Tịnh độ
Khuyên tu pháp môn niệm Phật
Tác giả: Nguyên Anh
28/05/2553 23:50 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Niệm Phật là phương pháp thù thắng nhất
 
    Đức Phật nói ra vô lượng pháp môn đều là tùy căn cơ mà phương tiện giả lập, để cho tất cả chúng sinh đều được lợi ích. Và trong muôn ngàn phương tiện ấy, thù thắng hơn hết vẫn là pháp môn niệm Phật. Nay lược đưa ra những điểm thù thắng như sau:

    1. Niệm Phật phương tiện vượt thắng hơn hết, tức là pháp môn niệm Phật phổ thông cho mọi căn cơ, ngu trí, Tăng tục, nam nữ, giàu nghèo gì cũng đều tu trì được, bất luận ở đâu, triều đình công phủ, chợ búa gia duyên, bận rảnh động tĩnh gì cũng đều có thể Nam mô A-di-đà Phật. Chỉ cần một lòng niệm Phật thì đui, điếc, câm, ngọng đều được vãng sinh, tức tốc vượt qua sinh tử vĩnh viễn, vậy còn gì thù thắng bằng?

   Hoặc bảo pháp môn niệm Phật là pháp môn chỉ dành cho những kẻ gọi là ngu phu ngu phụ tu trì, thành phần tri thức cần gì tu pháp môn này. Thử hỏi: Người tri thức thời nay, ai vượt qua được hai Đại sĩ Văn-thù, Phổ Hiền? Hai vị ấy đều phát nguyện vãng sinh Tịnh độ. Ngài Phổ Hiền nói kệ rằng:
“Nguyện tôi lúc mạng chung
Trừ hết bao chướng ngại
Mắt thấy Phật Di-đà
Liền vãng sinh Cực Lạc”.

   Ngài Văn-thù cũng nói kệ như thế. Lại có ai vượt hơn hai vị Đại sư Vĩnh Minh, Liên Trì chăng? Tài hoa trí tuệ của hai vị ấy cổ kim đều cung ngưỡng. Vậy mà các Ngài đều tu pháp môn niệm Phật, hết sức xiển dương Tịnh độ tông, trước tác những bộ sách rất phong phú để lại cho đời. Chúng ta là người thế nào mà nói chẳng cần niệm Phật? Như ngạn ngữ nói: “Thông minh quá hóa ngu”, là hạng người này vậy.

    Hoặc bảo niệm Phật là việc của người xuất gia, người tại gia không cần phải niệm Phật. Lời này không những chỉ cô phụ tấm lòng xót thương của Phật, mà đồng thời còn để lại sai lầm cho kẻ hậu học. Chư Phật nói pháp là muốn cho hết thảy chúng sinh được lợi ích, Ngài nói ra pháp môn niệm Phật này thượng trung hạ căn đều khả đắc, chín cõi đều được siêu thoát thì chính là pháp rộng độ hết thảy chúng sinh, chứ nào chỉ độ riêng cho người xuất gia còn người tại gia thì bỏ mặc, đã là phổ độ thì đâu có phân ra Tăng, tục! Cho nên, không luận là già trẻ, gái trai đều phải phát tâm niệm Phật mới được đắc độ. Hãy thử xem Tịnh Độ Vãng Sinh Tập, biết bao nhiêu người tại gia nhất tâm niệm Phật, lúc lâm chung hiện tướng lành, vãng sinh Tây Phương Cực Lạc!

