TẠP A-HÀM QUYỂN 5
Tôi nghe như vầy:
Bấy giờ, có số đông Tỳ-kheo Thượng tọa trú ở tại
vườn Cù-sư-la, nước Câu-xá-di[2].
Lúc ấy cũng ở nước Câu-xá-di tại vườn Bạt-đà-lê[3]
có Tỳ-kheo Sai-ma[4]
thân mang trọng bệnh. Bấy giờ, Tỳ-kheo Đà-sa[5]
là người nuôi bệnh. Tỳ-kheo Đà-sa đến chỗ các Tỳ-kheo Thượng tọa, lễ dưới
chân các Tỳ-kheo Thượng tọa rồi đứng sang một bên. Các Tỳ-kheo Thượng tọa
bảo Tỳ-kheo Đà-sa rằng:
“Thầy trở về chỗ Tỳ-kheo Sai-ma nói rằng: ‘Các
Thượng tọa hỏi thăm thầy, thân thể có an ổn chút nào không? Đau đớn không
tăng lắm chứ?’”
Lúc ấy, Tỳ-kheo Đà-sa vâng lời các Tỳ-kheo Thượng
tọa trở về chỗ Tỳ-kheo Sai-ma, nói với Tỳ-kheo Sai-ma rằng: ‘Các Thượng
tọa hỏi thăm thầy, thân thể có an ổn chút nào không? Đau đớn không tăng
lắm chứ?’
Tỳ-kheo Sai-ma nói với Tỳ-kheo Đà-sa rằng:
“Bệnh của tôi
không bớt, thân không được an ổn, các thứ khổ bức bách càng tăng thêm,
không cứu nổi. Giống như người có nhiều sức mạnh bắt lấy người gầy yếu
đuối, dùng dây trói chặt vào đầu cùng hai tay, rồi siết chặt làm cho đau
đớn vô cùng. Hiện tại sự thống khổ của tôi còn hơn cả người kia nữa. Giống
như tên đồ tể dùng dao bén mổ bụng bò lấy nội tạng nó ra; sự đau đớn bụng
con bò như thế nào có thể chịu nổi, còn hiện tại sự đau đớn bụng của tôi,
hơn cả sự đau của con bò kia. Như hai lực sĩ bắt một người yếu đuối treo
lên trên lửa rồi đốt hai chân họ, hiện nay hai chân của tôi còn nóng hơn
người kia.”
Bấy giờ, Tỳ-kheo Đà-sa đến lại chỗ các Thượng tọa,
đem những lời đã nói về bệnh trạng của Tỳ-kheo Sai-ma bạch lại đầy đủ cho
các Thượng tọa. Các Thượng tọa lại sai Tỳ-kheo Đà-sa trở về chỗ Tỳ-kheo
Sai-ma và nói với Tỳ-kheo Sai-ma rằng: “Đức Thế Tôn đã dạy có năm thọ ấm,
đó là: Sắc thọ ấm; thọ, tưởng, hành, thức thọ ấm. Tỳ-kheo Sai-ma, thầy có
thể quán sát một chút về năm thọ ấm này, không phải ngã, không phải ngã
sở, được không?”
Tỳ-kheo Đà-sa vâng lời các Tỳ-kheo Thượng tọa dạy
rồi trở về nói với Tỳ-kheo Sai-ma rằng:
“Các Thượng tọa nhắn lại thầy là: ‘Thế Tôn đã từng
dạy về năm thọ ấm, thầy có thể quán sát một chút, không phải ngã, không
ngã sở được không?’”
Tỳ-kheo Sai-ma nói với Tỳ-kheo Đà-sa rằng:
“Đối với năm thọ ấm này, tôi có thể quán sát không
phải ngã, không phải ngã sở.”
Tỳ-kheo Đà-sa trở lại bạch với các Thượng tọa rằng:
“Tỳ-kheo Sai-ma nói, ‘Đối với năm thọ ấm này, tôi
có thể quán sát không phải ngã, không phải ngã sở.’”.
Các Tỳ-kheo Thượng tọa lại sai Tỳ-kheo Đà-sa nói
với Tỳ-kheo Sai-ma rằng: “Thầy có thể đối với năm thọ ấm quán sát về không
phải ngã, không phải những gì thuộc về ngã như các bậc A-la-hán đã đoạn
tận các lậu hoặc được không?”
Tỳ-kheo Đà-sa vâng lời các Tỳ-kheo Thượng tọa dạy,
lại đến chỗ Tỳ-kheo Sai-ma, nói với Sai-ma rằng: “Thầy có thể quán sát năm
thọ ấm như các bậc A-la-hán đã đoạn tận các lậu hoặc được không?”
Tỳ-kheo Sai-ma nói với Tỳ-kheo Đà-sa rằng:
“Tôi có thể quán
sát năm thọ ấm là không phải ngã, không phải ngã sở; nhưng chẳng phải là
A-la-hán đã đoạn tận lậu hoặc.”
Tỳ-kheo Đà-sa trở lại chỗ các Thượng tọa, bạch với
các Thượng tọa, Tỳ-kheo Sai-ma nói, ‘Tôi có thể quán sát năm thọ ấm là
không phải ngã, không phải ngã sở; nhưng chẳng phải là A-la-hán đã đoạn
tận lậu hoặc.’”
Bây giờ, các Thượng tọa bảo Tỳ-kheo Đà-sa, “ngươi
hãy trở về nói với Tỳ-kheo Sai-ma: ‘Thầy nói là thầy quán sát năm thọ ấm
không phải là ngã, không phải là ngã sở, nhưng chẳng phải là A-la-hán đã
đoạn tận lậu hoặc. Trước sau mâu thuẫn nhau.’”
Tỳ-kheo Đà-sa lại vâng lời dạy các Thượng tọa, đến
nói với Tỳ-kheo Sai-ma là: ‘Thầy nói là thầy quán sát năm thọ ấm không
phải là ngã, không phải là ngã sở, nhưng chẳng phải là A-la-hán đã đoạn
tận lậu hoặc. Trước sau mâu thuẫn nhau.’
Tỳ-kheo Sai-ma nói với Tỳ-kheo Đà-sa rằng:
“Đối với năm thọ ấm tôi quán sát không phải là ngã,
không phải là ngã sở. Nhưng chẳng phải là A-la-hán. Vì đối với ngã mạn,
ngã dục, ngã sử, tôi chưa đoạn hết, chưa biết rõ, chưa xả ly, chưa nhàm
tởm, chưa nhổ ra hết.”
Tỳ-kheo Đà-sa trở lại chỗ các Thượng tọa, bạch với
các Thượng tọa, là Tỳ-kheo Sai-ma xin thưa rằng: ‘Đối với năm thọ ấm tôi
quán sát không phải là ngã, không phải là ngã sở. Nhưng chẳng phải là
A-la-hán. Vì đối với ngã mạn, ngã dục, ngã sử, tôi chưa đoạn hết, chưa
biết rõ, chưa xả ly, chưa nhàm tởm, chưa nhổ ra hết.’
Các Thượng tọa lại sai Tỳ-kheo Đà-sa nói với
Tỳ-kheo Sai-ma rằng: ‘Thầy nói có ngã. Vậy thì ở chỗ nào có ngã? Sắc là
ngã hay ngã khác sắc? Và thọ, tưởng, hành, thức là ngã hay ngã khác thức?’
Tỳ-kheo Sai-ma nói với Tỳ-kheo Đà-sa rằng:
“Tôi không nói sắc là ngã hay ngã khác sắc; thọ,
tưởng, hành, thức là ngã hay ngã khác thức. Nhưng đối với năm thọ ấm, ngã
mạn, ngã dục, ngã sử tôi chưa đoạn hết, chưa biết rõ, chưa xa lìa, chưa
nhàm tởm, chưa nhổ ra hết.”
Tỳ-kheo Sai-ma nói với Tỳ-kheo Đà-sa rằng:
“Sao dám làm phiền thầy phải chạy qua chạy lại!
Thầy mang giùm cây gậy đến đây, tôi sẽ tự chống gậy đến các Thượng tọa
kia. Xin trao gậy cho tôi.”
Tỳ-kheo Sai-ma liền tự chống gậy đi đến chỗ các
Thượng tọa. Từ xa các Thượng tọa nhìn thấy Tỳ-kheo Sai-ma chống gậy đi
lại, liền trải tòa, sửa ghế ngồi, đích thân ra nghinh tiếp, vì thầy mang
giúp y bát và mời ngồi, cùng thăm hỏi sức khỏe nhau, rồi các Thượng tọa
nói với Tỳ-kheo Sai-ma rằng:
“Thầy bảo ngã mạn; vậy chỗ nào thấy ngã? Sắc là ngã
chăng? Ngã khác sắc chăng? Và thọ, tưởng, hành, thức là ngã chăng? Ngã
khác thức chăng?”
Tỳ-kheo Sai-ma bạch rằng:
“Chẳng phải sắc là ngã, chẳng phải ngã khác sắc;
chẳng phải thọ, tưởng, hành, thức là ngã, chẳng phải ngã khác thức. Nhưng
đối với năm thọ ấm, ngã mạn, ngã dục, ngã sử tôi có thể chưa đoạn hết,
chưa có thể biết rõ, chưa có thể xa lìa, chưa nhàm tởm, chưa nhổ ra hết.
“Giống như hương thơm của hoa Ưu-bát-la,
Bát-đàm-ma, Câu-mâu-đầu, Phân-đà-lợi, có phải là mùi hương của rễ? Hay
hương khác rễ; là mùi hương tinh thô của thân, lá, cuống? Là mùi hương
khác tinh thô? Hay là tất cả những thứ đó chăng?”
Các Thượng tọa đáp rằng:
“Không phải đâu, Tỳ-kheo Sai-ma, chẳng phải rễ của
hoa Ưu-bát-la, Bát-đàm-ma, Câu-mâu-đầu, Phân-đà-lợi, là mùi hương và chẳng
phải mùi hương khác rễ; cũng chẳng phải thân, lá, cuống, tinh thô là mùi
hương; cũng chẳng phải mùi hương khác tinh thô.”
Tỳ-kheo Sai-ma lại hỏi:
“Vậy đó là những thứ hương gì?”
Các Thượng tọa đáp rằng:
“Là mùi hương của hoa.”
Tỳ-kheo Sai-ma lại nói:
“Vậy thì ngã
cũng như vậy. Chẳng phải sắc là ngã, ngã không lìa sắc và chẳng phải thọ,
tưởng, hành, thức là ngã, ngã không lìa thức; nhưng đối với năm thọ ấm,
tôi thấy không phải ngã, không phải ngã sở, mà đối với ngã mạn, ngã dục,
ngã sử tôi chưa đoạn hết, chưa biết rõ, chưa xa lìa, chưa nhàm tởm, chưa
nhổ ra hết.
“Các Thượng tọa hãy nghe tôi nói thí dụ, vì người
trí nhờ thí dụ mà được hiểu rõ. Giống như chiếc áo của người nhũ mẫu giao
cho người giặt. Họ giặt bằng nước tro, tuy có sạch bụi nhơ, nhưng vẫn còn
có mùi. Nếu muốn hết mùi này thì cần phải dùng các thứ hương thơm xông
ướp. Cũng vậy, đa văn Thánh đệ tử xa lìa năm thọ ấm, quán sát chân chánh
rằng không phải ngã, không phải ngã sở, có thể đối với năm thọ ấm, ngã
mạn, ngã dục, ngã sử chưa đoạn hết, chưa biết rõ, chưa xa lìa, chưa nhàm
chán, nhưng đối với năm thọ ấm sau đó vị ấy tư duy thêm nữa, quán sát sự
sanh diệt của chúng, rằng: ‘Đây là sắc; đây là sự tập khởi của sắc này,
đây là sự diệt tận của sắc này. Đây là thọ, tưởng, hành, thức này, đây là
sự tập khởi... thức này và sự đoạn tận của... thức này cũng như vậy. Đối
với năm thọ ấm khi đã quán sát sự sanh diệt của chúng như vậy rồi, thì ngã
mạn, ngã dục, ngã sử, tất cả đều được tiêu trừ. Đó gọi là quán sát chân
chánh chân thật.”
Khi Tỳ-kheo Sai-ma nói pháp này, thì các vị Thượng
tọa xa lìa được trần cấu, được trong sạch mắt pháp. Tỳ-kheo Sai-ma nhờ
không khởi các lậu hoặc, nên tâm được giải thoát. Vì được an vui lợi ích
nơi chánh pháp nên những bệnh của thân tất cả đều được tiêu trừ.
Bấy giờ, các Thượng tọa nói với Tỳ-kheo Sai-ma
rằng:
“Lần đầu chúng tôi được nghe những gì Nhân giả nói
đã hiểu rõ và mừng vui, huống chi là được nghe lại nhiều lần. Sở dĩ chúng
tôi hỏi nhiều là vì muốn phát khởi biện tài vi diệu của Nhân giả, chứ
không phải có ý nhiễu loạn. Nhân giả là người có khả năng nói rộng chánh
pháp của Như Lai, Ứng Cúng, Đẳng Chánh Giác.”
