Bắc truyền
Kinh Tạp A Hàm
Hán dịch: Tống, Tam Tạng Cầu-Na-Bạt-Ðà-La. Việt dịch: Thích Ðức Thắng. Hiệu đính & Chú thích: Thích Tuệ Sỹ
10/07/2554 14:02 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

TẠP A-HÀM QUYỂN 15

 

KINH 365. THUYẾT PHÁP[1]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với các Tỳ-kheo:

“Gọi là ‘Bát-niết-bàn ngay trong đời hiện tại[2].’ Vậy thế nào là Như Lai nói về Bát-niết-bàn ngay trong đời hiện tại?”

Các Tỳ-kheo bạch Phật:

“Thế Tôn là căn bản của pháp, là con mắt của pháp, là sở y của pháp. Lành thay, Thế Tôn! Cúi xin vì chúng con mà nói về Niết-bàn ngay trong đời hiện tại. Các Tỳ-kheo nghe xong sẽ y theo lời dạy mà thực hành.”

Phật bảo các Tỳ-kheo:

“Hãy lắng nghe và suy nghĩ kỹ, Ta sẽ vì các ông mà nói. Nếu có Tỳ-kheo đối với già, bệnh, chết sanh nhàm tởm, ly dục, diệt tận, không khởi lên các lậu, tâm khéo giải thoát, đó gọi là Tỳ-kheo Bát-niết-bàn ngay trong đời hiện tại.”

Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

*

 

KINH 366. TỲ-BÀ-THI[3]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với các Tỳ-kheo:

“Đức Phật Tỳ-bà-thi[4] khi chưa thành Chánh giác, một mình ở chỗ vắng vẻ chuyên cần tinh tấn thiền định tư duy và nghĩ như vầy: ‘Tất cả thế gian đều nhập vào trong sanh tử, tự sanh, tự chín, tự diệt và tự chìm mất[5], nhưng những chúng sanh này chẳng biết như thật về con đường xuất thế gian, vượt qua khỏi già chết.’ Ngài liền tự quán sát: ‘Do duyên gì mà có già chết này?’ Ngài quán sát tư duy chân chánh như vậy, đạt được hiện quán như thật[6], khởi lên biết: ‘Vì có sanh nên có già chết này, vì duyên vào sanh nên có già chết.’ Ngài lại chân chánh tư duy: ‘Do duyên gì nên có sanh này?’ Ngài lại chân chánh tư duy nên đạt được hiện quán như thật, biết rằng: ‘Do duyên hữu nên có sanh.’ Ngài lại chân chánh tư duy: ‘Vì duyên gì nên có hữu?’ Ngài lại chân chánh tư duy, phát khởi hiện quán như thật, biết rằng: ‘Do có thủ nên có hữu.’ Ngài lại tư duy chân chánh: ‘Do duyên gì nên có thủ?’ Ngài lại tư duy chân chánh, phát khởi hiện quán như thật, quán sát thấy chấp thủ pháp, đắm trước vị, tham luyến, ái được tăng trưởng do duyên xúc. Nên biết, duyên ái nên có thủ; duyên thủ nên có hữu; duyên hữu nên có sanh; duyên sanh nên có lão, tử, ưu, bi, khổ, não và tụ tập thuần một khối khổ lớn như vậy. Ví như nhờ vào dầu và tim đèn nên đèn sáng. Nếu người kia lúc nào cũng châm thêm dầu và khơi tim, thì đèn kia luôn sáng, thắp sáng không ngừng.’ Chi tiết như thí dụ về cái thành trước đây[7].”

Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

Như Phật Tỳ-bà-thi; cũng vậy Phật Thi-khí, Phật Tỳ-thấp-bà-phù, Phật Ca-la-ca-tôn-đề, Phật Ca-na-ca Mâu-ni, Phật Ca-diếp[8] đều nói chi tiết như trên.

*

 

KINH 367. TU TẬP[9]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với các Tỳ-kheo:

“Tỳ-kheo phải siêng năng phương tiện tu tập thiền định, tư duy, nội tâm tĩnh lặng. Vì sao? Vì Tỳ-kheo cần phải tinh tấn siêng năng phương tiện thiền định, tư duy, khiến nội tâm tĩnh lặng, hiển hiện như thật như vậy. Thế nào là hiển hiện như thật? Già chết được hiển hiện như thật[10], sự tập khởi của già chết, sự diệt tận của già chết, con đường đưa đến sự diệt tận của già chết được hiển hiện như thật. Sanh, hữu, thủ, ái, thọ, xúc, sáu nhập xứ, danh sắc, thức, hành được hiển hiện như thật; sự tập khởi của hành, sự diệt tận của hành, con đường đưa đến sự diệt tận của hành được hiển hiện như thật. Các pháp này vốn vô thường, hữu vi, hữu lậu, được hiển hiện như thật.”

Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

*

 

KINH 368. TAM-MA-Đ[11]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với các Tỳ-kheo:

“Nên tu vô lượng tam-ma-đề, chuyên cần tinh tấn cột niệm tu vô lượng Tam-ma-đề, khi đã chuyên cần tinh tấn cột niệm rồi, thì sẽ hiển hiện như thật như vậy. Thế nào là hiển hiện như thật? Già chết hiển hiện như thật, cho đến hành hiển hiện như thật. Các pháp này vốn vô thường, hữu vi, hữu lậu, được hiển hiện như thật như vậy.”

Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

*

 

KINH 369. THẬP NHỊ NHÂN DUYÊN (1)[12]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với các Tỳ-kheo:

“Thuở xưa Đức Phật Tỳ-bà-thi khi chưa thành Chánh giác, trụ chỗ Bồ-đề[13] không bao lâu thì thành Phật. Rồi đến dưới cây Bồ-đề trải cỏ làm tòa ngồi kiết già, ngồi thẳng, chánh niệm. Ngồi suốt bảy ngày, đối với mười hai duyên khởi, quán sát thuận nghịch như vầy: ‘Do cái này có nên cái kia có, vì cái này khởi nên cái kia khởi; duyên vô minh nên có hành… cho đến, duyên sanh nên có già chết và tụ tập thuần một khối khổ lớn và thuần một khối khổ lớn diệt.”

Đức Phật Tỳ-bà-thi sau đúng bảy ngày tịnh tọa, từ tam-muội tỉnh giác nói kệ này:

Các pháp sanh như thế,

Phạm chí siêng thiền tư,

Lìa hẳn các nghi hoặc,

Biết pháp nhân duyên sanh.

Nếu biết nhân sanh khổ,

Biết các thọ diệt tận,

Biết pháp nhân duyên hết,

Thì biết hữu lậu hết.

Các pháp sanh như thế,

Phạm chí siêng thiền tư,

Lìa hẳn các nghi hoặc,

Biết có nhân sanh khổ.

Các pháp sanh như thế,

Phạm chí siêng thiền tư,

Lìa hẳn các nghi hoặc,

Biết các thọ diệt hết.

Các pháp sanh như thế,

Phạm chí siêng thiền tư,

Lìa hẳn các nghi hoặc,

Biết pháp nhân duyên hết.

Các pháp sanh như thế,

Phạm chí siêng thiền tư,

Lìa hẳn các nghi hoặc,

Biết hết các hữu lậu.

Các pháp sanh như thế,

Phạm chí siêng thiền tư,

Chiếu sáng khắp thế gian,

Như mặt trời giữa không,

Phá tan các quân ma,

Biết các kết giải thoát.

Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

Như Phật Tỳ-bà-thi; cũng vậy Phật Thi-khí, Phật Tỳ-thấp-ba-phù, Phật Ca-la-ca-tôn-đề, Phật Ca-na-ca ­Mâu-ni, Phật Ca-diếp[14] cũng nói như vậy.

*

 

KINH 370. THẬP NHỊ NHÂN DUYÊN (2)

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở tòa đại Bồ-đề[15], bên bờ sông Ni-liên-thiền, tại Uất-tỳ-la[16], thì sau đó một thời gian ngắn Ngài thành Chánh giác. Ngài đến dưới bóng cây Bồ-đề trải cỏ làm tòa, ngồi kiết già, chánh thân, chánh niệm. Nói đầy đủ như trên.

*

 

KINH 371. THỰC[17]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với các Tỳ-kheo:

“Có bốn loại thức ăn giúp ích cho chúng sanh, khiến được nuôi lớn và sống còn ở đời. Những gì là bốn? Một là thức ăn thô từng nắm; hai là thức ăn tế bằng xúc chạm; ba là thức ăn bằng ý chí; bốn là thức ăn của thức[18]. Bốn loại thức ăn này do nhân gì, tập gì, sanh gì, xúc[19] gì? Bốn loại thức ăn này do ái là nhân, ái là tập, ái là sanh, ái là xúc. Ái này do nhân gì, tập gì, sanh gì, xúc gì? Ái do thọ là nhân, thọ là tập, thọ là sanh, thọ là xúc. Thọ này do nhân gì, tập gì, sanh gì, xúc gì? Thọ do xúc là nhân, xúc là tập, xúc là sanh, xúc là xúc. Xúc này do nhân là gì, tập gì, sanh gì, xúc gì? Xúc do sáu nhập xứ là nhân, sáu nhập xứ là tập, sáu nhập xứ là sanh, sáu nhập xứ là xúc. Khi sáu nhập xứ tụ tập thì xúc tụ tập, xúc tụ tập thì thọ tụ tập, thọ tụ tập thì ái tụ tập, ái tụ tập thì thức ăn tụ tập. Vì thức ăn tụ tập nên sanh, lão, bệnh, tử, ưu, bi, khổ, não ở đời vị lai tụ tập và thuần một khối khổ lớn tụ tập như vậy. Ngược lại nếu sáu nhập xứ diệt thì xúc diệt, xúc diệt thì thọ diệt, thọ diệt thì ái diệt, ái diệt thì thức ăn diệt. Vì thức ăn diệt nên sanh, lão, bêïnh, tử, ưu, bi, khổ, não ở đời vị lai cũng diệt và thuần một khối khổ lớn đã tụ tập cũng bị diệt.”

Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

*

 

KINH 372. PHẢ-CẦU-NA[20]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với các Tỳ-kheo:

“Có bốn loại thức ăn giúp ích cho chúng sanh, khiến được nuôi lớn và sống còn ở đời. Những gì là bốn? Một là thức ăn thô từng nắm; hai là thức ăn tế bằng xúc chạm; ba là thức ăn bằng ý chí; bốn là thức ăn của thức. Khi ấy, có Tỳ-kheo tên là Phả-cầu-na[21] đang đứng sau, quạt hầu, bạch Phật:

“Bạch Thế Tôn ai ăn thức này[22]?”

Phật bảo Phả-cầu-na:

“Ta không nói có người ăn thức[23]. Nếu Ta nói có người ăn thức, thì ngươi nên hỏi câu ấy. Ở đây Ta nói thức là thức ăn, vậy ngươi nên hỏi như vầy: ‘Do nhân duyên gì mà có thức ăn của thức?’ Ta sẽ đáp: ‘Thức ăn của thức, có thể chiêu cảm hữu trong vị lai khiến cho nó tiếp tục sanh; do có hữu nên có sáu nhập xứ; do sáu nhập xứ làm duyên nên có xúc.’”

Phả-cầu-na lại hỏi:

“Ai xúc?”

Phật bảo Phả-cầu-na:

“Ta không nói có người xúc. Nếu Ta nói có người xúc thì ngươi nên hỏi câu này: ‘Ai xúc?’ Ở đây ngươi nên hỏi như vầy: ‘Do nhân duyên gì mà sanh xúc?’ Ta sẽ đáp như vầy: ‘Do sáu nhập xứ làm duyên nên sanh xúc; do xúc làm duyên nên sanh thọ.’”

Lại hỏi:

“Ai thọ?”

Phật bảo Phả-cầu-na:

“Ta không nói có người thọ. Nếu Ta nói có người thọ, thì ngươi nên hỏi: ‘Ai thọ?’ Ở đây ngươi nên hỏi: ‘Do nhân duyên gì nên có thọ?’ Ta sẽ đáp như vầy: ‘Do xúc làm duyên nên có thọ; thọ làm duyên nên có ái.’”

Lại hỏi:

“Bạch Thế Tôn, ai ái[24]?”

Phật bảo Phả-cầu-na:

“Ta không nói có người ái. Nếu Ta nói có người ái, thì ngươi nên hỏi: ‘Ai ái?’ Ở đây ngươi nên hỏi: ‘Do nhân duyên gì nên có ái?’ Ta sẽ đáp như vầy: ‘Do duyên thọ nên có ái; do ái làm duyên nên có thủ.’”

Lại hỏi:

“Bạch Thế Tôn, ai thủ?”

Phật bảo Phả-cầu-na:

“Ta không nói có người thủ. Nếu Ta nói có người thủ thì ngươi nên hỏi: ‘Ai thủ?’ Ở đây ngươi nên hỏi: ‘Vì duyên gì nên có thủ?’ Ta sẽ đáp: ‘Do duyên ái nên có thủ; do thủ làm duyên nên có hữu.’”

Lại hỏi:

“Bạch Thế Tôn, ai hữu[25]?”

Phật bảo Phả-cầu-na:

“Ta không nói có người hữu. Nếu Ta nói có người hữu thì ngươi nên hỏi: ‘Ai hữu?’ Ở đây ngươi nên hỏi: ‘Do duyên gì nên có hữu?’ Ta sẽ đáp: ‘Do duyên thủ nên có hữu; có thể chiêu cảm sự chuyện hiện của hữu[26] trong vị lai.’ Đó gọi là do có hữu nên có sáu nhập xứ; sáu nhập xứ duyên xúc, xúc duyên thọ, thọ duyên ái, ái duyên thủ, thủ duyên hữu, hữu duyên sanh, sanh duyên lão, bệnh, tử, ưu, bi, khổ, não và thuần một khối khổ tụ tập như vậy. Ngược lại nếu lục nhập xứ diệt thì xúc diệt, xúc diệt thì thọ diệt, thọ diệt thì ái diệt, ái diệt thì thủ diệt, thủ diệt thì hữu diệt, hữu diệt thì sanh diệt, sanh diệt thì lão, bệnh, tử, ưu, bi, khổ, não diệt và thuần một khối khổ lớn đã tụ tập bị diệt.”

Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

*

 

KINH 373. TỬ NHỤC[27]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với các Tỳ-kheo:

“Có bốn loại thức ăn giúp ích cho chúng sanh, khiến được nuôi lớn và sống còn ở đời. Những gì là bốn? Đó, một là thức ăn thô từng nắm; hai là thức ăn tế bằng xúc chạm; ba là thức ăn bằng ý chí; bốn là thức ăn của thức.

“Tỳ-kheo quán sát thức ăn từng nắm như thế nào?

“Ví như hai vợ chồng chỉ có một đứa con để thương yêu nuôi nấng. Họ muốn vượt qua con đường hiểm trong hoang mạc, chỗ có tai nạn. Lương thực thì đã hết sạch, đói khát cùng cực, không còn kế sách nào để cứu vãn, họ bàn nhau: ‘Chúng ta có một đứa con rất mực là thương yêu; nếu ăn thịt con thì mới có thể thoát qua cơn hiểm nạn này. Chớ để cả ba ở đây cùng chịu chết!’ Suy tính như vậy xong, họ ngậm ngùi thương xót rơi lệ, liền giết chết con, gượng ăn thịt con để đi qua khỏi hoang mạc. Thế nào, các Tỳ-kheo, vợ chồng người kia cùng nhau ăn thịt con há vì để nhận vị ngọt hay vì ham thích ngon sướng mà ăn?”

Đáp:

“Bạch Thế Tôn, không phải vậy!”

Lại hỏi:

“Này các Tỳ-kheo, có phải vợ chồng người kia gượng ăn thịt con để vượt qua khỏi đường hiểm trong hoang mạc chăng?”

Đáp:

“Bạch Thế Tôn, đúng vậy.”

Phật bảo các Tỳ-kheo:

“Phàm ăn thức ăn vo nắm nên quán như vậy. Khi quán như vậy thì thức ăn vo nắm được đoạn, được biết; thức ăn vo nắm được đoạn, được biết[28] rồi, đối với năm công đức của dục, tâm tham ái sẽ đoạn trừ. Đối với ngũ dục tâm tham ái đã đoạn trừ, Ta không thấy đa văn Thánh đệ tử kia trên năm công đức của dục còn có một kết sử nào mà không dứt. Bởi vì còn có một kết sử trói buộc thì sẽ tái sanh lại cõi đời này.

“Tỳ-kheo quán sát thức ăn bằng xúc chạm như thế nào? Ví như con bò bị lột da sống, khắp mọi nơi trên thân bị các sâu bọ rút rỉa, đất cát, bụi bặm, cây cỏ châm chích. Nếu như nằm nơi đất thì bị trùng ở đất ăn, nếu nằm nơi nước thì bị trùng ở nước ăn, nếu ở nơi hư không thì bị phi trùng ăn; nằm xuống đứng lên thường bị đau đớn thân mình. Như vậy, Tỳ-kheo đối với xúc thực nên quán như thế. Khi quán như thế thì xúc thực được đoạn, được biết. Người đã đoạn đã biết xúc thực, thì ba thọ ắt sẽ đoạn trừ. Ba thọ đã được đoạn trừ, đa văn Thánh đệ tử không còn điều gì cần phải làm thêm nữa, vì những việc cần làm đã làm xong.

“Tỳ-kheo quán sát thức ăn bằng ý chí như thế nào? Ví như ven làng xóm hay thành ấp bốc lửa, nhưng không có khói, không có ngọn lửa. Bấy giờ có người thông minh, có trí tuệ, xả bỏ khổ, hướng đến an vui, chán chết, thích sống, liền nghĩ như vầy: ‘Nơi kia có lửa lớn, nhưng không khói, không ngọn, người đi qua phải tránh, chớ để bị lạc vào trong đó, chắc chắn sẽ chết, không nghi gì nữa.’ Suy nghĩ như vậy rồi người này thường mong ước phải bỏ đi xa. Quán ý tư thực cũng như vậy. Người nào quán như vậy thì ý tư thực được đoạn; người trừ được ý tư thực thì ba ái chắc chắn sẽ dứt. Ba ái đã đoạn trừ, đa văn Thánh đệ tử không còn điều gì cần phải làm thêm nữa, vì những việc cần làm đã làm xong.

“Tỳ-kheo quán sát thức ăn của thức như thế nào? Ví như quốc vương có quân lính tuần phòng bắt được trộm cướp, trói lại đem đến chỗ nhà vua. (Như trong kinh Tu-thâm đã nói ở trước). Vì nhân duyên này nên phải chịu ba trăm mũi giáo, bị đau đớn khổ sở suốt ngày đêm. Quán sát thức thực cũng lại như vậy. Người nào quán như vậy thì thức thực được đoạn, được biết. Thức thực đã đoạn, đã biết rồi thì danh sắc sẽ được đoạn, được biết. Danh sắc đã đoạn, đã biết, đa văn Thánh đệ tử không còn điều gì cần phải làm thêm nữa, vì những việc cần làm đã làm xong.”

Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

*

 

KINH 374. HỮU THAM (1)[29]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với các Tỳ-kheo:

“Có bốn loại thức ăn giúp ích cho chúng sanh, khiến được nuôi lớn và sống còn ở đời. Những gì là bốn? Đó, một là thức ăn thô từng nắm; hai là thức ăn tế bằng xúc chạm; ba là thức ăn bằng ý chí; bốn là thức ăn của thức. Nếu các Tỳ-kheo nào đối với bốn cách ăn này mà có hỷ, có tham thì thức ăn sẽ trụ và tăng trưởng. Do thức trụ và tăng trưởng nó nên nhập vào danh sắc[30]. Vì nó nhập vào danh sắc nên các hành tăng trưởng. Vì hành tăng trưởng nên hữu đời sau sẽ tăng trưởng. Vì hữu đời sau tăng trưởng nên tụ tập sanh, lão, bệnh, tử, ưu, bi, khổ, não và tụ tập thuần một khối khổ lớn.

