Tịnh độ
Niệm Phật Cách Nào Chắc Được Vãng Sinh?
Tịnh Hải
04/07/2555 02:00 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng
Niệm Phật Cách Nào Chắc Được Vãng Sinh?
Mục lục
Xem toàn bộ


Hòa-Thượng Tịnh-Không giảng tiếp tới đoạn Đức Phật dặn Ngài A-Nan:

"Ông dạy người đời tu pháp Tam-ma-địa, thứ nữa, phải đoạn lòng Sát. Ấy gọi là lời dạy rõ ràng thanh-tịnh, quyết định thứ hai, của các Đức Như-Lai Tiên-Phật Thế-Tôn.

Tu học Tam-ma-địa là chơn chánh tu hành. Hành là hành vi. Tu là tu chính - Tư tưởng hành vi của chúng ta có sai trái, phải đem nó tu chỉnh trở lại. Tam-ma-địa, Thiền na là tiêu-chuẩn hành vi của chư Phật Bồ -Tát, anh y theo đây mà tu chính, tức là chính mình cũng như một vị Phật. Đây là Phật dạy Ngài A-Nan phải chỉ dạy những người tu hành trên thế gian, phải dạy họ đoạn hết sát sanh. Kinh dạy tiếp:

"Vậy nên A-Nan, nếu người ấy không đoạn lòng Sát, thì cũng ví như bảo người bịt tai lại, rồi cả tiếng kêu to, mà trông mong người khác không nghe."

Bọn này gọi là muốn dấu mà càng lộ. Ở đây, Phật đưa ra một thí dụ:

Không đoạn dứt Sát sanh mà tu thiền định có thể thành tựu không? Không thể thành tựu. Ở chỗ này các bạn đồng tu nên biết rõ một sự thật. Chúng ta không cần nói đến trong cửa Phật. Trong thế gian pháp, người xưa thường nói: "Học vấn thâm thời ý khí bình", có nghĩa là "người càng có học vấn thì càng hàm dưỡng", người càng có "đạo đức thì càng có thể bao dung". Hoà -Thượng thí dụ: Khi ta ra đường gặp một vị xuất gia tu hành được gọi là đạo đức cao, nhưng nếu vị ấy còn có tâm ngạo nghễ, keo kiệt, khinh người thì đó là thứ giả không phải thiệt. Cho nên một vị Đại Đức chơn chánh khi anh gần họ nhất định ôn-hoà từ bi, tuyệt đối không ngạo nghễ kinh người. Đây là nói rõ, kẻ tu thiền định còn có tâm sân nhuế, vừa hơi phật ý một tí là nổi giận, nếu làm phật ý họ, họ liền có niệm trả thù; đây là thứ giả.

Đây là loại người gì? Thì ra là quỷ La-sát. Cho nên trong thời kỳ mạt pháp, yêu ma quỷ quái rất nhiều. La-sát cũng mặc áo cà sa, cũng đội lốt chiêu bài của Phật huỷ diệt Phật pháp, gạt gẫm chúng sanh, chúng ta không thể không nhận biết. Ở đây, Phật dạy chúng ta nguyên tắc phân biệt đó. Hàng Tỳ Kheo thanh-tịnh và các vị Bồ-Tát đi trong đường rẽ không dám cỏ non, huống nữa là lấy tay nhổ cỏ, thì tại sao lấy máu thịt chúng sanh mà làm đồ ăn? Trong giới Kinh dạy cho chúng ta, một vị xuất gia trì giới thanh-tịnh, Bồ Tát có hạng tại gia, có hạng xuất gia, đi đường còn không đạp lên cỏ non, huống là lấy tay để nhổ. Đối với thực vật còn thương tiếc cỡ đó, thì đối với loại động vật càng thương tiếc hơn; làm sao có thể giết nó, ăn thịt nó?

Kinh dạy:

"Nếu các Tỳ Kheo không mặc đồ tơ lụa, là-lượt phương Đông và không dùng giày dép, áo cừu, áo len hay các thứ bơ sữa, phó mát, đề hồ, thì những Tỳ Kheo như thế, đối với thế gian, đây thật là giải-thoát trả hết nợ cũ xong, thì không vào ba cõi nữa".