   Hoặc bảo niệm Phật phải đến chùa mới niệm được, phải đối diện trước Phật đài, chắp tay cung kính, còn những nơi khác thì không thể. Những người này cũng không hiểu Lý niệm Phật. Nên biết, niệm Phật thì đi, đứng, nằm, ngồi 12 thời mỗi ngày, chỉ trừ lúc đại tiểu tiện, còn ngoài ra bất cứ nơi đâu, lúc nào đều có thể niệm Phật. Điều chính yếu là niệm niệm tương tục mới có thể lấy công phu niệm Phật, niệm đến độ thuần thục thành “phiến”. Tốt nhất là trong giấc mộng cũng nhớ niệm Phật. Nếu được như thế thì lúc sắp mạng chung mới nắm phần chắc, không bị điên đảo. Xưa có thơ rằng:
“Đi thì nhất chí niệm Di-đà,
Một bước thì là một câu qua,
Dưới chân thời thời đều Cực Lạc,
Trong lòng phút phút thoát Ta-bà.
Trồng hoa bón liễu không rời bỏ,
Trèo non lội suối cũng niệm ra,
Cực Lạc các anh đều lên cả,
Mười phương đi lại mặc vào ra.
Đứng thì niệm Phật khéo quán thân,
Trong tứ đại này chỉ nó chân,
Ta với Di-đà nào có khác,
Ảnh thêm trăng sáng đúng tam nhân.
Căn nhà sắp mục nên khó ở,
Tịnh độ tuy xa lại dễ sinh,
Như ve ngày nào vừa thoát xác,
Hoa sen ngàn cánh hóa kim thân.
Ngồi thì quán Phật tréo kiết già,
Thẳng mình đoan chính trên đài hoa,
Tướng lông trắng giữa chân mày hiện,
Thân sắc vàng tươi hợp với tâm.
Việc như mộng huyễn vốn tịch không,
Rốt ráo viên dung chẳng có không,
Ngày nào khéo tỉnh chân thiền tọa,
Cực Lạc Niết-bàn mặc sức qua.
Lúc nằm niệm Phật chớ phóng tâm,
Buộc chặt hồng danh trong lặng câm,
Vừa nằm gió mát đưa qua mặt,
Đến canh ba trăng sáng vằng vặc.
Không như trần lụy tâm khó dứt,
Sinh tại hoa sen mộng dễ thành,
Giấc ngủ chập chờn chư Phật hiện,
Tỉnh ra cảnh ấy khá rành rành”.

   Nếu trong giấc mộng không nhớ niệm Phật là do công phu chưa thuần thục, lúc tỉnh nên đến trước Phật, hổ thẹn sám hối, nhờ đó càng thêm tinh tấn. Sau hai, ba mươi năm niệm Phật thì tự nhiên trong giấc ngủ mê cũng niệm Phật không ngừng nghỉ. Nên biết người sống như tỉnh, người chết như mộng. Lúc sống thường niệm Phật thì khi chết tự hay niệm Phật vãng sinh.
Lại công phu niệm Phật, cần phải khảo nghiệm chính mình, nếu trong cảnh thuận nghịch mà còn phiền não hay vui thích thì cứ như cũ niệm niệm không ngừng, không vì yêu ghét mà động tâm thì đã được nhất tâm bất loạn, cửa sinh tử coi như đóng lại vậy.

