Tịnh độ
Niệm Phật Cách Nào Chắc Được Vãng Sinh?
Tịnh Hải
04/07/2555 02:00 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng
Niệm Phật Cách Nào Chắc Được Vãng Sinh?
Mục lục
Xem toàn bộ


Trong sách này, mỗi chương đều hữu-ích cho tất cả những ai thật tâm niệm Phật cầu Vãng Sanh. Nếu chư liên-hữu tin tưởng vào chúng tôi xin đọc kỹ các chương sau cùng này và dạy cho con cháu, nhắc nhở thân nhân bạn bè cùng đọc, chắc chắn sẽ hữu ích cho việc Vãng Sanh Tây-Phương Cực-Lạc Tịnh-Độ.

Xin luôn luôn nhớ đến hai chữ Cực -Lạc và đừng để bị người ta đánh lừa một cõi Tịnh-Độ nào khác mà thiếu hai chữ Cực-Lạc, là cõi Phật của Đức Từ Phụ A-Di-Đà.

Ngoài niềm tin vào Đức Từ Phụ A-Di-Đà, chúng ta còn cần thêm một lòng tin vững chắc là, chúng ta không phải là người trung căn hay hạ căn, mà là người đã có căn lành từ muôn kiếp. Bao nhiêu kiếp về trước - một kiếp là 16 triệu 800 ngàn năm - chúng ta đã từng gặp Phật, từng cúng dường và thân cân với Phật, nên kiếp này nghe nói đến Pháp môn Niệm Phật chúng ta tin theo ngày và dốc lòng trì niệm danh hiệu A-Di-Đà Phật.

Nhưng, dù đã thân cận Phật hay chưa gần gũi, bất cứ ai tin vào lời nguyện của Phật A-Di-Đà, đều được Phật tiếp dẫn như nhau.

Lòng tin này sẽ giúp cho chúng ta cảm thấy thân thương, quý ái và gần gũi với Đức Từ Phụ nhiều hơn. Chúng ta giống như người con xa nhà từ lâu, nay trở về mà tình yêu thương vẫn đượm nồng chan chứa.

Trong chuyến xa nhà này, chúng ta đã luân hồi khắp nơi. Chẳng biết bao nhiêu kiếp, chúng ta đã lên các cõi trời. Nơi nào cũng đã đi hết. Hết ở cõi trời có khi chúng ta xuống làm người; có lần từ cõi trời chúng ta lại lọt tuốt xuống địa-ngục, không sao nhớ tính cho hết. Mỗi lần đổi thân là chúng ta quên hết. Chỉ bực đại Bồ-Tát, chứng Vô-sanh nhẫn mới nhớ được. Nhưng trong duyên may, chúng ta có lần gặp Phật, cúng dường Phật và nghe Pháp. Nhờ vậy, lần này chúng ta trở lại làm người và nghe biết Pháp môn niệm Phật này.

Nhờ duyên may được gặp lần này nếu chúng ta không biết nhơn cơ hội nắm lấy cho chắc danh hiệu Nam-Mô A-Di-Đà Phật từ ngay giờ phút này thì, coi chừng chúng ta bị vuột mất dịp quý. Vì, nếu khi qua một đời khác, chẳng rõ chúng ta có được lại thân người nữa không, hay sẽ đổi thân khác, sẽ mang lông đội sừng hay làm ngạ-quỷ, hay rơi thẳng địa-ngục.

Chúng ta có đổi thân khác hay không, là do cái nghiệp lành, nghiệp dữ của chúng ta tạo ra, từ những kiếp trước và kiếp này.

Chỉ có một hạng người vượt khỏi thông lệ chung này. Đó là hạng người "Đới nghiệp Vãng Sanh". Họ mang cả nghiệp vượt tất cả, khỏi tam giới, Nhờ bản-nguyện, oai thần và công-đức của Đức Phật A-Di-Đà. Họ nhờ niệm danh-hiệu A-Di-Đà Phật, khi sắp lâm chung, Phật A-Di-Đà và Thánh-chúng đến tiếp dẫn.

Tại sao người niệm Phật có được ngoại lệ này?

Đức A-Di-Đà có 48 Đại -nguyện, người niệm Phật đáp ứng bản-nguyện của Đức Phật A-Di-Đà, bằng Tín là lòng tin vững chắc; bằng Nguyện là phát nguyện Vãng Sanh; bằng Hạnh là nhứt-tâm trì niệm hằng ngày. Mỗi câu niệm Phật của người trì danh hiệu Phật - Giống nhau chư liên-hữu - sẽ được trừ tội lỗi tám trăm ngàn (tức 80 ức) kiếp sanh tử cho một niệm.

Khi chúng ta niệm Phật, chúng ta được giảm dần nghiệp ác. Chúng ta được nhẹ bớt nghiệp ác chứ không bao giờ hết được, vì chúng ta đã tạo-nghiệp từ vô-lượng vô-biên kiếp, mà không sao tính biết được.

Trí-Húc Đại sư trước là người tu Thiền, là một bực Thiền Sư nổi danh trong đời, sau viết "Kinh A-Di-Đà Yếu Giải" đã tự nói rõ:

"Húc tôi đây, khi mới xuất-gia, tự phụ là một nhà Thiền-Tông, khinh thường các giáo điển, dám nói bậy rằng phép "Tu trì niệm danh hiệu Phật" chỉ là một phương tiện bày ra, riêng cho người trung căn và hạ căn.

Về sau, nhân vì tôi đau nặng, mới chịu phát tâm cầu về Tây-Phương".

Nhờ niệm Phật, Trí-Húc Đại sư hết bịnh, và về sau trở thành một vị Tổ Tịnh-Độ Tông với danh hiệu Ngẫu-Ích.

Ở các chương trước chúng tôi đã nhắc nhở, lập đi, lập lại về công-đức của Phật A-Di-Đà, xin chư vị luôn luôn nhớ chữ công-đức nầy.

Ngài Trí-Húc viết:

"A-Di-Đà Phật, là một danh hiệu lớn lao, gồm có vạn công-đức, niệm danh-hiệu ấy để đời công-đức của Ngài đến với mình, thì công-đức nào cũng phải đến hết".

Chư liên-hữu nào đã niệm Phật rất lâu năm, chắc hẳn bây giờ công-đức của chư vị đã nhiều vô số: đương nhiên chư liên-hữu ấy đã có được chút ít ngoại lệ rồi.

