
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật trú trong vườn Trúc, khu Ca-lan-đà,
thành Vương xá. Bấy giờ, Đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
“Nếu Sa-môn, Bà-la-môn nào mà không biết như thật
đối với các thọ; không biết như thật đối với sự tập khởi của thọ, sự diệt
tận của thọ, con đường đưa đến sự tập khởi của thọ, con đường đưa đến sự
diệt tận của thọ, vị ngọt của thọ, sự tai hại của thọ, xuất ly thọ, người
này không phải là Sa-môn, không phải là Bà-la-môn, không đồng với Sa-môn,
Bà-la-môn, cũng không phải nghĩa Sa-môn, cũng không phải nghĩa Bà-la-môn[99],
ngay trong đời hiện tại không tự tri tự tác chứng: ‘Ta, sự sanh đã dứt,
phạm hạnh đã lập, những gì cần làm đã làm xong, tự biết không còn tái sanh
đời sau nữa.’”
“Nếu Sa-môn, Bà-la-môn nào mà biết như thật đối với
các thọ; biết như thật đối với sự tập khởi của thọ, sự diệt tận của thọ,
con đường đưa đến sự tập khởi của thọ, con đường đưa đến sự diệt tận của
thọ, vị ngọt của thọ, sự tai hại của thọ, xuất ly thọ, người này là Sa-môn
của Sa-môn, Bà-la-môn của Bà-la-môn, đồng với Sa-môn, đồng với Bà-la-môn,
đúng nghĩa Sa-môn, đúng nghĩa Bà-la-môn, ngay trong đời hiện tại tự tri tự
tác chứng: ‘Ta, sự sanh đã dứt, phạm hạnh đã lập, những gì cần làm đã làm
xong, tự biết không còn tái sanh đời sau nữa.’”
Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì
Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
“Như Sa-môn, không phải Sa-môn. Cũng vậy, Sa-môn
số[100]
và không phải Sa-môn số cũng đều như vậy.”
*
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật trú trong rừng Nhất-xa-năng-già-la[102],
nước Nhất-xa-năng-già-la. Bấy giờ Đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
“Ta muốn ở lại tại đây nửa tháng để ngồi thiền. Các
Tỳ-kheo, chớ đi du hành nữa[103],
trừ khi đi khất thực và Bố tát.”
Rồi tọa thiền, không du hành nữa.
Bấy giờ, qua nửa tháng, Thế Tôn trải tọa cụ ngồi
trước đại chúng, bảo các Tỳ-kheo:
“Khi Ta, bằng một ít thiền phần của thiền pháp được
tư duy khi mới thành Phật, nay trong tháng này, tư duy rằng: Sự sanh khởi
của tất cả cảm thọ của chúng đều có nhân duyên, không phải không có nhân
duyên.
“Những gì là nhân duyên? Dục là nhân duyên, giác[104]
là nhân duyên, xúc là nhân duyên. Này các Tỳ-kheo, nếu dục không được diệt
tận[105],
giác không diệt tận, xúc không diệt tận, do những nhân duyên này mà cảm
thọ của chúng sanh phát sanh. Vì nhân duyên không được diệt tận nên cảm
thọ của chúng sanh phát sanh.
“Nếu dục kia được diệt tận, nhưng giác không diệt
tận, xúc không diệt tận, do những nhân duyên này mà cảm thọ của chúng sanh
phát sanh. Vì nhân duyên không được diệt tận nên cảm thọ của chúng sanh
phát sanh.
“Nếu dục kia được diệt tận, giác diệt tận, nhưng
xúc không diệt tận, do những nhân duyên này mà cảm thọ của chúng sanh phát
sanh. Vì nhân duyên không được diệt tận nên cảm thọ của chúng sanh phát
sanh.
“Nếu dục kia được diệt tận, giác diệt tận, xúc diệt
tận; nhưng do nhân duyên kia mà cảm thọ của chúng sanh phát sanh, là do
nhân duyên cái kia diệt tận, nên cảm thọ của chúng sanh phát sanh.
“Vì nhân duyên tà kiến nên cảm thọ của chúng sanh
phát sanh; vì nhân duyên tà kiến không diệt tận nên cảm thọ của chúng sanh
phát sanh; vì nhân duyên tà chí, tà ngữ, tà nghiệp, tà mạng, tà phương
tiện, tà niệm, tà định, tà giải thoát và tà trí, nên cảm thọ của chúng
sanh phát sanh. Vì nhân duyên tà trí không diệt tận nên cảm thọ của chúng
sanh phát sanh.
“Do nhân duyên chánh kiến nên cảm thọ của chúng
sanh phát sanh; do nhân duyên chánh kiến tịch diệt nên cảm thọ của chúng
sanh phát sanh; do nhân duyên chánh chí, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh
mạng, chánh phương tiện, chánh niệm, chánh định, chánh giải thoát và chánh
trí nên cảm thọ của chúng sanh phát sanh; do nhân duyên chánh trí tịch
diệt nên cảm thọ của chúng sanh phát sanh.
“Nếu dục này không được mà được, không thu hoạch mà
thu hoạch, không chứng mà chứng, thì cũng vì nhân duyên này mà cảm thọ của
chúng sanh phát sanh, vì nhân duyên cái kia tịch diệt nên cảm thọ của
chúng sanh phát sanh. Đó gọi là vì nhân duyên không diệt tận, nên cảm thọ
của chúng sanh phát sanh; và vì nhân duyên diệt tận nên cảm thọ của chúng
sanh phát sanh.
