Tịnh độ
Khuyên tu pháp môn niệm Phật
Tác giả: Nguyên Anh
28/05/2553 23:50 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Niệm Phật mau được liễu sinh tử
 
   Ta-bà khổ lắm, hãy nhanh niệm Phật để vãng sinh Tây Phương Cực Lạc. Có sinh tất có thân, có thân ắt có khổ. Lão Tử nói rằng: “Ta có mối lo lớn là vì ta có thân; nếu ta không có thân thì không có gì để lo lắng”. Phật dạy rằng: “Thân là gốc của các khổ”. Do đó, thân là sinh tử khổ quả, từ vô lượng kiếp đến nay, xả thân thọ thân, không biết đã trải qua bao nhiêu lần sinh tử; thay hình đổi dáng, luân hồi trong sáu đường, nổi lên chìm xuống không thoát ra được. Nay được thân người, nên tỉnh giác, nhất thiết chớ theo lối cũ mà cô phụ cái thân này. Cổ đức dạy rằng:
“Thân này nếu không đời nay độ,
Lại đợi đời nào mới độ thân?”.

   Muốn độ thân này thì phải mượn thân này mà tu hành. Trong sáu đường, các đường khác rất khó tu.

   1. Thiên đạo: Cõi trời nhiều lạc thú thù thắng, vì đắm vào dục cảnh năm trần sắc, thanh, hương, vị, xúc nên bị mê hoặc, không nghĩ đến tu hành.
   2. A-tu-la đạo: A-tu-la sân tâm hừng hực, chỉ thích đấu tranh, không chịu tu hành.
   3. Địa ngục: Địa ngục thì phải thọ nghiệp chịu khổ báo, thần thức hôn mê, không thể tu hành.
   4. Ngạ quỷ: Ngạ quỷ mỗi lúc đói là bị lửa đốt, gào khóc đòi ăn, không tu hành được.
   5. Súc sinh: Súc sinh ngu si chỉ biết ăn ngủ, không biết tu hành. Bùi Tướng Quốc nói: “Tu hành, đạt đạo duy chỉ con người!”. Chúng ta đã được thân người, nếu không tu hành thì chưa khỏi cô phụ Tứ ân, ngày nào mới ra khỏi sinh tử?

    Sinh tử có hai loại:
   1. Phân đoạn sinh tử: Lấy ngoại thân mà nói là chỉ thân hình có dài ngắn, lớn nhỏ, chia ra từng đoạn mà chịu sinh tử.
   2. Biến dị sinh tử: Nói theo nội tâm tức chỉ tâm niệm có sinh, trụ, dị, diệt biến đổi không ngừng, cũng thuộc sinh tử. Trong ba cõi, chúng sinh Lục đạo đủ đầy hai loại sinh tử này. Tam thừa Thánh nhân không có Phân đoạn sinh tử, nhưng bị Biến dị sinh tử. Người không chịu hai loại sinh tử duy chỉ có Phật. Nên biết, sinh tử do phiền não mà có. Phật thì chuyển phiền não thành Bồ-đề, chứng Vô Thượng Niết-bàn nên không còn bị sinh tử.

   Chúng sinh trong ba cõi, muốn cầu liễu sinh thoát tử mà Thụ xuất (vượt thẳng) Tam giới thì khó, Hoành siêu (vượt ngang) Tam giới thì dễ.

   Sao gọi là Thụ xuất Tam giới thì khó? Người đời nếu tu Cửu thứ đệ định, từ định thứ nhất vào định thứ hai, cứ vậy thứ lớp mà đi lên. Trước tu Sắc giới: Sơ thiền ly sinh hỷ lạc định, Nhị thiền định sinh hỷ lạc định, Tam thiền ly hỷ diệu lạc định, Tứ thiền xả niệm thanh tịnh định. Kế đó, tu Vô sắc giới: Không vô biên xứ định, Thức vô biên xứ định, Vô sở hữu xứ định, Phi tưởng phi phi tưởng xứ định. Tám định ấy là thiền định hữu lậu thế gian. Nếu không đạt được Diệt thọ tưởng định thứ chín thì không thể thoát khỏi ba cõi. Định sau là Vô lậu thiền định. Chín định này thứ tự mà vào, không được nhảy vượt, nên gọi là Cửu thứ đệ định. Trải qua vô lượng kiếp, Cửu định thành tựu mới có thể Thụ xuất Tam giới, đắc quả vị A-la-hán. Nếu chỉ được tám định trước thôi thì vẫn chưa liễu sinh thoát tử. Như tiên nhân Uất Đầu Lam Phất, tu đến Phi tưởng phi phi tưởng định, khi hưởng hết phước báo cõi trời, lại đọa làm thân chồn bay, nên nói Thụ xuất Tam giới là khó vậy.

