TẠP A-HÀM QUYỂN 37
Tôi nghe như vầy:
Một thời
Đức Phật ở trong vườn
Cấp cô độc,
rừng cây Kỳ-đà, tại
nước Xá-vệ. Bấy
giờ Tôn giả Phả-cầu-na[2]
đang ở tại giảng
đường Lộc
tử mẫu trong vườn
phía Đông, bị bệnh
nguy khốn.
Tôn giả A-nan đến chỗ Phật, đảnh lễ dưới chân Phật,
rồi đứng lui qua một bên bạch Phật:
“Bạch Thế Tôn, Tôn giả Phả-cầu-na ở giảng đường Lộc
tử mẫu trong vườn phía Đông bị bệnh nguy khốn. Bệnh của Tỳ-kheo như vậy có
thể chết. Lành thay, Thế Tôn! Xin Ngài vì thương xót mà đến giảng đường
Lộc tử mẫu, vườn phía Đông, chỗ Tôn giả Phả-cầu-na.”
Bấy giờ, Thế Tôn im lặng nhận lời. Chiều hôm đó sau
khi từ thiền tịnh dậy, Thế Tôn đến giảng đường Lộc tử mẫu, vườn phía Đông,
vào phòng Tôn giả Phả-cầu-na, trải tòa mà ngồi và vì Tôn giả Phả-cầu-na
thuyết pháp, dạy dỗ, soi sáng, làm cho an vui, rồi từ chỗ ngồi đứng dậy ra
về.
Sau khi Thế Tôn đi rồi, không lâu Tôn giả
Phả-cầu-na mạng chung. Lúc mạng chung, các căn vui tươi, gương mặt thanh
tịnh, sắc da tươi sáng. Tôn giả A-nan khi cúng dường xá-lợi Tôn giả
Phả-cầu-na xong, về chỗ Phật đảnh lễ dưới chân Phật, đứng lui qua một bên,
bạch Phật:
“Bạch Thế Tôn, sau khi Thế Tôn đến thăm, không lâu
Tôn giả Phả-cầu-na mạng chung. Lúc Tôn giả này sắp qua đời, các căn vui
tươi, sắc da thanh tịnh, nhuận ánh sáng tươi. Bạch Thế Tôn, không biết Tôn
giả ấy sẽ sanh về đâu, thọ sanh thế nào, đời sau ra sao?”
Phật bảo A-nan:
“Nếu có Tỳ-kheo nào trước khi chưa bệnh, chưa đoạn
năm hạ phần kết. Khi bệnh phát khởi, thân thể đau đớn, tâm không điều hòa,
mạng sống suy mòn, nhưng được nghe Đại Sư chỉ dạy, nhắc nhở, nói nhiều
pháp. Khi được nghe pháp xong, đoạn năm hạ phần kết. A-nan, đó là phước
lợi được từ sự chỉ dạy, nhắc nhở của Đại Sư.
“Lại nữa, A-nan, nếu có Tỳ-kheo nào, trước khi chưa
bệnh, chưa đoạn năm hạ phần kết. Sau đó bệnh phát khởi, thân thể đau đớn,
mạng sống suy mòn dần, không nhờ được nghe Đại Sư chỉ dạy, nhắc nhở, nói
pháp, nhưng gặp được các vị Đại đức đa văn, tu phạm hạnh, chỉ dạy, nhắc
nhở, thuyết pháp. Khi được nghe pháp xong, đoạn năm hạ phần kết. A-nan, đó
gọi là được phước lợi từ sự chỉ dạy, nhắc nhở, nghe pháp.
“Lại nữa, A-nan, nếu Tỳ-kheo nào trước khi chưa
bệnh, chưa đoạn năm hạ phần kết,... cho đến mạng sống suy mòn,
không được nghe Đại Sư chỉ dạy, nhắc nhở, thuyết pháp; lại không nghe các
vị Đại đức đa văn phạm hạnh chỉ dạy, nhắc nhở, thuyết pháp; nhưng trước
kia đã lãnh thọ pháp, một mình ở nơi vắng lặng tư duy, quán sát, đoạn được
năm hạ phần kết. A-nan, đó gọi là được phước lợi từ sự tư duy, quán sát
pháp đã nghe từ trước.
“Lại nữa, A-nan, nếu có Tỳ-kheo nào, trước khi chưa
bệnh đã đoạn năm hạ phần kết, nhưng chưa được ái tận giải thoát vô thượng[3],
tâm không khéo giải thoát khỏi các lậu. Sau đó tuy mắc bệnh, thân bị khổ
đau, mạng sống suy mòn, nhưng nghe được Phật chỉ dạy, nhắc nhở, thuyết
pháp, được ái tận giải thoát vô thượng, chẳng khởi các lậu, lìa dục giải
thoát. A-nan, đó gọi là được phước lợi từ sự thuyết pháp của Đại Sư.
“Lại nữa, A-nan, nếu có Tỳ-kheo nào, trước khi chưa
bệnh đã đoạn năm hạ phần kết, nhưng chưa được ái tận giải thoát vô thượng,
chưa ly dục, giải thoát khỏi các lậu. Sau đó biết thân khởi bệnh, chịu khổ
đau vô cùng. Tuy chẳng được Đại Sư chỉ dạy, nhắc nhở, thuyết pháp, nhưng
lại được các vị Đại đức đa văn, phạm hạnh khác chỉ dạy, nhắc nhở, thuyết
pháp, được ái tận giải thoát vô thượng, chẳng khởi các lậu, ly dục, giải
thoát. A-nan, đó gọi là được phước lớn từ sự chỉ dạy, nhắc nhở, thuyết
pháp.
“Lại nữa, A-nan, nếu có Tỳ-kheo nào, trước khi chưa
bị bệnh, đã đoạn năm hạ phần kết, nhưng chưa được ái tận giải thoát vô
thượng, không ly dục, giải thoát khỏi các lậu. Sau đó thân bệnh khởi, sanh
khổ đau vô cùng. Tuy không được Phật chỉ dạy, nhắc nhở, thuyết pháp, cũng
không được các vị Đại đức đa văn khác chỉ dạy, nhắc nhở, nói pháp, nhưng ở
chỗ vắng lặng tư duy, cân nhắc, quán sát, được ái tận giải thoát vô
thượng, không khởi các lậu, ly dục, giải thoát. A-nan, đó gọi là được
phước lợi từ sự tư duy những gì đã được nghe từ giáo pháp[4].
“Duyên gì các căn Tỳ-kheo Phả-cầu-na không được vui
tươi, tướng mạo thanh tịnh, da dẻ nhuận tươi, trước khi Tỳ-kheo Phả-cầu-na
chưa bị bệnh, chưa đoạn năm hạ phần kết? Tỳ-kheo này tự mình được nghe từ
sự chỉ dạy, nhắc nhở, thuyết pháp của Đại Sư, đoạn năm hạ phần kết.”
Rồi Thế Tôn xác nhận Tôn giả Phả-cầu-na đã đắc quả
A-na-hàm.
Phật nói kinh này xong, Tôn giả A-nan nghe những
lời Phật dạy, hoan hỷ, tùy hỷ, làm lễ rồi lui.
*
Tôi nghe như vầy:
Một thời Đức Phật ở trong vườn Cấp cô độc, rừng cây
Kỳ-đà, tại nước Xá-vệ. Bấy giờ Tôn giả A-thấp-ba-thệ[6]
ở giảng đường Lộc tử mẫu, vườn phía Đông, thân bị bệnh nặng, vô cùng đau
khổ. Tôn giả Phú-lân-ni là vị chăm sóc, cung cấp. Nói đầy đủ như kinh
Bạt-ca-lê ở trước[7].
Đó là, ba thọ... cho đến chuyển tăng không giảm.
Phật bảo A-thấp-ba-thệ:
“Ông chớ hối hận[8].”
A-thấp-ba-thệ bạch Phật:
“Bạch Thế Tôn, thật sự con có điều hối hận!”
Phật bảo A-thấp-ba-thệ:
“Ông có phá giới không?”
A-thấp-ba-thệ bạch Phật:
“Bạch Thế Tôn, con không phá giới.”
Phật bảo A-thấp-ba-thệ:
“Ông không phá giới sao hối hận?”
A-thấp-ba-thệ bạch Phật:
“Bạch Thế Tôn, trước khi con chưa bệnh, con tu tập
nhiều, chứng nhập tịnh lạc của thân an chỉ[9].
Tu tập tam-muội nhiều. Còn hôm nay, con lại không nhập tam-muội kia được[10].
Con tự suy nghĩ không lẽ tam-muội này thoái thất chăng?”
Phật bảo A-thấp-ba-thệ:
“Nay Ta hỏi ông, tùy ý đáp cho Ta. Này
A-thấp-ba-thệ, ông có thấy sắc tức là ngã, khác ngã, hoặc ở trong nhau
chăng?”
A-thấp-ba-thệ bạch Phật:
“Bạch Thế Tôn, không.”
Lại hỏi:
“Ông có thấy thọ, tưởng, hành, thức là ngã, khác
ngã, hoặc ở trong nhau chăng?”
A-thấp-ba-thệ bạch Phật:
“Bạch Thế Tôn, không.”
Phật bảo A-thấp-ba-thệ:
“Ông đã không thấy sắc là ngã, khác ngã, hoặc ở
trong nhau; không thấy thọ, tưởng, hành, thức là ngã, khác ngã, hoặc ở
trong nhau, vậy vì sao lại hối hận?”
A-thấp-ba-thệ bạch Phật:
“Bạch Thế Tôn, vì không chánh tư duy.”
Phật bảo A-thấp-ba-thệ:
“Nếu Sa-môn, Bà-la-môn nào tam-muội kiên cố,
tam-muội bình đẳng, mà không nhập được tam-muội kia, thì không nên khởi
nghĩ rằng mình thoái thất đối với tam-muội. Nếu Thánh đệ tử lại không thấy
sắc là ngã, khác ngã, hoặc ở trong nhau; không thấy thọ, tưởng, hành, thức
là ngã, khác ngã, hoặc ở trong nhau. Mà chỉ nên giác tri như vậy, thì tham
dục hoàn toàn sạch hết không còn; sân nhuế, ngu si hết hẳn không còn. Khi
tất cả lậu đã tận trừ, tâm vô lậu giải thoát, hiện tại tự biết tác chứng:
‘Ta, sự sanh đã dứt, phạm hạnh đã lập, những việc cần làm đã xong, tự biết
không còn tái sanh đời sau nữa.”
Khi nghe Phật thuyết pháp này, Tôn giả
A-thấp-ba-thệ không khởi các lậu, tâm được giải thoát, vui mừng, phấn
khởi; vì tâm được vui mừng, phấn khởi nên thân bệnh liền dứt trừ.
Phật nói kinh này làm cho Tôn giả A-thấp-ba-thệ
hoan hỷ, tùy hỷ, rồi từ chỗ ngồi đứng dậy, ra về.
Kinh Sai-ma-ca[11].
Nh nói về ngũ thọ ấm.
*
Tôi nghe như vầy:
Một thời Đức Phật ở trong vườn Cấp cô độc, rừng cây
Kỳ-đà, tại nước Xá-vệ. Bấy giờ có Tỳ-kheo tuổi trẻ mới học, xuất gia trong
Pháp luật này chưa được lâu, ít người thân quen, một mình làm lữ khách,
không có người cung cấp, đang trú trong phòng khách Tăng ngoài rìa một tụ
lạc, bệnh đau nguy khốn. Bấy giờ có nhiều Tỳ-kheo đến chỗ Phật, đảnh lễ
dưới chân, rồi ngồi lui qua một bên, bạch Phật:
“Bạch Thế Tôn, có một Tỳ-kheo tuổi trẻ, mới học...
cho đến bệnh đau nguy khốn đang ở trong phòng khách Tăng ngoài rìa một
tụ lạc. Có Tỳ-kheo bệnh sống ít chết nhiều như vậy. Lành thay! Xin Thế Tôn
vì thương xót mà đến trú xứ này!”
Bấy giờ, Thế Tôn im lặng nhận lời. Buổi chiều, sau
khi từ thiền tịnh dậy, Thế Tôn đến trú xứ này. Tỳ-kheo bệnh này từ xa
trông thấy Thế Tôn, vịn giường muốn dậy, Phật bảo Tỳ-kheo:
“Hãy nằm nghỉ, chớ dậy! Thế nào Tỳ-kheo, có thể
chịu đựng được khổ đau không?” … Chi tiết như kinh Sai-ma-ca trước đã nói.
“Ba thọ như vậy... cho đến bệnh khổ chỉ tăng không giảm.”
Phật nói Tỳ-kheo bệnh:
“Bây giờ Ta hỏi ông, cứ đáp theo ý cho Ta.”
“Ông không hối hận chăng[13]?”
Tỳ-kheo bệnh bạch Phật:
“Bạch Thế Tôn, thật sự, có hối hận.”
Phật bảo Tỳ-kheo bệnh:
“Ông không phạm giới chăng?”
Tỳ-kheo bệnh bạch Phật:
“Bạch Thế Tôn, thật sự, không phạm giới.”
Phật bảo Tỳ-kheo bệnh:
“Nếu ông không phạm giới, tại sao ông lại hối hận?”
Tỳ-kheo bệnh bạch Phật:
“Con tuổi trẻ xuất gia chưa bao lâu, đối với pháp
Thượng nhân và tri kiến thắng diệu chưa có sở đắc; con tự nghĩ, lúc mạng
chung biết sanh nơi đâu? Cho nên sanh ra hối hận.”
Phật bảo Tỳ-kheo:
“Nay Ta hỏi ông, cứ đáp theo ý cho Ta. Thế nào
Tỳ-kheo, vì có nhãn nên có nhãn thức phải không?”
Tỳ-kheo bệnh bạch:
“Bạch Thế Tôn, đúng vậy.”
