Phiền não tuy nhiều nhưng chung quy không ngoài hai loại: Phiền não ngã chấp và phiền não pháp chấp. Chúng sinh trong ba cõi sáu đường đầy đủ hai phiền não chấp này.
* Sao gọi là phiền não ngã chấp? Tất cả chúng sinh đều chấp thân này là thật ngã. Không biết rằng các pháp xưa nay vốn vô ngã, cái thân này là do ngũ ấm tích tụ mà thành, đâu có thể có thật ngã được.
Trước xét vô ngã của thân. Thân thuộc sắc ấm là, địa, thủy, hỏa, phong tứ đại hòa hợp mà thành. Xương, thịt, gân, cốt thuộc Địa đại; đàm dãi máu mủ thuộc Thủy đại; hơi ấm toàn thân thuộc Hỏa đại; hơi thở vào ra, tất cả động tác thuộc Phong đại. Thân này ngoài tứ đại ra, cái gì là ta?
Thứ đến xét vô ngã của tâm. Tâm thuộc bốn ấm thọ, tưởng, hành, thức. Bốn ấm không ngoài tám thức. Tiền ngũ thức lãnh thọ cảnh giới của năm trần, là thọ ấm; thức thứ sáu tưởng tượng nội cảnh pháp trần, là tưởng ấm; thức thứ bảy dời đổi không ngừng, là hành ấm; thức thứ tám chấp giữ thọ mạng, là thức ấm. Tám thức giới hạn rõ ràng, nội tâm bỏ tám thức này, cái gì là ta?
Sự giải thích bốn ấm trên đây chỉ là nói về tám thức, và không giống với Chư gia. Chư gia lấy ba ấm thọ, tưởng, hành để chỉ ba tâm sở thọ, tưởng, tư trong năm tâm sở biến hành; thức ấm chỉ chung cho tám thức. Ý tâm pháp của ta, cộng có 8 tâm vương và 51 tâm sở, sao chỉ riêng lấy ba tâm sở phối thành ba ấm? Nên không theo giải thích ban đầu. Nay lại lấy thọ ấm chỉ Tiền ngũ thức, bởi vì sức thọ ấm rất mạnh; tưởng ấm chỉ thức thứ sáu, vì sức của tưởng ấm mạnh hơn hết; hành ấm chỉ thức thứ bảy, vì thức này luôn đo lường, thẩm xét vậy; thức ấm riêng chỉ thức thứ tám, bởi thức này chấp giữ thọ mạng. Bốn ấm chỉ tám thức, có thể bao hàm cả tâm vương, tâm sở, tất cả tâm pháp đều ở hết bên trong, ba tâm sở thọ, tưởng, tư cũng không ngoại lệ.
Nay trong thân tâm hiện tại này, suy xét tỉ mỉ thì không có thật ngã. Lại tìm hiểu quá khứ trước khi cha mẹ sinh ra, nếu là hữu ngã thì ngã ở chỗ nào? Xét kỹ tương lai, sau khi mạng chung, nếu là hữu ngã thì làm thân tướng gì? Cả quá khứ, hiện tại, vị lai đều không có thật ngã. Chúng sinh không rõ lý vô ngã, mê chấp thân tâm cho là thật ngã, đó là phiền não ngã chấp, hay làm chướng ngại chân lý ngã không, đây thuộc đại bệnh thứ nhất của nội tâm.
* Sao gọi là phiền não pháp chấp? Là hết thảy chúng sinh đều chấp tất cả các pháp thế gian là thật có, không biết rằng các pháp xưa nay không thật, như hoa đốm trong hư không, như cảnh trong mộng. Nên biết, trong hư không vốn không có hoa đốm, do bị quáng nắng mà thấy thật có; cảnh trong mộng cũng thế, do ngủ say mà vọng thấy, đâu phải là cảnh thật. Tất cả các pháp thế gian cũng lại như thế. Kinh Kim Cang nói rằng: “Phàm cái gì có hình tướng đều là hư dối”. Chúng sinh mê chấp các tướng, cho là thật pháp, đó là phiền não pháp chấp, làm chướng ngại chân lý pháp không, đây là đại bệnh thứ hai của nội tâm.