Sau khi các Thượng tọa nghe những gì mà Tỳ-kheo
Sai-ma nói xong, tất cả đều hoan hỷ phụng hành.
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây
Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, có Tỳ-kheo tên là Diệm-ma-ca khởi tà kiến ác
nói rằng: ‘Theo chỗ hiểu của tôi về những pháp mà Phật đã thuyết giảng,
thì vị A-la-hán lậu tận, sau khi thân hoại mạng chung sẽ không còn gì
nữa.’
Lúc ấy, có số đông Tỳ-kheo nghe những lời này, liền
đến đó nói với Tỳ-kheo Diệm-ma-ca rằng:
“Có thật thầy đã nói: ‘Theo chỗ hiểu của tôi về
những pháp mà Phật đã thuyết giảng, thì vị A-la-hán lậu tận, sau khi thân
hoại mạng chung sẽ không còn gì nữa’?”
Đáp rằng:
“Thưa các Tôn giả, thật sự như vậy.”
Các Tỳ-kheo nói với Diệm-ma-ca:
“Chớ nên hủy báng Thế Tôn. Hủy báng Thế Tôn là
không tốt. Thế Tôn không hề nói những lời này. Thầy nên từ bỏ tà kiến ác
này đi.”
Khi các Tỳ-kheo đã nói những lời này rồi, mà
Tỳ-kheo Diệm-ma-ca vẫn còn ôm chặt tà kiến ác này, lại nói như vầy:
“Thưa các Tôn giả, chỉ có đây mới là sự thật, nếu
khác đi thì là giả dối.”
Thầy nói ba lần như vậy.
Khi các Tỳ-kheo không thể điều phục được Tỳ-kheo
Diệm-ma-ca, liền bỏ ra đi, đến chỗ Tôn giả Xá-lợi-phất, thưa Tôn giả
Xá-lợi-phất rằng:
“Tôn giả biết
cho, Tỳ-kheo Diệm-ma-ca kia đã khởi lên tà kiến ác nói như vầy: ‘Theo chỗ
hiểu của tôi về những pháp mà Phật đã thuyết giảng, thì vị A-la-hán
lậu tận, sau khi thân hoại mạng chung sẽ không còn gì nữa.’ Chúng tôi đã
nghe những lời nói này, nên đến hỏi Tỳ-kheo Diệm-ma-ca, có thật thầy đã
nói: ‘Theo chỗ hiểu của tôi về những pháp mà Phật đã thuyết giảng, thì vị
A-la-hán lậu tận, sau khi thân hoại mạng chung sẽ không còn gì nữa?’
Thầy ấy đáp, ‘Thưa các Tôn giả, thật sự là như vậy, nếu khác đi thì
là kẻ ngu nói.’ Chúng tôi liền bảo rằng: ‘Chớ nên hủy báng Thế Tôn.
Hủy báng Thế Tôn là không tốt. Thế Tôn không hề nói những lời này.
Thầy nên từ bỏ tà kiến ác này đi.’ Qua ba lần can gián, thầy vẫn
ôm chặt tà kiến ác mà không bỏ, nên nay chúng tôi đến chỗ Tôn giả,
xin Tôn giả thương xót Tỳ-kheo Diệm-ma-ca, hãy làm cho thầy dứt bỏ tà kiến
ác.”
Tôn giả Xá-lợi-phất nói:
“Vâng, tôi sẽ làm cho thầy này dứt bỏ tà kiến ác.”
Sau khi nghe những lời Tôn giả Xá-lợi-phất nói rồi,
số đông Tỳ-kheo tùy hỷ vui mừng, trở về chỗ ở của mình.
Bấy giờ, lúc sáng sớm, Tôn giả Xá-lợi-phất đắp y
mang bát vào thành Xá-vệ khất thực. Ăn xong, ra khỏi thành trở về tinh xá,
cất y bát, rồi đến chỗ Tỳ-kheo Diệm-ma-ca.
Tỳ-kheo Diệm-ma-ca từ xa trông thấy Tôn giả
Xá-lợi-phất đến, liền trải tòa, chuẩn bị nước rửa chân, sắp đặt ghế ngồi,
ân cần nghinh tiếp, mang giúp y bát, rồi mời ngồi. Sau khi Tôn giả
Xá-lợi-phất vào chỗ ngồi và rửa chân xong, nói với Tỳ-kheo Diệm-ma-ca:
“Có thật thầy đã nói: ‘Theo chỗ hiểu của tôi về
những pháp mà Phật đã thuyết giảng, thì vị A-la-hán lậu tận, sau khi thân
hoại mạng chung, sẽ không còn gì nữa?’”
Tỳ-kheo Diệm-ma-ca bạch Tôn giả Xá-lợi-phất:
“Thưa Tôn giả Xá-lợi-phất, thật sự là như vậy.”
Tôn giả Xá-lợi-phất nói:
“Bây giờ tôi hỏi thầy, cứ theo ý thầy mà trả lời
tôi. Thế nào, Diệm-ma-ca, sắc là thường hay vô thường?”
Đáp:
“Thưa Tôn giả Xá-lợi-phất, là vô thường.”
Lại hỏi:
“Nếu là vô thường, thì là khổ chăng?”
Đáp:
“Là khổ.”
Lại hỏi:
“Nếu vô thường, khổ là pháp biến dịch. Vậy đa văn
Thánh đệ tử ở trong đó có thấy ngã, khác ngã, hay ở trong nhau không?”
Đáp:
“Thưa Tôn giả Xá-lợi-phất, không.”
“Đối với thọ, tưởng, hành, thức lại cũng như vậy.”
Lại hỏi:
“Thế nào Diệm-ma-ca, sắc là Như Lai chăng?”
Đáp:
“Thưa Tôn giả Xá-lợi-phất, không.”
Lại hỏi:
“Thế nào, Diệm-ma-ca, khác sắc là Như Lai chăng?
Khác thọ, tưởng, hành, thức là Như Lai chăng?”
Đáp:
“Thưa Tôn giả Xá-lợi-phất, không.”
Lại hỏi:
“Ở trong sắc có Như Lai không? Ở trong thọ, tưởng,
hành, thức có Như Lai không?”
Đáp:
“Thưa Tôn giả Xá-lợi-phất, không.”
Lại hỏi:
“Trong Như Lai có sắc không? Trong Như Lai có thọ,
tưởng, hành, thức không?”
Đáp:
“Thưa Tôn giả Xá-lợi-phất, không.”
Lại hỏi:
“Phi sắc, thọ, tưởng, hành, thức[7]
có Như Lai phải không?”
Đáp:
“Thưa Tôn giả Xá-lợi-phất, không.”
“Như vậy, này Diệm-ma-ca, Như Lai ngay trong đời
này là chân thật, như thật, thường trú, không thể nắm bắt, không thể giả
thiết[8];
sao thầy lại có thể nói, ‘Theo chỗ hiểu của tôi về những pháp mà Phật đã
thuyết giảng, thì vị A-la-hán lậu tận, sau khi thân hoại mạng chung sẽ
không còn gì nữa?’ Nói như vậy đúng thời chăng?”
Đáp:
“Thưa Tôn giả Xá-lợi-phất, không.”
Lại hỏi:
“Này Diệm-ma-ca, trước đây thầy nói: ‘Theo chỗ hiểu
của tôi về những pháp mà Phật đã thuyết giảng, thì vị A-la-hán lậu tận,
sau khi thân hoại mạng chung sẽ không còn gì nữa.’ Tại sao nay lại nói là
không phải?”
Tỳ-kheo Diệm-ma-ca nói:
“Trước đây, vì vô minh tôi không hiểu, nên có tà
kiến ác như vậy. Nay đã nghe Tôn giả Xá-lợi-phất nói rồi, nên những gì
không hiểu do vô minh, tất cả đều dứt sạch.”
Lại hỏi:
“Nếu lại được hỏi: ‘Tỳ-kheo, tuyên bố tà kiến ác
trước đây, nay do biết gì, thấy gì, mà tất cả đều bị loại bỏ?’ Thầy sẽ đáp
như thế nào?”
Diệm-ma-ca đáp:
“Thưa Tôn giả Xá-lợi-phất, nếu có người đến hỏi thì
tôi sẽ đáp như vầy, ‘A-la-hán lậu tận, sắc là vô thường; vô thường là khổ.
Khổ dứt thì vắng lặng, mát mẻ, lặng im. Đối với thọ, tưởng, hành, thức lại
cũng như vậy.’ Nếu có người nào đến hỏi thì tôi sẽ đáp như vậy.”
Xá-lợi-phất nói:
“Lành thay! Lành thay! Tỳ-kheo Diệm-ma-ca, thầy nên
đáp như vậy. Vì sao? Vì bậc A-la-hán lậu đã hết, thì thấy sắc là vô
thường, mà vô thường là khổ. Nếu vô thường là khổ, thì là pháp sanh diệt.
Đối với thọ, tưởng, hành, thức cũng lại như vậy.”
Sau khi Tôn giả Xá-lợi-phất nói pháp này, thì
Tỳ-kheo Diệm-ma-ca xa lìa trần cấu, được mắt pháp trong sạch. Tôn giả
Xá-lợi-phất nói với Tỳ-kheo Diệm-ma-ca:
“Nay tôi sẽ nói thí dụ, mà người trí nhờ thí dụ thì
sẽ hiểu rõ được. Thí như một trưởng giả, hay con một trưởng giả giàu có,
nhiều của cải, rất mong được nhiều người giúp việc để khéo giữ gìn tài
sản. Lúc ấy có kẻ thù độc ác, giả đến gần gũi giúp đỡ và xin làm tôi tớ,
luôn luôn dò xét việc ngủ nghỉ sớm muộn của chủ nhân, mà nhân đó hầu hạ
hai bên, kính cẩn phục vụ; luôn thuận theo lời chủ, khiến chủ nhân vừa
lòng, xem như bạn thân, tưởng như con cháu, rất tin tưởng, không nghi ngờ,
nên không bao giờ tự đề phòng giữ gìn. Sau đó tên này dùng dao bén, giết
chết người chủ.
“Này Tỳ-kheo Diệm-ma-ca, thầy nghĩ thế nào về kẻ
thù độc ác kia, bạn thân trưởng giả ấy; đó chẳng phải là phương tiện ban
đầu, với tâm hại luôn luôn dò xét tìm cơ hội, để dẫn đến cái chung cuộc
đối với người chủ sao? Trong khi trưởng giả không hay biết gì về cái hậu
quả tai hại mà mình phải gánh chịu hôm nay.”
Đáp:
“Thật như vậy.”
Tôn giả Xá-lợi-phất bảo Tỳ-kheo Diệm-ma-ca:
“Thầy nghĩ thế nào về trưởng giả này, nếu biết
người kia giả làm người thân để ám hại, thì ông ta đã khéo tự đề phòng giữ
gìn và sẽ không bị làm hại phải không?”
Đáp:
“Đúng vậy.”
Tôn giả Xá-lợi-phất bảo:
“Cũng vậy, Tỳ-kheo Diệm-ma-ca, kẻ phàm phu ngu si
không học, đối với năm thọ ấm tưởng là thường, tưởng là an ổn, tưởng là
không bệnh, tưởng là ngã, tưởng là ngã sở. Đối với năm thọ ấm này giữ gìn,
nuối tiếc, cuối cùng thì cũng bị năm thọ ấm oan gia này làm hại, như
trưởng giả kia bị kẻ oan gia, giả làm người thân hại đi mà không hay biết.
“Này Diệm-ma-ca,
đa văn Thánh đệ tử đối với năm thọ ấm này phải quán sát như bệnh, như ung
nhọt, như gai nhọn, như sát hại; là vô thường, khổ, không, chẳng phải ngã,
chẳng phải ngã sở. Đối với năm thọ ấm này vị ấy không thọ lãnh, không đắm
trước. Vì không thọ lãnh nên không đắm trước, vì không đắm trước nên tự
giác ngộ Niết-bàn: ‘Ta, sự sanh đã dứt, phạm hạnh đã lập, những gì cần làm
đã làm xong, tự biết không còn tái sanh đời sau nữa.’”
Khi Tôn giả Xá-lợi-phất nói bài pháp này, thì
Tỳ-kheo Diệm-ma-ca không khởi các lậu hoặc, tâm được giải thoát. Tôn giả
Xá-lợi-phất vì Tỳ-kheo Diệm-ma-ca nói pháp sáng soi, chỉ bày làm cho vui
vẻ rồi, từ chỗ ngồi đứng dậy ra đi.
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở trong vườn Trúc, khu Ca-lan-đà,
tại thành Vương xá.
