Giới thiệu & Giảng giải kinh điển
Kinh Tạp A Hàm
Hán dịch: Tống, Tam Tạng Cầu-Na-Bạt-Ðà-La. Việt dịch: Thích Ðức Thắng. Hiệu đính & Chú thích: Thích Tuệ Sỹ
Đã cập nhật: 0 phút
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

TẠP A-HÀM QUYỂN 45

 

KINH 1198. A-LẠP-TỲ[1]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Đức Phật ở trong vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, có Tỳ-kheo-ni A-lạp-tỳ[2] ở trong tinh xá chúng Tỳ-kheo-ni tại vườn vua nước Xá-vệ. Sáng sớm Tỳ-kheo-ni A-lạp-tỳ đắp y, ôm bát vào thành Xá-vệ khất thực. Ăn xong, trở về tinh xá, cất y bát, rửa chân xong, lấy tọa cụ vắt lên vai phải, vào rừng An-đà[3] tọa thiền.

Khi ấy Ma Ba-tuần nghĩ: “Hôm nay Sa-môn Cù-đàm đang ở nước Xá-vệ, vườn Cấp cô độc, có đệ tử là Tỳ-kheo-ni A-lạp-tỳ, ở trong tinh xá chúng Tỳ-kheo-ni, tại vườn vua nước Xá-vệ. Sáng sớm đắp y ôm bát vào thành Xá-vệ khất thực. Ăn xong, trở về tinh xá, cất y bát, rửa chân xong, lấy tọa cụ vắt lên vai phải, vào rừng An-đà tọa thiền. Nay ta nên đến đó làm trở ngại.” Liền biến thành thiếu niên tướng mạo đoan chánh, đến chỗ Tỳ-kheo-ni ấy nói với Tỳ-kheo-ni rằng:

“A-di muốn đi đâu?”

Tỳ-kheo-ni đáp:

“Hiền giả, tôi muốn đi đến chỗ thật xa.”

Lúc ấy, Ma Ba-tuần liền nói kệ:

Đời không thể ra khỏi,

Viễn ly để làm gì?

Trở về hưởng ngũ dục,

Chớ về sau hối hận.

Khi ấy Tỳ-kheo-ni A-lạp-tỳ tự nghĩ: “Người này là ai mà muốn khủng bố ta? Là người hay phi nhân? Hay là người gian giảo?” Cô liền nghĩ đây ắt là ác ma muốn não loạn ta. Biết rõ rồi, liền nói kệ:

Đời có thể ra khỏi,

Ta tự biết sở đắc;

Này ác ma hèn hạ,

Ngươi không biết đạo kia.

Như dao bén tác hại,

Ngũ dục cũng như vậy.

Như thân bị xẻo thịt,

Khổ thủ uẩn cũng vậy.

Như điều ngươi vừa nói,

Người vui hưởng ngũ dục;

Người đó không thể vui.

Nơi đó đáng sợ hãi.

Lìa tất cả hỷ lạc,

Vất bỏ mọi tối tăm;

Vì diệt tận tác chứng,

An trụ lìa các lậu.

Biết rõ ngươi ác ma,

Hãy mau chóng tự diệt.

Bấy giờ Ma Ba-tuần tự nghĩ: “Tỳ-kheo-ni A-lạp-tỳ này đã biết rõ tâm ta.” Rồi buồn bã không vui, liền biến mất.

*

 

KINH 1199. TÔ-MA[4]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Đức Phật ở trong vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, Tỳ-kheo-ni Tô-ma[5] ở trong tinh xá chúng Tỳ-kheo-ni tại vườn vua nước Xá-vệ. Sáng sớm, Tỳ-kheo-ni Tô-ma đắp y, ôm bát, vào thành Xá-vệ khất thực. Ăn xong, trở về tinh xá, cất y bát, rửa chân xong, lấy tọa cụ vắt lên vai phải, vào rừng An-đà tọa thiền.

Khi ấy Ma Ba-tuần tự nghĩ: “Hôm nay Sa-môn Cù-đàm đang ở nước Xá-vệ, vườn Cấp cô độc, có đệ tử là Tỳ-kheo-ni Tô-ma, ở trong tinh xá chúng Tỳ-kheo-ni, tại vườn vua nước Xá-vệ. Sáng sớm, đắp y, ôm bát, vào thành Xá-vệ khất thực. Ăn xong, trở về tinh xá, cất y bát, rửa chân xong, lấy tọa cụ vắt lên vai phải, vào rừng An-đà tọa thiền. Nay ta nên đến đó làm trở ngại.” Liền biến thành thiếu niên tướng mạo đoan chánh, đến chỗ Tỳ-kheo-ni Tô-ma hỏi rằng:

“A-di muốn đi đâu?”

Đáp:

“Hiền giả, ta muốn đi đến chỗ thật xa.”

Lúc ấy, Ma Ba-tuần liền nói kệ:

Chỗ ở của Tiên nhân,

Nơi đó khó đến được.

Trí bằng hai ngón tay[6],

Chẳng thể đến nơi đó.

Khi ấy, Tỳ-kheo-ni Tô-ma tự nghĩ: “Người này là ai mà muốn khủng bố ta? Là người hay phi nhân? Hay là người gian giảo?” Nghĩ vậy rồi, cô liền biết rõ đây là ác ma muốn nhiễu loạn, liền nói kệ:

Tâm nhập vào chánh thọ[7],

Thân nữ có làm sao?

Khi trí tuệ phát sanh,

Liền được pháp Vô thượng.

Đối với tưởng nam, nữ,

Nếu tâm không xa lìa,

Người đó nghe theo ma,

Ngươi nên đến đó nói.

Lìa xa tất cả khổ,

Vất bỏ mọi tối tăm;

Mau diệt tận chứng đắc,

An trụ các lậu sạch.

Biết rõ ngươi ác ma,

Hãy mau chóng tự diệt.

Bấy giờ Ma Ba-tuần tự nghĩ: “Tỳ-kheo-ni Tô-ma này đã biết rõ tâm ta.” Rồi buồn bã không vui, liền biến mất.

*

 

KINH 1200. CÙ-ĐÀM-DI[8]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Đức Phật ở trong vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, Tỳ-kheo-ni Cát-ly-xá Cù-đàm-di[9] ở trong tinh xá chúng Tỳ-kheo-ni. Sáng sớm đắp y, ôm bát, vào thành Xá-vệ khất thực. Ăn xong, trở về tinh xá, cất y bát, rửa chân xong, lấy tọa cụ vắt lên vai, vào rừng An-đà, kiết già phu tọa, nhập chánh thọ ban ngày, dưới bóng cây.

Khi ấy Ma Ba-tuần tự nghĩ: “Hôm nay Sa-môn Cù-đàm đang ở nước Xá-vệ, vườn Cấp cô độc, có đệ tử là Tỳ-kheo-ni Cát-ly-xá Cù-đàm-di, ở trong tinh xá chúng Tỳ-kheo-ni, tại vườn vua nước Xá-vệ. Sáng sớm đắp y ôm bát vào thành Xá-vệ khất thực. Ăn xong, trở về tinh xá, cất y bát, rửa chân xong, lấy tọa cụ vắt lên vai, vào rừng An-đà, kiết già phu tọa, nhập chánh thọ ban ngày, dưới một bóng cây. Nay ta hãy đến đó làm trở ngại.” Liền hóa thành thiếu niên, dung mạo đoan chánh, đến chỗ Tỳ-kheo-ni Cát-ly-xá Cù-đàm-di nói kệ:

Có phải người chôn con,

Mặt buồn rầu khóc lóc?

Một mình dưới bóng cây,

Muốn tìm nam tử nào?

Khi ấy Tỳ-kheo-ni Cát-ly-xá tự nghĩ: “Là ai mà muốn khủng bố ta? Là người hay phi nhân? Hay là người gian xảo?” Nghĩ vậy rồi, cô liền biết rõ đây là ác Ma Ba-tuần đến nhiễu loạn ta. Biết là ma rồi, liền nói kệ:

Con cái, cùng biên tế[10],

Tất cả đều mất hết.

Đây biên tế nam tử[11],

Đã vượt tướng nam tử.

Không não, không lo sầu,

Phật dạy làm, đã làm;

Tất cả lìa ưu khổ,

Bỏ tất cả tối tăm.

Đã diệt tận tác chứng,

Hết các lậu, an ổn.

Đã biết ngươi ma xấu,

Hãy mất đi khỏi đây.

Bấy giờ Ma Ba-tuần tự nghĩ: “Tỳ-kheo-ni Cát-ly-xá Cù-đàm-di đã biết rõ tâm ta.” Rồi buồn lo khổ não, liền biến mất.

*

 

KINH 1201. LIÊN HOA SẮC[12]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Đức Phật ở trong vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, có Tỳ-kheo-ni Ưu-bát-la-sắc[13] ở trong tinh xá chúng Tỳ-kheo-ni tại vườn vua nước Xá-vệ. Sáng sớm đắp y, ôm bát, vào thành Xá-vệ khất thực. Ăn xong, trở về tinh xá, cất y bát, rửa chân xong, lấy tọa cụ vắt lên vai, vào rừng An-đà, ngồi dưới một bóng cây, nhập chánh thọ ban ngày.

Khi ấy Ma Ba-tuần tự nghĩ: “Hôm nay Sa-môn Cù-đàm đang ở nước Xá-vệ, vườn Cấp cô độc, có đệ tử là Tỳ-kheo-ni Ưu-bát-la-sắc, ở trong tinh xá chúng Tỳ-kheo-ni, tại vườn vua nước Xá-vệ. Sáng sớm đắp y ôm bát vào thành Xá-vệ khất thực. Ăn xong, trở về tinh xá, cất y bát, rửa chân xong, lấy tọa cụ vắt lên vai vào rừng An-đà, ngồi dưới một bóng cây, nhập chánh thọ ban ngày. Nay ta hãy đến đó làm trở ngại.” Liền hóa thành thiếu niên, dung mạo đoan chánh, đến chỗ Tỳ-kheo-ni Ưu-bát-la-sắc nói kệ:

Cây kiên cố[14] hoa đẹp,

Nương nghỉ dưới bóng cây;

Một mình không bè bạn,

Không sợ người khác sao?

