Đời sống
Cư Trần Lạc Ðạo (Tập 3)
Cư sĩ Chính Trực Toronto, Canada - TL 2002
21/05/2553 00:58 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Ái ngữ

Lời nói chẳng mất tiền mua
Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau.
Tâm buồn chẳng nói lời nào,
Tâm vui lời nói ngọt ngào dễ thương.
Khi yêu thương, nói sao cũng được,
Hết thương rồi, nói ngược nói xuôi.

Trong cuộc sống hằng ngày, để hiểu nhau biết nhau, trao đổi tin tức, phổ biến văn hóa, con người thường dùng ngôn ngữ, tức là: chữ viết và tiếng nói. Ðôi khi, không cùng chữ viết, cũng không cùng tiếng nói, nhưng con người cũng có thể hiểu biết nhau qua dáng điệu, cử chỉ, nét mặt, thái độ, hay giọng nói.

Một vấn đề lớn đối với các gia đình người Việt sống ở hải ngoại đó chính là: Vấn Ðề Ngôn Ngữ.

Ðối với thế hệ trước, tiếng Việt là tiếng mẹ đẻ, cho nên rành rẽ rõ ràng, còn tiếng địa phương thì không thông thạo. Ðối với thế hệ sau, tiếng địa phương thì thông thạo, tuy tiếng Việt là tiếng mẹ đẻ, nhưng nói thì vấp váp, gượng gạo, ngọng nghịu. Tại sao vậy? Bởi vì thế hệ sau hấp thụ văn hóa tây phương, tiếp xúc với xã hội bên ngoài nhiều hơn, còn trong gia đình, thế hệ trước muốn tập nói tiếng địa phương với thế hệ sau, cho nên thế hệ trước quên lửng chuyện dạy dỗ tiếng Việt cho thế hệ sau, dù người mẹ đẻ là người Việt. Hai thế hệ nói hai thứ tiếng khác nhau, tiếng Việt và tiếng địa phương, cho nên không thể thông cảm nhau dễ dàng. Chuyện không cảm thông nhau thường đưa tới việc đổ vỡ hạnh phúc gia đình, tức nhiên cuộc sống phiền não khổ đau, không sao tránh khỏi được.

Hai người nói hai thứ tiếng khác nhau, thực khó cảm thông nhau như vậy. Còn hai người cùng nói một thứ tiếng thì sao, có dễ cảm thông nhau chăng, hoặc là ngược lại, có dễ đụng chạm nhau chăng? Tại sao vậy? Bởi vì, tuy cùng nói một thứ tiếng, nhưng tùy theo lời nói, tùy theo giọng nói, hay tùy theo cách nói, hai người có thể cảm thông nhau, hoặc là đụng chạm nhau.

Lời nói có ảnh hưởng rất nhiều đến sinh hoạt đời sống của mọi người trên thế gian này. Dù quen biết trước, hay chưa quen biết, khi gặp mặt nhau, con người thường hay: chào hỏi với nhau. Một lời chào hỏi, khéo léo lịch thiệp, vui vẻ cởi mở, có thể khởi đầu, một mối quan hệ, tốt đẹp lâu dài.

Có người mở miệng nói, dù chỉ một lời, người nào cũng ưa, cũng thương cũng mến, cũng có cảm tình, cũng tin tưởng được, cũng đều nghe theo. Cũng có người mở miệng nói, dù có nói nhiều, cũng không ai tin, cũng không ai nghe, cũng không ai ưa, cũng không ai thích. Có những lời nói đem lại sự mát dịu trong tâm hồn người nghe. Người nghe có cảm giác như vừa uống được một ngụm nước cam lồ tươi mát. Cũng có những lời nói khiến người nghe phải đi xức dầu cù là, hoặc là, phải uống thuốc nhức đầu, có khi ngất xỉu, hay là, nghỉ thở luôn!

