Pháp sư Tịnh-Không giảng tiếp:
- Trong hội Thủ-Lăng-Nghiêm, chương
Thanh Tịnh Minh Hối, Đức Phật vì thương chúng sanh đã giảng về "Tứ trọng
giới", tức là 4 giới quan trọng cho người tu thiền định - Đức Phật bảo
Ngài A-Nan:
"Nếu chúng sanh lục đạo các
thế giới, cái tâm không dâm, thì không theo dòng sanh tử tiếp tục. Ông tu phép
Tam muội (thiền định) cốt để ra khỏi trần-lao, nếu không trừ lòng dâm, thì
không thể ra khỏi trần-lao được. Dẫu có nhiều trí thiền định hiện tiền, nếu
không đoạn lòng dâm, cũng chắc lọt vào ma đạo, hạng trên thành Ma-vương, hạng
giữa thành Ma-dâm, hạng dưới thành Ma-nữ; các bọn ma kia cũng có đồ-chúng, mỗi
mỗi tự xưng là thành đạo vô-thượng. Sau khi tôi diệt độ rồi, trong đời mạt
pháp, có nhiều bọn ma này sôi nổi trong thế gian, gây nhiều việc tham-dâm, lại
giả làm Thiện-tri-thức. Ông dạy người đời tu pháp Tam-ma-đề (tức tu thiền
định), trước hết phải đoạn cái dâm trong tự tâm. Ấy gọi là lời dạy-bảo rõ ràng
thanh-tịnh, quyết định thứ nhứt của các Đức Như-Lai Tiên-Phật ThếTôn.
Vậy nên, ông A-Nan, nếu không đoạn
lòng dâm mà tu thiền định, thì cũng như nấu cát, nấu đá muốn cho thành cơm, dầu
trải qua trăm nghìn kiếp cũng gọi là cát nóng, đá nóng.
Vì cớ sao?
Vì đó là giống cát, giống đá, không
phải là bản nhân của cơm vậy. Ông đem thân dâm cầu diệu quả của Phật, dầu được
diệu ngộ, cũng chỉ là gốc dâm, cội gốc đã thành dâm, thì phải trôi lăn trong
tam đồ, chắc không ra khỏi, con đường nào tu chứng Niết Bàn Như-Lai? Chắc phải
khiến cho thân tâm đều đoạn hết giống dâm, cho đến tánh-đoạn cũng không còn
nữa, thì mới trông mong chứng quả Bồ-đề của Phật. Như lời tôi nói đây, gọi là
lời nói của Phật; không như lời nói đó, tức là lời nói của ma Ba-tuần".
Câu trên đây trích nguyên văn lời
Kinh dạy. Đức Phật gọi đây là quyết-định thứ nhứt của các Đức Như-Lai Tiên-Phật
Thế-Tôn.
Tới đây chúng ta thấy có ba từng
lớp:
1. Một là phải vượt qua giai-đoạn
đầu của "Mật Nhân Tu Chứng Liều-Nghĩa, Bồ-Tát Vạn-Hạnh" Là phải biết
dùng "căn tánh", khi sáu căn tiếp-xúc với sáu trần. Nếu chưa biết
được thì chưa bước được vào cửa ngõ của "Diệu Sa-ma-tha", thì vẫn còn
ở "Thiền của phàm phu" ngoại đạo.
2. Hai, khi biết áp dụng "tánh
căn", thì vượt lên từng thứ hai, bước vào dòng Thánh, áp dụng "Tứ
trọng giới" tức 4 giới cấm căn bản của Như-Lai Tiên-Phật Thế-Tôn, là trừ
tâm Dâm, tâm Sát, tâm Thâu đạo, tâm Vọng ngữ. Đây không phải là 4 danh từ
suông, mà trong mỗi một điều nếu còn một tí tơ hào cũng không qua được. Đơn cử
một vài thí dụ thật nhỏ, nếu một người nói pháp mà trong đó có một chút xíu ẩn
ý lợi dưỡng (tức là gây chút lợi để nuôi dưỡng mình cũng là không được, là thâu
đạo), hay thí dụ khác, một đề cao pháp môn tu của mình khi giảng pháp, dùng
Kinh giải-nghĩa sai ý Phật (dù là cũng giảng Kinh) cũng sẽ kohng^ thể được, sẽ
phạm vào giới "đại vọng ngữ", thế gian gọi là "không trung
thực". Nhứt thời người giảng pháp được nhiều người theo vì họ không hiểu
biết, nhưng phạm một trong bốn trọng giới, cửa địa-ngục khó thoát.
Vượt thắng bốn trọng giới này thì
mới được "cái định" của nhà Phật. Đừng bao giờ nghĩ ngồi Thiền, mà
chẳng giữ đúng 4 giới Thủ-Lăng-Nghiêm, chẳng những không được cái gì, mà còn
mang hoạ.
3. Ba, nếu qua được 4 trọng giới
cấm, sẽ bước lên tầng cuối cùng, sẽ tiến vào Bồ-Tát đạo, thực hành Vạn-hạnh, để
sau ba đại A-tăng kỳ kiếp trở thành "Bổ xứ Bồ-Tát".