Khi ấy Tỳ-kheo-ni Ưu-bát-la-sắc tự nghĩ: “Đây là những người nào mà muốn khủng bố ta? Là người hay phi nhân? Hay là người gian xảo?” Suy nghĩ như vậy, biết rõ đây ắt là ác ma muốn nhiễu loạn ta chăng? Liền nói kệ:

Giả sử có trăm nghìn,

Đều là người gian xảo;

Như ác ma các người,

Có đi đến chỗ tôi.

Cũng không động lông tóc.

Không sợ ngươi, ác ma.

Ma lại nói kệ:

Nay ta vào bụng ngươi,

Sẽ ở trong nội tạng;

Hoặc giữa hai lông mày,

Ngươi không thể thấy ta.

Lúc ấy, Tỳ-kheo-ni Ưu-bát-la-sắc lại nói kệ:

Tâm tôi có sức lớn,

Khéo tu tập thần thông;

Đã giải thoát ràng buộc,

Không sợ ngươi, ác ma.

Ta đã nhổ ba cấu,

Cội gốc của khủng bố;

Trụ vào đất an ổn,

Đối quân ma không sợ.

Đối tất cả ái hỷ,

Xa lìa mọi tối tăm;

Đối tịch diệt đã chứng,

Các lậu hết, an trụ.

Biết rõ ngươi, ác ma,

Hãy biến khỏi nơi này.

Bấy giờ Ma Ba-tuần tự nghĩ: “Tỳ-kheo-ni Ưu-bát-la-sắc đã biết rõ tâm ta.” Rồi ôm lòng sầu lo, liền biến mất.

*

 

KINH 1202. THI-LA[15]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Đức Phật ở trong vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, Tỳ-kheo-ni Thi-la[16] ở tại tinh xá với chúng Tỳ-kheo-ni trong vườn vua nước Xá-vệ. Sáng sớm, Tỳ-kheo đắp y, ôm bát, vào thành Xá-vệ khất thực. Ăn xong, trở về tinh xá, cất y bát, rửa chân xong, lấy tọa cụ vắt lên vai, vào rừng An-đà, ngồi dưới một bóng cây, nhập chánh thọ ban ngày.

Khi ấy Ma Ba-tuần tự nghĩ: “Hôm nay Sa-môn Cù-đàm đang ở nước Xá-vệ, vườn Cấp cô độc, có đệ tử là Tỳ-kheo-ni Thi-la, ở tại tinh xá với chúng Tỳ-kheo-ni, trong vườn vua nước Xá-vệ. Sáng sớm đắp y, ôm bát, vào thành Xá-vệ khất thực. Ăn xong, trở về tinh xá, cất y bát, rửa chân xong, lấy tọa cụ vắt lên vai, vào rừng An-đà, ngồi dưới một bóng cây, nhập chánh thọ ban ngày. Nay ta nên đến đó gây chướng nạn.” Liền biến thành thiếu niên, dung mạo đoan chánh, đến trước Tỳ-kheo-ni Thi-la nói kệ:

Chúng sanh sanh làm sao?

Ai là người tạo nó?

Chúng sanh khởi chỗ nào?

Và rồi đi về đâu?

Khi ấy Tỳ-kheo-ni Thi-la tự nghĩ: “Đó là người nào mà muốn khủng bố ta? Là người hay không phải người? Là người gian xảo?” Nghĩ vậy rồi, biết rõ đó là ác ma muốn gây chướng nạn, liền nói kệ:

Ngươi bảo có chúng sanh,

Đó là thấy của ma.

Chỉ có uẩn trống rỗng,

Không có ai chúng sanh.

Nhiều thanh gỗ hợp lại,

Đời gọi nó là xe;

Các uẩn do duyên hợp,

Tạm gọi là chúng sanh.

Sanh này là khổ sanh,

Trụ cũng là khổ trụ;

Không pháp nào sanh khổ,

Khổ sanh, khổ tự diệt.

Xả tất cả ưu khổ,

Xa lìa mọi tối tăm;

Đối tịch diệt, đã chứng,

Các lậu hết, an trụ.

Đã biết ngươi, ác ma,

Hãy biến khỏi nơi này.

Bấy giờ, Ma Ba-tuần tự nghĩ: ‘Tỳ-kheo-ni Thi-la đã biết rõ tâm ta.’ Nên ôm lòng lo lắng, liền biến mất.

*

 

KINH 1203. TỲ-LA[17]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Đức Phật ở trong vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, Tỳ-kheo-ni Tỳ-la[18] ở tại tinh xá với chúng Tỳ-kheo-ni trong vườn vua nước Xá-vệ. Sáng sớm, đắp y, ôm bát, vào thành Xá-vệ khất thực. Ăn xong trở về tinh xá, cất y bát, rửa chân xong, lấy tọa cụ vắt lên vai, vào rừng An-đà, ngồi dưới một bóng cây, nhập chánh thọ ban ngày.

Khi ấy Ma Ba-tuần tự nghĩ: “Hôm nay Sa-môn Cù-đàm đang ở nước Xá-vệ, vườn Cấp cô độc, có đệ tử là Tỳ-kheo-ni Tỳ-la, ở tại tinh xá với chúng Tỳ-kheo-ni, trong vườn vua nước Xá-vệ. Sáng sớm đắp y, ôm bát vào thành Xá-vệ khất thực. Ăn xong trở về tinh xá, cất y bát, rửa chân xong, lấy tọa cụ vắt lên vai, vào rừng An-đà, ngồi dưới một bóng cây, nhập chánh thọ ban ngày. Nay ta nên đến đó gây chướng nạn.” Liền hóa thành thiếu niên, dung mạo đoan chánh, đến chỗ Tỳ-kheo-ni Tỳ-la, nói kệ:

Làm sao tạo hình[19] này?

Ai là người tạo nó?

Hình này khởi từ đâu?

Hình này đến chỗ nào?

Khi ấy Tỳ-kheo-ni Tỳ-la tự nghĩ: “Đây là người nào mà muốn khủng bố ta? Là người hay không phải người? Hay là người gian xảo?” Nghĩ như vậy, liền biết rõ ác Ma Ba-tuần muốn làm nhiễu loạn, liền nói kệ:

Hình này không tự tạo,

Cũng không người khác tạo.

Nhân duyên hợp mà sanh,

Duyên tan tức biến diệt.

Như đời gieo hạt giống,

Nhờ đất đai mà sanh;

Đủ đất, nước, lửa, gió.

Ấm giới nhập cũng thế;

Nhân duyên hòa hợp sanh.

Duyên lìa thì biến diệt.

Xả tất cả ưu khổ,

Xa lìa mọi tối tăm.

Đối tịch diệt, đã chứng,

Các lậu hết, an trụ.

Vì biết ngươi, ác ma,

Hãy biến khỏi nơi này.

Bấy giờ Ma Ba-tuần tự nghĩ: “Tỳ-kheo-ni Tỳ-la đã biết rõ tâm ta.” Nên sanh lòng lo lắng, liền biến mất.

*

 

KINH 1204. TỲ-XÀ-DA[20]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Đức Phật ở trong vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, Tỳ-kheo-ni Tỳ-xà-da[21] ở tại tinh xá với chúng Tỳ-kheo-ni trong vườn vua nước Xá-vẹâ. Sáng sớm đắp y, ôm bát vào thành Xá-vệ khất thực. Ăn xong trở về tinh xá, cất y bát, rửa chân xong, lấy tọa cụ vắt lên vai, vào rừng An-đà, ngồi dưới một bóng cây, nhập chánh thọ ban ngày.

Khi ấy Ma Ba-tuần tự nghĩ: ‘Hôm nay Sa-môn Cù-đàm đang ở nước Xá-vệ, vườn Cấp cô độc, có đệ tử là Tỳ-kheo-ni Tỳ-xà-da, ở tại tinh xá với chúng Tỳ-kheo-ni, trong vườn vua nước Xá-vệ. Sáng sớm đắp y, ôm bát vào thành Xá-vệ khất thực. Ăn xong trở về tinh xá, cất y bát, rửa chân xong, lấy tọa cụ vắt lên vai, vào rừng An-đà, ngồi dưới một bóng cây, nhập chánh thọ ban ngày. Nay ta nên đến đó gây chướng nạn.’ Liền hóa thành thiếu niên, dung mạo đoan chánh, đến trước cô, nói kệ:

Nay cô còn tuổi trẻ,

Tôi cũng còn trẻ tuổi;

Nơi này, cùng ở chung,

Tạo năm thứ âm nhạc.

Để cùng nhau vui hưởng,

Thiền tư để làm gì?

Khi ấy, Tỳ-kheo-ni Tỳ-xà-da tự nghĩ: ‘Đây là những người nào mà muốn khủng bố ta? Là người hay không phải người? Hay là người gian xảo? Nghĩ vậy rồi, biết rõ đây là ác Ma Ba-tuần muốn nhiễu loạn, liền nói kệ:

Ca múa, các nghệ thuật,

Các thứ cùng vui chơi;

Nay đều cho ngươi hết,

Ta chẳng cần đến chúng.

Nếu chánh thọ vắng lặng,

Thì ngũ dục trời, người;

Tất cả đều cùng cho,

Ta cũng không cần chúng[22].

Bỏ tất cả vui vẻ,

Xa lìa mọi tối tăm;

Đã tác chứng, tịch diệt,

Các lậu hết, an trụ.

Đã biết ngươi, ác ma,

Hãy tự biến khỏi đây.

Bấy giờ Ma Ba-tuần tự nghĩ: ‘Tỳ-kheo-ni Tỳ-xà-da đã biết rõ tâm ta.’ Nên trong lòng ôm lo lắng, liền biến mất.

