Tịnh độ
Niệm Phật Cách Nào Chắc Được Vãng Sinh?
Tịnh Hải
04/07/2555 02:00 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng
Niệm Phật Cách Nào Chắc Được Vãng Sinh?
Mục lục
Xem toàn bộ


Đây là một chương vô cùng tối quan trọng. Nó quan trọng ở câu nói của Đức Thế Tôn trong Kinh Niệm Phật Ba-La-Mật rằng:

"Bởi vậy mà ta, Thích Ca Mâu Ni Thế Tôn, hôm nay trân trọng xác quyết: "VÃNG SANH ĐỒNG Ý NGHĨA VỚI THÀNH PHẬT, VÌ VÃNG SANH TỨC LÀ THÀNH PHẬT". (Phẩm Thứ Hai trang 30)

Và kế-tiếp theo có các câu thật quan trọng như:

"Muốn Vãng Sanh Cực-Lạc chỉ cần xưng niệm danh hiệu Phật là đủ".

Và thêm câu:

"Và người niệm Phật khỏi phải kiêm thêm bất cứ môn tu nào nữa. Vì ngay nơi danh-hiệu Nam-Mô A-Di-Đà Phật luôn luôn chứa đựng vô-lượng vô-biên công-đức, vô-lượng vô-biên diệu -dụng, vô-lượng vô-biên quang-minh, tướng hảo, uy lực...không thể nghĩ-bàn".

Đây là những câu đáng cho tất cả những ai là con Phật phải tìm hiểu, nghiên cứu và phụng hành.
Do chính chỗ này, vì chính chỗ này mà chúng tôi đã phát lời kêu gọi các Giáo-Hội Phật giáo Việt-Nam nên giảng dạy Kinh Niệm Phật Ba-La-Mật. Và hơn một năm qua chúng tôi đã không ngừng vận động phát-động cao trào học tập Kinh Niệm Phật Ba-La-Mật.

Kết quả rât nhiều chùa ở trong và ngoài nước tìm kiếm Kinh Niệm Phật Ba-La-Mật và sách Sưu Giải để nghiên cứu.

Tuy nhiên, vẫn có một số chư Tăng quá chấp cho rằng một cư-sĩ không thể làm việc này. Thật sự chúng tôi hiểu về Phật pháp chẳng có bao nhiêu. Nhưng điều chúng tôi hiểu về Phật A-Di-Đà và Kinh Niệm Phật Ba-La-Mật, chúng tôi dám quả quyết rất nghiêm chỉnh và đúng đắn.

Nói về cư-sĩ, đọc sách này chư liên-hữu đã thấy, Pháp sự Tịnh -Không rất quí trọng cư-sĩ Hạ-Liên-Cư và kính cư-sĩ Lý-Bỉnh-Nam như là một bực thầy. Riêng về người Việt-Nam chúng ta, hầu hết đều kính trọng cư-sĩ Tịnh-Liên Nghiêm-Xuân-Hồng như một bực Bồ-Tát thị-hiện đến cõi này. Chúng tôi chỉ là một cư-sĩ tầm thường nhưng trong cuộc đời này để nuôi sống, chúng tôi đã sống bằng cái nghề chuyên đi tìm sự thật, nên chúng tôi thường bị cái gọi là "méo mó nghề-nghiệp" ảnh hưởng. Khi nghiêm cứu Phật -pháp, chúng tôi thường lấy kiến phóng đại soi chiếu các lời Phật và các Tổ dạy.

Có hai câu mà chúng tôi thường soi mói:

1. Minh Tâm Kiến Tánh thành Phật.

2. Niệm Phật thành Phật.

Chúng tôi không muốn đi sâu vào câu "Minh Tâm Kiến-Tánh Thành Phật" vì vấn-đề này đã được trình bày rõ rệt ở sách Sưu-Giải. Theo chúng tôi, Kiến tánh là thấy rõ Phật Tánh. Kinh nói, chúng sanh đều có Phật Tánh, trừ bọn Nhứt Xiễn-đề. (Nhứt Xiễn -đề là những người không tin tưởng vào Phật pháp).

Chúng sanh đều có Phật-tánh. Nhưng chỉ có hàng Đại Bồ-Tát mới thấy được Phật Tánh và tu dần lên để thành Phật. Thời mạt pháp này, người tu thiền định, nhập được đại định lâu vài ba tháng - theo lời Pháp Sư Tịnh-Không giảng - chỉ có thể chứng Tứ Thiền Bát định, vẫn chưa thể ra khỏi Tam-giới, vẫn phải chịu luân hồi sanh tử.

Bây giờ là năm 2002, năm 1912 là năm bên Tàu lật đổ nhà Thanh, đến nay là 90 năm, theo Đàm-Hư Hoà-Thượng, Tổ cuối cùng của Tông Thiên-Thai, Ngài chưa hề nghe thấy bên Tàu có vị Thiền Sư nào đắc định tới quả "cửu định".

Vậy thì đúng như Kinh Niệm Ba-La-Mật nói: "Thời mạt pháp này không thể chứng nhập Sơ Thiền đến Tứ Thiền".

Như vậy thì, việc "Minh Tâm Kiến Tánh thành Phật" không còn là vấn-đề tu chứng của thời mạt pháp này. Tất cả chỉ còn là kiến-giải mà thôi.

Hoà-Thượng Tịnh-Không như trước đây đã chân thành thú nhận: "Một chút xíu chứng ngộ tôi cũng không đạt được!"

Vấn đề còn lại là "Niệm Phật thành Phật"

Do đâu niệm Phật có thể thành Phật?

Trong sách Sưu-Giải, chúng tôi đăng tấm hình Phật Thích Ca Mâu Ni, bên dưới có một dấu hỏi và hàng chữ "Do đâu Niệm Phật có thể thành Phật?" Nhưng suốt cuốn sách dày 700 trang, chúng tôi chỉ nói phớt qua, chứ không giải thích "Do đâu niệm Phật có thể thành Phật?"