Bấy giờ có một ngoại đạo xuất gia tên là Tiên-ni[10]
đến chỗ Phật, cung kính thăm hỏi, rồi ngồi qua một bên, bạch Phật:
“Ngày hôm qua, có các Sa-môn, Bà-la-môn, Giá-la-ca[11],
cùng nhau tập trung tại giảng đường Hy hữu[12],
khen ngợi như vầy: ‘Phú-lan-na Ca-diếp[13],
là người lãnh đạo đồ chúng, có năm trăm đệ tử vây quanh trước sau. Trong
số họ có người cực thông minh, có người đần độn, nhưng đến khi họ chết đi,
không được xác nhận[14]
là họ sẽ tái sanh ở đâu. Lại có Mạc-ca-lê Cù-xá-lợi Tử[15]
là người lãnh đạo đồ chúng, có năm trăm đệ tử vây quanh trước sau. Trong
số họ có người cực thông minh, có người đần độn, nhưng đến khi họ chết đi,
không được xác nhận là họ sẽ tái sanh ở đâu. Cũng vậy, Tiên-xà-na
Tỳ-la-chi Tử, A-kỳ-đa Xí-xá-khâm-bà-la, Ca-la-câu-đà Ca-chiên-diên,
Ni-kiền-đà Nhã-đề Tử[16]
v.v… mỗi người đều có năm trăm đệ tử vây quanh trước sau, như đã nói
trên.’
“Sa-môn Cù-đàm lúc bấy giờ cũng được thảo luận
trong đó, rằng: ‘Sa-môn Cù-đàm là thủ lãnh của đại chúng. Trong số đệ tử
của Ngài nếu có ai mạng chung thì liền được ghi nhận là sẽ sanh vào chỗ
này, sẽ sanh vào nơi kia. ‘Trước đây tôi có sanh nghi, vì sao Sa-môn
Cù-đàm đạt được pháp như vậy[17]?’”
Phật bảo Tiên-ni:
“Ông chớ sanh nghi ngờ. Vì có mê lầm nên sanh ra
nghi hoặc. Tiên-ni nên biết, có ba hạng tôn sư. Những gì là ba? Có một
hạng tôn sư thấy đời hiện tại chân thật là ngã, rồi theo chỗ biết ấy mà
thuyết, nhưng không thể biết những việc sau khi chết. Đó là hạng thầy thứ
nhất xuất hiện ở thế gian. Lại nữa, này Tiên-ni có một hạng tôn sư, thấy
đời hiện tại chân thật là ngã, sau khi chết cũng thấy là ngã, rồi theo chỗ
biết ấy mà thuyết. Lại nữa, này Tiên-ni có một hạng tôn sư, không thấy đời
hiện tại chân thật là ngã, sau khi mạng chung cũng lại không thấy chân
thật là ngã.
“Này Tiên-ni, hạng tôn sư thứ nhất thấy đời hiện
tại chân thật là ngã, rồi theo chỗ biết ấy mà thuyết, thì đó gọi là đoạn
kiến. Hạng tôn sư thứ hai, thấy đời hiện tại và đời vị lai chân thật là
ngã, rồi theo chỗ biết ấy mà thuyết, thì đó gọi là thường kiến. Hạng tôn
sư thứ ba, không thấy đời hiện tại chân thật là ngã và sau khi chết cũng
không thấy ngã, thì đó là Như Lai, Ứng Cúng, Đẳng Chánh Giác nói, hiện tại
cắt đứt ái, ly dục, diệt tận, chứng Niết-bàn.”
Tiên-ni bạch Phật:
“Bạch Thế Tôn, tôi nghe những gì Đức Thế Tôn nói
càng thêm nghi ngờ.”
Phật bảo Tiên-ni:
“Càng nghi ngờ thêm là đúng. Vì sao? Vì đây chính
là chỗ sâu xa khó thấy khó biết, cần phải quán chiếu sâu xa, vi diệu mới
thấu đáo được, chỉ có bậc thông tuệ mới hiểu rõ, còn loại chúng sanh
thường tình thì chưa có khả năng biết được. Vì sao? Vì chúng sanh lâu đời
có những kiến giải dị biệt, nhẫn thọ dị biệt, sự mong cầu dị biệt, những
ước muốn dị biệt.”
Tiên-ni bạch Phật:
“Bạch Thế Tôn, con đối với Thế Tôn có lòng tin
thuần tịnh, xin Đức Thế Tôn vì con mà nói pháp, để ngay nơi chỗ ngồi này
tuệ nhãn của con được thanh tịnh.”
Phật bảo Tiên-ni:
“Nay Ta sẽ tùy thuộc vào chỗ ưa thích của ông mà
nói.”
Phật bảo Tiên-ni:
“Sắc là thường, hay là vô thường?”
Đáp:
“Là vô thường.”
Đức Thế Tôn lại hỏi:
“Này Tiên-ni, vô thường là khổ chăng?”
Đáp:
“Là khổ.”
Đức Thế Tôn lại hỏi Tiên-ni:
“Nếu vô thường, khổ là pháp biến dịch, vậy đa văn
Thánh đệ tử ở trong đó có thấy ngã, khác ngã, hay ở trong nhau không?”
Đáp:
“Bạch Thế Tôn, không.”
“Đối với thọ, tưởng, hành, thức lại cũng như vậy.”
Lại hỏi:
“Thế nào, Tiên-ni, sắc có phải là Như Lai không?”
Đáp:
“Bạch Thế Tôn, không.”
“Thọ, tưởng, hành, thức có phải là Như Lai không?”
“Bạch Thế Tôn, không.”
Lại hỏi Tiên-ni:
“Ngoài sắc có Như Lai không? Ngoài thọ, tưởng,
hành, thức có Như Lai không?”
Đáp:
“Bạch Thế Tôn, không.”
Lại hỏi Tiên-ni:
“Trong sắc có Như Lai không? Trong thọ, tưởng,
hành, thức có Như Lai không?”
Đáp:
“Bạch Thế Tôn, không.”
Lại hỏi Tiên-ni:
“Trong Như Lai có sắc không? Và trong Như Lai có
thọ, tưởng, hành, thức không?”
Đáp:
“Bạch Thế Tôn, không.”
Lại hỏi Tiên-ni:
“Phi sắc, phi thọ, tưởng, hành, thức có Như Lai
không?”
Đáp:
“Bạch Thế Tôn, không.”
Phật bảo Tiên-ni:
“Các đệ tử của Ta nghe những gì Ta đã nói mà không
hiểu nghĩa lý để khởi vô gián đẳng[18]
đối với mạn. Vì phi vô gián đẳng nên mạn không bị đoạn trừ. Vì không dứt
trừ được mạn, nên khi bỏ ấm này thì ấm khác tiếp nối sinh. Do vậy, này
Tiên-ni, Ta ký thuyết cho các đệ tử, sau khi thân hoại mạng chung sẽ sanh
vào chỗ này hay chỗ kia. Vì sao? Vì mạn còn sót lại.
“Này Tiên-ni,
các đệ tử của Ta đối với những gì Ta đã nói, có khả năng hiểu rõ, thì đối
với các mạn mà đạt được vô gián đẳng. Nhờ đạt được vô gián đẳng nên các
mạn dứt trừ; vì các mạn được dứt trừ nên sau khi thân hoại mạng chung sẽ
không còn có tương tục. Này Tiên-ni, những người đệ tử này, Ta không bảo
là khi bỏ ấm này rồi, họ sẽ sinh vào chỗ này hay chỗ kia. Vì sao? Vì không
có nhân duyên để có thể ký thuyết. Nếu muốn Ta ký thuyết, Ta sẽ ký thuyết
rằng, họ đã đoạn trừ các ái dục, vĩnh viễn xa lìa kết sử hữu, chánh ý giải
thoát, tận cùng mé khổ. Từ xưa tới nay và ngay trong hiện tại, Ta thường
nói, mạn quá, mạn tập, mạn sanh, mạn khởi; nếu đối với mạn mà thường xuyên
quán sát thì các khổ sẽ không sanh.”
Khi Phật nói pháp này, Tiên-ni Sa-môn ngoại đạo[19]
xa lìa trần cấu, được mắt pháp trong sạch. Bấy giờ, Tiên-ni thấy pháp, đắc
pháp, đoạn trừ các nghi hoặc, không do người khác mà biết, không do người
khác để được độ thoát. Ở trong Chánh pháp, tâm đạt được vô sở úy. Ông từ
chỗ ngồi đứng dậy, chắp tay bạch Phật:
“Bạch Thế Tôn, con có được phép ở trong Chánh pháp
xuất gia tu phạm hạnh không?”
Phật bảo Tiên-ni:
“Ông có thể xuất gia, thọ giới Cụ túc, được làm
Tỳ-kheo ở trong Chánh pháp.”
Sau khi Tiên-ni
đã được phép xuất gia rồi, một mình ở nơi vắng vẻ tu tập không buông lung,
tự suy nghĩ về lý do nào mà người có dòng họ quý cạo bỏ râu tóc, chánh tín
xuất gia học đạo, sống không gia đình, tu hành phạm hạnh, thấy pháp, tự
biết đã chứng đắc: ‘Ta, sự sanh đã dứt, phạm hạnh đã lập, những gì cần làm
đã làm xong, tự biết không còn tái sanh đời sau nữa.’ Đã đạt được quả
A-la-hán.
Sau khi đã nghe
những gì Đức Phật đã nói, hoan hỷ phụng hành.
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở trong vườn Trúc, khu Ca-lan-đà,
tại thành Vương xá[21].
Bấy giờ có Tỳ-kheo tên là A-nậu-la-độ[22]
ở núi Kỳ-xà-quật. Lúc ấy, có số đông người xuất gia ngoại đạo, đến chỗ
A-nậu-la-độ. Sau khi họ đã chào hỏi thăm nhau, rồi ngồi sang một bên và,
bạch với A-nậu-la-độ:
“Chúng tôi có điều muốn hỏi. Ngài có rảnh mà giải
thích cho chúng tôi không?”
A-nậu-la-độ nói với các ngoại đạo:
“Tùy theo điều muốn hỏi, nếu biết tôi sẽ trả lời.”
Các ngoại đạo lại hỏi:
“Thế nào, Tôn giả, Như Lai sau khi chết tồn tại
chăng?”
A-nậu-la-độ nói:
“Như Thế Tôn đã nói, điều này thuộc vô ký[23].”
Lại hỏi:
“Như Lai sau khi chết không tồn tại chăng?”
A-nậu-la-độ nói:
“Như Thế Tôn đã nói, điều này thuộc vô ký.”
Lại hỏi:
“Như Lai sau khi chết tồn tại và không tồn tại;
chẳng phải tồn tại, chẳng phải không tồn tại chăng?”
A-nậu-la-độ nói:
“Như Thế Tôn đã nói, điều này thuộc vô ký.”
Lại hỏi A-nậu-la-độ:
“Thế nào, Tôn giả, Như Lai sau khi chết là tồn tại
chăng? Bảo rằng vô ký. Như Lai sau khi chết không tồn tại chăng? Bảo rằng
vô ký. Như Lai sau khi chết là cũng tồn tại, cũng không tồn tại; chẳng
phải tồn tại, chẳng phải không tồn tại chăng? Bảo rằng vô ký. Thế nào, Tôn
giả, Sa-môn Cù-đàm không biết, không thấy chăng?”
A-nậu-la-độ nói:
“Đức Thế Tôn chẳng phải không biết, chẳng phải
không thấy.”
Bấy giờ, các ngoại đạo không hài lòng về những gì
mà Tôn giả A-nậu-la-độ đã nói, bèn chỉ trích, rồi từ chỗ ngồi đứng dậy ra
về.
Tôn giả A-nậu-la-độ chờ cho các ngoại đạo đi rồi,
đến chỗ Đức Phật, đảnh lễ dưới chân, rồi đứng sang một bên, đem những gì
các ngoại đạo đã hỏi trình lên tất cả cho Phật:
“Bạch Thế Tôn,
họ đã hỏi như vậy và con đáp như vậy, nói như vậy, có phù hợp với Chánh
pháp không? Con không mắc tội hủy báng Thế Tôn chăng? Là thuận theo pháp
hay là trái với pháp? Không khiến cho khi có người đến cật vấn mà bị bế
tắc chăng?”
Phật bảo A-nậu-la-độ:
“Nay Ta hỏi ngươi, theo những gì Ta hỏi mà trả lời.
Này A-nậu-la-độ, sắc là thường hay vô thường?”
Đáp:
“Là vô thường.”
“Thọ, tưởng, hành, thức là thường hay là vô
thường?”
Đáp:
“Bạch Thế Tôn, là vô thường.”
Nói chi tiết như kinh Diệm-ma-ca, cho đến, thức là
Như Lai chăng? Đáp là không.
