Tịnh độ
Niệm Phật Cách Nào Chắc Được Vãng Sinh?
Tịnh Hải
04/07/2555 02:00 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng
Niệm Phật Cách Nào Chắc Được Vãng Sinh?
Mục lục
Xem toàn bộ


Hoà-Thượng giảng giới thứ ba tức là "Thâu Đạo".

Thâu Đạo nói ở đây chẳng phải là trộm cắp đồ vật con người. Những ngôn hành gian trá, quái lạ, huyền hoặc khủng động (huyền là khoe khoang, hoặc là mê hoặc người, khủng là khủng bố hăm doạ) cách làm này mục đích của nó là mong cầu được cúng dường, tham đồ lanh lợi, tất cả đều là Đạo giới. Cho đến một niệm mong cầu lấy được lợi dưỡng, đều là Thâu Đạo.

Do đây có thể biết, giới Đạo trong Phật pháp phạm vi vô cùng rộng lớn. Bất luận anh hùng thủ đoạn gì để đạt được danh lợi, đều gọi là trộm cắp (thâu đạo). Điều này chúng ta không thể không cẩn thận.

Người xuất gia, nhận sự cúng dường của tín -chúng tại gia, có cho là trộm cắp hay không? Điều này phải tự hiểu mình. Nếu chúng ta dùng các thứ phương-pháp hy vọng có được cúng dường, là đã phạm giới trộm cắp.

Chúng ta trong tâm không có một niệm, người ta tự đống đến cúng dường, tuyệt đối không dùng phương-pháp để dụ dỗ họ; đó là không phạm giới trộm cắp. Nhưng quý vị nên ghi nhớ, Phật môn thường nói: "Một hạt gạo của thí chủ, lớn như núi Tu Di. Kiếp này không liễu đạo thì phải mang sừng, đội lông để trả". Những gì hôm nay thí chủ cúng dường cho chúng ta, chúng ta phải thật sự thành tựu. Cái thành tựu thấp nhứt là vãng sanh đến Tây Phương Cực Lạc thế giới. Những người cúng dường đều có phước, sanh về Tây Phương Cực Lạc thế giới thì một đời hoàn thành Phật đạo. Họ giúp anh thành tựu đạo nghiệp, họ có phước. Nếu như Tây Phương Cực Lạc thế giới chưa đi được thì những cúng dường là, họ cho ta mượn, tương lai đều phải trả. Nói một cách khác, anh mượn nhiều thì tương lai phải trả nhiều, mượn ít thì trả ít. Bây giờ dùng nó thì rất tiện, dùng càng nhiều càng tốt, khi trả thì phiền phức. Lúc mượn ít thì khi trả cũng ít. Món nợ này phải trả cho đàng hoàng.

Bởi vậy thời đại hiện nay và trước kia không giống nhau. Trước kia, người xuất gia nhận cúng dường là "tứ sự cúng dường", (tứ sự là thức ăn, uống, ngoạ cụ, thuốc men). Hiện nay thì dùng tiền để thay thế mọi người đều cúng tiền. Tiền cúng dường càng ngày càng nhiều. Khi không có tiền thì có đạo tâm, khi vừa có tiền nhiều thì mê. Cho nên tôi thường nói, cư sĩ tại gia nên cẩn thận việc cúng dường. Người xuất gia này có đạo tâm, cuối cùng thí chủ làm cho họ mê, lôi họ trở lại thế tục, khiến họ phạm tội. Nên cư sĩ tại gia cũng vậy, cũng đều có lỗi, nên ta phải đề cao cảnh giác. Bất luận thế nào, anh ra khỏi Tam giới. Tương lai sẽ phải trả nợ. Tôi học Phật, những đạo lý này tôi lo rất rõ ràng, rất minh bạch, cho nên tôi rất cẩn thận. Tôi có cách làm của tôi. Họ đến cúng dường không nhận thì không được. Nhứt định phải kết duyên với họ. Phải tiếp nhận cúng dường. Sau khi tiếp nhận rồi, tôi đem nó bố thí hết. Trong việc bố thí của tôi, điều khoản lớn nhứt là in kinh. In kinh bố thí. Nếu tôi không ra khỏi Tam giới, thì những người này trả nợ cho tôi.