Vậy, trừ chư Tăng Ni xuất gia, chư
Phật tử còn sống với gia-đình vẫn còn quay lăn trong dâm dục, không thể tu
thiền định để có được kết quả tốt? Đức Phật nói thật rõ: "Ông đem thân dâm
cầu hiệu-quả của Phật, dầu được diệu-ngộ, cũng chỉ là gốc dâm, cổi gốc đã thành
dâm, thì phải trôi lăn trong tam đồ" (Tam đồ tức là Địa ngục, Nga quỷ, Súc
sanh). Chắc không ra khỏi, con đường nào tu chứng Niết Bàn Như-Lai?
Tuy nói là Tăng Ni xuất gia có thể
tu thiền định, nhưng trong khi hạ thủ công phu cũng đòi hỏi phải đúng pháp
thiền định thì mới mong thành công. Phật lại dạy phải niệm chú Thủ-Lăng-Nghiêm
thì mới vượt khỏi ma-chướng. Xin hãy đọc lời giảng thật rõ ràng của Hoà-Thượng
Tịnh-Không.
"Giới là phương-tiện đi trước của định tuệ cũng tức là căn bản của tu tịnh
khai tuệ. Nếu như không có tịnh giơi, cái tiêu chuẩn của tịnh phải theo lời dạy
của Phật trong Kinh nầy".
Quý vị học Phật đồng tu của chúng
ta.
Ở đây, tu pháp môn niệm Phật chiếm
đa số. Có người niệm Phật vì sao không được nhứt tâm bất loạn; thậm chí chúng
ta đem tiêu-chuẩn này hạ thấp xuống dưới một tí, là công phu thành một mảng.
Niệm Phật đã bao nhiêu năm nay công phu thành một mảng cũng không đạt được.
Tham thiền thì không được thiền định. Học giáo cũng không được viên giải.
Nguyên nhân này ở chỗ nào?
Chúng ta từ trong truyện ký, chư vị
cổ đức xưa kia bất luận xuất gia hay tại gia, tu đạt cảnh giới này hầu như
không khó. Thời gian cũng không quá dài. Người lợi căn thì ba năm, năm năm thì
đạt được. Người độn căn thì mười năm, tám năm. Những người thành tựu rất nhiều.
Vì sao chúng ta hôm nay không đạt được? Tỉ mỉ để truy cứu cái nguyên nhân của
nó thì chẳng khó hiểu được. Mà là, chúng ta từ nơi công tác cơ bản chưa làm
được tốt. Như là cất nhà nền móng không xây được vững. Tuy là cố gắng cất lên,
cố gắng chẳng đặng thành công. Đạo lý là ở chổ này. Nhứt là người thời nay học
Phật rất là tân thời. Không những trong nước rất tân thời, mà ở nước ngoài cũng
rất tân thời. Đối với Kinh luận họ rất ưa thích, nhưng khi nói đến giới luật
thì lắc đầu. Vả lại, đối với giới luật lại con có một từng hiểu lầm.
Hiểu lầm như thế nào?
Họ đều cho rằng giới luật là quy
phạm của sanh hoạt. Nói đến giới luật là nghĩ đến ba ngàn năm về trước, là quy
phạm sanh hoạt của người Ấn-Độ thuở xưa, không thích hợp với người hiện đại. Vì
vậy, cho nên chúng ta đem giới luật bỏ mất. Cho dù còn lưu lại một vài
hình-thức cũng chẳng thật tình để thể hiện. Dĩ-nhiên cũng chẳng thiết tha để
thi hành. Đây là vì sao chúng ta chẳng có được công phu thành một mảng; tham
thiền vì sao chẳng được thiền định?
Nguyên nhân căn bản là ở chỗ này.
Cho nên phần chú giải của Giao
Quang Đại sư là do Giao Quang Đại sư làm ra. Vừa mở đầu là nói với chúng ta:
"Đây là căn bản của định tuệ.
Tiền phương tiện là căn bản. Thông thường hể nói đến giới luật đều là nói
Sát-Đạo-Dâm. Đem việc không sát sanh đặt ở điều một. Ngũ giới nó là giới thứ
nhứt. Tám giới, nó cũng là thứ nhứt. Bồ-Tát giới nó vẫn còn thứ nhứt. Do đây có
thể biết trên hội Lăng Nghiêm. Phật vì chúng ta tuyên nói tứ trọng giới là đem
Dâm Giới đặt ở thứ nhứt. Thứ lớp là Sát, Đạo, Vọng.
Tại sao tuần tự đối với các giới
luật thông thường không giống nhau?
Giao Quang Đại sư ở đây cũng vì
chúng ta mà nói rõ. Chư Phật Bồ-Tát tiếp dẫn tất cả chúng sanh là lấy từ bi làm
gốc, phương tiện làm cửa. Tôi nghĩ điều này các đồng tu đều biết (buổi giảng
giải của Pháp sư Tịnh-Không có nhiều Pháp sư. Đại Đức Tăng Ni cả Thiền lẫn Tịnh
tham dự). Từ bi làm gốc, không sát sanh tức là bi chơn thật. Cho nên đem không
sát sanh đặt vào điều thứ nhứt. Còn sự thành hình của Kinh này thì khác. Bộ
Kinh này chơn duyên của nó rất là đặc thù. Giáo khởi nhơn duyên cùng các Kinh
khác không giống nhau, là do Ngài A-Nan khải thỉnh, cùng với sự tu học của
A-Nan có quan hệ mật thiết. Kinh Lăng Nghiêm nhơn duyên pháp khởi, A-Nan, chúng
ta được biết là thị quả của Đức Thích Ca. Trong các đệ tử của Phật, Ngài là đa
văn đệ nhất. Lại là người được truyền thừa Phật pháp. Chúng ta hôm nay có duyên
đọc được rất nhiều Kinh Phật đều là do A-Nan kết tập, lưu truyền cho hậu thế.