Lại hỏi:
“Tỳ-kheo, ý ngươi thế nào? Vì có nhãn thức nên có
nhãn xúc và do nhãn xúc làm nhân làm duyên nên sanh ra cảm thọ hoặc khổ,
hoặc vui, hoặc không khổ không vui bên trong phải không?”
Tỳ-kheo bạch Phật:
“Bạch Thế Tôn, đúng vậy.”
Đối với nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý cũng nói như vậy.
“Thế nào Tỳ-kheo? Nếu không có nhãn thì không có
nhãn thức phải không?”
Tỳ-kheo bạch Phật:
“Bạch Thế Tôn, đúng vậy.”
Lại hỏi:
“Tỳ-kheo, nếu không có nhãn thức thì không có nhãn
xúc phải không? Nếu không có nhãn xúc thì không có nhãn xúc làm nhân làm
duyên sanh ra cảm thọ hoặc khổ, hoặc vui, hoặc không khổ không vui bên
trong, phải không?”
Tỳ-kheo bạch Phật:
“Bạch Thế Tôn, đúng vậy.”
Đối với nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý cũng nói như vậy.
“Cho nên, Tỳ-kheo, phải khéo tư duy pháp như vậy,
thì lúc mạng chung mới tốt đẹp được và đời sau cũng tốt đẹp.”
Bấy giờ, Thế Tôn vì Tỳ-kheo bệnh nói pháp, chỉ dạy,
soi sáng, làm cho an vui, rồi từ chỗ ngồi đứng dậy ra đi. Sau khi Thế Tôn
đi rồi, không lâu Tỳ-kheo mạng chung. Khi sắp mạng chung, các căn ông vui
tươi, tướng mạo thanh tịnh, sắc da tươi sáng. Lúc ấy, nhiều Tỳ-kheo đi đến
chỗ Phật, đảnh lễ dưới chân, rồi ngồi lui qua một bên, bạch Phật:
“Tỳ-kheo trẻ tuổi kia bị bệnh nguy khốn, nay Tôn
giả đã mạng chung. Khi vị này sắp qua đời, các căn vui tươi, tướng mạo
thanh tịnh, sắc da tươi sáng. Thế nào Thế Tôn, Tỳ-kheo này sẽ sanh về nơi
nào? Thọ sanh ra sao? Đời sau thế nào?”
Phật bảo các Tỳ-kheo:
“Tỳ-kheo kia đã qua đời kia thật sự là bảo vật[14].
Nghe Ta nói pháp hiểu biết rõ ràng, đối với pháp không sợ hãi, đắc
Bát-niết-bàn. Các ông nên cúng dường xá-lợi.”
Bấy giờ, Thế Tôn thọ ký cho Tỳ-kheo này là bậc nhất[15].
Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì
Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
*
Tôi nghe như vầy:
Một thời Đức Phật ở trong vườn Cấp cô độc, rừng cây
Kỳ-đà, tại nước Xá-vệ. Nói như trên chỉ có sự sai biệt là:
“Hãy lắng nghe và suy nghĩ kỹ, Ta sẽ vì các ông mà
nói. Nếu Tỳ-kheo nào nghĩ như vầy: Ta đối với thức thân này và tất cả
tướng cảnh giới bên ngoài không thấy có ngã, ngã sở, ngã mạn trói buộc sai
sử, cùng tâm giải thoát, tuệ giải thoát, thì hiện tại tự biết tác chứng,
an trụ đầy đủ. Đối với thức thân này và tất cả tướng cảnh giới bên ngoài
không thấy có ngã, ngã sở, ngã mạn trói buộc sai sử, cùng với tâm giải
thoát, tuệ giải thoát kia, thì hiện tại tự biết tác chứng, an trụ đầy đủ.
Tỳ-kheo kia đối với thức thân của mình và tất cả tướng cảnh giới bên
ngoài, không thấy có ngã, ngã sở, ngã mạn trói buộc sai sử, tâm giải
thoát, tuệ giải thoát, thì hiện tại tự biết tác chứng, an trụ đầy đủ. Đối
với thức thân của mình và tất cả tướng của cảnh giới bên ngoài, không thấy
có ngã, ngã sở, ngã mạn trói buộc, sai sử, cùng tâm giải thoát, tuệ giải
thoát, thì hiện tại tự biết tác chứng, an trụ đầy đủ. Nếu Tỳ-kheo kia đối
với thức thân này và tất cả tướng của cảnh giới bên ngoài không thấy có
ngã, ngã sở, ngã mạn trói buộc, sai sử, cùng tâm giải thoát, tuệ giải
thoát thì trong hiện tại tự biết tác chứng, an trụ đầy đủ. Đối với thức
thân của mình và tất cả tướng của cảnh giới bên ngoài, không thấy có ngã,
ngã sở, ngã mạn trói buộc sai sử, cùng tâm giải thoát, tuệ giải thoát thì
hiện tại tự biết tác chứng, an trụ đầy đủ. Đó gọi là Tỳ-kheo đoạn ái dục,
chuyển các kết, dừng ngã mạn, hiện quán cứu cánh thoát khổ.”
Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì
Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
*
Tôi nghe như vầy:
Một thời Đức Phật ở trong vườn Cấp cô độc, rừng cây
Kỳ-đà, tại nước Xá-vệ. Nói như trên, chỉ có một vài sai biệt là:...
cho đến Phật nói với Tỳ-kheo bệnh:
“Ông không tự phạm giới phải không?”
Tỳ-kheo bạch Phật:
“Bạch Thế Tôn, con không phải vì để thọ trì tịnh
giới mà ở chỗ Thế Tôn tu phạm hạnh.”
Phật bảo Tỳ-kheo:
“Ông vì những pháp gì mà ở chỗ Ta tu phạm hạnh?”
Tỳ-kheo bạch Phật:
“Vì ly tham dục nên ở chỗ Thế Tôn tu phạm hạnh. Vì
ly sân nhuế, ngu si nên ở chỗ Thế Tôn tu phạm hạnh.”
Phật bảo Tỳ-kheo:
“Đúng vậy! Đúng vậy! Ông nên thật sự vì để ly tham
dục nên ở chỗ Ta tu phạm hạnh. Vì ly sân nhuế, ngu si nên ở chỗ Ta tu phạm
hạnh. Này Tỳ-kheo, vì tham dục trói buộc nên không ly được dục. Vì vô minh
trói buộc nên tuệ không thanh tịnh. Cho nên Tỳ-kheo, ở nơi dục mà ly dục,
tâm giải thoát. Do ly vô minh nên tuệ giải thoát. Nếu Tỳ-kheo nào, ở nơi
mà dục ly dục, tự thân tác chứng tâm giải thoát. Do ly vô minh nên tuệ
giải thoát. Đó gọi là Tỳ-kheo đoạn các ái dục, chuyển kết phược, dừng ngã
mạn, hiện quán, cứu cánh biên tế khổ. Cho nên Tỳ-kheo đối với pháp này
phải khéo tư duy.”
Nói đầy đủ như trên... cho
đến thọ ký bậc nhất.
Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì
Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
*
Tôi nghe như vầy:
Một thời Đức Phật ở trong vườn Cấp cô độc, rừng cây
Kỳ-đà, tại nước Xá-vệ. Bấy giờ có nhiều Tỳ-kheo cùng tụ tập ở giảng đường
Già-lê-lệ[19].
Lúc đó có nhiều Tỳ-kheo bệnh.
Buổi chiều sau khi Thế Tôn từ thiền tịnh tỉnh giấc,
đến giảng đường Già-lê-lệ, trải tòa ngồi trước đại chúng, rồi bảo các
Tỳ-kheo:
“Nên chánh niệm, chánh trí để đợi thời. Đó là giáo
huấn của Ta[20].
Này các Tỳ-kheo, thế nào là chánh niệm? Là Tỳ-kheo sống quán niệm thân
trên thân, tinh cần, chánh niệm, chánh trí, điều phục tham ưu thế gian,
sống quán niệm ngoại thân trên thân, sống quán niệm nội ngoại thân trên
thân; nội thọ, ngoại thọ, nội ngoại thọ; nội tâm, ngoại tâm, nội ngoại
tâm; sống quán niệm nội pháp, ngoại pháp, nội ngoại pháp, phương tiện tinh
cần, chánh niệm, chánh trí, điều phục tham ưu thế gian. Đó gọi là Tỳ-kheo
ức niệm chánh.
“Thế nào là chánh trí? Tỳ-kheo hoặc tới hoặc lui,
an trụ chánh trí; nhìn trông, quán sát, co, duỗi, cúi, ngước, nắm cầm y
bát, đi, đứng, ngồi, nằm, ngủ, thức... cho đến năm mươi, sáu mươi
người nói năng hay im lặng đều hành với chánh trí. Tỳ-kheo, đó gọi là
chánh trí. Cũng thế, Tỳ-kheo nào an trụ vào chánh niệm, chánh trí, có thể
khởi cảm thọ lạc, có nhân duyên chứ không phải không nhân duyên.
“Thế nào là nhân duyên? Duyên vào thân khởi suy
nghĩ: ‘Thân này của ta là vô thường, hữu vi, tâm nhân duyên sanh. Cảm thọ
lạc cũng vô thường, hữu vi, tâm nhân duyên sanh’. Quán sát thân và cảm thọ
lạc, quán sát vô thường, quán sát sanh diệt, quán sát ly dục, quán sát
diệt tận, quán sát xả. Vị ấy quán sát thân cùng với cảm thọ lạc là vô
thường... cho đến xả. Nếu ở nơi thân và cảm thọ lạc mà kết sử tham
dục[21]
vĩnh viễn không còn sai sử nữa[22].
Cũng vậy, với chánh niệm, chánh trí, biết cảm thọ khổ phát sanh, có nhân
duyên chứ không phải không nhân duyên.
“Thế nào là nhân duyên? Cũng vậy, duyên vào thân
khởi tư duy: ‘Thân này của ta là vô thường, hữu vi, tâm nhân duyên sanh.
Cảm thọ khổ cũng vô thường, hữu vi, tâm nhân duyên sanh’. Quán sát thân và
cảm thọ khổ, là vô thường cho đến xả. Ở nơi thân này và cảm thọ khổ mà kết
sử sân nhuế vĩnh viễn không còn sai sử nữa. Cũng vậy, với chánh niệm,
chánh trí, biết cảm thọ không khổ, không vui phát sanh, có nhân duyên chứ
không phải không nhân duyên.
“Thế nào là nhân duyên? Là duyên vào thân khởi suy
nghĩ: ‘Thân này của ta là vô thường, hữu vi, tâm nhân duyên sanh. Cảm thọ
chẳng khổ chẳng lạc, cũng vô thường, hữu vi, tâm nhân duyên sanh’. Quán
sát thân và cảm thọ không khổ, không lạc kia, là vô thường cho đến xả. Nếu
những gì ở nơi thân và cảm thọ không khổ không lạc mà kết sử vô minh sử
vĩnh viễn không còn sai sử nữa. Đa văn Thánh đệ tử quán sát như vậy, đối
với sắc yểm ly, đối với thọ, tưởng, hành, thức yểm ly. Đã yểm ly rồi, ly
dục. Ly dục rồi, được giải thoát, giải thoát tri kiến: ‘Ta, sự sanh đã
dứt, phạm hạnh đã lập, những việc cần làm đã làm xong, tự biết không còn
tái sanh đời sau nữa.’”
Bấy giờ, Thế Tôn nói kệ:
Khi đang cảm giác lạc;
Không
biết cảm giác lạc.
Vì kết
sử tham dục,
Nên
không thấy xuất ly.
Khi
đang cảm giác khổ,
Không
biết cảm giác khổ.
Vì kết
sử sân nhuế,
Nên
không thấy
xuất
ly.
Cảm
thọ không lạc, khổ,
Đẳng
Chánh Giác đã nói,
Người
kia không thể biết,
Nên
không qua bờ kia.
Nếu Tỳ-kheo tinh tấn,
Chánh trí không xiêu
động;
Nơi tất cả thọ kia,
Trí tuệ đều biết hết.
Thường biết các thọ
rồi,
Hiện tại hết các lậu;
Mạng chung nương trí
tuệ,
Niết-bàn, không đọa
lạc.
Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo
nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
*
Tôi nghe như vầy:
Một thời Đức Phật ở trong vườn Cấp cô độc, rừng cây
Kỳ-đà, tại nước Xá-vệ. Nói như trên.
Bấy giờ, các Tỳ-kheo tụ tập nơi giảng đường
Già-lê-lệ[24],
đa số đều bị bệnh. Nói như trên, chỉ có một vài sai biệt là: cho đến “…
Thánh đệ tử nên quán sát như vầy, ở nơi sắc mà giải thoát, ở nơi thọ,
tưởng, hành, thức giải thoát. Ta nói những người này giải thoát sanh, lão,
bệnh, tử.”
Bấy giờ Thế Tôn liền nói kệ:
Bậc trí tuệ
đa văn,
Đều tỏ rõ các
thọ.
Đối cảm thọ
khổ, lạc,
Phân biệt thật
rõ ràng.
Nên biết sự
chắc thật,
Phàm phu có
lên xuống;
Nơi lạc không
nhiễm trước,
Nơi khổ không
xiêu động.
Biết thọ không thọ sanh.
Y cảm thọ tham, nhuế.
Đoạn trừ những pháp này,
Tâm kia khéo giải thoát.
Buộc niệm vào diệu cảnh,
Chánh hướng đợi hết đời.
Nếu Tỳ-kheo tinh cần,
Chánh trí chẳng xiêu
động;
Đối với mọi thọ này,
Kẻ trí thường giác tri.
Thấu rõ các thọ rồi,
Hiện tại hết các lậu,
Mạng chung nương trí
tuệ,
Niết-bàn
không đọa lạc.
Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo
nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ làm lễ rồi lui.
*
Tôi nghe như vầy:
Một thời Đức Phật ở trong vườn Cấp cô độc, rừng cây
Kỳ-đà, tại nước Xá-vệ. Bấy giờ gia chủ Cấp Cô Độc bị bệnh, thân thể khổ
đau vô cùng.