Phật bảo A-nậu-la-độ:
“Nói như vậy là nói lời phù hợp[24],
chẳng phải hủy báng Như Lai, chẳng phải vượt qua thứ lớp, như những lời
của Như Lai nói theo các pháp tùy thuận[25]
không ai có thể đến cật vấn chê trách được. Vì sao? Vì đối với sắc, Ta
biết như thật về sắc, về sự tập khởi của sắc, về sự đoạn tận của sắc, về
con đường đưa đến sự diệt tận của sắc. Này A-nậu-la-độ, nếu bỏ qua những
điều Như Lai giải thích[26]
mà bảo là Như Lai không biết, không thấy, thì đây chẳng phải là lời nói
chính xác[27].”
Phật nói kinh này xong, A-nậu-la-độ nghe những gì
Đức Phật đã dạy, vui mừng thực hành theo.
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở trong rừng sâu Lộc dã, tại núi
Thiết-thủ-bà-la[29],
thuộc nước Bà-kỳ[30].
Bấy giờ có trưởng giả Na-câu-la[31]
đã một trăm hai mươi tuổi, già nua, các căn suy nhược, yếu đuối bệnh khổ
mà vẫn muốn diện kiến Đức Thế Tôn, cùng các Tỳ-kheo thân quen đáng kính
trước đây. Ông đến chỗ Phật, đảnh lễ dưới chân, rồi lui ngồi sang một bên,
bạch Phật:
“Bạch Thế Tôn, nay con đã già nua, yếu đuối, bệnh
khổ, tự gắng sức đến yết kiến Đức Thế Tôn cùng các vị Tỳ-kheo thân quen
đáng kính trước đây. Xin Đức Thế Tôn vì con mà nói pháp khiến cho con luôn
luôn được an lạc.”
Bấy giờ, Đức Thế Tôn bảo gia chủ Na-câu-la:
“Lành thay! Gia chủ, thật sự ông đã già nua, các
căn suy nhược, yếu đuối bệnh hoạn, mà có thể tự mình đến diện kiến Như Lai
cùng các Tỳ-kheo thân quen đáng kính khác. Gia chủ nên biết, ở nơi cái
thân khổ hoạn này mà tu học thân không khổ hoạn[32].”
Bấy giờ, Đức Thế Tôn vì gia chủ Na-câu-la, khai mở,
chỉ dạy, soi sáng, làm cho hoan hỷ[33]
rồi ngồi im lặng. Sau khi gia chủ Na-câu-la nghe những gì Đức Phật đã dạy,
tùy hỷ vui mừng, lễ Phật mà lui.
Lúc ấy, Tôn giả Xá-lợi-phất đang ngồi dưới một bóng
cây cách Phật không xa. Gia chủ Na-câu-la đến chỗ Tôn giả Xá-lợi-phất,
đảnh lễ dưới chân, rồi lui ngồi sang một bên. Tôn giả Xá-lợi-phất hỏi gia
chủ:
“Hiện tại các căn của gia chủ vui vẻ, nhan sắc sáng
tươi, có phải đã nghe pháp sâu xa từ nơi Thế Tôn rồi chăng?”
Gia chủ Na-câu-la bạch ngài Xá-lợi-phất:
“Hôm nay Đức Thế Tôn vì tôi nói pháp, khai mở, chỉ
dạy, soi sáng, làm cho hoan hỷ; vì nước pháp cam lộ rưới vào thân tâm tôi,
cho nên nay các căn của tôi vui vẻ, nhan sắc sáng tươi.”
Tôn giả Xá-lợi-phất hỏi gia chủ:
“Đức Thế Tôn đã vì ông nói những pháp gì, khai mở,
chỉ dạy, soi sáng, làm cho hoan hỷ, nhuần thắm nước cam lộ?”
Gia chủ Na-câu-la bạch ngài Xá-lợi-phất:
“Con đến chỗ Thế Tôn, bạch Thế Tôn rằng: ‘Con đã
già nua, yếu đuối, khổ hoạn, tự con đến diện kiến Đức Thế Tôn cùng các
Tỳ-kheo thân quen đáng kính.’ Đức Phật bảo con: ‘Lành thay! Gia chủ, ông
thực sự đã già nua, yếu đuối, khổ hoạn, mà có thể tự nỗ lực đến gặp Ta
cùng các Tỳ-kheo thân quen đáng kính trước đây. Bây giờ đối với thân khổ
hoạn này, ông thường nên ở nơi cái thân khổ hoạn này mà tu học thân không
khổ hoạn.’ Đức Thế Tôn đã vì con nói pháp như vậy, khai mở, chỉ dạy, soi
sáng, làm cho hoan hỷ, nước cam lộ nhuần thấm.”
Tôn giả Xá-lợi-phất hỏi gia chủ:
“Vừa rồi sao ông không hỏi lại Đức Thế Tôn, thế nào
là thân bị bệnh khổ, là tâm bị bệnh khổ? Thế nào là thân bị bệnh khổ mà
tâm không bị bệnh khổ?”
Gia chủ đáp:
“Vì lý do này nên con đến gặp Tôn giả, xin vì con
nói tóm lược pháp yếu.”
Tôn giả Xá-lợi-phất bảo gia chủ:
“Lành thay! Gia chủ, nay ông hãy lắng nghe, tôi sẽ
vì ông mà nói. Kẻ phàm phu ngu si không học, đối với sự tập khởi của sắc,
sự diệt tận của sắc, sự tai hại của sắc, vị ngọt của sắc, sự xuất ly sắc
không biết như thật. Vì không biết như thật nên ái lạc sắc, nói rằng sắc
là ngã, là ngã sở, rồi chấp thủ, nhiếp thủ. Khi sắc này hoặc bị hư hoại,
hoặc bị biến đổi; tâm thức cũng tùy theo mà biến chuyển, khổ não liền
sanh. Khi khổ não đã sanh thì phát sinh sự sợ hãi, sự chướng ngại, sự hoài
vọng, sự lo nghĩ buồn khổ tham luyến. Đối với thọ, tưởng, hành, thức lại
cũng như vậy. Đó gọi là bệnh khổ của thân tâm.
“Thế nào là thân bị bệnh khổ mà tâm không bị bệnh
khổ? Đa văn Thánh đệ tử biết như thật về sự tập khởi của sắc, về sự diệt
tận của sắc, về vị ngọt của sắc, về sự tai hại của sắc, về xuất ly của
sắc. Khi đã biết như thật rồi thì không sanh ra ái lạc, thấy sắc là ngã,
hay ngã sở. Sắc này nếu biến dịch hay đổi khác đi nữa, thì tâm cũng không
thay đổi theo mà sanh ra khổ não. Khi tâm đã không biến chuyển theo mà
sanh ra khổ não rồi, thì được sự không sợ hãi, chướng ngại, tiếc nuối, lo
nghĩ, buồn khổ, tham luyến. Đối với thọ, tưởng, hành, thức lại cũng như
vậy. Đó gọi là thân bị bệnh khổ mà tâm không bị bệnh khổ.”
Khi Tôn giả Xá-lợi-phất nói pháp này, gia chủ
Na-câu-la đạt được mắt pháp trong sạch. Bấy giờ, gia chủ Na-câu-la thấy
pháp, đắc pháp, biết pháp, thâm nhập pháp, vượt qua được mọi sự hồ nghi mà
không do ai khác, ở trong chánh pháp tâm đạt được vô sở úy, rồi từ chỗ
ngồi đứng dậy sửa lại y phục, chắp tay bạch Tôn giả Xá-lợi-phất:
“Con đã vượt qua, đã được độ thoát. Nay con xin
nương về Tam bảo Phật, Pháp, Tăng, làm người Ưu-bà-tắc; xin ngài chứng
biết cho con. Nay con xin nguyện suốt đời nương về Tam bảo.”
Sau khi gia chủ Na-câu-la đã nghe những gì Tôn giả
Xá-lợi-phất nói rồi, tùy hỷ hoan hỷ, làm lễ ra đi.
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại tụ lạc Thiên hiện của dòng họ
Thích[35].
Bấy giờ có số đông Tỳ-kheo người phương Tây muốn
trở về phương Tây an cư, đến chỗ Đức Thế Tôn đảnh lễ dưới chân Phật, rồi
ngồi lui qua một bên. Bấy giờ, Đức Thế Tôn vì họ mà nói pháp, khai mở, chỉ
dạy, soi sáng, làm cho hoan hỷ. Sau khi bằng nhiều cách được khai mở, chỉ
dạy, soi sáng, làm cho hoan hỷ rồi, số đông Tỳ-kheo phương Tây từ chỗ ngồi
đứng dậy chắp tay bạch Phật:
“Bạch Thế Tôn, các Tỳ-kheo phương Tây chúng con,
muốn trở về phương Tây an cư, nay chúng con xin được từ giã.”
Phật bảo các Tỳ-kheo phương Tây:
“Các ông đã từ giã Xá-lợi-phất chưa?”
Đáp:
“Bạch, chưa từ giã.”
Phật bảo các Tỳ-kheo phương Tây:
“Xá-lợi-phất thuần tu phạm hạnh, các ông nên từ
giã. Ông ấy có thể làm cho các ông được lợi ích và an lạc lâu dài.”
Các Tỳ-kheo phương Tây từ tạ mà lui và chuẩn bị đi.
Lúc ấy Tôn giả Xá-lợi-phất đang ngồi dưới một bóng cây kiên cố[36]
cách Phật không xa. Các Tỳ-kheo đến chỗ Tôn giả Xá-lợi-phất, đảnh lễ dưới
chân, rồi ngồi lui sang một bên, bạch Tôn giả Xá-lợi-phất:
“Chúng tôi muốn trở về phương Tây an cư, nên đến
đây xin từ giã.”
Tôn giả Xá-lợi-phất hỏi:
“Các ông đã từ giã Đức Thế Tôn chưa?”
Đáp:
“Thưa, đã từ giã rồi.”
Xá-lợi-phất bảo:
“Các ông trở về phương Tây, mỗi quốc độ mỗi khác
nhau, mỗi chúng hội mỗi khác nhau, ắt sẽ có người hỏi các ông. Hiện tại
các ông đang ở chỗ Đức Thế Tôn nghe pháp được khéo giảng thuyết, hãy khéo
lãnh thọ, khéo ghi nhớ, khéo quán sát, khéo thâm nhập, để đủ khả năng vì
mọi người kia mà tuyên nói lại đầy đủ, để không phải là hủy báng Đức Phật
chăng? Không để cho các chúng kia nạn vấn, gạn hỏi chê trách và bị bế tắc
chăng?”
Các Tỳ-kheo bạch ngài Xá-lợi-phất:
“Chúng tôi vì muốn nghe pháp, nên đến chỗ Tôn giả.
Xin Tôn giả vì thương xót chúng tôi mà nói pháp đầy đủ.”
Tôn giả Xá-lợi-phất bảo các Tỳ-kheo:
“Người Diêm-phù-đề lợi căn thông minh. Hoặc
Sát-lợi, Sa-môn, Bà-la-môn, hay gia chủ, có thể họ sẽ hỏi các ông rằng:
‘Đại sư của các ông nói pháp như thế nào? Dùng những pháp nào để truyền
dạy cho các ông?’ Thì các ông nên đáp: ‘Đại sư chỉ nói điều phục dục tham
và chỉ đem pháp này để truyền dạy.’
“Họ sẽ hỏi lại các ông: ‘Ở trong pháp nào mà điều
phục dục tham?’ Các ông nên đáp: ‘Đại sư chỉ nói ở trong sắc ấm kia mà
điều phục dục tham; ở trong thọ, tưởng, hành, thức ấm kia mà điều phục dục
tham. Đại sư của chúng tôi nói pháp như vậy.’
“Họ sẽ lại hỏi:
‘Dục tham có tai hại gì mà Đại sư lại nói ở ngay nơi sắc điều phục dục
tham; nơi thọ, tưởng, hành, thức điều phục dục tham?’ Các ông nên trả lời:
‘Nếu ở nơi sắc mà dục không đoạn trừ, tham không đoạn trừ, ái không đoạn
trừ, niệm không đoạn trừ, khát không đoạn trừ và khi sắc kia biến đổi,
hoặc khác đi, thì sẽ sanh ra ưu, bi, khổ, não; đối với thọ, tưởng, hành,
thức cũng lại như vậy. Vì thấy dục tham có những tai hại như vậy, nên ở
nơi sắc phải điều phục dục tham; ở nơi thọ, tưởng, hành, thức điều phục
dục tham.’