Công đức của Ngài đối với chúng sanh ở hậu thế, thật là vô cùng lớn lao.
Do bởi đa văn nên đối với tu hành
Ngài đã xao lãng mất. Quý vị nên biết Phật pháp là giải môn và hành môn. A-Nan
lại chú trọng ở Giải môn (tức là chú trọng ở Kiến Giải).
Chú trọng nơi Kinh giáo, xao lãng
việc tu học chân chánh. Còn hành môn là tu cái gì? Điểm này bất luận các vị
đồng tu tại gia hay xuất gia đều phải hiểu rõ. Tu học Phật pháp đều là một chữ
"định". Bất luận là Pháp môn nào, Tông phái nào, tất cả tu đó đều là
"thiền định". Cho nên quý vị đừng hiểu lầm Thiền Tông mới là tu thiền
định.
Còn những Tông phái khác không phải
là thiền định sao? Chỉ là các Tông, các Phái dùng danh xưng không giống nhau.
Thiền Tông gọi là định.
Tịnh Độ Tông gọi là Nhứt tâm bất
loạn. Nhứt tâm bất loạn tức là thiền định.
Trong giáo hạ gọi là chỉ quán.
Tông Thiên Thai có Thiên Thai Ma-ha
chỉ quán, Thiên Thai Tiểu chỉ quán.
Hiền Thủ Tông Hoa Nghiêm có Pháp
giới quán,
Danh xưng không giống nhau, kỹ
thuật đều là tu định. Nói một cách khác, tất cả đều là trong nhứt tâm. Nhứt tâm
tức là định.
Trong hội Lăng Nghiêm, chúng ta xem
25 Viên Thông chương. Hai mươi lăm vị Bồ-Tát này, đại biểu những tông phái khác
nhau. Tuy tông phái khác nhau, phương pháp khác nhau; họ tu đó đều là
Thủ-Lăng-Nghiêm Đại-Định. Đây là nói rõ với chúng ta, trung tâm tu học Phật
pháp là "định".
Giới là giúp cho chúng ta được định, là điều kiện quan-trọng. Bỏ giới mà được
định là tuyệt đối không thể được. Nếu như có thể được, thì Phật đối với giới
luật chẳng cần nhấn mạnh với chúng ta làm gì.
Đối với chúng ta chẳng cần nghiêm
khắc như vậy.
Có thể nói, Giới là cơ sở chơn thật
duy nhứt để tu định, chúng ta không thể không coi trọng.
A-Nan do bởi xao lãng việc tu định,
đối với lý luận thì Ngài rất thấy hứng thú, ngày ngày đều nghiên cứu giáo lý.
Vậy nên, khi gặp phải Ma-đăng-già nữ thì lại gặp nạn. Nếu chính mình có định,
có tuệ thì Tiên-Phạm -Thiên chú của Ma-đăng-già nữ không thể câu thúc được
A-Nan. Là vì công phu định tuệ của Ngài chưa đủ, cho nên gặp phải nạn này.
Thế Tôn biết được việc này, sau khi
Ngài ứng cúng tại hoàng cung, thông thường sau đó đều phải thuyết pháp; nhưng
Ngài lật đật trở về giúp đỡ cho A-Nan.
Vì vậy Tôn giả A-Nan lần này mới
thật sự giác-ngộ, do không có tu hành. Đây là có giải (kiến giải) mà không có tu
hành cũng vô dụng thôi.
Khi anh tu hành chơn chánh, trong
giới luật giới Dâm là đệ nhứt. Tất cả chúng sanh - đây là nói chúng sanh trong
lục đạo - đều lấy dâm dục mà chứng sanh mạng. Anh vì sao ở trong lục đạo đầu
thai, xả thân và thọ thân, là vì cái niệm này chưa dứt. Nói một cách khác, niệm
này không dứt (tức là niệm Dâm) thì không ra khỏi Tam giới. Quý vị nên nhớ cái
niệm Dâm về sự tuy không có - Sự không có vẫn chưa được. Anh có cái niệm là
không được rồi. Niệm thô tuy không có, nhưng anh còn có cái niệm tế vẫn không
được.
Phật trong các kinh luận thường
nói: "Tài, sắc, danh, thực, thuỳ....Dâm dục là sắc, cái sắc trong ngũ dục
nói đến và cái sắc trong ngũ uẩn không giống nhau. Cái sắc trong ngũ uẩn là
nguyên trọn cả vật chất; lấy chữ này làm đại biểu còn cái sắc trong ngũ dục là
chỉ sắc dục của nam nữ, chỉ cho dâm dục là năm cái gốc của địa ngục.
Tất cả lục đạo chúng sanh không lọt
khỏi Tam giới luân hồi. Phật nói với chúng ta, nhứt định thời gian trong tam ác
đạo (Địa ngục, Ngạ quỷ, Súc sanh) thì dài, tam thiện đạo thì ngắn (Trời,
A-tu-la, Người thì ngắn).