Cuối Phẩm thứ hai của Kinh Niệm Phật Ba-La-Mật, Đức Phật nói:

"Diệu-Nguyệt cư-sĩ, nên biết rằng được Vãng Sanh Cực-Lạc thì không bao giờ trở lại địa vị phàm phu với thân xác ngũ uẩn nữa. Do đó, mới gọi là Bất-thối -chuyển. Từ đó về sau thành tựu mười thứ trí lực, mười tám pháp Bất cộng, năm nhãn, sáu thông (thần thông) vô-lượng Đà-ra-ni, vô số Tam-muội, thần thông du hí, biến tài vô ngại... đầy đủ bao nhiêu công-đức vô-lậu của Đại Bồ-Tát, cho đến khi đắc quả Phật. Bởi vậy mà ta, Thích-Ca Mâu-Ni Thế-Tôn, hôm nay trân trọng xác-quyết rằng: VÃNG SANH ĐỒNG Ý NGHĨA VỚI THÀNH PHẬT, VÌ VÃNG SANH TỨC LÀ THÀNH PHẬT".

Vãng Sanh tức đống ý nghĩa với thành Phật. Đúng vậy. Nhưng chưa giải-thích được câu hỏi của chúng tôi, Phật nói: "Vãng Sanh đồng ý-nghĩa với thành Phật". Nhưng, do đâu Vãng Sanh Cực-Lạc có thể thành Phật?

Vậy chư liên-hữu hãy vững một niềm tin rằng: "Khi chúng ta tu niệm Phật sẽ được Vãng Sanh và thành Phật ngay trong đời như lời Kinh nói".

Hẳn chư liên hữu còn nhớ lời giảng của Hoà-Thượng Tịnh-Không: "Một người Vãng Sanh Tây-Phương Cực-Lạc, đều là người còn sống mà Vãng Sanh. Khi Phật và Thánh-chúng đến rước, thân xác của người đó vẫn còn sống. Họ nhìn thấy Phật rõ ràng". Chư vị nào đã xem phim là cụ Triệu Vinh-Phương đều thấy bà cụ nói với đứa cháu nội rằng:"Một ngày bà thấy Phật A-Di-Đà ba bốn lần. Sau đó bà cụ theo Phật về Tây-Phương Cực Lạc".

Trong sách Lưu Xá -Lợi chúng tôi cũng có viết: "Người Vãng Sanh thì theo Phật đi ngay". Như vậy, thần thức người đó theo Phật đi Vãng Sanh ngay, khi còn sống.

Trong nhà Phật, thân xác của chúng ta được coi là cái "túi da". Cái quan-trọng là thần-thức, người thế-gian gọi linh-hồn.

Thần-thức không có hình tướng, nhưng nếu đi luân hồi thì khi nó nhập vào cái túi da nào thì mang hình thức ấy. Mang túi heo thì làm heo, mang túi da chó thì làm chó.

Người được vãng sanh, Tam Thánh đến tiếp-dẫn, thần-thức liền theo Phật, Bồ-Tát đi ngay về cõi Cực-Lạc. Từ đó mang một cái thân trong suốt, màu vàng diêm-phù-đàn là màu tử kim, đồng sắc thân Phật và Bồ-Tát, không còn phải mang túi da nữa.

Xin hãy nghe Hoà-Thượng Tịnh-Không nói:

Trong chúng sanh có tất cả chín pháp giới. Mỗi pháp giới đều có chỗ trụ riêng biệt.

Dựa vào ý của Hoà-Thượng Tịnh-Không trong cuốn Khai Thị, chúng tôi xin hệ-thống hoá để chư liên-hữu dễ nhớ. Chín pháp giới gồm có:

1. Bồ-Tát trụ ở cảnh giới lục độ (Ba-la-mật).

2. Duyên-Giác trụ ở nhân-duyên.

3. Thanh-Văn trụ ở Tứ Đế.

4. Ngạ quỷ trụ ở cảnh giới tham.

5. Địa -ngục trụ ở cảnh giới sân.

6. Súc sanh trụ ở cảnh giới si-mê.

7. Người trụ ở cảnh giới tình và tưởng bằng nhau.

8. A-tu-la trụ ở cảnh giới thích tranh-đấu, chiến-tranh.

9. Trời trụ ở cảnh giới thập thiện.

Nhìn vào sinh-hoạt, tánh tình một chúng sanh, người ta có thể bảo chúng sanh ấy, sau khi chết sẽ trụ vào cảnh giới nào. Thí dụ một người sống với tánh tham lam, thì người tu-hành có thể đoán người ấy khi chết sẽ trụ ở cảnh giới ngạ quỷ. Một người tánh nóng nảy, sân giận sẽ trụ ở cảnh giới địa-ngục, v.v...

VẬY CHƯ PHẬT TRỤ Ở CẢNH GIỚI NÀO?

Chư Phật trụ ở chỗ vô trụ. Cho nên trong kinh Kim-Cang mói có câu: "Ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm", có nghĩa là "Vì không chỗ trụ mà sanh tâm kia", tức tâm Phật hay tâm thanh-tinh.

Chư Phật trụ ở cảnh giới vô trụ.

Hoà-Thượng Tịnh-Không nói:

-Phàm phu chúng ta muốn trụ nơi cảnh giới vô trụ của Phật là điều không thể đạt được. Tuy nhiên Phật có truyền dạy cho ta một phương-pháp vô cùng thù-thắng và tiện lợi để có thể dự vào cảnh giới vô trụ của các Ngài. Đó là Pháp môn Niệm Phật.