“Nếu đối với bốn loại thức ăn mà không tham, không hỷ thì vì không tham không hỷ nên thức ăn không trụ, không tăng trưởng; vì thức ăn không trụ, không tăng trưởng nên nó không nhập vào danh sắc; vì không nhập vào danh sắc nên hành không tăng trưởng; vì hành không tăng trưởng nên hữu đời sau không sanh, không lớn; vì hữu đời sau không sanh không lớn nên không khởi sanh, lão, bệnh, tử, ưu, bi, khổ, não ở đời vị lai và thuần một khối khổ đã tụ tập sẽ diệt.”

Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

*

 

KINH 375. HỮU THAM (2)[31]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với các Tỳ-kheo:

“Có bốn loại thức ăn giúp ích chúng sanh, khiến được nuôi lớn và sống còn ở đời, đó là: một đoàn thực, hai là xúc thực, ba là ý tư thực, bốn là thức thực. Nếu các Tỳ-kheo nào đối với bốn loại thức ăn này mà có tham, có hỷ, thì ắt phải có ưu bi, có trần cấu. Nếu đối với bốn loại thức ăn này mà không tham, không hỷ, thì ắt không có ưu bi, cũng không có trần cấu.”

Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

*

 

KINH 376. HỮU THAM (3)

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với các Tỳ-kheo:

“Có bốn loại thức ăn giúp ích cho chúng sanh, khiến được nuôi lớn và sống còn ở đời. Những gì là bốn? Đó, một là thức ăn thô từng nắm; hai là thức ăn tế bằng xúc chạm; ba là thức ăn bằng ý chí; bốn là thức ăn của thức. Nếu các Tỳ-kheo nào đối với bốn loại thức ăn này mà có tham, có hỷ, thì thức trụ và tăng trưởng, cho đến tụ tập thuần một khối khổ lớn.

“Ví như lầu các cung điện Bắc, Tây dài rộng; Đông, Tây có cửa sổ. Mặt trời mọc ở hướng Đông, ánh sáng chiếu trên vách phía Tây. Cũng vậy, Tỳ-kheo đối với bốn loại thức ăn này mà có tham, có hỷ (như đã nói rộng ở trước cho đến tụ tập thuần một khối khổ lớn). Nếu đối với bốn loại thức ăn này mà không tham, không hỷ… (như đã nói rộng ở trước cho đến thuần một khối khổ lớn tụ tập diệt đi).

“Các Tỳ-kheo, ví như lầu các cung điện Bắc, Tây dài rộng; Đông, Tây có cửa sổ. Mặt trời mọc ở hướng Đông sẽ chiếu vào đâu?”

Các Tỳ-kheo bạch Phật:

“Rọi vào vách phía Tây.”

Phật bảo các Tỳ-kheo:

“Nếu không có vách phía Tây, thì mặt trời sẽ chiếu vào đâu?”

Các Tỳ-kheo bạch Phật:

“Mặt trời sẽ chiếu sáng hư không, không có chỗ duyên vào.”

Phật bảo các Tỳ-kheo:

“Như vậy, này các Tỳ-kheo, đối với bốn loại thức ăn mà không tham, không hỷ, thì thức không có chỗ trụ, cho đến thuần một khối khổ lớn đã tụ tập bị diệt.”

Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

*

 

KINH 377. HỮU THAM (4)[32]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với các Tỳ-kheo:

“Có bốn loại thức ăn giúp ích cho chúng sanh, khiến được nuôi lớn và sống còn ở đời. Những gì là bốn? Đó, một là thức ăn thô từng nắm; hai là thức ăn tế bằng xúc chạm; ba là thức ăn bằng ý chí; bốn là thức ăn của thức. Nếu các Tỳ-kheo nào đối với bốn loại thức ăn này mà có tham, có hỷ, thì thức trụ và tăng trưởng, cho đến tụ tập thuần một khối khổ lớn.

Này các Tỳ-kheo, ví như lầu các cung điện Bắc, Tây dài rộng; Đông, Tây có cửa sổ. Mặt trời mọc ở hướng Đông sẽ chiếu sáng hướng nào?”

Các Tỳ-kheo bạch Phật:

“Sẽ chiếu sáng ở vách phía Tây.”

Phật bảo các Tỳ-kheo:

“Cũng vậy, đối với bốn loại thức ăn mà có tham, có hỷ, thời thức trụ và tăng trưởng, cho đến tụ tập thuần một khối khổ lớn. Nếu đối với bốn loại thức ăn này mà không tham, không hỷ, thì thức cũng không trụ, tăng trưởng; cho đến thuần một khối khổ lớn đã tụ tập bị diệt.

“Này các Tỳ-kheo, ví như họa sư và học trò của họa sư, gom các màu sắc muốn tô điểm vẽ vời giữa hư không, thì có thể vẽ được không?”

Các Tỳ-kheo bạch Phật:

“Bạch không thể được. Vì sao? Vì hư không này không phải sắc, không có đối ngại, không thể thấy. Cũng vậy, Tỳ-kheo đối với bốn loại thức ăn này mà không tham, không hỷ, thì không có thức tồn tại, tăng trưởng cho đến thuần một khối khổ lớn đã tụ tập bị diệt như vậy.”

Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

*

 

KINH 378. HỮU THAM (5)

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với các Tỳ-kheo:

“Có bốn loại thức ăn giúp ích cho chúng sanh, khiến được nuôi lớn và sống còn ở đời. Những gì là bốn? Đó, một là thức ăn thô từng nắm; hai là thức ăn tế bằng xúc chạm; ba là thức ăn bằng ý chí; bốn là thức ăn của thức. Nếu các Tỳ-kheo nào đối với bốn loại thức ăn này mà có tham, có hỷ, thì thức trừ và tăng trưởng cho đến tụ tập thuần một khối khổ lớn.

“Này các Tỳ-kheo, thí như họa sư hoặc đệ tử của họa sư gom các màu sắc, muốn trang trí vẽ vời những hình ảnh trên sắc chất. Các Tỳ-kheo, ý các ông nghĩ sao? Họa sư này hoặc đệ tử của ông này có thể dùng màu sắc trang trí vẽ vời trên sắc chất được không?”

Các Tỳ-kheo bạch Phật:

“Bạch Thế Tôn, đúng vậy, họ có thể trang trí vẽ vời trên sắc chất.”

Phật bảo các Tỳ-kheo:

“Tỳ-kheo, đối với bốn loại thức ăn này mà có tham, có hỷ, thì thức trụ và tăng trưởng… cho đến tụ tập thuần một khối khổ lớn. Này các Tỳ-kheo, nếu đối với bốn loại thức ăn này mà không tham, không hỷ, thì không có thức tồn tại, tăng trưởng,… cho đến thuần một khối khổ lớn đã tụ tập bị diệt. Này các Tỳ-kheo, ví như họa sư hoặc đệ tử của họa sư gom các màu sắc, mà muốn không cần sắc chất để trang trí vẽ vời các hình ảnh, thì có thể vẽ vời được không?”

Các Tỳ-kheo bạch Phật:

“Bạch Thế Tôn, không thể được.”

“Như vậy, này các Tỳ-kheo, nếu đối với bốn loại thức ăn mà không tham, không hỷ, thì không có thức tồn tại, tăng trưởng,… cho đến thuần một khối khổ lớn đã tụ tập bị diệt.”

Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

*

 

KINH 379. CHUYỂN PHÁP LUÂN[33]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật trú trong vườn Lộc dã, Tiên nhân trú xứ, nước Ba-la-nại. Bấy giờ Thế Tôn bảo năm vị Tỳ-kheo:

“Đây là Khổ Thánh đế, là pháp vốn chưa từng nghe, khi được tư duy chân chánh, phát sanh nhãn, trí, minh, giác[34]. Đây là Khổ tập, Khổ diệt, Khổ diệt đạo tích Thánh đế, là vốn pháp chưa từng nghe, khi được tư duy chân chánh, thì phát sanh nhãn, trí, minh, giác.

“Lại nữa, đây là Khổ Thánh đế đã biết, cần phải biết[35], là pháp vốn chưa từng nghe, khi được tư duy chân chánh, phát sanh nhãn, trí, minh, giác.

“Đây là Khổ tập Thánh đế đã biết, cần phải đoạn, là pháp vốn chưa từng nghe, khi được tư duy chân chánh, phát sanh nhãn, trí, minh, giác.

“Lại nữa, đây là Khổ diệt Thánh đế đã biết, cần phải tác chứng; là pháp vốn chưa từng nghe, khi được tư duy chân chánh, phát sanh nhãn, trí, minh, giác.

“Lại nữa, đây là Khổ diệt đạo tích Thánh đế đã biết, cần phải tu, là pháp vốn chưa từng nghe, khi được tư duy chân chánh, phát sanh nhãn, trí, minh, giác.

“Lại nữa, Tỳ-kheo, đây là Khổ Thánh đế đã biết, đã xuất[36], là pháp vốn chưa từng nghe, khi được tư duy chân chánh, phát sanh nhãn, trí, minh, giác.

“Lại nữa, đây là Khổ tập Thánh đế đã biết, đã đoạn[37], đã xuất; là pháp vốn chưa từng nghe, khi được tư duy chân chánh, phát sanh nhãn, trí, minh, giác.

“Lại nữa, đây là Khổ diệt Thánh đế đã biết, đã tác chứng, đã xuất[38]; là pháp vốn chưa từng nghe, khi được tư duy chân chánh, phát sanh nhãn, trí, minh, giác.

“Lại nữa, đây là Khổ diệt đạo tích Thánh đế đã biết, đã tu, đã xuất[39]; là pháp vốn chưa từng nghe, khi được tư duy chân chánh, phát sanh nhãn, trí, minh, giác.