Nhưng Ngài Trí-Húc có nói một điều:

"Vì rằng những thiện căn tán loạn man mác ra..., thì khó lòng địch lại tội ác tích luỹ từ vô thỉ kiếp. Phải biết rằng những tội ác ấy, giá mà có thể tướng, thì cả một cõi hư không này cũng không chứa được hết, tuy rằng một đêm một ngày niệm được 100 ngàn tiếng A-Di-Đà Phật, mỗi tiếng niệm được tám mươi ức kiếp sanh tử trọng tội, mà niệm đủ một trăm năm, thì cũng chẳng tiêu được hết những tội nghiệp ấy, vì rằng những tội đã diệt rồi thì ít lắm, chỉ bằn một tí đất ở đầu móng tay mà thôi, mà những tội lỗi chưa diệt được hãy còn nhiều bằng cả một quả đất này".

Cho nên ở trên chúng tôi dùng chữ "Đương nhiên chư liên hữu ấy đã có được chút ít ngoại lệ rồi". Dù rằng chúng ta niệm Phật mà chưa được nhứt tâm.

Hãy nghe Ngài Trí-Húc viết tiếp:

"Chỉ có người nào niệm Phật đến chỗ nhứt tâm bất loạn thì mới có sức mạnh như một kiện tướng phá vòng vây tội ác ấy mà ra..."

Khi một người niệm Phật tới nhứ tâm, lâm chung Phật A-Di-Đà và Thánh chúng đến đón, thì ngoại lệ hiện tiền; công đức của Phật A-Di-Đà hiện bày; như hào quang chiếu sáng, hương thơm ngào ngạt, tâm không điên đảo ta vui mừng báo tin cho thân nhân rồi theo Phật và Thánh chúng về cõi Cực-Lạc một cách tự tại!

Kinh nói: "Những người Vãng Sanh về nước Cực-Lạc, tất cả đều đủ ba mươi hai tướng, trí tuệ đầy đủ vào sâu các pháp, thấu rõ chỉ thú thâm yếu vi diệu, thần thông vô ngại các căn sáng lạ...."
Một người đang là phàm phu ở Ta bà, trong một sát na về tới Cực -Lạc tất cả đều đủ ba mươi hai tướng tốt. Thật là khó nghĩ bàn.

Cho nên Phật dạy nên phát nguyện sanh sang kia. Kinh A-Di-Đà mới có câu:

"Ai nay phát nguyện thì nay được sanh". Chữ nay có nghĩa là trong đời này, như chương trước đã nói.

Tại sao hầu hết sẽ được quyết định vào giờ phút lâm chung của đời?

Chữ hầu hết trên đây là ám-chỉ người không tu pháp môn niệm Phật, sống thiếu công-đức của Phật A-Di-Đà cho nên khi lâm chung phải tuỳ theo nghiệp lực mà trả vay, và rồi theo cận tử nghiệp mà sanh về một cõi nào. Đó là quyết định vào giờ phút lâm chung.

Có người tu pháp môn khác, nói với chúng tôi rằng, tôi tu với ý định sau khi chết sẽ trở lại độ chúng sanh, rồi tu tiếp.

Đó là người chỉ nói chớ chưa chiêm nghiệm lúc chết sẽ ra sao, sẽ hôn mê như thế nào (?).

Tâm nguyện thì tốt, nhưng sự hiểu biết về sống chết, luân hồi còn quá non cạn, e rằng khó được như ý tốt.

Bởi sao? Ngài Trí-Húc Đại sư viết trong sách Yếu Giải:

"Vì rằng cứ tự lực mình tu hành ở nơi uế-trược này, khi tới lúc sắp chết, là lúc đến cái "Cửa ải tử sinh", rất khó đủ lực mà đi qua được. Chẳng nói làm gì những kẻ tu hành ngoan cố, có chút trí tuệ cuồng ngông, buồn tủi không có kết quả, nói ngay những người tu phép Thiền-Tông đốn ngộ sâu xa, giữ gìn cẩn thận thực tế và tiềm tàng đích xác lắm, thế mà đến lúc ấy (lúc lâm chung), chỉ một tí Tập Khí (đều là tập quán và khí lực của tham, sân, si, mạn nghi là kiến...) bằng sợi tơ còn sót lại chưa trừ được hết, nó cũng thừa sức mạnh lôi kéo mình đi truỵ lạc, chưa thoát khỏi được đâu".

Kinh nói: "Đến đời Mạt Pháp, ức vạn người tu hành, ít khi có một người đắc đạo, chỉ còn nhờ vào phép tu niệm Phật này mà được độ thoát thôi.

Người tu được quả dạo thứ nhứt Tiểu-Thừa rồi mà phải đầu thai, lúc đẻ ra, thành người mê muội. Vì Bồ-Tát cách thân ngũ ấm này sang thân khác, thàm người hôn mê. Lúc đó, nó có để cho mình cố gượng làm chủ tế mình đâu, mà còn lơ mơ cầu may ra thì được ".

Trên đây toàn là lời của Trí-Húc Đại-sư.

Bồ-Tát sau khi chết, bỏ thân ngũ ấm này sang thân khác, còn bị hôn mê quên hết quá khứ. Vậy có người nói rằng tôi tu kiếp này, chết rồi sẽ trở lại làm người tu kiếp, làm sao làm được?

Nếu là người hiểu về Phật pháp thì phải biết là điều ấy khó thực hiện vào thời mạt pháp này.

Đối với người từng niệm Phật, Đức Thích-Ca còn dạy trong Kinh Niệm Phật Ba-La-Mật rằng:

"Người Niệm Phật cũng lại như thế. Tuy đã phát khởi tín tâm dũng mãnh, và công-phu không gián đoạn bê trễ, nhưng nếu tái-sanh cõi Ta Bà vần bị luân-chuyển vì Định Tuệ vần còn non kém, quả đức chưa hoàn mãn. Cần phải Vãng Sanh Cực-Lạc Thế-giới, cần kề Phật và Thánh-Chúng..."
Nên biết rằng được Vãng Sanh Cực-Lạc thì không bao giờ trở lại địa vị phàm phu với thân xác ngũ uẩn nữa.

Người niệm Phật, dù tín tâm dũng mãnh, công phu niệm Phật không gián đoạn, dù có công-đức của Phật A-Di-Đà ban cho thêm, nhưng nếu không Vãng Sanh Cực-Lạc để gần gũi Phật và Thánh-Chúng, thì vẫn bị luân chuyển luân hồi tuỳ theo nghiệp thọ sanh vào bất cứ đường nào, vẫn có thể bị oan gia trái chủ đòi nợ. Trừ phi Vãng Sanh Cực-Lạc, thì mới không bao giờ trở lại địa vị phàm phu với thân năm uẩn.