Ngài Tịnh-Không nhấn mạnh:

Bồ-Tát trụ ở lục độ, quí vị trụ nơi Phật trụ. Như vậy là quý vị đã được nâng cao hơn đẳng cấp Bồ-Tát.
Chữ lục độ ở trên có nghĩa là lục Ba-la-mật. Một hành giả tu Bồ-Tát đạo như Ngài Thiện-Tài Đồng-Tử, khi đắc quả Bồ-Tát thì đạt được Ba-la-mật, phải trải qua vô số kiếp. Nhưng hành -giả tu niệm Phật, nếu nhứt tâm niệm Phật không ngừng nghỉ thì sẽ đạt mười thứ tâm thù thắng, sẽ đạt được niệm Phật tam muội.

Làm sao hành giả niệm Phật có thể trụ ở chỗ vô trụ?

Chư Phật trãi lòng đại từ, đại bi, dạy kinh Niệm Phật Ba-La-Mật, pháp vi-diệu thù thắng đệ nhứt để cứu khắp hết thảy chúng sanh, để giúp chúng sanh thành Phật như Phật ngay trong một đời; muốn chúng sanh có được cái tâm chư Phật, có được cái nguyện bằng nguyện chư Phật, mau chóng vượt qua địa-vị phàm phu và tự chứng Pháp Thân từng phần.

Nếu mỗi tiếng niệm Phật của hành giả chúng ta đều trãi lòng từ bi, lo tất cả chúng sanh, mong sao cho tất cả chúng sanh đều đồng vãng sanh. Đây là điều tiên quyết thứ nhứt.

Kế đến, khi niệm Phật, ta phải tập niệm với cái tâm không vọng tưởng, không phân biệt, không chấp trước. Ba điều này làm chướng ngại bản -năng tự nhiên của mình.

Nếu chúng ta niệm Phật với tấm lòng đại từ, đại bi; niệm Phật mà tâm không vọng tưởng, không phân biệt, không chấp trước thì tâm của chúng ta "tương ưng với tâm Phật".

Tâm Phật là chơn tâm, bao la như hư không, tiến sâu vào khắp pháp giới để hoằng pháp độ sanh.
Nếu chúng ta niệm Phật với tấm đại từ, đại bi không vọng tưởng, không phân biệt, không chấp trước thì chính tâm ta trụ vào cảnh giới vô trụ, tương ưng với tâm Phật vậy.

Khi chúng ta niệm Phật tương ưng với tâm Phật thì âm ba của tiếng niệm Phật của ta hoà nhập với âm ba của chơn tâm (của Phật), lan rộng vào hư không, tiến sâu vào khắp pháp giới; cho dù chư Phật thuyết pháp xa xôi, bất luận nơi nào cũng nghe âm thanh niệm Phật của ta rõ-ràng.
Một khi công phu niệm Phật của ta đắc lực rồi, thì chỉ cần một tiếng niệm Phật của chúng ta cất lên khi lâm chung, Phật và Bồ-Tát đến tiếp dẫn ngay. Lúc ấy, chúng ta bắt đầu bước vào cảnh giới của Phật.

Đó là "Niệm Phật thành Phật ngay trong đời".

Chúng tôi mong rằng chư liên-hữu sẽ niệm Phật với tâm đại từ, đại bi và bao la như trên, đừng hời hợt, hẹp hòi, ích kỷ để cô phụ lời Đức Bổn-Sư dạy như trên.

Và xin theo dõi tiếp. Kinh A-Di-Đà yếu giải, Ngài Trí-Húc viết: "Chính ý Phật Thích-Ca muốn khuyên tất cả chúng sanh trong ba đời cầu sanh sang đây, được thọ mạng giống như Phật chỉ một lần sanh sang đây là thành Phật" (trang 92, kinh A-Di-Đà Yếu Giải do Bồ-Tát giới Tuệ-Nhuận dịch).

Và câu kinh trang 96:

Lại còn đây nữa, Xá-Lợi-Phất ơi, cõi nước Cực-Lạc, chúng sanh sanh sang đây đều là bậc bất -thối, trong có nhiều Nhất Sanh Bổ Xứ, số sanh sang đây rất nhiều, không thể đếm mà biết được; chỉ có thể nói là nhiều vô-số vô-lượng vô-biên".

Tóm lại, cái nghĩa thành Phật ngay trong một đời được kết lại ở dưới đây:

"Một người được vãng sanh, đã sanh sang Thế-giới Cực-Lạc ngay khi còn sống, nhờ vào bản-nguyện, công-đức, thần-lực, Phật lực của Đức Phật A-Di-Đà. Từ một kẻ phàm phu đầy nghiệp-ác, đáng lý nếu ở lại cõi Ta bà có thể phải đoạ Địa-ngục, Ngạ-quỷ hay Súc-sanh; vậy khi sanh sang cõi Cực-Lạc liền trở thành bực Bất-thối-chuyển, sống chung với bực Thánh" (Phàm Thánh Đồng Cư). Sở dĩ bực Bất-thối-chuyển gọi là bực Thánh là vì không còn trở lại một trong ba ngôi:
1. Vị bất-thối: Nếu là phàm phu thì được dự vào bực Thánh, chẳng rơi trở lại phàm phu.

2. Hạnh bất-thối: Nếu đã là Bồ-Tát thì chẳng đoạ xuống hành Nhị-Thừa.

3. Niệm bất-thối: Nếu đã là Bồ-Tát nhờ niệm niệm mà dứt căn bản vô minh, được vào biển Nhứt-Thiết-Trí, tức ngôi Phật Trí.

Người sanh sang tịnh Độ Cực-Lạc có một điểm đặc biệt là, sẽ bât-thối đối với một trong ba bực, nhưng khi đã sang đó thi sẽ được tất cả ba ngôi. Vì dù là một phàm phu sang Cực-Lạc liền dự vào hàng Bồ-tát và sẽ được Phật Trí, tức là được cả ba ngôi Bất-Thối.