“Nếu Sa-môn, Bà-la-môn nào, không biết như thật đối
với duyên duyên, sự tập khởi của duyên duyên, sự diệt tận của duyên duyên,
con đường đưa đến sự tập khởi của duyên duyên, con đường đưa đến sự diệt
tận của duyên duyên như vậy, thì người này không phải là Sa-môn của
Sa-môn, không phải Bà-la-môn của Bà-la-môn, không đồng với Sa-môn của
Sa-môn, không đồng với Bà-la-môn của Bà-la-môn, không đúng nghĩa Sa-môn,
không đúng nghĩa Bà-la-môn, đối với pháp hiện tại không tự tri tự tác
chứng: ‘Ta, sự sanh đã dứt, phạm hạnh đã lập, những gì cần làm đã làm
xong, tự biết không còn tái sanh đời sau nữa.’
“Nếu Sa-môn, Bà-la-môn nào, mà biết như thật đối
với duyên duyên, sự tập khởi của duyên duyên, sự diệt tận của duyên duyên,
con đường đưa đến sự tập khởi của duyên duyên và con đường đưa đến sự diệt
tận của duyên duyên như vậy, thì người này là Sa-môn của Sa-môn, là
Bà-la-môn của Bà-la-môn, đồng với Sa-môn của Sa-môn, đồng với Bà-la-môn
của Bà-la-môn, đúng nghĩa Sa-môn, đúng nghĩa Bà-la-môn, đối với pháp hiện
tại tự tri tự tác chứng: ‘Ta, sự sanh đã dứt, phạm hạnh đã lập, những gì
cần làm đã làm xong, tự biết không còn tái sanh đời sau nữa.’
Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì
Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
*
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô
độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, đang mùa hạ an cư, gia chủ Cấp
Cô Độc đi đến chỗ Phật, cúi đầu đảnh lễ dưới chân Phật, rồi ngồi lui qua
một bên. Đức Phật vì gia chủ, bằng nhiều hình thức mà thuyết pháp, khai
thị, soi sáng, chỉ dạy, làm cho hoan hỷ. Sau khi được Phật khai thị, soi
sáng, chỉ giáo, làm cho hoan hỷ, gia chủ đứng dậy sửa lại y phục, đảnh lễ
dưới chân Phật, rồi chắp tay, bạch Phật:
“Cúi xin Thế Tôn và đại chúng từ bi
thọ nhận lời thỉnh nguyện của con, trong ba tháng hạ, cúng dường y phục,
ẩm thực, y dược, ngọa cụ.”
Bấy giờ Đức Thế Tôn yên lặng nhận
lời. Khi ấy Cấp Cô Độc biết Phật đã im lặng nhận lời rồi, đứng dậy từ giã
trở về nhà mình. Qua ba tháng, ông đến chỗ Phật, lễ dưới chân Phật, rồi
ngồi lui qua một bên. Phật bảo Cấp Cô Độc:
“Lành thay, gia chủ! Ông ba tháng
qua đã cúng dường y phục, ẩm thực, y dược, ngọa cụ. Ông do vào sự trang
nghiêm tịnh trị thượng đạo[107]
này, mà ở đời vị lai sẽ được phước báo an lạc. Nhưng hiện
tại ông không nên mặc nhiên thụ hưởngï sự an lạc này, phải tinh tấn lúc
nào cũng học, để thành tựu và tự thân tác chứng hỷ lạc do viễn ly[108].”
Bấy giờ, gia chủ Cấp Cô Độc nghe
Phật dạy như vậy, tùy hỷ hoan hỷ, đứng dậy đảnh lễ ra về.
Lúc ấy, Tôn giả Xá-lợi-phất đang
ngồi giữa đại chúng, biết ông Cấp Cô Độc đã về rồi, liền bạch Phật:
“Kỳ diệu thay, Thế Tôn! Khéo vì gia chủ Cấp Cô Độc
thuyết pháp khích lệ ông Cấp Cô Độc rằng: ‘Ông ba tháng đã cúng dường y
phục, ẩm thực, y dược, ngọa cụ. Ông do vào sự tịnh trị thượng đạo này, mà
ở đời vị lai sẽ được phước báo an lạc. Nhưng hiện tại ông không nên mặc
nhiên thụ hưởngï phước báo này, phải tinh tấn lúc nào cũng học, để thành
tựu và tự thân tác chứng hỷ lạc do viễn ly.’
“Bạch Thế Tôn, giả sử Thánh đệ tử học để thành tựu
và tự thân tác chứng hỷ lạc do viễn ly, sở đắc viễn ly năm pháp[109]
và phải tu tập viên mãn năm pháp.
“Thế nào là viễn ly năm pháp? Đoạn trừ hỷ được nuôi
lớn bởi dục, đoạn trừ ưu được nuôi lớn bởi dục, đoạn trừ xả được nuôi lớn
bởi dục; đoạn trừ hỷ được nuôi lớn bởi pháp bất thiện, đoạn trừ ưu được
nuôi lớn bởi pháp bất thiện. Đó gọi là năm pháp viễn ly.
“Thế nào là tu tập viên mãn năm pháp? Đó là tùy hỷ,
hoan hỷ, khinh an[110],
lạc và nhất tâm.”
Phật bảo Tôn giả Xá-lợi-phất:
“Đúng thế, đúng thế! Nếu Thánh đệ tử học để thành
tựu và tự thân tác chứng hỷ lạc do viễn ly, sở đắc viễn ly năm pháp và
phải tu tập viên mãn năm pháp.”
Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì
Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
*
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây
Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với các Tỳ-kheo:
“Có niệm có thực vị, có niệm không thực vị[112],
có niệm vừa không thực vị vừa có thực vị. Có lạc có thực vị, có lạc không
thực vị, có lạc vừa không thực vị vừa có thực vị. Có xả có thực vị, có
niệm không thực vị, có xả vừa không thực vị vừa có thực vị. Có giải thoát
có thực vị, có giải thoát không thực vị, có giải thoát vừa không thực vị
vừa có thực vị.
“Thế nào là niệm có thực vị? Niệm[113]
sanh ra do năm dục làm nhân duyên.