   Hoặc bảo niệm Phật là công việc của ông già bà cả, tuổi trẻ bất tất phải niệm. Lời này cũng rất mê lầm. Nên biết mạng người vô thường, chết sớm hay muộn nào có ai hay biết trước, cho nên hãy nên phát tâm niệm Phật, càng sớm càng tốt. Quả được trường thọ thì nhiều năm niệm Phật, công phu sâu ắt được phẩm vị cao. Người xưa dạy rằng:
“Chớ đợi tuổi già mới học đạo,
Mồ hoang lắm kẻ tuổi xuân xanh”.
   Lời dạy thật là thấm thía, hãy nên sớm tỉnh giấc mộng, dõng mãnh tinh tấn, nếu sớm niệm Phật thì cho dù định nghiệp khó thoát, yểu mệnh mà chết, thì Tịnh nghiệp đã tu, Tịnh duyên đã kết, tuy công hạnh chưa được thâm sâu, nhưng tín thâm nguyện thiết cũng được Phật tiếp dẫn vãng sinh Tây Phương Cực Lạc. Lại có thơ khuyến tu rằng:
“Khuyên các anh em sớm tu mau,
Thời gian không đợi tuổi già đâu.
Nó tựa mũi tên lao thẳng vút,
Đã qua rồi ắt khó trở lui.
Đông qua hạ đến thôi già mất,
Mới đó thanh niên... bạc trắng đầu”.
   Có thuyết lại nói rằng niệm Phật là việc của những người nhàn rỗi, những người bận bịu không thể niệm Phật. Há không nghe cư sĩ Bạch Lạc Thiên nói:
“Đi cũng A-di-đà,
Ngồi cũng A-di-đà,
Cho dù gấp đến mấy,
Cũng chẳng bỏ Di-đà”.
  Ngày xưa, vợ chồng Cát Tế Chi nhà rất nghèo, người vợ hằng ngày dệt vải để kiếm ăn qua ngày. Một hôm, có vị Tăng nhân đến nhà, dạy cho pháp môn niệm Phật, Thị theo lời niệm không ngừng nghỉ, mỗi thoi đưa là một câu niệm Phật, niệm lâu thành quen nên cả ngày dệt vải nhưng không thấy vất vả. Người chồng tu theo đạo Tiên, khuyên Thị bỏ niệm Phật để luyện đơn dược, Thị không nghe, vẫn dệt vải niệm Phật. Một ngày, lúc đang dệt vải niệm Phật, bỗng Thị thấy Phật A-di-đà hiện trên không trung, hào quang chiếu diệu, Thị vội đứng dậy lễ bái đồng thời bảo Tế Chi chiêm lễ, Tế Chi cũng thấy được nửa thân Phật nên sinh tâm tín kính: “Niệm Phật thấy Phật, quả có việc ấy, thì lúc mạng chung, mong Phật tiếp dẫn, thật không hoang đường”. Và đốt hết kinh sách, quay về tu pháp môn niệm Phật. Sau hai vợ chồng lâm chung đều có tướng lành, đồng sinh về nước Cực Lạc. Điều này đã minh chứng niệm Phật không chướng ngại công việc, cần gì nhất định phải là người nhàn rỗi mới có thể niệm Phật.

   2. Phương tiện thù thắng thứ hai của niệm Phật là được đới nghiệp vãng sinh. Chúng sinh tạo nghiệp tất phải theo nghiệp thọ báo là điều đương nhiên. Kinh Địa Tạng nói rằng: “Sức nghiệp rất lớn, nó có thể ngang bằng với núi Tu-di, sâu như biển, hay làm chướng ngại Thánh đạo, cho nên chúng sinh chớ khinh việc ác nhỏ mà cho là không tội. Sau khi chết phải chịu quả báo, hào tơ cũng không tránh khỏi. Chí thân như cha mẹ cũng không thay thế cho được”. Nếu còn mang nghiệp thì không thể liễu sinh thoát tử.