Lời thêm của Tịnh-Hải:

Vừa qua có nhiều Liên hữu viết thơ hoặc gọi điện thoại, hỏi chúng tôi: "Tại sao kinh nói thời mạt pháp kinh điển sẽ mất dần, mà bây giờ chúng tôi thấy kinh sách, băng cassette dẫy đầy vậy?"
Chúng tôi đáp: "Lời kinh không sai. Nhưng các bực tôn đức Tăng Ni và cư sĩ muốn cho Phật pháp được còn lâu dài với thế gian, nên đã cố gắng in kinh, sách, Kinh Đại Niết Bàn nói: "Ngày nào người thọ trì đọc tụng Kinh Đại Niết Bàn bị khinh chê; dó là thời kỳ Phật pháp sắp diệt".

Hoà-Thượng Tịnh-Không tiếp, chúng ta xem phần Kinh Văn:

" A-Nan! Lại như chúng sanh lục đạo trong thế giới, tâm không thâu đạo, thì không theo dòng sanh tử nối tiếp".

Nói một cách khác: nếu có ý niệm trộm cắp thì không ra khỏi luân hồi, thì không thể liễu sanh tử.
Ông tu pháp Tam-muội, cố ra khỏi trần lao, nếu lòng thâu đạo không trừ, thì không ra khỏi trần lao được.

Trần lao ở đây là chỉ cho tam giới, lục đạo.

Dầu có nhiều trí thiền định hiện tiền, nếu không đoạn được lòng thâu đạo, chắc phải lạc vào tà đạo, hạng trên thì thành tinh linh, hạng giữa thì thành yêu mị, hạng dưới thì thành người tà đạo, bị các loài quỷ mị nhập vào; các bọn tà đạo cũng có đồ-chúng mỗi mỗi tự xưng là thành đạo Vô-Thượng"

Người Trung Quốc gọi bọn Tà đạo là yêu tinh.

Không đoạn Dâm mà tu đạo Bồ -Đề đều rơi vào Ma đạo. Không đoạn Sát thì rơi vào Quỹ Đạo. Không đoạn Thâu Đạo, thì thành Yêu Tinh. Đầy là Yêu - Ma - Quỷ - Quái.

Những loại Yêu-Ma-Quỷ Quái này, thời kỳ Mạt pháp rất nhiều. Nếu chúng ta bình tĩnh mà quan sát thường thường có thể thấy được. Nhưng quan trọng nhứt, chúng ta phải bình tĩnh mà suy nghĩ, xem mình có phải Yêu - Ma - Quỷ Quái hay không? Đây mới là quan trọng.

Thời đại này Pháp nhược, Ma cường, chúng ta cũng không thể đắc tội với chúng. Cho nên, thái độ của chúng ta là phải "kính nhi viễn chi".

Kinh dạy tiếp:

"Sau khi ta diệt độ rồi, trong đời mạt pháp có nhiều những hạng yêu mị tà đạo ấy sôi nổi trong thế gian, chúng lén lút gian dối, tự xưng là Thiên-trí -thức, mỗi người tự xưng đã được đạo-pháp thượng nhân, lừa gạt kẻ không biết, doạ -dẫm khiến cho mất lòng chánh tín; chúng đi qua đến đâu, cửa nhà người ta đều bị hao-tổn tan-nát".

Hoà -Thượng Tịnh -Không nói:

Những thứ yêu ma quỷ quái này, thứ lớn đều có thần thông. Thần thông rất làm mê hoặc người. Nếu qua lại vói nó, vài năm sau, qua lời Phật nói trong kinh cửa nhà hao tổn tan nát. Lúc đó hối hận cũng không kịp nữa. Điều này không thể không biết. Điều bất hạnh nhứt là đã bị trúng độc rất sâu, biến thành thần -kinh phân liệt (đây là danh từ khoa học hiện nay) phải vào bịnh viện tâm thần (nhà thương điên) không cứu được nữa. Tương lai một đời người bị huỷ hoại mất. Tôi đã gặp rất nhiều những nạn nhân này, đều là hạng trí -thức cao đẳng. Thậm chí có người đã đậu bằng thạc sĩ, bác sĩ, vẫn trở thành nông nổi này. Thật là đáng thương, thật là bi ai.

Có nhiều người trúng độc nhẹ hơn một tí, nhưng đã bị nó khống chế. Họ thường tự cảm thấy có ma ở trong người. Ý chí của chính họ không thể tập trung, không thể làm chủ. Sức mạnh vô hình của ma ở trong đó khống chế họ.

Có lúc tôi đang giảng kinh, họ gặp tôi hỏi:

- Tôi đã bị ma nhập một hai năm rồi, Pháp sư có cách gì đuổi con ma ở trong tôi không?

Tôi đáp:

- Tôi không có khả năng này. Tôi học giáo, chứ không học qua thần thông, đối phó không nổi mấy con ma này.

Cho nên tôi mới hỏi họ:

- Ông ưa thích thần thông lắm phải không?