“Họ sẽ lại hỏi: ‘Thấy có lợi ích gì trong việc dứt
trừ dục tham, mà Đại sư nói ở nơi sắc phải điều phục dục tham; ở nơi thọ,
tưởng, hành, thức điều phục dục tham?’ Các ông nên trả lời: ‘Nếu ở nơi sắc
mà đoạn trừ dục, đoạn trừ tham, đoạn trừ niệm, đoạn trừ ái, đoạn trừ khát,
thì đối với sắc nếu có biến đổi, hoặc khác đi, vẫn không khởi lên ưu, bi,
khổ, não; và đối với thọ, tưởng, hành, thức lại cũng như vậy. Thưa các
ngài, nếu vì nguyên nhân nhận lãnh các pháp bất thiện mà khiến cho cuộc
sống ngay trong hiện tại vẫn được an vui, không khổ, không chướng ngại,
không phiền não, không nóng bức, thân hoại mạng chung được sanh vào nơi
tốt lành, thì Đức Thế Tôn cuối cùng đã không dạy: Hãy đoạn trừ các pháp
bất thiện. Và cũng không dạy người ở trong Phật pháp tu các phạm hạnh, để
đạt được tận cùng của mé khổ. Vì nguyên nhân nhận lãnh các pháp bất thiện
nên sẽ đưa đến một cuộc sống khổ đau ngay trong hiện tại và chướng ngại,
nhiệt não; sau khi thân hoại mạng chung sẽ đọa vào trong đường ác. Cho nên
Đức Thế Tôn dạy, hãy đoạn trừ pháp bất thiện và ở trong Phật pháp phải tu
các phạm hạnh để đạt được rốt cùng mé khổ, bình đẳng giải thoát hết khổ.
Nếu vì nguyên nhân nhận lãnh các pháp thiện, mà
ngay trong cuộc sống hiện tại chịu khổ,
chướng ngại, nhiệt não và sẽ đọa vào trong đường ác, thì Thế Tôn đã không
dạy nên thọ trì pháp thiện, ở trong Phật pháp phải tu phạm hạnh để đạt
được rốt cùng mé khổ, bình đẳng giải thoát hết khổ. Vì thọ trì pháp thiện
nên ngay trong cuộc sống hiện tại được an vui, không khổ, không chướng
ngại, không phiền não, không
nhiệt bức; sau khi thân hoại mạng chung sẽ sanh vào nơi tốt lành. Cho nên
Đức Thế Tôn khen ngợi việc dạy người lãnh thọ các pháp thiện, ở trong Phật
pháp tu các phạm hạnh để đạt được rốt cùng của mé khổ, bình đẳng giải
thoát hết khổ.”
Khi Tôn giả Xá-lợi-phất nói pháp này, các Tỳ-kheo
phương Tây không khởi lên các lậu hoặc, tâm được giải thoát.
Sau khi Tôn giả Xá-lợi-phất nói pháp này xong, các
Tỳ-kheo tùy hỷ hoan hỷ, làm lễ mà lui.
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây
Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với các Tỳ-kheo:
“Như hồ nước vuông vức năm mươi do-tuần, chiều sâu
cũng như vậy, với nước tràn đầy. Lại có người dùng sợi lông, dùng cọng cỏ,
hay móng tay để hất nước. Này các Tỳ-kheo, ý các ông thế nào? Nước do
người kia hất lên là nhiều hay là nước hồ nhiều?”
Các Tỳ-kheo bạch Phật:
“Nước mà người kia dùng lông, dùng cỏ, hay móng tay
để hất lên là rất ít, không đáng để nói. Nước hồ thì rất nhiều, gấp cả
trăm ngàn vạn lần, không thể nào so sánh được.”
“Cũng vậy, này các Tỳ-kheo, các khổ được đoạn trừ
do thấy Thánh đế, cũng như nước hồ kia, vĩnh viễn không sanh lại trong đời
vị lai.”
Khi Đức Thế Tôn nói pháp này xong, bèn vào thất tọa
thiền. Sau khi Đức Thế Tôn vào thất, bấy giờ, Tôn giả Xá-lợi-phất đang
ngồi trong chúng, bảo các Tỳ-kheo:
“Thật là điều chưa từng được nghe, hôm nay Đức Thế
Tôn khéo nói thí dụ về cái hồ! Vì sao? Thánh đệ tử đầy đủ kiến đế[38],
đạt được quả vô gián đẳng[39].
Nếu kẻ phàm tục nào khởi tà kiến, thân kiến, căn bản thân kiến, tập thân
kiến, sanh thân kiến, nghĩa là che giấu những cảm giác lo âu, giữ gìn tiếc
thương những điều vui mừng[40],
nói là ngã, nói là chúng sanh, nói là kỳ đặc, kiêu căng, tự cao. Các thứ
tà như vậy tất cả đều bị trừ diệt, cắt đứt cội rễ như cây đa-la bị bẻ gãy,
khiến cho đời vị lai không còn tái sanh lại nữa.
“Này các Tỳ-kheo, những gì là các thứ tà kể trên bị
đoạn trừ bởi Thánh đệ tử khi thấy Thánh đế, vị lai vĩnh viễn không khởi
lên lại nữa?
“Phàm phu ngu si không học, thấy sắc là ngã, là
khác ngã, là ngã ở trong sắc, sắc ở trong ngã; thấy thọ, tưởng, hành, thức
là ngã, là khác ngã, là ngã ở trong thức, là thức ở trong ngã.
“Thế nào thấy sắc là ngã? Chứng đắc chánh thọ nhập
nhất thiết xứ về đất[41],
sau khi quán, khởi lên ý nghĩ, ‘Đất tức là ngã, ngã tức là đất; ngã và đất
chỉ là một chứ không phải hai, không phải khác, không phân biệt.’ Cũng
vậy, chánh thọ nhập nhất thiết xứ về nước, lửa, gió, xanh, vàng, đỏ, trắng[42],
sau khi quán, khởi lên ý nghĩ, ‘Hành tức là ngã, ngã tức là hành, chỉ là
một chứ không phải hai, không phải khác, không phân biệt.’ Như vậy, ở nơi
các nhất thiết nhập xứ, mỗi mỗi đều được chấp là ngã. Đó gọi là sắc tức là
ngã.
“Thế nào là sắc khác ngã[43]?
Nếu người kia thấy thọ là ngã; khi thấy thọ là ngã rồi thì thấy sắc là ngã
sở; hoặc thấy tưởng, hành, thức tức là ngã thì thấy sắc là ngã sở.
“Thế nào là thấy sắc ở trong ngã? Thấy thọ là ngã
thì sắc ở trong ngã; nếu lại thấy tưởng, hành, thức tức là ngã thì sắc ở
trong ngã.
“Thế nào là thấy ngã ở trong sắc? Nếu thấy thọ tức
là ngã thì nó hiện hữu trong sắc, nhập vào trong sắc, phổ biến khắp tứ
chi; hay nếu thấy tưởng, hành, thức là ngã thì nó hiện hữu ở trong sắc và,
biến khắp tứ chi. Đó gọi là ngã ở trong sắc.
“Thế nào là thấy thọ tức là ngã? Là sáu thọ thân.
Thọ phát sanh từ xúc của mắt. tai, mũi, lưỡi, thân, ý. Sáu thọ thân này,
mỗi mỗi được thấy là ngã và ngã là thọ. Đó gọi là thọ tức ngã.
“Thế nào là thấy thọ khác ngã? Nếu thấy sắc là ngã,
thì thọ là ngã sở; và nếu tưởng, hành, thức là ngã, thì thọ là ngã sở. Đó
gọi là thọ khác ngã.
“Thế nào là thấy thọ ở trong ngã? Nếu sắc là ngã,
thì thọ ở trong nó; và nếu tưởng, hành, thức là ngã, thì thọ ở trong nó.
Đó gọi là thọ trong ngã.
“Thế nào là thấy ngã ở trong thọ? Nếu sắc là ngã,
thì nó hiện hữu ở trong thọ và biến khắp toàn thân; và nếu tưởng, hành,
thức là ngã, thì chúng hiện hữu ở trong thọ và biến khắp toàn thân. Đó gọi
là ngã ở trong thọ.
“Thế nào là thấy tưởng tức là ngã? Là sáu tưởng
thân. Tưởng phát sanh từ xúc của mắt; tưởng phát sanh từ xúc của tai, mũi,
lưỡi, thân, ý. Sáu tưởng thân này, mỗi mỗi được thấy là ngã. Đó gọi là
tưởng tức là ngã.
“Thế nào là thấy tưởng khác ngã? Nếu thấy sắc là
ngã, thì tưởng là ngã sở; và nếu thức là ngã, thì tưởng là ngã sở. Đó gọi
là tưởng khác ngã.
“Thế nào là thấy tưởng ở trong ngã? Nếu sắc là ngã,
thì tưởng hiện hữu ở trong nó; và nếu thọ, hành, thức là ngã, thì tưởng
hiện hữu ở trong chúng. Đó gọi là tưởng ở trong ngã.
“Thế nào là thấy ngã ở trong tưởng? Nếu sắc là ngã,
thì nó hiện hữu trong tưởng và biến khắp toàn thân; và nếu thọ, hành, thức
là ngã thì chúng hiện hữu trong tưởng và biến khắp toàn thân. Đó gọi là
ngã ở trong tưởng.
“Thế nào là thấy hành là ngã? Là sáu tư thân; tư
phát sanh từ xúc của mắt; tư phát sanh từ xúc của tai, mũi, lưỡi, thân, ý.
Sáu tư thân này, mỗi mỗi được thấy ngã. Đó gọi là hành tức ngã.
“Thế nào là thấy hành khác ngã? Nếu thấy sắc là
ngã, thì hành là ngã sở; và nếu thọ, tưởng, thức là ngã, thì hành là ngã
sở. Đó gọi là hành khác ngã.
“Thế nào là thấy hành ở trong ngã? Nếu sắc là ngã,
thì hành hiện hữu ở trong nó; và nếu thọ, tưởng, thức là ngã, thì hành
hiện hữu ở trong chúng. Đó gọi là hành ở trong ngã.
“Thế nào là thấy
ngã ở trong hành? Nếu sắc là ngã, thì nó hiện hữu ở trong hành và biến
khắp toàn thân; và nếu thọ, tưởng, thức là ngã, thì chúng hiện hữu ở trong
hành và biến khắp toàn thân thể. Đó gọi là ngã ở trong hành.
“Thế nào là thấy thức là ngã? Chỉ cho sáu thức
thân: nhãn thức, nhĩ thức, tỷ thức, thiệt thức, thân thức và ý thức. Sáu
thức thân này, mỗi mỗi được thấy là ngã. Đó gọi là thức tức ngã.
“Thế nào là thấy thức khác ngã? Nếu thấy sắc là
ngã, thì thức là ngã sở; và nếu thấy thọ, tưởng, hành là ngã, thì thức là
ngã sở. Đó gọi là thức khác ngã.
“Thế nào là thấy thức ở trong ngã? Nếu thấy sắc là
ngã, thì thức hiện hữu ở trong nó; và nếu thọ, tưởng, hành là ngã, thì
thức ở trong chúng. Đó gọi là thức ở trong ngã.
“Thế nào là ngã
ở trong thức? Nếu sắc là ngã, thì nó ở trong thức và biến khắp toàn thân;
và nếu thọ, tưởng, hành là ngã thì chúng ở trong thức và biến khắp toàn
thân. Đó gọi là ngã ở trong thức.
“Như vậy, Thánh đệ tử thấy Bốn chân đế sẽ đạt được
quả vô gián đẳng và đoạn trừ các thứ tà kiến, vĩnh viễn không khởi lên trở
lại trong đời vị lai.
“Những gì là sắc, hoặc quá khứ, hoặc vị lai, hoặc
hiện tại; hoặc trong, hoặc ngoài; hoặc thô, hoặc tế; hoặc tốt, hoặc xấu;
hoặc xa, hoặc gần, được tích tụ về một nơi, cần được quán như vầy: ‘Tất cả
đều là vô thường, tất cả là khổ, tất cả là không, tất cả là phi ngã, không
nên ái lạc, thâu lấy, chấp thủ. Đối với thọ, tưởng, hành, thức cũng lại
như vậy, không nên ái lạc, chấp thủ, bảo trì.’ Khéo quán sát như vậy, buộc
tâm an trụ, không mê mờ đối với pháp, lại luôn luôn tinh tấn quán sát, xa
lìa tâm biếng nhác, thì sẽ đạt được hỷ lạc, thân tâm khinh an, tịch tĩnh,
an trụ với xả[44];
đầy đủ các phẩm đạo, tu hành trọn vẹn, vĩnh viễn xa lìa các thứ ác; không
phải không tiêu tan, không phải không tịch diệt; diệt mà không khởi, giảm
mà không tăng, đoạn mà không sanh, không chấp thủ, không đắm trước, tự
giác ngộ Niết-bàn: ‘Ta, sự sanh đã dứt, phạm hạnh đã lập, những gì cần làm
đã làm xong, tự biết không còn tái sanh đời sau nữa.’”
Khi Tôn giả Xá-lợi-phất nói pháp này, sáu mươi
Tỳ-kheo không khởi lên các lậu hoặc, tâm được giải thoát.
Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì
Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở cạnh ao Di hầu tại Tỳ-xá-ly[46].