   Như Pháp sư An Thế Cao, nhiều đời xuất gia tu hành, có một kiếp làm Thái tử nước An Tức, lìa bỏ Ngũ dục, xuất gia tu hành, hiện kiếp đắc Túc mạng thông, biết được đời trước thiếu nợ mạng người, người chủ nợ ở Trung Quốc. Thế là, tiền thân An Thế Cao bèn đáp thuyền tới Lạc Dương. Đang lúc ngang qua cánh đồng trống, bỗng xuất hiện một thanh niên trẻ, lưng đeo bảo kiếm, từ xa thấy Pháp sư đã nộ khí xung thiên, đến gần không nói không rằng vung gươm chém xuống. Sau khi chết, linh hồn Pháp sư lập tức đến nước An Tức đầu thai, lại làm Thái tử, lớn lên cũng phát tâm xuất gia tu hành, chứng Túc mạng thông, biết đời trước đến Lạc Dương hoàn mạng, nay còn nợ một mạng cần phải trả cho xong, chủ nợ cũng ở Lạc Dương. Một lần nữa, An Thế Cao (thân trước) lại đáp thuyền đến Trung Quốc, vào tá túc trong gia đình người đã giết Pháp sư đời trước. Vì sao trước kia giết Pháp sư, mà nay lại cho tá túc? Vì mạng đã trả xong rồi vậy. Lúc dùng cơm tối, tiền thân An Thế Cao hỏi: “Ông nhận ra tôi không?”. Chủ nhân đáp: “Không”. “Tôi chính là người mà ông đã giết ngày... tháng... năm... ở ngoài đồng ấy”. Chủ nhân thất sắc. Quái! Việc này làm gì có người thứ ba nào biết, chắc ông Tăng này là quỷ đến đòi mạng rồi, bèn đứng dậy định bỏ chạy. Sư kéo tay bảo ngồi xuống, nói: “Chớ hốt hoảng như thế! Tôi không phải là quỷ đâu”. Sư nói rõ sau khi bị giết, linh hồn lại trở về nước An Tức đầu thai, lần này còn nợ một mạng muốn trả cho xong: “Ngày mai tôi sẽ bị người đánh chết, vì muốn đền trả nợ cũ, xin ông hãy làm chứng giùm, thay tôi nói với quan phủ rằng: Chính tôi muốn trả nợ, quan đừng bắt tội người vô ý giết tôi”. Hôm sau, hai người cùng ra phố, An Thế Cao đi trước, gia chủ theo sau. Phía trước, một nông phu đang gánh một gánh củi nặng, quang gánh trước bỗng nhiên rớt xuống, đòn gánh bật ngược ra sau, trúng ngay đầu tiền thân An Thế Cao vừa đi tới, chết ngay tại chỗ. Anh tiều phu bị bắt ngay lập tức. Gia chủ thấy hoàn toàn phù hợp với những gì đêm qua Sư nhờ vả, bèn thuật hết đầu đuôi cho quan phủ. Quan phủ nghe xong, tin nhân quả thật sự không lầm, bèn xá tội cho người tiều phu mặt đang xanh như tàu lá. Sau khi chết, linh hồn Tăng nhân đến nước An Tức, đời thứ ba lại đầu thai làm Thái tử, cũng xuất gia tu hành, là An Thế Cao thời nay vậy. Nghiệm đó thì biết, nghiệp buộc rất khó trốn chạy, như Pháp sư An Thế Cao, hai đời trước từng là cao Tăng, biết được việc đời trước mà còn không thể chuyển nổi các nghiệp tạo từ vô thỉ ấy, huống hồ gì phàm phu chúng ta. Và pháp môn niệm Phật có thể mang nghiệp vãng sinh, thù thắng biết dường nào.

   Việc đới nghiệp vãng sinh của pháp môn niệm Phật, công năng thật khó nghĩ lường, nên xưa nay, biết bao người hoài nghi. Xưa, có vị quốc vương hỏi Na-tiên Tỷ-kheo rằng: “Người niệm Phật có thể đới nghiệp vãng sinh à? Việc này khó tin lắm”. Na-tiên hỏi: “Này Đại vương, tảng đá bỏ xuống nước có chìm không?”. Vua đáp: “Tất nhiên là chìm”. Na-tiên lại hỏi: “Nếu muốn đá không chìm, điều ấy có thực hiện được không?”. Vua đáp: “Không thể được”. “Nếu đặt tảng đá ấy lên thuyền, được không?”. Vua lãnh ngộ: “Được”. Nên biết, chúng sinh mang nghiệp, tất phải đọa lạc, như đá tất nhiên là phải chìm vậy. Người niệm Phật, nhờ vào nguyện lực của Phật A-di-đà tiếp dẫn vãng sinh, nương vào chiếc thuyền đại nguyện của Phật nên được đới nghiệp, giống như đá được đặt lên thuyền chở đi khắp nơi vẫn không chìm vậy.