Thế Tôn nghe tin này, sáng sớm Ngài đắp y, ôm bát
vào thành Xá-vệ khất thực, theo thứ tự khất thực đến nhà gia chủ Cấp Cô
Độc. Gia chủ từ xa trông thấy Thế Tôn, vịn giường muốn dậy, Thế Tôn thấy
thế liền bảo:
“Gia chủ, chớ dậy mà tăng bệnh khổ.”
Thế Tôn ngồi xuống rồi bảo gia chủ:
“Thế nào gia chủ? Bệnh có thể chịu được không? Thân
bệnh, đau đớn tăng hay giảm?”
Gia chủ bạch Phật:
“Bạch Thế Tôn, rất đau đớn, khó chịu nổi!... cho
đến nói ba thọ, chi tiết như kinh Sai-ma... cho đến “… cảm thọ
khổ chỉ tăng chứ không giảm.”
Phật bảo gia chủ:
“Nên học như vầy: Đối với Phật có tín thanh tịnh
bất hoại, đối với Pháp, Tăng, có tín thanh tịnh bất hoại và thành tựu
Thánh giới.”
Gia chủ bạch Phật:
“Như Thế Tôn đã dạy về bốn bất hoại tịnh. Con có
pháp này, trong pháp này có con. Bạch Thế Tôn, nay đối với Phật con có
lòng tin thanh tịnh bất hoại, đối với Pháp, Tăng có lòng tin thanh tịnh
bất hoại và thành tựu Thánh giới.”
Phật bảo gia chủ:
“Lành thay! Lành thay!” Rồi liền thọ ký cho gia chủ
đắc quả A-na-hàm.
Gia chủ bạch Phật:
“Hôm nay, con xin cung thỉnh Thế Tôn thọ thực ở
đây.”
Bấy giờ, Thế Tôn im lặng nhận lời. Gia chủ liền dạy
tôi tớ sửa soạn các thứ đồ ăn thức uống tinh khiết, ngon lành cúng dường
Thế Tôn. Thế Tôn thọ thực xong, vì gia chủ nói đủ các pháp, chỉ dạy, soi
sáng, làm cho an vui, rồi từ khỏi chỗ ngồi đứng dậy ra về.
*
Tôi nghe như vầy:
Một thời Đức Phật ở trong vườn Cấp cô độc, rừng cây
Kỳ-đà, tại nước Xá-vệ. Bấy giờ Tôn giả A-nan nghe gia chủ Cấp Cô Độc thân
bị bệnh khổ, đến nhà ông thăm.
Từ xa gia chủ trông thấy A-nan, vịn giường muốn dậy...
cho đến nói về ba thọ, đầy đủ như kinh Sai-ma ở trước dạy... cho đến
“…bệnh khổ chỉ tăng chứ không giảm.”
Bấy giờ, Tôn giả A-nan bảo gia chủ:
“Đừng sợ hãi! Chỉ có phàm phu ngu si vô học vì
không tin Phật, không tin Pháp, Tăng, không đầy đủ Thánh giới, nên có sự
sợ hãi và sợ sau khi mạng chung cùng cái khổ đời sau. Còn ông đối với sự
bất tín ấy ngày nay đã đoạn, đã biến tri. Đối với Phật đầy đủ lòng tin
thanh tịnh. Đối với Pháp, Tăng đầy đủ lòng tin thanh tịnh. Đã thành tựu
Thánh giới.”
Gia chủ thưa Tôn giả A-nan:
“Ngày nay con còn sợ hãi cái gì? Lần đầu tiên con
mới gặp Thế Tôn giữa bãi tha ma trong rừng Lạnh, thành Vương xá, liền được
lòng tin thanh tịnh bất hoại đối với Phật, được lòng tin thanh tịnh bất
hoại đối với Pháp, Tăng và thành tựu Thánh giới. Từ đó đến nay, nhà có
tiền của đều đem cúng dường cho đệ tử Phật là Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni,
Ưu-bà-tắc, Ưu-bà-di.”
Tôn giả A-nan nói:
“Lành thay, gia chủ! Ông tự ký thuyết quả
Tu-đà-hoàn.”
Gia chủ bạch Tôn giả A-nan:
“Xin mời Tôn giả thọ thực tại đây.”
Tôn giả A-nan im lặng nhận lời.
Gia chủ liền cho sửa soạn các thứ
đồ ăn thức uống tinh khiết, ngon lành, cúng dường Tôn giả A-nan. Sau khi
thọ thực xong, lại vì gia chủ thuyết pháp, chỉ dạy, soi sáng, làm an vui,
rồi từ chỗ ngồi đứng dậy ra về.
*
Tôi nghe như vầy:
Một thời Đức Phật ở trong vườn Cấp
cô độc, rừng cây Kỳ-đà, tại nước Xá-vệ. Bấy giờ Tôn giả Xá-lợi-phất nghe
tin gia chủ Cấp Cô Độc thân bị bệnh khổ. Nghe vạây, hỏi Tôn giả A-nan:
“Thầy có biết chăng? Gia chủ Cấp Cô
Độc thân đang bị bệnh khổ. Chúng ta hãy cùng đến thăm.”
Tôn giả A-nan im lặng nhận lời. Khi
ấy Tôn giả Xá-lợi-phất cùng Tôn giả A-nan đến nhà gia chủ Cấp Cô Độc. Gia
chủ từ xa trông thấy Tôn giả Xá-lợi-phất, vịn giường muốn dậy... cho
đến nói về ba thọ, đầy đủ như kinh Sai-ma, “... bệnh khổ của
thân càng tăng chứ không giảm.”
Tôn giả Xá-lợi-phất bảo gia chủ:
“Nên học như vầy: Không chấp trước
mắt, không có thức tham dục y trên nhãn giới mà sanh. Không chấp trước
tai, mũi, lưỡi, thân, ý, không có thức tham dục y trên ý giới mà sanh.
Không chấp trước sắc, không có thức tham dục y trên sắc giới sanh. Không
chấp trước thanh, hương, vị, xúc, pháp, không có thức tham dục y trên pháp
giới sanh. Không chấp trước địa giới, không có thức tham dục y trên địa
giới sanh. Không chấp trước thủy, hỏa, phong, không, thức giới, không có
thức tham dục y trên thức giới sanh. Không chấp trước sắc uẩn, không có
thức tham dục y trên sắc uẩn sanh. Không chấp trước thọ, tưởng, hành, thức
uẩn,... không có thức tham dục y trên thức ấm sanh.”
Lúc ấy gia chủ Cấp Cô Độc cảm động
rơi nước mắt. Tôn giả A-nan nói với gia chủ:
“Gia chủ khiếp sợ hạ liệt chăng[28]?”
Gia chủ thưa với Tôn giả A-nan:
“Con không khiếp sợ hạ liệt. Con tự xét lại từ khi
phụng sự Phật cho đến nay, đã hơn hai mươi năm, mà con chưa lần nào nghe
Tôn giả Xá-lợi-phất nói pháp sâu xa, vi diệu như những gì vừa được nghe
hôm nay.”
Tôn giả Xá-lợi-phất bảo gia chủ:
“Từ lâu tôi cũng chưa từng vì các gia chủ nói pháp
như vậy.”
Gia chủ thưa Tôn giả Xá-lợi-phất:
“Có bạch y tại gia nào có tín thù thắng, niệm thù
thắng, lạc thù thắng, nhưng vì không nghe pháp sâu xa nên sanh ra thoái
thất. Lành thay, Tôn giả Xá-lợi-phất! Xin Tôn giả thương xót vì hàng bạch
y tại gia mà nói pháp thâm diệu. Tôn giả Xá-lợi-phất, hôm nay xin Tôn giả
thọ thực tại đây.”
Tôn giả Xá-lợi-phất im lặng nhận lời. Gia chủ liền
cho sửa soạn đồ ăn thức uống tinh khiết ngon lành cung kính cúng dường.
Thọ thực xong, ngài lại vì gia chủ thuyết pháp, chỉ dạy, soi sáng, làm cho
an vui, rồi từ chỗ ngồi đứng dậy ra về.
*
Đạt-ma-đề-ly, kinh thứ nhất cũng
nói đầy đủ như kinh đầu Đức Thế Tôn nói pháp cho gia chủ Cấp Cô Độc.
Kinh thứ hai cũng nói như vậy, chỉ có một vài sai khác là:
“Nếu lại có gia chủ nào y vào bốn
bất hoại tịnh, rồi còn hướng lên tu tập sáu niệm, từ niệm Như Lai sự...
cho đến niệm Thiên.”
Gia chủ bạch Phật:
“Bạch Thế Tôn, y vào bốn bất hoại
tịnh, rồi còn hướng lên tu tập sáu tùy niệm, ngày nay con đều thành tựu.
Con thường tu tập niệm Như Lai sự... cho đến niệm Thiên.”
Phật bảo gia chủ:
“Lành thay! Lành thay! Hôm nay ông tự ký thuyết quả
A-na-hàm.”
Gia chủ bạch Phật:
“Xin Thế Tôn nhận lời thỉnh thọ thực của con.”
Bấy giờ Thế Tôn im lặng nhận lời. Gia chủ biết Phật
đã nhận lời, liền cho sửa soạn đồ ăn thức uống tinh khiết ngon lành, cung
kính cúng dường. Thế Tôn thọ thực xong lại vì gia chủ nói pháp, chỉ dạy,
soi sáng, làm cho an vui, rồi Ngài từ chỗ ngồi đứng dậy ra về.
*
Tôi nghe như vầy:
Một thời Đức Phật ở trong vườn Trúc, khu Ca-lan-đà
tại thành Vương xá. Bấy giờ có đồng tử Trường Thọ[31]
là cháu gia chủ Thọ Đề thân mắc bệnh nặng.
Bấy giờ Thế Tôn nghe đồng tử Trường Thọ thân mắc
bệnh nặng, sáng sớm đắp y ôm bát vào thành Vương xá khất thực, theo thứ tự
đi đến nhà đồng tử Trường Thọ. Đồng tử Trường Thọ từ xa thấy Thế Tôn, vịn
giường muốn dậy... cho đến nói về ba thọ như kinh Sai-ma đã nói đầy
đủ;... cho đến “… bệnh khổ chỉ tăng không giảm.”
“Cho nên, đồng tử, nên học như vầy: Hãy có tín
thanh tịnh bất hoại đối với Phật. Hãy có tín thanh tịnh bất hoại đối với
Pháp, Tăng và thành tựu Thánh giới. Nên học như vậy.”
Đồng tử bạch Phật:
“Bạch Thế Tôn, như Thế Tôn đã nói về bốn bất hoại
tịnh. Hiện tại con đều có. Con lúc nào cũng có tín thanh tịnh bất hoại đối
với Phật; có tín thanh tịnh bất hoại đối với Pháp, Tăng và thành tựu Thánh
giới.”
Phật bảo đồng tử:
“Ông nên y vào bốn bất hoại tịnh, để hướng lên tu
tập sáu minh phần tưởng[32].
Những gì là sáu? Quán tưởng tất cả hành là vô thường, quán tưởng vô thường
là khổ, quán tưởng khổ là vô ngã, quán tưởng về thực, quán tưởng tất cả
thế gian không gì đáng vui, quán tưởng về sự chết.”
Đồng tử bạch Phật:
“Như Thế Tôn nói y vào bốn bất hoại tịnh để tu tập
sáu minh phần tưởng. Hiện tại con đều có. Nhưng con tự nghĩ, sau khi chết,
con không biết ông nội của con là gia chủ Thọ Đề[33]
sẽ thế nào?”
Bấy giờ gia chủ Thọ Đề nói với đồng tử Trường Thọ:
“Đối với ông, cháu đừng nghĩ đến. Hiện giờ cháu nên
nghe Thế Tôn nói pháp, suy nghĩ và nhớ lấy, mới có thể được phước lợi, an
vui, nhiêu ích lâu dài.”
Đồng tử Trường Thọ nói:
“Đối với tất cả hành con sẽ quán tưởng chúng là vô
thường, quán tưởng vô thường là khổ, quán tưởng khổ là vô ngã, quán tưởng
về thực, quán tưởng thế gian không gì đáng vui, quán tưởng về tử, lúc nào
chúng cũng hiện hữu trước mặt.”
Phật bảo đồng tử:
“Hôm nay con đã tự ký thuyết quả Tư-đà-hàm.”
Đồng tử Trường Thọ bạch Phật:
“Bạch Thế Tôn, xin thỉnh Ngài thọ thực tại nhà
con.”
Bấy giờ, Thế Tôn im lặng nhận lời. Trường Thọ đồng
tử liền cho sửa soạn đồ ăn thức uống tinh khiết, ngon lành, cung kính cúng
dường. Thế Tôn thọ thực xong, vì đồng tử thuyết pháp, chỉ dạy, soi sáng,
làm cho an vui, rồi từ chỗ ngồi đứng dậy ra về.
*
Tôi nghe như vầy:
Một thời Đức Phật ở trong vườn Lộc dã, tại trú xứ
Tiên nhân, nước Ba-la-nại. Bấy giờ gia chủ Bà-tẩu[35]
thân bị bệnh khổ. Nói đầy đủ như kinh Gia chủ Đạt-ma-đề-na[36]
ở trước... được thọ ký đắc quả A-na-hàm... cho đến từ chỗ ngồi đứng
dậy ra về.
*
Tôi nghe như vầy:
Một thời Đức Phật ở trong vườn Câu-ni-luật, tại
nước Ca-tỳ-la-vệ. Bấy giờ có Sa-la họ Thích[38]
bị bệnh liệt nặng.