Bấy giờ, tại Tỳ-xá-ly có một Ni-kiền tử[47]
thông tuệ, minh triết, hiểu rõ các luận và có sự kiêu mạn của thông minh;
trong các luận rộng rãi, trí tuệ đã đạt đến chỗ vi diệu[48];
nói pháp cho mọi người, vượt hẳn mọi luận sư. Ông thường nghĩ rằng: ‘Các
Sa-môn, Bà-la-môn không ai địch lại ta. Ngay cả đến với Như Lai ta cũng có
thể cùng luận bàn. Bọn luận sư nghe đến tên ta thì trán và nách đều toát
mồ hôi, các lỗ chân lông đều chảy nước. Ta luận nghĩa như gió có thể đè
bẹp cỏ, bẻ gãy cây, phá vỡ vàng đá và hàng phục các loài rồng voi, huống
chi là bọn luận sư ở thế gian lại có thể đương đầu với ta ư!”
Lúc này, có Tỳ-kheo tên là A-thấp-ba-thệ[49],
sáng sớm đắp y mang bát, oai nghi tề chỉnh, mắt đoan chánh nhìn thẳng
bước, vào thành khất thực. Bấy giờ, Ni-kiền tử Tát-giá[50]
có chút việc đi đến các làng xóm; từ cửa thành ra trông thấy Tỳ-kheo
A-thấp-ba-thệ, liền đến chỗ Tỳ-kheo hỏi:
“Sa-môn Cù-đàm vì các đệ tử nói pháp như thế nào?
Dùng những pháp nào để dạy cho các đệ tử khiến cho họ tu tập?”
A-thấp-ba-thệ nói:
“Này cư sĩ Hỏa
chủng[51],
Đức Thế Tôn nói pháp như vầy để dạy cho các đệ tử, khiến cho họ theo đó mà
tu học. Ngài dạy các Tỳ-kheo: ‘Đối với sắc hãy quán là không có ngã; với
thọ, tưởng, hành, thức, hãy quán là không có ngã. Đối với năm thọ ấm này
phải siêng năng phương tiện quán sát như là bệnh, như là ung nhọt, như là
gai nhọn, như là giết hại, là vô thường, khổ, không, chẳng phải ngã.’”
Ni-kiền tử Tát-giá nghe những lời nói này, tâm
không vui, liền nói rằng:
“A-thấp-ba-thệ,
chắc ông đã nghe lầm rồi! Sa-môn Cù-đàm hoàn toàn không nói những lời này.
Nếu Sa-môn Cù-đàm đã nói những lời này thì đó là thứ tà kiến. Tôi sẽ đến
nạn vấn ông ấy để khiến phải từ bỏ.”
Bấy giờ, Ni-kiền tử Tát-giá đi đến các làng xóm,
tại chỗ những người Ly-xa đang tụ hội, nói với các Ly-xa rằng:
“Hôm nay tôi có gặp vị đệ tử thứ nhất của Sa-môn
Cù-đàm, tên là A-thấp-ba-thệ, cùng nhau bàn luận. Nếu đúng như lời ông ta
nói, thì tôi sẽ đến chỗ Sa-môn Cù-đàm cùng bàn luận, làm cho xoay chuyển
tiến thoái đều theo ý của tôi.
“Giống như người cắt cỏ, tay nắm thân chúng đưa lên
rũ bỏ đi những loại tạp uế; tôi cũng như vậy, tôi cùng với Sa-môn Cù-đàm
cật vấn bàn luận, tôi sẽ nắm lấy chỗ cốt yếu, rồi mặc ý xoay tới hay xoay
lui, loại bỏ đi cái tà ấy.
“Như người nấu rượu, cầm túi hèm rượu ép lấy nước
tinh thuần và bỏ đi cặn bã hèm. Tôi cũng như vậy, đi đến Sa-môn Cù-đàm nạn
vấn bàn luận, tôi sẽ nắm lấy chỗ thuần chân, rồi mặc ý xoay tới hay xoay
lui, loại bỏ đi cái tà ấy.
“Như thợ dệt chiếu, dùng chiếu đựng đầy vật nhơ,
nên trước khi muốn đem ra chợ bán, phải tẩy xóa những vết nhơ, loại bỏ đi
những mùi hôi thối. Tôi cũng như vậy, đi đến Sa-môn Cù-đàm nạn vấn bàn
luận, tôi sẽ nắm lấy chỗ cương lĩnh, rồi mặc ý xoay tới hay xoay lui, loại
bỏ các thuyết uế tạp.
“Như người huấn luyện voi của nhà vua, dắt con voi
say vào trong nước sâu, rửa thân thể nó, tứ chi, tai, mũi; toàn thân thể
của nó đều được tắm rửa, trừ bỏ các thứ bụi bẩn. Tôi cũng như vậy, đi đến
Sa-môn Cù-đàm nạn vấn bàn luận, tôi sẽ nắm lấy chỗ yếu lĩnh, rồi mặc ý
xoay tới hay xoay lui, loại bỏ các thuyết uế tạp. Các Ly-xa, các người
cũng nên cùng tôi đến để xem sự hơn thua.”
Trong nhóm Ly-xa có người nói rằng:
“Ni-kiền tử Tát-giá mà có thể cùng với Sa-môn
Cù-đàm bàn luận, thì điều này không thể xảy ra.”
Lại có người nói:
“Ni-kiền tử Tát-giá, là người lợi căn thông tuệ có
khả năng luận bàn với Sa-môn Cù-đàm.”
Lúc này, có năm
trăm Ly-xa cùng Ni-kiền tử Tát-giá đi đến chỗ Đức Phật để luận bàn. Bấy
giờ, Đức Thế Tôn đang ngồi dưới bóng cây ở trong rừng Đại lâm, an trú nơi
Thiên trụ[52].
Giờ này có nhiều Tỳ-kheo ra khỏi phòng và đang đi kinh hành trong rừng, từ
xa trông thấy Ni-kiền tử Tát-giá đang đi đến. Đến chỗ các Tỳ-kheo, Tát-giá
hỏi các Tỳ-kheo:
“Sa-môn Cù-đàm đang ở chỗ nào?”
Các Tỳ-kheo đáp:
“Đang ngồi dưới bóng cây trong Đại lâm, nơi ở của
chư Thiên.”
Ni-kiền tử Tát-giá liền đến chỗ Đức Phật, cung kính
hỏi thăm, rồi ngồi sang một bên. Các gia chủ Ly-xa cũng đến chỗ Đức Phật,
có người cung kính, có người người chắp tay chào hỏi, rồi đứng sang một
bên. Bây giờ, Ni-kiền tử Tát-giá bạch Phật:
“Tôi nghe Cù-đàm nói pháp như vầy và dạy các đệ tử
như vầy: ‘Đối với sắc hãy quán là không có ngã; với thọ, tưởng, hành,
thức, hãy quán là không có ngã. Đối với năm thọ ấm này phải siêng năng
phương tiện quán sát như là bệnh, như là ung nhọt, như là gai nhọn, như là
giết hại, là vô thường, khổ, không, chẳng phải ngã.’ Có phải Cù-đàm dạy
như vậy hay không? Hay đây là những lời tuyên truyền với mục đích là để
hủy báng Cù-đàm chăng? Thuyết là như thuyết, hay không như thuyết? Thuyết
đúng như pháp chăng? Thuyết theo thuận thứ của pháp chăng? Không có kẻ
khác nào đến nạn vấn dồn vào chỗ bế tắc chăng?”
Phật nói với Ni-kiền tử Tát-giá:
“Như những gì ông đã nghe. Thuyết là như thuyết, là
thuyết đúng như pháp, thuyết theo thuận thứ của pháp, chứ chẳng phải là
hủy báng và cũng không có nạn vấn nào khiến bị bế tắc. Vì sao? Ta đã thật
sự vì các đệ tử mà thuyết pháp như vậy, Ta đã thật sự luôn luôn dạy dỗ các
đệ tử để cho họ tùy thuận theo pháp giáo, khiến họ quán sắc là không ngã;
thọ, tưởng, hành, thức là không ngã. Quán năm thọ ấm này như là bệnh, như
ung nhọt, như gai nhọn, như giết hại, là vô thường, khổ, không, phi ngã.”
Ni-kiền tử Tát-giá bạch Phật rằng:
“Thưa Cù-đàm, bây giờ, tôi sẽ đưa ra một thí dụ.”
Phật bảo Ni-kiền tử Tát-giá:
“Nếu thấy thích hợp.”
“Ví như tất cả những gì được tạo tác ở thế gian đều
nương trên đất; cũng vậy sắc là con người[53],
mọi việc thiện ác đều phát sanh từ đó[54].
Thọ, tưởng, hành, thức là con người, mọi việc thiện ác cũng đều phát sanh
từ đó.
“Thêm một thí dụ nữa, như cõi người, cõi thần[55],
cỏ thuốc, cây cối, đều nương vào đất mà được sanh trưởng; cũng vậy, sắc là
con người. Thọ, tưởng, hành, thức là con người.”
Phật nói:
“Này Hỏa chủng cư sĩ, ông nói sắc là con người[56];
thọ, tưởng, hành, thức là con người chăng?”
Đáp:
“Thưa Cù-đàm, đúng như vậy. Sắc là con người; thọ,
tưởng, hành, thức là người. Ở đây tất cả mọi người đều nói như vậy.”
Phật bảo Hỏa chủng cư sĩ:
“Thôi, hãy lập luận theo luận thuyết của ông đi,
việc gì phải đem mọi người ra.”
Ni-kiền tử Tát-giá bạch Phật:
“Sắc thật sự là con người.”
Phật bảo Hỏa chủng cư sĩ:
“Bây giờ, Ta hỏi ông, cứ theo ý ông mà đáp. Như
quốc vương, mà trong nước mình nếu có người phạm tội, hoặc giết, hoặc
trói, hoặc đuổi, hoặc đánh bằng roi, hoặc chặt tay chân. Hoặc nếu có người
có công thì vua sẽ ban thưởng voi, ngựa, xe cộ, thành ấp, tài sản, bảo vật
cho. Tất cả vua đều làm được, phải không?”
Đáp:
“Thưa Cù-đàm, có thể làm được như vậy.”
Phật bảo Hỏa chủng cư sĩ:
“Phàm là người chủ, ắt phải được tự tại chăng?”
Đáp:
“Thưa Cù-đàm, đúng như vậy.”
Phật bảo Hỏa chủng cư sĩ:
“Ông nói sắc là ngã; thọ, tưởng, hành, thức là ngã,
vậy có được tùy ý tự tại khiến nó như vậy hay không như vậy chăng?”
Lúc này, Ni-kiền tử Tát-giá ngồi im.
Phật bảo Hỏa chủng cư sĩ:
“Nói ngay đi! Nói ngay đi! Tại sao im lặng?”
Ba lần hỏi như
vậy, Ni-kiền tử vẫn cố im lặng. Ngay lúc đó thần lực sĩ Kim cương[57]
đang ở giữa hư không, cầm chày kim cương lửa bốc mạnh hừng hực, đặt trên
đầu Ni-kiền tử Tát-giá, bảo rằng: “Đức Thế Tôn đã ba lần hỏi, tại sao ông
không trả lời? Ta sẽ dùng chiếc chày kim cương đập vỡ đầu ông ra làm bảy
mảnh.” Vào lúc ấy, nhờ vào thần lực của Phật, nên chỉ khiến cho một mình
Ni-kiền tử Tát-giá thấy thần Kim cương mà thôi, ngoài ra không một ai thấy
hết.
Ni-kiền tử Tát-giá thấy vậy sợ hãi quá, bạch Phật
rằng:
“Thưa Cù-đàm, không phải như vậy.”
Phật bảo Ni-kiền tử Tát-giá:
“Hãy chậm rãi
suy nghĩ, sau đó mới nói rõ. Trước đây, ở giữa mọi người, ông bảo sắùc là
ngã; thọ, tưởng, hành, thức cũng là ngã. Nhưng bây giờ lại bảo là không
phải. Trước sau mâu thuẫn nhau. Trước đây, ông thường bảo rằng sắc là ngã;
thọ, tưởng, hành, thức cũng là ngã. Này Hỏa chủng cư sĩ, nay Ta hỏi ông,
sắc là thường hay vô thường?”
Đáp:
“Thưa Cù-đàm, là vô thường.”
Lại hỏi:
“Vô thường có phải là khổ không?”
Đáp:
“Thưa Cù-đàm, là khổ.”
Lại hỏi:
“Vô thường, khổ là pháp biến dịch, vậy là đa văn
Thánh đệ tử ở trong đó có thấy ngã, khác ngã, hay ở trong nhau không?”
Đáp:
“Thưa Cù-đàm, không.”
“Và đối với thọ, tưởng, hành, thức lại cũng như
vậy.”
Phật bảo Hỏa chủng cư sĩ:
“Ông hãy suy nghĩ cho kỹ rồi sau mới nói.”
Lại hỏi Hỏa chủng cư sĩ:
“Nếu đối với sắc mà chưa lìa tham, chưa lìa dục,
chưa lìa niệm, chưa lìa ái, chưa lìa khát, khi sắc này biến đổi, hoặc khác
đi thì nó sẽ sanh ra ưu, bi, khổ, não chăng?”