Đây là nói đời sống hàng ngày, sự ăn mặc của chúng ta. Chúng ta không ăn thịt, không kết oán thù với chúng sanh. Nếu như còn mặc da của chúng sanh, thì cùng với Sát Sanh không khác chi cả. Giống như Sát Sanh. Thuở xưa Trung Quốc với các nước có một con đường thông thương buôn bán. Người ta vận chuyển tơ tằm đi buôn bán. Đây là người ta giết tằm để lấy tơ, còn tại Ấn Độ có giày làm bằng da bò, quần áo làm bằng lông cừu. Những thứ này cũng đều là phải sát sanh mới có được. Những lạc, đề hồ làm bằng sữa, tuy không Sát Sanh, nhưng cũng giựt lấy đồ ăn của bò con, cũng không nên làm.

Cho nên trong các giới luật nghiêm khắc cấm chỉ, không những không ăn thịt, cũng không được mặc đồ bằng da....Phật bảo: "Tỳ Kheo này mới thật là thanh-tịnh" thì mới thật là giải-thoát, thì không vào trong ba cõi nữa.

Trong Kinh này, từng câu từng câu Phật nói với chúng ta đều là lời nói thật. Kinh nói:

"Dùng những bộ-phận thân thể chúng sanh, thì đều bị ảnh-hưởng chúng sanh, cũng như người ăn giống bách cốc trong đất, thì chân không rời khởi đất".

Trong Kinh, Phật cho biết, Tổ Tiên chúng ta tữ cõi trời Quang Âm đến. Nói một cách khác, chúng ta từ một tinh cầu khác di dân đến đây. Hiện nay chúng ta là người Thái Không, Tổ Tiên chúng ta từ Thái Không đến. Sau khi đến đây, ăn những thứ mọc trên đất, sau đó năng lực mất hết, không trở về lại được. Nên đoạn trên Kinh nói: "Ăn giống bách cốc trong đất, thì chân không rời khỏi đất!"

Phật nói, Tổ Tiên chúng ta từ đây mà có. Kinh dạy tiếp:

"Quyết phải khiến cho thân tâm, đối với thân thể hay bộ-phận thân thể của chúng sanh, đều không ăn không mặc, thì những người như thế, tôi mới gọi là chơn thật giải-thoát. Như lời tôi nói đây, gọi là lời nói của Phật; không như lời nói đó, tức là lời của ma Ba-tuần".

Hoà-Thượng Tịnh-Không giảng xong về giới Sát. Ngài trình bày thêm ba vấn đề liên hệ đến Sát Sanh, tức là có liên hệ đến việc vãng sanh Cực-Lạc.

1. Phá Thai Có Tội Không?

Nhiều người đến hỏi Hoà-Thượng rằng phá thai có tội không? Ngài đáp chẳng những có tội mà còn có tội nặng nề, và giải thích: "Quan hệ giữa cha mẹ có 4 thứ chuyện: 'báo ơn, báo oan, đòi nợ, trả nợ". Trong đời quá khứ anh kết duyên với nó, đời này gặp lại nó. Nếu là ác duyên là nó đến đòi nợ, nó đến để báo oán. Anh đem nó giết chết, mối oán hận của nó kết càng sâu. Sau này khi gặp lại, mối oán thù mạnh không biết là bao lần. Cho nên không nên phá thai. Nếu như nó đến báo ân trả nợ là việc tốt, nhưng nếu anh giết hại, mối ân thành thù. Điểm này người không học Phật, không hiểu rõ sự lý, không biết sự lợi hại. Người biết học Phật, nhất định phải biết cái Sát Sanh này, so với giết hại các loài động vật, thậm chí so với Sát Sanh một người, mối oán thù nầy kết lại càng sâu hơn. Tương lai quả báo càng thảm khốc hơn.