- Dạ phải!

Tôi nói:

- Phải rồi, là vì ông khởi một niệm thần thông, cùng với nó cả hai đều liên hệ lẫn nhau, thì ông đã bị hắn lừa!

Cho nên người học Phật phải biết, Bồ-Tát A-la-hán đều có thần thông. Nhưng mà trogn Phật môn không lấy thần thông làm Phật sự. Cái gì gọi là làm Phật sự, tức là tiếp dẫn chúng sanh, giáo hoá chúng sanh, nhưng tuyệt đối không dùng thần thông. Vì yêu ma quỷ quái có thần thông, nếu Phật và Bồ-Tát cũng dùng thần thông thì Phật Bồ-Tát cùng yêu ma quỷ quái lẫn lộn phải không?

Hoà-Thượng Tịnh-Không hỏi: "Anh từ đâu để phân biệt?" và nói: "Thế nên chư Phật, Bồ-Tát có thần thông mà không dùng".

Đó là Ngài cố ý nói cho biết: "Hễ thấy ai dùng thần thông, thì đó là yêu ma quỷ quái. Chớ chẳng sai."

Lời thêm của Tịnh-Hải:

Ngày xưa, một dạo nọ, Đức Thế Tôn đi đến bờ sông Hằng, nơi mà các đạo sĩ Bà -la-Môn thường đến để thi thố thần thông. Một đạo sĩ mới khoe với Đức Phật rằng tôi tu đã năm mươi năm, tôi có thể đi từ bờ sông Hằng bên này đến bờ sông Hằng bên kia mà không cần đến tiền đò. Lúc đó Phật mới nói với vị đạo sĩ: "Ông tốn 50 năm để đi trên mặt nước sông mà không chìm, tôi chỉ tốn 3 xu thôi". Đây là 3 xu tiền đò.

Cái tu thần thông ấy không cần-thiết đối với người tu học Phật. Đây là lời dạy của Phật mà nhiều người không lưu tâm, lo chạy theo thần thông. Nó chẳng có lợi gì cho người tu học Phật. Thần thông chẳng giúp ích cho việc vượt khỏi luân hồi, vượt qua Tam giới, hay vãng sanh Cực-Lạc. Năm mươi năm tu tập tốn bao nhiêu công-đức chẳng lợi ích gì. Nếu năm mươi năm đó, một người suốt ngày chỉ xưng niệm không ngừng một câu Phật hiệu, thì đã vãng sanh về Cực-Lạc ở Thượng Phẩm Thượng Sanh rồi.

Vì vậy, chúng tôi xin khuyên chư Liên hữu đừng bao giờ quan tâm đến thần thông để tránh trở thành quyến thuộc của ma. Vì nếu đã dính vào, thì việc thoát khỏi luân hồi trở nên khó khăn.

Hòa-Thượng Tịnh-Không nói: "Anh hiếu kỳ thì bị bọn yêu ma quỷ quái lừa. Tâm anh phải thuần chính. Đối với những trò kỳ quái này, không nghe không hỏi, sống trong an-nhiên, ma đối với anh cũng chẳng làm chi được. Chúng không thể nhập vào người anh. Điều này chúng ta cần phải biết. Chúng ta cũng không thể dùng phương pháp dối trá đó để dụ hoặc những đồng tu. Phải biết quả báo vô cùng đáng sợ. Nếu anh dùng những thứ này, nói một cách khác, là anh tự cam chịu đoạ lạc. Sau khi bị đoạ lạc, tương lai từ trong ác đạo trở ra, vẫn phải trả nợ. Không thể nói, sau khi tôi đã đoạ lạc thì nợ không cần phải trả. Không có chuyện dễ dàng như vậy. Vẫn phải y theo như cũ mà trả nợ.

Xem tiếp Kinh Văn phía trước:

- Ta dạy hàng Tỳ Kheo thứ lớp khất thực để bỏ lòng tham, thành đạo Bồ-Đề. Các hàng Tỳ Kheo không tự nấu ăn, gởi cái sống thừa tạm bợ, phiêu bạt trong ba cõi thị hiện một phen đi về, đi rồi không trở lại nữa.