Hai loại phiền não ngã chấp, pháp chấp của chúng sinh đều do ý tưởng hư dối phân biệt mà ra. Nếu không có pháp phương tiện đối trị thì không đoạn được hai chấp này. Cho nên, đức Thích-ca Mâu-ni đã quán xét căn cơ mà nói pháp môn niệm Phật, dạy người xưng niệm danh hiệu A-di-đà, lấy một niệm để trừ muôn niệm, khi vọng niệm đã trừ thì phiền não theo đó đoạn diệt. Một câu A-di-đà Phật như thanh bảo kiếm Kim Cang vương; vọng niệm phiền não dụ như giặc cướp. Lúc giặc đến, huơ thanh bảo kiếm, giặc phải tự lui. Pháp niệm Phật cũng lại như thế. Lúc phiền não tham tâm khởi, nhất tâm niệm Phật thì tâm tham liền tự diệt, lúc tâm sân, tâm si khởi cũng đều như thế. Chuyên tâm vào sáu chữ Nam mô A-di-đà Phật, nhất tâm bất loạn thì tất cả phiền não đều được đoạn trừ tận gốc.
Người đời phần nhiều không tin pháp môn niệm Phật, nói một câu niệm Phật thì tác dụng chỗ nào? Không biết một câu A-di-đà Phật có thần lực không thể nghĩ bàn, trị được hết thảy tâm bệnh phiền não. Như thuốc A-già-đà có thể chữa tất cả bệnh. Thuốc thế gian mà còn có công dụng thù thắng, một loại thuốc trừ được muôn bệnh, huống hồ là danh hiệu Phật vạn đức, bốn bước một câu A-di-đà, bốn bước một câu thường hằng như thế, dần dần cảm thấy tâm địa thanh thoát, phiền não tự tiêu diệt. Lại có lúc nhiều việc, tâm ưu phiền, đêm dài không an giấc cũng chuyên tâm niệm danh hiệu Phật, lát sau thì thân tâm được an định, sẽ đi vào giấc ngủ dễ dàng, lại không có mộng mị. Lúc biên chép cũng niệm Phật không ngừng, mỗi nét bút là một danh hiệu Phật, chánh niệm không tán loạn thì viết lâu cũng không thấy nhọc nhằn. Nếu người người đều tin pháp môn niệm Phật này, tinh tấn không ngừng nghỉ, niệm đến tâm cảnh đều vắng lặng thì phiền não không có chỗ sinh.
Hoặc bảo rằng: Niệm Phật cầu sinh Tây Phương, tham cầu cái vui của thế giới Cực Lạc thì đây cũng là tâm tham. Tham là căn bản trong phiền não, là phiền não thứ nhất. Tâm tham không trừ, sao được gọi là niệm Phật đoạn trừ được phiền não?
Đáp rằng: Tuy cùng gọi là tham nhưng cái thật của tham thì khác nhau trời vực. Người đời tham trước cái vui của trần lao, vui này là nhân của khổ thì tham này là gốc sinh tử. Nay niệm Phật, tham cầu cái lạc của thế giới Cực Lạc, cái lạc này là cái lạc ly khổ nên tham này là pháp giải thoát. Đức Phật dạy người niệm Phật chính là soi thấu căn cơ, quán thấy chúng sinh tham luyến năm cảnh trần sắc, thanh, hương, vị, xúc của thế gian không một phút lìa bỏ, lấy khổ làm vui, nên dạy người niệm Phật tương tục, cầu ra khỏi Ta-bà sinh Tịnh độ cảnh, và được hưởng thụ niềm vui Cực Lạc, đây chính là chân tham.