Cho nên phá thai là một điều đáng sợ, muôn ngàn lần không thể làm được. Điều này các vị đồng tu nên biết.

Lời của Tịnh-Hải:

Như Hoà -Thượng Tịnh -Không nói, người không hiểu Phật pháp không rõ sự lý, không biết rõ sự lợi hại. Dù rằng bào thai còn nhỏ, chưa tượng hình người. Nhưng đứng về tâm linh thì, thần thức (hay linh hồn) khi nhập vào thai đã có mạng căn rồi. Phá thai là giết một mạng người. Theo sách Liễu Sanh Thoát Tử, Thần thức, tức Thân Trung-Ấm của người chết được thác sanh làm người, cảm thấy hai thân nam nữ giao hợp, liền dấy tà niệm. Khi cảm thọ sự dục lạc liền bị tối tăm mất cả tri-giác và thân trung-ấm bị diệt. Nhưng thọ mạng chưa thành hình mà bị giết. Nỗi đau đớn kịch liệt không kể xiết, oan hồn không tiêu tan cứ lẫn quẩn theo cha hoặc mẹ, đợi lúc vận người ấy xấu, liền báo thù. Nếu có sự phát nguyện vãng sanh, việc Vãng Sanh có thể không thành, vì sát nghiệp của việc quyết định phá thai quá nặng.

2. Bịnh Người Già

Hiện nay trong xã hội có trường hợp thứ hai là bịnh người già, cũng gọi là người thực vật. Trong Phật giáo gọi là bịnh nghiệp chướng. Có nhiều người chủ-trương cái chết an lạc. Có người hỏi tôi, khi người này trí giác không còn gì, chỉ có hơi thở chưa dứt. Không những chính mình rất đau khổ còn làm liên luỵ cả nhà không bình an. Thì giờ càng kéo dài, người nhà càng vô cùng buồn chán. Sự việc chẳng biết xử trí ra sao? Trong tình trạng này bảo họ phải chết an lạc. Vậy có tội hay không?

Tôi trả lời: theo đạo lý, Phật dạy trong Kinh, nhứt định có tội. Phải nên biết, con người thực vật tuy tất cả tri-giác đều mất hết; nhưng hơi thở chưa dứt. Là nguyên nhân gì? Hoặc giả, tuy thọ mạng của họ không còn nữa, nhưng phước báu của họ chưa hưởng hết. Đời của họ phước báu quá lớn, chưa hưởng tận, thọ mạng đã hết, nhưng còn lại hơi thở để hưởng phước. Đến khi hưởng hết thì họ sẽ đi, bởi thế không thể giết họ, giết chết họ nhứt định có tội.

3. Có nên quyên góp bộ phận cơ thể?

Có người hỏi tôi: Những người niệm Phật chúng ta có thể quyên góp bộ phận cơ thể (khí quan) không?
Tôi trả lời: nếu quả đã vãng sanh, thì đây không thành vấn đề. Vãng sanh là lúc còn sống mà vãng sanh. Điều này quí vị nên biết, chẳng phải chết mới vãng sanh. Những người Vãng Sanh Tây Phương Cực-Lạc Thế giới khi hơi thở họ chưa dứt. Đầu óc họ còn rất tỉnh táo. Phật A-Di-Đà, Bồ-Tát Quán-Thế-Âm Đại-Thế-Chí đến tiếp dẫn họ. HỌ hoan hỹ vui mừng theo Phật mà đi. Theo Phật đi, rồi mới tắt thở. Cho nên vãng sanh toàn là sống mà vãng sanh. Thần thức của họ đã đi đến Tây Phương Cực Lạc Thế giới, thân thể còn lại đem quyên góp thì không có vấn-đề chi cả.

Nếu như họ chưa vãng sanh thì việc đó phiền phức lớn lắm.

Phật dạy: "Con người sau khi tắt thở, Thần thức của họ còn 8 tiếng đồng hồ mới rời khỏi thể xác". Trong vòng 8 tiếng nếu anh đụng vào họ, họ cảm thấy đau đớn. Vậy thì, dù khi sống họ đã phát nguyện hiến tặng khí quan, lúc chết người ta đem thây đi mổ xẻ, lúc ấy họ không chịu được sự đau đớn hối hận vậy làm sao đây?