Hoà-Thượng nói: "Đoạn khai thị này rất quang trọng, nếu như thật sự y theo mấy câu khai thị này mà phụng hành, có thể nói: "Người này là người thật sự giác ngộ". Chúng ta hiện nay ở trong xã-hội hiện đại. Tuy rằng hiện nay chế độ khất thực không còn tồn tại. Vào thời xưa, giữa đời nhà Đường bắt đầu, Mã-Tồ kiến-thiết tòng lâm, Bá Trượng lập thanh quy. Đây là hai vị Đại Đức theo sự ghi chép sử truyền, là Đại Bồ-Tát tái lai, giúp đỡ cho Phật giáo đi vào khuôn mẫu Trung quốc hoá. Bá-Trượng đã hiện đại hoá Phật giáo Trung-Hoa, khiến sanh hoạt của kẻ xuất gia, một mặt vì tự mình để canh tác tự lực kiếm ăn. Bá-Trượng Đại sư nói, một ngày không làm, một ngày không ăn. Điều này khác với chế độ nguyên thuỷ Ấn-Độ hoàn toàn khác nhau.
Cho nên, đoạn trước đã trình bày với quý vị, trong giới luật chỉ có 4 trọng giới Sát - Đạo - Dâm - Vọng là vượt khỏi thời gian không gian. Bất luận xưa hay nay, ở Trung Quốc, Ấn-Độ hay bất cứ nược Phật giáo nào, cũng đều không thay đổi. Ngoài ra tuỳ địa phương, hoàn cảnh sanh hoạt xã -hội mà có thể tu chính.

Chúng ta gọi Thanh Quy, là giới luật đã được hiện-đại hoá. Hiện nay tuy là nhận được sự cúng dường của tín đồ, chúng ta không cần tự lực kiếm ăn. Đức Phật Thích Ca dạy khất thực là để diệt trừ tham niệm. Chúng ta phải nắm vững tinh thần này, đoạn trừ tâm tham (trong gới Thâu Đạo là cũng trừ tâm tham). Cho nên, sanh hoạt cần phải đơn giản. Mỗi ngày chúng ta có thể ăn được no, có thể mặc được ấm là có thể an tâm tu rồi. Những cái còn thừa lại đừng nên cất giữ. Phật trong kinh thường nói: "Tập tài tán đạo". Tiền bạc chẳng phải là đồ tốt. Anh xem tiền tài, Trung Quốc gọi là thông hoá. Thông là lưu thông, Anh tập trung nó lại là không thông, khi không thông là thối. Nước nếu không thông thì thối, phải làm cho nó chảy thông. Tiền tài cũng phải lưu thông đừng nên tích trữ. Chúng ta đã đủ dùng rồi, còn lại thì nên đem mà bố thí. Xoay quầng bố thí. Cái cần bố thí nhứt là tinh thần. Cuộc sống tinh thần ngày nay nói chung quá ư nghèo túng. Cái quan trọng nhứt là Chánh-pháp. Bố-thí Phật pháp, bố-thí Chánh-pháp đều có thể cứu vãn thế đạo, nhơn tâm. Chỉ cần chúng ta tận tâm, tận lực để làm. Thật là công-đức vô lượng.

Cho nên tôi thường hay khuyên quý vị phải tu bố thí. Anh tu bố thí tài, anh được giàu có, một đời anh tiền tài chi dụng không thiếu thốn. Anh tu bố thí pháp, được thông-minh trí tuệ. Trong bất cứ hoàn cảnh nào, sẽ không bị mê-hoặc điên đảo. Anh tu bố thí vô-uý, anh nhứt định khoẻ mạnh sống lâu. Tiền tài, trí tuệ, khoẻ mạnh sống lâu, chúng ta đều cần đến tại sao không tu?

Trước khi chưa xuất gia, tôi tạo nghiệp sát rất nặng. Sau khi tôi xuất gia học Phật, tôi biết được nhơn quả đáng sợ. Tôi tận tâm tận lực để tu bố thí. Khi ngày đầu tiên xin đi tu, tôi gặp Chương-gia Đại sư, tôi nêu ra một vấn đề - vì lúc ấy đối với Phật pháp tôi có chút ít nhận thức - rằng Phật pháp rất hay, tôi muốn học, có cách nào giúp tôi đi nhanh vào vần-đề không?

Khi tôi đặt ra vấn-đề này, Ngài trố mắt nhìn tôi, suốt nửa giờ một lời cũng chẳng nói. Ngài tập trung đăm đăm nhìn tôi. Tôi cũng nhìn Ngài. Nửa giờ sau, tâm đọng lại, vọng niệm tiêu mất. Ngài mới nói lên sáu chữ: Nhìn được thấu, buông được xuống". Mỗi chữ Ngài kéo rất dài. Nghĩa này tôi hiểu được một tí. Tôi lại hỏi: "Xin thỉnh giáo Đại sư, vấn-đề phải từ đâu hạ thủ?" Lần này thời gian không dài như trước. Đại-khái cũng mất 15 phút. Rồi Ngài thốt ra hai tiếng: "Bố-Thí!"
Cho nên chiều sâu của ấn-tượng này, một đời của tôi vẫn vĩnh viễn không quên

Tôi cáo từ Ngài. Ngài rất từ bi đưa tôi ra tận cửa. Tới cửa, Ngài vỗ nhẹ vai tôi, rồi nói: "Hôm nay, tôi dạy ông sáu chữ, ông cố gắng học đàng hoàng trong sáu năm nhé!"