Nếu ai đã từng đọc Kinh Hoa-Nghiêm, Đức Phật Thích-Ca cũng nói ở phẩm cuối cùng rằng:

"Người này khi sắp mạng chung, trong khoảng sát-na rốt sau, tất cả các căn thảy đều tan-hoại, tất cả quyết thuộc thảy đều lìa bỏ, tất cả oai-thế thảy đều hư mất. Duy có nguyện-vương này chẳng rời bỏ nhau, trong tất cả thời nó đều dẫn dắt ở trước. Và trong khoảng một sát-na, kẻ ấy được Vãng Sanh về Thế-giới Cực-Lạc".

Nguyện vương là gì?

Đây là hạnh Nguyện của Bồ-Tát Phổ-Hiển, tức là mười điều-nguyện của vị Bồ-Tát này. Bởi trong Kinh Hoa-Nghiêm, Đức Thế-Tôn dạy các pháp để tu thành Phật. Nhưng, thời mạt pháp này không ai tu chứng. Cho nên Đức Phật nói, người này sắp mạng chung, trong khoảng sát-na sau rốt, tất cả các căn thảy đều tan-hoại, tất cả quyến thuộc thảy đều lìa bỏ, tất cả oai-thế thảy đều lui mất, thì dù là người tu hành Thiền định lúc sắp mạng chung, các căn thảy đều tan-hoại, tất cả quyến thuộc đệ tử bạn bè rồi cũng đều lìa bỏ. Đây là một sự thật của thời mạt pháp này. Tất cả oai-thế của người tu cũng đều lui mất.

Nhưng! duy có Nguyện Vương là không rời bỏ nhau, trong tất cả thời, nó đều dẫn dắt ở trước. Và trong khoảng một sát-na, kẻ ấy liền được Vãng Sanh về Thế-giới Cực-Lạc.

Phút lâm chung là phút đáng sợ chung của mọi người, dù là "xuất gia" hay "tại gia". Đừng tưởng người xuất gia được miễn lệ. Nhưng người xuất-gia tu Tịnh được may mắn hơn, vì lúc sắp lâm chung chư vị ấy được nhiều đồng tu tụng kinh và niệm Phật trợ niệm và sau khi chết lại được tụng kinh, trợ niệm liên tục nhiều ngày. Người tại gia không tu niệm Phật cơ may quá ít vì thân nhân học hỏi quá ít.

Lúc ấy Phật đang nói Kinh Thiền và Kinh Hoa-Nghiêm, Phật đang dạy chư Thanh Văn, Bồ-Tát tu Thiền-định, nhưng cuối Kinh, Đức Phật vẫn thương chư vị ấy, chỉ thêm mười hạnh nguyện Phổ-Hiền, như cố ý rỉ tai: "Chư vị nên học thêm pháp môn này, giờ chót mà chưa được thì hãy học mười hạnh nguyện Phổ-Hiền. Xin Phật A-Di-Đà đến tiếp dẫn về Thế-giới Cực-Lạc".

Trong sách này ở phần sau có kể chuyện Niệm Phật Vãng Sanh Lưu-Xá-Lợi" của cố Hoà-Thượng Thích-Thọ-Trị. Ngài tu Hoa-Nghiêm Tông, chuyện lấy máu viết Kinh Hoa-Nghiêm. Cuối cùng Ngài thực hành Nguyện Vương của Bồ-Tát Phổ-Hiền. Ngài niệm Phật Vãng Sanh Cực-Lạc và dạy đệ tử niệm Phật Vãng Sanh.

Cho nên trong Kinh Hoa-Nghiêm, sau khi Phổ-Hiền Bồ-Tát nói mười đại nguyện, Ngài khuyến tấn các hàng Bồ-Tát ở bực Thập Tín, Thập trụ, Thập hạnh, Thập hồi hướng, Thập địa, Đẳng giác đều nên phát nguyện cầu sanh về Cực-Lạc.

Trong Kinh Thủ-Lăng-Nghiêm và Pháp Hoa, Đức Phật đều có nhắc đến cõi Cực-Lạc và coi như Cõi Cực-Lạc và điểm tựa an-toàn cho người xuất-gia và tại gia ở Ta bà này.

Nhờ dành nhiều ngày tháng, chúng tôi đọc nhiều kinh sách, rồi bỏ công ngồi suy gẫm, khi viết bài này chúng tôi mới thấy rõ, lúc lâm chung có trăm ngàn trường hợp người sắp chết khổ sở lắm. Nếu như, những người còn thiếu nợ các oan hồn trái chủ, họ đến đòi nợ với những gương mặt khác nhau, lôi kéo dành phần. Nghiệp trái của chúng sanh chúng ta rất nhiều, có khi trả hết lớp này, lại đến lớp khác vẫn chưa hết.

Thương chúng sanh, Hoà-Thượng Thiền Tâm nói: "Nhiều vị xem dường như rảnh rang không oan trái, nhưng chưa hẳn là không có, chỉ vì chưa đến thời tiết nhân duyên đền trả đó thôi".

Có nhiều người khi còn sống phó mặc đời cho nó tới đâu thì tới. Bởi vậy, nếu hiểu một phần Phật pháp thì nên theo lời Phật Thích-Ca dạy, bằng cách niệm Phật A-Di-Đà, thành khẩn, niệm Phật thu lấy công-đức của Ngài, lâu ngày hoán đổi con người tội lỗi của mình thành con người thanh tịnh; có thần lực, Phật lực gia-hộ; sám hối, hồi hướng công-đức niệm Phật của mình cho oan gia trái chủ.

Nhờ vào niệm Phật hiệu A-Di-Đà, sám hối và hồi hướng công-đức (do niệm Phật, được công-đức của Phật A-Di-Đà, thêm cúng dường Tam Bảo, in kinh) con người của mình đã biến đổi mà mình không hay biết. Các oan gia trái chủ cũng thông cảm, Nhờ hồi hướng thân nhân ta có người được Vãng Sanh mà mình cũng không hề hay biết. Nếu nghiệm lại tự mình thấy tinh thần mình trở nên nhẹ nhỏm, thảnh thơi, có phần tự tại.

Đó là giai-đoạn bắt đầu giải kết với oan gia. Như các bực Tôn đức nói, có những oan gia theo nhau cả mười kiếp chứ chẳng phải một kiếp.