Lúc tâm sân hận này vừa động thì lập tức lọt vào Tam ác đạo! Thế là một việc rắc rối. Người học Phật chúng ta không thể không quan tâm lo sợ, không thể không hiểu rõ chơn tướng của sự thật này.

Trên sự là một việc làm tốt. Nếu anh có công phu tu hành chơn chánh có thể được. Còn nếu không có công phu tu hành này, anh phải dự phòng kẻo lúc đó thì sẽ hối hận.

Điều này không thể hỏi người khác. Người khác không thể hiểu được. Phải hỏi đương sự. Cho nên đời sau của họ, đi về đường nào có quan hệ mật thiết, điều này xin quý vị thức tỉnh và lưu ý.
Lời của Tịnh-Hải:

Hoà -Thượng nói: "Nếu anh có công phu tu-hành chơn chánh có thể được". Thế nào gọi là "công phu tu-hành chơn chánh?"

Người tu Thiền cao có thể đưa thần thức mình ra khỏi thể xác. Các vị đại Lạt-ma Tây Tạng khi biết mình sắp hết thọ mạng, thường nhập thất, rồi các Ngài xuất hồn tức thần thức ra khỏi xác, đi tìm một gia-đình có phước đức, chọn để nhập thai.

Có khi thần thức đi xa qua một nước khác để lựa chọn, vì phước đức của cha mẹ tương lai rất ảnh hưởng đến đời sau của vị sư ấy. Chọn gia-đình xong, thần thức ghi nhận nhà ấy đang ở hướng nào, có đặc điểm gì trước nhà; sau đó trở về nhập vô xác trở lại.

Vị Sư bèn ghi xuống giấy, nói trước hướng tái sinh của mình, rồi sau đó mới viên tịch. Về sau người ta theo hướng mà tìm ra vị tái sanh.

Trường hợp một người có công phu tu hành như vậy, trước khi chết hồn đã ra khỏi xác. Khi đem thây đi mổ xẻ, cưa, thần thức không bị đau đớn, vì thần thức của vị Lạt ma kia đã nhập thai mẹ rồi.

Trái với trường hợp này, người bình thường chết, thân xác bị đem đi mổ xẻ, khiến cho thần thức trông thấy, nổi sân giận. Tâm sân giận vừa nổi lên thì lập tức lọt vào Tam-ác-đạo. Như chúng tôi đã nói, dù kiếp này một người không hề làm ác, nhưng nghiệp-ác từ muôn kiếp trước vẫn chứa đầy trong Tàng thức của người ấy. Khi chết, gặp duyên xấu, thí dụ một người chết bình thường, do lời hứa hiến tặng một bộ phận cơ thể, người ta đem thây đi mổ xẻ, thần thức trong vòng 8 tiếng đồng hồ chưa ra khỏi thân thể, chứng kiến người ta mổ xẻ xác mình, liền cảm thấy bị đau đớn nổi tâm sân giận (đây là duyên xấu) thì các nghiệp ác từ lâu (dù đời này không làm ác, thí dụ như vậy) nổi lên, khiến người ấy phải lọt vào Tam-ác-đạo tức ba đường dữ. Đây là trường hợp trả lời cho những ai nói đời này tôi không làm ác đâu cần gì tu. Về duyên xấu không phải chỉ có thí dụ sau khi chết bị đem đi mổ xẻ như nói ở trên, mà còn vô số duyên xấu khác; chư vị tìm hiểu sẽ thấy rõ ràng. Cho nên, người không tu niệm Phật để nương nhờ thần lực của Phật mà đi vãng sanh, những trường hợp gặp duyên xấu dễ đoạ vào Tam-ác-đạo.
Trở lại bài giảng của Hoà-Thượng Tịnh-Không. Tại sao Hoà-Thượng nói; "Anh có công phu tu hành chơn chánh có thể được?".