* * *

Trong phạm vi bài này, chúng ta chỉ xét vấn đề lời nói, qua giáo pháp của nhà Phật mà thôi. Trong giáo lý của đạo Phật, vấn đề lời nói được đề cập đến trong Tứ Nhiếp Pháp, đó là "Ái Ngữ". Tứ Nhiếp Pháp là pháp môn có công năng nhiếp phục nhân tâm, gồm có bốn điều: bố thí, ái ngữ, lợi hành và đồng sự.

Chúng ta hãy xét qua: Thế nào là ái ngữ?Ái ngữ chính là: lời nói dịu dàng, êm ái ngọt ngào, dễ nghe dễ thương, phát xuất từ lòng từ bi hỷ xả, phát xuất từ tâm thanh tịnh, phát xuất từ tấm lòng thương người như thể thương thân. Ái ngữ không phải là lời nói đầu môi chót lưỡi, không phải là lời nói hoa mỹ, không phải là lời nói tâng bốc khách sáo, cốt sao cho đẹp lòng người nghe, một cách không thực, đôi khi hàm chứa dụng ý bên trong. Ái ngữ có tác dụng đem lại an vui, bình yên thanh thản cho người nghe. Ái ngữ có tác dụng an ủi vỗ về những tâm hồn nhiệt não, âu lo sợ sệt.

Bởi vậy, chúng ta biết lời nói, cũng như tiếng cười, có khi gây được cảm tình tốt đẹp, cũng có khi gây nên ác cảm, oán thù giữa con người với nhau. Chỉ cần lỡ một lời nói, có khi hư hỏng việc lớn. Chỉ cần lỡ một lời nói, có khi bị vạ lây, bị thưa kiện, thậm chí, bị tù tội, chỉ vì người nghe không vừa tai, cho nên đặt điều đi cáo gian! Ðiều này cũng tùy người, tùy lúc, tùy tâm trạng, hay tùy cảm giác của người nghe nữa.

Trong sách có câu:

"Bệnh tòng khẩu nhập. Họa tòng khẩu xuất".

Nghĩa là các bệnh, thường từ cửa miệng, nhập vào cơ thể, gây nên tác hại. Tai họa xảy đến, thường do lời nói, từ cửa miệng ra, gây nên tác hại. Chúng ta biết rằng, ngoài danh và lợi, trên thế gian này, con người thường hay, tranh chấp với nhau, chỉ vì lời nói. Hai người nói chuyện, với nhau một lúc, không nhường nhịn nhau, không nhượng bộ nhau, chắc chắn đưa tới, tranh chấp cãi vã. Người có trí tuệ là người thực hiện được điều sau đây:

Lời nói chẳng động tâm ta.
Dù lời nói ngọt hay là đắng cay.

Người có trí tuệ là người không bị lầm lẫn, không bị mê hoặc, vì những lời nói ngọt ngào, đầu môi chót lưỡi, không bị bực bội vì những lời nói trực ngôn thẳng thắn. Những lời nói đường mật ngọt ngào, chót lưỡi đầu môi, đôi khi dẫn dắt chúng ta đến cạm bẩy không ngờ, đến chỗ tan nát hạnh phúc gia đình, đến chỗ thân tàn ma dại, đến chỗ thân bại danh liệt, đến chỗ tán gia bại sản, đến chỗ tiêu tan sự nghiệp, có khi chết chẳng kịp ngáp, chẳng kịp hiểu tại sao!

Những lời nói trực ngôn ngay thẳng, tuy không khéo léo, nhưng thường giúp đỡ chúng ta tỉnh ngộ, thoát khỏi những cơn mê lầm, không còn vướng vòng tà đạo! Khi tâm bình tĩnh thản nhiên trước mọi hoàn cảnh, chúng ta mới có thể làm chủ được lời nói, kiểm soát được hành động và chế ngự được tư tưởng của mình. Còn khi tâm loạn động, chúng ta càng nói càng tức giận thêm, càng làm càng sai trái thêm, càng suy nghĩ càng rối trí thêm. Bởi vậy cho nên, trong sách có câu:

Muốn nói bớt bảy còn ba.
Bớt hai còn một, mới là an vui.