Đáp:
“Thưa Cù-đàm, đúng vậy.”
“Đối với thọ, tưởng, hành, thức lại cũng như vậy.”
Lại hỏi Hỏa chủng cư sĩ:
“Nếu đối với sắc mà lìa tham, lìa dục, lìa niệm,
lìa ái, lìa khát, khi sắc này biến đổi, hoặc khác đi, thì kia sẽ không
sanh ra ưu, bi, khổ, não chăng?”
Đáp:
“Thưa Cù-đàm, đúng vậy, như thật không khác.”
“Đối với thọ, tưởng, hành, thức lại cũng như vậy.”
“Này Hỏa chủng cư sĩ, như thân mắc các bệnh khổ,
thường bị khổ câu thúc, cái khổ này không dứt, không vứt đi được, thì
người kia được an vui chăng?”
Đáp:
“Thưa Cù-đàm, không.”
Như vậy, này Hỏa chủng cư sĩ, khi thân mắc các bệnh
khổ, thường bị khổ câu thúc, cái khổ này không dứt, không vứt đi được, thì
không được an vui.
“Này Hỏa chủng cư sĩ, như người mang búa vào núi,
tìm những cây gỗ thật chắc, thấy cây chuối to lớn, ngay thẳng, liền chặt
rễ lá và lột bẹ của nó cho đến tận cùng, mà vẫn không thấy cái lõi chắc
thật. Này Hỏa chủng cư sĩ, ông cũng như vậy, đã tự lập ra luận thuyết,
nhưng nay Ta đã khéo léo tìm ra cái nghĩa chân thật của nó, mà vẫn không
thấy được cái cốt lõi chân thật, nó giống như cây chuối vậy. Thế mà ở giữa
mọi người, ông dám đứng ra tuyên bố là: ‘Trong đám Sa-môn, Bà-la-môn, ta
không thấy một ai có tri kiến có thể cùng đem bàn luận với tri kiến của
Như Lai, Ứng Cúng, Đẳng Chánh Giác, mà không bị Ta chiết phục.’ Và lại tự
nói: ‘Ta luận nghĩa như gió có thể đè bẹp
cỏ, bẻ gãy cây, phá vỡ vàng đá và hàng
phục các loài rồng voi, đến nỗi có thể khiến cho họ toát mồ hôi trán, toát
mồ hôi nách và các lỗ chân lông đều đẫm nước.’ Nay ông đã tự luận nghĩa
cho chính mình, nhưng không tự lập lại những lời lẽ khoác lác trước đây,
là có thể chiết phục mọi hiện tượng này. Hiện tại ông đã đem hết khả năng
lý sự thủ đắc của mình, mà không thể làm lay động được một sợi lông của
Như Lai.”
Bấy giờ, Đức Thế Tôn ở giữa mọi người, vén
Uất-đa-la-tăng bày ngực và chỉ:
“Mọi người hãy nhìn xem, có thể nào làm lay động
được một sợi lông của Như Lai không?”
Lúc này, Ni-kiền tử Tát-giá im lặng, cúi đầu, hổ
thẹn, thất sắc. Khi ấy ở trong chúng có một Ly-xa tên là Đột-mục-khư[58],
từ chỗ ngồi đứng dậy, sửa lại y phục, chắp tay bạch Phật:
“Bạch Thế Tôn, cho phép con nói thí dụ.”
Phật bảo Đột-mục-khư:
“Nếu thấy hợp thời.”
Đột-mục-khư bạch Phật:
“Bạch Thế Tôn,
thí như có người mang cái đấu, cái hộc vào trong một đống thóc lớn xúc ra
hai, ba hộc; thì hiện tại Ni-kiền tử Tát-giá cũng giống như vậy. Bạch Thế
Tôn, giống như một gia chủ giàu có, nhiều của cải, bỗng nhiên phạm vào tội
lỗi, nên tất cả những tài vật đó đều bị sung vào nhà vua, thì Ni-kiền tử
Tát-giá cũng giống như vậy, tất cả mọi sự biện tài có được của ông, đều bị
Như Lai tóm thâu hết. Giống như cạnh làng xóm, thành ấp có con sông lớn,
mọi nam nữ lớn nhỏ đều vào trong dòng nước nô đùa. Họ bắt lấy con cua ở
trong nước bẻ gãy chân rồi đem đặt trên mặt đất; vì không có chân nên
không thể trở lại dòng sông được. Ni-kiền tử Tát-giá cũng giống như vậy,
các biện tài của ông đều bị Như Lai bẻ gãy, để rồi không bao giờ dám trở
lại cùng Như Lai bàn luận đối địch nữa.”
Lúc này, Ni-kiền tử Tát-giá vô cùng tức giận, thóa
mạ Ly-xa Đột-mục-khư:
“Nhà ngươi là thứ thô lỗ; không biết gì hết sao lại
rống lên? Tự ta cùng Sa-môn Cù-đàm bàn luận, chứ có can hệ gì đến việc của
ngươi đâu?”
Ni-kiền tử thóa mạ Đột-mục-khư rồi, lại bạch Phật:
“Hãy gác qua những lời nói của tên hạ tiện kia đi.
Bây giờ riêng tôi có điều muốn hỏi.”
Phật bảo Ni-kiền tử Tát-giá:
“Tùy ý ông cứ hỏi, Ta sẽ theo câu hỏi mà trả lời.”
“Vì đệ tử, Cù-đàm nói pháp như thế nào để cho họ xa
lìa nghi hoặc?”
Phật bảo Hỏa chủng cư sĩ:
“Ta nói cho các
đệ tử rằng: ‘Những gì thuộc về sắc, hoặc là quá khứ, hoặc là hiện tại,
hoặc là vị lai; hoặc trong, hoặc ngoài; hoặc thô, hoặc tế; hoặc tốt, hoặc
xấu; hoặc xa, hoặc gần; tất cả chúng đều quán sát như thật, chẳng phải
ngã, chẳng phải khác ngã, chẳng phải ở trong nhau. Và đối với thọ, tưởng,
hành, thức cũng lại như vậy.’ Kia học tập như vậy chắc chắn sẽ thấy được
dấu vết con đường[59],
không bị đứt mất, có thể thành tựu tri kiến nhàm chán, canh giữ cửa cam
lộ. Tuy chẳng phải tất cả đều đạt được cứu cánh, nhưng tất cả đều hướng
đến Niết-bàn. Đệ tử theo pháp dạy của Ta như vậy, thì sẽ được xa lìa nghi
hoặc.”
Lại hỏi:
“Thưa Cù-đàm, Ngài dạy thế nào để cho các đệ tử, ở
trong Phật pháp chứng đắc lậu tận, tâm vô lậu giải thoát, tuệ giải thoát,
ngay trong đời hiện tại mà tự tri, tự tác chứng, biết rằng: ‘Ta, sự sanh
đã dứt, phạm hạnh đã lập, những gì cần làm đã làm xong, tự biết không còn
tái sanh đời sau nữa.’?”
Phật bảo Hỏa chủng cư sĩ:
“Chính bằng pháp này: ‘Những gì thuộc về sắc, hoặc
quá khứ, hoặc hiện tại, hoặc vị lai; hoặc trong, hoặc ngoài; hoặc thô,
hoặc tế; hoặc tốt, hoặc xấu; hoặc xa, hoặc gần; tất cả chúng đều được biết
như thật, là chẳng phải ngã, chẳng phải khác ngã, chẳng phải ở trong nhau;
và thọ, tưởng, hành, thức chúng cũng lại như vậy.’ Đệ tử kia lúc bấy giờ
thành tựu được ba thứ vô thượng: Trí vô thượng, Đạo vô thượng, Giải thoát
vô thượng[60].
Khi đã thành tựu được ba vô thượng này rồi, vị ấy đối với Đại sư mà cung
kính, tôn trọng, cúng dường như là Phật, rằng: ‘Thế Tôn đã giác ngộ tất cả
các pháp, rồi bằng pháp này, Ngài điều phục đệ tử khiến cho họ được an
lạc, khiến cho họ được vô úy, điều phục tịch tĩnh, cứu cánh Niết-bàn. Đức
Thế Tôn vì mục đích Niết-bàn nên nói pháp cho các đệ tử.’
“Này cư sĩ Hỏa chủng, các đệ tử của Ta ở trong pháp
này mà chứng đắc lậu tận, được tâm giải thoát, được tuệ giải thoát, ở ngay
trong đời này mà tự tri, tự tác chứng, biết rằng: ‘Ta, sự sanh đã dứt,
phạm hạnh đã lập, những gì cần làm đã làm xong, tự biết không còn tái sanh
đời sau nữa.’”
Ni-kiền tử Tát-giá bạch Phật:
“Thưa Cù-đàm,
giống như một người khỏe mạnh bị những mũi đao nhọn rơi loạn xạ vào người,
còn có thể thoát ra được. Nhưng đối với thủ thuật luận bàn của Cù-đàm, thì
thật khó có thể thoát được. Như rắn nhiều nọc độc còn có thể tránh được;
như lửa mạnh ở giữa đầm hoang còn có thể tránh được; voi say hung dữ cũng
có thể thoát được; như sư tử đói cuồng điên, tất cả đều có thể thoát được
hết, nhưng đối với trong thủ thuật luận bàn của Sa-môn Cù-đàm thì thật là
khó có thể thoát được. Không phải như bọn tầm thường chúng tôi, khinh
suất, lỗ mãng, luận thuyết nửa vời, mà có thể đến chỗ Cù-đàm để luận nghị
được.
“Thưa Sa-môn
Cù-đàm, Tỳ-xá-ly này là nước an lạc, thịnh vượng, lại có các tháp miếu
Giá-ba-lê, Tất-yêm-la-thọ, Đa-tử và Cù-đàm có thể ở tại tháp miếu
Câu-lâu-đà, hay Ba-la-thọ-trì, hay Xả-trọng-đảm, hay Lực sĩ Bảo-quan[61].
Thế Tôn sẽ an lạc ở nước Tỳ-xá-ly này, vì ở chỗ Thế Tôn thường được cung
kính, phụng sự, cúng dường bởi chư Thiên, Ma, Phạm, Sa-môn, Bà-la-môn cùng
những người trong thế gian; và nhờ những việc làm này, sẽ khiến cho chư
Thiên, Ma, Phạm, Sa-môn, Bà-la-môn luôn luôn được an lạc. Xin Ngài hãy
dừng lại nơi này và sáng mai xin Ngài cùng đại chúng nhận bữa ăn đạm bạc
của con.”
Bấy giờ, Đức Thế Tôn im lặng nhận lời mời. Ni-kiền
tử Tát-giá biết Đức Thế Tôn đã nhận lời mời rồi, tùy hỷ vui mừng, từ chỗ
ngồi đứng dậy ra về.
Trên đường về, Ni-kiền tử Tát-giá bảo các Ly-xa:
“Ta đã thỉnh được Sa-môn Cù-đàm và đại chúng để
cúng dường trai phạn, các ông, mỗi người hãy sửa soạn một món ăn đem đến
chỗ ta.”
Các Ly-xa mỗi người trở về nhà, ngay đêm hôm đó sửa
soạn đồ cúng dường và sáng sớm đem đến chỗ Ni-kiền tử Tát-giá. Sáng hôm
ấy, Ni-kiền tử Tát-giá lo rưới nước, quét dọn nhà cửa, trải chỗ ngồi,
chuẩn bị nước sạch, rồi sai người đến Phật thưa là đã đến giờ.
Bấy giờ, Đức Thế
Tôn cùng đại chúng đắp y mang bát đến nhà Ni-kiền tử Tát-giá, Ngài ngồi
trước đại chúng. Ni-kiền tử Tát-giá tự tay dâng đầy đủ đồ ăn thức uống
thanh tịnh cho đại chúng. Sau khi thọ thực và rửa bát xong, Ni-kiền tử
Tát-giá biết Phật và đại chúng đã hoàn tất xong mọi việc, ông lấy một cái
ghế thấp đặt ngồi trước Phật. Bấy giờ, Đức Thế Tôn vì Ni-kiền tử Tát-giá
mà tùy hỷ nói kệ:
Ở trong các
lễ hội,
Thờ lửa là hơn
hết.
Trong kinh điển Vi-đà,
Bà-tỳ-đế trên hết.
Con người, vua là nhất.
Các sông, biển là hơn.
Các sao, trăng là nhất.
Ánh sáng, mặt trời nhất.
Trong mười phương trời
người,
Đẳng Chánh
Giác là nhất.
Bấy giờ, Đức Thế Tôn vì Ni-kiền tử
Tát-giá nói đủ các thứ pháp, soi sáng, chỉ dạy, làm cho an vui rồi, trở về
chỗ cũ. Trên đường trở về các Tỳ-kheo cùng nhau bàn luận về việc năm trăm
Ly-xa đã vì Ni-kiền tử Tát-giá mà đã sửa soạn đồ ăn thức uống cúng dường.