Tóm tắt rõ "Do đâu niệm Phật sẽ thành Phật ngay trong đời?"

Khi chúng ta niệm Phật tinh chuyên chắc chắn chúng ta sẽ Vãng Sanh Tịnh-Độ Cực-Lạc lúc ấy ta còn sống, nối tiếp dự vào hàng Phàm Thánh Đồng Cư. Phàm và Thánh đồng sống chung, dù rằng chúng ta có nhiều nghiệp ác; nhưng nhờ vào lời nguyện của Đức Phật A-Di-Đà, nhờ vào công-đức của Phật A-Di-Đà mà khi niệm Phật lâu ngày chúng ta nhiếp thọ được, chúng ta mang cả những nghiệp ác theo sang nơi "Phàm Thánh Đồng Cư" sống, được Đức Phật A-Di-Đà đồng ý trong bản-nguyện của Ngài được gọi là "Đới Nghiệp Vãng Sanh", tức là cho phép chúng ta mang nghiệp đi Vãng Sanh. Chúng ta sống liên tục chưa hề "chết". Chết là qua một đời khác, đầu thai vào một đời khác. Chúng ta đến Cực-Lạc Tịnh-Độ là được ngay ba ngôi Bất-thối. Từ đó được Phật, Bồ-Tát giảng pháp và cả chim báu, cây báu đều nói pháp cho chúng ta nghe; kể cả ao nước của cõi Cực-Lạc cũng có tám công-đức. Chúng ta luôn luôn sống thân cận với Phật, Bồ-Tát và khi chúng ta đến Tịnh-Độ Cực-Lạc chúng ta đã được ngay ngôi Niệm Bất-thối rồi.

Theo Trí-Húc Đại -Sư: "Khi đã được ở trong hàng Niệm Bất-thối rồi, thì là đã vượt được lên trên hết 41 ngôi Bồ-Tát còn ở địa-vị trồng nhân".

Ở các pháp môn tu khác, tu Bồ-Tát hạnh phải trồng nhân rất lâu đời.

Như trong Kinh Lăng-Nghiêm, Bồ-Tát Di-Lặc trình bày nhân địa tu hành của Ngài, chúng tôi xin được tóm gọn như sau:

"Trong vô số kiếp từ trước, Đức Di-Lặc xuất gia tu theo Đức Phật Nhật-Nguyệt Đăng Minh. Khi ấy có 20 ngàn Đức Phật tên Nhật-Nguyệt Đăng Minh nối tiếp nhau ra đời. Chẳng thấy nói rõ Ngài tu với Đức Phật nào, nhưng Ngài nói tu lâu lắm. Nhờ Đức Phật Thích-Ca dạy tu "định duy tâm thức", Đức Di- Lặc mới được Tam-ma đề tức đắc đại định. Rồi trãi qua nhiều kiếp nữa. Ngài dùng pháp Tam-muội ấy phụng sự cúng dường hằng sa chư Phật. Mãi đến khi Phật Nhiên Đăng ra đời, Đức Di-Lặc mới được thành-tựu Vô-Thượng-Diệu-Viên-Thức-Tâm-Tam-Muội. Qua đến đời Phật Thích-Ca, Ngài mới được thọ ký và được thành Bồ-Tát Nhứt-Sanh Bổ-Xứ. Chỉ còn một đời này là được thành Phật.

Tất cả chúng sanh, chắc không ai tính nổi từ khi đi tu cho đến ngày thành Phật, Đại Bồ-Tát Di-Lặc đã tu bao nhiêu đại A-tăng kỳ kiếp mới được thành Bồ-Tát Nhứt Sanh Bổ Xứ.

Còn trường-hợp người tu niệm Phật, theo Kinh A-Di-Đà Yếu Giải: "Người dân ở Thế-giới Cực-Lạc đều là Bồ-Tát Nhứt-Sanh Bổ-Xứ".

Như vậy, người được Vãng Sanh Cực-Lạc tương lai sẽ giống như Đại Bồ-Tát Di-Lặc hiện đang ở nội viện cung trời Đâu Suất, đang chờ ngày thành Phật.

Tóm lại, do niệm Phật nhứt tâm bất loạn sẽ được Vãng Sanh; Khi Vãng Sanh sẽ được bất-thối chuyển và sẽ thành Bồ-Tát Nhất Sanh Bổ-Xứ, chỉ một lần Vãng Sanh là được bổ làm Phật.

Chư liên-hữu đã rõ rồi: "Tu niệm Phật sẽ được Vãng Sanh và khi đã Vãng Sanh và khi đã Vãng Sanh chắc chắn sẽ được thành Phật". Đây là ý nghĩa "Niệm Phật thành Phật".

Đây là ý nghĩa "Niệm Phật thành Phật". Nhưng muốn được Vãng Sanh cần phải có lòng tin và phải phát-nguyện. Lòng tin không vẫn chưa đủ, phải phát-nguyện, giống như quý liên-hữu muốn Tết này về thăm quê hương Việt-Nam, coi lại tiền túi, thì tin chắc rằng tiền cũng đã đủ, song lại không đặt mua vé máy bay, thì hết Tết cũng vẫn chưa về.

Phật nói trong Kinh A-Di-Đà:

Xá-Lợi-Phất! Nếu có người đã phát-nguyện, đang phát-nguyện. Muốn sanh về nước Phật A-Di-Đà, những người đó hoặc đã sanh, hoặc đang sanh, hoặc sẽ sanh, đều được Bất-Thối-chuyển nơi quả A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề (tức quả Phật) ở cõi nước ta. Cho nên Xá-Lợi-Phất! Các thiện-nam-tử, thiện-nữ-nhân, nếu có lòng tin, phải nên phát -nguyện sanh về quốc-độ ấy".
Chư liên-hữu! Chư vị đã phát-nguyện Vãng Sanh chưa?