Chư Tổ có dạy:

"Nội cần khắc niệm chi công.
Ngoại hoằng bất tranh chi đức".

Nghĩa là bên trong, chúng ta luôn luôn, chế ngự khắc phục, thúc liễm tâm niệm, lăng xăng lộn xộn. Mỗi khi những niệm, lăng xăng lộn xộn, khởi lên trong tâm, chúng ta liền biết, bỏ đi không theo. Mọi chuyện sẽ yên, an vui lợi lạc. Lúc đó gọi là: "Bản tâm thanh tịnh". Còn thế nào là: Tâm niệm lăng xăng? Ðó là tâm niệm: phân biệt kỳ thị, tranh chấp hơn thua, tự cao tự đại, tự đắc tự ái, tự phong tự mãn. Nói chung, những niệm do tâm: chấp ngã và chấp pháp, đều là vọng niệm, lăng xăng lộn xộn.

Hiểu biết như vậy, chính là công phu, tu tập thực sự, của người Phật Tử, tại gia xuất gia. Ðối với bên ngoài, chúng ta luôn luôn, giữ hạnh nhẫn nhịn, luôn luôn thực hành, hạnh nguyện lắng nghe, không lời phê phán, không hề tranh cãi, dù là chuyện lớn, chuyện nhỏ cũng vậy. Hiểu biết như vậy, chính là đức độ, tu tập thực sự, của người Phật Tử, tại gia xuất gia. Người nào muốn có, công đức thực sự, phải nên triệt để, thực hành lời dạy, của chư Tổ Sư, chứ không phải là: đi chùa thiệt nhiều, cúng kiến thiệt nhiều, lễ lạy thiệt nhiều, làm phước thiệt nhiều, tưởng rằng như vậy, được nhiều công đức, phước đức hàng đầu. Thực chẳng phải đâu! Trong sách có câu:

Lời nói đổi trắng thay đen.
Thiên đàng địa ngục bon chen lối nào?
Trực ngôn tâm chẳng lao xao.
Giữ tâm thiền định, biết bao an lành.

Người đời gọi mình: là Ngài là Thầy, Cụ Ông Cụ Bà, Cô Bác Cậu Mợ, Chú Thím Dì Dượng, là gì chăng nữa, thậm chí là "Thằng", thực cũng chẳng sao, người có lòng nào, tự họ biết lấy, mình chẳng bận tâm, an nhiên tự tại, dại gì lại giận, người dửng người dưng, không thân không thích, cũng chẳng mích lòng, lòng vòng thêm mệt!

Người đời thường nói: "Cái lưỡi không xương, nhiều đường lắc léo". Nghĩa là cái lưỡi của con người không có xương, cho nên con người muốn nói kiểu nào, muốn nói cách nào, muốn nói thế nào, tùy theo trường hợp, tùy theo hoàn cảnh, tùy theo nhân cách của mỗi người. Những người thường hay, nói ngược nói xuôi, không giữ uy tín, không giữ tư cách, không giữ lời hứa, người ta mỉa mai: đó là hạng người, trở mặt nuốt lời, như người đời trở bánh tráng!

Trong sách có câu: "Một người nói ngang, ba làng không cãi lại". Nghĩa là: khi có một người, nói năng ngang tàng, bất kể lẽ phải, bướng bỉnh cố chấp, đi khắp ba làng, chẳng ai đếm xỉa, chẳng ai thèm cãi, chẳng ai ngu dại, phí công phí sức, phí cả thời gian, hơn thua với họ. Chứ không phải: ba làng cãi không lại!