“Thế nào là niệm không thực vị? Tỳ-kheo ly dục, ly
pháp ác bất thiện; có giác, có quán, có hỷ lạc do viễn ly sanh, thành tựu
và an trụ Sơ thiền. Đó gọi là niệm không thực vị.
“Thế nào là niệm vừa không thực vị vừa có thực vị?ø
Tỳ-kheo có giác, có quán, nội tĩnh nhất tâm; không giác, không quán, có hỷ
lạc do định sanh, thành tựu và trụ Nhị thiền. Đó gọi là niệm vừa không
thực vị vừa có thực vị.
“Thế nào là lạc có thực vị? Lạc, hỷ, do năm dục làm
nhân duyên sanh ra. Đó gọi là lạc có thực vị.
“Thế nào là lạc không thực vị? Dứt có giác có quán,
nội tĩnh nhất tâm; không giác, không quán, có hỷ lạc do định sanh. Đó gọi
là vô thực lạc.
“Thế nào là lạc vừa không thực vị vừa có thực vị?
Tỳ-kheo lìa hỷ, tham, an trụ xả tâm với chánh niệm, chánh tri, trụ an lạc,
điều mà Thánh nói là xả. Đó gọi là lạc vừa không thực vị vừa có thực vị.
“Thế nào là xả có thực vị? Xả do ngũ dục làm nhân
duyên sanh ra. Đó gọi là xả có thực vị.
“Thế nào là xả không thực vị? Tỳ-kheo lìa hỷ tham,
an trụ xả tâm, với chánh niệm, chánh tri, an trụ lạc, điều Thánh nói là
xả, thành tựu và an trú Tam thiền. Đó gọi là xả không thực vị.
“Thế nào là xả vừa không thực vị vừa có thực vị?
Tỳ-kheo xa lìa khổ, dứt lạc; ưu và hỷ trước đã dứt, không khổ không lạc,
xả và niệm thanh tịnh, nhất tâm, thành tựu và an trụ Tứ thiền. Đó gọi là
vừa không thực vị vừa có thực vị.
“Thế nào là giải thoát có thực vị? Hành cùng đi với
sắc[114].
“Thế nào là vô thực giải thoát? Hành cùng đi với vô
sắc.
“Thế nào là giải thoát vừa không thực vị vừa có
thực vị? Tỳ-kheo kia, giải thoát với tâm không nhiễm tham dục, không nhiễm
sân nhuế, ngu si. Đó gọi là giải thoát vừa không thực vị vừa có thực vị.”
Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì
Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
*
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây
Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, Tôn giả Bạt-đà-la[116]
và Tôn giả A-nan đều ở vườn Cấp cô độc rừng cây Kỳ-đà. Khi ấy Tôn giả
A-nan đi đến chỗ Tôn giả Bạt-đà-la. Sau khi thăm hỏi sức khỏe xong, ngồi
xuống một bên, rồi Tôn giả A-nan hỏi Tôn giả Bạt-đà-la:
“Thế nào gọi là thấy đệ nhất[117]?
Thế nào là nghe đệ nhất? Thế nào là lạc đệ nhất? Thế nào là tưởng đệ nhất?
Thế nào là hữu đệ nhất[118]?”
Tôn giả Bạt-đà-la nói với Tôn giả A-nan:
“Có Phạm thiên, là đấng tự tại, tạo tác, biến hóa
như ý, là cha của thế gian. Thấy được Phạm thiên thì gọi đó là cái thấy đệ
nhất.
“Này A-nan, có chúng sanh có hỷ lạc do viễn ly sanh
thấm nhuần khắp mọi nơi, mọi nơi đều cảm giác hân hoan, toàn thân sung
mãn, không chỗ nào là không tràn đầy bởi hỷ lạc phát sanh do viễn ly.
Chúng sanh này, sau khi xuất định, xướng lên giữa đại chúng: ‘Vô cùng tịch
tĩnh thay, hỷ lạc do viễn ly sanh này! Vô cùng tịch tĩnh thay, hỷ lạc do
viễn ly sanh này!’ Nghe được âm thanh này thì gọi là cái nghe đệ nhất.
“Lại nữa A-nan, nếu có chúng sanh ở nơi thân này có
lạc do đã lìa hỷ thấm nhuần khắp mọi nơi, mọi nơi đều cảm giác hân hoan,
toàn thân sung mãn, không chỗ nào là không tràn đầy bởi lạc do đã lìa hỷ
này. Đó gọi là lạc đệ nhất.
“Thế nào là tưởng đệ nhất? Này A-nan, có chúng sanh
vượt qua tất cả thức nhập xứ, nhập vô sở hữu, thành tựu và an trụ vô sở
hữu nhập xứ. Nếu khởi lên tưởng này, thì gọi là tưởng đệ nhất.
“Thế nào là hữu đệ nhất? Lại nữa A-nan, có chúng
sanh vượt qua tất cả Vô sở hữu nhập xứ, thành tựu và an trụ Phi tưởng phi
phi tưởng nhập xứ. Nếu khởi hữu này, thì gọi là hữu đệ nhất.”
Tôn giả A-nan nói với Tôn giả Bạt-đà-la:
“Có nhiều người thấy như vậy, nói như vậy; vậy thì
Tôn giả cũng giống họ, đâu có khác gì? Tôi dùng phương tiện hỏi Tôn giả,
Tôn giả hãy lắng nghe, tôi sẽ vì Tôn giả mà nói. Theo như cái được quán
sát này, mà lần lượt diệt tận các lậu, đó mới gọi là cái thấy đệ nhất.
Theo như điều được nghe mà lần lượt diệt tận các lậu, đó mới gọi là cái
nghe đệ nhất. Theo như lạc được phát sanh mà lần lượt diệt tận các lậu, đó
mới gọi là lạc đệ nhất. Theo như điều được tưởng mà lần lượt diệt tận các
lậu, đó mới gọi là tưởng đệ nhất. Như thực quán sát, lần lượt diệt tận các
lậu, thì đó mới gọi là hữu đệ nhất.”