Muốn được Vãng Sanh Cực-Lạc cần phải dọn mình thanh-tịnh

Sau khi đọc nhiều kinh và sách, suy tư nghiền ngẫm nhiều ngày; nghe băng giảng của nhiều bực Thầy, chọn lọc loại bỏ những điều vô bổ - vì cũng có những băng tác hại cho người học đạo - chúng tôi thấy có những hạnh tốt nên nói theo như sau:

1. Bố thí, như hạnh của Hoà-Thượng Tịnh-Không Ngài cho tất cả, cuối cùng Ngài được cảm ứng tốt. Nhưng chúng tôi không đòi hỏi ai ai cũng được như vậy. Chỉ cần có lòng bố thí là cũng quý rồi.
2. Phóng Sanh, như hạnh của Vĩnh-Minh Đại-sư. Ngài phóng thích vô số sanh mạng, cá chim, giữa lúc người khác bắt ăn thịt. Ở đây là nói tấm lòng. Người biết buông tha mạng người khác (dù là loài vật) thì oan gia cũng tốt lại với mình.

Trước đây chúng tôi hiểu lầm về việc phóng sanh. Thấy trong lồng chim có những con bay ra muốn hết nỗi, nên nghĩ rằng việc phóng sanh này làm lợi cho bọn bắt chim mà thôi. Nhưng bây giờ hiểu ra, không phải mua chim cá, các loài cầm thú nói chung, rồi tha mạng chúng, gọi là phóng-sanh. Mà chư Tăng Ni, hay người hiểu Pháp giảng Tam Quy, cho chúng Quy y Phật, Quy y Pháp, Quy y Tăng. Để chi vậy?

Để sau khi chúng bỏ lớp thú, được trả lại làm người, trong tàng thức chúng đã có chủng tử Phật, nhờ vào sự quy y này. Một kiếp thú dài lâu lắm. Hy vọng nhờ việc phóng sanh này mà các thú ta phóng sanh sớm được trở lại làm người, hoặc được Vãng Sanh Cực-Lạc.

Hẳn chư vị đều biết, loại chó mèo ta nuôi trong nhà, hay cọp beo, được nghe kinh đa số được trở nên hiền lành.

Cố Hoà-Thượng Hư Vân, Quãng Khâm khi sanh tiền đều giảng pháp quy y cho cọp dữ.

Tóm lại, khi phóng sanh, nếu không có Tăng Ni, tự mình cũng có thể giảng pháp và kêu gọi chúng Quy y Tam Bảo.

3. Cầu nguyện cho oan hồn tử nạn khắp nơi. Gần đây gọi là Pháp Hội Niệm Chú Tiêu-Tai Cát-Tường. Đây cũng là cách vừa cầu-nguyện, vừa hồi hướng công-đức của mình cho họ thoát ly khổ hải.

Đây, thần chú "Tiêu Tai Cát Tường"

"Nam-Mô Tam mãn đa. Mẫu đà nẫm. A bạt la để. Hạ đa xá - Sa năng nẩm. Đát điệt tha. Án. Kha khư. Khư hê. Khư hê. Hồng hông Nhập phạ ra. Nhập phạ ra. Bát ra nhập phạ ra. Bát ra nhập phạ ra. Để sắt Xa. Để sắt Xa - Sắt trí ri. Sắt trí rị. Sa phan tra. Sa phan tra. Phiến để ca. Thất lí duệ. Sa bà ha".

4. In kinh, in hình tượng Phật, Tam Thánh, hồi hướng công-đức. Tại Việt -Nam có Ni sư Chơn Hảo in hình Tam Thánh (cỡ lớn và thật đẹp), để tặng tất cả các chùa từ Nam ra Bắc. Phật tử tới chùa lạy Phật, tạo công đức cho người đóng góp tịnh tài.

5. Đúc đại hồng-chung. Đón góp tịnh tài để xây đại-hồng-chung tại thánh-địa Phật ở Ấn-Độ cũng là một công-đức lớn, làm hành-trang chờ ngày Vãng Sanh Cực-Lạc vậy.

6. Đúc tượng Phật Di-Lặc, đóng góp tịnh tài cho các nhà sư Mật Tông Tây-Tạng xây tượng cao và lớn nhất thế-giới. Đây là Đức Phật vị lai sẽ giúp cho toàn thế-giới hiểu đạo Phật cũng là một công-đức lớn, khiến cho Phật pháp trường tồn.

7. Cứu giúp cho người bị thiên tai bão lụt, động đất, hoả-hoạn v.v....nhưng đây không phải là công-đức mà chỉ là phước đức. Nhiều người hiểu lầm cho rằng làm bấy nhiêu việc là đủ rồi. Thật ra đây chỉ là tích đức, nhưng cũng cần cho người tu Phật.

8 và 9. Hai việc sau cùng vẫn là sám hối và hồi-hướng công-đức cho ông bà cha mẹ và oan gia trái chủ, khiến cho thân tâm mình nhẹ nhàng, thanh thản khi ra đi.

Thưa chư liên-hữu thân mến,

Sách này mang tựa đề "NIỆM PHẬT CÁCH NÀO CHẮC ĐƯỢC VÃNG SANH CỰC-LẠC?." Chúng tôi xin chắc hầu hết chư vị đều muốn Vãng Sanh Cực-Lạc. Nhưng, chắc chắn còn một số vị không dám nghĩ thẳng, không dám nói thẳng với tự tâm mình rằng: "Tôi niệm Phật để được thành Phật".

Nếu bây giờ, tất cả chúng ta đồng một lòng dũng mãnh nói lớn trước bàn Phật rằng: "Con quyết tâm niệm Phật để thành Phật".

Thưa chư vị, trong kinh gọi đây là "Phát Tâm Vô-Thượng Bồ-Đề", gọi tắt là Phát Tâm Thành Phật.
Đây là sự chắc được Vãng Sanh Cực-Lạc của tất cả chúng ta. Khi chư vị khẳng định, trong tàng-thức chư vị đã ghi đậm nét: "Người này quyết tâm thành Phật, liền nơi Cực-Lạc Phật A-Di-Đà đã thọ ký và một cánh sen mọc lên".

Chư liên-hữu đừng e ngại, cho rằng mình hiểu ít Phật pháp làm sao thành Phật được. Với Pháp môn Tịnh-Độ, không cần đòi hỏi hiểu hay không hiểu Phật pháp. Chỉ cần xưng niệm 6 chữ Nam-Mô A-Di-Đà Phật hay 4 chữ A-Di-Đà Phật đến nhứt tâm là đủ. Chúng ta tự nguyện trong tâm, tự nguyện trước Phật, chứ không cần khoe khoang với người khác.