Có công phu tu hành là đủ rồi, tại sao còn nói công phu tu hành chơn chánh? Vì đời này có người dùng lối Thiền xuất hồn, cũng giống như các vị Lạt-ma Tây Tạng. Nhưng có người xuất hồn không chơn chánh như, dùng cách này để thoả mãn thú tánh, xem các cặp vợ chồng đang giao hoan.

Trường hợp xuất hồn này dễ làm cho điên loạn.

Thiết tưởng cũng cần nói thêm. Các vị Lạt ma có công phu tu như đã nói thường đã đắc quả cao. Kinh sách có nói, dù là Bồ-Tát sau khi cách ấm (tức từ thân trung ấm này qua thân khác) thường bị ngu mê quên hết quá khứ. Phải là bực Đại Bồ -Tát đắc được Vô-sanh pháp nhẫn thì nhập vào thai mẹ mới không bị ngu mê. Những vị Đại Lạt-Ma, như Ngài To Mo, mà chúng tôi thường nhắc tên, khi tái sanh, vừa biết nói là nhớ lại hết quá khứ, mới 7 tuổi đã đậu bằng Tiến sĩ Phật học.

Sở dĩ Phật-giáo Tây Tạng áp dụng được là vì họ có sự truyền thừa, học tập đúng pháp Phật. Còn tu Thiền khác, dù là biết xuất hồn đều bị coi là Thiền ngoại đạo. Người tu chẳng có lợi gì, vì lối Tu không được Đức Phật công nhận.

Quý vị Lạt-ma Tây Tạng muốn đem Phật pháp truyền sang các nước Âu Mỹ, trước khi tịch đã chuyển thần thức của mình nhập thai vào một người mẹ, người khác giống ở Mỹ và Tây-Ban-Nha.
Đó là trường hợp của Lạt-ma tái sanh Sanggyal Dorje Rinpoche tại Victorville (California), và Lạt-ma tái sanh Osel Rinpoche ở Tây-Ban-Nha.

Còn thêm hai trường hợp Lạt-ma Tây Tạng tái sanh tại Mỹ. Nhưng phạm vi sách không phải nói về các vụ tái sanh, mà muốn nói lên rằng người có công phu tu hành trước khi chết thần thức đã Vãng sanh Cực-Lac; cho nên sau đó, dù thân xác bị đem đi mổ xẻ cũng không nguy hại cho người chết, vị họ dã vãng sanh rồi.

(Về các chuyện Tái sanh của Lạt-ma Tây-Tạng, chư vị muốn rõ nên tìm xem cuốn Sự Tái-Sanh của các Lạt-ma Tây Tạng của cô Phương-Dung).

Vấn đề làm nhiều người khổ!

Hoà-Thượng Tịnh-Không giảng tiếp:

Trong nhà chúng ta, những loại như dán, kiến, ruồi, muỗi, giết chúng có bị oán thù hay không?
Nếu anh không giết nó, nó làm nhiều loạn đời sống của anh. Huống hồ dán và ruồi còn mang đến môi trường của bịnh truyền nhiễm. Những thứ này, thật là chán ngấy. Nếu giết nó thì phạm giới sát sanh, tạo nghiệp không giết nó thì sẽ không yên.

Anh vì học Phật không sát sanh, cả nhà đều chửi anh. Cả nhà đều phỉ báng Phật pháp.

Tôi tuy không sát sanh, nhưng khiến cả nhà mang tội phỉ báng Phật pháp, khiến họ tạo tôi nghiệp thì sao đành?

Sự việc này thật là nỗi khổ tâm lớn. Cho nên người học Phật, sanh hoạt phải có quy luật, hoàn cảnh gia đình nên ngăn nắp sạch sẽ. Ngăn nắp sạch sẽ tự nhiên những thứ này sẽ giảm-thiểu, tìm biện pháp đuổi chúng nó ra ngoài, đừng nên giết hại chúng.