Bấy giờ, hai vị Chánh sĩ sau khi bàn luận xong,
đứng dậy cáo từ.
*
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại vườn Trúc, khu Ca-lan-đà,
thành Vương xá. Bấy giờ vua Bình-sa[120]
đi đến chỗ Tôn giả Ưu-đà-di, cúi đầu đảnh lễ, rồi ngồi lui qua một bên,
bạch Tôn giả Ưu-đà-di:
“Đức Thế Tôn nói có bao nhiêu thọ?”
Tôn giả Ưu-đà-di đáp:
“Tâu Đại vương, Thế Tôn nói ba thọ: thọ khổ, thọ
lạc thọ không khổ không lạc.”
Vua Bình-sa bạch Tôn giả Ưu-đà-di:
“Chớ nói như vậy, rằng ‘Thế Tôn nói ba thọ là thọ
khổ, thọ lạc, thọ không khổ không lạc.’ Nhưng đúng ra phải nói có hai thọ
là thọ khổ và thọ lạc. Thọ không khổ không lạc là tịch diệt.”
“Nói ba lần như vậy.”
Tôn giả Ưu-đà-di không thể xác lập ba thọ với vua
và vua cũng không thể xác lập hai thọ. Cả hai cùng đến chỗ Phật, cúi đầu
đảnh lễ dưới chân Phật, rồi ngồi lui qua một bên. Bấy giờ, Tôn giả
Ưu-đà-di bạch lại với Phật những sự việc trên một cách đầy đủ:
“Con cũng không thể xác lập được ba thọ và vua cũng
không thể xác lập được hai thọ; nên nay chúng con cùng đến hỏi Thế Tôn,
xin quyết định nghĩa này, là có mấy thọ?”
Phật bảo Tôn giả Ưu-đà-di:
“Ta có khi nói một thọ, có khi nói hai thọ, hoặc có
khi nói ba, bốn, năm, sáu, mười tám, ba mươi sáu, cho đến một trăm lẻ tám
thọ, hoặc có khi nói vô lượng thọ.
“Ta nói một thọ như thế nào? Như nói, ‘Những gì là
thọ đều là khổ.’ Đó gọi là Ta nói có một thọ.
“Ta nói hai thọ như thế nào? Nói, ‘Thân thọ và tâm
thọ.’ Đó gọi là có hai thọ.
“Thế nào là ba thọ? Thọ khổ, thọ vui, thọ không khổ
không vui.
“Thế nào là bốn thọ? Thọ hệ thuộc Dục giới, thọ hệ
thuộc Sắc giới, thọ hệ thuộc Vô sắc giới và thọ không hệ thuộc.
“Thế nào là nói năm thọ? Lạc căn, hỷ căn, khổ căn,
ưu căn và xả căn. Đó gọi là năm thọ.
“Thế nào là sáu thọ? Thọ sanh từ nhãn xúc, thọ sanh
từ nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý xúc. Đó gọi là sáu thọ.
“Thế nào là mười tám thọ? Thọ, theo sáu hỷ hành,
sáu ưu hành và sáu xả hành. Đó gọi là mười tám thọ.
“Thế nào là ba mươi sáu thọ? Hỷ y sáu tham trước,
hỷ y sáu ly tham; ưu y sáu tham trước, ưu y sáu ly tham; xả y sáu tham
trước, xả sáu ly tham. Đó gọi là ba mươi sáu thọ.
“Thế nào là một trăm lẻ tám thọ? Ba mươi sáu thọ
quá khứ, ba mươi sáu thọ vị lai và ba mươi sáu thọ hiện tại. Đó gọi là một
trăm lẻ tám thọ.
“Thế nào là vô lượng thọ? Như nói thọ này, thọ kia
v.v… Này Tỳ-kheo, như vậy gọi là vô lượng thọ.
“Này Ưu-đà-di, Ta bằng nhiều hình thức như vậy nói
như thật nghĩa của thọ. Thế gian không hiểu, nên tranh luận và mâu thuẫn
chống trái nhau, trọn không nắm được nghĩa chân thật trong pháp luật của
Ta, để tự dừng lại.
“Này Ưu-đà-di, nếu đối với nghĩa của nhiều loại thọ
mà Ta đã nói đây, hiểu biết như thật, thì không khởi tranh luận và mâu
thuẫn chống trái nhau. Với tranh luận đã khởi lên hay chưa khởi lên, có
thể bằng pháp luật này mà ngăn ngừa, khiến cho nó đình chỉ.
“Nhưng này Ưu-đà-di, có hai thọ: thọ dục và thọ ly
dục. Thế nào là thọ dục? Thọ do nhân duyên năm công đức của dục sanh ra,
đó gọi là thọ dục. Thế nào là thọ ly dục? Tỳ-kheo ly dục và pháp ác bất
thiện, có giác, có quán, có hỷ lạc phát sanh do viễn ly, thành tựu và an
trụ Sơ thiền, đó gọi là thọ ly dục.
“Nếu có người nói: ‘Chúng sanh nương vào Sơ thiền
này, chỉ có đây là lạc, ngoài ra không còn gì khác.’ Điều này không đúng.
Vì sao? Vì còn có cái lạc thù thắng hơn cái lạc này. Đó là gì? Tỳ-kheo lìa
có giác, lìa có quán, nội tĩnh, có hỷ lạc do định sanh, thành tựu và an
trụ Nhị thiền; đó gọi là lạc thù thắng. Như vậy, cho đến, Phi tưởng phi
phi tưởng nhập xứ, càng lên càng thù thắng hơn.