Thế Tôn hay tin Sa-la họ Thích bệnh liệt nặng, sáng
sớm đắp y, mang bát vào thành Ca-tỳ-la-vệ khất thực, theo thứ tự đến nhà
Sa-la họ Thích. Từ xa Sa-la họ Thích trông thấy Thế Tôn, vịn giường muốn
dậy... cho đến nói về ba thọ như đã nói đầy đủ trong kinh Sai-ma-ca...
cho đến “…bệnh khổ chỉ tăng chứ không giảm.”
“Cho nên, Sa-la họ Thích, nên học như vầy: Hãy có
tín thanh tịnh bất hoại đối với Phật. Hãy có tín thanh tịnh bất hoại đối
với Pháp, Tăng và thành tựu Thánh giới.”
Sa-la họ Thích bạch Phật:
“Như Thế Tôn nói: Hãy có tín thanh tịnh bất hoại
đối với Phật. Hãy có tín thanh tịnh bất hoại đối với Pháp, Tăng và thành
tựu Thánh giới. Con đều có đủ. Con lúc nào cũng có tín thanh tịnh bất hoại
đối với Phật; tín thanh tịnh bất hoại đối với Pháp, Tăng và thành tựu
Thánh giới.”
Phật bảo Sa-la họ Thích:
“Cho nên ông phải y vào tín thanh tịnh bất hoại đối
với Phật, tín thanh tịnh bất hoại đối với Pháp, Tăng và thành tựu Thánh
giới, để hướng lên tu tập năm hỷ xứ[39].
Những gì là năm? Đó là niệm Như Lai sự... cho đến tự những pháp bố
thí.”
Sa-la họ Thích bạch Phật:
“Như Thế Tôn đã nói y vào bốn bất hoại tịnh, để tu
năm hỷ xứ, con cũng đã có. Con lúc nào cũng niệm Như Lai sự... cho đến
tự những pháp bố thí.”
Phật dạy:
“Lành thay! Lành thay! Nay tự ông ký thuyết quả
Tư-đà-hàm.”
Sa-la bạch Phật:
“Xin Thế Tôn hôm nay, thọ thực tại nhà con.”
Bấy giờ, Thế Tôn im lặng nhận lời. Gia chủ Sa-la
liền cho sửa soạn đồ ăn thức uống tinh khiết, ngon lành, cung kính cúng
dường. Thế Tôn thọ thực xong, lại vì gia chủ thuyết pháp, chỉ dạy, soi
sáng, làm cho an vui, rồi từ chỗ ngồi đứng dậy ra về.
*
Tôi nghe như vầy:
Một thời Đức Phật trú trong một tinh xá Khúc cốc,
thôn Na-lê[41].
Bấy giờ, gia chủ Da-thâu[42]
bị bệnh trầm trọng, như vậy... cho đến ký thuyết đắc quả A-na-hàm.
Như đã nói đầy đủ trong kinh Đạt-ma-đề-na[43].
*
Tôi nghe như vầy:
Một thời Đức Phật trú bên ao
Kiệt-già, tại nước Chiêm-bà. Bấy giờ có gia chủ Ma-na-đề-na[45]
bị bệnh mới bớt[46].
Bấy giờ gia chủ nói với một người
nam:
“Này thiện nam tử, ông hãy đến chỗ
Tôn giả A-na-luật, thay tôi đảnh lễ dưới chân, hỏi thăm cuộc sống có thoải
mái, an lạc không? Ngày mai, xin cùng bốn vị nhận lời thỉnh của tôi. Nếu
nhận lời, ông nên vì tôi bạch rằng tôi là người thế tục, bận nhiều công
việc vương gia, không thể đích thân đến rước được; xin Tôn giả thương xót,
đến giờ cùng bốn vị đến phó hội theo lời mời của tôi.”
Lúc ấy người nam kia vâng lời gia
chủ, đi đến chỗ Tôn giả A-na-luật, đảnh lễ dưới chân, thưa Tôn giả rằng:
“Gia chủ Ma-na-đề-na xin kính lễ và
hỏi thăm cuộc sống của Tôn giả ít bệnh, ít não, thoải mái, an lạc không?
Và trưa ngày mai, xin mời Tôn giả cùng bốn vị, thương xót mà nhận lời
thỉnh cầu của gia chủ.”
Lúc ấy, Tôn giả A-na-luật im lặng
nhận lời mời. Bấy giờ người kia lại vì gia chủ Ma-na-đề-na thưa Tôn giả
A-na-luật:
“Gia chủ là người thế tục bận nhiều
công việc vương gia không thể đích thân đến rước được, xin Tôn giả thương
xót, cùng bốn vị nhận lời mời trưa ngày mai của gia chủ.”
Tôn giả A-na-luật nói:
“Ông cứ an tâm, tôi tự biết thời. Ngày mai sẽ cùng
bốn vị đến nhà gia chủ.”
Khi ấy, người này theo lời dạy của Tôn giả
A-na-luật về thưa lại gia chủ:
“Thưa A-lê[47],
nên biết, tôi đã đến Tôn giả A-na-luật, trình đầy đủ theo tôn ý và Tôn giả
A-na-luật nói rằng gia chủ cứ an tâm, ngài tự biết thời.”
Tối hôm đó, gia chủ Ma-na-đề-na sửa soạn đồ ăn thức
uống tinh khiết, ngon lành. Sáng sớm, lại sai người kia đến chỗ Tôn giả
A-na-luật thưa đã đến giờ. Người kia liền vâng lời đi đến chỗ Tôn giả
A-na-luật, cúi đầu đảnh lễ dưới chân, bạch rằng: “Đồ cúng dường đã sửa
soạn xong, xin ngài biết thời.”
Bấy giờ, Tôn giả A-na-luật đắp y ôm bát cùng với
bốn vị đi đến nhà gia chủ. Trong lúc ấy, các thể nữ đang đứng vây quanh
gia chủ Ma-na-đề-na, đứng trong cửa bên trái, trông thấy Tôn giả A-na-luật
cúi người ôm chân kính lễ, đưa tới chỗ ngồi; mỗi người tự cúi đầu hỏi
thăm, rồi ngồi lui qua một bên.
Tô giả A-na-luật hỏi thăm gia chủ:
“Cuộc sống có kham nhẫn, an vui không?”
Gia chủ đáp:
“Vâng, thưa Tôn giả, sống kham nhẫn an vui. Trước
đây, con bị bệnh nặng nhưng hôm nay đã bớt rồi.”
Tôn giả A-na-luật hỏi gia chủ:
“Gia chủ sống, trụ tâm thế nào để có thể khiến cho
bệnh tật khổ não bớt dần?”
Gia chủ bạch:
“Thưa Tôn giả A-na-luật, con trụ vào bốn Niệm xứ,
chuyên tu buộc niệm, nên các thứ bệnh tật khổ đau nơi thân đều được đình
chỉ. Những gì là bốn? Sống quán niệm nội thân trên thân, nỗ lực tinh cần,
chánh niệm, chánh trí, điều phục tham ưu thế gian; ngoại thân, nội ngoại
thân; nội thọ, ngoại thọ, nội ngoại thọ; nọâi tâm, ngoại tâm, nội ngoại
tâm, sống quán niệm nội pháp; ngoại pháp, nội ngoại pháp trên pháp, nỗ lực
tinh cần, chánh niệm, chánh trí, điều phục tham ưu thế gian. Như vậy, Tôn
giả A-na-luật, con nhờ buộc tâm trụ vào bốn Niệm xứ nên mọi thứ bệnh tật
khổ đau nơi thân đều được đình chỉ. Thưa Tôn giả A-na-luật, nhờ trụ tâm
được nên mọi thứ tất bệnh khổ đau đều được đình chỉ.”
Tôn giả A-na-luật bảo gia chủ:
“Hôm nay, gia chủ tự ký thuyết quả A-na-hàm.”
Lúc này, gia chủ Ma-na-đề-na mang các thứ đồ ăn
thức uống thanh khiết, ngon lành, tự tay cúng dường đầy đủ. Sau khi thọ
thực và súc rửa miệng xong, gia chủ Ma-na-đề-na lại ngồi nơi ghế thấp nghe
pháp. Tôn giả A-na-luật nói pháp, chỉ dạy, soi sáng, làm cho an vui, rồi
từ chỗ ngồi đứng dậy ra về.
*
Tôi nghe như vầy:
Một thời Đức Phật ở trong tinh xá Kim sư, tại thành
Vương xá[49].
Bấy giờ, có gia chủ Thuần-đà[50]
đến chỗ Phật, đảnh lễ dưới chân Phật, rồi ngồi lui qua một bên.
Lúc này, Thế Tôn hỏi gia chủ Thuần-đà:
“Hiện tại, ông ưa thích tịnh hạnh[51]
của những Sa-môn, Bà-la-môn nào?”
Thuần-đà bạch Phật:
“Có Sa-môn, Bà-la-môn thờ phụng nước, thờ
Tỳ-thấp-ba Thiên[52],
cầm trượng, bình nước, thường rửa sạch tay mình[53].
Vị Chánh sĩ như vậy thường khéo nói pháp rằng: ‘Này thiện nam, vào ngày
mười lăm mỗi tháng dùng mạt vụn hồ-ma và am-ma-la để gội tóc, tu hành trai
pháp, mặc đồ mới sạch, đeo tràng hoa[54]
dài, lụa trắng, nằm lên trên đất trét phân bò. Này thiện nam, sáng mai dậy
sớm lấy tay sờ đất và nói như vầy: ‘Đất này trong sạch. Ta cũng sạch như
vậy’. Tay cầm cục phân trâu cùng nắm một nắm cỏ tươi, miệng nói: ‘Cái này
trong sạch. Ta cũng trong sạch như vậy.’ Nếu ai như vậy thì được thấy là
trong sạch. Nếu ai không như vậy, hoàn toàn không trong sạch’. Bạch Thế
Tôn, Sa-môn, Bà-la-môn nào, nếu trong sạch như vậy thì đáng cho con kính
ngưỡng.”
Phật bảo Thuần-đà:
“Có pháp đen và báo ứng đen, bất tịnh, quả bất
tịnh, gánh nặng chúc xuống. Nếu ai đã thành tựu những pháp ác này, dù cho
sáng mai dậy sớm lấy tay sờ đất và nói rằng ‘thanh tịnh’ thì vẫn bất tịnh,
cho dù không chạm cũng không thanh tịnh. Người này cầm cục phân bò và nắm
cỏ tươi nói rằng ‘thanh tịnh’ thì vẫn bất tịnh, cho dù không chạm cũng
không thanh tịnh.
“Này Thuần-đà, thế nào là pháp đen, báo ứng đen,
bất tịnh, quả bất tịnh, gánh nặng chúc xuống... cho đến chạm hay
không chạm, tất cả đều bất tịnh?
“Này Thuần-đà, đối với tất cả chúng sanh cho đến
côn trùng cũng không tránh xa sự sát hại, tay thường tanh máu, tâm thường
suy nghĩ đến đánh đập, sát hại, không hổ, không thẹn, tham lam, keo kiệt.
Đó là nghiệp ác sát sanh.
“Đối với tài vật, làng xóm, đất trống của người,
cũng không xa lìa trộm cắp.
“Đối với những người được bảo hộ của cha mẹ, anh
em, chị em, phu chủ, thân tộc cho đến người trao vòng hoa, mà dùng sức
cưỡng bức, làm mọi việc tà dâm, không lìa bỏ tà dâm.
“Nói dối không chân thật: Hoặc ở chốn vua quan, các
nhà nói chân thật, nơi có nhiều người tụ tập cần lời nói thích đáng, nhưng
lại nói lời không thật; không thấy nói thấy, thấy nói không thấy, không
nghe nói nghe, nghe nói không nghe; biết nói không biết, không biết nói
biết. Vì chính mình, vì người khác, hoặc vì tài lợi, biết mà nói dối không
chịu lìa bỏ.
“Hoặc nói hai lưỡi chia lìa, đem chuyện chỗ này đến
nói chỗ kia, đem chuyện chỗ kia đến nói chỗ này, phá hoại lẫn nhau, làm
cho tan rã sự hòa hợp, khiến kẻ ly gián vui mừng.
“Hoặc không lìa bỏ lời nói thô ác, mắng nhiếc. Có
những lời nói dịu dàng, êm tai, làm vui lòng, rõ ràng dễ hiểu, lời nói
được ưa nghe, được nhiều người yêu mến, hợp ý, tùy thuận tam-muội. Xả bỏ
những lời như vậy mà nói lời gắt gao, cộc cằn, bị nhiều người ghét, không
ưa, không hợp ý, không tùy thuận tam-muội[55].
Nói những lời như vậy, không lìa bỏ lời nói thô. Đó gọi là ác khẩu.
“Hoặc lời nói bại hoại thêu dệt[56],
nói không đúng lúc, nói không thực tế, lời nói vô nghĩa, lời nói phi pháp,
lời nói thiếu suy nghĩ. Nói những lời bại hoại như vậy.
“Không lìa bỏ tham lam; đối với tài vật người khác
khởi tham dục, nói rằng ‘Nếu ta có vật này thì rất tốt’.
“Không xả bỏ sân nhuế tệ ác; trong tâm suy nghĩ,
chúng sanh kia đáng bị trói, đáng bị roi vọt, gậy gộc, đáng giết, muốn cho
nó khó sống.
“Không bỏ tà kiến; điên đảo thấy như vầy: ‘Không có
bố thí, không có quả báo, không có phước, không có điều thiện điều ác,
không có nghiệp thiện ác và quả báo, không có đời này, đời khác, không có
cha mẹ, không có chúng sanh hóa sanh; thế gian không có A-la-hán, không có
các vị chánh hành, chánh hướng[57]
mà trong đời này hay đời khác tự biết tác chứng: ‘Ta, sự sanh đã dứt, phạm
hạnh đã lập, những việc cần làm đã làm xong, tự biết không còn tái sanh
đời sau nữa.’ Này Thuần-đà, đó gọi là pháp đen, báo ứng đen, bất tịnh, quả
bất tịnh, gánh nặng chúc xuống... cho đến cầm lấy hay không cầm lấy
tất cả đều bất tịnh.