Trong Kinh có một tỷ dụ nói rằng:
"đầu xuất đầu mọc, đem Tam giới ví dụ cho biển khổ". Chữ đầu xuất tức
là dưới đáy biển ló đầu lên, hô hấp một luồng không khí tươi mát, thời gian này
rất ngắn, nhào lộn một cái thì lại lặn hụp xuống dưới. Phía dưới là Tam ác đạo,
phía trên là nhơn thiên hai đạo. Tỉ dụ này là để nói rằng: lục đạo chúng sanh
chúng ta, ở trong hai đạo nhơn thiên thì rất ngắn, cơ hội rất ít. Ở trong Tam
ác đạo thời gian rất dài, cơ hội rất nhiều.
Nguyên nhân là ở đâu? Là tham trước
tài, sắc, danh, thực, thuỳ. Tham trước ngũ dục, lục trần.
Trong ngũ dục nghiêm trọng nhứt là
sắc. Cho nên Phật ở chỗ này, cái thứ nhứt là đem cái nhân tố sanh tử, cái nhân
tố chủ yếu nhứt vì chúng ta mà đề ra, chỉ dạy cho chúng ta: nếu quả thật muốn
trong một đời vượt khỏi dục đạo luân hồi, thì anh tất phải tuân thủ, "Niệm
Phật cầu sanh Tịnh Đồ", cũng chẳng khỏi rời nguyên tắc này. Nếu cái niệm
này (tức cái niệm Dâm) không dứt thì dù công phu niệm Phật của anh dù hay hơn,
cũng không thể vãng sanh.
Là nguyên nhân gì?
Anh có một sợi dây buộc vào thế
giới Ta bà. Sợi dây này khi chưa cởi ra, Phật A-Di-Đà có vẫy tay tiếp dẫn anh,
anh cũng chẳng đi được, vì có người ở chỗ này đang lôi kéo anh, tức là cái vọng
niệm lôi kéo anh, khiến anh không thể vãng sanh. Vì thế phải đem nó dứt cho
sạch.
Cho nên ở Kinh này, vừa mở đầu, Đức
Phật đem cái căn bản sanh tử nói ra: "Nếu lục đạo chúng sanh trong các thế
giới". Câu này chúng ta tuyệt đối không thể hàm hồ, sống sượng mà xem sơ qua.
Các thế giới chẳng phải là cái Ta bà thế giới của chúng ta. Nói một cách khác,
Thập phương Tam Thế nhứt thiết chư Phật Thế giới, chỉ cần có lục đạo chúng
sanh, thế giới ấy đều là tình trạng này, đều không thể lìa khỏi nguyên tắc này.
Phật nói:
"Cái Tâm không dâm, trong tâm
thật sự đem cái niệm dâm dục đoạn dứt sạch sẽ, không còn nữa thì họ sẽ không đi
theo dòng sanh tử nối tiếp". Sanh tử nối tiếp tức là lục đạo luân hồi. Nói
một cách khác, họ không theo, tức là vượt khỏi sanh tử luân hồi rồi.
Giờ đây chỉ biết, chỉ cần niệm này
chưa dứt (tức là cái tâm dâm) thì nhất định họ không ra khỏi Tam giới, nhất
định phải còn tiếp tục sanh tử luân hồi.
Đây là Phật đem chân tướng chúng ta
một đời nói toạt ra hết. Chơn tướng thật sự này, những người biết đến thật sự
thời quá ít. Quá ít!
Điều này quý vị nhất định phải biết.
Chơn tướng sự thật đã nói ra rồi.
Hoà -Thượng Tịnh -Không nói tiếp,
xin xem tiếp Kinh văn ở dưới:
"Ông tu phép tam muội, để ra
khỏi trần lao. Nếu không trừ lòng dâm, thì không thể ra khỏi trần lao được".
Chữ ông ở đây là gọi A-Nan, đồng
thời cũng là gọi chúng ta. Chúng ta ngày nay niệm Phật. Niệm Phật hy vọng được
nhất tâm bất loạn. Nhất tâm bất loạn gọi là Niệm Phật Tam Muội. Thật tế mà nói,
công phu cạn, công phu thành một mãng đều được gọi là Niệm Phật Tam Muội. Niệm
Phật Tam Muội là tên gọi chung, lấy công phu cạn sâu mà chia ra. Thông thường
chia ra thành ba hạng. Cạn nhất là thành một mảng, câu phương ngôn thành phiến
(trong câu "đả thành nhứt phiến", lời Tịnh-Hải); kế đến là sự nhất
tâm bất loạn; cao nhất là lý nhất tam bất loạn. Tất cả đều gọi là Niệm Phật Tam
Muội.
Chúng ta cũng đang tu Niệm Phật Tam
Muội.
Tu Niệm Phật Tam Muội mục đích là ở
chỗ nào? Là phải vượt khỏi Tam giới. Trần lao là đại danh từ của Tam giới và
lục đạo. Trần là ô nhiễm. Tam giới lục đạo thường làm ô-nhiễm chơn tâm bản tánh
của chúng ta. Cho nên dùng chữ trần lao để đại biểu. Chữ lao là phiền não. Vậy
thì chúng ta biết, trong Tam giới đã chứa đầy kiến tư phiền não. Nếu kiến tư
phiền não không dứt thì ta không ra khỏi Tam giới.