Ngày xưa có chuyện: Một người vô minh, chưa hiểu Chánh Pháp, cho nên luôn luôn, buông lời chỉ trích, gièm pha mạ lỵ, phỉ báng đủ điều. Cho đến ngày kia, nhờ đủ nhân duyên, bỗng dưng hiểu biết, người đó ăn năn, hối hận vô cùng. Người đó nghĩ rằng: chỉ còn có cách, cắt đứt vứt đi, cái lưỡi của mình, mới mong có thể, chuộc lại lỗi lầm, quá sức to lớn, đã làm trước đây. May mắn lắm thay, khi sắp thực hiện, ý định cắt lưỡi, người đó gặp lại, anh ruột của mình, vốn là một vị, thiền sư đắc đạo.

Người anh khuyên rằng: Ngày này trước kia, vì không hiểu biết, đã dùng cái lưỡi, phỉ báng Chánh Pháp, tạo tội tạo nghiệp. Giờ đây hiểu được, mọi sự mọi việc, hãy dùng cái lưỡi, xiển dương Chánh Pháp, đem lại ích lợi, cho thực nhiều người. Cũng một cái lưỡi, giúp người hại người, tùy theo tâm tánh, của mỗi cá nhân. Con người thực ra, sống với tâm ma, hay là tâm Phật?

Bởi vì lời nói của mình khó nghe, người đời thường gọi là nói đâm hơi, nói móc họng, cho nên không có ai muốn kết bạn với mình, không có ai dám làm thân với mình, không có ai dám tâm sự với mình. Tại sao vậy? Bởi vì, sống ở trên đời, đâu có ai thích, bị người khác chơi, bới móc đời tư, bươi móc dòng họ, tổ tiên của mình, khai ra lý lịch, đưa lên mặt báo, bàng dân thiên hạ, mọi người đều biết. Cũng vậy, nếu mình kênh kiệu điêu ngoa, đốp chát thẳng thừng, chẳng ngừng chửi bới, lên mặt thầy đời, khuyên người lương thiện, hiền lành dễ thương, còn mình thì không, chơi người chẳng ngừng, tưng bừng đăng báo, làm thơ lếu láo, nhắn gửi chửi người, chắc chắn có ngày, người ta chơi lại, chết chẳng kịp ngáp, chẳng kịp niệm thầm: Mô Phật, cứu con!

Lời nói đôi khi có những tác dụng không thể lường trước được. Có những lời nói có thể đem lại an vui, hạnh phúc cho người. Có những lời nói có thể đem lại sự ly tán, tan nát hạnh phúc của người khác, đôi khi đổ vỡ hạnh phúc của chính người nói nữa. Có những lời nói, làm cho người nghe, mỉm cười tươi tắn, vui vẻ khỏe khoắn. Có những lời nói, khiến cho người nghe, nhăn mặt nhíu mày, đau đầu nhức óc, lộn gan lộn ruột, nhói tim mất ngủ! Có những lời nói có thể cứu người, cũng có những lời nói có thể hại người, một cách dễ dàng.

Thí dụ như là: Lời nói của vị, luật sư lương tâm, khó kiếm khó tầm, chức nghiệp cao quí, có thể cứu người, thoát khỏi tội oan, còn như mưu toan, của một nhân chứng, khai gian nói dối, làm cho người khác, phải bị tù tội. Một vị bác sĩ, khéo lựa lời nói, khuyến khích khuyên lơn, an ủi động viên, làm dịu tinh thần, giúp được bệnh nhân, yên tâm dưỡng bệnh, chóng qua hiểm nghèo, sớm được bình phục. Bằng như ngược lại, lời nói vô ý, có thể làm cho, bệnh nhân kích động, bệnh tình trầm trọng, tắt thở tức thì.

Cũng như lời nói, của nhà ngoại giao, hay các sứ thần, hoặc các sứ giả, có thể đem lại, hòa bình hai nước, hoặc gây chiến tranh, binh lửa lan tràn, khắp cả mọi nơi. Nhiều khi lời nói, của một con người, sức mạnh lớn hơn, cả một đoàn quân. Có người thường nói năng ngọt ngào với người dưng bên ngoài, nhưng đối với những người thân thích, bên trong gia đình, không bao giờ lời nói được ngọt ngào như vậy.