“Này các Tỳ-kheo, đối với bốn Thánh đế này, với ba chuyển, mười hai hành[40], Ta nếu không sanh nhãn, sanh trí, sanh minh, sanh giác, thì ở giữa chư Thiên, Ma, Phạm, Sa-môn, Bà-la-môn và các chúng nghe pháp[41], Ta không bao giờ được coi là đã giải thoát, đã xuất ly và cũng không tự chứng đắc Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Đối với bốn Thánh đế này, với ba chuyển, mười hai hành, Ta sanh nhãn, sanh trí, sanh minh, sanh giác; do đó, ở giữa chư Thiên, Ma, Phạm, Sa-môn, Bà-la-môn và các chúng nghe pháp, Ta đã đã giải thoát, đã xuất ly và tự chứng đắc Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.”

Khi Đức Thế Tôn nói pháp này, Tôn giả Kiều-trần-như[42] cùng tám vạn chư Thiên xa lìa trần cấu, được mắt pháp thanh tịnh.”

Bấy giờ Đức Thế Tôn bảo Tôn giả Kiều-trần-như:

“Biết pháp chưa?”

Kiều-trần-như bạch Phật:

“Bạch Thế Tôn, đã biết.”

Lại hỏi Tôn giả Kiều-trần-như[43]:

“Biết pháp chưa?”

Câu-lân bạch Phật:

“Bạch Thiện Thệ, đã biết.”

Vì Tôn giả Câu-lân đã biết pháp cho nên gọi là A-nhã Câu-lân[44].

Sau khi Tôn giả A-nhã Câu-lân đã biết pháp, Địa thần xướng lên rằng:

“Các Nhân giả, Đức Thế Tôn ở trong trong vườn Lộc dã, Tiên nhân trú xứ, nước Ba-la-nại, đã ba lần chuyển pháp luân mười hai hành mà các Sa-môn, Bà-la-môn, chư Thiên, Ma, Phạm chưa từng chuyển, đem lại nhiều lợi ích, đem lại nhiều an lạc; vì lòng thương xót thế gian, bằng nghĩa lợi và sự hữu ích, làm lợi ích an vui cho Trời, Người, làm tăng thêm số chúng cõi Trời, giảm bớt chúng A-tu-la.”

Địa thần xướng lên xong, vọng đến các thần hư không, vua trời Tứ thiên, trời Tam thập tam, trời Diệm-ma, trời Đâu-suất-đà, trời Hóa lạc, trời Tha hóa tự tại, lần lượt truyền xướng, trong khoảnh khắc, lại vọng đến cõi Phạm thiên, nghe truyền vang âm thanh rằng:

“Các Nhân giả, Đức Thế Tôn ở trong vườn Lộc dã, Tiên nhân trú xứ, nước Ba-la-nại đã ba lần chuyển pháp luân mười hai hành mà các Sa-môn, Bà-la-môn, chư Thiên, Ma, Phạm chưa từng chuyển, đem lại nhiều lợi ích, đem lại nhiều an lạc; vì lòng thương xót thế gian, bằng nghĩa lợi và sự hữu ích, làm lợi ích an vui cho trời, người, làm tăng thêm số chúng cõi trời, giảm bớt chúng A-tu-la.”

Vì Thế Tôn ở trong trong vườn Lộc dã, Tiên nhân trú xứ, nước Ba-la-nại chuyển pháp luân, cho nên kinh này được gọi là kinh Chuyển pháp luân[45].

Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

*

 

KINH 380. TỨ ĐẾ (1)

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật trú trong vườn Lộc dã, Tiên nhân trú xứ, nước Ba-la-nại. Bấy giờ Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

“Có bốn Thánh đế. Những gì là bốn? Đó là Khổ Thánh đế, Khổ tập Thánh đế, Khổ diệt Thánh đế, Khổ diệt đạo tích Thánh đế.”

Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

*

 

KINH 381. TỨ ĐẾ (2)

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật trú trong vườn Lộc dã, Tiên nhân trú xứ, nước Ba-la-nại. Bấy giờ Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

“Có bốn Thánh đế. Những gì là bốn? Đó là Khổ Thánh đế, Khổ tập Thánh đế, Khổ diệt Thánh đế, Khổ diệt đạo tích Thánh đế. Nếu Tỳ-kheo nào đối với bốn Thánh đế mà chưa hiện quán[46], thì phải nên tu tập hiện quán, khởi ý muốn tăng thượng, nỗ lực tìm phương tiện, chánh niệm, chánh tri, cần phải học[47].”

Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

*

 

KINH 382. ĐƯƠNG TRI[48]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật trú trong vườn Lộc dã, Tiên nhân trú xứ, nước Ba-la-nại. Bấy giờ Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

“Có bốn Thánh đế. Những gì là bốn? Đó là Khổ Thánh đế, Khổ tập Thánh đế, Khổ diệt Thánh đế, Khổ diệt đạo tích Thánh đế. Tỳ-kheo đối với Khổ Thánh đế nên biết, nên hiểu; đối với Khổ tập Thánh đế nên biết, nên đoạn; đối với Khổ diệt Thánh đế nên biết, nên chứng; đối với con đường đưa đến sự diệt tận của khổ Thánh đế nên biết, nên tu[49].”

Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

*

 

KINH 383. DĨ TRI

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật trú trong vườn Lộc dã, Tiên nhân trú xứ, nước Ba-la-nại. Bấy giờ Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

“Có bốn Thánh đế. Những gì là bốn? Đó là Khổ Thánh đế, Khổ tập Thánh đế, Khổ diệt Thánh đế, Khổ diệt đạo tích Thánh đế. Tỳ-kheo đối với Khổ Thánh đế đã biết, đã hiểu; đối với Khổ tập Thánh đế đã biết, đã đoạn; đối với Khổ diệt Thánh đế đã biết, đã chứng; đối với con đường đưa đến sự diệt tận của Khổ Thánh đế đã biết, đã tu[50]. Như vậy, Tỳ-kheo đoạn ái dục, cởi bỏ các kết sử, đối với mạn, chứng đắc hiện quán[51], đến nơi tột cùng của mé khổ.”

Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

*

 

KINH 384. LẬU TẬN[52]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật trú trong vườn Lộc dã, Tiên nhân trú xứ, nước Ba-la-nại. Bấy giờ Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

“Có bốn Thánh đế. Những gì là bốn? Đó là Khổ Thánh đế, Khổ tập Thánh đế, Khổ diệt Thánh đế, Khổ diệt đạo tích Thánh đế. Tỳ-kheo đối với Khổ Thánh đế đã biết, đã hiểu; đối với Khổ tập Thánh đế đã biết, đã đoạn; đối với Khổ diệt Thánh đế đã biết, đã chứng; đối với con đường đưa đến sự diệt tận của Khổ Thánh đế đã biết, đã tu[53]. Như vậy, Tỳ-kheo này được gọi là A-la-hán, các lậu đã hết, việc làm đã xong, lìa các gánh nặng, đã đạt được mục đích mình[54], hết sạch các kết sử, chánh trí, khéo giải thoát.”

Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

*

 

KINH 385. BIÊN TẾ[55]

Tôi nghe như vầy:

“Có bốn Thánh đế. Những gì là bốn? Đó là Khổ Thánh đế, Khổ tập Thánh đế, Khổ diệt Thánh đế, Khổ diệt đạo tích Thánh đế. Tỳ-kheo đối với Khổ Thánh đế đã biết, đã hiểu; đối với Khổ tập Thánh đế đã biết, đã đoạn; đối với Khổ diệt Thánh đế đã biết, đã chứng; đối với con đường đưa đến sự diệt tận của Khổ Thánh đế đã biết, đã tu[56]. Như vậy, Tỳ-kheo này đạt đến tận cùng cứu cánh, tận cùng lìa hết cấu nhiễm, tận cùng phạm hạnh đã hoàn thành, thuần nhất trong sạch, được gọi là Thượng sĩ[57].”

Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

*

 

KINH 386. HIỀN THÁNH (1)

Tôi nghe như vầy:

“Có bốn Thánh đế. Những gì là bốn? Đó là Khổ Thánh đế, Khổ tập Thánh đế, Khổ diệt Thánh đế, Khổ diệt đạo tích Thánh đế. Tỳ-kheo đối với Khổ Thánh đế đã biết, đã hiểu; đối với Khổ tập Thánh đế đã biết, đã đoạn; đối với Khổ diệt Thánh đế đã biết, đã chứng; đối với con đường đưa đến sự diệt tận của Khổ Thánh đế đã biết, đã tu. Như vậy, Tỳ-kheo không còn then khóa, san bằng thành hào, vượt qua các hiểm nạn, cởi mở các ràng buộc, được gọi là Hiền thánh dựng ngọn cờ Thánh[58].”

Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

*

 

KINH 387. HIỀN THÁNH (2)

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật trú trong vườn Lộc dã, Tiên nhân trú xứ, nước Ba-la-nại. Bấy giờ Thế Tôn bảo năm vị Tỳ-kheo:

“Có bốn Thánh đế. Những gì là bốn? Đó là Khổ Thánh đế, Khổ tập Thánh đế, Khổ diệt Thánh đế, Khổ diệt đạo tích Thánh đế. Tỳ-kheo đối với Khổ Thánh đế đã biết, đã hiểu; đối với Khổ tập Thánh đế đã biết, đã đoạn; đối với Khổ diệt Thánh đế đã biết, đã chứng; đối với con đường đưa đến sự diệt tận của khổ Thánh đế đã biết, đã tu. Như vậy, Tỳ-kheo không còn then khóa, san bằng thành hào, vượt qua các hiểm nạn, cởi mở các ràng buộc, được gọi là Hiền thánh dựng ngọn cờ Thánh[59].”

“Này các Tỳ-kheo, thế nào là không còn then khóa[60]? Năm hạ phần kết sử[61] đã lìa, đã biết; đó gọi là không còn then khóa.

“Thế nào là san bằng thành hào[62]? Hào sâu vô minh đã đoạn, đã biết; đó gọi là san bằng thành hào[63].