Thiền định của thế gian là tứ thiền
bát định. Công phu thiền định tuy rất sâu, vẫn không ra khỏi Tam giới. Nhứt
định phải đến cái định thứ 9. Cái định thứ 9 thì đem kiến tư phiền não đoạn
dứt, vượt khỏi Tam giới. Cũng tức là như đoạn trên Phật nói: "Sát Đạo Dâm
Vọng ngay cả cái niệm cũng không có". Thật vậy, vọng tưởng đã dứt như vậy
mới được ra khỏi Tam giới. Nếu như tâm Dâm không trừ, thì không ra khỏi trần
lao, nói một cách khác, ra không khỏi lục đạo luân hồi.
Có một vị đồng tu bảo: "Việc
này quá khó!"
Đúng là khó!
Trong Tịnh Độ Tông nói "đới
nghiệp vãng sanh", vị đồng tu ấy hỏi tiếp: "Cái niệm này của tôi chưa
dứt có vãng sanh được không?"
Ở đây tôi xinh thành thật thưa với
quý vị:
- Đoạn có hai loại. Một loại gọi là
diệt đoạn, một loại gọi là phục đoạn. Phục tức là đem nó đè xuống. Tuy nó có
niệm, nhưng nó không khởi tác dụng. Diệt đoạn thì khó, nhưng phục đoạn thì dễ.
Cái trong Kinh nói là diệt đoạn. Vì Kinh này chẳng phải đối với Tịnh Độ Tông mà
nói. Nói một cách khác, tu các pháp môn khác, phải diệt đoạn mới ra được khỏi
Tam giới. Còn tu phap môn Niệm Phật, cầu sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới,
không diệt đoạn cũng được, chỉ cần phục đoạn.
Phục đoạn bằng cách nào?
Dùng một câu A-Di-Đà Phật đem cái
niệm này khống chế nó. Có người ví như lấy đá đè cỏ. Pháp môn khác là chặt cỏ,
nhổ gốc. Cái đó dĩ nhiên là rất triệt để.
Còn Tịnh Độ Tông chẳng cần chặt cỏ
nhổ gốc. Chỉ lấy cục đá đè lên là được. Không còn thấy nữa, như vậy là được. Nó
không khởi tác-dụng nữa. Như vậy là được vãng sanh. Cho nên sự thành tựu của
Tịnh Độ Tông so với các môn phái khác dễ dàng hơn.
Chúng ta thật tình mà thôi, cảnh
giới này trong một đời này, chúng ta không dễ gì thành tựu. Vọng niệm của ngũ
dục, lục trần - đối với người tu thiền định - đoạn dứt thật là khó khăn; nhưng
một câu Phật hiệu niệm được đắc lực, đem niệm này đè lấp nó, tôi nghĩ mỗi người
đều có thể làm được. Đây là chỗ thù thắng không chi sánh bằng của Pháp môn Tịnh
Độ.
Anh đoạn dứt càng sạch thì càng thù
thắng. Khi nãy đã nói, khi chúng ta có thể đè bẹp được phiền não thì đới nghiệp
vãng sanh vào "Phàm Thánh Đồng cư Độ". Nếu chúng ta có thể đem phiền
não đoạn dứt, thì vãng sanh Cực Lạc thế giới sẽ là Thật Báu Trang Nghiêm Độ.
(Xin lưu ý hai chữ phục đoạn và
diệt đoạn dứt nói trên đây. Lời Tịnh-Hải).
Hoà-Thượng Tịnh-Không nói tiếp:
- "Tu học các Pháp môn khác,
đem vọng niệm đoạn dứt như trong kinh nói trên thật đã thành tịnh, tánh diệt
cũng không thì cảnh giới của nó mới là cảnh giới Phương Tiện Hữu Dự Độ vì vô
minh chưa hết gọi là hữu dư. Còn Tịnh-Độ Tông của chúng ta muốn có cảnh giới
này thì đạt đến Thật Báu Trang Nghiêm Độ.
Bây giờ xin nghe Hoà-Thượng
Tịnh-Không giảng tiếp đoạn Kinh Thủ-Lăng-Nghiêm:
"Nếu như anh không đoạn dứt
lòng dâm không những không ra khỏi tam giới, chắc phải đoạ vào loài ma, yêu ma
quỷ quái: Dù có nhiều trí thiền định hiện tiền, nếu không đoạn lòng dâm, tức
phải lạc vào ma đạo".
Trí từ đâu mà có được? Dĩ-nhiên
nhất định chẳng phải là trí tuệ chơn thật. Chúng ta biết được trí tuệ chơn thật
từ thanh tịnh tâm mà sanh ra. Là từ chơn tâm bản tánh lồ lộ ra. Đó là Trí-tuệ
Bát-Nhã. Còn trí-tuệ nói ở đây, tức là trong Phật pháp thường nói, Thế-trí
Biện-Thông, đó là thông minh trí-tuệ của thế gian. Họ có thiền định hiện-tiền
là thiền định thế gian. Nếu như ta học được Vô Cùng Như Pháp, đó tức là như
trong Kinh nói Tứ Thiền Bát định, thiền định này khi nó hiện tiền những người
thế gian thông thường như chúng ta nếu thấy được cũng vô cùng tán thán... Giả
tỷ như khi họ nhập định có thể mười ngày nửa tháng không xuất định. Thậm chí
những người công phu thiền định sâu hơn, khi nhập định có thể hai ba tháng mưới
xuất định. Vậy thì chúng ta gặp những hạng người này nhứt định 5 vóc sụp xuống
đất bội phục đến tột cùng. Họ thật có công phu. Đây là hạng đạt được thiền
định.