Hiểu Về Tịnh-Độ Cực-Lạc

Chư liên-hữu đã hiểu: "Tu Niệm Phật chắc chắn sẽ thành Phật ngay trong đời" Đó là cõi Tịnh-Độ Cực-Lạc của Đức Phật A-Di-Đà. Chúng ta cần hiểu thêm về Tịnh-Độ ấy.

Gần đây phong trào tu niệm Phật cầu nguyện Vãng Sanh càng ngày càng lên cao. Có người e ngại, viết sách Thiết lập Tịnh-Độ, cho rằng Tâm tịnh thì cõi Phật tịnh. Cho rằng "một lòng Thiền mà tu được thanh tịnh thì lòng Thiền ấy chính là một cõi Tịnh". Sách này đang được bày bán ở các nhà sách.

Vậy thế nào là một cõi Tịnh-Độ Cực-Lạc?

Muốn biết rõ nên đọc cuốn Kinh A-Di-Đà Yếu Giải của Sa môn Trí-Húc.

Đa số cõi Phật là cõi Tịnh-Độ. Nhưng, cõi Tịnh -Độ của Đức Phật A-Di-Đà độc đáo thù thắng không một cõi Phật nào sánh kịp. Hay nói một cách khác, cõi Tính-Độ của Đức Phật A-Di-Đà hoàn toàn không giống cõi Tịnh-Độ nào hết.

Trước tiên cần nói rõ thêm: cõi Tịnh-Độ Tây Phương của Đức Phật A-Di-Đà được gọi là Tịnh-Độ Cực-Lạc. Đó là do Đức Phật A-Di-Đà, khi Ngài phát 48 Đại-nguyện muốn xây dựng một cõi Tịnh-Độ đặc biệt. Nơi đó không có ba đường dữ, không có khố đau, nên gọi là Tịnh-Độ Cực-Lạc. Người viết sách Thiết lập Tịnh-Độ không đọc kỹ kinh, nên vô tình để lộ chỗ sơ-hở.

Ngài Trí-Húc viết thêm:

Cái Thế-giới Cực-Lạc nói trong kinh này, chính là cõi Đồng cư Tịnh-độ, khiến được người phàm phu cảm ứng hiện ra ở Thế-giới Cực-Lạc một cõi Đồng cư cực kỳ thanh tịnh, mà ở trong những Phật độ khác ở khắp mười phương không thể có được, chỉ riêng Cực-Lạc mới có một cõi Đồng cư như thế mà thôi; có thế thì mới là tôn chỉ phép tu Tịnh-độ ở Cực-Lạc.

Thật đáng buồn! Thời nay có rất nhiều người, lìa kinh mà thuyết pháp Tịnh-Độ; dạy không cần tụng kinh mà tu theo Phật.

Hiểu sai về Tam Quy Y Quả báo sẽ là Địa-ngục

Người tu theo đạo Phật đều phải Quy y Tam Bảo. Những năm gần đây như là phong-trào quy y theo Thầy. Phật tử đua nhau lựa Thầy, bay đến chỗ này, chỗ kia, lựa Thầy để quy y.

Trong bộ băng giảng về Kinh Lăng-Nghiêm, Hoà-Thượng Tịnh-Không có nói, nhiều người yêu cầu được quy y với Ngài, và Ngài giải-thích việc quy y ấy như sau:

"Trước tiên, khi mới nhập môn theo đạo, được truyền thọ Tam Quy. Truyền thọ cái gì? Đem cương lãnh Phật pháp truyền thọ cho trò.

Cương lĩnh có 3 điều, gọi là Tam Quy; Chúng ta gọi là Tam Quy Y. Quy là hồi quy. Y là nương nhờ. Chúng ta trước kia mê-hoặc điên-đảo. Bây giờ Phật dạy chúng ta, chúng ta từ trong điên-đảo quay trở lại nương tựa vào cái trí tuệ chơn thật, nương tựa vào cái Chánh-giác chơn chánh. Đây gọi là Quy Y Phật.

Tôi Quy y Phật, Phật là Chánh-giác. Phật là Giác-ngộ, Phật là Trí-tuệ. Nói một cách khác, trước kia tôi đối với người, với vật lấy cảm tình xử sự. Cảm tình là mê, bây giờ thì tôi phải lấy lý-trí làm chủ, tôi không còn mê nữa. Tôi lấy lý tánh để phán đoán. Bất luận đới với người, với việc, với vật đều làm vừa đúng mức tròn đầy viên-mãn, thì tôi đã có nơi nương tựa. Nương tựa vào tự tánh-giác, nương tựa trí-tuệ. Đây là quy y Phật.

Trước kia, chúng tôi đối với vũ-trụ nhân sinh, cách tưởng, cách nhìn đã có nhiều sai lầm. Sai lầm là mê. Nay tôi từ trong sai lầm này mà quay đầu trở lại, là hồi quy. Tôi phải nương tựa vào cách nhìn chính xác, cách nghĩ chính xác, chính-tri chính-kiến. Đây gọi là quy y Pháp.

Cho nên Pháp là chánh tri, chánh kiến. Chánh mà không tà.

Ba là Quy y Tăng.

Tăng đại biểu cho thanh-tịnh, lục căn thanh-tịnh. Một hạt bụi cũng không nhiễm. Chúng ta đều tất cả ô nhiễm. Tinh-thần ô nhiễm, tâm-lý ô nhiễm, tư-tưởng ô nhiễm, kiến-giải ô nhiễm. Thậm chí hiện nay thân thể cũng bị ô nhiễm. Thật là ô nhiễm, chúng ta phải tránh xa những thứ ô nhiễm quay về với thanh-tịnh. Chúng ta cần tâm-thanh-tịnh. Chúng ta cần thân tâm thanh-tịnh. Đây gọi là quy y Tăng.