Bồ -đề -tâm là cái nhơn, là hột giống gieo trồng Không có cái nhơn, thì không thể kết được quả Vãng Sanh Cực-Lạc rốt ráo. Khi chúng ta phát tâm Bồ-đề, chúng ta biết rằng chư Phật đều đầy lòng đại tự đại bi thương xót chúng sanh, muốn tu được như chư Phật, chúng ta cũng phải hành -động với tâm đại từ đại bi như Phật. Và chúng ta lấy niệm Phật làm phương tiện cứu cánh.
Kinh nói: "Bồ-đề-tâm làm nhân, đại bi tâm làm căn bản, phương tiện làm cứu cánh". Nếu chúng ta không tích cực phát nguyện "niệm Phật để thành Phật", thì từ đây đến ngày lâm chung, chúng ta vẫn sống với tâm phàm phu, hành động phàm phu thì khi sắp tắt thở Hoá Phật và Thánh Chúng đến rước sẽ đưa về nơi biên-địa của Cực -Lạc. Đây cũng là cõi Cực -Lạc, nhưng ở ngoài biên-địa như Kinh Phật Thuyết A-Di-Đà nói, sau đó cũng sẽ gặp Phật, nhưng phải mất thêm một thời gian để tu tập sám hối.

Kinh Hoa-Nghiêm nói: "Nếu quên mất Bồ-đề-tâm mà tu các pháp lành, đó là nghiệp ma".

Tại sao?

Hoà-Thượng Thích-Thiền-Tâm giảng giải điều này trong sách Niệm Phật Thập Yếu như sau: "Ví như người cất bước khởi hành, mà chẳng biết mình sẽ đến đâu, và đi với mục đích gì, thì cuộc hành trình chẳng thành, quanh quẩn mỏi mệt cùng vô-ích lắm ư? Người tu cũng thế, nếu dụng công khổ nhọc mà quên mất mục tiêu cần thành Phật để lợi mình sẽ sanh, thì bao nhiêu hạnh lành, chỉ đem đến kết quả hưởng phước nhơn, thiên, chung cuộc vẫn bị chìm mê quanh quẩn luôn hồi, chịu vô biên nổi khổ. Như vậy chẳng là nghiệp mà còn là gì?"

Nhưng, tại sao được hưởng phước người và trời mà Hoà-Thượng Thiền Tâm nói là, chung cuộc vẫn bị nghiệp ma?

Vì, người tu đạo Phật, dù xuất gia hay tại gia, khi lâm chung phải đắc quả, và ra khỏi Tam-giới. Nhưng Đức Phật đã huyền ký rằng: "Thời mạt pháp ức ức người tu hành ít có kẻ nào đắc quả..." Nếu còn ở trong Tam-giới, dù lên được cõi Trời, làm Thiên tử, khi hưởng hết phước vẫn phải theo nghiệp ma, tức những nghiệp ác cũ đã chồng chất từ muôn kiếp mà đoạ vào đường dữ.
Tại sao vậy?

Vì, dù người hay trời đều có hai thứ nghiệp lành và dữ. Nếu khi hưởng hết phước lành, thì chỉ còn có nghiệp dữ thì phải rơi xuống. Vì trên Trời được gọi là Thiên Đàng nơi đó vui sướng lắm. Các vị Trời hưởng thú vui ngày đêm không ngừng nghĩ, nhiều người chẳng lo tu hành nữa. Cho nên khi hưởng hết phước lành, thì chỉ còn nghiệp dữ, khi thọ mạng hết liền rơi thẳng địa-ngục, trừ vị nào biết tu tập tiếp. Chắc chư vị còn nhớ Trí-Húc Đại-sư nói, nếu nghiệp dữ của chúng sanh có hình tướng, thì nghiệp ấy đã chất chồng đầy cả hư không bao la, đầy cả bầu trời rồi. Vì chúng ta đã sống Vô-Lượng kiếp rồi.

Nếu còn ở trong Tam-giới là còn phải luân hồi.

Thời này, theo lời Phật dạy, chỉ có Pháp môn niệm Phật mới ra được khỏi Tam-giới. Nhưng người tu niệm Phật, cũng phải tu đúng cách, nghĩa là phải phát Bồ-đề-Tâm, nguyện tu thành Phật thì mới chắc được Vãng Sanh. Nên Phật Thích-Ca xác quyết: "Vãng Sanh đồng ý nghĩa với thành Phật. Vãng Sanh tức là Thành Phật".

Khi viết xong phần này, chúng tôi nhận được sách Khai Thị, Hoà-Thượng Tịnh-Không nói: "Người thật sự phát tâm Bồ-Đề, khi lâm chung, một niệm hoặc mười niệm quyết-định, sẽ được Vãng Sanh. Vì sao? vì họ đã là người Thượng-Thiện-Nhân rồi, đầy đủ phước đức rồi. Chỉ cần chợt khởi tâm muốn Vãng Sanh là được ngay".

Trí-Húc Đại-sư nói: "Một lần sanh ở đây là được bổ lên ngôi Phật". Thế thì, người dân ở Cực-Lạc, hết thảy đều là "Người Nhứt Sanh thành Phật", người nào cũng quyết là thực chứng ngôi Nhứt Sanh Bồ-Xứ, ngang hàng với Bồ-Tát Di-Lặc, Quán-Thế-Âm".

Kết lại, nếu chư vị nào đồng quyết tâm Bồ-đề, nhứt định niệm Phật để thành Phật, thì chắc chắn chư vị ấy sẽ Vãng Sanh và, Vãng Sanh đồng nghĩa với thành Phật, như Đức Phật Thích-Ca đã nói nơi trang 30 Kinh Niệm Phật Ba-La-Mật.

Chúng tôi mong mỏi và thầm cầu nguyện Đức Bổn Sư Thế-Tôn, Đức Từ Phụ A-Di-Đà và chư Đại Bồ-Tát gia hộ cho ý kiến chúng tôi rằng: "Mỗi một liên-hữu đã đọc sách nầy đều tự tâm thệ nguyện rằng: "Ngày nào con Vãng Sanh Cực-Lạc, được ngôi Bất-thối-chuyển, trở thành bực Đại Bồ-Tát chứng Vô-Sanh-Nhẫn có đủ thần thông và ngũ-nhãn v.v...nếu con trở lại Ta Bà này mà không bị hôn mê, quên mất tánh-giác, con nguyện liền trở lại Ta bà này độ tất cả chúng sanh đang đau khổ. Xin chư Phật, chư Đại Bồ-Tát gia hộ".