“Này Thuần-đà, có pháp trắng, báo ứng trắng, tịnh
và quả tịnh, nhẹ nhàng đi lên. Nếu ai đã tạo thành những thứ này, mà sáng
sớm sờ đất, nói cái này tịnh ta tịnh, thì cũng được thanh tịnh, hay không
sờ, thì cũng được thanh tịnh; và cầm cục phân bò cùng nắm cỏ tươi, nếu
nhân tịnh quả tịnh thì dù có cầm nắm hay không cầm nắm cũng được thanh
tịnh.
“Thuần-đà, thế nào là pháp trắng, báo ứng trắng,
đến, sờ hay không sờ, thì cũng được thanh tịnh?
“Đó là, có nghĩa là người không sát sanh, lìa bỏ
sát sanh, bỏ đao trượng, biết hổ thẹn, thương xót nghĩ đến tất cả chúng
sanh. Không trộm cướp, lìa bỏ trộm cướp, vật cho thì lấy, không cho không
lấy, tâm sạch không tham. Lìa tà dâm hoặc đối người được cha mẹ bảo hộ,...
cho đến người trao vòng hoa đều không cưỡng bức, làm chuyện tà dâm.
Lìa nói dối, căn cứ vào sự thật mà nói. Xa lìa nói hai lưỡi, không đi đến
chỗ này nói chuyện chỗ kia, đến chỗ kia nói chuyện chỗ này, phá hoại lẫn
nhau; đã bị ly gián nên làm hòa hợp, đã hòa hợp nên tùy hỷ. Xa lìa ác
khẩu, không thô rắn, những lời nói ra khiến nhiều người ưa thích. Tránh
lời nói hư hoại, nói lời chân thật, nói đúng lúc, nói đúng sự thật, nói có
ý nghĩa, nói như pháp, nói chánh kiến. Lìa tham dục, đối với của cải, đồ
vật người khác không tưởng là của mình mà sanh tham đắm. Lìa sân nhuế,
không nghĩ đến việc đánh đập, bắt trói, giết hại, gây các tai nạn. Thành
tựu chánh kiến, không thấy điên đảo, nói có bố thí, có quả báo, có phước,
có quả báo thiện hạnh, ác hạnh, có đời này, có cha mẹ, có chúng sanh hóa
sanh, trong đời có A-la-hán, ngay trong đời này hay đời khác mà hiện tại
tự biết tác chứng: ‘Ta, sự sanh đã dứt, phạm hạnh đã lập, những việc cần
làm đã làm xong, tự biết không còn tái sanh đời sau nữa.’ Này Thuần-đà, đó
gọi là pháp trắng, báo ứng trắng, đến, sờ hay không sờ, thì cũng được
thanh tịnh.”
Sau khi gia chủ Thuần-đà nghe những gì Phật dạy,
hoan hỷ, tùy hỷ đảnh lễ ra về.
*
Tôi nghe như vầy:
Một thời Đức Phật ở trong tinh xá Kim sư[59],
tại thành Vương xá. Bấy giờ, có Ba-la-môn vào ngày mười lăm, gội đầu, rồi
thọ trai pháp, đeo tràng hoa dài, khoác áo lụa trắng[60],
tay cầm nắm cỏ tươi đi đến chỗ Phật, cùng Thế Tôn thăm hỏi an úy nhau
xong, ngồi lui qua một bên.
Khi đó Phật bảo Bà-la-môn:
“Ông gội đầu, đeo tràng hoa dài, khoác áo lụa
trắng, đó là pháp của ai vậy?”
Bà-la-môn bạch Phật:
“Thưa Cù-đàm, đó là học pháp xả[61].”
Thế Tôn hỏi Bà-la-môn:
“Thế nào là pháp xả của Bà-la-môn?”
Bà-la-môn bạch Phật:
“Thưa Cù-đàm, cứ vào ngày mười lăm, gội đầu, giữ
gìn trai pháp, đeo tràng hoa dài, khoác áo lụa trắng, tay cầm cỏ tươi, tùy
khả năng mà bố thí, làm phước. Thưa Cù-đàm, đó gọi là Bà-la-môn tu tập
hạnh xả.”
Phật bảo Bà-la-môn:
“Những thực hành về hạnh xả theo pháp luật của Hiền
thánh thì khác ở đây.”
Bà-la-môn bạch Phật:
“Thưa Cù-đàm, vậy sở hành về hạnh xả theo pháp luật
của Hiền thánh như thế nào?”
Phật bảo Bà-la-môn:
“Lìa sát sanh, không thích sát sanh. Nói đầy đủ như
phần thanh tịnh ở trước. Y nơi sự không sát sanh, lìa bỏ sát sanh...
cho đến nói đầy đủ như phần thanh tịnh ở trước. Lìa trộm cướp, không
thích trộm cướp, y nơi sự không trộm cướp, lìa bỏ sự lấy vật không cho.
Lìa tà dâm, không thích tà dâm, y nơi sự không tà dâm, bỏ việc phi phạm
hạnh. Lìa vọng ngữ, không thích vọng ngữ, y nơi sự không nói dối, xả bỏ
lời nói không thật. Lìa hai lưỡi, không thích nói hai lưỡi, y nơi sự không
nói hai lưỡi, xả bỏ hành ly gián. Lìa ác khẩu, không thích ác khẩu, y nơi
sự không ác khẩu, bỏ lời thô ác. Lìa lời thêu dệt, không thích lời thêu
dệt, y nơi sự không nói thêu dệt, bỏ lời vô nghĩa. Đoạn trừ tham dục, xa
lìa khổ tham, y tâm không tham, xả bỏ ái trước. Đoạn trừ sân nhuế, không
sanh phẫn hận, y không giận, xả bỏ sân hận. Tu tập chánh kiến, không khởi
điên đảo, y chánh kiến, xả bỏ tà kiến.
“Này Bà-la-môn, đó gọi là sở hành về hạnh xả theo
Pháp luật của Hiền thánh.”
Bà-la-môn bạch Phật:
“Thưa Cù-đàm, lành thay! Những sở hành về hạnh xả
theo Pháp luật của Hiền thánh.”
Sau khi Bà-la-môn nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ,
tùy hỷ, từ chỗ ngồi đứng dậy ra về.
*
Tôi nghe như vầy:
Một thời Đức Phật ở trong vườn Trúc, khu Ca-lan-đà
tại thành Vương xá. Bấy giờ có Phạm chí Sanh Văn[63]
đi đến chỗ Phật, cùng Phật thăm hỏi an úy xong, ngồi lui qua một bên, bạch
Phật:
“Thưa Cù-đàm, con có người thân tộc rất thương mến,
bỗng nhiên qua đời. Con vì người ấy nên bố thí với tín tâm. Thế nào, bạch
Thế Tôn, người ấy có nhận được không?”
Phật bảo Bà-la-môn:
“Không phải nhất định được. Nếu người thân tộc của
ông sanh vào trong địa ngục, nó sẽ ăn thức ăn của chúng sanh địa ngục để
nuôi sống sanh mạng của nó, chứ không nhận được đồ ăn thức uống mà ông bố
thí với tín tâm. Nếu nó sanh vào súc sanh, ngạ quỷ, hoặc loài người, họ sẽ
được đồ ăn thức uống của loài người, không nhận được đồ bố thí của ông.
“Này Bà-la-môn, trong đường ngạ quỷ có một nơi tên
là Nhập xứ ngạ quỷ[64].
Nếu người thân tộc của ông sanh vào trong Nhập xứ ngạ quỷ kia, thì sẽ nhận
được thức ăn của ông.”
Bà-la-môn bạch Phật:
“Nếu người thân tộc của con không sanh vào trong
đường Nhập xứ ngạ quỷ, thì thức ăn do tín tâm của con bố thí ai sẽ hưởng
được?”
Phật bảo Bà-la-môn:
“Nếu ông với tín tâm bố thí cho người thân tộc,
nhưng họ không sanh vào chốn Nhập xứ ngạ quỷ, thì có những thân tộc quen
biết khác đã sanh vào trong chốn Nhập xứ ngạ quỷ đó sẽ được hưởng.”
Bà-la-môn bạch Phật:
“Thưa Cù-đàm, nếu con vì tín tâm bố thí cho người
thân tộc, nhưng họ không sanh vào trong chốn Nhập xứ ngạ quỷ và cũng không
có các thân tộc quen biết khác sanh vào chốn Nhập xứ ngạ quỷ, thì thức ăn
do lòng tin bố thí đó ai sẽ hưởng?”
Phật bảo Bà-la-môn:
“Giả sử ông vì những thân tộc quen biết mà bố thí,
nhưng họ không sanh vào trong chốn Nhập xứ ngạ quỷ và lại cũng không có
những người quen biết khác sanh vào chốn ngạ quỷ, thì việc bố thí do lòng
tin, tự mình sẽ được phước. Của bố thí do lòng tin của người thí chủ đó,
sẽ không mất đạt-thẩn[65].”
Bà-la-môn bạch Phật:
“Thế nào là thí chủ hành thí, để người bố thí được
đạt-thẩn kia?”
Phật bảo Bà-la-môn:
“Có người sát sanh, làm những việc ác, tay thường
tanh máu,... cho đến mười nghiệp bất thiện, nói đầy đủ như kinh
Thuần-đà. Sau lại bố thí cho Sa-môn, Bà-la-môn,... cho đến
những kẻ ăn xin bần cùng, đều bố thí tiền tài, áo quần, chăn mền, đồ ăn
thức uống, đèn đuốc, những vật dụng trang nghiêm.
“Này Bà-la-môn, thí chủ kia nếu lại phạm giới sanh
trong loài voi, nhưng vì người ấy đã từng bố thí cho Sa-môn, Bà-la-môn
tiền của, áo quần, chăn mền, đồ ăn thức uống cho đến những vật dụng trang
nghiêm, nên tuy ở trong loài voi, nhưng cũng nhận được phước báo nhờ họ đã
bố thí, từ quần áo, đồ ăn thức uống cho đến những vật dụng trang nghiêm.
“Nếu lại sanh vào các loài súc sanh như trâu, ngựa,
lừa, la v.v... nhưng cũng nhờ vào công đức thí ân trước, nên họ ắt sẽ nhận
được phước báo kia tùy theo chỗ sanh tương ứng mà được thọ dụng.
“Này Bà-la-môn, nếu thí chủ kia lại trì giới, không
sát sanh, trộm cướp,... cho đến chánh kiến và bố thí cho các
Sa-môn, Bà-la-môn,... cho đến những kẻ ăn xin nào là tiền của, áo
quần, đồ ăn thức uống, đèn đuốc, nhờ công đức này mà sanh trong loài
người, ngồi hưởng thụ phước báo này, từ áo quần, đồ ăn thức uống... cho
đến những vật dụng như đèn đuốc.
“Lại nữa, này Bà-la-môn, nếu họ lại trì giới, thì
sẽ được sanh lên cõi trời, vì họ nhờ vào những thí ân nên được hưởng những
thứ phước báo về tài bảo, áo quần, đồ ăn thức uống,... cho đến
những vật dụng trang nghiêm cõi trời.
“Này Bà-la-môn, đó gọi là người bố thí hành thí;
khi người bố thí thọ nhận đạt-thẩn, quả báo không mất.”
Sau khi Bà-la-môn Sanh Văn nghe những gì Phật dạy,
hoan hỷ, tùy hỷ, từ chỗ ngồi đứng dậy ra về.
*
Tôi nghe như vầy:
Một thời Đức Phật trú tại
Câu-tát-la du hành trong nhân gian, đang nghỉ trong rừng cây Thân-thứ[66]
phía Bắc làng Bề-la-ma[67].
Bấy giờ, các gia chủ làng Bề-la-ma nghe Thế Tôn đang nghỉ trong rừng cây
Thân-thứ phía Bắc làng. Nghe vậy, họ cùng rủ nhau đến chỗ Phật, đảnh lễ
dưới chân Phật, rồi ngồi lui qua một bên, bạch Phật:
“Bạch Thế Tôn, vì nhân gì, duyên
gì, có những chúng sanh khi mạng chung sanh vào địa ngục?”
Phật bảo các gia chủ Bà-la-môn:
“Vì nhân duyên tạo những hành vi
phi pháp hành, hành vi nguy hiểm hành, nên khi thân hoại mạng chung sẽ
sanh vào địa ngục.”
Các gia chủ Bà-la-môn bạch Phật:
“Những gì là hành vi phi pháp hành,
hành vi nguy hiểm hành, để đến khi thân hoại mạng chung bị sanh vào địa
ngục?”
Phật bảo các gia chủ Bà-la-môn:
“Vì nhân duyên sát sanh... cho
đến tà kiến, đủ mười nghiệp bất thiện.
“Này Bà-la-môn, đó là những hành vi
phi pháp hành, hành vi nguy hiểm hành, nên khi thân hoại mạng chung sẽ
sanh vào địa ngục.”
Bà-la-môn bạch Phật:
“Vì những nhân duyên gì mà chúng
sanh khi thân hoại mạng chung được sanh lên trời?”
Phật bảo các gia chủ Bà-la-môn:
“Vì nhân duyên đã tạo ra những hành
động đúng pháp, hành động chân chánh nên khi thân hoại mạng chung được
sanh lên trời.”
Lại hỏi Thế Tôn:
“Tạo những hành động gì đúng pháp,
những hành động gì chân chánh để khi thân hoại mạng chung được sanh lên
trời?”
Phật bảo các gia chủ Bà-la-môn:
“Là nhân duyên lìa sát sanh...
cho đến chánh kiến, mười nghiệp lành thì khi thân hoại mạng chung được
sanh lên trời.
