Tịnh độ
Khuyên tu pháp môn niệm Phật
Tác giả: Nguyên Anh
28/05/2553 23:50 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Niệm Phật tức là tu hành
 
   Một người có tu hành hay không nhìn nơi ba nghiệp thân, khẩu, ý thì biết ngay. Nếu thân làm việc ác, miệng nói lời ác, ý khởi niệm ác tức là không có tu hành. Pháp môn niệm Phật có thể khiến cho ba nghiệp của chúng sinh được thanh tịnh thì chắc chắn đây là pháp môn tu hành. Nay thử trắc nghiệm. Có một người nghe đến pháp môn niệm Phật, khởi niềm tin sâu xa không chút nghi hoặc, nguyện vãng sinh Tây Phương Cực Lạc, thực hành pháp môn niệm Phật, một lòng chuyên trì danh hiệu Phật A-di-đà, từng chữ từng chữ rõ ràng, phát ở tâm, niệm ở miệng, nghe ở tai, một câu như thế, nhiều câu cũng như thế. Tâm niệm, miệng niệm, tâm khẩu nhất như, niệm niệm tương tục không gián đoạn, trong tâm chỉ có Phật chứ không có một niệm nào khác. Lấy niệm Phật để trừ các tạp niệm khác. Khi các vọng niệm dừng thì ý nghiệp thanh tịnh, đây là tu hành ý nghiệp. Miệng niệm danh hiệu Phật, không nói chuyện thị phi, đàm tiếu. Cổ nhân dạy rằng:
“Ít nói chuyện ta người,
Niệm nhiều danh hiệu Phật”.

   Miệng không rời danh hiệu Phật thì khẩu nghiệp thanh tịnh, đây tức là tu hành khẩu nghiệp. Những hành động của thân (thân nghiệp) đều do ý nghiệp sai sử, nếu ý không khởi thì không có hành động nơi thân. Người niệm Phật, một lòng niệm Phật, nhiếp hết sáu căn thì thân thanh tịnh, đây tức là tu thân nghiệp. Sao lại nói niệm Phật không phải là pháp tu hành? Những điều vừa liệt kê trên đây đủ minh chứng niệm Phật chính là tu hành vậy.

   Hoặc bảo niệm Phật một đời mà được vãng sinh thế giới Cực Lạc là lời nói hư cuống ngu si. Nếu muốn lìa Ta-bà khổ để về một thế giới hoàn toàn sung sướng nhất định phải có một pháp môn nào đó thật vi diệu, thật nan đắc mới khả dĩ. Nay chỉ niệm danh hiệu Phật sao dám bảo là chân thật tu hành? Những lời nói này hết sức lầm lẫn, xin mọi người hãy quán sát cho kỹ. Nên biết, pháp môn niệm Phật chính đức Phật nói ra chớ chẳng phải do ai khác. Ngài quán sát căn cơ chúng sinh mà nói ra pháp môn niệm Phật này. Phật là đấng chí tôn vạn đức, lời của người không hề hư dối, há có phỉnh gạt chúng sinh sao?

   Phật quán thấy chúng sinh nghiệp trọng, vọng niệm quá nhiều nên dạy cho pháp chuyên tâm niệm danh hiệu Phật A-di-đà. Đây là pháp dùng niệm để ngăn trừ niệm (lấy niệm Phật để ngăn chặn niệm chúng sinh), như thầy thuốc dùng độc để trừ độc vậy. Lại nữa, tâm chúng sinh như nước, xưa nay vốn thanh tịnh không chút nhiễm nhơ, do cát bụi mà làm cho nước vốn trong sạch ấy trở thành vẩn đục. Nay muốn lắng gạn cần phải mượn công năng của thanh thủy châu (ngọc lắng nước) mới có thể hữu hiệu. Câu Phật hiệu như viên thanh thủy châu, tâm chúng sinh loạn ví như nước đục. Đại sư Vân Lâu dạy rằng:
“Nước đục mà được thanh thủy châu
Tất phải lắng trong ngay trở lại.
Loạn tâm mà được câu Phật hiệu
Thanh tịnh tức thì không dối hư”.

