Cho dù nghiệp nặng chướng sâu đến mấy, thiết tha niệm Phật cũng có thể đánh tan. Còn nếu niệm Phật mà tâm vẫn quay cuồng trong nghiệp thức cũ, vọng tưởng tạp loạn tới tấp, đây đều do phát tâm không tha thiết, niệm lực không sung mãn, nên không địch lại nghiệp chướng. Kinh rằng: “Chúng sinh nghiệp chướng nhiều, cần phải niệm thân Phật, báo thân Phật, pháp thân Phật” (niệm Phật quán). Nếu hay nhất tâm xưng niệm thì sẽ được sự hộ niệm của chư Phật, được ánh sáng của Phật A-di-đà phóng chiếu, tự được minh huân gia bị (minh huân: còn gọi nội huân, là chân như trong bổn giác, minh minh huân tập vọng tâm, khiến cho phát sinh tâm Bồ-đề), nghiệp chướng dần được tiêu trừ, thiện căn ngày một tăng trưởng.
Triều nhà Tấn, phụng chỉ (vâng lệnh vua) đào thải Tăng chúng, vua kính mộ đức của Viễn Công ở Lô Sơn nên sắc lệnh trừ Lô Sơn ra, Tăng sĩ các nơi bắt hoàn tục hết. Thời có hai vị Tăng, một bị chột mắt, một thọt chân, đây đều là quả báo nghiệp chướng sâu nặng, sợ bị thải nên hai vị trốn vào Lô Sơn, khẩn thiết xin Viễn Công thâu nạp, y giáo tu hành cho trọn đến già. Viễn Công dạy phát nguyện rộng, tu trì pháp môn niệm Phật để tiêu trừ nghiệp chướng. Tăng chột mắt phát nguyện đời sau sinh làm đại thiện tri thức, để hoằng dương tông Tịnh độ. Tăng thọt chân phát nguyện đời sau sẽ làm vua để hưng long Phật pháp. Hai vị Tăng này chỉ nhờ vào công đức niệm Phật mà được tiêu trừ nghiệp chướng, đời sau mỗi người đều được như sở nguyện. Thân sau của Tăng chột mắt là Đại sư Vĩnh Minh Diên Thọ, một đại cao Tăng, lấy Vạn thiện (Vạn thiện là gọi tắt của các tập sách Vạn Thiện Tiên Tứ tập, Vạn Thiện Đồng Quy tập, Vạn Thiện Đồng Quy giáo của Đại sư Diên Thọ trước thuật) trang nghiêm Tịnh độ. Thân sau của Tăng thọt chân là vua nước Cao Ly, một đời tin sâu Tam Bảo, hết mình hộ trì Phật pháp, sau đến Trung Quốc hộ trì pháp của Đại sư Vĩnh Minh, pháp môn Tịnh độ thịnh hành một thời vậy.
Xưa, lại có chàng đồ tể, sống bằng nghề mổ heo. Người vợ tu trì pháp môn niệm Phật, thường khuyên chồng sát sinh nghiệp nặng, nhất định phải chịu ác báo, nên niệm danh hiệu Phật A-di-đà để tiêu trừ nghiệp chướng. Người chồng lúc đầu không tin, sau nhiều lần khuyên bảo, chàng ta có chút tín kính, nhưng vì căn cơ thiển bạc nên thường hay quên, không nhớ niệm Phật. Người vợ thông minh, khéo léo nghĩ ra một cách. Trên các cửa, bà đều treo một cái chuông nhỏ, khi gió khua vào kêu leng keng. Bà khuyên chồng mỗi khi nghe chuông kêu một tiếng thì niệm một câu Phật hiệu. Ngày ngày như thế, nghe tiếng chuông người chồng bèn nhớ niệm Phật. Mấy năm sau, người chồng bệnh chết, thần hồn bị bắt xuống vua Diêm La, theo nghiệp định tội, phạt làm súc sinh để đền trả nợ cũ, Diêm La sai quỷ tốt cho nhập vào thai heo. Quỷ tốt cầm nĩa sốc tới, vòng đồng trên nĩa rung lên kêu leng keng, chàng đồ tể vừa nghe liền niệm lên một tiếng “Nam mô A-di-đà Phật”. Lúc ấy, trên đầu mũi nĩa bỗng hóa một hoa sen, nên nĩa không chạm được vào thân, nhờ công đức niệm Phật nên được vãng sinh Tịnh độ tức thì. Đây tức niệm Phật tiêu được nghiệp chướng.
Nghiệp chướng là một trong ba chướng. Nương vào hoặc chướng mà tạo nghiệp chướng, vì nghiệp chướng mà phải thọ báo chướng. Chúng ta mỗi người luân hồi trong sáu đường đều đủ ba chướng. Nếu nghiệp nhiều đời được tiêu trừ, lại không tạo nghiệp mới thì sẽ không thọ quả báo. Đức Phật dạy chúng ta niệm Phật tức là pháp tiêu trừ nghiệp cũ không tạo nghiệp mới vậy. Chuyên tâm hệ niệm, không dừng nghỉ trong câu danh hiệu A-di-đà, niệm niệm ánh sáng tâm chiếu vào danh hiệu Phật, thời thời ánh sáng Phật đều chiếu vào người hành trì, ánh sáng tâm và ánh sáng Phật giao nhau, tâm lực với Phật lực khó nghĩ bàn, tức đây được tiêu nghiệp chướng; như ánh sáng mặt trời phá được bóng tối ngàn năm, sức gió có thể quét sạch mây đen ngàn lớp.