*

 

KINH 1205. GIÁ-LA[23]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Đức Phật ở trong vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, Tỳ-kheo-ni Giá-la[24] ở tại tinh xá với chúng Tỳ-kheo-ni trong vườn vua nước Xá-vệ. Sáng sớm đắp y, ôm bát, vào thành Xá-vệ khất thực. Ăn xong, trở về tinh xá, cất y bát, rửa chân xong, lấy tọa cụ vắt lên vai, vào rừng An-đà, ngồi dưới một gốc cây, nhập chánh thọ ban ngày.

Khi ấy Ma Ba-tuần tự nghĩ: ‘Hôm nay Sa-môn Cù-đàm đang ở nước Xá-vệ, vườn Cấp cô độc, có đệ tử là Tỳ-kheo-ni Giá-la, ở tại tinh xá với chúng Tỳ-kheo-ni, trong vườn vua nước Xá-vệ. Sáng sớm đắp y, ôm bát vào thành Xá-vệ khất thực. Ăn xong trở về tinh xá, cất y bát, rửa chân xong, lấy tọa cụ vắt lên vai vào rừng An-đà, ngồi dưới một bóng cây, nhập chánh thọ ban ngày. Nay ta nên đến đó gây chướng nạn.’ Liền hóa thành thiếu niên, dung mạo đoan chánh, đến trước Tỳ-kheo-ni Giá-la nói kệ:

Biết thọ sanh là vui[25],

Sanh hưởng thụ ngũ dục[26].

Ai đã truyền dạy cô,

Khiến chán lìa thọ sanh?

Khi ấy Tỳ-kheo-ni Giá-la tự nghĩ: ‘Đây là người nào mà muốn khủng bố ta? Là người hay không phải người? Hay là người gian xảo? mà đến đây muốn nhiễu loạn,’ liền nói kệ:

Có sanh ắt có chết,

Sanh thì chịu các khổ:

Roi vọt, các khổ não,

Duyên sanh có tất cả.

Hãy đoạn tất cả khổ,

Siêu việt hết thảy sanh;

Tuệ nhãn quán Thánh đế,

Những gì Mâu-ni nói:

Khổ khổ và khổ tập,

Diệt tận lìa các khổ;

Tu tập tám Thánh đạo,

An ổn đến Niết-bàn.

Pháp Đại Sư bình đẳng,

Tôi hâm mộ pháp này;

Vì tôi biết pháp này,

Không thích thọ sanh nữa.

Lìa tất cả buồn vui,

Xả bỏ mọi tối tăm;

Đã tác chứng tịch diệt,

Phiền não hết, an trụ.

Biết rõ ngươi, ác ma,

Hãy biến khỏi nơi này.

Bấy giờ Ma Ba-tuần tự nghĩ: ‘Tỳ-kheo-ni Giá-la đã biết rõ tâm ta.’ Trong lòng ôm lo lắng, liền biến mất.

*

 

KINH 1206. ƯU-BA-GIÁ-LA[27]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Đức Phật ở trong vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, Tỳ-kheo-ni Ưu-ba-giá-la[28] ở tại tinh xá với chúng Tỳ-kheo-ni trong vườn vua nước Xá-vệ. Sáng sớm đắp y, ôm bát vào thành Xá-vệ khất thực. Ăn xong trở về tinh xá, cất y bát, rửa chân xong, lấy tọa cụ vắt lên vai, vào rừng An-đà, ngồi dưới một bóng cây, nhập chánh thọ ban ngày.

Khi ấy Ma Ba-tuần tự nghĩ: ‘Hôm nay Sa-môn Cù-đàm đang ở nước Xá-vệ, vườn Cấp cô độc, có đệ tử là Tỳ-kheo-ni Ưu-ba-giá-la, ở tại tinh xá với chúng Tỳ-kheo-ni, trong vườn vua nước Xá-vệ. Sáng sớm đắp y ôm bát vào thành Xá-vệ khất thực, ăn xong trở về tinh xá, cất y bát, rửa chân xong, lấy tọa cụ vắt lên vai vào rừng An-đà ngồi dưới bóng một gốc cây, nhập chánh thọ ban ngày. Nay ta hãy đến đó gây chướng nạn.’ Liền hóa thành thiếu niên, dung mạo đoan chánh, đến chỗ Tỳ-kheo-ni Ưu-ba-giá-la nói kệ:

Trên cõi Tam thập tam,

Diệm-ma, Đâu-suất-đà;

Hóa lạc, Tha tự tại,

Nguyện được sanh về đó.

Khi ấy Tỳ-kheo-ni Ưu-ba-giá-la tự nghĩ: “Đây là những người nào mà muốn khủng bố ta? Là người hay không phải người? Hay là người gian xảo?” Tự nghĩ đã biết rõ đây ắt là ác ma muốn nhiễu loạn, liền nói kệ:

Trên cõi Tam thập tam,

Diệm-ma, Đâu-suất-đà;

Hóa lạc, Tha tự tại,

Trên các cõi trời ấy.

Không lìa hành hữu vi[29],

Nên bị Ma khống chế;

Tất cả các thế gian,

Đều là tụ các hành.

Tất cả các thế gian,

Đều là pháp dao động;

Tất cả các thế gian,

Lửa khổ thường cháy mạnh.

Tất cả các thế gian,

Đều khởi dậy khói bụi.

Không động cũng không lay;

Không tập cận phàm phu;

Không rơi vào đường ma;

Ở nơi đó an vui;

Lìa tất cả ưu khổ,

Xả bỏ mọi tối tăm.

Đã tác chứng tịch diệt,

Các lậu hết, an trụ.

Đã biết ngươi, ác ma,

Hãy biến khỏi nơi này.

Bấy giờ Ma Ba-tuần tự nghĩ: ‘Tỳ-kheo-ni Ưu-ba-giá-la đã biết rõ tâm ta’, trong lòng ôm lo, lặng lẽ biến mất.

*

 

KINH 1207. THI-LỢI-SA-GIÁ-LA[30]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Đức Phật ở trong vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, Tỳ-kheo-ni Thi-lợi-sa-giá-la[31] ở tại tinh xá với chúng Tỳ-kheo-ni trong vườn vua nước Xá-vệ. Sáng sớm đắp y, ôm bát, vào thành Xá-vệ khất thực. Ăn xong trở về tinh xá, cất y bát, rửa chân xong, lấy tọa cụ vắt lên vai, vào rừng An-đà, ngồi dưới một bóng cây, nhập chánh thọ ban ngày.

Khi ấy Ma Ba-tuần tự nghĩ: ‘Hôm nay Sa-môn Cù-đàm đang ở nước Xá-vệ, vườn Cấp cô độc, có đệ tử là Tỳ-kheo-ni Thi-lợi-sa-giá-la, ở tại tinh xá với chúng Tỳ-kheo-ni, trong vườn vua nước Xá-vệ. Sáng sớm đắp y ôm bát, vào thành Xá-vệ khất thực. Ăn xong trở về tinh xá, cất y bát, rửa chân xong, lấy tọa cụ vắt lên vai, vào rừng An-đà, ngồi dưới một bóng cây, nhập chánh thọ ban ngày. Nay ta nên đến đó gây chướng nạn.’ Liền hóa thành thiếu niên, dung mạo đoan chánh, đến chỗ Tỳ-kheo-ni Thi-lợi-sa-giá-la nói rằng:

“A-di! Cô thích đạo giáo[32] nào?”

Tỳ-kheo-ni đáp:

“Tôi không thích bất cứ đạo giáo nào.”

Lúc ấy, Ma Ba-tuần liền nói kệ:

Cô chấp nhận chỗ nào,

Cạo tóc làm Sa-môn;

Mình đắp y ca-sa,

Mà làm tướng xuất gia;

Đối các đạo không thích,

Mà sống ôm ngu si?

Khi ấy Tỳ-kheo-ni Thi-lợi-sa-giá-la tự nghĩ: ‘Đây là những người nào mà muốn khủng bố ta? Là người hay không phải người? Hay là người gian xảo? Nghĩ vậy rồi, tự biết rõ là ác Ma Ba-tuần muốn làm nhiễu loạn, liền nói kệ:

Các đạo ngoài Pháp này,

Bị các kiến trói buộc.

Bị các kiến trói rồi,

Thường bị ma khống chế.

Nếu sanh nhà họ Thích,

Không ai bằng Đại Sư;

Hay dẹp các ma oán,

Không bị chúng chế phục.

Thanh tịnh thoát tất cả,

Đạo nhãn quan sát khắp;

Trí nhất thiết ắt biết,

Tối thắng lìa các lậu.

Ngài Đại Sư của ta.

Ta chỉ thích pháp Ngài.

Ta vào pháp Ngài rồi,

Được xa lìa, vắng lặng.

Lìa tất cả ái hỷ,

Xả bỏ mọi tối tăm;

Đã tác chứng, tịch diệt,

Các lậu hết, an trụ.

Đã biết ngươi, ác ma,

Hãy biến khỏi nơi này.

Bấy giờ Ma Ba-tuần tự nghĩ: ‘Tỳ-kheo-ni Thi-lợi-sa-giá-la đã biết rõ tâm ta.’ Trong lòng ôm lo lắng, liền biến mất.

*

 

KINH 1208. AO YẾT-GIÀ[33]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Đức Phật ở bên bờ hồ Yết-già[34], tại nước Chiêm-bà.

Bấy giờ, ngày thứ mười lăm của tháng, vào lúc bố-tát, Thế Tôn ngồi trước đại chúng. Khi trăng vừa mới mọc, lúc ấy ở trong chúng có Tôn giả Bà-kỳ-xá[35], nghĩ như vầy: “Bây giờ, ta muốn ở trước Thế Tôn, đọc kệ khen về thí dụ mặt trăng”. Nghĩ vậy xong, liền từ chỗ ngồi đứng dậy, sửa lại y phục, làm lễ Phật rồi chắp tay bạch Phật:

“Bạch Thế Tôn, con có điều muốn nói. Bạch Thiện Thệ, con có điều muốn nói.”