“Nếu có người nói: ‘Chỉ có những xứ này, cho đến,
Phi tưởng phi phi tưởng là cực lạc, không còn chỗ nào khác.’ Như vậy cũng
lại không đúng. Vì sao? Vì còn có cái lạc thù thắng hơn những nơi này nữa.
Đó là gì? Tỳ-kheo vượt qua tất cả Phi tưởng phi phi tưởng nhập xứ, tưởng
thọ diệt, tự thân tác chứng thành tựu; đó là cái lạc thù thắng hơn cái lạc
trên.
“Nếu có kẻ xuất gia dị học nói: ‘Sa-môn Thích tử
chỉ nói đến tưởng thọ diệt và cho là đã đến chỗ tận cùng của lạc’, điều
này không đúng. Vì sao? Vì đây không phải là danh nghĩa thọ lạc mà Thế Tôn
đã nói. Danh nghĩa thọ lạc mà Thế Tôn nói là, như nói: ‘Này Ưu-đà-di, có
bốn thứ lạc. Những gì là bốn? Đó là lạc ly dục, lạc viễn ly, lạc tịch diệt
và lạc Bồ-đề.’”
Phật nói kinh này xong, Ưu-đà-di và vua Bình-sa
nghe những gì Đức Phật đã dạy, hoan hỷ phụng hành.
*
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật trú trong vườn Trúc, khu Ca-lan-đà,
thành Vương xá. Bấy giờ, Đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
“Nếu đối với một pháp, mà sanh chân chánh nhàm tởm,
không ưa, xả bỏ, sẽ chứng đắc lậu tận. Đó là, tất cả chúng sanh do thức ăn
mà tồn tại.
“Lại có hai pháp, đó là danh và sắc. Lại có ba
pháp, đó là ba thọ. Lại có bốn pháp, đó là bốn thực. Lại có năm pháp, đó
là năm thọ ấm. Lại có sáu pháp, đó là sáu nội, ngoại nhập xứ. Lại có bảy
pháp, đó là bảy thức trụ. Lại có tám pháp, đó là tám pháp thế gian. Lại có
chín pháp, đó là chín chỗ cư ngụ của chúng sanh. Lại có mười pháp, đó là
mười nghiệp. Đối với mười pháp này, thật sự nhàm tởm, không ưa, xả bỏ, sẽ
đến chỗ tận cùng mé khổ và giải thoát khỏi khổ.”
Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì
Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
*
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật trú trong vườn Trúc, khu Ca-lan-đà,
thành Vương xá. Bấy giờ, Đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
“Nếu đối với một pháp, mà quán sát vô thường, quán
sát biến đổi, quán sát ly dục, quán sát diệt tận, quán sát xả ly, sẽ tận
trừ các lậu hoặc. Đó là, tất cả chúng sanh do thức ăn mà tồn tại.
“Lại có hai pháp, đó là danh và sắc. Lại có ba
pháp, đó là ba thọ. Lại có bốn pháp, đó là bốn thực. Lại có năm pháp, đó
là năm thọ ấm. Lại có sáu pháp, đó là sáu nội, ngoại nhập xứ. Lại có bảy
pháp, đó là bảy thức trụ. Lại có tám pháp, đó là tám pháp thế gian. Lại có
chín pháp, đó là chín chỗ cư ngụ của chúng sanh. Lại có mười pháp, đó là
mười nghiệp. Đối với mười pháp này, chân chánh quán sát vô thường, quán
sát biến đổi, quán sát ly dục, quán sát diệt tận, quán sát xả ly, sẽ diệt
trừ hết các lậu.”
Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì
Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
*
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật trú trong vườn Trúc, khu Ca-lan-đà,
thành Vương xá. Bấy giờ, Đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
“Nếu đối với một pháp, mà quán sát vô thường, quán
sát biến đổi, quán sát ly dục, quán sát diệt tận, quán sát xả ly, sẽ đến
chỗ tận cùng của mé khổ và giải thoát khỏi khổ. Đó là, tất cả chúng sanh
do thức ăn mà tồn tại.
“Lại có hai pháp, đó là danh và sắc. Lại có ba
pháp, đó là ba thọ. Lại có bốn pháp, đó là bốn thực. Lại có năm pháp, đó
là năm thọ ấm. Lại có sáu pháp, đó là sáu nội, ngoại nhập xứ. Lại có bảy
pháp, đó là bảy thức trụ. Lại có tám pháp, đó là tám pháp thế gian. Lại có
chín pháp, đó là chín chỗ ở của chúng sanh. Lại có mười pháp, đó là mười
nghiệp. Đối với mười pháp này, chân chánh quán sát vô thường, quán sát
biến đổi, quán sát ly dục, quán sát diệt tận,
quán sát xả ly, sẽ đến chỗ tận cùng của mé khổ và
giải thoát khỏi khổ.”
Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì
Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
*
[1].
Đại Chánh quyển 17. “Tạp nhân tụng, phẩm
iii, phần v” (tiêu mục trong nguyên bản Đại Chánh). Ấn Thuận: “5 Tương
ưng Giới” tiếp theo, trì kinh 444 (Đại Chánh quyển 16). Pāli, S. 14.
11. Sattimā.
[2].
Quang giới
光界,
tịnh giới
淨界,
vô lượng không nhập xứ giới
無量空入處界,
vô lượng thức nhập xứ giới
無量識入處界,
vô sở hữu nhập xứ giới
無所有入處界,
phi tưởng phi phi tưởng nhập xứ giới
非想非非想入處界,
hữu diệt giới有滅界.
Pāli: sattimā, bhikkhave, dhātuyo. katamā
sattā? ābhādhātu, subhadhātu, ākāsānañcāyatanadhātu,
viññāṇañcāyatanadhātu, ākiñcaññāyatanadhātu,
nevasaññānāsaññāyatanadhātu, saññāvedayitanirodhadhātu, có bảy giới
loại (ở đây: giới hệ hay cõi): giới loại ánh sáng, giới loại tịnh
khiết, giới loại cảnh vực hư không vô biên, cảnh vực thức vô biên,
cảnh vực vô sở hữu, cảnh vực phi tưởng phi phi tưởng, cõi của sự diệt
tận tưởng và thọ.