Phật dạy niệm Phật cầu sinh Tịnh độ, ly khổ đắc lạc là hợp với tâm chán khổ tham lạc của chúng sinh, chính là phương pháp lấy tham dừng tham. Lấy cái tham cầu sinh Cực Lạc để trừ những cái tham cầu ngũ trược thế gian. Nếu không có cái tham này thì những cái tham tầm thường không cách gì trừ được. Thí như âm thanh chỉ tĩnh, nếu không có âm thanh này thì không dừng được những âm thanh tạp loạn kia. Ví dụ: Có mấy người đang huyên náo ầm ĩ, bỗng một người đứng lên nói lớn: “Mọi người im lặng!”. Âm thanh ấy vừa phát ra thì không còn ai nói chuyện nữa. Nay cái tham tham cầu Cực Lạc cũng lại như vậy, không những không có hại mà còn được lợi ích rất lớn.
Tôi thường ngày thấy lầu các, vườn cây thanh tịnh, sinh tâm ái mộ bèn nghĩ đến hàng cây báu, lưới lưu ly, lầu vàng ở thế giới Cực Lạc thù thắng vi diệu hơn bội lần! Không cần phải tham những gì thuộc về thế gian này, nhanh chóng nhất tâm niệm Phật cầu sinh nước ấy. Hoặc nghe những âm thanh êm dịu, liền nhớ đến Tây Phương, hàng cây lưới báu phát ra những âm thanh vi diệu, thí như trăm ngàn âm nhạc cùng khởi lên một lúc. Hoặc ngửi các hương thơm, bèn nhớ đến Tây Phương, nước tám công đức trong ao sen lúc nào cũng thoang thoảng hương thơm vi diệu. Hoặc thấy ăn ngon mặc đẹp, liền nhớ đến Tây Phương, nghĩ đến áo có áo, nghĩ đến ăn có ăn; nên đối năm trần sắc, thanh, hương, vị, xúc, vì hâm mộ mong ước thắng cảnh của Tây Phương mà tâm tham đắm dần tiêu.
Nay thử nghiền ngẫm thế giới Ta-bà, đủ thứ khổ não, thật là đáng chán lìa, không có chút nào đáng tham đắm cả. Nói về tu hành thì Ta-bà khó tu, Cực Lạc dễ tiến. Đem hai cõi một khổ một vui so sánh, lược đưa ra mười loại là:
1. Cõi này khổ vì không thường có Phật, Cực Lạc thì hoa khai kiến Phật.
2. Cõi này khó được nghe Phật pháp, Cực Lạc thì tiếng chim kêu tiếng nước chảy đều là tuyên thuyết diệu pháp.
3. Cõi này khổ vì bạn ác vây quanh, Cực Lạc thì toàn chư Thượng thiện nhân.
4. Cõi này khổ vì thường hay bị ma quấy nhiễu, Cực Lạc thì có chư Phật hộ niệm.
5. Cõi này bị luân hồi không dừng nghỉ, Cực Lạc thì dứt hẳn sinh tử.
6. Cõi này khó tránh khỏi ba đường khổ, Cực Lạc thì vĩnh ly ác đạo, thậm chí còn không nghe đến tiếng ác.
7. Cõi này bị duyên đời chướng đạo, Cực Lạc thì tự nhiên thọ dụng, không cần kinh doanh làm lụng.
8. Cõi này thọ mạng ngắn ngủi, Cực Lạc thì thọ mạng vô lượng.
9. Cõi này tu hành thoái thất, Cực Lạc thì bất thoái chuyển.
10. Cõi này khó thành tựu Phật đạo, Cực Lạc thì được nhất sinh bổ xứ, nhanh thành tựu Vô Thượng Bồ-đề.
Quán mười điều so sánh trên đây thì cái tham cầu niệm Phật vãng sinh là đại tham, tức cái tham này dứt được tham sân si, dập tắt được tất cả tâm bệnh phiền não. Mong hết thảy mọi người đều tham cầu vãng sinh Cực Lạc, thì sẽ không còn tham đắm dục cảnh năm trần của thế giới Ta-bà. Tuy cùng là tham nhưng thật không thể khái luận chung được. Tôi có một bài kệ khuyên tu Tịnh độ rằng:
“Thời gian trăm tuổi có bao nhiêu,
Khuyên anh hãy sớm niệm Phật nhiều.
Đừng tham nhục dục Ta-bà cõi,
Về Tây Phương cảnh sướng hơn nhiều”.