Phật bảo Bà-kỳ-xá:

“Muốn nói thì cứ nói.”

Lúc ấy Tôn giả Bà-kỳ-xá liền ở trước Phật nói kệ:

Như trăng treo hư không,

Trong sáng không mây che;

Ánh sáng trong vằng vặc,

Chiếu khắp cả mười phương.

Như Lai cũng như vậy,

Trí tuệ soi thế gian;

Công đức nổi tiếng thơm,

Lan tỏa khắp nơi nơi.

Khi Tôn giả Bà-kỳ-xá nói kệ xong, các Tỳ-kheo nghe lời Tôn giả nói đều rất hoan hỷ.

*

 

KINH 1209. KIỀU-TRẦN-NHƯ[36]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Đức Phật ở bên bờ hồ Yết-già, tại nước Chiêm-bà. Bấy giờ, Tôn giả A-nhã Kiều-trần-như ở lâu nơi a-luyện-nhã thanh vắng, đến chỗ Phật, cúi đầu lễ sát chân Phật, áp mặt lên chân Phật mà nói rằng:

“Lâu quá con không gặp Thế Tôn! Lâu quá con không gặp Thiện Thệ!”

Khi ấy, Tôn giả Bà-kỳ-xá đang ở trong chúng hội, nghĩ như vầy: “Bây giờ, ta sẽ đến trước mặt Tôn giả A-nhã Kiều-trần-như khen ngợi bằng thí dụ Thượng tọa.” Nghĩ vậy xong, từ chỗ ngồi đứng dậy, sửa lại y phục, làm lễ Phật, rồi chắp tay bạch Phật:

“Bạch Thế Tôn, con có điều muốn nói. Bạch Thiện Thệ, con có điều muốn nói.”

Phật bảo Bà-kỳ-xá:

“Muốn nói gì thì cứ nói.”

Lúc ấy, Tôn giả Bà-kỳ-xá liền nói kệ:

Thượng tọa của Thượng tọa[37],

Tôn giả Kiều-trần-như;

Đã độ, đã vượt qua,

Được an lạc, chánh thọ.

Ở nơi a-luyện-nhã,

Luôn vui nơi viễn ly.

Điều đệ tử cần làm,

Chánh pháp Đại Sư dạy[38].

Tất cả đều mở bày,

Chánh thọ, không phóng dật;

Sức đức lớn ba minh,

Trí tha tâm sáng tỏ;

Thượng tọa Kiều-trần-như,

Hộ tài sản Phật pháp;

Bằng cung kính tăng thượng,

Cúi đầu lễ chân Phật.

Khi Tôn giả Bà-kỳ-xá nói kệ xong, các Tỳ-kheo nghe lời Tôn giả nói đều rất hoan hỷ.

*

 

KINH 1210. XÁ-LỢI-PHẤT[39]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Đức Phật ở bên bờ hồ Yết-già, tại nước Chiêm-bà. Bấy giờ, Tôn giả Xá-lợi-phất cùng với các Tỳ-kheo hội họp tại nhà cúng dường. Tôn giả vì họ mà thuyết pháp, cú vị đầy đủ, biện tài đơn giản, dễ hiểu, ưa nghe; thông suốt không gián đoạn, hiển bày nghĩa sâu. Các Tỳ-kheo này chuyên thích đến nghe; một lòng lắng nghe, tôn kính ghi nhớ. Lúc ấy, Tôn giả Bà-kỳ-xá đang ngồi giữa pháp hội, tự nghĩ: ‘Ta sẽ ở trước mặt Tôn giả Xá-lợi-phất nói kệ tán thán.’ Nghĩ vậy xong, liền đứng dậy chắp tay bạch:

“Tôn giả Xá-lợi-phất, tôi có điều muốn xin nói.”

Xá-lợi-phất bảo:

“Tùy sở thích mà nói.’

Tôn giả Bà-kỳ-xá liền nói kệ:

Khéo nói pháp tóm lược,

Khiến ai cũng hiểu rộng;

Ưu-bà-đề-xá hiền[40],

Giữa đại chúng tuyên dương.

Đang lúc ngài nói pháp,

Từ cổ phát tiếng hay[41];

Âm thanh ái niệm vui,

Tiếng thư thả điều hòa.

Ai nghe cũng ưa thích,

Chuyên nhớ không dời đổi.

Khi Tôn giả Bà-kỳ-xá nói những lời này, các Tỳ-kheo nghe những gì Tôn giả nói đều rất hoan hỷ.

*

 

KINH 1211. NA-GIÀ SƠN[42]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Đức Phật ở tại thành Vương xá, gần núi Na-già[43] cùng với năm trăm Tỳ-kheo câu hội, đều là bậc A-la-hán các lậu đã hết, việc cần làm đã làm, đã lìa bỏ các gánh nặng, chóng được lợi mình, dứt hết các hữu kết, chánh trí, tâm khéo giải thoát.

Tôn giả Đại Mục-kiền-liên quan sát tâm của đại chúng, thấy tất cả đều đã giải thoát tham dục. Khi ấy Tôn giả Bà-kỳ-xá ở giữa đại chúng, nghĩ như vầy: ‘Bây giờ, ta nên ở trước Thế Tôn và Tỳ-kheo Tăng nói kệ tán thán.’ Nghĩ vậy xong, liền từ chỗ ngồi đứng dậy sửa lại y phục, chắp tay bạch Phật:

“Bạch Thế Tôn, con có điều muốn nói. Bạch Thiện Thệ, con có điều muốn nói.”

Phật bảo Bà-kỳ-xá:

“Tùy sở thích mà nói.”

Lúc ấy, Tôn giả Bà-kỳ-xá liền nói kệ:

Vô Thượng Sĩ, Đạo Sư,

Trụ sườn núi Na-già;

Cùng năm trăm Tỳ-kheo,

Thân kính phụng Đạo Sư.

Tôn giả Đại Mục-liên,

Thần thông thấu rõ hết;

Quán sát tâm đại chúng,

Thảy đều lìa tham dục.

Độ đầy đủ như vậy[44],

Mâu-ni qua bờ kia;

Mang thân này sau chót,

Nay con cúi đầu lễ.

Khi Tôn giả Bà-kỳ-xá những lời này, các Tỳ-kheo nghe những gì Tôn giả nói, đều rất hoan hỷ.

*

 

KINH 1212. TỰ TỨ[45]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Đức Phật ở trong vườn Trúc, khu Ca-lan-đà, tại thành Vương xá[46]. Bấy giờ, Phật kiết hạ an cư cùng với năm trăm Tỳ-kheo đều là bậc A-la-hán các lậu đã hết, việc cần làm đã làm, đã lìa các bỏ gánh nặng, dứt trừ hữu kết, chánh trí, tâm khéo giải thoát; chỉ trừ một Tỳ-kheo là Tôn giả A-nan, được Thế Tôn ký thuyết, ngay trong đời hiện tại Tôn giả sẽ đắc vô tri chứng[47].

Bấy giờ, ngày mười lăm[48], vào giờ thực thọ[49], Thế Tôn trải tòa ngồi trước đại chúng, rồi bảo các Tỳ-kheo:

“Ta là Bà-la-môn đắc Bát-niết-bàn, mang thân sau cùng, là Đại Y Sư, nhổ những gai nhọn. Ta là Bà-la-môn đắc Bát-niết-bàn, mang thân sau cùng, là Vô Thượng Y Sư, nhổ những gai nhọn. Các ông là con, từ miệng Ta sanh ra, từ pháp hóa sanh, được gia tài pháp. Hãy để Ta tự tứ[50]. Chớ để cho thân, khẩu, ý Ta có điều đáng hiềm trách.”

Lúc ấy Tôn giả Xá-lợi-phất ở giữa đại chúng đứng dậy, sửa lại y phục, đảnh lễ chắp tay bạch Phật:

“Bạch Thế Tôn, Thế Tôn vừa nói rằng: ‘‘Ta là Bà-la-môn đắc Bát-niết-bàn, mang thân cuối cùng, là Đại Y Sư, nhổ những mũi nhọn. Các ông là con, sanh ra từ miệng Ta, được hóa sanh từ pháp, được gia tài pháp. Hãy để Ta tự tứ. Chớ để cho thân, khẩu, tâm ý[51] Ta có điều đáng hiềm trách.’

“Bạch Thế Tôn, chúng con không thấy thân, khẩu và tâm ý của Thế Tôn có điều gì đáng hiềm trách. Vì sao? Vì Thế Tôn, với người không thể điều phục có thể khiến điều phục, người không tịch tĩnh có thể khiến tịch tĩnh, người không an nghỉ[52] có thể khiến an nghỉ, người không Bát-niết-bàn có thể khiến Bát-niết-bàn. Như Lai biết đạo, Như Lai nói đạo, Như Lai hướng đạo. Các đệ tử sau đó thành tựu, tùy thuận đạo tôn sùng đạo, vâng theo lời dạy của Đạo sư sống đúng như những lời chỉ dạy, chánh hướng, hân lạc chân như thiện pháp. Đối với Thế Tôn con không thấy thân hành, khẩu hành, ý hành có điều gì đáng hiềm trách. Nay đối trước Thế Tôn, xin chỉ cho con các tội được thấy, được nghe, được nghi, hoặc thân, khẩu, ý có điều gì đáng hiềm trách?”