Con người thường thường, không ưa thích nhau, làm mích lòng nhau, chỉ vì lời nói, ngay cả bạn thân, hay giữa vợ chồng, cha mẹ con cái. Tuy nhiên đến khi, một người bất hạnh, chẳng may qua đời, người khác kể lể, dài dòng văn tự, khóc lóc thảm thiết, nói lời tha thiết, nhớ nhung da diết, dù có hối hận, cũng quá muộn màng!

Có chuyện lạ đời, trên thế gian này, chuyện đó chính là: con người thường chỉ, có thể nói chuyện, ngọt ngào dễ thương, với người nằm xuống, chỉ còn nằm yên, bất động để nghe, không còn đối đáp, cãi cọ được nữa, hoặc là nói chuyện, hằng ngày hằng giờ, với tấm mộ bia, ở ngoài nghĩa địa. Nhưng khi người đó, còn sống hiện tiền, con người chẳng thể, mở miệng nói ra, nói được lời nào, cho thiệt dễ nghe, cho thiệt dễ thương! Tại sao như vậy? Có lẽ bởi vì, con người thường không, sợ người còn sống, nhưng hay sợ người, đã chết trở về, bóp cổ mình chăng?

Con người có thể, thương yêu súc vật, chó mèo chim chuột, cho đến côn trùng, nhưng thường lắm khi, không thể chịu đựng, không thể nhịn được, những người chung quanh, cha mẹ anh em, vợ chồng con cái, bạn bè gần xa, hàng xóm láng giềng, chỉ vì một điều: lời nói của họ, sao quá khó nghe! Tại sao như vậy? Bởi vì súc vật, không hề biết nghe, không nói tiếng người, cho nên không bị, con người mích lòng! Người đời thường nói: Hai gà ghét nhau, chỉ vì tiếng gáy. Hai chó ghét nhau, chỉ vì tiếng sủa. Hai cô ca sĩ, bao giờ thương nhau?

Có câu chuyện của hai con chim như sau: Một hôm, con chim cú vọ, sửa soạn dọn tổ, dời sang nơi khác. Con chim bồ câu, thấy vậy hỏi thăm: Chẳng hay chị định, dọn tổ đi đâu? Cú vọ đáp rằng: Con người ở đây, ác ôn quá xá, cứ hễ thấy tôi, đậu ở nơi đâu, họ liền ném đá, hoặc lấy cây đập. Tôi không chịu nổi, định dọn tổ đi, qua ở phương tây, hy vọng bên đó, dân chúng hiền lành, không như ở đây. Bồ câu bèn nói: Ở chỗ hàng xóm, thân tình lâu nay, nói thiệt chị nghe, đừng giận tôi nhé. Nếu chị không sửa, tiếng kêu ghê rợn, đinh tai nhức óc, thực là khó nghe, dù chị đến đâu, cũng bị bạc đãi!

Ở những xứ có nhiều sắc dân khác nhau cùng chung sống, người ta có thể không hiểu người khác nói gì, vì bất đồng ngôn ngữ, nhưng người ta có thể đoán được người khác muốn nói gì, qua sắc mặt, cách nói và giọng nói. Cho nên sắc mặt, cách nói và giọng nói của chúng ta cũng đóng một vai trò quan trọng, trong các cuộc giao thiệp, hay tiếp xúc hằng ngày. Giọng nói êm ái, lễ độ tế nhị, ngọt ngào từ tốn, sắc mặt hiền hòa, dễ thương dễ mến, nhiếp phục lòng người, hơn là giọng nói, ồm ồm rào rào, ồn ồn ào ào, chanh chua khế chát, the thé khó nghe, mặt mày đỏ ké, khoa tay múa chân. Lời nói hiền từ, hòa nhã thanh tao, thân thiết thành thật, ngay thẳng rõ ràng, sáng suốt khôn khéo, cởi mở vui vẻ, rất là dễ dàng, cảm hóa lòng người, có thể hướng dẫn, người vào chánh đạo. Trong sách có câu:

Chim khôn hót tiếng thanh nhàn.
Người khôn nói tiếng dịu dàng dễ nghe.