   Lại dẫn thêm một chuyện để chứng minh đới nghiệp vãng sinh. Ngày xưa, Trương Thiện Hòa sống bằng nghề giết mổ trâu bò. Một ngày, Hòa lâm bệnh, khi sắp mạng chung, thấy bầy trâu bò đến đòi nợ, con thì lấy sừng móc mắt, con thì dẫm đạp lên thân, con thì húc vào bụng. Trương sợ quá gọi vợ thỉnh chư Tăng cứu độ. Một cao Tăng được thỉnh tới, bảo với Thiện Hòa rằng: “Đừng sợ! Ông đời này nghiệp sát quá nặng, không có pháp nào khác cứu được ông, chỉ có xưng niệm Nam mô A-di-đà Phật mới có thể giải oan cho ông, mới có thể làm cho ông thoát khổ, hãy niệm theo tôi!”. Tăng nhân niệm lớn: “Nam mô A-di-đà Phật”, Trương Thiện Hòa cầm hương niệm theo: “Nam mô A-di-đà Phật”. Niệm được mấy tiếng, Trương Thiện Hòa nói: “Trâu đi hết rồi!”. Tăng khuyên niệm tiếp cầu sinh Tây Phương, Trương Thiện Hòa lại càng khẩn thiết, một lát nói lớn: “Phật đến tiếp dẫn tôi”, bèn cắm hương, chắp tay, niệm Phật mà tịch. Đây tức chứng minh cho việc đới nghiệp vãng sinh. Thiết tha khuyên mọi người, thấy được nhân duyên niệm Phật đới nghiệp vãng sinh, nên suy xét cho kỹ, chớ có hiểu sai! Nếu bảo niệm Phật có thể vãng sinh rồi lúc sống tha hồ tạo nghiệp, ỷ lại vào Phật, đợi lúc sắp mạng chung mới niệm Phật để cầu đới nghiệp vãng sinh, nhất thiết không được có tư tưởng như vậy. Nên biết, niệm Phật lúc lâm chung là việc không dễ dàng, nếu không có thiện căn nhiều đời thì lúc lâm chung tuyệt đối không thể niệm Phật. Trương Thiện Hòa một đời sát sinh, tuy ác nhưng chắc chắn đời trước có thiện căn; nếu không, thì không thể bảo vợ thỉnh Tăng cứu độ, cũng không thể gặp được đại cao Tăng dạy cho pháp môn niệm Phật. Mong chư hữu, trước cần ngăn ngừa điều ác, chớ đợi sau rồi cầu Phật, thường ngày nên niệm nhiều câu Phật hiệu, chớ chờ lúc chết mới cầu siêu. Lời xưa dạy rằng:
“Cho ngựa phi nước đại,
Đến vực mới kéo cương;
Làm sao còn kịp nữa,
Người ngựa ắt như tương.
Lại nữa lái thuyền ra,
Đến giữa dòng sông kia;
Mới bắt đầu vá lủng,
Thân mạng có toàn không”.

   3. Phương tiện thù thắng thứ ba của niệm Phật tức là được chứng thẳng vào ngôi Bất thoái. Đại sư Quang Minh Thiện Đạo, Tổ thứ hai Liên Tông nói: “Tu các pháp môn khác, quanh co rất khó thành; duy chỉ pháp môn này, rất nhanh siêu ba cõi”. Chúng sinh ở cõi Ta-bà này, căn cơ ám độn, chướng nạn sâu dầy, người phát tâm tu hành rất ít, và những người phát tâm mà kiên cố bất thoái lại càng ít hơn. Hoặc vì quá trọng tấm thân năm ấm này, sợ khó khổ, trước tinh tấn về sau biếng nhác, nên công phu không đủ để tiến tới; hoặc vì hoàn cảnh xấu ác, duyên trợ đạo ít, duyên chướng đạo nhiều, vừa mới phát tâm tu hành thì gặp ngay những điều chướng ngại, không đủ sức đả phá bèn thoái sơ tâm; hoặc do tứ đại bất hòa, bệnh hoạn phát sinh liên tục; hoặc vì ngoại ma làm chủ, hiện muôn hình sắc để phá hoại, hoặc bởi nội ma nhiễu loạn, tin theo tà giải. Xưa nói: “Đạo cao một thước, ma cao một trượng”. Những nhân duyên thoái đọa nhiều không thể kể xiết.