Phật bảo Xá-lợi-phất:

“Ta không thấy ông có các tội được thấy, được nghe, được nghi và thân, khẩu, ý có điều gì đáng hiềm trách. Vì sao? Vì Xá-lợi-phất, ông trì giới, đa văn, thiểu dục, tri túc, tu hạnh viễn ly, tinh cần phương tiện, chánh niệm, chánh thọ, trí tuệ nhanh nhạy[53], trí tuệ sáng suốt sắc bén, trí tuệ giải thoát, trí tuệ yểm ly, trí tuệ lớn, trí tuệ rộng, trí tuệ sâu, trí tuệ không ai bằng, thành tựu trí tuệ bảo[54]; khai thị, chỉ giáo, soi sáng, hoan hỷ; và thường cũng tán thán việc khai thị, chỉ giáo, soi sáng, làm cho hoan hỷ, mà vì chúng sanh thuyết pháp chưa từng mỏi mệt. Thí như thái tử thứ nhất của Chuyển luân Thánh vương đáng thọ lễ quán đảnh; nhưng chưa quán đảnh mà đang ở vào nghi pháp quán đảnh như pháp của vua cha, những gì người đã chuyển cũng sẽ theo đó mà chuyển. Nay ông cũng như vậy, là trưởng tử của Ta, gần được thọ quán đảnh, nhưng chưa quán đảnh mà đang ở vào nghi pháp. Những gì Ta đã chuyển, ông cũng theo đó chuyển và đạt được vô sở khởi; hết các hữu lậu, tâm khéo giải thoát. Cũng vậy, đối với ông, Ta không thấy có các tội được thấy, được nghe, được nghi và thân, khẩu, ý có điều gì đáng hiềm trách.”

Xá-lợi-phất bạch Phật:

“Bạch Thế Tôn, nếu con không có các tội được thấy, được nghe, được nghi và thân, khẩu, ý có điều gì đáng hiềm trách; vậy thì năm trăm Tỳ-kheo này có không các tội được thấy, được nghe, được nghi và thân, khẩu, ý có điều gì đáng hiềm trách?”

Phật đáp:

“Đối với năm trăm Tỳ-kheo này, Ta cũng không thấy các tội được thấy, được nghe, được nghi và thân, khẩu, ý có điều gì đáng hiềm trách. Vì sao? Vì năm trăm Tỳ-kheo này đều là A-la-hán, các lậu đã hết, những việc cần làm đã làm xong, đã bỏ gánh nặng, đoạn các kết sử, chánh trí, tâm khéo giải thoát. Trừ một Tỳ-kheo, đó là Tôn giả A-nan, Ta ký thuyết cho A-nan đối trong hiện pháp sẽ đắc vô trí chứng. Cho nên, năm trăm Tỳ-kheo, Ta không thấy họ có các tội được thấy, được nghe, được nghi và thân, khẩu, ý có điều gì đáng hiềm trách.”

Xá-lợi-phất bạch Phật:

“Bạch Thế Tôn, năm trăm Tỳ-kheo này đã không có các tội được thấy, được nghe, được nghi và thân, khẩu, ý có điều gì đáng hiềm trách hết. Vậy trong đây có bao nhiêu Tỳ-kheo được Tam minh? Có bao nhiêu Tỳ-kheo được Câu giải thoát? Có bao nhiêu Tỳ-kheo được Tuệ giải thoát?”

Phật bảo Xá-lợi-phất:

“Trong năm trăm Tỳ-kheo này, chín mươi Tỳ-kheo được Tam minh; chín mươi Tỳ-kheo được Câu giải thoát; những vị còn lại được Tuệ giải thoát. Này Xá-lợi-phất, những Tỳ-kheo này đã lìa khỏi mọi dao động, không có ai là vỏ ngoài, mà đều là lõi thật cứng chắc.”

Khi ấy Tôn giả Bà-kỳ-xá ở giữa hội chúng tự nghĩ: “Nay ta sẽ ở trước Thế Tôn và hội chúng nói kệ tán thán sự hoài thọ.” Nghĩ vậy xong, liền từ chỗ ngồi đứng dậy, sửa lại y phục, lễ Phật, gối phải quỳ sát đất chắp tay bạch:

“Bạch Thế Tôn, con có điều muốn nói. Bạch Thiện Thệ, con có điều muốn nói.”

Phật bảo Bà-kỳ-xá:

“Cứ nói theo những gì muốn.”

Lúc ấy, Bà-kỳ-xá liền nói kệ:

Ngày mười lăm thanh tịnh,

Chúng kia năm trăm người;

Đoạn trừ tất cả kết,

Đại Tiên diệt tận hữu.

Thanh tịnh tập thân cận,

Thanh tịnh rộng giải thoát;

Không còn thọ các hữu,

Sanh tử đã đoạn hẳn.

Việc cần làm đã làm,

Đã hết tất cả lậu;

Mây ngũ cái đã trừ,

Nhổ rễ gai ái dục.

Sư tử không sợ hãi,

Lìa tất cả hữu dư;

Giết kẻ thù là hữu,

Siêu việt cảnh hữu dư.

Các oán địch hữu lậu,

Thảy đều đã tiềm phục.

Giống như Chuyển luân vương,

Bao dung[55] các quyến thuộc[56].

Tâm từ rộng tuyên hóa,

Mọi thần dân vâng theo.

Hay phục địch ma oán,

Là Đạo Sư Vô Thượng.

Tâm kính tín phụng thờ,

Ba minh, lão, tử diệt;

Là chân tử của pháp,

Không lo lắng dao động.

Nhổ sạch gai phiền não,

Kính lễ Đấng Nhật Thân.

Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

*

 

KINH 1213. BẤT LẠC[57]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Đức Phật ở trong vườn Trúc, khu Ca-lan-đà, tại thành Vương xá.

Bấy giờ, Tôn giả Ni-câu-luật Tướng[58] ở chỗ hoang dã nơi ở của cầm thú[59]. Tôn giả Bà-kỳ-xá xuất gia chưa lâu mà có những oai nghi như vầy: sống nương vào thành ấp, làng xóm. Sáng sớm đắp y, ôm bát vào thành ấp, làng xóm đó khất thực, khéo bảo vệ thân mình, giữ gìn các căn môn, nhiếp tâm cột niệm. Ăn xong, trở về trú xứ, cất y bát, rửa chân xong, vào thất tọa thiền, giây lát xả thiền. Không chấp đắm khất thực, nhưng vị kia[60] không tùy thời giáo thọ, giáo giới, nên tâm không an lạc, giống như sống trong chỗ thâm sau, chung quanh bị che kín.

Rồi, Tôn giả Bà-kỳ-xá suy nghĩ: “Ta không được lợi, khó được, chứ không phải dễ được! Ta không được tùy thời giáo thọ, giáo giới, nên tâm không an lạc, giống như sống trong chỗ thâm sau, chung quanh bị che kín. Nay ta nên nói kệ tán thán sự nhàm chán của mình.” Liền nói kệ:

Phải bỏ vui, không vui,

Cùng tất cả giác tham[61];

Không gầy dựng xòm giềng[62],

Lìa nhiễm gọi Tỳ-kheo.

Với sáu giác tâm tưởng[63],

Rong ruổi nơi thế gian;

Che giấu ác bất thiện,

Không thể lột bỏ vỏ.

Nơi tâm vui ô uế,

Đó không gọi Tỳ-kheo.

Trói buộc bởi hữu dư[64],

Cùng thấy, nghe, hiểu, biết.

Với người giác ngộ dục[65],

Nơi kia không còn nhiễm.

Người không nhiễm như vậy,

Thì đó là Mâu-ni.

Đại địa và hư không,

Các sắc tượng thế gian;

Chúng là pháp biến diệt,

Vắng lặng tự quyết định.

Tu tập lâu pháp khí,

Mà được tam-ma-đề;

Không xúc, không dối nịnh,

Tâm này rất chuyên chú.

Thánh kia Niết-bàn lâu,

Cột niệm đợi thời diệt[66].

Khi Tôn giả nói kệ tự nhàm chán, xa lìa; tâm tự khai giác đối với những điều không vui, sau khi đã khai giác rồi thì tâm trụ hân hoan.

*

 

KINH 1214. THAM DỤC[67]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Đức Phật ở trong vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, Tôn giả A-nan-đà sáng sớm đắp y, ôm bát vào thành Xá-vệ khất thực, cùng với bạn là Tôn giả Bà-kỳ-xá. Lúc này Tôn giả Bà-kỳ-xá thấy một cô gái rất xinh đẹp. Thấy rồi, tâm tham dục khởi lên. Lúc đó Tôn giả Bà-kỳ-xá suy nghĩ: “Hôm nay ta gặp bất lợi, bị khổ, không được vui. Nay ta đã gặp thiếu nữ xinh đẹp này, tâm tham dục sanh khởi. Bây giờ để sanh tâm yểm ly, ta hãy làm bài kệ.” Liền nói kệ:

Bị tham dục che khuất,

Hừng hực thiêu tâm ta.

Xin Tôn giả A-nan,

Vì tôi diệt lửa tham.

Khởi lòng từ thương xót,

Phương tiện vì tôi nói.

Tôn giả A-nan nói kệ đáp:

Vì tưởng kia điên đảo,

Hừng hực thiêu tâm người.

Đối tịnh tưởng xa lìa,

Nuôi lớn lòng tham dục.

Nên tu quán bất tịnh,

Thường nhất tâm chánh thọ;

Diệt nhanh lửa tham dục,

Chớ để thiêu tâm thầy.

Quán sát kỹ các hành,

Khổ, không, cùng phi ngã;

Buộc niệm quán thân chánh,

Tu tập nhiều yểm ly.

Đối vô tướng, tu tập,

Diệt trừ sử kiêu mạn;

Đối mạn được hiện quán,

Rốt ráo đối mé khổ.

Sau khi Tôn giả A-nan nói những lời này, Bà-kỳ-xá nghe những gì Tôn giả nói, hoan hỷ phụng hành.

*

 

KINH 1215. XUẤT LY[68]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Đức Phật ở trong vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, có gia chủ thỉnh Phật và chúng Tăng về nhà họ thọ thực. Sau khi đã đến nhà họ rồi, chỉ có Tôn giả Bà-kỳ-xá vì gặp ngày trực, ở lại giữ tinh xá, nên để dành phần ăn.