Cho nên tu học Phật pháp vừa vào cửa thì trước tiên phải đem cái nguyên-tắc của sự tu hành, cương-lĩnh của sự tu-hành truyền thọ cho anh.

Đây gọi là truyền-thọ Tam Quy.

Cho nên Tam Quy, cái thứ nhứt là Quy y Phật, giác mà không mê.

Thứ hai là Quy y Pháp, chánh mà không tà.

Thứ ba là Quy y Tăng, tịnh mà không nhiễm.

Chỉ cần là người xuất gia, thọ qua Đại giới đều có thể vì đại chúng mà truyền thọ Tam Quy.

Vần-đề là, có phải anh đã thực sự thọ Tam Quy hay không? Dĩ nhiên, từ nay anh giác mà không mê, chánh mà không tà, tịnh mà không nhiễm. Anh thật sự là đệ tử Tam Quy, là học trò của Phật.

Thọ Tam Quy rồi mà vẫn còn mê-hoặc điên-đảo còn tà tri tà kiến, còn ô nhiễm vậy thì đã sai rồi!
Tại sao đã quy y một lần mà còn tìm Thầy Quy y nữa?

Vậy là anh vào Phật môn để thọ cái mê mà không giác. Tà mà không chánh, nhiễm mà không tịnh. Anh sợ cái mê, tà nhiễm của anh không đủ nhiều, vẫn còn đến thọ thêm một lần nữa thì làm sao kham nổi. Vậy là quá đổi sai lầm!

Chẳng phải tấm phái quy y, không quan trọng, mà anh thật sự hồi đầu mới là quan trọng. Cái này thì chư Phật Bồ-Tát thừa nhận. Chứng chỉ Quy y không quan trọng. Xin hãy ngàn lần ghi nhớ, tôi thọ Tam Quy là chứng nhận 3 nguyên tắc tối cao về sự tu học Phật pháp chớ chẳng phải để bảo là tôi quy y với Pháp sư danh tiếng nào đó. Vậy là anh đã mê hoặc điên đảo. Anh quy y là quy y với vị thầy nào đó. Anh rõ ràng là quy y Tam Bảo mà, chớ chẳng phải quy y với vị thầy nào đâu.

Quy y với vị thầy nào đó là tà y, tà kiến. Mê mà chẳng giác. Anh đã mê vị thầy này rồi, còn thầy kia anh không ưa thích. Tư tưởng của anh không chánh tri chánh kiến. Đó là tà y, tà kiến.

Đó là tâm anh có phân biệt, có chấp trước. Anh đã bị ô nhiễm, không thanh-tịnh rồi. Cho nên quy y với vị thầy nào đó, rồi bảo tôi đã quy y với thầy đó. Anh nhứt định là mê. Anh đối với Tam Quy hoàn toàn không hiểu rõ, hoàn toàn không biết.

Quý thầy là đại biểu của Tăng đoàn, vì anh mà truyền thọ Tam Quy. Sau khi tiếp nhận Tam Quy, chủ trì Tam Bảo cũng là Thầy của chúng ta, chúng ta phải tôn-trọng. Như khi nảy đã nói; tâm chúng ta phải thanh-tịnh, phải bình-đẳng. Phàm là kẻ xuất gia đều là thầy của chúng ta, như vậy là đúng. Vì thầy truyền thọ Tam Quy là đại biểu cho Tăng đoàn. Ông ta truyền thọ cho tôi, ông ta chứng minh cho tôi...là để tử của Tam Bảo.

Quý vị nên hiểu rõ điều này. Muôn ngàn lần xin chớ hiểu sai. Nếu bảo Thầy này là thầy quy y của tôi, người kia chẳng phải là thầy quy y của tôi. Tương lai quả báo của anh sẽ là địa ngục. A tỳ. Đây là nói thật, đừng tưởng rằng tôi đang doạ quý vị.

Tại sao lại có tội trọng như vậy?

Tăng-đoàn là hoà hiệp Tăng đoàn. Cho nên quý vị xem trong giới-luật có nói đến giới không trộm cắp. Tội nặng nhứt là lấy trộm phẩm vật trong tăng đoàn. Bởi vì, tăng đoàn không phải chỉ là ở trên trái đất chúng ta, không phải là ở trên một quốc gia. Tăng đoàn là tận hư không biến pháp giới. Những người xuất gia ở trên khắp quốc độ của chư Phật. Tất cả đều có phần. Anh gây tội, thì tội này quá nặng. Vậy cho nên đoạ lạc cũng nặng.

Tăng-đoàn là một thể hoà hợp. Đây là thầy tôi, ông kia chẳng phải là thầy tôi, tức là anh đang ở đó phân hóa (chia rẽ) tăng đoàn; anh đang ở đó phá hoại tăng đoàn. Tội này rất nặng. Ở trong tăng đoàn mà tạo nên sự chia rẽ. Tội đó không còn cách chi nói nữa, chư Phật Bồ-Tát cũng đều không thể tha thứ chúng ta. Điều này chúng ta tất phải biết rõ, Tăng-đoàn phải hoà hợp. Lục hoà kính tận hư không biến pháp giới. xuất gia đều là một. Tuyệt đối không thể phá hoại tăng đoàn. Cho nên quý vị khi thọ Tam Quy phải nên biết rõ. Muôn ngàn lần xin đừng sanh ra hiểu lầm.

Tam Quy là khối đá nền tảng của giới luật, tức là căn-bản. Thọ giới tức là sau khi thọ Tam Quy. Trước tiên phải rõ căn-bản Tam Quỵ Trên căn-bản này thiết lập giới học. Nhiên hậu lấy giới học làm căn-bản, thiết lập định học. Trên định học mới thành tựu tuệ học. Giống như cất nhà, Tam Quy là nền móng.