Khi thực hành hạnh bố thí, đồng thời, chúng ta nên thực hành ái ngữ. Nghĩa là: khi cho vật gì, giúp đỡ việc gì, chúng ta nên làm, với cả tấm lòng, từ bi bình đẳng, và dùng lời nói, êm ái dịu dàng, khuyên nhủ an ủi, khuyến khích động viên. Chúng ta hiểu rằng: người cho nên cám ơn người nhận, chứ không mong cầu người nhận nhớ ơn. Tại sao vậy? Bởi vì, nhờ có người nhận, người cho mới có cơ hội làm phước. Hiểu được như vậy, chúng ta đã thực hành hạnh bố thí một cách thanh tịnh, bất cần vụ lợi, bất cầu báo đáp, bất kể ơn nghĩa, trong kinh sách gọi là "Bố Thí Ba La Mật".

Trong sách có câu:

Miếng khi đói gói khi no.
Của tuy tơ tóc nghĩa so ngàn trùng.

On nghĩa ngàn trùng đó, chẳng qua do lời nói ái ngữ, khi đem cho một miếng vậy. Nói một cách khác, ơn nghĩa tạo được từ cách đem cho, và, lời nói khi cho, chứ không phải hoàn toàn do của đem cho. Sách cũng có câu: "Cách cho hơn là của cho", chính là nghĩa đó vậy. Bằng như ngược lại, người nào bố thí, với tâm mong cầu, những sự đền đáp, trông đợi báo ơn, hoặc luôn miệng kể, ơn nghĩa đã làm, với nhiều người khác, người đó chắc chắn, nhận sự phủ phàng, từ kẻ thọ ơn. Và việc làm phước như vậy mất đi ý nghĩa cao đẹp. Phước báo nếu có, cũng rất hạn hẹp, như tâm nhỏ hẹp, của người làm ơn. Người đời mỉa mai, như vậy gọi là: bố thí ba la làng, hay: bố thí la ba làng. Nghĩa là người đó bố thí tiền bạc, hay đem của cải cho người khác, rồi la to lên cho cả ba làng, làng trên hay xóm dưới, xóm giữa, đều biết. Nhiều khi không khéo dùng lời nói, trong khi bố thí, thay vì được nhớ ơn, trái lại, người cho bị thù oán, mà chẳng hề hay biết! Trong nhiều trường hợp, việc đó xảy ra, ngay trong gia đình, giữa những người thân, ngay cả vợ chồng, cha mẹ con cái, hay anh chị em!

Trong các gia đình, nếu không cảm thông, vợ chồng xung khắc, chỉ vì lời nói, không ai nhịn ai, nên kiếm người ngoài, mời về đãi tiệc, tiệc lớn tiệc nhỏ, có dịp chuyện trò, nhỏ to đủ chuyện, trên trời dưới biển, thực phí thời gian, đáng lẽ dành cho, tu tâm dưỡng tánh. Có những lời nói, trong các bửa tiệc, trà dư tửu hậu, tác hại vô cùng, nguy hại khôn lường!

Trong sách có câu: "Nhất ngôn ký xuất, tứ mã nan truy". Nghĩa là một lời nói ra, bốn ngựa khó đuổi theo kịp. Có những lời nói nhẹ tựa lông hồng, có những lời nói nặng tựa núi non. Có những lời nói như vậy, nhưng thực không phải vậy. Sửa đổi được lời nói, sửa đổi được giọng nói, sửa đổi được cách nói, tức là chúng ta đã sửa đổi được tâm tánh, giảm bớt được khẩu nghiệp.