Bấy giờ, một số đông phụ nữ của gia chủ ra khỏi tụ lạc, đi đến tinh xá. Bà-kỳ-xá thấy các thiếu nữ có dung mạo đoan chánh, liền khởi tâm tham dục. Lúc này, Tôn giả lại nghĩ: “Hôm nay ta bất lợi, không được lợi, bị khổ, không được vui. Thấy thiếu nữ nhan sắc đoan chánh kia, liền khởi lòng tham dục. Bây giờ, ta phải làm kệ yểm ly.” Nghĩ xong, liền nói kệ:

Ta đã được xuất ly,

Xuất gia, sống không nhà;

Tham dục đuổi theo ta,

Như trâu nhớ lúa mạ.

Phải như con đại tướng,

Sức mạnh cầm cung lớn;

Bắn phá trận trùng điệp,

Một người diệt cả nghìn.

Mâu-ni Đấng Nhật Thân,

Trước mặt được nghe nói;

Hướng thẳng đạo Niết-bàn,

Tâm quyết trụ an lạc.

Không buông lung như vậy,

Trụ chánh thọ vắng lặng;

Đối tâm ta không ai

Huyễn hoặc, hay lừa dối.

Quyết định khéo quán sát,

Đối chánh pháp, an trụ;

Dù cho vô số lượng,

Muốn đến mê hoặc ta.

Những ác ma như vậy,

Không thể gặp được ta.

Khi Tôn giả Bà-kỳ-xá nói kệ xong, tâm được an trụ.

*

 

KINH 1216. KIÊU MẠN[69]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Đức Phật ở trong vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, Tôn giả Bà-kỳ-xá tự cho trí tuệ của mình có khả năng nói hay, rồi đối với những vị[70] phạm hạnh thông minh khác sanh tâm kiêu mạn, sau đó liền tự tâm nghĩ: ‘Ta bất lợi, sẽ không được lợi, bị khổ không được vui, ta tự cho mình có trí tuệ, mà đối với những người phạm hạnh thông minh khác khinh mạn. Bây giờ ta nên nói kệ sanh lòng yểm ly’, liền nói kệ:

Cù-đàm không kiêu mạn,

Đoạn mạn khiến vô dư;

Không khởi giác tưởng mạn,

Chớ thoái lùi sanh hối.

Đối người không che giấu,

Sát mạn rơi địa ngục[71];

Chánh định hay trừ ưu,

Thấy đạo trụ Chánh đạo.

Tâm này được hỷ lạc,

Thấy đạo tự thâu giữ;

Cho nên biện không ngại,

Thanh tịnh lìa chướng cái.

Đoạn trừ tất cả mạn,

Khởi minh tất cả nơi;

Đối Tam minh, chánh niệm,

Thần túc tha tâm trí.

Khi Tôn giả Bà-kỳ-xá nói kệ sanh lòng yểm ly rồi, tâm được thanh tịnh.

*

 

KINH 1217. BẢN DỤC CUỒNG HOẶC[72]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Đức Phật ở trong vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, Tôn giả Bà-kỳ-xá ở giảng đường Lộc tử mẫu, vườn phía Đông nước Xá-vệ, một mình tư duy, sống không phóng dật, chuyên tu tự nghiệp, đạt được Tam minh, tự thân tác chứng. Khi ấy, Tôn giả Bà-kỳ-xá tự nghĩ: ‘Ta một mình ở chỗ vắng tư duy, sống không phóng dật, chuyên tu tự nghiệp, để được Tam minh, tự thân tác chứng. Bây giờ, ta nên nói kệ tán thán Tam minh’. Liền nói kệ:

Trước, tâm dục cuồng hoặc[73],

Đi khắp nhà, khắp xóm;

Du hành, gặp thấy Phật,

Dạy ta pháp thù thắng.

Đấng Cù-đàm thương xót,

Vì ta nói chánh pháp.

Nghe pháp được tịnh tín,

Xả phi gia, xuất gia.

Nghe Ngài nói pháp rồi,

An trụ nơi pháp giáo.

Cần phương tiện buộc niệm,

Kiên cố thường kham năng.

Tam minh đã đạt được,

Lời Phật dạy đã làm.

Thế Tôn khéo hiển bày,

Đấng Nhật Chủng diễn nói.

Vì chúng sanh mù lòa,

Mở cửa xuất yếu kia;

Khổ khổ và nhân khổ,

Khổ diệt hết, tác chứng.

Bát Thánh lìa đường khổ,

An lạc đến Niết-bàn;

Nghĩa lành, cú vị lành,

Phạm hạnh không ai hơn.

Thế Tôn khéo hiển bày,

Niết-bàn cứu chúng sanh.

*

 

KINH 1218. BỐN PHÁP CÚ[74]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Đức Phật ở trong vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

“Nay Ta sẽ nói về bốn pháp cú[75]. Hãy lắng nghe và suy nghĩ kỹ, Ta sẽ vì các ông mà giảng nói. Những gì là bốn?

Pháp Hiền thánh khéo nói,

Đây là điều tối thượng.

Ái ngữ chẳng phải không,

Đây là điều thứ hai.

Nói thật chẳng hư vọng,

Đây là lời thứ ba;

Thuyết pháp không nói khác[76],

Đây là điều thứ tư.

“Này các Tỳ-kheo, đó gọi là nói về bốn cú pháp.”

Khi ấy, Tôn giả Bà-kỳ-xá ở giữa hội chúng tự nghĩ: ‘Thế Tôn ở giữa bốn chúng nói về bốn cú pháp. Ta phải dùng bốn cách để khen ngợi, xưng tán và tùy hỷ.’ Liền từ chỗ ngồi đứng dậy, sửa lại y phục, lễ Phật, rồi chắp tay bạch Phật:

“Bạch Thế Tôn, con có điều muốn nói. Bạch Thiện Thệ, con có điều muốn nói.”

Phật dạy:

“Tùy theo sở thích mà nói.”

Lúc ấy, Tôn giả Bà-kỳ-xá liền nói kệ:

Nếu ai khéo nói pháp,

Đối mình không bức não,

Cũng không khủng bố người,

Thì đó là khéo nói.

Điều người ái ngữ thuyết,

Nói làm người hoan hỷ;

Không khiến họ làm ác,

Thì đó là ái thuyết.

Nói thật, biết cam lộ,

Nói thật, biết vô thượng.

Nói pháp, nói nghĩa thật,

Chỗ Chánh sĩ kiến lập.

Như pháp Phật đã nói,

Đạo Niết-bàn an ổn;

Diệt trừ tất cả khổ,

Đó gọi khéo nói pháp.

Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

*

 

KINH 1219. SƯỜN NÚI NA-GIÀ[77]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Đức Phật ở trên sườn núi Na-già, thành Vương xá, cùng với một nghìn Tỳ-kheo đều là bậc A-la-hán, hết sạch các hữu lậu, việc cần làm đã làm xong, đã lìa các gánh nặng, đã được lợi mình, hết các hữu kết, chánh trí, tâm khéo giải thoát. Bấy giờ, Tôn giả Bà-kỳ-xá đang ở giữa nghĩa địa trong Hàn lâm, thành Vương xá, suy nghĩ rằng: ‘Nay Thế Tôn đang ở trên sườn núi Na-già, thành Vương xá cùng với một nghìn Tỳ-kheo đều là bậc A-la-hán, hết các hữu lậu, việc cần làm đã làm xong, đã lìa các gánh nặng, chóng được lợi mình, hết các hữu kết, chánh trí, tâm khéo giải thoát. Nay, ta nên đến đó tán thán Thế Tôn và các Tỳ-kheo Tăng.’ Nghĩ vậy xong, Tôn giả Bà-kỳ-xá liền đi đến chỗ Phật, cúi đầu lễ dưới chân, ngồi lui qua một bên, nói kệ:

Đấng Đạo Sư Vô Thượng,

Trụ bên núi Na-già;

Nghìn Tỳ-kheo quyến thuộc,

Phụng sự Đức Như Lai.

Pháp Đại Sư rộng nói,

Đạo Niết-bàn thanh lương;

Chuyên nghe pháp thanh bạch,

Mà Đấng Chánh Giác nói.

Đấng Chánh Giác tôn kính,

Ở ngay giữa đại chúng;

Là Đại long đức rợp,

Là Thượng thủ Tiên nhân.

Nổi kín mây công đức,

Mưa khắp chúng Thanh văn;

Xuất chánh thọ ban ngày,

Đến phụng sự Đại Sư.

Đệ tử Bà-kỳ-xá,

Cúi đầu xin đảnh lễ.

“Bạch Thế Tôn, con có điều muốn nói. Bạch Thiện Thệ, con có điều muốn nói.”

Phật bảo Bà-kỳ-xá:

“Tùy những gì ông nói, đừng suy nghĩ trước.”

Lúc ấy, Bà-kỳ-xá liền nói kệ:

Ba-tuần khởi ác mọn,

Ngầm chế khiến diệt ngay;

Thường ngăn chặn các ma,

Khiến tự hiểu biết lỗi.

Quán sát mở trói buộc,

Phân biệt pháp thanh bạch;

Sáng soi như nhật nguyệt,

Làm vua các dị đạo.

Chứng ngộ trí siêu xuất,

Diễn nói pháp đệ nhất.

Ra các dòng phiền não,

Nói về đạo vô lượng.

Đối cam lộ, kiến lập,

Kiến đế, pháp chân thật;

Tùy thuận đạo như vậy,

Khó gặp Thầy như vậy.

Kiến lập đạo cam lộ,

Kiến đế, sùng viễn ly;

Thế Tôn khéo thuyết pháp,

Trừ ấm cái cho người.

Thấy rõ đối các pháp,

Theo học để điều phục.

Tôn giả Bà-kỳ-xá nói kệ này rồi, các Tỳ-kheo nghe những gì Tôn giả nói, đều rất hoan hỷ.