Ngài cho tôi một câu như vậy. Tôi thật biết luân hồi. Tôi thật tình học hết sáu năm. Sáu năm đã xong thì có cảm ứng. Cái cảm ứng bất khả tu nghì.

Anh không chịu tu thì không có cảm ứng. Anh chịu-tu thì có cảm ứng. Sau một thời gian tu học Phật pháp, tôi liền có ý muốn xuất gia. Lúc đó tôi ở Đài-Loan chỉ có một mình, không gia đình nhà cửa. Tôi nói tôi theo đuổi ngành này rất thích hợp. Tôi bèn báo cáo với Đại sư. Đại sư bảo tôi: "Ông không cần đi tìm đạo tràng, không cần tìm thầy." Tôi nói: "Vậy tôi làm sao xuất gia?". Ngài nói: "Nếu Ông đi tìm thầy, thầy đó không chịu thí phát, vậy chẳng sanh phiền não hay sao?. Tôi nói: "Vậy thì làm sao"? Ngài đáp: "Cầu Phật và Bồ-Tát cảm ứng!"

Ngài chỉ điểm tôi chỗ này, cho nên tôi bố thí sáu năm, nhơn duyên thành thục, quả nhiên sư phụ đến tìm tôi, mời tôi xuất gia. Trong một tháng mời hết chín lần. Mời thật thành-khẩn, nên tôi nhận lời. Tôi nhận lời xuất gia, và xin một điều kiện là phải cho tôi được đi học Phật pháp với Thầy Lý.

Lời thêm của Tịnh-Hải:

Quả đúng là Phật pháp mầu nhiệm. Sáu năm bố thí của Ngài cảm ứng, nên Thần Hộ Pháp đã thúc giục sư-phụ đi tìm học trò và thành-khẩn mời tới chín lần. Câu chuyện nhắc chúng tôi nhớ đến chuyện của chú bé Bankei ở Nhật. Khi còn nhỏ Bankei thích một tượng Phật nhỏ của vị Hoà-Thượng ở làng kế cận. Lúc đó Bankei chưa đi tu, nghĩ rằng nếu ta thành tâm cầu nguyện một tháng chắc chắn sẽ được như ý. Thế là Bankei bắt đầu mỗi ngày đều ngồi cầu nguyện cho tượng Phật ấy đến với Bankei. Tới chiều thứ hai mươi chín, Ngài nói với một người bạn rằng: "Đạo Phật chắc chẳng đáng tin". Nhưng đến chiều hôm sau, vị Hoà-Thượng đến gõ cửa và nói: "Ta tưởng, tượng Phật này nên ở với ngươi". Từ đó Bankei tu theo đạo Phật, trở thành Thiền sư danh tiếng.

Cầu tức có ứng! Chư Liên hữu nên thành tâm cầu Phật, Bồ-Tát, phải chơn thành và lâu dài, chắc chắn sẽ được như ý. Cầu nguyện vãng sanh cũng vậy, nhứt tâm niệm Phật chắc được Vãng Sanh!

Hoà-Thượng Tịnh-Không kết luận:

Pháp thế gian không tham, mà Phật pháp cũng không tham. Vì nếu anh tham Phật pháp thì anh sẽ không tinh chuyên. Một đời tu học của anh, có thể nói, chỉ học được ngoài da thôi, đó là Phật pháp thường thức mà thôi. Còn tinh hoa của Phật pháp anh nhứt định không đạt được. Muốn học được cái tinh-hoa của Phật pháp, cổ -đức thông thường dạy chúng ta: "Phải một môn thâm nhập, anh mới đạt được". Nếu anh hiểu rõ đạo lý này, thì ngay đến Phật pháp cũng không tham, Phật pháp cũng phải buông bỏ. Khi còn trẻ, tôi không biết đạo lý này. Tuy thầy thường dạy nhưng tôi cũng không tin, vẫn cứ ưa thích học rộng nghe nhiều. Những năm về trước tôi giảng Kinh Đại Thừa rất nhiều. Hầu như mỗi địa phương mời tôi giảng kinh, yêu cầu tôi giảng kinh thì tôi đều có thể giảng. Nhưng những năm gần đây, lần hồi giác ngộ, công phu cũng dùng được đắc-lực, mới thật sự hiểu rõ một câu nói của cổ đức đích thực là "Khổ khẩu bà tâm", nhứt định không gạt người.