“Này các gia chủ Bà-la-môn, nếu
người nào có những hành động đúng pháp, hành động chân chánh này, muốn cầu
sanh vào nhà quyền quý Sát-lợi, hoặc dòng họ Bà-la-môn uy thế, dòng họ Cư
sĩ có tiếng, đều được sanh vào đó. Vì sao? Vì nhân duyên hành động đúng
pháp và hành động chân chánh. Hoặc lại muốn sanh vào Tứ thiên vương, Tam
thập tam thiên... cho đến Tha hóa tự tại thiên, đều sẽ được sanh
về. Vì sao? Vì hành động đúng pháp và hành động chân chánh, trì tịnh giới
nên tự nhiên sẽ đạt được tất cả những gì mình muốn. Hoặc lại có người nào
hành động đúng pháp và hành động chân chánh như vậy, mà muốn cầu sanh vào
Phạm thiên thì cũng được sanh về. Vì sao? Vì đã tạo hành động đúng pháp và
chân chánh, trì giới thanh tịnh, tâm lìa ái dục nên sẽ đạt được những sở
nguyện. Hoặc lại muốn cầu sanh về cõi Quang âm, Biến tịnh,... cho đến
A-già-ni-tra cũng lại như vậy. Vì sao? Vì người này trì giới thanh tịnh,
tâm ly dục. Hoặc lại muốn cầu ly dục, pháp ác bất thiện, có giác, có quán,...
cho đến chứng và trụ đệ Tứ thiền, tất cả được thành tựu. Vì sao? Vì
người này hành động đúng pháp và chân chánh, trì giới thanh tịnh, tâm ly
ái dục, nên thành tựu mọi ước nguyện. Muốn cầu Từ, Bi, Hỷ, Xả, Không nhập
xứ, Thức nhập xứ, Vô sở hữu nhập xứ, Phi tưởng phi phi tưởng nhập xứ, tất
cả đều được. Vì sao? Vì hành động đúng pháp và chân chánh, trì giới thanh
tịnh, tâm ly ái dục, nên đạt được mọi ước nguyện. Muốn cầu đoạn tận ba
kết, đắc quả Tu-đà-hoàn, Tư-đà-hàm, A-na-hàm, vô lượng thần thông, thiên
nhĩ, tha tâm trí, túc mạng trí, sanh tử trí, lậu tận trí, tất cả đều đạt
được. Vì sao? Vì hành động đúng pháp và chân chánh, trì giới, ly dục, nên
đạt được mọi ước nguyện.”
Sau khi các gia chủ Bà-la-môn nghe
những gì Phật dạy, hoan hỷ, tùy hỷ, làm lễ rồi ra về.
*
Tôi nghe như vầy:
Một thời Đức Phật trú tại Câu-tát-la du hành trong
nhân gian, đang nghỉ trong rừng cây Thân-thứ phía Bắc làng Bề-la-ma. Bấy
giờ, các gia chủ Bà-la-môn trong làng Bề-la-ma nghe Thế Tôn đang nghỉ
trong rừng cây Thân-thứ làng Bề-la-ma. Nghe vậy, họ đi xe ngựa trắng, có
nhiều tùy tùng theo hai bên, cầm dù lọng cán vàng, bình tắm vàng, ra khỏi
làng Bề-la-ma, đến rừng cây Thân-thứ. Đến đầu đường, họ xuống xe đi bộ,
tiến vào cửa vườn, đến trước Thế Tôn, thăm hỏi an úy nhau xong, ngồi lui
qua một bên, bạch Phật:
“Thưa Cù-đàm, vì nhân gì, duyên gì có người khi
mạng chung sanh vào địa ngục,... cho đến sanh lên trời?” Nói đầy
đủ như kinh trên.
Sau khi các Bà-la-môn Tỳ-la-ma nghe những gì Phật
dạy, hoan hỷ, tùy hỷ, từ chỗ ngồi đứng dậy, ra về.
*
Tôi nghe như vầy:
Một thời Đức Phật trú tại Câu-tát-la du hành trong
nhân gian, đang nghỉ trong rừng cây Thân-thứ, phía Bắc làng Bề-nữu-đa-la[69].
Gia chủ Bà-la-môn làng Bề-nữu-đa-la nghe Phật đang nghỉ nơi này; sau đó rủ
nhau đến rừng cây Thân-thứ, đến trước Thế Tôn thăm hỏi an úy nhau xong,
ngồi lui qua một bên.
Bấy giờ, Thế Tôn bảo gia chủ Bà-la-môn:
“Ta sẽ vì ông nói pháp tự thông[70],
hãy lắng nghe và suy nghĩ kỹ. Những gì là pháp tự thông? Thánh đệ tử nên
học như vầy: Tôi tự nghĩ, nếu có người muốn giết tôi, điều đó tôi không
thích. Cũng như vậy, điều mà nếu tôi không thích người khác cũng không
thích. Tại sao lại giết họ? Nhận ra điều này rồi, sẽ thọ trì sự không sát
sanh, không thích sát sanh. Chi tiết như trên.
“Nếu tôi không thích bị người trộm cướp, người khác
cũng không thích. Vậy tại sao tôi lại trộm cướp đối với người? Cho nên hãy
giữ giới không trộm cướp, không thích việc trộm cướp. Nói như trên.
“Tôi đã không thích người xâm phạm đến vợ tôi,
người khác cũng không thích. Vậy tại sao nay tôi lại xâm phạm đến vợ
người? Cho nên phải giữ giới không tà dâm đối với người. Nói như trên.
“Tôi còn không thích bị người dối gạt, người khác
cũng như thế. Vậy tại sao lại dối gạt người khác? Cho nên, phải giữ giới
không nói dối. Nói như trên.
“Tôi còn không thích người khác chia lìa thân hữu
tôi, người khác cũng như vậy. Vậy tại sao nay tôi lại chia lìa thân hữu
người khác? Cho nên không nói hai lưỡi. Nói như trên.
“Tôi còn không thích người khác nói lời thô ác,
người khác cũng như thế. Vậy tại sao đối với người khác mà lại mạ nhục?
Cho nên đối với người khác không nên nói lời ác khẩu. Nói như trên.
“Tôi còn không thích người nói lời thêu dệt,
người khác cũng như thế. Vậy tại sao đối với người lại nói lời thêu dệt?
Cho nên đối với người khác không nên nói lời thêu dệt. Nói như trên.
“Bảy pháp như vậy gọi là Thánh giới. Lại nữa, thành
tựu tín thanh tịnh bất hoại đối với Phật, thành tựu tín thanh tịnh bất
hoại đối với Pháp, đối với Tăng. Đó gọi là Thánh đệ tử thành tựu bốn bất
hoại tịnh. Tự mình quán sát ngay bây giờ có thể tự ký thuyết, mình không
còn vào địa ngục, không còn vào ngạ quỷ, súc sanh và không còn vào tất cả
đường ác; đạt được pháp Tu-đà-hoàn, không rơi vào pháp đường ác, quyết
định thẳng đến Chánh giác, chỉ còn bảy lần qua lại cõi trời, người, cứu
cánh biên tế khổ.”
Sau khi gia chủ Bà-la-môn làng Bề-nữu nghe những gì
Phật dạy, hoan hỷ, tùy hỷ, từ chỗ ngồi đứng dậy ra về.
*
Tôi nghe như vầy:
Một thời Đức Phật ở trong vườn Cấp cô độc, rừng cây
Kỳ-đà, tại nước Xá-vệ. Bấy giờ Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
“Có những pháp thân cận[72],
hãy lắng nghe và suy nghĩ kỹ, Ta sẽ vì các ông giảng nói:
“Những gì là pháp thân cận? Người sát sanh thân cận
người sát sanh. Trộm cắp, tà dâm, vọng ngữ, nói hai lưỡi, nói lời ác, nói
thêu dệt, tham, sân, tà kiến, chúng tùy theo loại thân cận nhau. Thí như
vật bất tịnh cùng với vật bất tịnh tự hòa hợp nhau; cũng như vậy, sát sanh
cùng sát sanh... cho đến tà kiến cùng tà kiến, tự thân cận nhau.
Cũng vậy Tỳ-kheo, không sát sanh cùng với không sát sanh thân cận nhau...
cho đến chánh kiến cùng với chánh kiến thân cận nhau. Thí như vật tịnh
cùng vật tịnh hòa hợp nhau; sữa sanh lạc, lạc sanh tô, tô sanh đề hồ, đề
hồ tự hòa hợp nhau. Cũng vậy, không sát sanh cùng với không sát sanh thân
cận nhau... cho đến chánh kiến cùng với chánh kiến thân cận nhau.
Đó gọi là pháp thân cận nhau của Tỳ-kheo.”
Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì
Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
*
Tôi nghe như vầy:
Một thời Đức Phật ở trong vườn Cấp cô độc, rừng cây
Kỳ-đà, tại nước Xá-vệ. Bấy giờ Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
“Có pháp rắn bò[74],
hãy lắng nghe và suy nghĩ kỹ, Ta sẽ vì các ông giảng nói.
“Thế nào là pháp rắn bò? Sát sanh, làm ác, tay
thường tanh máu,... cho đến mười nghiệp ác, nói đầy đủ như kinh
Thuần-đà trước. Lúc bấy giờ người ấy bò trườn với thân, bò trườn với
miệng, bò trườn với ý. Khi bò trườn với thân, bò trườn với miệng, bò trườn
với ý như vậy, một trong hai đường người đó đang hướng đến là địa ngục
hoặc súc sanh. Chúng sanh bò trườn, là chỉ các loài chúng sanh đi bằng
bụng như rắn, chuột, mèo, chồn. Đó gọi là pháp rắn bò.
“Thế nào là pháp không phải rắn bò? Không sát sanh...
cho đến chánh kiến, nói đầy đủ về mười nghiệp thiện như kinh Thuần-đà
trước. Đó gọi là pháp không phải rắn bò. Khi thân không phải rắn bò, miệng
không phải rắn bò, ý không phải rắn bò, thì một trong hai đường họ sẽ sanh
về là cõi trời hoặc cõi người. Đó gọi là pháp không phải rắn bò.”
Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì
Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
*
Tôi nghe như vầy:
Một thời Đức Phật ở trong vườn Cấp cô độc, rừng cây
Kỳ-đà, tại nước Xá-vệ. Bấy giờ Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
“Có nhân nghiệp ác, nhân tâm ác, nhân kiến ác. Nếu
chúng sanh nào có nhân như vậy, khi thân hoại mạng chung chắc chắn rơi vào
địa ngục, đường ác. Giống như ném hạt châu tròn[76]
vào hư không, sẽ rơi lại xuống đất lăn đi, không đình trú tại một chỗ[77].
Cũng vậy, nhân nghiệp ác, nhân tâm ác, nhân kiến ác, khi thân hoại mạng
chung chắc sẽ rơi vào địa ngục không có chỗ đình trú[78].
“Thế nào là nghiệp ác? Sát sanh... cho đến
nói lời thêu dệt, nói đầy đủ như trên. Đó gọi là nghiệp ác.
“Thế nào là tâm ác[79]?
Tâm tham, tâm sân nhuế, nói đầy đủ như trên. Đó gọi là tâm ác.
“Thế nào là kiến ác? Tà kiến điên đảo, nói đầy đủ
như trên. Đó gọi là kiến ác. Đây gọi là nhân nghiệp ác, nhân tâm ác, nhân
kiến ác, khi thân hoại mạng chung, chắc sẽ rơi vào địa ngục, đường ác. Nếu
nhân nghiệp thiện, nhân tâm thiện, nhân kiến thiện, khi thân hoại mạng
chung, chắc sẽ được sanh về cõi trời, đường lành.
“Này Bà-la-môn, thế nào là nghiệp thiện? Lìa sát
sanh, không ưa sát sanh,... cho đến không nói lời thêu dệt. Đó gọi
là nghiệp thiện.
“Thế nào là tâm thiện? Không tham, không sân, đó
gọi là tâm thiện.
“Thế nào là kiến thiện? Chánh kiến, không điên đảo...
cho đến kiến không tái sanh đời sau. Đó gọi là kiến thiện. Đây gọi là
nhân nghiệp thiện, nhân tâm thiện, nhân kiến thiện, khi thân hoại mạng
chung chắc sẽ được sanh về cõi trời. Giống như ném hạt ma ni có bốn phương[80]
vào hư không, nó rơi chỗ nào sẽ nằm yên chỗ đó; cũng vậy ba nhân thiện kia
tùy thuộc vào chỗ thọ sanh mà an ổn.
Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì
Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
*
Tôi nghe như vầy:
Một thời Đức Phật ở trong vườn Cấp cô độc, rừng cây
Kỳ-đà, tại nước Xá-vệ. Bấy giờ Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
“Nếu người sát sanh, mà tập nhiều, hành nhiều, sẽ
sanh vào địa ngục. Nếu sanh vào loài người, sẽ bị chết yểu. Sự lấy của
không cho được tập nhiều, hành nhiều, sẽ rơi vào địa ngục. Nếu sanh vào
loài người, tiền của nhiều khó khăn. Sự tà dâm được tập nhiều, hành nhiều,
sẽ rơi vào địa ngục. Nếu sanh vào loài người, vợ con của nó bị người xâm
phạm. Sự nói dối tập nhiều, hành nhiều, sẽ sanh vào địa ngục. Nếu sanh vào
loài người, sẽ bị người khác chê bai luôn. Sự nói hai lưỡi được tập nhiều,
hành nhiều, sẽ sanh vào địa ngục. Nếu sanh vào loài người, sẽ bị bạn bè
thân hữu xa lìa, chia rẽ. Sự nói thô ác được tập nhiều, hành nhiều, sẽ
sanh vào địa ngục. Nếu sanh vào loài người, thường nghe những tiếng xấu.
Sự nói lời thêu dệt được tập nhiều, hành nhiều, sẽ sanh vào địa ngục. Nếu
sanh vào loài người, lời nói không được tin dùng. Tham dục được tập nhiều,
hành nhiều, sẽ sanh vào địa ngục. Nếu sanh vào loài người, tham dục kia sẽ
tăng trưởng. Sân nhuế được tập nhiều, hành nhiều, sẽ sanh vào địa ngục.