*

 

KINH 1220. NHỔ TÊN[78]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Đức Phật ở trong vườn Lộc uyển, nơi ở của các Tiên nhân, nước Ba-la-nại. Bấy giờ, Thế Tôn vì các Tỳ-kheo nói về pháp tương ưng bốn Thánh đế. Đó là: Đây là Khổ Thánh đế, đây là Khổ tập Thánh đế, đây là Khổ diệt Thánh đế, đây là Khổ diệt đạo tích Thánh đế.

Khi ấy, Tôn giả Bà-kỳ-xá ở giữa hội chúng tự nghĩ: ‘Nay ta nên đến trước Thế Tôn tán thán về ví dụ nhổ mũi tên.’ Nghĩ như vậy rồi, liền từ chỗ ngồi đứng dậy sửa lại y phục, chắp tay bạch Phật:

“Bạch Thế Tôn, con có điều muốn nói. Bạch Thiện Thệ, con có điều muốn nói.”

Phật bảo Bà-kỳ-xá:

“Tùy sở thích mà nói.”

Lúc ấy, Tôn giả Bà-kỳ-xá liền nói kệ:

Con nay kính lễ Phật,

Thương xót mọi chúng sanh.

Thứ nhất nhổ tên nhọn,

Cách trị các bệnh, khéo.

Thầy thuốc Ca-lộ-y[79],

Thầy thuốc Ba-hầu-la[80];

Và thầy Chiêm-bà-kỳ[81],

Thầy Kỳ-bà[82] chữa bệnh.

Hoặc có bệnh hơi khỏi,

Gọi là trị bệnh hay;

Sau đó bệnh phát lại,

Bệnh kéo dai đến chết.

Đại Y Vương, Chánh Giác,

Khéo cho thuốc chúng sanh;

Trừ các khổ, rốt ráo,

Không còn thọ các hữu.

Cho đến trăm nghìn thứ,

Na-do-tha số bệnh;

Phật đều chữa trị hết,

Rốt ráo thoát khỏi khổ.

Các ông thuốc nếu họp,

Con ắt sẽ bảo họ;

Được thuốc pháp cam lộ,

Tùy sở thích mà uống.

Đệ nhất nhổ tên nhọn,

Khéo hiểu biết các bệnh;

Tối thượng trong chữa trị,

Con đảnh lễ Cù-đàm.

Sau khi Tôn giả Bà-kỳ-xá nói những lời này, các Tỳ-kheo nghe những gì Tôn giả Bà-kỳ-xá nói, đều rất hoan hỷ.

*

 

KINH 1221. NI-CÂU-LUẬT TƯỞNG[83]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Đức Phật ở trong vườn Trúc, khu Ca-lan-đà, thành Vương xá. Bấy giờ, Tôn giả Ni-câu-luật Tưởng ở nơi hoang dã chỗ ở của cầm thú, bị bệnh thật là nặng. Tôn giả Bà-kỳ-xá là người nuôi bệnh, chăm sóc, cung phụng. Nhưng Tôn giả Ni-câu-luật Tưởng vì bệnh tật nặng quá, nên đã Bát-niết-bàn. Khi ấy Tôn giả Bà-kỳ-xá tự nghĩ: ‘Hòa thượng của ta Niết-bàn là Hữu dư Niết-bàn hay là Vô dư Niết-bàn? Nay ta nên tìm cầu tướng này.’

Sau khi Tôn giả Bà-kỳ-xá cúng dường xá-lợi Tôn giả Ni-câu-luật Tưởng xong, mang y bát đi về thành Vương xá. Lần lượt đến thành Vương xá, cất y bát, rửa chân xong, rồi đến chỗ Phật, cúi đầu lễ dưới chân, ngồi lui qua một bên, nói kệ:

Nay con lễ Đại Sư,

Đẳng Chánh Giác không giảm[84];

Ở trong hiện pháp này,

Đoạn tất cả lưới nghi.

Tỳ-kheo ở khoáng dã,

Mạng chung Bát-niết-bàn;

Oai nghi nhiếp các căn,

Đức lớn nêu ở đời;

Được Thế Tôn đặt tên,

Gọi Ni-câu-luật Tưởng.

Nay con hỏi Thế Tôn,

Người bất động giải thoát;

Siêng năng cần phương tiện,

Vì con nói công đức.

Con là họ Thích-ca,

Đệ tử pháp Thế Tôn;

Ngoài ra còn muốn biết,

Những gì Đạo Nhãn nói.

Chúng con đang ở đây,

Tất cả đều muốn nghe;

Thế Tôn là Đại Sư,

Cứu thế gian vô thượng.

Đại Mâu-ni dứt nghi,

Trí tuệ đã đầy đủ;

Đạo nhãn thần chiếu khắp,

Ánh sáng hiển bốn chúng.

Giống như Thiên đế Thích,

Chiếu trời Tam thập tam;

Các tham dục nghi hoặc,

Đều từ vô minh khởi.

Nếu được gặp Như Lai,

Thì diệt mất không còn.

Đạo nhãn thần Thế Tôn,

Là Tối thượng thế gian.

Diệt trừ lỗi chúng sanh,

Như gió thổi bụi bay;

Tất cả các thế gian,

Phiền não che giấu mất.

Còn lại đều không có,

Mắt sáng như của Phật;

Tuệ quang chiếu khắp cả,

Khiến đồng đại tinh tấn.

Cúi xin Đấng Đại Trí,

Nên vì chúng ký thuyết;

Phát âm thanh vi diệu,

Chúng con một lòng nghe.

Diễn nói lời dịu dàng,

Các thế gian nghe khắp;

Giống như nóng, khát, bức,

Tìm kiếm nước mát mẻ.

Như Phật, biết không giảm,

Chúng con cũng mong biết.

Tôn giả Bà-kỳ-xá lại nói kệ:

Nay nghe Đấng Vô Thượng,

Ký thuyết công đức kia;

Không uổng tu phạm hạnh,

Con nghe rất hoan hỷ.

Nói tùy thuận như thuyết,

Đệ tử thuận Mâu-ni;

Cắt dây dài sanh tử,

Và dây trói hư, huyễn.

Vì nhờ gặp Thế Tôn,

Nên đoạn trừ các ái;

Qua khỏi bờ sanh tử,

Không còn thọ các hữu.

Phật nói kinh này xong, Tôn giả Bà-kỳ-xá nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ, tùy hỷ, làm lễ ra về.

*


[1].   Đại Chánh quyển 45. Quốc Dịch, quyển 39, “Tụng vii. Kệ. 7. Tương ưng Tỳ-kheo-ni”. Ấn Thuận, “Tụng viii. Tám chúng. 23. Tương ưng Tỳ-kheo-ni”, mười kinh: 1298-1307 (Đại Chánh: 1198-1207). Phật Quang, quyển 45. –Pāli, S. 5. 1. Āḷavikā. Cf. Theri 57-59. Biệt dịch, №100(214).

[2].    A-lạp-tỳ 阿臈毘. Pāli: Āḷavikā bhikkhunī.

[3].    An-đà lâm 安陀林. Pāli: Andhavana.

[4].    Pāli, S. 5. 2. Somā. Cf. Theri 60-62. Biệt dịch, №100(215).

[5].    Tô-ma Tỳ-kheo-ni 蘇摩比丘尼. Pāli: Somā bhikkhunī.

[6].    Nhị chỉ trí 二指智. Pāli: dvaṅgulapaññā, trí tuệ bằng hai ngón tay. Chỉ trí tuệ người nữ. SA. i. 190: yasmā vā dvīhi aṅgulehi kappāsavaṭṭiṃ gahetvā suttaṃ kantati, “Bởi vì (người nữ) dùng hai ngón tay nắm mép vải rồi khâu chỉ.”

[7].    Pāli: cittamhi susamāhite, khi tâm nhập chánh định.

[8].    Pāli, S. 5. 3. Gotamì. Biệt dịch, №100(216).

[9].    Cát-ly-xá Cù-đàm-di 吉離舍瞿曇彌. Pāli: Kisāgotamī.

[10].   Pāli: accanta, tận cùng, không còn gì nữa. Bản Hán hiểu là ananta: không biên tế.

[11].   Hán sát nghĩa đen Pāli: purisā etad antikā, “Những người đàn ông, đã chấm dứt”.

[12].   Pāli, S. 5. 5. Upalavaṇṇā. Cf. Theri. 230-233. Biệt dịch, №100(217).

[13].   Ưu-bát-la-sắc 優缽羅色; Hán thường được biết qua tên Liên Hoa Sắc. Pāli: Upalavaṇṇā.

[14].   Kiên cố thọ 堅固樹; cây sa-la; nhưng bản Hán đọc là sara: kiên cố, thay vì sàla.

[15].   Pāli, S. 5. 10. Vajirā. Biệt dịch, №100(218).

[16].   Thi-la Tỳ-kheo-ni 尸羅比丘尼. Pāli: Vairā bhikkhunī.

[17].   Pāli, S. 5. 9. Selà. Biệt dịch, №100(219).

[18].   Tỳ-la Tỳ-kheo-ni 毘羅比丘尼. Pāli: Selā bhikkhumī.

[19].   Hán: hình . Pāli: bimba, hình bóng, ảnh tượng.

[20].   Pāli, S. 5. 4. Vijayā. Cf. Theri. 139-140. Biệt dịch, №100(220).

[21].   Tỳ-xà-da Tỳ-kheo-ni 毘闍耶比丘尼, Pāli: Vijayā bhikkhunī.

[22].   Tham chiếu Pāli: ye ca rūpūgatā sattā, ye ca arūpaṭṭhāyino; yā ca santā samapatti, sabbattha vihato tamo’ ti, “Chúng sanh sanh sắc giới; chúng sanh hành vô sắc; và chánh thọ tịch tĩnh; ở tất cả nơi ấy, bóng tối bị tiêu diệt”.

[23].   Pāli, S. 5. 6. Cālā. Biệt dịch, №100(221).

[24].   Giá-la Tỳ-kheo-ni 遮羅比丘尼. Pāli:Cālā bhikkhunī.