(Tứ Thiền Bát Định có nghĩa: Tứ
Thiền là Tứ Thiền của trời sắc giới. Bát Định là Trí vô sắc định của trời vô
sắc giới. Theo Phật học Từ Điển Hán- Việt).
Hoà-Thượng Tịnh-Không giảng tiếp:
- "Đây là hạng được thiền định.
Nhưng được thiền định này có ra khỏi Tam giới không? Không! Nếu như họ có công
phu đó, quyết tâm niệm Phật cầu sanh Tịnh Độ, đó thì nhứt định thành công, nhứt
định được vãng sanh. Nếu như họ không cầu vãng sanh Tịnh-Độ, tương lai họ sẽ
vãng sanh Sắc giới Thiên và Vô Sắc giới thiên, nhưng không thể ra khỏi Tam giới.
Nếu như "niệm Dâm" của họ không đoạn, thì họ sẽ rơi vào "Ma
đạo" mất. Điều đó là vô cùng, vô cùng đáng tiếc!
Đặc trưng của ma là gì? Chúng ta
dùng phương pháp gì để biết nó là ma? Phần trước đã nói với quý vị, ma không
đáng sợ, quan trọng anh phải nhận biết nó. Anh nhận biết nó, sẽ không bị nó làm
hại. Nó cũng không làm chướng ngại anh. Nếu anh không nhận biết nó, thì anh sẽ
bị mắc lừa, anh sẽ bị nó hại. Nó sẽ làm chướng ngại cho anh. Đặc trưng của ma
là tâm dâm không dứt. Đây nhứt định là ma, cho dù mang mấy chiều bài của Phật,
niệm dâm hạnh dâm không dứt, thì chúng ta biết liền. Đây là ma vương xuất hiện.
Hạng trên thành Ma Vương.
Hạng trên là người công phu thiền
định sâu (mà còn tâm dâm). Nó có công phu thiền định, nó cũng có trí tuệ, thậm
chí nó giảng Kinh nói pháp cũng lớp lang đàng hoàng, thật cũng có thần thông.
Có định tức là có thần thông. Thần thông này, theo như Kinh Lăng Nghiêm nói là
hai thứ nguyên lai. Một thứ là từ trong thiền định sanh ra. Còn thứ hai là ma
nhập vào thân. Thần thông này là chẳng phải của người đó, mà ma nhập vào thân
người đó. Ma mà rời khỏi thì năng lực thần thông cũng mất hẳn. Cho nên thần
thông có hai loại. Phật, Bồ -Tát tuyệt đối không dùng thần thông làm Phật sự.
Nói một cách khác không dùng phương-pháp này tiếp dẫn đại chúng.
Hạng giữa thành ma dâm, hạng dưới
thành ma nữ. Các bọn ma kia cũng có đồ chúng. Mỗi mỗi tự xưng là thành đạo vô
thượng. Những loại yêu ma quỷ quái này trong xã hội hiện nay của chúng ta,
trong Kinh Lăng Nghiêm nói rất rõ ràng. Các...loại Tà sư nói Pháp như hằng -hà
sa. Tức là trong thời đại này, những loại người này thật nhiều, thật nhiều. Nếu
chúng ta không nhận biết chúng nó, học Phật mà theo học với chúng nó thì không
thể nào thành tựu. Đến cuối cùng dù cho anh học rất giỏi cũng trở thành Ma
vương, Ma dâm, Ma nữ, thì thật là quá đáng tiếc. Chúng nó tự xưng là chúng đã
thành Phật rồi, cũng đã thành Bồ-Tát rồi, hoặc tự bảo chúng ta là Phật Bồ-Tát
tái thế. Trong giáo pháp của chúng không cấm ý-chí dâm dục. Chúng không cấm,
thậm chí còn tán thán, thì phiền phức càng phiền phức hơn.
Xin xem tiếp đoạn kinh dưới và xin
nhắc lại trong sách này những chữ đậm đứng là lời Kinh Thủ-Lăng-Nghiêm:
Sau khi ta diệt độ rồi, trong đời mạt pháp, có nhiều bọn ma này sôi nổi trong
thế gian, gây nhiều việc tham dâm, lại giả làm người Thiện -Tri-Thức. Phật nói
rất minh bạch, nói rằng: sau khi Đức Thích Ca Mâu Ni diệt độ, pháp vận của Phật
là một vạn hai ngàn năm, chia ra ba thời. Thời kỳ thứ nhất gọi là Chánh pháp,
là sau khi Phật diệt độ một ngàn năm. Lúc này Phật pháp vô cùng thuần tịnh
không có biến chất. Một ngàn năm thứ hai, Phật pháp dần dần biến chất, không
còn thuần nữa, gọi là Tượng pháp, tượng là tượng tợ, vẫn còn giống vẻ ấy, tương
tợ nhưng không hoàn toàn giống. Đến một ngàn năm thứ ba và về sau, là Mạt pháp;
Phật pháp càng truyền càng biến chất với một mức độ lớn. Mạt pháp có một vạn
năm. Sau một vạn năm Phật pháp ở trên thế gian này hoàn toàn tiêu mất hết,
không còn nữa gọi là Diệt pháp, cần phải một vị Phật khác ra đời; Ngài giảng
Kinh thuyết pháp thì thế gian này mới có Phật pháp. Vị Phật sau đó là Di-Lặc Bồ
-Tát.