Vì vậy tôi đem tất cả Kinh Đại Thừa thảy đều buông xuống; học Ngài Liên-Trì-Đại sư, Tam Tạng thập nhị bộ (tức 12 bộ Kinh) nhường cho kẻ khác ngộ; tám vạn bốn ngàn hạnh mặc cho người khác hành. Còn tôi thì từ nay một cuốn Kinh Vô Lượng-Thọ, một câu A-Di-Đà Phật một môn thâm nhập.

Cho nên bảy năm nay, Kinh Vô Lượng -Thọ tôi đã giảng rất nhiều lần. Mỗi lần giảng đều không giống nhau, cảnh giới một lần giảng đều khác nhau. Mỗi lần tâm đắc đều khác nhau. Mỗi một lần thụ dụng đều khác nhau. Đều là từ chuyên, từ tinh mà có được. Đây là kinh-nghiệm trogn 40 năm tu học của chính tôi. Cho nên học quá nhiều, chưa hẳn là việc hay. Nay Phật Học Viện mời tôi đi dạy, tôi không dám, vì tôi biết cách đó sẽ không thể thành tựu. Vì đó gọi là "xào thập cẩm", không phải tinh-chuyên, rất khó thành tựu.

(Điều này chúng ta nhớ đến vị Hoà -Thượng xe buýt Việt Nam, Ngài Thích-Trí-Chơn. Hoà-Thượng quyết từ đây chỉ giảng Kinh Niệm Phật Ba-La-Mật, và giữ chặt một câu Nam Mô A-Di-Đà Phật).

Hòa-Thượng Tịnh-Không tiếp: "Đây là sau khi thật sự giác-ngộ rồi hạ quyết tâm: "Tâm tham đoạn trừ". Tự mình biết được, ở thế giới Ta bà này, trong xã-hội hiện -thực này của chúng ta; thân của ta nay gọi là thân sau cùng, lần sau không đến nữa, vì đã vượt khỏi Tam giới luân hồi. Một phen đi rồi không trở lại nữa. Lần này tôi đến, lần sau không đến nữa. Lần sau đi về Tây Phương Cực-Lạc Thế giới mất rồi. Không trở lại nữa. Dù cho lần sau có đến nữa, đó là thân phận của Bồ-Tát tình-nguyện trở lại. Tuyệt đối chẳng phải là phàm phu vì nghiệp lực mà đến đầu thai. Như vậy là chính xác. Phải nhứt định vững vàng hạnh nguyện. Phải y giáo phụng hành. Thoát ly tất cả chướng ngại, trong một đời này chắc chắn thành tựu.

Hoà-Thượng đọc tiếp kinh:

"Làm sao, bọn giặc cướp mượn y phục của ta, buôn bán Như-Lai, gây các thứ nghiệp mà đều gọi là Phật pháp, lại còn chê bai các vị Tỳ-Kheo đầy đủ giới luật xuất gia là đạo Tiểu-Thừa; do đây làm Vô lượng chúng sanh mắc phải nghi-lầm, nên sẽ bị đoạ vào ngục vô gián

ĐỐI THOẠI GIỮA PHẬT VÀ MA BA-TUẦN

Đoạn này Thế-Tôn chỉ rõ thời kỳ mạt pháp, cái gọi là Ma con, Ma cháu thừa lúc Phật-pháp suy vi, trà trộn vào trong Tăng đoàn phá hoại chánh-pháp. Sự thật này, trong kinh điển, Phật từng nói qua với chúng ta. Khi Thế-Tôn còn tại thế, Ma Vương từng nói với Phật rằng: "Chúng tôi sẽ phá-hoại Phật pháp!"

Phật mới nói với chúng nó: "Chư Phật Như-Lai, chỗ nói chánh-pháp bất cứ loại Ma ngoại nào cùng không thể phá hoại được".

Ma mới nói: "Chờ đến ông vào thời kỳ Mạt pháp, tôi sẽ bảo Ma con, Ma chúa của tôi, tất cả đều xuất gia, đều khoát lên cà sa để phá-hoại Phật pháp".

Nghe xong, Phật chẳng nói một lời, mà chỉ rơi nước mắt.