Các Ly-xa này sẽ được phước gì? Còn Ni-kiền tử Tát-giá sẽ được phước gì?
Khi các Tỳ-kheo đã trở về trú xứ,
đem cất y bát và rửa chân xong đến chỗ Đức Thế Tôn, đảnh lễ dưới chân, rồi
ngồi lui qua một bên, bạch Phật:
“Trên đường về chúng con cùng nhau
bàn tán về việc năm trăm Ly-xa đã vì Ni-kiền tử Tát-giá sửa soạn đồ ăn
thức uống, cúng dường Thế Tôn và đại chúng. Vậy năm trăm Ly-xa này sẽ được
phước gì? Và Ni-kiền tử Tát-giá sẽ được phước gì?”
Phật bảo các Tỳ-kheo:
“Năm trăm Ly-xa này đã vì Ni-kiền
tử, sửa soạn đồ ăn thức uống cúng dường, thì sẽ tạo nhân duyên được phước
đối với chỗ Ni-kiền tử Tát-giá. Còn Ni-kiền tử Tát-giá thì sẽ được phước
công đức Phật. Các Ly-xa này được nhân duyên quả báo của bố thí nhưng có
tham, sân, si; còn Ni-kiền tử Tát-giá thì sẽ được nhân duyên quả báo bố
thí nhưng không có tham, sân, si.”
*
Bài kệ tóm lược nội dung những kinh trên:
Mười câu hỏi Đa-la[62],
Sai-ma, Diệm, Tiên-ni,
A-nậu-la, Gia chủ,
Tây, Mao
đoan, Tát-giá.
-ooOoo-
[1].
Đại Chánh, quyển 5. Quốc Dịch, quyển 5,
phẩm 15. Pāli, S. 22. 89. Khema.
[2].
Câu-xá-di quốc Cù-sư-la viên
拘舍彌國瞿師羅園. Pāli:
Kosambī, Ghositārāma.
[3].
Bạt-đà-lê viên
跋陀梨園.
Pāli: Badarikārāma.
[4].
Sai-ma
差摩.
Pāli: Khema.
[5].
Đà-sa
陀娑.
Pāli: Dāsaka.
[6].
Pāli 22. 85. Yamaka (Diệm-ma-ca
焰摩迦).
[7].
Phi sắc...
非色,
Pāli: arūpaṃ...
[8].
Pāli: ettha ca te āvuso yamaka diṭṭheva
dhamme saccato thetato tathāgate anupalabbahiyāmāne, ở chỗ này, ngay
trong đời này, Như Lai chân thật, thường trú, vượt ngoài khả năng nhận
thức.
[9].
Pāli, S. 44. 9. Kutūhalasālā.
[10].
Tiên-ni
仙尼.
Bản Pāli: Vacchagotto paribbājako, du sĩ
(phổ hành Sa-môn) dòng họ Vaccha.
[11].
Già-la-ca
遮羅迦.
Pāli: caraka, du hành tăng, hay phổ hành
sa-môn. Bản Pāli: paribbājaka, đồng nghĩa.
[12].
Hy hữu giảng đường
希有講堂. Pāli:
kutūhala-sālā.
[13].
Phú-lan-na Ca-diếp
富蘭那迦葉.
Pāli: Pūraṇo Kasapo.
[14].
Bản Pāli nói ngược lại: được xác nhận:
upapattīsu vyākarati.
[15].
Mạt-ca-lê Cù-xá-lợi tử
末迦梨瞿舍利子. Pāli:
Makkhali-Gosāla.
[16].
Tiên-xà-na Tỳ-la-chi Tử
先闍那毘羅胝子, Pāli;
Sañjaya-Belaṭṭhiputta. A-kỳ-đa-xí-xá-khâm-bà-la
阿耆多翅舍欽婆羅,
Pāli: Ajita-Kesakambala.
Ca-la-câu-đà Ca-chiên-diên
迦羅拘陀迦栴延,
Kakudha-Kaccāyana. Ni-kiền-đà Nhã-đề Tử
尼揵陀若提子,
Pāli: Nigaṇṭha-Nātaputta.
[17].
Bản Pāli hơi khác:
kathaṃ nāma samanassa gotamassa dhammo abhiññeyyo, pháp của
Sa-môn Cù-đàm cần được thấu hiểu như thế nào?
[18].
Vô gián đẳng
無間等,
Quốc dịch chú: Pāli là abhisamaya, thường
được dịch là hiện quán
現觀hay
hiện chứng
現証;
có nghĩa là lý giải, thấu hiểu thông suốt.
[19].
Trong bản Hán: Tiên-ni xuất gia
仙尼出家,
chỉ ngoại đạo xuất gia, hay du sĩ (Pāli:
paribbājaka) hay tu sĩ
ngoại đạo.
[20].
Pāli: S. 22. 86.
Anurādha.
[21].
Bản Pāli:
vesāliyaṃ mahāvane kūṭāgārasālāyaṃ,
ở Vesāli, trong giảng đường Trùng các trong Đại lâm.
[22].
A-nậu-la-độ độ
阿[少/兔]羅度.
Pāli: Anurādha.
[23].
Vô ký
無記
(Pāli: avyākata),
thuộc loại không xác định, không được trả lời. Bản Pāli;
tathāgato aññatra imehi catūhi
ṭhānehi paññāpayamāno paññāpeti, Như Lai
ở ngoài giả thiết với bốn trường hợp ấy.
[24].
Tống-Nguyên-Minh: chư thuyết
諸
説
Bản Cao-ly: chư ký
諸
記
(tùy thuận) các cách trả lời.
[25].
Hán: chư thứ pháp thuyết
諸次法
説
Thứ pháp tức tùy pháp (Pāli:
anudhamma),
pháp tùy thuận.
[26].
Như lai sở tác
如來所作;
có thể do veyyakāraṇa:
sự giải thích. Một số vấn đề Phật không giải đáp vì được xem là không
thiết thực nhưng rất nhiều vấn đề thiết thực khác được Phật giải đáp.
[27].
(phi) đẳng thuyết
(非)等說.
[28].
Pāli, S. 22. 1.
Nakulapitā.
[29].
Thiết-thủ-bà-la sơn Lộc dã thâm lâm
設首婆羅山鹿野深林.Pāli:
Susuṃmāragira
Bhesakalāvana Migadāya, trong núi Cá
sấu, rừng Kinh sợ, chỗ nuôi hươu.
[30].
Bạt-kỳ quốc quốc
婆祇國.
Pāli: Bhaggesu,
ở giữa những người Bhagga.
[31].
Na-câu-la trưởng giả
那拘羅長者.
Pāli: Nakulapitā
gahapati,
gia chủ, cha của ông Nakula.
[32].
Pāli:
āturakāyassa me sato cittaṃ anāturaṃ bhavissatī ti
evañ hi te gahapati sikkhitabban ti, ta
có thân bệnh khổ này; tâm ta sẽ không bệnh khổ; cần học tập như vậy.
[33].
Thị, giáo, chiếu, hỷ,
示教照喜
tức Thị, giáo, lợi, hỷ
示教和喜:
thứ tự thuyết pháp của Phật.
[34].
Pāli, S.22.2 Devadaha.
[35].
Thích thị thiên hiện tụ lạc
釋氏天現聚落,
Pāli: devadahaṃ nāma
sakyānaṃ nigamo, tại làng Devadaha của
những người họ Thích.
[36].
Kiên cố thọ
堅固樹,
tên cây. Pāli:
eḷagalābumba, cây ba-đậu (?)
[37].
Đầu sợi lông. Pāli, S. 13. 2.
Pokkharaṇī
(hồ sen).
[38].
Kiến đế cụ túc
具足見諦,
chỉ sự thấy và chứng bốn Thánh đế. Pāli:
diṭṭhisampanna, thành
tựu sự thấy, có đầy đủ sự thấy biết về Thánh đế.
[39].
Vô gián đẳng quả
無間等果,
đây chỉ sự thành tựu Thánh đế hiện quán, tức quán sát bốn Thánh đế để
chứng quả Dự lưu. Xem cht.18, kinh 105. Pāli:
abhisametvā
(abhisamaya),
sau khi hiện chứng.
[40].
Ưu thích ẩn phú, khánh cát bảo tích
憂慼隱覆,
慶吉保惜;
chưa rõ hết ý nghĩa.
[41].
Địa nhất thiết nhập xứ chánh thọ
地一切入處正受,
tức biến xứ định về đất; định (chánh thọ hay chánh định, Pāli:
samāpatti)
được tu tập với đối tượng là tính phổ biến của đất. Pāli:
paṭhavi-kasiṇa-samādhi.
[42].
Mười đối tượng (Pāli:
kammaṭṭhāna)
của biến xứ định (Pāli:
kasiṇa-samādhi): đất, nước, lửa, gió,
xanh, vàng, đỏ, trắng, hư không và ánh sáng.
[43].
Sắc dị ngã
色異我,
ở đây Pāli : rūpavantaṃ vā
attānam (thấy rằng) tự ngã có sắc; tức
là, tự ngã sở hữu sắc như người sở hữu xâu chuỗi ngọc.
[44].
Thứ tự tu tập bảy giác chi: niệm, trạch pháp, tinh tấn, hỷ, khinh an,
định và xả. Pāli: satta
sambhojjhaṅgā: sati-sambojjhaṅgo, dhammvicaya-,viriya-, pīti-,
passaddhi-, samādhi-sambhojjhaṅgo.
[45].
Pāli, M. 35. Cūḷasaccaka-sutta.
[46].
Tỳ-xá-ly, Di hầu trì trắc
毘舍離獼猴池側.
Bản Pāli: vesāliyaṃ
vihārati mahāvane kūṭagārasālāyaṃ, trong
Đại lâm, giảng đường Trùng các.
[47].
Pāli:
Saccako Nigaṇṭhaputto,
một Ni-kiền tử tên là Saccaka.
[48].
Bản Pāli mô tả:
bhassappavādako paṇḍitavādo
sādhusammato bahujanassa, là người ưa
khiêu chiến nghị luận, thông bác về các quan điểm, được nhiều người
trọng vọng.
[49].
A-thấp-ba-thệ
阿濕波誓.
Pāli: Assaji,
một trong năm Tỳ-kheo đầu tiên.
[50].
Tát-giá Ni-kiền tử
薩遮尼揵子.
Pāli: Saccaka Nigaṇthaputt.
[51].
Hỏa chủng cư sĩ
火種居士.
Pāli: Aggivessana,
họ của Saccaka.
[52].
Trú ư thiên trú
住於天住.
Pāli: divāvihārāra,
an trú ban ngày tức nghỉ trưa, nhưng bản Hán đọc là Deva-vihāra: trú
xứ của chư Thiên.
[53].
Sắc thị ngã nhân
色是我人. Pāli:
rūpattāyaṃ purisapuggalo,
con người cá biệt (này) lấy sắc làm tự thể (tự ngã).
[54].
Pāli:
rūpe patiṭṭhāya puññaṃ vā apuññaṃ vā pasavati,
do an trú trên sắc mà phước thiện hay phi phước thiện sanh khởi.
[55].
Nhân giới thần giới
人界神界.
Pāli: bījagāmabhūtagāmā,
chủng loại hạt giống và chủng loại thực vật.
[56].
Pāli:
rūpaṃ me attā, sắc là tự
ngã của tôi.
[57].
Kim cang lực sĩ quỷ thần
金剛力鬼神.
Pāli: vajirapāii yakkho,
quỷ Dạ-xoa tay cầm chày kim cang.
[58].
Đột-mục-khư
突目佉.
Pāli: Dummukha.
[59].
Hán: kiến tích
見跡,
hay nói là kiến đạo tích, chỉ vị đang thực hành hướng đến chỗ thấy
Thánh đế.
[60].
Thành tựu ba vô thượng: trí vô thượng,
đạo vô thượng, giải thoát vô thượng. Pāli:
dassananuttariyena,
paṭipadānuttariyena, vimuttānuttariyena,
kiến vô thượng, đạo tích (thực hành) vô thượng, giải thoát vô thượng.
[61].
Giá-ba-lê, Tất-yêm-la-thọ, Đa-tử,
Câu-lâu-đà, Ba-la-thọ-trì, Xả-trọng-đảm, Lực sĩ Bảo-quan
遮波梨,
漆菴羅樹,
多子,
瞿曇在拘樓陀,
婆羅受持,
捨重擔,
力士寶冠.
Tên các chi-đề, tức các linh miếu (Pāli:
cetiya) nổi tiếng ở
Vesali. Bản Pāli không nêu danh sách này.
[62].
Bỉ Đa-la thập vấn
彼多羅十問
có lẽ chỉ kinh tương đương Pāli S. 42. 13.
Pātali, nhưng bản Hán dịch này thiếu. Tham chiếu Đại №26 (20).