[3].
Trong nguyên bản: duyên nội
緣內.
Bản đời Nguyên: duyên nội không
緣內空.
Ấn Thuận đề nghị sửa lại là (hư) không. Pāli: ākāsānañcāyatanṃ
paṭicca, duyên hư không vô biên.
[4].
Pāli: viññāṇañcāyatanaṃ paṭicca, duyên
thức vô biên xứ.
[5].
Hữu đệ nhất, hay hữu đảnh, chóp đỉnh của
hữu, cao nhất trong các cõi Hữu (Pāli: bhavagga). Bản Pāli:
ākiñcaññāyatanaṃ paṭicca, duyên vô sở hữu xứ.
[6]
.
Hữu thân
有身.
Pāli:
sakkāya. Bản Pāli: nirodhaṃ pṭicca, duyên diệt.
[7]
.
[Chánh thọ, hoặc đẳng chí, trạng thái tập
trung, hợp nhất tư tưởng, có chín bậc định như vậy: bốn sắc giới
thiền, bốn vô sắc định và diệt tận định. Pāli: samāpatti.]
[8]
.
Bản Pāli: saññāsamāpatti pattabbā, y
tưởng chánh thọ (đẳng chí) mà đạt được.
[9].
Bản Pāli: saṃkhārāvasesa-samāpatti
pattabbā, đạt được do chánh thọ của hành hữu dư (một ít hành uẩn còn
tàn dư).
[10].
Hữu thân diệt
有身滅,
diệt tận các thân kiến (hai mươi hữu thân kiến, hay tát-ca-da tà
kiến). Pāli: nirodhasamāpatti, do diệt chánh thọ.
[11].
Pāli, S. 14. 13. Giñjakāvasatha.
[12].
Pāli: dhātuṃ paṭicca saññā uppajjati,
duyên giới sanh tưởng.
[13].
Trong nguyên bản chép nhầm là bất giới
不界.
Đây sửa lại là hạ giới
下界.
Pāli: hīnam dhātum.
[14].
Pāli: hīnā vācā, ngôn ngữ thấp kém, hạ
đẳng.
[15].
Pāli: hīnā cetanā, tư niệm hay ý chí thấp
kém.
[16].
Pāli: hīnā patthanā, dục cầu hay hy vọng
thấp kém.
[17].
Pāli: hī no puggalo, con người hay nhân
cách thấp kém.
[18].
Như thị trung
如是中.
Pāli: majjhimaṃ dhātuṃ paṭicca.
[19].
Pāli: paṇītā dhātu, giới vi diệu, thượng
đẳng.
[20].
Bà-ca-lị
婆迦利.
Có lẽ Pāli: Vakkali. Nhưng, bản Pāli: Kaccāna.
[21].
Pāli: asammāsabuddhesu sammāsambuddhā’
ti, ở nơi những vị không phải là Chánh đẳng Chánh giác mà thấy là
Chánh đẳng Chánh giác.
[22].
PāIi, S. 14. 12. Sanidāna (có nguyên do).
Tham chiếu, A. 6. 39. Nidāna.
[23].
Dục tưởng, nhuế tưởng, hại tưởng; ba bất
thiện tưởng, cũng là ba bất thiện tầm, ba tư duy tầm cầu bất thiện.
Pāli: tayo akusala-vitakkā: kāma-vitakko, vyāpāda-vitakko,
vihiṃsā-vitakko.
Ba bất
thiện tầm này cũng là ba bất
thiện giới. Pāli: tissa akusala-dhātuyo. Xem
Trường A-hàm, N01(7); D. 33. Saṅgīti.
[24].
Pāli: kāma-dhātu, kāma-saññā,
kāma-saṃkappo, kāma-chando, kāma-pariḷāho, kāma-pariyesanā; dục giới,
dục tưởng, dục tư duy, dục dục, dục nhiệt não, dục tầm cầu.
[25].
Hán: hữu ngại, hữu não
有礙有惱.
Pāli: sa-vighātaṃ, sa-upayāsaṃ.
[26].
Nguy hiểm tưởng
危險想.
Tham chiếu Pāli: upannaṃ visamagataṃ saññaṃ na khippameva pajahati,
không nhanh chóng loại bỏ ý tưởng bất chánh đang sanh khởi. Pāli:
visamagata, bất chánh, Hán đọc là visaṃgata, (bị chi phối bởi) độc
hại.
[27].
Hán: bất giác不覺,
có lẽ là na vinodeti, không bài trừ, nhưng bản Hán đọc là na vedeti:
không cảm giác.
[28].
Xuất yếu tưởng
出要想,
ý tưởng thoát ly (xuất ly, xuất gia). Pāli: nekkhama-vitakka (tư duy
tầm cầu sự thoát ly ).
[29].
Xem Trung A hàm, N01(7): ba thiện giới: xuất ly
giới, vô nhuế giới, vô hại giới; D. 33. Saígìti: tisso kusala-dhàtuyo:
nekkhama-dhàtu, avyàpàda-dhàtu, avihiưsà-dhàtu.
[30].
Pàli: đa văn Thánh đệ tử (sutavà
ariyasàvako).
[31].
Bất nhuế, bất hại tưởng
不恚,不害想;
Pàli: avyāpāda-vitakka, avihiṃsā-vitakka. Xem
cht.28 trên.
[32].
Nguyên Hán: bất giác. Xem cht.27 trên.
[33].
Pāli, A. 6. 38. Attakārī.
[34].