Chúng ta muốn cất lầu 3 tầng, trước phải từ nền này. Nếu nền vững chắc rồi, kiên cố xây lầu một, rồi lầu hai, lầu ba. Nguyên lý như vậy. Cho nên trước khi giảng tam vô lâu học, phải thuyết giảng đơn sơ với quý vị. Nhiên hậu chúng ta mới đem nhiếp tâm làm giới.

Đại Thế Chí Bồ-Tát dạy chúng ta nhiếp cả 6 căn. Anh xem nhiếp cả 6 căn thì giới học viên mãn. Tịnh niệm nối tiếp thì định tuệ thành tựu. Tịnh niệm là định, nối tiếp là tuệ. Có thể thấy phương pháp mà Đại Thế Chí Bồ-Tát dạy cho chúng ta, nhiếp cả 6 căn, tịnh niệm nối tiếp cũng là Tam Vô lậu học viên-mãn.

Tóm lại, ý Hoà-Thượng Tịnh-Không nói, quy y một lần được Phật chứng rồi là đủ. Từ đây về sau không quy y ai nữa. Thầy chỉ là ngón tay dùng để chỉ mặt trăng. Khi thấy mặt trăng - tượng trưng cho Phật pháp - rồi, thì theo mặt trăng chứ không theo ngón tay này, ngón tay kia. Hành động theo ngón tay là vô-tình mang tội phá-hoại Tăng-đoàn. Một Phật tử có thể đến chùa này, chùa kia tu tập, nhưng không nên quy y hai lần hoặc nhiều lần.

Hiểu về hai chữ "Công-Đức"

Hai chữ "Công-đức" cũng là một vấn-đề hết sức trọng đại. Từ nhiều năm nay hai chữ "công-đức" đập vào tâm-trí chúng tôi nhiều lần, tạo nên thắc mắc, gây nên suy tư, cuối cùng chúng tôi ngộ được giá trị của công-đức.

Thiết tưởng chúng tôi nên trình bày đầy đủ các giai-đoạn tao ngộ, và chạm với hai chữ công-đức, để chia xẻ với chư Liên-hữu những điều hiểu biết.

Chuyện Một:

Khi mới bắt tay vào học tập Phật pháp, chúng tôi gặp một đoạn sách viết về cuộc đối thoại giữa Tổ Bồ-đề Đạt Ma với Vua Lương Võ-Đế.

Lúc này Tổ Đạt Ma mới từ Ấn-độ sang đến Trung-Hoa. Lương Võ-Đế là một ông vua theo đạo Phật, đã cất nhiều chùa, nuôi tăng tu học, vì vậy ông ta mới hỏi Tổ:

- Cất chùa, tạo tượng Phật, nuôi chư Tăng có được công-đức không?

Tổ Đạt Ma trả lời:

- Không!

Người ta giải-thích công-đức có hai thứ, một là vô lậu, hai là hữu lậu. Cái mà vua Lương-Võ-Đế làm như đúc tượng Phật, cất chùa, nuôi tăng đều là hữu lậu, nên Tổ Đạt Ma bảo là không có công-đức. Công-đức vô lậu, nó thuộc về Tâm không có phiền não. Tâm mới giúp cho người tu thành Phật.

Như đã nói, thuở ấy chúng tôi mê Thiền, nên mới thấy như vậy quả là đúng. Nhưng tới bây giờ, khi rõ lại chúng tôi phân vân.

Chúng tôi không cho là Tổ Bổ-Đề Đạt Ma nói sai. Có thể ai đó, khi ghi chép lại viết không tròn câu văn, cố ý diễn đạt theo ý người đó; hoặc có thể do "tam sao thất bổn".

Khi viết sách này chúng tôi đọc lại Kinh Phật Thuyết Vô-Lượng-Thọ, thấy Phật nói "in Kinh, tạo tượng, cất chùa công-đức thật lớn". Dưới đây là đoạn kinh Phật thuyết Vô-Lượng-Thọ:

HẠNH SANH BỰC TRUNG:

"Các chúng trời người trong các thế-giới ở khắp mời phương, những ai hết lòng sanh nước ấy, mặc dầu chẳng thể làm hạnh Sa-môn, tu công-đức lớn, nhưng nên phát tâm Vô-Lượng Bồ-đề, một mực chuyên niệm Phật Vô-Lượng-Thọ, theo khả năng mình mà làm các việc phước đức từ thiện, vâng giữ trai giới, xây tháp cất chùa, in kinh tạo tượng, cúng dường Sa-môn, treo phan thắp đèn, dâng hoa thắp hương cúng dường Tam Bảo, dùng những phước ấy hồi hướng phát-nguyện, nguyện sanh lạc quốc..."Đến lúc lâm chung, người ấy sẽ thấy hóa thân của Phật, tướng tốt sáng ngời, không khác chơn thân Phật Vô-Lượng-Thọ và thấy Thánh-chúng hiện ra trước mặt, liền đó hành giả theo sau Hoá Phật Vãng Sanh Lạc -Quốc, ở bực bất -thối, sau đó công-đức, trí tuệ người ấy như bực thượng".

Chữ bực thượng trên đây, có nghĩa là Thượng-Sanh. Như vậy người cất chùa, in kinh, tạo tượng đều có công đức và Vãng Sanh bực Trung Sanh, sau đó công-đức, trí tuệ sẽ như người Thượng-Sanh.
Do đâu mà có được công-đức như vậy?

Kinh nói, vào thời mạt pháp kinh-điển sẽ mất dần. Do đó, in kinh, cất chùa, tạo tượng là giữ cho Chánh-pháp còn được lâu dài ở thế-gian, giúp chúng sanh gần gũi với Chánh-pháp là những công-đức vô lậu.