“Thế nào là vượt qua các hiểm nạn[64]? Giải thoát sanh tử, tận cùng mé khổ[65]; đó gọi là vượt qua các hiểm nạn.

“Thế nào là cởi mở các ràng buộc[66]? Ái đã đoạn, đã biết[67].

“Thế nào là dựng ngọn cờ Thánh đạo[68]? Ngã mạn đã đoạn[69], đã biết; đó gọi là dựng ngọn cờ Thánh.”

Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

*

 

KINH 388. NGŨ CHI LỤC PHẦN[70]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật trú trong vườn Lộc dã, Tiên nhân trú xứ, nước Ba-la-nại. Bấy giờ Thế Tôn bảo năm vị Tỳ-kheo:

“Có bốn Thánh đế. Những gì là bốn? Đó là Khổ Thánh đế, Khổ tập Thánh đế, Khổ diệt Thánh đế, Khổ diệt đạo tích Thánh đế. Tỳ-kheo đối với Khổ Thánh đế đã biết, đã hiểu; đối với Khổ tập Thánh đế đã biết, đã đoạn; đối với Khổ diệt Thánh đế đã biết, đã chứng; đối với con đường đưa đến sự diệt tận của Khổ Thánh đế đã biết, đã tu. Đó gọi là Tỳ-kheo đoạn năm chi, thành sáu phần, thủ hộ một, nương dựa vào bốn, trừ bỏ các đế, lìa các đường ngả tư, chứng các giác tưởng, tự chính mình tạo tác, tâm khéo giải thoát, tuệ khéo giải thoát, thuần nhất trong sạch, đó gọi là Thượng sĩ.”

Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

*

 

KINH 389. LƯƠNG Y

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật trú trong vườn Lộc dã, Tiên nhân trú xứ, nước Ba-la-nại. Bấy giờ Thế Tôn nói với các Tỳ-kheo:

“Có bốn pháp, nếu thành tựu thì được gọi là bậc Đại y vương, đầy đủ các chi phần cần phải có. Những gì là bốn? Một là khéo biết bệnh; hai là khéo biết nguyên nhân của bệnh; ba là khéo biết cách đối trị bệnh; bốn là khéo biết trị bệnh để về sau bệnh không còn tái phát nữa.

“Thế nào gọi là lương y khéo biết bệnh? Lương y biết rành các chủng loại bệnh như vậy, như vậy; đó gọi là lương y khéo biết bệnh.

“Thế nào là lương y khéo biết căn nguyên của bệnh? Lương y biết rành bệnh này do gió gây nên, do đàm ấm gây nên, nước nhớt nước dãi gây nên, khí lạnh gây nên, do các sự việc hiện tại gây nên, do thời tiết gây nên; đó gọi là lương y khéo biết căn nguyên của bệnh.

“Thế nào là lương y khéo biết cách đối trị bệnh? Lương y biết rành các loại bệnh, nên thoa thuốc, nên cho mửa, cho xổ, nên nhỏ mũi, nên xông, nên cho ra mồ hôi; và những cách đối trị đại loại như vậy; đó gọi là lương y khéo biết cách đối trị.

“Thế nào là lương y khéo biết trị bệnh rồi về sau bệnh không còn tái phát nữa? Lương y khéo trị tất cả các chứng bệnh, khiến dứt trừ hoàn toàn, vĩnh viễn không tái phát trở lại sau này nữa; đó gọi là lương y khéo biết trị bệnh không còn tái phát nữa.

“Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Đẳng Giác là Bậc Đại Y vương đã thành tựu bốn đức, chữa lành bệnh chúng sanh cũng lại như vậy. Bốn đức là gì? là Như Lai biết như thật đây là Khổ Thánh đế; biết như thật đây là Khổ tập Thánh đế; đã biết như thật đây là Khổ diệt Thánh đế, biết như thật đây là Khổ diệt đạo tích Thánh đế.

“Này các Tỳ-kheo, các lương y thế gian không biết như thật cách đối trị đối với cội gốc sanh, không biết như thật cách đối trị đối với cội gốc lão, bệnh, tử, ưu, bi, khổ, não. Như Lai, Ứng Cúng, Đẳng Chánh Giác là vị Đại Y vương, biết như thật cách đối trị đối với cội gốc sanh, lão, tử, ưu, bi, khổ, não. Vì thế nên Như Lai, Ứng Cúng, Đẳng Chánh Giác được gọi là Đại Y vương.”

Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

*

 

KINH 390. SA-MÔN BÀ-LA-MÔN (1)[71]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật trú trong vườn Lộc dã, Tiên nhân trú xứ, nước Ba-la-nại. Bấy giờ Thế Tôn nói với các Tỳ-kheo:

“Nếu Sa-môn, Bà-la-môn nào mà không biết như thật Thánh đế về khổ này, không biết như thật Thánh đế về sự tập khởi của khổ này, không biết như thật Thánh đế về sự diệt tận của khổ này, không biết như thật Thánh đế về con đường đưa đến sự diệt tận của khổ này, các Sa-môn, Bà-la-môn ấy chẳng phải là Sa-môn của Sa-môn, là Bà-la-môn của Bà-la-môn. Những người ấy, đối với nghĩa của Sa-môn, nghĩa Bà-la-môn, không thể trong đời hiện tại tự tri tự tác chứng rằng[72] ‘Ta, sự sanh đã dứt, phạm hạnh đã lập, những gì cần làm đã làm xong, tự biết không còn tái sanh đời sau nữa.’

“Nếu Sa-môn, Bà-la-môn nào mà biết như thật Thánh đế về khổ này, biết như thật Thánh đế về sự tập khởi của khổ này, biết như thật Thánh đế về sự diệt tận của khổ này, biết như thật Thánh đế về về con đường đưa đến sự diệt tận của khổ này, thì nên biết các Sa-môn, Bà-la-môn ấy chính là Sa-môn của Sa-môn, là Bà-la-môn của Bà-la-môn; những người ấy, đối với nghĩa của Sa-môn, nghĩa Bà-la-môn, trong đời hiện tại tự tri tự tác chứng rằng ‘Ta, sự sanh đã dứt, phạm hạnh đã lập, những gì cần làm đã làm xong, tự biết không còn tái sanh đời sau nữa.’

“Cho nên, này các Tỳ-kheo, đối với bốn Thánh đế hiện quán, nên khởi lòng mong muốn hơn lên, tinh cần, nỗ lực, phương tiện tu học. Những gì là bốn? Đó là Khổ Thánh đế, Khổ tập Thánh đế, Khổ diệt Thánh đế, Khổ diệt đạo tích Thánh đế.”

Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

*

 

KINH 391. SA-MÔN BÀ-LA-MÔN (2)[73]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật trú trong vườn Lộc dã, Tiên nhân trú xứ, nước Ba-la-nại. Bấy giờ Thế Tôn bảo năm vị Tỳ-kheo:

Nói rộng như trên, chỉ có một vài sự sai biệt là:

“Nếu không biết như thật bốn Thánh đế, nên biết Sa-môn, Bà-la-môn này chẳng phải Sa-môn số, chẳng phải Bà-la-môn số[74]. Nếu biết như thật đối với Thánh đế, thì Sa-môn, Bà-la-môn này…” cho đến…

Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe lời Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

*

 

KINH 392. NHƯ THẬT TRI[75]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật trú trong vườn Lộc dã, Tiên nhân trú xứ, nước Ba-la-nại. Bấy giờ Thế Tôn nói với các Tỳ-kheo:

“Nếu Sa-môn, Bà-la-môn nào mà không biết như thật Thánh đế về khổ này, không biết như thật Thánh đế về sự tập khởi của khổ này, không biết như thật Thánh đế về sự diệt tận của khổ này, không biết như thật Thánh đế về con đường đưa đến sự diệt tận của khổ này, nên biết Sa-môn, Bà-la-môn này không thoát được khổ.

“Nếu Sa-môn, Bà-la-môn nào biết như thật Thánh đế về khổ này, biết như thật Thánh đế về sự tập khởi của khổ này, biết như thật Thánh đế về sự diệt tận của khổ này, biết như thật Thánh đế về con đường đưa đến sự diệt tận của khổ này, nên biết Sa-môn, Bà-la-môn này thoát được khổ.”

Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

Cũng như đối với Khổ không giải thoát và giải thoát, chi tiết như trên; cũng vậy: [76]

-         Đối với (xả) đường ác không giải thoát và giải thoát.

-         Có thể xả giới thoái giảm và không xả giới thoái giảm.

-         Có thể tự tuyên bố đã chứng đắc pháp thượng nhân và không thể tự tuyên bố đã chứng đắc pháp thượng nhân.

-         Có thể ngoài (chánh pháp) này mà tìm cầu phước điền tốt và không thể ngoài (chánh pháp) này mà tìm cầu phước điền tốt.

-         Có thể ngoài (chánh pháp) này mà tìm cầu bậc Đại sư và không thể ngoài (chánh pháp) này mà tìm cầu Đại sư.

-         Không thể vượt qua khỏi khổ và có thể vượt qua khỏi khổ.

-         Không thể thoát khổ và có thể thoát khổ.

Như những kinh trên đều lập lại tiếp theo bằng kệ:

“Nếu không biết cái khổ

Và nhân các khổ này;

Và tất cả pháp khổ

Tịch diệt trọn không còn;

Nếu không biết dấu đạo,

Tư duy[77] tất cả khổ;

Không có tâm giải thoát,

Tuệ giải thoát cũng không,

Không thể vượt các khổ,

Để cứu cánh thoát khổ.

Nếu biết khổ như thật;

Cùng biết nhân các khổ;

Và tất cả các khổ

Tịch diệt hết không còn;

Nếu lại biết như thật,

Dấu đạo của dứt khổ,

Ý giải thoát đầy đủ,

Tuệ giải thoát cũng vậy,

Có thể vượt các khổ,

Cứu cánh được giải thoát.

Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

*

 

KINH 393. THIỆN NAM TỬ[78]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật trú trong vườn Lộc dã, Tiên nhân trú xứ, nước Ba-la-nại. Bấy giờ Thế Tôn nói với các Tỳ-kheo:

“Nếu có thiện nam tử, chánh tín, không gia đình, xuất gia học đạo[79], thì tất cả điều cần làm là cần biết pháp bốn Thánh đế. Những gì là bốn? Đó là Khổ Thánh đế, Khổ tập Thánh đế, Khổ diệt Thánh đế, Khổ diệt đạo tích Thánh đế. Cho nên, Tỳ-kheo, đối với bốn Thánh đế, nếu chưa hiện quán, thì phải siêng năng tìm phương tiện tu tập hiện quán.”

Cũng như chương cú này, tất cả kinh bốn Thánh đế, đều nên nói đầy đủ như vậy.

Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

Các kinh với nội dung: Biết như vậy, thấy như vậy, hiện quán như vậy, cũng nói như trên.[80]

Lại nữa, cũng như kinh trên, với nội dung thêm bớt như sau:

“Đoạn tận ba kết, đắc quả Tu-đà-hoàn. Tất cả nên biết bốn Thánh đế. Những gì là bốn? Đó là Khổ Thánh đế, Khổ tập Thánh đế, Khổ diệt Thánh đế, Khổ diệt đạo tích Thánh đế. Nên biết như vậy, nên thấy như vậy và hiện quán như vậy[81]. Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.”

(...)

“Nếu ba kết sử đã đoạn tận, tham, nhuế, si mỏng, chứng đắc Tư-đà-hàm. Tất cả đều biết như thật đối với bốn Thánh đế. Những gì là bốn? Đó là Khổ Thánh đế, Khổ tập Thánh đế, Khổ diệt Thánh đế, Khổ diệt đạo tích Thánh đế. Nên biết như vậy, nên thấy như vậy và hiện quán như vậy.(...)”[82] cũng nói như trên.

(...)

“Nếu năm hạ phần kết đã đoạn tận, chứng đắc A-na-hàm hạng Sanh Bát-niết-bàn[83], không còn tái sanh vào cõi thế gian này nữa. Tất cả đều cần biết bốn Thánh đế. Những gì là bốn? Đó là Khổ Thánh đế, Khổ tập Thánh đế, Khổ diệt Thánh đế, Khổ diệt đạo tích Thánh đế. Nên biết như vậy, nên thấy như vậy và hiện quán như vậy. (...)” cũng nói như trên.

(...)

“Nếu tất cả lậu đã đoạn tận, vô lậu tâm giải thoát, tuệ giải thoát, ngay trong đời, tự tri tự tác chứng: ‘Ta, sự sanh đã dứt, phạm hạnh đã lập, những gì cần làm đã làm xong, tự biết không còn tái sanh đời sau nữa.’ Tất cả đều cần biết bốn Thánh đế. Những gì là bốn? Đó là Khổ Thánh đế, Khổ tập Thánh đế, Khổ diệt Thánh đế, Khổ diệt đạo tích Thánh đế. Nên biết như vậy, nên thấy như vậy và hiện quán như vậy. (...)” cũng nói như trên.

(...)

“Nếu chứng được đạo Bích-chi-phật, tất cả đều cần biết bốn Thánh đế. Những gì là bốn? Đó là Khổ Thánh đế, Khổ tập Thánh đế, Khổ diệt Thánh đế, Khổ diệt đạo tích Thánh đế. Nên biết như vậy, nên thấy như vậy và hiện quán như vậy.(...)” cũng nói như trên.

(...)

“Nếu đạt được Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, tất cả đều cần biết bốn Thánh đế. Những gì là bốn? Đó là Khổ Thánh đế, Khổ tập Thánh đế, Khổ diệt Thánh đế, Khổ diệt đạo tích Thánh đế. Nên biết như vậy, nên thấy như vậy và hiện quán như vậy. (...)” cũng nói như trên.

“Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.”

*

 

KINH 394. NHẬT NGUYỆT (1)[84]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật trú trong vườn Lộc dã, Tiên nhân trú xứ, nước Ba-la-nại. Bấy giờ Thế Tôn nói với các Tỳ-kheo:

“Như mặt trời mọc, ánh sáng hiện trước. Cũng vậy, chân chánh diệt tận khổ cũng có dấu hiệu xuất hiện trước[85]; tức là biết bốn Thánh đế. Những gì là bốn? Đó là Khổ Thánh đế, Khổ tập Thánh đế, Khổ diệt Thánh đế, Khổ diệt đạo tích Thánh đế.”

Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

*

 

KINH 395. NHẬT NGUYỆT (2)[86]

Tôi nghe như vầy:

Khi Đức Phật ở trong vườn Nai, chỗ ở của Tiên nhân, nước Ba-la-nại, thì bấy giờ Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

“Nếu mặt trời, mặt trăng không xuất hiện giữa thế gian, tất cả các vì tinh tú cũng không xuất hiện giữa thế gian này, thì ngày và đêm, nửa tháng, thời tiết, số năm, thời khắc, khoảnh khắc, tất cả đều không xuất hiện. Như thế, thế gian sẽ luôn luôn tối tăm, không có ánh sáng, chỉ có đêm dài, thuần là một khối mù tối lớn hiện ra ở thế gian.

“Nếu Như Lai, Ứng Cúng, Đẳng Chánh Giác không xuất hiện ở thế gian, không nói về Khổ Thánh đế, Khổ tập Thánh đế, Khổ diệt Thánh đế, Khổ diệt đạo tích Thánh đế, thế gian này sẽ mù tối, không có ánh sáng chiếu rọi, như thế đêm dài thuần là bóng tối trùm khắp thế gian.

“Nếu mặt trời, mặt trăng xuất hiện ở thế gian, các tinh tú cũng xuất hiện, ngày và đêm nửa tháng, thời tiết, số năm, thời khắc, khoảnh khắc, tất cả đều xuất hiện ở thế gian. Cũng thế, Như Lai, Ứng Cúng, Đẳng Chánh Giác xuất hiện ở thế gian nói Khổ Thánh đế, Khổ tập Thánh đế, Khổ diệt Thánh đế, Khổ diệt đạo tích Thánh đế, thì thế gian không còn tối tăm và đêm dài được soi sáng, thuần nhất, trí tuệ sẽ hiện ra ở thế gian.”

Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

*

 

KINH 396. THÁNH ĐỆ TỬ

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật trú trong vườn Lộc dã, Tiên nhân trú xứ, nước Ba-la-nại. Bấy giờ Thế Tôn nói với các Tỳ-kheo:

“Như mặt trời xuất hiện, đi vòng khắp giữa không trung, phá tan mọi tăm tối, ánh sáng chiếu rõ. Cũng vậy, Thánh đệ tử, có những pháp tập khởi, tất cả đều diệt hết rồi, xa lìa các trần cấu, sanh được mắt pháp cùng sanh với hiện quán, đoạn trừ ba kết là thân kiến, giới thủ và nghi. Ba kết này đoạn tận, gọi là Tu-đà-hoàn, không rơi vào đường ác pháp, chắc chắn hướng đến Chánh giác, bảy lần qua lại cõi trời, cõi người, rồi giải thoát được khổ. Thánh đệ tử kia, trong lúc đó tuy có khởi lên ưu, khổ, chỉ nghe nói Thánh đệ tử kia ly dục, lìa pháp ác bất thiện, có giác, có quán, có hỷ lạc do viễn ly sanh, đầy đủ an trụ Sơ thiền; chứ không thấy Thánh đệ tử kia có một pháp không đoạn, để có thể khiến tái sanh vào đời này. Ở đây, đệ tử của bậc Thánh này được nghĩa lớn của mắt pháp. Cho nên các Tỳ-kheo đối với bốn Thánh đế này nếu chưa hiện quán thì nên siêng năng, tinh cần tìm phương tiện, khởi ý muốn tinh tấn tu học.”

Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

*

 

KINH 397. KHƯ-ĐỀ-LA[87]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật trú trong vườn Lộc dã, Tiên nhân trú xứ, nước Ba-la-nại. Bấy giờ Thế Tôn nói với các Tỳ-kheo:

“Nếu ai nói như vầy ‘Tôi đối với Khổ Thánh đế chưa hiện quán; đối với Khổ tập Thánh đế, Khổ diệt Thánh đế, chưa hiện quán,’ mà lại nói ‘Tôi sẽ đạt được hiện quán Khổ diệt đạo tích Thánh đế’.[88] Lời nói này không đúng. Vì sao? Vì không có điều này. Nếu Khổ Thánh đế, Khổ tập Thánh đế, Khổ diệt Thánh đế, chưa hiện quán mà muốn hiện quán Khổ diệt đạo tích Thánh đế, thì điều này không thể có được. Ví như có người nói: ‘Tôi muốn lấy lá khư-đề-la[89] kết lại làm thành món đồ đựng nước để mang đi.’ Điều này không thể có được. Vì sao? Vì không có điều này. Hay nói như vầy: ‘Tôi đối với Khổ Thánh đế, Khổ tập Thánh đế, Khổ diệt Thánh đế, chưa hiện quán mà muốn hiện quán Khổ diệt đạo tích Thánh đế chưa hiện quán’, điều này cũng không thể có được.

“Nếu lại nói: ‘Tôi sau khi hiện quán Khổ Thánh đế, Khổ tập Thánh đế, Khổ diệt Thánh đế, sẽ chứng đắc hiện quán Khổ diệt đạo tích Thánh đế’, đó là lời nói khéo. Vì sao? Vì việc này có thể có được. Nếu Khổ Thánh đế, Khổ tập Thánh đế, Khổ diệt Thánh đế, đã được hiện quán rồi, mà muốn hiện quán Khổ diệt đạo tích Thánh đế, thì điều này có thể có được. Ví như có người nói: ‘Tôi lấy lá bát-đàm-ma[90], lá ma-lâu-ca[91] kết lại thành đồ đựng nước mang đi’, đó là lời nói khéo. Vì sao? Vì điều này có thể có được. Như vậy, nếu nói rằng: ‘Tôi sau khi hiện quán Khổ Thánh đế, Khổ tập Thánh đế, Khổ diệt[92] Thánh đế, nay muốn đắc hiện quán Khổ diệt đạo tích Thánh đế’, đó là lời nói khéo. Vì sao? Vì điều này có thể có được. Nếu đối với Khổ Thánh đế, Khổ tập Thánh đế, Khổ diệt Thánh đế, đã hiện quán và muốn hiện quán Khổ diệt đạo tích Thánh đế, thì điều này có thể có được.”

Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

*

 

KINH 398. NHÂN-ĐÀ-LA TRỤ

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật trú trong vườn Lộc dã, Tiên nhân trú xứ, nước Ba-la-nại. Bấy giờ Thế Tôn nói với các Tỳ-kheo:

“Như một cục bông gòn nhỏ, hay cục bông kiếp-bối, đặt ở ngã tư đường, khi bốn phương gió thổi, thì tùy theo chiều gió mà bông bay về một hướng. Cũng vậy, nếu Sa-môn, Bà-la-môn nào mà không biết như thật Khổ Thánh đế; không biết như thật Khổ tập Thánh đế, Khổ diệt Thánh đế, Khổ diệt đạo tích Thánh đế, thì nên biết Sa-môn, Bà-la-môn này thường hay nhìn mặt người và thường hay nói theo người[93]. Vì không biết như thật, nên nghe người khác nói, hướng theo lời nói đó mà thọ nhận, nên biết người này đời trước không tu tập trí tuệ.

“Giống như cây trụ nhân-đà-la[94] dùng đồng, thiếc làm nên, rồi đem cắm sâu xuống đất, dù bốn phương gió mạnh cũng không thể làm lay động. Cũng vậy, nếu Sa-môn, Bà-la-môn nào biết như thật Khổ Thánh đế; biết như thật biết như thật Khổ tập Thánh đế, Khổ diệt Thánh đế, Khổ diệt đạo tích Thánh đế, nên biết Sa-môn, Bà-la-môn này không xem mặt người, không nói theo người; vì Sa-môn, Bà-la-môn này là người có trí tuệ vững chắc. Vì người này trước kia đã tùy tu tập nên không theo lời nói của người. Cho nên các Tỳ-kheo đối với bốn Thánh đế phải siêng năng tìm phương tiện, khởi ý muốn tăng thượng, tinh tấn tu học.”

Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

*

 

KINH 399. LUẬN XỨ[95]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật trú trong vườn Lộc dã, Tiên nhân trú xứ, nước Ba-la-nại. Bấy giờ Thế Tôn nói với các Tỳ-kheo:

“Giống như trụ đá dài mười sáu khuỷu tay, được cắm sâu xuống đất tám khuỷu tay, dù bốn phương có gió thổi cũng không thể làm lay động. Cũng vậy, nếu Sa-môn, Bà-la-môn nào mà biết như thật Khổ Thánh đế; biết như thật Khổ tập Thánh đế, Khổ diệt Thánh đế, Khổ diệt đạo tích Thánh đế, Sa-môn, Bà-la-môn này có đến các chỗ luận nghị mà không thể bị khuất phục, tâm người này giải thoát, tuệ giải thoát, có thể khiến cho Sa-môn, Bà-la-môn khác ngược lại sanh ra lo khổ. Biết như thật, thấy như thật như vậy đều là do tập hành của đời trước nên khiến trí tuệ không thể khuynh động. Cho nên, Tỳ-kheo, đối với bốn Thánh đế phải siêng năng tìm phương tiện, khởi ý muốn tăng thượng, tinh tấn tu học.”

Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

*

 

KINH 400. THIÊU Y[96]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật trú trong vườn Lộc dã, Tiên nhân trú xứ, nước Ba-la-nại. Bấy giờ Thế Tôn nói với các Tỳ-kheo:

“Giống như có người bị lửa đốt cháy đầu và áo, liền khởi ý muốn mãnh liệt[97], khẩn cấp dập tắt[98].”

Phật bảo các Tỳ-kheo:

“Chớ nên nói như vậy[99]! Hãy gác qua việc đầu và áo. Đối với bốn Thánh đế phải khởi ý muốn mãnh liệt, tinh tấn, siêng năng tìm phương tiện, tu tập hiện quán. Những gì là bốn? Đó là Khổ Thánh đế, Khổ tập Thánh đế, Khổ diệt Thánh đế, Khổ diệt đạo tích Thánh đế. Nếu chưa được hiện quán, thì phải siêng năng tìm phương tiện, tu tập hiện quán. Vì sao?

“Này Tỳ-kheo, vì ở địa ngục, súc sanh, ngạ quỷ, luôn luôn bị thiêu đốt mà các Tỳ-kheo không thấy đó là khổ cùng cực. Nếu như Khổ Thánh đế, Khổ tập Thánh đế, Khổ diệt Thánh đế, Khổ diệt đạo tích Thánh đế mà chưa được hiện quán, Tỳ-kheo này nên nhẫn chịu khổ, lạc, ưu, bi; đối với bốn Thánh đế lại càng siêng năng tinh tấn tìm phương tiện, tu tập hiện quán, cần nên học như vậy.”

Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

*

 

KINH 401. BÁCH THƯƠNG[100]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật trú trong vườn Lộc dã, Tiên nhân trú xứ, nước Ba-la-nại. Bấy giờ Thế Tôn nói với cácTỳ-kheo:

“Giống như có người sống lâu trăm tuổi, có người nói với người ấy rằng: ‘Ông nếu muốn nghe pháp thì mỗi ngày ba thời phải chịu khổ: Sáng sớm chịu khổ của trăm mũi thương đâm vào; trưa, chiều lại cũng như vậy. Trong một ngày, chịu khổ ba trăm mũi thương đâm; như vậy ngày nào cũng tiếp tục cho đến trăm năm rồi sau đó nghe pháp, được hiện quán. Ông có thể chịu như vậy được không?’ Bấy giờ, người này vì muốn nghe pháp nên có thể chịu đựng tất cả. Vì sao? Vì con người sanh ra ở thế gian luôn luôn chịu khổ ở trong ba đường ác, khi thì địa ngục, khi thì súc sanh, khi thì ngạ quỷ, mà không cảm nhận các thứ khổ, cũng không nghe pháp. Cho nên nay vì muốn được hiện quán, nên chẳng cho rằng cái khổ ba trăm mũi thương đâm vào người trọn đời là cái khổ lớn. Thế nên các Tỳ-kheo nếu đối với bốn Thánh đế mà chưa được hiện quán, thì phải siêng năng tìm phương tiện, phát khởi ý muốn tăng thượng, tu học hiẹân quán.”

Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

*

 

KINH 402. BÌNH ĐẲNG CHÁNH GIÁC[101]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật trú trong vườn Lộc dã, Tiên nhân trú xứ, nước Ba-la-nại. Bấy giờ Thế Tôn nói với các Tỳ-kheo:

“Đối với bốn Thánh đế mà bình đẳng giác ngộ[102], thì gọi là Như Lai, Ứng Cúng, Đẳng Chánh Giác. Những gì là bốn? Đó là Khổ tập Thánh đế, khổ diệt Thánh đế, khổ diệt đạo tích Thánh đế. Đối với bốn Thánh đế này, mà bình đẳng giác ngộ thì gọi là Như Lai, Ứng Cúng, Đẳng Chánh Giác. Cho nên các Tỳ-kheo đối với bốn Thánh đế nếu chưa được hiện quán, thì phải siêng năng tìm phương tiện, phát khởi ý muốn tăng thượng, tu học hiện quán.”

Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

*

 

KINH 403. NHƯ THẬT TRI[103]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở tại nước Ma-kiệt-đà, du hành trong nhân gian. Giữa Vương xá và Ba-la-lị-phất có một xóm Rừng trúc[104]; tại đây vua dựng một ngôi nhà Phúc đức. Bấy giờ cùng với đại chúng dừng lại nghỉ một đêm trong nhà này. Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

“Ta cùng với các ông, đối với bốn Thánh đế mà không biết, không thấy, không tùy thuận giác[105], không tùy thuận lãnh thọ[106], cho nên phải dong ruổi trường kỳ trong sanh tử. Những gì là bốn? Đó là Khổ tập Thánh đế, Khổ diệt Thánh đế, Khổ diệt đạo tích Thánh đế.

“Nhưng vì Ta cùng các ông đối với Khổ Thánh đế này đã tùy thuận giác tri, tùy thuận thâm nhập[107], nên dứt các dòng hữu[108], đoạn tận sanh tử, không tái sanh nữa; đối với Khổ tập Thánh đế, Khổ diệt Thánh đế, Khổ diệt đạo tích Thánh đế đã tùy thuận giác tri, tùy thuận thâm nhập, nên dứt các dòng hữu, đoạn tận sanh tử, không tái sanh nữa. Cho nên, các Tỳ-kheo nếu đối với bốn Thánh đế mà chưa được hiện quán, thì nên siêng năng tìm phương tiện, phát khởi ý muốn tăng thượng, tu tập hiện quán.”

Bấy giờ, Thế Tôn liền nói kệ:

Ta thường cùng các ông,

Trường kỳ lội sanh tử;

Vì không thấy Thánh đế,

Khổ lớn ngày càng tăng.

Nếu thấy bốn Thánh đế,

Dứt dòng biển hữu lớn,

Sanh tử đã trừ hết,

Không tái sanh đời sau.

Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

*

 

KINH 404. THÂN-THỨ[109]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở tại nước Ma-kiệt-đà, du hành trong nhân gian. Giữ Vương xá và Ba-la-lị-phất có một xóm Rừng trúc; tại đây vua dựng một ngôi nhà Phúc đức. Bấy giờ cùng với đại chúng dừng lại nghỉ một đêm trong nhà này. Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

“Các ông hãy cùng Ta đi đến rừng Thân-thứ[110].”

Bấy giờ, Đức Thế Tôn cùng đại chúng đi đến rừng Thân-thứ, rồi ngồi dưới bóng cây. Khi ấy, Đức Thế Tôn tay cầm nắm lá cây, hỏi các Tỳ-kheo:

“Lá cây trong nắm tay này nhiều hay lá cây trong rừng nhiều?”