Phương tiện giới
方便界;
ở đây, phương tiện đồng nghĩa gia hành (Pāli:
payoga), chỉ sự chuẩn bị phát khởi hành động. Bản Pāli: ārabbha-dhātu,
phát khởi giới (xuất phát hành động).
[35].
Pāli: yaṃ kho, brāhmaṇa, ārabbhadhātuyā
sati ārabbhavanto sattā paññāyanti, ayaṃ sattānaṃ attakāro ayaṃ
parakāro, cái gì mà trong khi khởi sự làm chúng sanh biết đang khởi sự
làm, cái đó là việc tự mình làm, cái đó là việc người khác làm, của
chúng sanh.
[36].
An trụ giới, kiên cố giới, xuất giới, tạo
tác giới. Pāli: nikkamadhātu (xuất hành giới), thāmadhātu (thế lực
giới), ṭhitidhātu (an trụ giới), upakkamadhātu (công kích giới).
[37].
S. 35. 129. Ghosita.
[38].
Câu-diệm-di Cù-sư-la viên
拘睒彌國瞿師羅園,
một tinh xá do Cù-sư-la (Pāli: Ghosita) dựng ở Câu-diệm-di (Kosambī).
[39].
Cù-sư-la trưởng giả
瞿師羅長者.
Pāli: Ghosita-gahapati.
[40].
Chủng chủng giới
種種界.
Pāli: dhātunānattaṃ, sự đa dạng của giới.
[41].
Pāli: samvajjati... cakkhudhātu rūpā ca
manāpā, có nhãn giới và sắc khả ái.
[43].
Xem cht.38, kinh 460.
[44].
Pāli (Cf. It. 51): kāyena amataṃ dhātuṃ
phusayitvā nirūpadhiṃ, bằng tự thân, chứng
nghiệm bất tử giới (cam lộ giới), chứng vô dư y.
[45].
Nguyên Hán: Tam-da-tam-phật
三耶三佛.
[46].
Hán: vô ưu ly cấu cú
無憂離垢句.
Pāli (Cf. It.51): deseti sammāsambuddho asokaṃ virajaṃ
padan ti, Đấng Chánh Giác chỉ rõ dấu chân không
ưu phiền, không cấu nhiễm.
[47].
Xem cht.38, kinh 460.
[48].
Cf. It. 51: tisso dhātuyo: rūpadhātu,
ārūpadhātu, nirodhadhātu.
[49].
Thượng tọa Thượng Tọa danh giả
上座上座名者.
Không rõ Pāli.
[50].
Chỉ và quán. Pāli: samatha, vipassanā
(xa-ma-tha, tỳ-bát-xa-na).
[51].
S. 18. 21. Anusaya; tham chiếu S. 22. 91. Rāhulo.
[52].
Ngã, ngã sở kiến, ngã mạn hệ trước sử.
Pāli: ahaṃkāramamaṃkāramāmānusayā, các tùy miên ngã, ngã sở và mạn.
[53].
Ấn Thuận, tụng 3. Tạp nhân, 6. Tương ưng
Thọ, gồm các kinh, Đại Chánh 466-489. phần lớn, tương
đương Pāli: S.36. Vedanāsaṃyutta. Đại Chánh kinh 466, Pàli, S.36.10
Phassa-mūlaka.
[54].
Xem cht.52 kinh 465.
[55].
Gươm đâm. Pāli, S. 36. 5. Daṭṭhabbena.
[56].
S. 36. 3. Pahānena.
[57].
Tham sử, tức tham tùy miên. Pāli:
rāgānusayo.
[58].
Sân nhuế sử, hay sân tùy miên. Pāli:
paṭighānusayo.
[59].
Si sử, hay si tùy miên. Pāli:
avjjānusayo, vô minh tùy miên.
[60].
Mạn vô gián
慢無間.
Pāli: mānābhisamaya, hiện quán mạn, hiểu rõ mạn, làm
đình chỉ, tiêu vong kiêu mạn.
[61].
Pāli: ayaṃ vuccati, bhikkhave, bhikkhu
niranusayo sammaddaso accheti taṇhaṃ vivattayi saṃyojanaṃ sammā
mānābhisamayā antamakāsi dukkhassā’ ti. Đây gọi là Tỳ-kheo đã dứt sạch
tùy miên, hoàn toàn cắt đứt khát ái, trừ khử kết buộc, một cách chân
chánh thấy rõ kiêu mạn (tiêu diệt kiêu mạn), chấm dứt khổ.
[62].
Pāli: saṃpajaññaṃ na riñcati, không bỏ
chánh trí. Pāli: riñcati, rời, chối bỏ, phủ nhận; bản Hán
đọc
là iñjati: dao
động.
[63].
Hán: bất đọa ư chúng số
不墮於眾數. Pāli: kāyassa
bhedā dhamaṭṭho saṃkhyaṃ nopeti vedagū ti, không thể mô tả bậc Pháp
trí, vị Hiền trí, khi thân hoại (định danh).
[64].
Sâu thẳm, hiểm trở, chỉ vực thẳm. S. 36.
4. Pātāla.
[65].
Hán: đại hải thâm hiểm
大海深嶮.
Pāli: atthi mahāsamudde pātālo’ti, trong biển cả có vực thẳm.
[66].
Pāli: (...) asataṃ avijjamānaṃ evaṃ vācaṃ
bhssāti (trong biển có vực thẳm), nói về cái không hiện hữu, không tồn
tại.
[67].
Mũi tên. Pāli, S. 36.
6. Sallattena.
[68].
Vi tham sử sở sử.
Pāli: yo sukhāya vedanāya rāgānusayo so anuseti,
tiềm phục tham tùy miên đối với cảm thọ lạc.
[69].
Pāli: yo dukkhāya vedanāya paṭighānusayo
so anuseti, đối với cảm thọ khổ, sân tùy miên
tiềm phục.
[70].