Nếu tất cả chư vị đọc sách này đồng một lòng nguyện thệ như vậy, thì tương lai sẽ có thật nhiều, gọi là vô số đại Bồ-Tát từ Cực-Lạc, trở về đây độ vô số chúng sanh. Tới lúc Phật Di-Lặc giáng thế, chúng ta sẽ tiếp tay với Ngài, biến cõi uế-độ Ta bà thành cõi Tịnh-Độ vậy!

Do đâu chúng tôi khuyên chư Liên-hữu như vậy?

Vì trong sách Niệm Phật Thập Yếu của Hoà-Thượng Thích-Thiền-Tâm có đoạn (trang 59) gợi ý chúng tôi như sau:

Bởi khi chưa là bậc đắc đạo, lúc chuyển sanh tất bị hôn mê, dễ quên tâm nguyện tu hành kiếp trước.
Kinh nói:

Bồ-Tát còn mê khi cách ấm

Thanh Văn còn muội lúc ra thai".

"Cách ấm" là trải cách từ ấm thân này sang ấm thân khác. Như thân hiện tại là tiền ấm, chuyển sanh thân kiếp sau là hậu ấm; trải qua sự xen cách từ thân trước đến thân sau như thế, bậc Bồ-Tát chưa đắc quả bị hôn mê. Trong Kinh có nơi khác lại nói: "Hạng phàm phu khi nhập thai, trụ thai và xuất thai đều bị hôn mê. Bậc Chuyển-luân-thánh-vương do phước báu, lúc nhập thai thì biết, khi trụ thai, xuất thai phải bị hôn mê. Hành Thanh Văn lúc nhập thai, trụ thai đều có thể tỉnh biết, song khi xuất thai lại bị hôn mê. Duy có bậc Bồ-Tát chứng Vô-sanh-nhẫn, lúc nhập thai, trụ thai và xuất thai đều tỉnh giác".

Đây là chỗ chúng tôi đề-nghị chư Liên hữu nguyện khi chứng Đại Bồ-Tát Vô-Sanh-Nhẫn sẽ sanh trở lại Ta bà độ chúng sanh.

Những điều nhắc nhở khi tu Niệm Phật

Pháp môn niệm Phật là pháp môn tối thượng tối thắng. Cho nên nếu chư liên-hữu giải-nghĩa cho một người hiểu pháp môn này, nếu họ chịu tu theo, công đức của chư liên-hữu, thật vô-lượng. Theo Kinh Niệm Phật Ba-La-Mật, (trang 36) người ấy tuy đã quy y Tam-Bảo, nhưng chính chư liên-hữu là người đã trực tiếp khai sanh tánh mạng tuệ giác của người ấy, dù cả hai đều là đồng tu. Chư liên-hữu chính là một Thiên-Tri-Thức vậy.

Nhưng, khi gặp một người không tin vào Pháp môn Niệm Phật, người ấy khởi tâm tranh cãi, thì chư liên-hữu nên lập tức dập tắt tranh cãi và rúy lui ngay. Đây là lời dặn tuyệt đối nên nhớ, không tranh cãi.

Tại sao không tranh cãi?

Vì bản nguyện của Đức Phật A-Di-Đà quá thâm diệu, phi thường. Khi chư vị tranh cãi, dù chư vị không cố ý hại ai; nhưng người kia vì háo thắng, dành phần hơn, vô tình xúc phạm đến Đức Phật A-Di-Đà, vô tình pham tội huỷ báng Phật pháp, xúc phạm uy danh Đức Phật sẽ pham vào những quả Địa-Ngục không có ngày ra. Vô-tình chúng ta tranh thắng mà làm hại người.

Khi Đức Phật hiện tiền, Ngài Tu Bồ-Đề, đệ tử lớn của Phật, trước khi đi xin ăn Ngài quán chiếu xem hôm nay sẽ gặp ai? Nếu người Ngài sẽ gặp, trong kiếp quá khứ đã cùng người đó có những ân oán, mà nếu bây giờ gặp lại, do duyên xưa người đó sẽ nổi sân giận tạo thành quả Địa-Ngục cho người đó, thì Ngài thà rằng hôm ấy nhịn đói, chứ không khất thực.

Khi chúng tôi viết sách Lưu-Xá-Lợi, có người phê bình chúng tôi viết sai, phàm phu làm gì có Xá-Lợi. chúng tôi nghiêm cứu kỹ lại thấy mình viết đúng, một người tu niệm Phật được nhứt tâm, họ được định, cái định này tạo cho xương cốt, tim, răng v.v...thành vật cứng, cộng với những phần thiêng liêng tạo thành nên Xá-Lợi. Khi niệm Phật được định là tuệ phát sanh.

Tuy biết mình viết đúng, nhưng trong sách này chúng tôi không trả lời, vì người viết kia đã nuôi dưỡng tâm sân hận; nếu bây giờ chúng tôi trả lời càng gây thêm sân hận; chúng tôi cũng có lỗi. Thôi thà rằng nín thua là tốt nhứt.

Trong Kinh Niệm Phật Ba-La-Mật, Bồ-Tát Quán-Thế-Âm giảng nói ở trang 80, như sau: "Khi xưng niệm Nam-Mô A-Di-Đà Phật, hành giả dần dần thành tựu chánh-định Như-Lai, tự-nhiên phát sanh tuệ-giác Không Tánh...".

Vả lại, khi viết sách, chúng tôi chỉ là người thu nhập tài liệu, rồi viết lại. Chúng tôi đã tốn nhiều công phu gạn lọc hẳn hòi, chất vấn đủ điều rồi mới đăng, và tất cả đều đã được chư Tôn-Đức Tăng Ni chứng nhận. Chúng tôi chưa hề sáng tác chuyện nào hết.

Có người còn nói Xá-Lợi ấy kết tinh do bịnh ung thư. Thật sự ung thư là kết quả của sự hư hoại trong cơ thể. Vậy làm sao có được màu sắc đẹp đẽ lóng lánh?

Sở dĩ có người nói do ung thư, là vì bài của chúng tôi có phân tách nói, do người bịnh biết mình mắc bịnh ung thư, biết mình sẽ chết, nên tập trung tinh thần nhứt tâm niệm Phật mà sớm được định.

Vào đầu tháng 5 năm 2002 vừa qua, chúng tôi cảm thấy đau ở bụng, phía dưới gan. Bác-sĩ đưa đi làm siêu âm thì thấy có cái gì nổi dài hai phân, nghi là ung-thư hay bướu ở túi mật. Được tin này chúng tôi không một chút lo-lắng và mừng thầm trong bụng. Bởi nếu quả là ung-thư, thì chúng tôi sẽ buông bỏ mọi chuyện, quyết sẽ nhứt tâm niệm Phật. Bởi vì không có thời điểm của ngày chết, thì chúng ta sẽ lần lựa ngày tháng.