Trong Kinh Di-Lặc Hạ sanh, Đức
Thích Ca Mâu Ni Phật nói với chúng ta rất rõ: lấy năm tháng của thế gian mà
tính, phải 56 ức mấy mươi vạn năm Di-Lặc Bồ-Tát mới đến thế gian chúng ta thành
Phật. Do đây có thể biết, thế gian này thời gian có Phật rất ngắn; thời gian
không có Phật rất dài. Hiện nay là mở đầu của một ngàn năm thứ ba. Nói một cách
khác, Mạt pháp vẫn còn chín ngàn năm. Mạt pháp là chỉ đời này của chúng ta, lại
là có nhiều bọn ma dâm này sôi nổi trong thế gian gây nhiều việc tham dâm, lại
giả làm Thiện-Tri-Thức.
Trong ba bốn mươi năm về trước còn
có ít thấy. Nhưng trong hiện nay, trong nước cũng như hải ngoại, thường thường
nghe thấy. Thậm chí vẫn có người đặc-biệt đề xướng song tu. Đó là như Kinh này
nói đến, họ có phải là bực Thiện -Tri-Thức hay không? Tự vỗ-ngực là
Thiện-Tri-Thức, Phật không thừa nhận. Phật ở chỗ này dạy chúng ta. Bọn đó khiến
chúng sanh rơi vào hầm ái kiến, bỏ mất con đường Bồ-Đề. Trên đây tức là bị nó
hại. Kẻ bị hại rất nhiều. Chúng tôi đã từng gặp người bị hại chẳng ít. Có một
số ít giác ngộ hồi đầu, thì là may mắn lắm. Vẫn còn một số chấp mê không ngộ.
Vậy thì khó nói lắm, hậu quả không thể lường nổi. Thật là một sự kiện đáng sợ.
Cho nên học Phật không thể không phân biệt cho rõ ràng.
Lời Tịnh -Hải:
Đây là chính điểm mà chúng tôi căn
cứ vào Kinh Phật để chứng minh rõ ràng: "Chúng sanh thời Mạt pháp này
không thể tu thiền định vì tâm dâm chưa dứt, như Phật dạy không thể lấy cát, đá
mà nấu thành cơm.
Vậy thử hỏi có vị Phật tử nào dám
tự cho rằng mình đã sạch tâm dâm không? Như đã nói, Ta bà này là cõi do Ma
Vương cai quản. Ma Vương muốn tất cả chúng sanh đều phạm dâm để rơi vào các ác
đạo hầu làm quyến thuộc của Ma. Vì hiểu thấu điều này nên chúng tôi mới nói sự
thật, khuyến cáo mọi người nên dựa vào thần lực của Phật, dựa vào đại nguyện
của Đức Phật A-Di-Đà để - dù tâm dâm chưa dứt như Hoà-Thượng Tịnh-Không nói
"phúc đoạn", lấy đá đè cỏ - dùng sáu chữ Nam Mô A-Di-Đà Phật vượt
thoát khỏi thế lực Ma Vương mà đến cõi Tịnh-Độ Cực Lạc.
Còn như chúng ta không nghe lời
Phật dạy, tu sai pháp môn, đến lúc lâm chung vẫn phải theo tình và tưởng mà thọ
sanh. Không ai có thể cứu chúng ta hết. Nếu bình thường chúng ta biết niệm Phật
theo lời dạy của Đức Phật Thích-Ca trong các Kinh Tịnh-Độ, thì chính chúng ta
tự cứu mình. Có người nói, bao nhiêu người đòi Phật đến rước, thì bắt buộc Phật
quá, mà Phật lấy thời giờ rảnh đâu ra để mà làm việc ấy? Nói câu này chứng tỏ
vị ấy, hoặc không nghiên cứu Kinh A-Di-Đà hoặc xuyên tạc Kinh A-Di-Đà.
Kinh Vô Lượng Thọ nói: "Các lổ
chơn lông Phật A-Di-Đà tuôn ra ánh sánh như núi Tu-Di. Vòng ánh sáng nói thân
Phật ấy, lớn như trăm ức đại -thiên Thế giới. Giữa vòng ánh sánh có trăm vạn ức
na-do-tha Hoá Phật, nhiều như cát sông Hằng...."