Như muỗi chúng ta có thể thắp nhang xông muỗi. Nhưng nhớ mở hết cửa ra, cho chúng bay ra ngoài. Nếu các cửa đóng hết thì lại giết hại chúng.

Còn loài kiến, tìm cách dụ nó ra ngoài. Dùng một ít bánh kẹo dụ chúng nó đi. Chỉ là tốn thì giờ một ít mà thôi. Chúng ta có thể dùng nhiều phương-tiện mà làm.

Ngoài ra, còn có một cách làm thù thắng nhứt nữa. Điều này có thể làm cả nhà anh cảm động. Với một tấm lòng chơn thành, tấm lòng đại từ bi, ta tụng Kinh niệm Phật hồi hướng cho chúng nó. Lại truyền thọ quy y cho chúng nó. Sau đó ra lịnh cho chúng phải dọn nhà. Điều này có thể làm được. Thật chứ không phải giả. Chúng sẽ dọn đi.

Chúng ta hãy xem truyện ký của Ấn Quang Đại Sư. Trước khi trong phòng Ngài ở có nhiều rệp, muỗi. Thị giả của Ngài muốn đuổi chúng đi, Ngài lắc đầu. Bảo đừng động đến chúng nó. Ngài nói với thị giả rằng: "Sự tu trì của ta đức độ chưa đủ. Cứ tuỳ nơi chúng, nếu ta thật sự có đạo hạnh, chúng nó sẽ tự nhiên di chuyển". Ấn Quang Đại Sư sau 70 tuổi, căn phòng Ngài ở, ruồi, muỗi, kiến, một con tìm cũng không ra. Kẻ khác vừa ở thì có, Ngài vào ở thì không có. Anh xem chúng nó có linh tánh đấy. Chúng nó chẳng phải là vô-tri. Đối với người có đại đức, chúng nó rất tôn trọng.

Tổ Ấn-Quang có đại đức, chúng ta không có đức hạnh đó thì chúng ta dùng tâm chơn thành. Thành tức linh. Chí thành cảm thông, có thể được cảm ứng.

Đây là khi nãy dạy quý vị tụng Kinh, niệm Phật, hồi hướng, truyền thọ Tam Quy cho chúng nó; sau đó khuyên chúng di chuyển: "Chúng bây cũng có lợi, ta tránh được vừa sát sanh, vừa phá giới, chúng bây lại mất mạng. Chúng bây dọn đi, chúng ta hai bên đều có lợi". Rất có hiệu quả, xin cứ thử xem.

Nên tụng Kinh siêu độ Cho oán thân trái chủ

Vẫn còn một việc nữa, điều này chúng ta cần nên làm. Đặc biệt là thời đại hiện nay, chúng sanh tao nghiệp ác rất nặng, quả báo quá nhiều lần, khổ không thể tả sao cho xiết! Những đồng tu học Phật chúng ta phải có lòng từ bi, phải có lòng thương xót; phải thường giúp đỡ chung sanh đã tử nạn.

Chúng ta mỗi ngày tu trì, tụng Kinh niệm Phật, làm việc thiện, đem những công đức này chơn thành vì họ mà hồi hướng, nếu như đạo tràng tiện lợi. Như tôi, ở Đài-Bắc có một ngôi đạo tràng nhỏ, ở trên lầu. Đó là Hoa Tạng thư viện của chúng tôi. Mỗi tháng vào tuần lễ cuối, chúng tôi làm một Pháp Hội Tạm Thời Hộ Niệm. Những đồng tu ngày thường đến nghe Kinh thường tham gia, độ chừng một hai trăm người, để tụng Kinh siêu độ tất cả chúng sanh trên toàn thế giới. Cũng tức là đem những oán thân trái chủ trong nhiều kiếp đến nay có thể hoá giải. Chúng tôi thành tâm thành ý để làm. Mức độ cảm ứng thật bất khả tư-nghị.

Chúng ta trong sanh hoạt hằng ngày làm thế nào đối diện với những sanh hoạt này, làm thế nào hoá -giải những oan nghiệp của đời quá khứ và hiện tại.