Đó là chỉ cho lời Phật nói trong Kinh. Cho nên Phật nói: "Tỷ như Sư tử trùng, hoàn thực sư tử nhục" (có nghĩa là khi con sư tử chết, không con vật nào dám ăn thịt sư tử cả. Nhưng giòi bọ bên trong thân sư tử lại ăn thịt sư tử). Đây là người hiện nay nói, chúng ta thâm sâu vào trong cửa Phật, chúng nó thật sự chẳng phải là đệ tử Phật. Chúng nó là yêu ma quỷ quái, thâm sâu vào trong Tăng-đoàn. Bởi thế cho nên Phật tử chân chánh, không chỉ là xuất gia, tại gia cũng chẳng ngoại lệ, tứ chúng đồng tu đều phải có tuệ nhãn, đều phải phân biệt. Nhứt là tự mình thường thường phải kiểm-điểm phản tỉnh, chúng ta có bị những yêu ma quỷ quái này làm ô-nhiễm hay không? có bị chúng làm ảnh-hưởng không? có bị chúng lôi vào hầm lửa không?

Bọn giặc là chỉ cho yêu ma quỷ quái, kể cả ma quỷ phía trước đều gồm luôn trong đó; cũng gồm luôn vọng ngữ ở phần sau.

Kinh nói: "Mượn y phục của ta, chúng cũng xuất gia, cũng mặc áo hải-thanh, mặc áo cà sa 'Tỳ phán Như-Lai' tức là buôn bán Như-Lai".

Hiện nay trong xã-hội cũng có một câu nói, đối với Phật-giáo rất là khó nghe, tôi cũng từng nghe được: "Khai miếu điếm", tức là "buôn bán chùa chiền". Đem Phật pháp coi như là hàng hoá để buôn bán. Đây tức là tiêu-chuẩn của việc buôn-bán Như-Lai, cũng là thâu đạo.

Lời thêm của Tịnh-Hải:

Nơi chương bảy này, Hoà-Thượng Tịnh-Không dạy nhiều điều rất hữu ích. Đối với chúng tôi điều căn bản là, chúng tôi phải tìm ra chỗ nào Hoà-Thượng giảng liên-quan đến câu hỏi của chúng tôi: [b]"Niệm Phật cách' nào chắc được Vãng Sanh?"

Từ đầu sách đến đây, chúng tôi đã lập đi lập lại ở nhiều chỗ, chỉ mong chư Liên hữu lưu ý điểm quan trọng này và giữ nằm lòng. Nơi chương Tổng Kết-luận chúng tôi sẽ tóm tắt lại.

Hoà-Thượng Tịnh-Không tu học 40 năm, chuyên dạy rất nhiều kinh-điển Đại-Thừa. Nhưng rồi Ngài giác-ngộ, biết rằng nếu muốn được Vãng Sanh Cực -Lạc, phải đúng lời Thầy của Ngài dạy. Thầy của Hoà-Thượng, là Cư-sĩ Lý-bỉnh-Nam, dạy rằng: "Phải một môn thâm nhập anh mới đạt được".

Rồi Hoà -Thượng nói:

- Vì vậy tôi đem tất cả kinh Đại-Thừa đều buông xuống, học Ngài Liên-Trì Đại sư, Tam Tạng thập nhị bộ Kinh nhường cho kẻ khác ngộ. Còn tôi thì nay một cuốn Kinh Vô Lượng-Thọ, một câu A-Di-Đà Phật, một môn thâm nhập.

HIện nay tại các chùa Việt -Nam đa số các Sư vẫn trì tụng và giảng dạy đủ các kinh Đại-Thừa. Hành sử như Hoà-Thượng Tịnh-Không đúng hay sai Phập-pháp? Ngài đã buông bỏ tất cả, chỉ dùng cuốn Kinh Vô Lượng Thọ có đúng không?

Thật tình mà nói, trong Kinh Niệm Phật Ba-la-Mật dạy rõ ràng:

"Muốn Vãng Sanh Cực-Lạc chỉ cần xưng niệm danh hiệu Phật là đủ. Vì danh hiệu. Phật chính là biểu-tướng của Pháp Thân, cho nên niệm danh hiệu tức là niệm Pháp thân Phật, và người niệm Phật khỏi phải kiêm thêm pháp môn nào nữa".

Lời Đức Phật dạy thật rất rõ ràng "Muốn Vãng Sanh Cực-Lạc chỉ cần niệm danh hiệu Phật, khỏi phải kiêm thêm pháp môn nào nữa!"

Mỗi chúng sanh chúng ta tu theo Phật, để làm gì?