   Niệm Phật chính là pháp dạy người thành Phật, há lại bảo dối người sao?
Chúng sinh 24 giờ mỗi ngày, ý thức lúc nào cũng phan duyên, chạy theo trần cảnh, vọng tưởng, tham cầu tạo biết bao ác nghiệp. Theo nghiệp chuyển phải chịu quả báo luân hồi trong sáu đường không bao giờ dừng nghỉ. Ý thức có hai phần: một phần gọi là Độc đầu ý thức (Độc đầu ý thức là ba phần Định trung ý thức, Độc tán ý thức và Mộng trung ý thức của thức thứ sáu, không cùng khởi với năm thức trước. Chính vì độc khởi nhưng lại rộng duyên với 18 giới, nên gọi Độc đầu), duyên với Ý chỉ có cảnh tướng. Cảnh tướng này tức sắc, thanh, hương, vị, xúc được Tiền ngũ thức (mắt, tai, mũi, lưỡi, thân) tiếp nhận rồi thức thứ bảy Mạt-na đưa vào để duyên với Ý. Và một phần là Đồng thời ý thức, tức năm thức trước cùng khởi duyên với cảnh trần bên ngoài. Tức khi mắt thấy sắc thì nhãn thức khởi lên, ý thức đồng thời cùng khởi với nó, đồng duyên với sắc trần, hấp thụ cảnh giới sắc trần rồi giao cho Độc đầu ý thức tính toán phân biệt, giống như gương nhiếp ảnh vậy. Nhãn căn như thế, cho đến thân căn đối với xúc trần cũng lại như vậy, lúc thân thức khởi, ý thức cũng đồng thời khởi lên với nó, đồng duyên với sắc trần.

   Ý thức luôn luôn phân biệt cảnh giới sáu trần, nguồn gốc sinh tử chính là ở chỗ đó. Đức Phật dạy tu trì pháp môn niệm Phật, niệm niệm chuyên chú vào Thánh hiệu A-di-đà Phật thì sẽ không còn nghĩ đến cảnh giới sáu trần, không nghĩ đến cảnh giới sáu trần thì không sinh tâm phân biệt. Đây chính là diệu pháp duy nhất để nhổ tận gốc rễ của mọi sự khổ não. Như lúc mắt thấy sắc, chỉ niệm A-di-đà Phật chớ không phân biệt cảnh giới tốt xấu của sắc trần. Tai, mũi, lưỡi, thân đối cảnh cũng như thế. Tức như lời đức Đại Thế Chí Bồ-tát nói:
“Nhiếp hết sáu căn,
Tịnh niệm tương tục,
Vào Tam-ma-đề (Tam-muội),
Đây là đệ nhất”.
   Há đây không phải là pháp tu hành sao?
   Hoặc cho rằng, niệm danh hiệu Phật chỉ uổng công, chẳng có lợi ích gì. Không biết rằng danh hiệu Phật đầy đủ vạn đức. Trì danh hiệu Phật nhiếp được tâm tán loạn, các pháp tu trì không pháp nào qua pháp này. Đại sư Liên Trì nói:
“Niệm lên danh hiệu Phật
Muôn đức đủ đầy trong.
Chuyên trì danh hiệu ấy,
Muôn hạnh đủ không sai”.
   Há là vô ích sao?
   Ngày xưa, Châu Lợi Bàn Đặc Già phát tâm xuất gia, học một câu kệ hơn trăm ngày mà không thuộc, được câu trước quên câu sau, được câu sau lại quên câu trước. Kệ rằng:
“Giữ miệng, nhiếp tâm, thân chớ phạm,
Mọi duyên trái nghịch chớ ưu phiền.
Những khổ vô ích nên ly xả,
Cõi đời hành giả ắt vượt qua”.

   Bài kệ này đức Phật sắc lệnh đệ tử mỗi ngày ba thời sáng trưa chiều nên tụng trì. Đừng quên ta đã là người xuất gia, nhất định phải y kệ tu hành. Bàn Đặc học mãi không thuộc nên bị người anh là Châu Lợi bắt phải hoàn tục. Bàn Đặc tuy ngu tối nhưng đạo tâm rất kiên cố, không chịu về nhà. Phật thương xót căn cơ ám độn của Ngài nên dạy cho pháp tu quán sổ tức (đếm hơi thở), tức là đếm hơi thở ra vào từ một đến mười, đến mười thì dừng lại và bắt đầu đếm trở lại một. Hơi thở ra đếm một, hít vào đếm hai, cứ như thế cho đến mười. Bàn Đặc vâng lời Phật tìm một gốc cây yên tĩnh, tư thế kiết già tinh tấn chí tâm vào hơi thở, thoáng chốc dứt hết các lậu, chứng ngay Tứ quả Vô sinh. Đếm hơi thở đương nhiên là không bằng niệm danh hiệu Phật, quán sổ tức mà còn chứng quả hà huống niệm Phật. Làm cho ba nghiệp thanh tịnh, thoát được Lục đạo luân hồi, há bảo niệm Phật không phải là pháp tu hành sao?