   Cho dù một đời tinh tấn tu hành, nhưng khi duyên đời đã mãn mà đạo nghiệp chưa thành, thì khi chuyển sang thân khác vẫn bị mê mờ, không nhớ nghiệp tu hành đời trước nên không thể tiếp tục. Hễ rơi vào cõi bụi trần, tham dục sinh thì vẫn cứ mãi trầm luân trong khổ hải, không thể siêu bạt.

   Hồi còn trẻ, tôi từng nghe kể một câu chuyện khá có lý, nay chép lại để chứng minh cho việc đạo nghiệp chưa thành, qua đời sau ắt sinh thoái thất. Tức chuyện Tô Đông Pha, tương truyền là hậu thân của Thiền sư Ngũ Tổ Giới, tài hoa mẫn tiệp, sinh vào đường làm quan, từng cưới biết bao thê thiếp, chìm trong Ngũ dục không biết tỉnh giác. Thiền sư Phật Ấn muốn độ Tô Đông Pha. Một ngày, Thiền sư đến nhà ông tá túc, Tô Đông Pha sai vợ lẽ hầu cận, nửa đêm Thiền sư bảo cô hầu lấy bảy cái lò, dùng than củi nhúm hết cả bảy, lại lấy một cái nồi đất đổ đầy nước bắc lên nấu, nước cạn, lại sai nấu tiếp. Lần thứ hai, lần thứ ba, mỗi lần để trên một lò, thứ tự nấu hết đủ bảy cái. Cô hầu chẳng hiểu ý gì, Thiền sư thì an nhiên tĩnh tọa. Nồi đất nấu lâu không chịu được lửa vì nước đã khô tự bao giờ, bỗng rắc, rắc chiếc nồi vỡ toang. Thiền sư mỉm cười bảo nữ tỳ rằng: “Đêm đã quá khuya, con về nghỉ được rồi”. Sáng dậy, Tô Đông Pha hỏi vợ: “Đêm qua Thiền sư có nói gì không?”. Cô kể lại hết đầu đuôi. Tô Đông Pha giác ngộ–nếu không đoạn dục ắt phải mất mạng như cái nồi đất trên lò lửa kia, nước khô ắt phải nứt bể. Từ đó, Tô Đông Pha tu tập thiền định.

   Tu hành ở cõi này mà muốn Bất thoái thật vô cùng khó. Bồ-tát tu tập ở địa vị Thập tín, tiến lên thoái xuống gọi là phàm phu. Như sợi lông bay trong không trung, vì gió mà khi tung lên khi hạ xuống, phải trải qua một vạn kiếp tín tâm tu hành đầy đủ mới được thiện căn thuần thục, vào chánh định mới lên Sơ trụ, được quả vị Bất thoái. Đến Thập hạnh được Thập bất thoái, từ đó mặc ý tu hành, niệm niệm lưu nhập trong biển Nhất thiết trí. Và pháp môn niệm Phật người xưa gọi là con đường tắt trong con đường tắt, nếu có niềm tin sâu xa, phát nguyện cầu sinh Tịnh độ, niệm Phật không ngừng thì lúc mạng chung quyết định vãng sinh, chứng đủ Tam bất thoái. Kinh A-di-đà nói: “Những chúng sinh sinh lên cõi ấy, đều là Bất thoái chuyển”. Bất thoái có ba:
1. Vị bất thoái: Dự vào dòng Thánh, không còn đọa lại phàm phu.
2. Hạnh bất thoái: Luôn thường độ sinh, không rơi vào Nhị thừa.
3. Niệm bất thoái: Nhậm vận tăng tiến, chứng nhập Như Lai địa.

   Chẳng phải là lên cõi ấy tu lâu mới được Tam bất thoái, mà là chúng sinh Hạ phẩm mới sinh lên cũng được Tam bất thoái. Cho đến lúc lâm chung, mười niệm không rời, người đới nghiệp vãng sinh cũng đắc chứng Tam bất thoái vậy. Phương tiện thù thắng như vậy, nếu không có đại nguyện của Phật A-di-đà, công trì danh to lớn há đến được cõi ấy sao!