Nếu sanh vào loài người, sân nhuế kia sẽ tăng trưởng. Tà kiến được tập
nhiều, hành nhiều, sẽ sanh vào địa ngục. Nếu sanh vào loài người, ngu si
kia sẽ tăng trưởng.
“Nếu sự lìa bỏ sát sanh được tu tập, tu tập nhiều,
sẽ được sanh lên trời. Nếu sanh vào loài người, chắc sẽ được sống lâu. Nếu
sự lìa bỏ trộm cướp được tu tập, tu tập nhiều, sẽ được sanh lên trời. Nếu
sanh vào loài người, tiền tài sẽ không mất. Nếu sự không tà dâm được tu
tập, tu tập nhiều, sẽ được sanh lên trời. Nếu sanh vào loài người, vợ con
sẽ thuần lương. Nếu sự không nói dối được tu tập, tu tập nhiều, sẽ được
sanh lên trời. Nếu sanh vào loài người, sẽ không bị chê bai. Nếu sự không
nói hai lưỡi được tu tập, tu tập nhiều, sẽ được sanh lên trời. Nếu sanh
vào loài người, thân hữu sẽ bền vững. Nếu sự không nói lời ác được tu tập,
tu tập nhiều, sẽ được sanh lên trời. Nếu sanh vào loài người, sẽ được nghe
những âm thanh dịu dàng. Nếu sự không nói lời thêu dệt được tu tập, tu tập
nhiều, sẽ được sanh lên trời. Nếu sanh vào loài người, lời nói sẽ được tin
dùng. Nếu sự không tham lam được tu tập, tu tập nhiều, sẽ được sanh lên
trời. Nếu sanh vào loài người, ái dục sẽ không tăng trưởng. Nếu sự không
sân nhuế được tu tập, tu tập nhiều, sẽ được sanh lên trời. Nếu sanh vào
loài người, sân nhuế sẽ không tăng trưởng. Nếu chánh kiến được tu tập, tu
tập nhiều, sẽ được sanh lên trời. Nếu sanh làm người, ngu si sẽ không tăng
trưởng.”
Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì
Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
*
Tôi nghe như vầy:
Một thời Đức Phật ở trong vườn Cấp cô độc, rừng cây
Kỳ-đà, tại nước Xá-vệ. Bấy giờ Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
“Sát sanh có ba thứ: Sanh khởi từ tham, sanh khởi
từ sân, sanh khởi từ si,... cho đến tà kiến cũng có ba thứ: Sanh
khởi từ tham, sanh khởi từ sân, sanh khởi từ si.
“Lìa sát sanh cũng có ba thứ: Sanh khởi từ không
tham, sanh khởi từ không sân, sanh khởi từ không si,... cho đến lìa
tà kiến cũng có ba thứ: Sanh khởi từ không tham, sanh khởi từ không sân,
sanh khởi từ không si.”
Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì
Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
*
Tôi nghe như vầy:
Một thời Đức Phật ở trong vườn Cấp cô độc, rừng cây
Kỳ-đà, tại nước Xá-vệ. Bấy giờ Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
“Nói là có pháp xuất và pháp xuất không xuất[84].
Những gì là pháp xuất và pháp xuất không xuất? Nghĩa là không sát sanh, là
sự xuất ly đối với sát sanh,... cho đến chánh kiến, là sự xuất ly
đối với tà kiến.”
Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì
Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
*
Tôi nghe như vầy:
Một thời Đức Phật ở trong vườn Trúc, khu Ca-lan-đà
tại thành Vương xá. Bấy có Bà-la-môn Sanh Văn đến chỗ Phật, đảnh lễ dưới
chân Phật, rồi ngồi lui qua một bên, bạch Phật:
“Thưa Cù-đàm, được nói là bờ này, bờ kia. Thế nào
là bờ này? Thế nào là bờ kia?”
Phật bảo Bà-la-môn:
“Sát sanh là bờ này; không sát sanh là bờ kia. Tà
kiến là bờ này; chánh kiến là bờ bên kia.”
Bấy giờ Thế Tôn liền nói kệ:
Một ít người
tu thiện,
Có thể qua bờ
kia;
Tất cả mọi chúng sanh,
Chạy rông bờ bên này.
Đối Chánh pháp luật này,
Nếu quán pháp, tướng
pháp;
Thì họ qua bờ kia,
Hàng phục
bọn ma chết.
Sau khi Bà-la-môn Sanh Văn nghe
những gì Phật dạy, hoan hỷ tùy hỷ, từ chỗ ngồi đứng dậy ra về.
Cũng
vậy, ba kinh: Những gì Tỳ-kheo khác hỏi, Tôn giả A-nan hỏi và Phật hỏi các
Tỳ-kheo, cũng nói như trên.
*
Tôi nghe như vầy:
Một thời Đức Phật ở trong vườn Cấp cô độc, rừng cây
Kỳ-đà, tại nước Xá-vệ. Bấy giờ Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
“Có pháp ác, có pháp chân thật[87].
Hãy lắng nghe và suy nghĩ kỹ, Ta sẽ vì các ông giảng nói:
“Thế nào là pháp ác? Sát sanh, trộm cướp, tà dâm,
nói dối, nói hai lưỡi, nói ác khẩu, nói thêu dệt, tham, sân, tà kiến. Đó
gọi là pháp ác.
“Thế nào là pháp chân thật? Lìa sát sanh,... cho
đến chánh kiến. Đó gọi là pháp chân thật.”
Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì
Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
*
Tôi nghe như vầy:
Một thời Đức Phật ở trong vườn Cấp cô độc, rừng cây
Kỳ-đà, tại nước Xá-vệ. Bấy giờ Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
“Có pháp ác, pháp ác ác, có pháp chân thật, pháp
chân thật chân thật[89].
Hãy lắng nghe và suy nghĩ kỹ, Ta sẽ vì các ông giảng nói:
“Thế nào là pháp ác? Sát sanh,... cho đến tà
kiến. Đó gọi là pháp ác.
“Thế nào là pháp ác ác? Tự sát sanh, dạy người sát
sanh,... cho đến tự khởi tà kiến, lại đem tà kiến dạy người làm. Đó
gọi là pháp ác ác.
“Thế nào là pháp chân thật? Lìa sát sanh,... cho
đến chánh kiến.
“Thế nào là pháp chân thật chân thật? Tự mình không
sát sanh, dạy người không sát sanh,... cho đến tự mình thực hành
chánh kiến, lại đem chánh kiến dạy cho người thực hành. Đó gọi là pháp
chân thật chân thật.”
Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì
Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
*
Tôi nghe như vầy:
Một thời Đức Phật ở trong vườn Cấp cô độc, rừng cây
Kỳ-đà, tại nước Xá-vệ. Bấy giờ Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
“Có người nam bất thiện và người nam thiện[91].
Hãy lắng nghe và suy nghĩ kỹ, Ta sẽ vì các ông giảng nói.
“Thế nào là người nam bất thiện? Người sát sanh,...
cho đến người tà kiến. Đó gọi là người nam bất thiện.
“Thế nào là người nam thiện? Người không sát sanh,...
cho đến chánh kiến. Đó gọi là người nam thiện.”
Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe nhũng gì
Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
*
Tôi nghe như vầy:
Một thời Đức Phật ở trong vườn Cấp cô độc, rừng cây
Kỳ-đà, tại nước Xá-vệ. Bấy giờ Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
“Có người nam bất thiện; có người nam bất thiện hơn
người nam bất thiện; có người nam thiện; có người nam thiện hơn người nam
thiện. Các Tỳ-kheo hãy lắng nghe và suy nghĩ kỹ, Ta sẽ vì các ông giảng
nói.
“Thế nào là người nam bất thiện? Người sát sanh,...
cho đến người tà kiến. Đó gọi là người nam bất thiện.
“Thế nào là người nam bất thiện hơn người nam bất
thiện? Người tự tay sát sanh, rồi dạy người sát sanh,... cho đến tự
thực hành tà kiến, rồi dạy người thực hành tà kiến. Đó gọi là người nam
bất thiện hơn người nam bất thiện.
“Thế nào là người nam thiện? Người không sát sanh...
cho đến chánh kiến. Đó gọi là người nam thiện.
“Thế nào là người nam thiện hơn người nam thiện? Tự
mình không sát sanh và dạy người không sát sanh,... cho đến tự thực
hành chánh kiến, lại đem chánh kiến dạy người khác thực hành. Đó gọi là
người nam thiện.”
Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì
Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
*
Tôi nghe như vầy:
Một thời Đức Phật ở trong vườn Cấp cô độc, rừng cây
Kỳ-đà, tại nước Xá-vệ. Bấy giờ Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
“Nếu người nào thành tựu mười pháp, như mâu sắt đâm
xuống nước; người kia khi thân hoại mạng chung sẽ hạ nhập vào địa ngục,
đường ác. Những gì là mười? Đó là sát sanh... cho đến tà kiến. Nếu
người nào thành tựu mười pháp, như mâu sắt chĩa lên hư không; khi thân
hoại mạng chung được sanh lên trời. Những gì là mười? Đó là không sát sanh...
cho đến chánh kiến.
Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì
Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
*
Tôi nghe như
vầy:
Một thời Đức Phật ở trong vườn Cấp cô độc, rừng cây
Kỳ-đà, tại nước Xá-vệ. Bấy giờ Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
“Nếu người nào thành tựu hai mươi pháp, như mâu sắt
đâm xuống nước, khi thân hoại mạng chung sẽ sanh vào địa ngục, đường ác.
Những gì là hai mươi? Tự tay sát sanh, bảo người sát sanh,... cho đến
tự mình hành tà kiến, lại dùng tà kiến dạy người hành. Đó gọi là thành tựu
hai mươi pháp, như mâu sắt đâm xuống nước, khi thân hoại mạng chung sẽ hạ
sanh vào địa ngục, đường ác.
“Nếu người nào thành tựu hai mươi pháp, giống như
mâu sắt chĩa lên hư không, khi thân hoại mạng chung sẽ được sanh lên trên
trời. Những gì là hai mươi? Tự mình không sát sanh, dạy người không sát
sanh,... cho đến tự mình hành chánh kiến, lại đem chánh kiến dạy
người khác hành. Đó gọi là thành tựu hai mươi pháp, như mâu sắt chĩa lên
hư không, khi thân hoại mạng chung sẽ được sanh lên trên trời.”
Phật nói kinh nay xong, các Tỳ-kheo nghe những gì
Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
*
Tôi nghe như vầy:
Một thời Đức Phật ở trong vườn Cấp cô độc, rừng cây
Kỳ-đà, tại nước Xá-vệ. Bấy giờ Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
“Có ba mươi pháp, nếu người nào thành tựu, như mâu
sắt đâm xuống nước, khi thân hoại mạng chung sẽ hạ sanh vào địa ngục,
đường ác. Những gì là ba mươi? Tự mình sát sanh, dạy người sát sanh và
khen ngợi sát sanh,... cho đến tự mình hành tà kiến, lại đem tà
kiến dạy người khác hành và thường khen ngợi người hành tà kiến. Đó gọi là
thành tựu ba mươi pháp, như mâu sắt đâm xuống nước, khi thân hoại mạng
chung sẽ hạ sanh vào địa ngục, đường ác.
“Có ba mươi pháp, nếu người nào thành tựu, giống
như mâu sắt chĩa lên hư không, khi thân hoại mạng chung sẽ được sanh lên
trên trời. Những gì là ba mươi? Tự mình không sát sanh, dạy người không
sát sanh và thường khen ngợi công đức không sát sanh,... cho đến tự
mình hành chánh kiến, lại đem chánh kiến dạy người hành và khen ngợi công
đức chánh kiến. Đó gọi là thành tựu ba mươi pháp, như mâu sắt chĩa lên hư
không, khi thân hoại mạng chung sẽ được sanh lên trên trời.”
Các Tỳ-kheo nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ phụng
hành.
*
Tôi nghe như vầy:
Một thời Đức Phật ở trong vườn Cấp cô độc, rừng cây
Kỳ-đà, tại nước Xá-vệ. Bấy giờ Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
“Có bốn mươi pháp, nếu thành tựu bốn mươi pháp này,
như giáo sắt ném xuống nước, khi thân hoại mạng chung sẽ hạ sanh vào địa
ngục, đường ác. Những gì là bốn mươi? Tự mình sát sanh, dạy người sát
sanh, khen ngợi sát sanh, thấy người sát sanh sanh lòng hoan hỷ theo,...
cho đến tự mình hành tà kiến, dạy người khác hành, khen ngợi tà kiến,
thấy hành tà kiến sanh lòng hoan hỷ theo. Đó gọi là thành tựu bốn mươi
pháp thì sẽ như giáo sắt ném xuống nước, khi thân hoại mạng chung sẽ hạ
sanh vào địa ngục, đường ác.
“Có bốn mươi pháp, nếu thành tựu bốn mươi pháp, như
giáo sắt chĩa lên không, khi thân hoại mạng chung được sanh lên trên trời.
Những gì là bốn mươi? Tự mình không sát sanh, dạy người không sát sanh,
miệng thường khen ngợi công đức không sát sanh, thấy người không sát sanh,
sanh lòng hoan hỷ theo,... cho đến tự mình hành chánh kiến, dạy
người khác hành, thường khen ngợi công đức chánh kiến, thấy người hành
chánh kiến sanh lòng hoan hỷ theo. Đó gọi là thành tựu bốn mươi pháp, như
giáo sắt chĩa lên không, khi thân hoại mạng chung sẽ được sanh lên trên
trời.”
Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì
Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
*
Tôi nghe như vầy:
Một thời Đức Phật ở trong vườn Cấp cô độc, rừng cây
Kỳ-đà, tại nước Xá-vệ. Bấy giờ Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
“Có phi pháp, có chánh pháp. Hãy lắng nghe và suy
nghĩ kỹ, Ta sẽ vì các ông giảng nói:
“Thế nào là phi pháp? Sát sanh,... cho đến
tà kiến. Đó gọi là phi pháp.