Thực hành được ái ngữ tức là tăng trưởng tâm Phật, tâm từ bi hỷ xả. Thực hành được ái ngữ tức là dẹp được tâm ma, như là: tâm tham lam, tâm sân hận, tâm si mê, tâm ganh ghét, tâm đố kỵ, tâm ganh tị, tâm hiềm khích, tâm tật đố, tâm hơn thua, tâm ngã mạn, tâm khinh người, tâm khen mình, tâm chê người. Thực hành được ái ngữ tức là tu tập theo hạnh nguyện đại từ đại bi của đức Quán Thế Âm Bồ Tát, tầm thinh cứu khổ chúng sanh. Chúng sanh thường đau khổ vì những lời nói của nhau. Cho nên thực hành được ái ngữ tức là đem lại an lạc và hạnh phúc cho mọi người chung quanh, đem nước cam lồ trong bình thanh tịnh của đức Quán Thế Âm Bồ Tát, rưới vào tâm hồn đang nhiệt não, rót vào tai âm thanh êm ái dịu dàng, có công năng chuyển hóa con người đang phiền muộn, tâm hồn đang phiền não khổ đau, thành con người vui tươi, tâm hồn an lạc hạnh phúc.

Tất cả hạnh phúc trên đời đều bắt đầu từ lời nói của chúng ta. Chúng ta khởi đầu tất cả mọi sự mọi việc. Chúng ta sinh sự thì sự sẽ sinh. Chúng ta hòa bình thì bình yên tự tại. Ðừng mong người khác nói lời dễ nghe, trong khi chính mình chưa làm được như vậy.

Tây phương có câu: "Nothing will change if we do not change anything". Các bậc cha mẹ, thường dùng ái ngữ, tử tế dịu dàng, ngọt ngào dễ thương, để dễ cảm thông, cùng với con cái. Nhưng cũng đôi khi, cha mẹ phải dùng, những lời cứng rắn, nghiêm cấm khắt khe, không có bao che, để mà khuyên dạy, cho con nên người. Như vậy đó cũng là một dạng khác của ái ngữ, thực hiện với tâm từ bi của bậc bồ tát. Nói một cách khác, người không có lòng từ bi bác ái, không thể nào có ái ngữ được. Thực hành được ái ngữ tức là dùng lời nói để an ủi, trấn an những tâm hồn âu lo s? sệt. Ðó là hạnh vô úy thí của đức Quán Thế Âm Bồ Tát. Muốn được cứu khổ, trước tiên chúng ta phải thực hiện theo hạnh nguyện của Ngài. Chứ không phải chỉ van xin cầu khẩn mà được toại nguyện đâu!

Chúng ta thích nghe,
lời nói thế nào,
thì hãy nói ra,
lời nói thế ấy,
cho người khác nghe.

* * *

Tóm lại, ái ngữ là pháp môn rất thiết yếu, rất thực tế, rất thông dụng, rất hữu hiệu, cho bất cứ ai, không riêng Phật Tử, trên thế gian này, muốn xây dựng được, cuộc sống ý nghĩa, an lạc hạnh phúc. Ái ngữ giúp con người cải thiện tự thân. Con người do mê mờ nên hành vi bất chánh, ngôn ngữ đảo điên, ý niệm tà vạy, chạy theo dục vọng, sống theo tà đạo, làm chuyện bất lương. Trái lại, nếu con người biết thực hành ái ngữ sẽ hóa giải được phiền não khổ đau, kiến tạo được đời sống chân chánh ích lợi.

Cổ nhơn có dạy: "Ðiều ác thiên hạ nói về ta, đối với tâm hồn ta, cũng như lưỡi cày đối với mặt đất. Lời nói ác cày xới tâm hồn ta, nhưng làm cho tâm hồn ta thêm phì nhiêu". Chúng ta nên nhớ: các bậc thánh hiền, kim cổ đông tây, thường bị lời nói, phê phán thị phi, thậm chí kết án, gièm pha phỉ báng, tuy nhiên các ngài, nhân cách cao quý, bình tĩnh thản nhiên, cho nên giữ được, bản tâm thanh tịnh.