[25].   Giác thọ sanh vi lạc 覺受生為樂. Bản Pāli: kiṃ nu jātiṃ na rocesi, “Sao cô không thích sự thọ sanh?”

[26].   Trong bản Pāli, câu này được hiểu là trả lời của Cālā: jāto kāmāni bhuñjati.

[27].   Pāli, S. 5. 7. Upacālā. Cf. Theri. 197-198, 200-201. Biệt dịch, №100(222).

[28].   Ưu-ba-giá-la 優波遮羅. Pāli: Upacālā bhikkhunī.

[29].   Bản Pāli: kāmabandhanabaddhā te, “chúng bị trói bởi sợi dây ái dục”.

[30].   Pāli, S. 5. 8. Sīsupacālā. Biệt dịch, 100(223).

[31].   Thi-lợi-sa-giá-la 尸利沙遮羅比丘尼. Pāli: Sīsupacālā bhikkhunī.

[32].   Pāli: pāsaṇḍa, đạo giáo, giáo phái. Đây chỉ các giáo phái ngoài Phật giáo.

[33].   Quốc Dịch, quyển 39, nửa sau, Tụng vii. Kệ. 8. Tương Bà-kỳ-xá, hai phẩm. Ấn Thuận, 24. Tương ưng Bà-kỳ-xá, 16 kinh (Đại Chánh quyển 45, kinh 1208-1211; quyển 36, kinh 993-994). – Pāli, S. 8. 11. Gaggarā. Cf. Thera. 1252. Biệt dịch, 100(224).

[34].   Yết-già 揭伽. Pāli: Gaggarā pokkhaṇi.

[35].   -kỳ-婆耆舍. Pāli: Vaṅgīsa.

[36].   Pāli, S. 8. 9. Koṇḍañña. Thera. 1246-1248. Biệt dịch, №100(225).

[37].   Pāli: Buddhānubuddho so thero, “Ngài vị Thượng tọa giác ngộ theo sau Đức Phật”.

[38].   Pāli: yam sāvekena pattabbaṃ, satthusāsanakārinā, điều mà đệ tử cần đạt đến, vị thực hành giáo pháp của Đạo Sư.

[39].   Pāli, S. 8. 10. Sāriputta. Thera. 1231-1233. Biệt dịch, №100(226).

[40].   Ưu--đề-優婆提舍; Pāli: Upatissa, tên của ngài Xá-lợi-phất.

[41].   Pāli: sāḷikāyivā nigghosa, tiếng phát ra như chim sāli.

[42].   Pāli, S. 8. 10. Moggallāna. Thera. 1240-1251. Biệt dịch, №100(227).

[43].   Na-già 那伽. Bản Pāli: Isigilipasse Kāḷasilāyaṃ, trong hang Đá đen, trên sườn núi Isigili.

[44].   Pāli: evaṃ sabbaṅgasampannaṃ, thành tựu tất cả chi phần như vậy. SA.i.284: evaṃ sabbaguṇasampannaṃ, thành tựu tất cả công đức như vậy.

[45].   Pāli, S. 8. 7. Pavāraṇā. Thera. 1234-1237. Biệt dịch, №100(228); №125 (32.5); №26(121); №61~ 63.

[46].   Bản Pāli: Sāvatthiyaṃ.

[47].   tri chứng 無知證. Có lẽ Pāli: diṭṭheva dhamme aññaṃ sacchikarissati, sẽ chứng đắc chánh trí ngay hiện pháp. Nhưng bản Hán đọc là aññāṇa: vô tri (không biết) thay vì aññā (chánh trí, chỉ quả A-la-hán).

[48].   Hán dịch: thập ngũ nhật nguyệt (hay nguyệt nhật), để chỉ ngày thứ 15 của nửa tháng. Pāli: paṇṇarasa.

[49].   Thực thọ 食受. Không đoán được từ gốc. Với ý nghĩa tương tự, đoạn dưới Hán dịch là hoài thọ 懷受. Quốc Dịch, quyển 29, cht.64, đây chỉ giờ tự tứ; Pāli: pavāraṇā.

[50].   Đương hoài thọ ngã 當懷受我; Hán dịch không rõ nghĩa. Nhưng theo ngữ cảnh, đây là lời tự tứ, đề nghị Tỳ-kheo khác nêu khuyết điểm của mình. So sánh đoạn Pāli tương đương: handa dāni, bhikkhave, pavāremi vo; na me kiñci garahatha kāyikaṃ vā vācasikaṃ vā ti, “Nay, này các Tỳ-kheo, Ta mong các ông hãy nói lên; chớ để hiềm trách Ta điều gì về thân và khẩu”.

[51].   Trong bản Pāli, chỉ tự tứ những điều liên hệ thân và khẩu, kāyikaṃ vā vācasikaṃ vā.

[52].   Hán: tức 穌息.

[53].   Khen ngợi các trí tuệ của -lợi-phất: tiệp tật trí tuệ, minh lợi trí tuệ, xuất yếu trí tuệ, yểm ly trí tuệ, đại trí tuệ, quảng trí tuệ, thâm trí tuệ, vô tỷ trí tuệ, trí bảo thành tựu 捷疾智慧明利智慧出要智慧厭離智慧大智慧廣智慧深智慧無比智慧智寶成就. So sánh Pāli:  paṇḍitapañño, tvaṃ sāriputta, mahāpañño... putthupañño .. hāsapañño … javanapañño … tikkhapañño … nibbedhikapañño, tvaṃ, sāriputta.

[54].   Tống-Nguyên-Minh đọc thật . Ấn Thuận, Quốc Dịch, Phật Quang đều đọc bảo .

[55].   Hán: hoài thọ 懷受.

[56].   Pāli: cakkavattī yathā rājā, amaccaparivārito, như Chuyển luân vương được vây quanh bởi các đại thần.

[57].   Pāli, S. 8. 2. Arati. Thera. 1214-1218. Biệt dịch, №100(229).

[58].   Ni-câu-luật Tướng 尼拘律相. Bản Cao-ly đọc là tướng . Tống-Nguyên-Minh đọc là tưởng . Pāli: Nīgrodhakappa, Hòa thượng của Vaṅgīsa.

[59].   Bản Pāli: Āḷaviyaṃ Āggāḷave cetiye, trong miếu Āggāḷava, ở Āḷavi. Bản Hán hiểu Āḷavi là danh từ chung chứ không phải địa danh.

[60].   Chỉ Tôn giả Ni-câu-luật Tướng. Trong bản Pāli, đoạn này nói, Nīgodhakappa sau khi khất thực về, vào thất, đóng cửa cho đến chiều hôm sau. Vì vậy, Vaígìsa buồn rầu, vì không được Thầy quan tâm giáo giới.

[61].   Tham giác 貪覺 . Pāli: gehasika vitakka, tâm tư thế tục.

[62].   Hán: ư lân vô sở tác 於鄰無所作. Pāli: vanathaṃ na kareyya kuhiñca, không tạo rừng tham ái bất cứ ở đâu.

[63].   Lục giác tâm tưởng 六覺心想. So Pāli: saṭṭhi nissitā savitakkā, puthū janatāya adhammaṃ niviṭṭā, y chấp nơi sáu mươi loại tầm cầu, phàm phu bị dính chặt vào phi pháp. Theo Sớ giải, với sáu cảnh, mỗi cảnh có mười tầm cầu phi pháp.

[64].   Hữu dư 有餘; đây chỉ hữu dư y, phiền não làm sở y cho thọ sanh. Pāli: upadhi janā gadhitāse, chúng sanh bị trói chặt vào hữu y.

[65].   Pāli: vinodaya chadam, đã đoạn dục.

[66].   Pāli: santaṃ padaṃ ajjhagamā muni paṭicca parinibbuto kaṅkhati kālan’ti, “đã đi đến con đường tịch tĩnh, Đấng Mâu-ni y trên Niết-bàn mà chờ mệnh chung.

[67].   Pāli, S. 8. 4. Ānanda. Biệt dịch, №100(230); No 125(35.9).

[68].   Pāli, S. 8. 1. Nikkhanta. Thera. 1209-1213. Biệt dịch, №100(250).

[69].   Pāli, S. 8. 3. Pesalà-atimaĩĩanà. Thera. 1219-1222. Biệt dịch, №100(251).

[70].   Nguyên bản: ư pháp 於法; theo đoạn dưới, nên sửa lại là ư bỉ 於彼.

[71].   Pāli: mānahatā nirayaṃ papatanti, những người hành kiêu mạn đọa địa ngục. Mānahata, mạn mang đi, bản Hán đọc là mānahana, mạn giết hại.

[72].   Quốc Dịch, phẩm 2. Pāli, S. 8. 12. Vaṅgīsa. Thera. 1253-1262. Biệt dịch, №100(252).

[73].   Pāli: kāveyyamattāpubbe, khi xưa, ta đam làm thơ.

[74].   Pāli, S. 8. 5. Subhāsitā. Thera. 1227-1230; Sn. 3. 3. Subhāsita-sutta, Biệt dịch, №100 (253).

[75].   Tứ pháp cú 四法句. Pāli: catūhi aṅgehi samannāgatā vācā subhāsitā, lời được khéo nói gồm có bốn chi.

[76].   Pāli: dhamma bhàịe nàdhammaư taư, nói pháp chứ không phải phi pháp.

[77].   Pāli, Parosahassa. Thera. 1238-1245.

[78].   Biệt dịch, №100(254).

[79].   Ca-lộ-y .

[80].   Ba-hầu-la 波睺羅.

[81].   Chiêm-bà-kỳ 瞻婆耆.

[82].   Kỳ-bà 瞻婆耆. Pāli: Jīvaka-komārabhacca, thái y của vua Tần-bà-sa-la (Bimbisāra).

[83].   Pāli, Thera. 1263-1279; Sn. 2. 12. Vaṅgīsa-sutta. Biệt dịch, №100(255).

[84].   Bản Cao-ly đọc là diệt . Tống-Nguyên-Minh đọc là giảm .