Dù sao chúng tôi đều cám ơn chư vị ấy. Chư vị ấy đã giúp chúng tôi học hỏi thêm. Như trong sách này có chuyện Xá-Lợi của cụ bà Diệu-Hỷ ở Sydney Úc. Khi cụ bà lâm chung có Đại Đức Thông Hoàng (thuộc Thiền Tông), ở Hiện Quang Thiền-Viện đến khai thị, và kế tiếp là Đại Đức Thích-Phước Tấn chùa Quang-Minh đến làm lễ.

Xá-Lợi của cụ Diệu-Hỷ được Tăng Ni 4 chùa công nhận và được trình bày liên-tiếp và lưu giữ ở các chùa ấy Quang-Minh, Quảng-Đức và Hiện Quang Thiền-Viện.

Đặc biệt cụ Diệu-Hỷ có người con trai cả uyên thâm Phập pháp và một người con thứ xuất gia trước tu Tiểu-Thừa, sau tu Thiền. Vị này hoàn tục sau khi miền Nam mất. Sau khi thấy mẹ mình niệm Phật có Xá-Lợi, người con thứ liền cạo đầu để ta tội với Phật và mẹ. Hình ảnh và sự kiện do chính đương sự gởi đến cho chúng tôi làm bằng (xin xem bài đăng ở phụ đính).

Từ giờ phút này chúng tôi không dám tranh cãi nữa. Chúng tôi học hỏi theo lời dạy của cổ nhơn:

"Lửa sân si tam độc

Đốt hết rừng công đức

Muốn hành Bồ-Tát-đạo

Giữ thân tâm nhẫn nhục"

Chư Tôn Đức Dạy chúng ta Niệm Phật Thế Nào Phải Cách?

Trong sách "Những Chuyện Niệm Phật Vãng Sanh Lưu-Xá-Lợi" chúng tôi đã ghi lại những cách niệm Phật của chư vị đã được Vãng Sanh, nghĩ rằng chư liên hữu có thể nghiền ngẫm cách thức niệm Phật của mỗi một Bồ-Tát đã Vãng Sanh rồi đem áp dụng cho mình.

Nhưng, sách gởi đi khắp nơi, một thời gian ngắn vẫn có nhiều người hỏi nên niệm Phật như thế nào chắc được Vãng Sanh? Thế là chúng tôi phải tìm tòi, nghiên cứu viết sao cho chư vị ấy dễ áp dụng.

Các bực cổ -đức có dạy rất nhiều cách niệm Phật. Nếu viết hết ra đây chắc chư liên hữu càng rối rắm thêm, nên ở đây chúng tôi chọn lựa vài cách. Chư liên hữu nên áp dúng thử các cách dưới đây và chọn lại cách nào thích hợp với mình. Chúng tôi cũng ghi lại vài câu chuyện để chư liên hữu rút lấy kinh-nghiệm.

Dưới đây là cách dạy của chư Tôn-Đức.

Vĩnh -Minh Đại -sư: Ngài dạy, mỗi ngày ngoài một muôn câu Phật hiệu, còn phải tu các hạnh khác gồm 108 môn. Đây là viên tu của bậc Thượng Thượng Căn.

Ấn-Quang Đại-sư: Dạy hành giả tu Thuần Tịnh, nghĩa là chỉ chuyên niệm Phật, không xen tạp môn nào khác. Khi niệm Phật nên dùng "Ký Thập Trì Danh", nghĩa là niệm một hơi lấy mỗi mười câu làm đơn vị rồi ghi số. Người hơi ngắn có thể niệm thành hai lượt mỗi lượt 5 câu. Niệm mỗi mười câu, lần một hạt chuỗi. Niệm cách này, tâm phải tập trung vào niệm Phật, mà còn phải nhớ lần chuỗi, ghi số. Cho nên tâm phải chuyên. Cách này có thể gọi là công cứ niệm Phật, hoặc cổ châu trì danh.

Điều quan trọng là phải giữ định số mỗi ngày, không tham lam nhiều hơn, hoặc bê trễ ít hơn.

- Ngẫu-Ích Đại-sư:

Muốn đi đến cảnh giới "Nhứt Tâm Bất loạn" không có cách chi kỳ diệu khác. Trước tiên hành giả cần lần chuỗi ghi số, niệm niệm rành rẽ rõ ràng, mỗi ngày hoặc ba muôn, năm muôn, cho đến mười muôn, giữ khoá trình quyết định chẳng thiếu, thề một đời không thay đổi.

Niệm như thế lâu ngày thuần thục, không niệm vẫn tự niệm, chừng ấy ghi số hay không ghi số cũng được (Ngài Ngẫu-Ích niệm một hơi mười Phật hiệu, thành một niệm Người già không nên áp dụng).

Đạo Nguyên Pháp Sư: Nếu rèn luyện cho tinh thuần, mỗi ngày hành giả có thể niệm muôn câu Phật hiệu. Nhưng phải y theo mấy điều kiện:

1. Phải ngồi mà niệm. Tuy đi đứng nằm ngồi đều có thể niệm Phật, nhưng muốn niệm cho mau mà vẫn nghe được rành rẽ rõ ràng, thì nên ngồi mới thích hợp.

2. Nên dùng chuỗi nhẹ và lấy mười câu làm một đơn vị. Bởi niệm mau mà mỗi câu đều lần một hạt chuỗi, e tay lần không kịp, dù có kịp cũng dễ bị chứng đau gân tay và mỏi nhức chả vai.
3. Chỉ niệm bốn chữ A-Di-Đà Phật, rút ngắn chữ, có thể lên đến một muôn năm ngàn câu.

4. Phải niệm theo lối Kim-Cang-Trì, nghĩa là chỉ sẽ động môi mà thôi. Nếu niệm thầm hoặc ra tiếng, sợ e niệm không được mau, và khi cổ động cho tiếng phát ra khỏi miệng phải mất một khoảng thời gian. Niệm ra tiếng một muôn câu, đổi lại niệm theo lối Kim-Cang-trì, có thể lên đến hai ba muôn câu.