Trong kinh sách có câu:

"Nam Mô Nhất Thiết Chúng Sanh Hoan Hỷ Kiến Bồ Tát".

Nghĩa là người nào muốn cuộc đời an lạc, không phiền não, chẳng khổ đau, như các bậc bồ tát, hãy thực hành ái ngữ trong đời sống hằng ngày, tất nhiên sẽ được mọi người hoan hỷ khi gặp mặt. Trong nhà Phật, mỗi câu niệm hồng danh chư Phật, hoặc chư Bồ Tát, như câu nói trên, đều có ý nghĩa dạy chúng ta một hạnh tu, một pháp môn tu, một công phu tu tập, chứ không phải chỉ để chúng ta đọc tụng rầm rầm, mà chẳng hiểu gì hết, cho nên chẳng thực hành được trong đời sống hằng ngày, để đem lại an lạc và hạnh phúc.

Ngày xưa, một nhà hiền triết có bà vợ, thường ngày nói nhiều. Một hôm, bà vợ bị bệnh, không nói chuyện được, nhà hiền triết than, hôm đó ông mất, cơ hội thực hành, hạnh tu nhẫn nhịn, và hạnh lắng nghe.

Chư Tổ có dạy:

"Tu mà không học, đúng là tu mù".
"Học mà không tu, đúng là tủ sách".

Nghĩa là: Người phát tâm thực hành việc tu tập, sửa đổi tâm tánh của mình, nhưng không chịu học hỏi giáo lý, không chịu tìm hiểu Chánh Pháp, ai nói gì cũng nghe, ai bảo gì cũng tin, người đó dễ bị dụ vào ngoại đạo, dễ bị lạc vào tà đạo, đúng là mù quáng. Còn người nào chỉ biết lo nghiên cứu tìm tòi, học rộng hiểu nhiều, không lo tu tâm dưỡng tánh, không chịu quán sát tự tâm, chỉ lo phê bình chỉ trích người khác, chỉ thấy lỗi người, không thấy lỗi mình, đúng là cái tủ, cái đãy, hay cái bị đựng sách mà thôi, chẳng ích lợi gì cho ai cả. Thí dụ như có người suốt ngày đếm tiền ở nhà băng của chủ, có người suốt ngày chăn trâu ngoài đồng cho chủ, chiều về đến nhà, tiền không có, trâu cũng không!

Chẳng hạn như người, phát tâm tu hành, nhận thấy nói nhiều, chỉ gây phiền não, gặp nhiều khổ đau, không ích lợi gì, bèn thực hành theo, pháp tu tịnh khẩu, nhưng không chịu học, kinh sách giáo lý, nhắm mắt nín thinh, bất cứ ai hỏi, bất cứ điều gì, đều không trả lời, nhứt định ngậm miệng, không hề hé môi, dù nửa lời thôi, cũng không chịu nói. Bên ngoài trông qua, có vẻ khá lắm, bên trong rối rắm, nội tâm xáo trộn, bão táp tơi bời, tức giận cành hông. Tại sao nông nổi? Bởi vì người đó, vẫn nghe biết hết, nhưng không nói được, lại không chịu xả, chất chứa lâu ngày, kho tàng tâm thức, đầy tràn ắp lẫm, những chuyện thị phi, những chuyện chánh tà, những chuyện lớn nhỏ, đủ moi mọi thứ, có ngày ứ hự, không thể nhịn được, không thèm tu nữa! Hành mà không học, đáng sợ như là: nọc độc chết người!

-ooOoo-

Ăn chay hay ăn mặn?
Cư-sĩ Chính-Trực

Ăn chay hay ăn mặn
Nếu giữ tâm thanh tịnh
Đều an lạc hạnh phúc
Đều giác ngộ giải thoát.

Như ăn chay suốt đời
Nhưng tâm không thanh tịnh
Không hiểu biết chánh pháp
Khác chi bò ăn cỏ.

-ooOoo-