“Thế nào là chánh pháp? Không sát sanh,... cho
đến chánh kiến. Đó gọi là chánh pháp.”
Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì
Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
*
Tôi nghe như vầy:
Một thời Đức Phật ở trong vườn Cấp cô độc, rừng cây
Kỳ-đà, tại nước Xá-vệ. Bấy giờ Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
“Có phi luật, có chánh luật. Hãy lắng nghe và suy
nghĩ kỹ, Ta sẽ vì các ông giảng nói:
“Thế nào là phi luật? Sát sanh,... cho đến
tà kiến. Đó gọi là phi luật.
“Thế nào là chánh luật? Không sát sanh,... cho
đến chánh kiến. Đó gọi là chánh luật.”
Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì
Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
Giống như Phi luật và chánh luật; cũng
thế Phi Thánh và Thánh, Bất thiện và thiện, Phi thân cận và thân cận,
Chẳng lành thay và lành thay, Hắc pháp và bạch pháp, Phi nghĩa và chánh
nghĩa, Pháp kém và pháp hơn, Pháp tội và pháp không tội, Pháp bỏ và pháp
không bỏ, tất cả đều nói như trên.[99]
*
[1].
Quốc
Dịch,
quyển
31, “Tụng
vi.
Tám
chúng,
3. Tương
ưng
Bệnh,
phẩm
2”, hai mươi kinh,
Đại
Chánh,
1023-1038; –Ấn Thuận, “Tụng vii. Như Lai, 50. Tương ưng
Bệnh” hai mươi kinh, Đại Chánh, quyển 47 (nửa sau) 1265-1266; quyển
37, 1023-1038. Pāli, A. 6. 65.
Phagguna.
[2].
Phả-cầu-na 叵求那.
Pāli: Phagguna..
[3].
Vô
thượng
ái
tận
giải
thoát
無上愛盡解.
Bản Pāli: anuttare ca
kho upadhisaṅkhaye (cittaṃ
vimuttaṃ),
(tâm giải thoát) trong sự đoạn tận hữu dư y tối thượng.
[4].
Pāli: ayaṃ… chaṭṭho
ānisaṃso,
đây
là
lợi
ích
thứ
sáu.
[5].
Pāli, S. 22. 88. Assaji.
[6].
A-thấp-ba-thệ
阿濕波誓.
Pāli:
Assaji.
[8].
Hán: biến hối
變悔.
Pāli: kacci te assaji na kiñci kukkccaṃ na koci
vippaṭisāro ti, “Ngươi không có điều gì hối hận, phân vân
chăng?”
[9].
Hán:
thân tức lạc chánh thọ
身息樂正受.
Pāli: passambhetvā kāyasaṅkhāre:
làm
cho
thân
hành êm dịu (an chỉ).
[10].
Tham
chiếu Pāli:...
gelāne
passambhetvā viharāmi sohaṃ samādhiṃ nappaṭilabhāti,
trong
khi
bệnh,
con
cố
gắng,
rất
cố
gắng
an
chỉ
thân
hành,
do
đó
không
đạt
được
chánh
định
(tam-muội).
[11].
Sai-ma-ca
tu-đa-la
差摩迦修多羅. Ấn
Thuận,
kinh
13362, “50. Tương
ưng
Bệnh”.
Có
tên
kinh,
nhưng
không
có
nội
dung.
Cf. S.22.89.Khemaka.
[12].
Pāli,
S.35.74.
Gilāna.
[13].
Xem
cht.8
kinh
1024 trên.
[15].
Thọ
đệ
nhất
ký
受第一記;
đây chỉ sự xác nhận đã chứng quả A-la-hán.
[16].
Pāli,
S.
35. 75. Gilāna
(nội
dung
không
hoàn
toàn
nhất
trí).
[17].
Không
thấy
Pāli
tương
đương.
[18].
Pāli,
S.
36. 7.
Gelañña.
[19].
Già-lê-lệ
giảng
đường
伽梨隸講堂.
Pāli: Gilānasālā,
bệnh
xá.
[20].
Hán:
tùy
thuận
chi
giáo
隨順之教,
hay
tùy
thuận
giáo,
tức
sự
giáo
huấn
hay
giáo
giới.
Pāli:
anusāsanī.
[21].
Tham
dục
sử,
tức
dục
tùy
miên.
[22].
Nghĩa
là,
không
còn
tùy
miên,
tức
tùy
tùng
miên
phục:
không
còn
nằm
phục
hay
tiềm
phục.
[23].
Pāli, S. 36. 8.
Gelañña (2).
[24].
Xem cht.19 kinh 1028.
[25].
Không thấy Pāli
tương đương.
[26].
Pāli, S.55. 27.
Anāthapiṇḍika(2).
[27].
Pāli, S. 55. 26.
Anāthapiṇḍika(1);
Cf. M. 143. Anāthapiṇḍikovāda. Tham
chiếu, Hán, N0125
(51.8).
[28].
Hán: khiếp liệt
怯劣.
Pāli: olīyasi … saṃsīdasi…?
“Ông đang bám chặt (sự sống) chăng? Đang chìm xuống (sự chết) chăng?
[29].
Bản Hán, Ấn Thuận phân thành hai kinh: 13371,
13372. Pāli, S.55.53.
Dhammadinna.
[30].
Pāli, S. 55. 3.
Dīghāvu.
[31].
Trường Thọ đồng tử
長壽童子.
Pāli: Dīghāvu upasako,
Ưu-bà-tắc Trường Thọ.
[32].
Pāli: cha vijjā
bhāgiyādhammā, sáu pháp thuận minh phần,
dẫn đến minh trí.
[33].
Thọ Đề
樹提.
Pāli: Jotika, cha của
Dīghāvu. Bản Hán
nói là ông nội.
[34].
Không thấy Pāli
tương đương.
[35].
Bà-tẩu trưởng giả
婆藪長者.
[36].
Đạt-ma-đề-na
達摩提那.
Tức Đạt-ma-đề-ly, xem kinh 1033 trên.
[37].
Pāli, S. 55. 39.
Kāḷigodha.
[38].
Sa-la họ Thích
釋氏沙羅.
Pāli: Kaḷīgodhā Sākyāni, Thích nữ
Kaḷīgodhā.
[40].
Không thấy Pāli
tương đương.
[41].
Na-lê, hay Na-lê-ca, xem các kinh 301, 854,
926, 959.
[43].
Xem kinh 1035 trên.
[44].
Pāli, S. 47. 30.
Mānadinna.
[45].
Ma-na-đề-na
摩那提那.
Pāli: Mānadinno gahapati.
[46].
Bản Pāli:
bệnh nặng.
[47].
A-lê 阿梨 .
Pāli: ayyo (=
ariya), xưng hô của tớ đối với chủ.
[48].
Quốc Dịch, “Tụng vi. Tám chúng; 4. Tương ưng
Ứng báo”. Ấn Thuận, “Tụng vii. Như Lai sở thuyết; 51. Tương ưng Nghiệp
báo”; gồm ba mươi lăm kinh: 13378-13404; Đại Chánh 1039-1061.
Pāli, A. 10. 176.
Cunda.
[49].
Bản Pāli:
pāvāyaṃ viharati
cundassa kammāraputassa ambavane,
trú tại Pāvā
trong rừng xoài của
Cunda, con trai người thợ rèn (hay thợ
vàng?).
[50].
Thuần-đà trưởng giả
淳陀長者.
Pāli: xem chú thích 48 trên.
[51].
Tịnh hạnh
淨行.
Pāli: soceyya, sự
thanh khiết, thanh tịnh.
[52].
Tỳ-thấp-bà thiên
毘濕波天,
phiên âm Skt. Vizva của
Rig-veda, về sau, được chỉ cho thần
Viznu. Chi tiết này không có trong bản
Pāli.
[53].
Pāli:
brāhmaṇā pacchābhūmakā kamaṇḍalukā sevālamālikā
aggiparicārikā udakorohakā soceyyāni paññapenti,
những người Bà-la-môn ở phương Tây, mang
theo bình nước, đeo vòng hoa huệ, thờ lửa, thường xuyên tắm gội, cử
hành các lễ thanh tẩy.
[54].
Bản Nguyên Minh: man
鬘 .
Bản Cao-ly: phát
髮.
Bản Tống tu
鬚.
[55].
Pāli: asamādhi-saṃvattanikā,
(lời nói) khiến mất định.
[56].
Ỷ sức hoại ngữ
綺飾壞語 .
Pāli: samphappalāpī,
tạp uế ngữ.
[57].
Nguyên Hán: đẳng thú đẳng hướng
等趣等向.
Pāli: sammaggatā sammāpaṭipannā.
[58].
Pāli, A. 10. 167.
Paccorohaṇī.
[59].
Xem cht.49 kinh 1039.
[60].
Xem cht.53 kinh 1039.
Pāli: tadahuposathe
sīsaṃnhāto navaṃ khomâyugṃ nivattho, vào ngày trai giới, gội
đầu, khoác cặp áo lụa
khoma.
[61].
Xả pháp
捨法.
Pāli: paccorohaṇī,
lễ Đi xuống; một nghi thức cúng tế Lửa của Bà-la-môn.
[62].
Pāli, A. 10. 177.
Jāṇussoṇi.
[63].
Sanh Văn Phạm chí
生聞梵志.
Pāli: Jāṇussoṇi brāhmaṇo.
[64].
Nhập xứ ngạ quỷ
入處餓鬼.
Pāli: petavisayaṃ,
cảnh giới ngạ quỷ.
[65].
Đạt-thẩn
達嚫.
Từ phiên âm; Pāli:
dakkhiṇā,
cũng dịch là cúng vật, thí vật.
Phẩm vật cúng dường hay bố thí được cúng cho Tăng sau khi đã thọ trai.
Đây chỉ sự thuyết pháp, chú nguyện hay hồi hướng của Tăng đối với vật
được cúng dường.
[66].
Thân-thứ lâm
身恕林. Pāli: siṃsapa-vana,
rừng cây siṃsapa, một loại cây lớn, tên
khoa học Dalbergiasisu.
[67].
Bề-la-ma tụ lạc
鞞羅磨聚落.
Pāli: Velāma
(?).
[68].
Pāli, S. 55. 7.
Veơudvāreyyā.
[69].
Bề-nữu-đa-la
鞞紐多羅.
Pāli: Veḷudvāraṃ nāma Kosalānaṃ brāhmaṇagāmo,
thôn Bà-la-môn thuộc nước
Kosala.
[70].
Tự thông chi pháp
自通之法.
Pāli: attupanāyika dhammapariyāya, pháp
môn liên hệ đến bản thân (tự ngã); chỉ sự tự tu dưỡng để được tự lợi
ích.
[71].
Pāli, A. 10. 199. Sevitabba-bahupuñña.
[72].
Tương tập cận pháp
相習近法.
Pāli: āsevitabbadhamm, cần được thân
cận, cần được phục vụ.
[73].
Pāli, A. 10. 205. Saṃsappaniya.
[74].
Xà hành pháp
蛇行法. Pāli:
saṃsapanīya-dhammapariyā, pháp môn quanh co, bò trườn như rắn
bò.
[75].
Pāli, A. 10. 206. Mani.
[76].
Viên châu 圓珠.
Pāli: apaṇṇaka
maṇi, viên ngọc ma-ni hoàn hảo.
[77].
Pāli: yena yevena patiṭṭhāti supatiṭṭhitaṃyeva
patiṭṭhāti, dừng chỗ nào thì đứng im tại chỗ đó.
[78].
Vô trú xứ
無
住
處
. Xem liên hệ thí dụ trên.
[79].
Ác tâm. Pāli: akusalasañcetān,
tư duy, ý chí bất thiện; bất thiện tư niệm.
[80].
Tứ phương ma-ni
四方摩尼;
ngọc ma ni có 4 phương? Pāli:
apaṇṇaka maṇi? Xem cht.77 trên.
[81].
Pāli, A. 10. 206. Maṇi.
[82].
Pāli, A. 10. 174. Hetu.
[83].
Pāli, A. 10. 175. Parikkamma.
[84].
Xuất pháp xuất bất xuất pháp
出法。出不出法.
Pāli: saparikkammo... ayaṃ dhammo… nāyaṃ dhammo
parikkammo, pháp này có thoát ly; pháp này không phải
không thoát ly.
[85].
Pāli, A. 10. 170. Tīra.
[86].
Pāli, A. 10. 191. Saddhamma.
[87].
Ác pháp, chân thật pháp
惡法真實法.
Pāli: saddhammañca,
asaddhammañca,
pháp vi diệu và pháp không vi diệu.
[88].
Pāli, A. 4. 207-210. Pāpadhammā.
[89].
Ác pháp ác ác pháp, chân thật pháp chân thật chân thật pháp
惡法惡惡法,真實法真實真實法.
Pāli: Pāli:
pāpadhammañca pāpadhammena pāpadhamma-tarañca; kalyāṇadhammañca
kalyāṇadhammena kalyāṇadhammatarañca,
pháp ác và pháp ác hơn pháp ác; pháp thiện lương và pháp thiện lương
hơn pháp thiện lương.
[90].
Pāli, A. 10. 192. Sappurisadhamma.
[91].
Bất thiện nam tử thiện nam tử
不善男子善男子.
Pāli: asappurisadhamma, sappurisa-dhamma,
pháp không phải thiện sĩ, pháp thiện sĩ.
[92].
Pāli, A. 4. 201.
Sikkhāpada.
[93].
Pāli, A. 10. 210.
Dasa-dhammā.
[94].
Pāli, A. 4. 211.
Vīsati-dhammā.
[95].
Pāli, A. 4. 212.
Tiṃsā-dhammā.
[96].
Pāli, A. 10. 213.
Cattārīsa-dhammā.
[97].
Pāli, A. 10. 198.
Sacchikātabba.
[98].
Pāli, A. 10.
Sādhu.
[99].
Tóm tắt có chín kinh.