Chúng ta tu Tịnh Độ, niệm danh-hiệu A-Di-Đà Phật để làm gì? Để Vãng Sanh Cực-Lạc? Hay để được phước báu cõi Trời, hay để được lại thân người? Nếu chúng ta thật sự muốn Vãng Sanh nên nghe lời dạy của Hoà-Thượng Tịnh-Không.

Chư vị nào đã đọc cuốn Đường Về Cực -Lạc của Hoà -Thượng Thích -Trí -Tịnh chắc là nhớ chuyện Giác Minh Diệu -Hạnh Bồ -Tát. Ngài là bậc đã Vãng Sanh Cực -Lạc, sau đó, do tâm nguyện Ngài trở lại Ta bà để độ chúng sanh trong nhiều đời. Ngài dạy:

"Trong thất chỉ cúng một tượng Phật, một bộ kinh, một bàn thờ, một lư hương, một bàn, một ghế. Chẳng nên để nhiều đồ vật khác".

Tổ sử Ấn-Quang cũng chỉ có một tượng Phật trong thất. Vì kinh nói, niệm một danh hiệu Phật, đồng như niệm mười phương chư Phật. Cho nên Giác Minh Diệu-Hạnh Bồ-Tát nói một tượng Phật, một bộ kinh là đủ.

Đây là thời Mạt pháp căn cơ chúng sanh cạn cợt, tâm trí yếu kém, nếu ta tập trung vào một vị Phật, đó là Phật A-Di-Đà thì sẽ dễ dàng hơn. Nhiều người sợ mình đã quen niệm Phật Thích-Ca, Phật Dược-Sư, bây giờ chỉ niệm Phật A-Di-Đà chẳng rõ có bị chư Phật giận không?

Chắc chắn các Ngài không giận đâu. Phật dạy tu đừng có chấp, cho nên các Ngài không bao giờ chấp.

Kinh sách có câu: "Cúng dường mười phương ba đời chư Phật, không bằng cúng dường một người vô tâm!"

Người vô tâm là ông Phật của mình. Mình niệm một danh hiệu để chắc được Vãng Sanh để được thành Phật, thì Phật đâu có bắt lỗi. Tuy nhiên, đầu các thời khoá niệm Phật, cũng có thể niệm tất cả chư Phật một lần.

Chúng tôi thật buồn, khi nghe một số băng giảng, có Sư nói rằng được lên Cõi Trời là quý lắm rồi. Đây là Sư chẳng giúp chúng sanh thoát khỏi Tam giới. Đó là sai với Chánh-pháp của Phật.

Viết sách này, mục đích chúng tôi là xiển dương pháp môn Niệm Phật, muốn tất cả chư Liên hữu đều được Vãng Sanh Cực-Lạc. Chúng tôi tha thiết muốn được thấy chư Liên hữu, những bạn sen của chúng tôi đều nên hiểu, nếu muốn chắc được Vãng Sanh nên nhứt tâm niệm danh-hiệu Phật là đủ, khỏi kiếm thêm pháp môn nào khác.

Tóm lại, theo sự hiểu biết của chúng tôi, chẳng những Hoà-Thượng Tịnh-Không giảng về Pháp môn Vãng Sanh không sai Chánh-pháp, mà còn thật thù thắng, thật độc đáo.
Chính vì lẽ này, mà khi chúng tôi đã viết nửa phần sách này liền bỏ đi, ra công nghe bộ băng 10 cuốn và ghi chép thật tốn nhiều thì giờ. Nhưng bù lại, chư Liên hữu Việt-Nam thêm được sự tin tưởng mà thực hành để chắc được Vãng Sanh.

Chúng tôi đã gặp rất nhiều vị, cũng tu niệm Phật đi chùa thật siêng năng. Chúng tôi hỏi chư vị đến chùa hành trì môn gì? Được đáp chúng tôi vừa tụng kinh Kim Cang xong, tuần này tụng Hoa-Nghiêm, tháng tới tụng Pháp-Hoa.

Chúng tôi thở ra. Đây là tụng kinh cho được phước đức. Muốn chắc được Vãng Sanh nên theo đúng Kinh Niệm Phật Ba-La-Mật và lời dạy của chư Tổ và chư Tôn đức Tăng Ni đã dày công nghiêm cứu các Kinh A-Di-Đà.

Xin chư Liên hữu nên xét lại, chỉ cần bốn chữ A-Di-Đà Phật cho thời này cũng đầy đủ công đức, phước báu, oai lực, thần lực, nguyện lực của Phật A-Di-Đà và chư Phật mà Vãng Sanh.

Thời này kiếm thêm pháp môn khác, sợ không kịp, không đủ duyên để Vãng Sanh. Vì cái sợ nhứt là lúc lâm chúng đó.