Từ Vân Pháp Sư

Đây là cách niệm Phật "Nhập Phẩm" của Ngài Từ Vân. Căn cứ theo Kinh Quán Vô-Lượng-Thọ, Ngài chế ra cách niệm Phật này dành riêng cho người quá bận việc, có thể niệm Phật và Vãng Sanh Cực-Lạc. Phương-pháp này gồm có mười niệm, mỗi niệm là một hơi thở, mật ý đi về chỗ "mượn hơi nhiếp tâm". Người hơi dài có thể một hơi niệm mười mấy câu, kẻ hơi ngắn chỉ bảy, tám câu cũng được. Cứ mỗi hơi niệm Phật là một niệm. Sau khi niệm xong mười hơi, tiếp tục đọc bài kệ hồi hướng như sau:

Nguyện Sanh Tây-Phương cõi Tịnh-Độ

Mẹ cha là chín phẩm sen lành

Hoa nở thấy Phật ngộ Vô sanh

Độ tất cả loài hàm thức.

Tịnh-Không Pháp Sư

Phần trình bày của Hoà-Thượng Tịnh-Không rất dài, nhưng rất có giá trị, mong rằng chúng tôi trình bày không sai lạc ý của Ngài (chính vì vậy mà chúng tôi đã gởi trước sách này qua Úc để nhờ Cư-sĩ Thanh Trí đệ tử của Hoà-Thượng xem lại dùm. Vì cư sĩ Thanh Trí đã chuyển ngữ và đọc băng các sách của Hoà-Thượng)

Hoà-Thượng nói:

"Phật có truyền dạy cho chúng ta một phương-pháp vô cùng thù thắng và tiện lợi để có thể dự vào cảnh giới vô trụ của các Ngài, đó là pháp môn Niệm Phật. Bồ-Tát trụ ở lục độ, quí vị trụ ở Phật trụ, như vậy là quí vị được nâng cao hơn đẳng cấp của Bồ-Tát. Thế nhưng, niệm Phật quí vị phải tương ưng.

Thế nào gọi là tương ứng?

Mỗi một tiếng niệm Phật, quí vị phải trải lòng từ bi của mình đến với tất cả chúng sanh trong hư không và lan rộng khắp pháp giới. Mỗi tiếng niệm Phật đều vì lợi ích cho chúng sanh, đều mang lòng muốn ban vui cứu khổ đến mọi loài.

Có người hỏi: tiếng niệm Phật của chúng ta, thực tế có lan rộng đến hư không cách pháp giới không? Khẳng định là được. Trong kinh, Phật thường nói "tướng không rời tâm, tâm không rời tướng", cái chơn tâm của chúng ta nguyên gốc của nó rộng khắp hư không, trùm khắp pháp giới.
Sở dĩ tiếng niệm Phật của chúng ta không hoà nhập vào với hư không được, vì chúng ta còn nhiều vọng tưởng phân biệt và chấp trước làm chướng ngại bản năng tự nhiên của mình. Nếu âm ba của tiếng niệm hoà nhập với âm ba của tâm (chơn tâm) lan rộng vào hư không tiến sâu vào khắp pháp giới; dù cho chư Phật thuyết pháp ở xa xôi, bất luận nơi nào, một khi tâm đã lắng đọng không còn chướng ngại, chúng ta vẫn có thể nghe được âm thanh lời pháp của các Ngài rất rõ ràng.

Cho nên mở rộng tâm lượng trong pháp môn niệm Phật là một phương-pháp rất vi diệu, rất đặc biệt thì thắng có thể khiến phàm phu trong một kiếp được bình đẳng thành Phật.

Tóm lại công-phu niệm Phật có đắc lực hay không chúng ta có thể thấy biết, qua cảnh giới của tâm lượng và sắc tướng của người đó. Một khi công phu niệm Phật đắc lực rồi, chắc chắn trên gương mặt của quí vị sẽ luôn toả ra niềm vui an lạc, tự tại, trong đạo Phật gọi là pháp Hỷ sung mãn.
Làm sao diệt được vọng niệm, vọng tưởng? Hoà-Thượng Tịnh-Không giảng trong bài Pháp môn Nhị Lực (dành cho người "Phật Thất" niệm Phật một ngày).

Bởi suốt một ngày một đêm chỉ duy-nhứt giữ câu A-Di-Đà Phật, tất cả vọng niệm suy nghĩ khác không còn nữa. Cả phân biệt và chấp trước làm chướng ngại bản năng tự nhiên của mình cũng không còn nữa. Vọng niệm không còn thì những việc ác không thể xảy ra. Như vậy là xa lìa tất cả ác. Một câu vạn đức hồng danh, thiện pháp cao tột của thế -gian và xuất thế -gian, chúng ta đã chấp trì từng câu liên tiếp không ngừng để tăng trưởng thiện căn, đó là tất cả điều-thiện. Ý nghĩa câu đạt nhứt thiết Đà-la-ni là như vậy. Đó là sự chứng nhập Tam-ma-địa còn đạt nhứt-thiết Đà-la-ni, người Trung Hoa dịch là Tổng Trì là làm tất cả điều thiện, xa lìa tất cả việc ác.

Khi bước chân vào Niệm Phật Đường, quí vị đã đạt được nhứt-thiết Đà-la-ni, nhưng vừa rời khỏi liền quên mất công phu niệm Phật.

Tuy nhiên, nếu trong một tuần bảy ngày, quí vị có một ngày chuyên nhất niệm Phật, đạt được tâm không sanh không diệt và đạt nhứt thiết Đà-la-ni như vậy quý vị cũng đã giỏi lắm. Mỗi tuần một ngày đến niệm Phật đường; niệm liên tiếp ba năm công phu của quý vị thật đáng nể phục. Nếu có thời giờ rảnh rổi, mỗi ngày đều đến niệm Phật trong vòng ba năm thôi, quý vị sẽ thành Phật. Bao nhiêu nghiệp tội trong vô-lượng kiếp đều dứt sạch.

Hoà-Thượng Tịnh-Không có lối dẫn dắt con người vào pháp tu niệm Phật thật hay. Nếu mỗi tuần chư liên-hữu đến dự Phật Thất một hoặc hai ngày, như cuối năm vừa qua chúng tôi kêu gọi chư liên-hữu dự Phật Thất tại chùa Long Thiền ở Cali, thì công phu chư vị sẽ tăng tiến đáng nể phục. Rất tiếc ngay sau đó Ni Sư Thanh-Hà lâm bịnh, nên việc Phật thất bất thành. Còn như Hoà-Thượng Tịnh -Không nói, nếu mỗi ngày chúng ta đều đến niệm Phật trong vòng 3 năm, bao nhiêu nghiệp tội trong vô-lượng kiếp đều dứt sạch, thì chúng ta sẽ Vãng Sanh thành Phật ngay.