Đọc câu Kinh trên chúng ta thấy rõ,
chúng ta đang sống ở đây chỉ là một tiểu thiên thế giới. Còn vòng hào quang nơi
thân Phật A-Di-Đà lớn như trăm ức đại thiên Thế giới và giữa vòng ánh-sáng có
trăm vạn ức na-do-tha Hoá Phật nhiều như cát sông Hằng. Như vậy hào quang của
Đức Phật A-Di-Đà bao quanh khắp nơi, chiếu soi khắp nơi và Hóa thân Phật
A-Di-Đà theo ánh sáng của Ngài luân chuyển bay đến khắp nơi, nên khi cúng ta
niệm danh hiệu của Ngài, Ngài biết ngay (gọi là nhiếp thọ). Người nào siêng
năng niệm danh hiệu Ngài, lúc gần lâm chung không cần cầu, Ngài cũng hiện đến
báo trước ngày giờ. Vì Ngài lúc nào cũng gần với chúng ta đâu cần phải cầu,
phải đòi. Đây là lòng thương chúng sanh của Phật. Nên Kinh mới nói:
"Các Đức Như-Lai hiện ra nơi đời, mục tiêu chân chánh là không chỉ
tuyên-dương diệu-pháp bí ảo sâu xa cho những bực Thánh -Giả, hiền nhơn, mà mục
tiêu khẩn thiết nhất vẫn là nhằm cứu vớt các loại chúng sanh tội khổ, nặng về
tình, nhẹ về tưởng".
Từ khi nghiên cứu các kinh Tịnh-Độ,
chúng tôi hết sức quý trọng chư Tăng Ni, đã vì chúng sah mà suốt đời hoằng
dương pháp môn Niệm Phật. Và thường tự hỏi những người chống đối niệm Phật là
hạng người nào mà Phật đã nói trong Kinh? Mục đích những vị ấy muốn hướng dẫn
chúng sanh đi về đâu?
Nhơn đây, theo lời trình bày của
Hoà-Thượng Tịnh-Không, chúng tôi hiểu rõ, người tu Thiền mà chứng được Tứ Thiền
Bát Định, có khả năng nhập định nhiều ngày, từ một tuần đến đôi ba tháng, khi
lâm chung vẫn chưa ra khỏi Tam giới. Vì được Tứ Thiền, mới chỉ lên tới cõi trời
Sắc giới, thêm Bát định thì lên tới trời Vô sắc giới. Chưa ra khỏi Tam giới,
nghĩa là vẫn còn phải luân hồi sanh tử. Mà còn luân hồi sanh tử, thì sau khi
hưởng hết phước trời; nghiệp dư trong Tàng thức vẫn còn, thì gặp duyên ác vẫn
phải đọa ác đạo.
Việc thứ hai mà chúng tôi hiểu, gần
một ngàn năm trở lại đây, tức vào thời mạt pháp, hầu hết các Thiền sư khi gần
chết đều quy hướng Pháp môn Tịnh Độ, nương vào Phật hiệu để vãng sanh Cực Lạc.
Vì chư vị ấy tuy tu thiền được định rất cao như Trung-Hoa có các Tổ Tịnh -Độ,
có Ngài Hám -Sơn, Quảng Khâm; Việt Nam có Ngài Giác Lập, nhưng xét lại biết
mình chưa ra khỏi Tam giới, thì chỉ còn nhờ vào thần lực và nguyện lực của Phật
A-Di-Đà mà xa rời ba đường dữ, Vãng sanh Tây Phương Cực -Lạc.
Đặc biệt có Đại lào Hoà-Thượng Hư
Vân, công phu tu tập của Ngài không ai sánh bằng. Nơi chùa của Ngài, ai muốn tu
Thiền thì qua khu dành cho người tu Thiền; ai muốn tu Tịnh thì ở khu tu Tịnh,
riêng rẻ hai nơi.
Năm 1960, Ngài Hư vân thọ 120 tuổi,
Ngài viết thư cho đệ tử khắp nơi từ chối lễ chúc thọ có những câu:
"Việc sống chết ta chưa biết
ra sao...Một làn gió nhẹ thổi đến, thân này tan thành bụi. Chưa liễu ngộ được
gì. Niệm niệm thẹn thùng vì hư danh...
Ngài rất thành thật với mình.
Nhưng, ngài quyết tâm ở lại Ta bà để độ thoát chúng sanh, cho nên dù Ngài dạy
để tử tu xưng niệm danh hiệu A-Di-Đà để cầu được vãng sanh, nhưng chính Ngài
lại mong về cung Đâu Suất của Đại Bồ-Tát Di-Lặc.
Một ngày trước khi tịch, Ngài bảo
thị -giả đem tượng Phật để lên quan tài ngài, ở phòng bên cạnh. Phương trượng
cùng ba vị tăng tri sự vào thăm, ngài bảo cho người lên đại điện niệm Phật.
Trưa hôm sau, Ngài tự xuống giường và quỳ xuống đất lạy Phật. Đây là lần lạy
Phật cuối cùng trong đời Ngài. Rồi Ngài ngồi kiết già mà niệm Phật. Hơn một giờ
sau chư thị-giả vào xem thấy Ngài nằm thế kiết già mà thị tịch. Trong lễ trà
tỳ, mùi hương lạ bay khắp núi. Hoả táng xong, tìm thấy hơn một trăm hạt xá -lợi
và thấy một lằn khói trắng bay thẳng lên trời. Rõ ràng ngài đã sanh về cõi trời.
Sau này Pháp sư Khoan Tịnh gặp Ngài ở cung trời Đâu Suất.
Đây là một Thiền sư mà trong đời chúng
tôi kính phục.