Nhớ lại, thuở xưa khi cõi này không có Phật ra đời, ở nhằm thời Pháp diệt. Tiền thân của Đức Phật Thích-Ca là một người tu khổ hạnh, muốn tìm Phật pháp mà không sao có được. Vua trời Đế-Thích thấy vậy mới giả làm quỷ Dạo Xa nói với người tu khổ-hạnh rằng y ta biết Phật pháp, nếu chịu cho y ta uống máu ăn thịt thì sẽ nói cho nghe. Người tu khổ-hạnh, tức tiền thân Đức Phật, vì muốn nghe Phật pháp mà sẵn-sàng hiến thân.

Giá trị của Phật pháp to lớn như vậy, cho nên việc duy trì Phật pháp càng dài lâu ở thế-gian thì công-đức càng vô cùng là phải.

Cho nên việc xây dựng chùa, tạo tượng lớn cho thật vững chắc cũng là công-đức. Như hiện nay người ta đang lo xây tượng Bồ-Tát Di-Lặc, Đức Phật Vị Lai, lớn nhứt thế -giới. Đây là công-đức vô-lượng. Nhưng tạm dụng việc xây cất chùa, in kinh để gây lợi dưỡng, là có tội đoạ vào đường dữ phải đội sừng mang da - Ai ơi, hãy nhớ điều này.

Chuyện hai:

Khi chúng tôi viết sách Sưu Giải Kinh Niệm Phật Ba-La-Mật có trích một đoạn Phật nói trong Kinh Thủ-Lăng-Nghiêm rằng: "Chư Phật có bao nhiều công-đức đều cho người trì chú Thủ-Lăng-Nghiêm".
Chúng tôi đưa sách tham-khảo một người bạn, anh này cho rằng "tại sao Phật phải cho công-đức?", khuyên chúng tôi nên bỏ đoạn này. Nhờ dịp tranh cãi này chúng tôi lưu ý thêm về công-đức và tìm hiểu tại sao Phật cho chúng sanh công-đức.

Thì ra, Phật biết chúng sanh rất nghèo nàn công-đức, mà lại nhiều nghiệp ác. Chẳng những vậy chúng sanh lại thích ăn hành hẹ tỏi, khi lâm chung sẽ trở thành quyết-thuộc của ma. Chư Phật thương xót chúng sanh nên đã dùng nhiều cách cứu giúp. Người có lòng đại từ đại bi, nhứt là Đức Thế-Tôn Thích-Ca Mâu Ni, Ngài từ cõi Phật Vô-Thắng đã thị hiện xuống cõi Ta bà này thành Phật để đưa chúng sanh ra khỏi ba đường ác. Ngài chỉ dạy đủ thứ đường để chúng ta tránh khỏi ma đạo, nhưng chúng sanh vẫn mê...Cuối cùng Ngài phải bảo hãy niệm chú Lăng-Nghiêm đi, chư Phật cho công-đức. Vì chú Lăng-Nghiêm uy lực rất lớn, người niệm chú sẽ khiến chúng ma tránh ra xa.

Chuyện ba:

Trong chư Phật, Phật A-Di-Đà nhiều công đức nhứt. Do khi Ngài trang-nghiêm cõi Cực-Lạc đã dành năm kiếp để thành tựu. Ngài đã lập 48 Đại -nguyện, nếu một đại nguyện chẳng được như ý Ngài chẳng thành Phật.

Năm kiếp xây dựng cõi Phật với 48 Đại-nguyện chỉ với một câu ngắn gọn:

"Ai niệm danh hiệu ta mười niệm, khi lâm chung muốn về nước ta thì liền được về. Về đây rồi sẽ thành Nhứt sanh Bổ-xứ Bồ-Tát".

Công-đức của Đức Phật A-Di-Đà thật vô-lượng vô-biên không ai có thể sánh bằng. Khi Đức Thế Tôn giảng Kinh A-Di-Đà và Kinh Niệm Phật Ba-La-Mật vừa dứt, thì mỗi lần chư Phật mười phương đồng hiện ra ca ngợi công-đức của Đức Phật A-Di-Đà.

Trong Kinh A-Di-Đà Yếu Giải Ngài Trí-Húc mách khéo cho chúng ta; ngụ ý nói: "Công-đức của Phật A-Di-Đà Vô-lượng, vô-biên như thế, tại sao chúng ta chẳng dùng danh hiệu A-Di-Đà Phật, để tắm mình trong biển công-đức đó. Uống nước công-đức đó, tại sao chẳng nhiếp lấy công-đức đó thành những phần công-đức của mình để thoát khỏi luân-hồi sanh tử?"

Vì trong nhà Phật, thì một quả đã thành thì muôn quả đều thành, do "cái nhân tu chí nguyện, thực hành" của Phật A-Di-Đà; bởi cái quả y và chánh báp rất mầu nhiệm ở quả đất bên kia.

Trong Kinh Niệm Phật Ba-La-Mật, Phật Thích-Ca, Bồ-Tát Phổ-Hiền và Quán-Thế-Âm đã dùng vô-số mỹ-từ để ca ngợi công-đức của Đức Phật A-Di-Đà.

Bởi công-đức của Đức Phật A-Di-Đà Vô-Lượng, chỉ một lần Vãng Sanh về đó là thành Phật trong đời, nên trong Kinh Phật Thuyết Vô-Lượng-Thọ, nơi quyển hạ, sau khi khen oai-thần công-đức chẳng thể nghĩ bàn của Phật A-Di-Đà, nói rõ ba hạng, Thượng, Trung, Hạ, do niệm Phật mà chứng được, Đức Thích-Ca Thế-Tôn nói bài tụng 124 câu, chúng tôi xin trích ra đây 4 câu nói lên ý-nghĩa một lần Vãng Sanh đến nước ấy mau chứng thần-thông, được Phật A-Di-

Đà thọ ký thành Phật:

Đến nước thanh-tịnh ấy

Mau chứng được thần thông

Được đức Vô-Lượng Tôn

Thọ ký thành Chánh giác.