Những người phát tâm tu hành, không tin pháp môn Tịnh độ, không chịu niệm Phật thì cho dù có đắc năm món thần thông cũng khó tiêu trừ nghiệp chướng. Xưa, có bốn anh em cùng tu hành, mỗi người đều chứng được Ngũ thông. 1. Thiên nhãn thông: thấy được hết thảy các thế giới; 2. Thiên nhĩ thông: nghe được hết thảy các âm thanh trong thế giới; 3. Tha tâm thông: biết hết mọi ý nghĩ của người khác; 4. Túc mạng thông: biết được các việc trong ba đời; 5. Thần túc thông: có thể bay khắp mọi nơi, đi lại tự tại. Một ngày, người anh lớn biết được ngày mai vào giờ ngọ, vô thường sẽ đến viếng bốn anh em, cả bốn người đều phải chết. Người anh bèn hỏi: “Các em có biết ngày mai sẽ xảy ra chuyện gì chăng?”. Các em đều trả lời: “Đúng ngọ ngày mai, bốn anh em chúng ta bị quỷ vô thường đến thăm hỏi” (vô thường là không thể thường trụ, là tên khác của cái chết). Người anh cả nói: “Phải làm cách nào để tránh?”. Các người em đáp: “Chúng ta có thần thông, quỷ vô thường chẳng làm gì ta được!”. Sau khi quyết định, người anh nói: “Anh sẽ vận thần thông trốn trên hư không”. Người em thứ hai nói: “Em sẽ trốn dưới đáy biển sâu”. Người em thứ ba nói: “Em sẽ dùng thần thông trốn trong vực núi”. Người em út: “Em sẽ vào chợ, ở đó đông người, thần chết sẽ không tìm ra em”. Hôm sau, bốn anh em đều vận thần lực để trốn chết, nào ngờ nghiệp chướng chưa trừ, đúng ngọ thì bốn anh em đều mất hết thần lực. Người bay lên trời thì rơi xuống đất mà chết; người dưới biển sâu thì bị cá ăn thịt; người trốn trong vực núi thì bị hổ đói nuốt sống; người trốn trong chợ thì vì chen chúc bị đạp lên thân mà chết. Như Đại sư Hám Sơn nói: “Cõi này vốn là nơi giả tạm, huyễn thân sao thoát khỏi vô thường. Thành tâm khuyến thỉnh mọi người, không nên tham cầu thần thông, chỉ cần thành tâm niệm Phật, nguyện sinh Tịnh độ thì nghiệp chướng ắt được tiêu trừ, lâm chung được Phật, Bồ-tát cầm đài vàng tiếp dẫn, vĩnh viễn thoát khỏi vô thường và chứng được niềm vui của chân thường, như vậy há không tốt sao!”.
Sức của nghiệp rất lớn, hết thảy chúng sinh đều bị nghiệp chuyển, chỉ có niệm Phật mới tiêu trừ được nghiệp. Con sáo niệm Phật cũng còn được đới nghiệp vãng sinh. Xưa, có một người nuôi một con chim sáo biết nói tiếng người. Một hôm, một vị Tăng đến nhà chơi, niệm Nam mô A-di-đà Phật, con sáo liền nói theo Nam mô A-di-đà Phật, vị Tăng niệm nữa, con sáo cũng niệm. Sau khi vị Tăng ra về, ngày nào con sáo cũng thường niệm Phật, người chủ thấy thế bèn biếu con sáo cho chùa. Vị Tăng thấy con sáo thật lạ, bèn khai thị hai môn công phu Hữu niệm niệm Phật và Vô niệm niệm Phật, sáo tợ như có lãnh hội. Một ngày, vị Tăng thấy con sáo sắp chết bèn trợ niệm cho nó, sau khi chết, vị Tăng cũng chôn cất đàng hoàng. Vài ngày sau, trên mộ bỗng mọc lên một hoa sen, vị Tăng lập tức quật ngôi mộ lên để xem thử hoa sen mọc từ chỗ nào, thì ra, hoa sen mọc ở đầu lưỡi sáo. Sau, có người tụng rằng: “Có một con chim sáo, theo Tăng niệm Di-đà; Tăng thương nên khi chết, chôn cất hẳn hòi a; vài ngày sau trên đất, mọc lên một Liên hoa; bọn người chúng ta, há không biết?”. Nên biết rằng, sáo chỉ là loài cầm thú, nhân học theo lời Tăng, niệm Phật còn được vãng sinh, lưỡi sinh hoa sen, đó đủ để chứng minh. Và chúng ta là con người, là vật tối linh của vạn vật, nếu không phát tâm niệm Phật thì chưa khỏi trên phụ ân Phật, dưới phụ tánh linh của mình. Cho nên, La Trạng Nguyên nói: “Muôn vật trên đời đều mộng huyễn, chi bằng hãy sớm niệm Di-đà”.