Pāli: so sukhañce vedanaṃ vedayati,
saññutto naṃ vdayati; nếu nó cảm giác lạc. nó
cảm giác bị cái đó trói buộc.
[71].
Trong nguyên bản: đại văn
大聞;
sửa lại là
đại
gián 大間:
cách biệt rất lớn.
[72].
Xem cht.62, kinh 468.
[73].
Hán: bất đọa số, xem cht.63 kinh
468.
[75].
Tỳ-thấp-ba phong
毘濕波風;
Pāli không có. Có lẽ Phạn: viśva-vāta, gió mạnh.
[76].
Tỳ-lam-bà phong
鞞嵐婆風;
Pāli: verambha-vāta, não. Bản Pāli
không kể.
[77].
Lạc thực thọ
樂食受.
Pāli: sāmisāpi sukhā vedanā, cảm thọ lạc của da thịt, của vị ái nhiễm
(sa-āmisa: có thịt, nhục thể, xác thịt, vật chất).
[78].
Xem cht.62 kinh 468.
[79].
Xem cht.63 kinh 468.
[81].
Xem cht.77, kinh 471.
[82].
S. 36. 11. Rahogataka (Ẩn dật).
[83].
Độc nhất tĩnh xứ
獨一靜處.
Pāli: rahogata, sống ẩn dật.
[84].
S. 36. 15-16. Santakam..
[85].
Tiệm thứ tịch diệt
漸次寂滅.
Pāli: anupubbasaṃkhārāṇaṃ nirodho, sự biến mất của các hành theo tuần
tự.
[86].
Tiệm thứ chỉ tức
漸次止息. Pāli:
anupubbasaṃkharaṇaṃ vūpasamoa, lần lượt đình chỉ, an tĩnh.
[87].
Nguyên Hán: chánh thọ
正受,
Pāli: samāpatti, danh từ; phân từ samāpanna thường
được
dịch là
đạt
đến,
hay nhập. Pāli: paṭhamaṃ jhānaṃ samāpanassa, khi chứng nhập sơ
thiền.
[88].
Giác quán
覺觀,
hay tầm tứ. Pāli: vitakka-vicāra.
[89].
Thiền thứ ba được gọi là “Ly hỷ diệu lạc
địa” (thân cảm giác lạc vi diệu do đã loại bỏ hỷ).
[90].
Không nhập xứ, tức Không vô biên xứ định
(hư không vô biên).
[91].
Thức nhập xứ, tức Thức vô biên xứ định.
[92].
Trí đời trước. Pāli, S. 36. 24. Pubbaññāṇa.
[94].
S. 36. 23. Bhikkhu.
[95].
Những câu hỏi của A-nan.
[96].
Pāli: S.36.25 Bhikkhu.
[97].
Nguyên bản: A-nậu-đa-la tam-miệu
tam-bồ-đề.
[98].
S. 36. 26-28.
Samaṇa-brāhamaṇa.
[99].
Sa-môn nghĩa, Bà-la-môn nghĩa
沙門義,
婆羅門義.
Pāli: sāmaññatthaṃ
brāhamaññatthaṃ, đối với
mục đích của Sa-môn, Bà-la-môn.
[100].
Xem cht.74, kinh. 391.
[101].
Pāli, S. 54. 11. Icchānaṅgala.
[102].
Nhất-xa-năng-già-la lâm
壹奢能伽羅林. Pāli:
Icchānaṅgalavāna.
[103].
Trong bản Pàli: trừ thị giả mang thức ăn
đến, đừng ai đến chỗ Ta.
[104].
Giác, đây chỉ tầm, hay tư duy tầm cầu.
Pāli: vitakka.
[105].
Tịch diệt, đây chỉ diệt tận. Pāli:
nirodha.
[106].
Tham chiếu, Pāli, A. 5, 176. Pīti.
[107].
Nghĩa là, trang nghiêm và chỉnh sửa con
đường sanh Thiên.
[108].
Viễn ly hỷ lạc
遠離喜樂
(Pāli:pavivekaja-pīti-sukha);
đây
chỉ hỷ lạc trạng thái sơ thiền. Pāli: kinti may kālena kālaṃ paviveka
pītiṃ upasampajja, làm sao tùy thời tôi chứng
và an trú với trạng thái hỷ do viễn ly này?
[109].
Viễn ly ngũ pháp
遠離五法. Pāli: pañcassa
ṭhānāni tasmiṃ na honti, trong thời gian (học
hạnh viễn ly ) ấy, có năm trường hợp không xảy ra.
[111].
Lạc phi vật chất.
Pāli, S. 36. 29. Nirāmisaṃ.
[112].
Thực niệm vô thực niệm
食念無食念.
Pāli: atthi sāmisā pīti atthi nirāmisā pitī, có hỷ do vật dục (sāmisa:
có thịt), có hỷ phi vật dục (nirāmisa: không có thịt).
[113].
Bản Pāli: pīti, hỷ.
[114].
Sắc câu hành. Pāli: rūpappaṭisaṃyutto
vimokkho, giải thoát liên hệ với sắc.
[115].
Pāli, A. 5. 170. Bhaddaji.
[116].
Bạt-đà-la
陀羅.
Pāli: Bhaddaji.
[117].
Kiến đệ nhất
見第一.
Pāli: dassānaṃ aggaṃ, tối thượng trong những cái được thấy.
[118].
Hữu đệ nhất
有第一,
chỉ cõi trời Hữu
đảnh.
Pāli: bhavānaṃ aggaṃ, tối thượng trong các hữu.
[119].
S. 36. 19. Pañcakaṅgo.
[120].
Bình-sa vương
瓶沙王
(Pāli: Bimbisāra); vua nước
Ma-kiệt-đà.
Bản Pāli: Pañcakaṅgako thapati (Ngũ chi vật chủ), một người thợ mộc