   Sao gọi là Hoành siêu sinh tử thì dễ? Tức là pháp môn niệm Phật, vãng sinh Cực Lạc. Thế giới Cực Lạc và thế giới Ta-bà cùng ở trong một sát chủng, sát chủng này có 20 tầng. Ta-bà, Cực Lạc cùng ở tầng thứ 13. Kinh A-di-đà nói rằng: “Hướng về phía Tây, qua 10 vạn ức cõi Phật, có thế giới tên là Cực Lạc”. Nghĩa là siêu ngang. Chúng sinh ở cõi Ta-bà, niệm Phật vãng sinh Cực Lạc, tức là Hoành siêu Tam giới, nhanh chóng ra khỏi sinh tử, chứng đủ Tam bất thoái, thọ mạng vô lượng vô biên A-tăng-kỳ kiếp, hóa sinh hoa sen tức là thân rốt sau, không còn phải chịu sinh tử luân hồi; ngoại trừ thừa nguyện tái lai, nhập thế lợi sinh chớ không phải theo nghiệp thọ báo vậy. Và người niệm Phật vẫn là một niệm công thành, một đời xong việc, nên gọi Hoành siêu sinh tử thì dễ vậy.

   Thụ xuất Tam giới như con kiến leo lên núi cao, Hoành siêu Tam giới như gió thổi cánh buồm xuôi theo dòng nước. Lại ví dụ như con sâu sinh ra trong mụt măng, khi măng lớn thành tre. Con sâu ở trong ống tre, muốn ra ngoài, nếu cắn ngược lên từng đốt tre mà ra, thì cắn lủng đốt này lại đến đốt kia, cứ mãi cắn như thế thì chưa đến đọt tre con sâu đã chết. Đây dụ cho chúng sinh cầu ra khỏi sinh tử bằng cách thẳng tu Cửu thứ đệ định vậy. Nếu con sâu muốn ra ngoài bằng cách cắn vào thành tre thì chỉ cần một lỗ con sâu đã có thể ra ngoài. Đây dụ cho chúng sinh chuyên tu pháp môn niệm Phật Hoành siêu sinh tử. Cái khó, cái dễ ấy khác nhau trời vực.

   Pháp môn niệm Phật tuy được Hoành siêu Tam giới, nhanh chóng liễu sinh thoát tử, nhưng lúc sắp mạng chung là quan trọng nhất. Nếu thường ngày Tín–Nguyện thâm sâu, thành tựu Tịnh hạnh, hoặc được Lý nhất tâm bất loạn, hoặc được Sự nhất tâm bất loạn, tự mình biết trước giờ đi, chánh niệm hiện tiền, vô ngại tất cả, thì ắt vãng sinh, như vào thiền định, chỉ trong búng tay, thác sinh hoa sen, nghiệp tại Ta-bà, thần thăng Cực Lạc, chứng đủ Tam bất thoái.

   Nếu ba món tư lương Tín–Nguyện–Hạnh đầy đủ mà chưa được Sự nhất tâm bất loạn, Lý nhất tâm bất loạn thì lúc mạng chung cần phải có người trợ niệm. Đáng lo ngại nhất là lúc mạng chung bị các duyên trói buộc, tâm người sắp chết ưu não, không có chánh niệm thì sẽ trở ngại cho việc vãng sinh. Là thân hữu, bà con, đồ quyến nên hiểu rõ lý này, sự trợ niệm cho người mạng chung rất là cần thiết.

   Như những người niệm Phật tại gia, một đời niệm Phật quyết cầu vãng sinh Cực Lạc, tốt nhất là nên đem việc nhà, cho đến việc tang lễ sau khi chết, sắp xếp giao phó rõ ràng, hoặc lập di chúc để tránh lo lắng lúc sắp mạng chung. Đồng thời, nên dặn dò gia quyến, lúc lâm chung nên cùng nhau trợ niệm, không được nói chuyện thế sự. Kỵ nhất là khóc lóc làm não loạn người chết. Lúc mạng chung nếu không nhất niệm hiện tiền thì không được vãng sinh, quan hệ trọng đại xin chớ xem thường. Rất mong những người thân quyến, nên lấy trợ niệm làm hiếu, đừng đem tình ái gia duyên mà làm lỡ đại sự vãng sinh. Là người niệm Phật cầu sinh Tịnh độ, chúng ta phải biết một đời cần khổ, rốt cuộc kết quả tốt đẹp hay không là ở chỗ giây phút sau chót này. Lúc mạng sắp chung, chính là lúc quyết định phàm Thánh. Lúc này, cần phải buông hết muôn duyên, nhất tâm chuyên niệm Thánh hiệu A-di-đà Phật, cầu thấy Phật, Bồ-tát cùng đến tiếp dẫn, cầu sinh Thượng phẩm Liên hoa, một niệm hiện tiền thì việc vãng sinh là điều tất yếu. Chỉ trong thoáng chốc lìa khỏi Ta-bà ngũ trược, nên gọi là niệm Phật mau được liễu sinh thoát tử vậy.