Các Tỳ-kheo bạch Phật:

“Bạch Thế Tôn, lá cây trong nắm tay Phật rất ít, còn lá cây trong rừng thì nhiều vô lượng, gấp trăm, ngàn, vạn, ức lần cho đến tính toán thí dụ cũng không thể so sánh.

“Cũng vậy, này các Tỳ-kheo, Ta thành Đẳng chánh giác, những pháp mà Ta đã tự thấy, rồi tuyên thuyết[111] cho mọi người như lá cây trong tay. Vì sao? Vì pháp này[112] có lợi ích cho nghĩa[113], có ích lợi cho pháp, ích lợi cho Phạm hạnh, minh tuệ chánh giác, hướng thẳng Niết-bàn. Cũng nhiều như lá cây trong rừng lớn, chánh pháp mà Ta tự mình chứng tri, thành Đẳng chánh giác, không được Ta nói ra, cũng nhiều như thế. Vì sao? Vì những pháp ấy[114] không lợi ích cho nghĩa, không ích lợi cho pháp, không ích lợi cho Phạm hạnh, minh tuệ chánh giác, hướng thẳng Niết-bàn. Cho nên, các Tỳ-kheo, đối với bốn Thánh đế nếu chưa được hiện quán thì nên siêng năng tìm phương tiện, phát khởi ý muốn tăng thượng, tu học hiện quán.”

Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe lời Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

*

 

KINH 405. KHỔNG[115]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở tại giảng đường Trùng các, bên cạnh ao Di hầu tại Tỳ-da-ly.

Bấy giờ, Tôn giả A-nan, sáng sớm đắp y, mang bát vào thành Tỳ-da-ly khất thực. Sáng sớm hôm ấy có đám đông thiếu niên Ly-xa[116] từ trong thành đi ra đến cửa tinh xá, đem cung tên tranh nhau bắn vào lỗ trống nơi cửa tinh xá[117]. Tất cả các mũi tên đêàu lọt vào lỗ trống nơi cửa. Tôn giả A-nan thấy vậy, lấy làm lạ, thắc mắc “Các thiếu niên Ly-xa này có thể làm được một việc khó khăn như vậy!”

Sau khi Tôn giả vào thành khất thực trở về, cất y bát, rửa chân rồi đi đến chỗ Phật, cúi đầu đảnh lễ dưới chân Phật, rồi đứng lui qua một bên, bạch Phật:

“Bạch Thế Tôn, sáng sớm hôm nay, con đắp y mang bát vào thành Tỳ-da-ly khất thực, gặp có đám đông thiếu niên Ly-xa từ trong thành đi ra đến trước cửa tinh xá, đem cung tên tranh nhau bắn vào lỗ trống nơi cửa tinh xá. Tất cả các mũi tên đêàu lọt vào lỗ trống nơi cửa. Con nghĩ thầm ‘Kỳ diệu thật, các thiếu niên Ly-xa này, có thể làm được một việc khó khăn như vậy!’”

Phật bảo A-nan:

“Ngươi nghĩ thế nào? các thiếu niên Ly-xa tranh nhau bắn tên vào lỗ cửa và tất cả những mũi tên đó đều trúng vào. Việc này là khó hay chẻ một sợi lông thành trăm phần, rồi bắn trúng vào một phần sợi lông và tất cả những mũi tên đó đều trúng, là khó?”

Tôn giả A-nan bạch Phật:

“Nếu chẻ sợi lông thành trăm phần, rồi bắn vào một phần sợi lông, mỗi một phát đều trúng, điều này rất là khó.”

Phật bảo A-nan:

“Chưa bằng đối với Khổ Thánh đế mà biết như thật, thì điều này mới thật là khó hơn. Cũng vậy, đối với Khổ tập Thánh đế, Khổ diệt Thánh đế, Khổ diệt đạo tích Thánh đế mà thấy biết như thật, điều này mới thật sự là khó.”

Bấy giờ, Thế Tôn nói kệ rằng:

Sợi lông chẻ trăm phần,

Khó bắn trúng một phần.

Quán mỗi một khổ ấm,

Là phi ngã, khó hơn!

Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

*

 

KINH 406. MANH[118]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở tại giảng đường Trùng các, bên cạnh ao Di hầu tại Tỳ-da-ly, thì bấy giờ Đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

“Ví như đất liền đều biến thành biển lớn, có một con rùa mù, sống vô lượng kiếp; trăm năm mới trồi đầu lên một lần. Trong biển có một khúc gỗ nổi, chỉ có một lỗ hổng, lênh đênh trên sóng nước theo gió trôi nổi Đông Tây. Con rùa mù một trăm năm mới trồi đầu lên một lần kia, sẽ gặp được cái lỗ hổng này không?”

Tôn giả A-nan bạch Phật:

“Bạch Thế Tôn, không thể được. Vì sao? Vì con rùa mù này, nếu đến biển phía Đông, thì khúc gỗ có thể theo gió, hoặc đến biển phía Tây, Nam, Bắc. Cũng vậy, bốn phía xung quanh không dễ gì gặp được.”

Phật bảo A-nan:

“Con rùa mù và khúc gỗ nổi tuy trái chiều nhau, nhưng có thể gặp được. Phàm phu ngu si phiêu lưu trong năm đường, tạm thời được thân người còn khó hơn việc trên. Vì sao? Vì những chúng sanh này không thực hành nghĩa này, không thực hành pháp, không thực hành điều lành, không thực hành chân thật, lần lượt sát hại lẫn nhau, kẻ mạnh lấn áp người yếu, tạo ra vô lượng điều ác. Cho nên, các Tỳ-kheo, đối với bốn Thánh đế nếu chưa hiện quán, thì nên siêng năng tìm phương tiện, phát khởi ý muốn tăng thượng, tu học hiện quán.”

Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

*


[1].    Pāli, S. 12. 16. Dhammakathika.

[2].    Kiến (=hiện) pháp Bát-niết-bàn 見法般涅槃. Pāli: diṭṭhadhammanibbānapatta, chứng đắc Niết-bàn ngay trong thực tế được thấy, nghĩa là ngay trong đời này.

[3].    S. 12. 4-9. Vipassī.

[4].    Tỳ-bà-thi 毘婆尸. Pāli: Vipassī.

[5].    Pāli: kicchaṃ vatāyaṃ loko āpanno jāyati ca jīyati ca mīyati ca cavati ca uppajjati ca, quả thật thế gian này bị rơi hãm vào trong khổ nạn, sanh ra, già cỗi, chết, tiêu vong, rồi tái sanh.

[6].    Nguyên Hán: như thật vô gián đẳng 如實無間等. Xem cht.67, kinh 23.

[7].    Xem kinh 287.

[8].    Thi-khí 尸棄. (Pāli: sikkhi); Tỳ-thấp-bà-phù 毘濕波浮 (Vessabhū); Ca-la-ca-tôn-đề 羅迦孫提 (Kakusandha); Ca-na-ca-mâu-ni 迦那迦牟尼 (Koṇagāmana); Ca-diếp 迦葉 (Kassapa).

[9].    S. 12. 83. Sikkhā; 84. Yoga.

[10] Như thật hiển hiện 如實顯現. Pāli: (...) jarāmaraṇe yathābhūtaṃ sikkhā karaṇīyā, cần phải học tập để có trí tuệ như thật về già chết.

[11] Pāli, xem kinh 367.

[12] Pāli, xem kinh 366.

[13] Bồ-đề sở 菩提所, chỉ Bồ-đề đạo tràng (P. bodhimaṇḍa).

[14] Xem cht.8 kinh 366.

[15] Đại Bồ-đề sở, xem cht.13, kinh 369.

[16] Uất-tỳ-la Ni-liên-thiền hà 鬱毘羅尼連禪河. Pāli: sông Nerañjarā, ở thôn Uruvelā, chỗ Phật tắm trước khi thành đạo.

[17] Pāli, 12. 11. Āhāra.

[18] Tứ thực: thô đoàn thực, tế xúc thực, ý tư thực, thức thực 麤摶食, 細觸食, 意思食, 識食. Pāli: cattārome... āhārā (...): kabalīkāro āhāro oḷāriko vā sukhumo (thức ăn vật chất, thô hoặc tế); phasso (xúc chạm), manosañcetanā (tư duy và ý chí), viññāṇaṃ (thức).

[19] Nhân tập sanh xúc 因集生觸; nơi khác dịch: nhân tập sanh chuyển 因集生轉. Pāli: nidāna nguyên do), samudaya (tập hợp sanh khởi) , jātika (sản sanh), pabhava (xuất hiện).

[20] S. 12. 12. Phagguna.

[21] Phả-cầu-na 頗求那. Pāli: Moḷiyaphagguna.

[22] viññāṇāhāraṃ āhāretī ti

[23] Pāli: “āhāretī ti” na ahaṃ vadāmi, Ta không nói: “Nó ăn”.

[24] Pāli: ko nu kho tasatī ti, ai khát ái (khát vọng)?

[25] Bản Pāli, từ chi này trở đi, không có câu hỏi như vậy.

[26] Trong nguyên bản: đương lai hữu xúc 當來有觸; đây sửa lại là đương lai hữu chuyển . Xem cht.19 kinh 371.

[27] Ăn thịt con. Pāli, S. 12. 63. Puttamaṃsa.

[28] Đoạn tri 斷知, tức hoàn toàn đoạn trừ. Pāli: pariññāto hoti, được biến tri.

[29] S. 12. 64. Atthirāgo.

[30] Pāli: yattha paṭiṭṭhitaṃ viññāṇaṃ virūḷhaṃ atthi tattha nāmarūpassa avakkan ti, nơi nào có thức trụ và tăng trưởng, nơi đó danh sắc thác vào (hiện ra). Bản Hán: thức nhập danh sắc. Pāli: danh sắc nhập thức.

[31] Xem kinh 373 và các kinh sau.

[32] Xem kinh 375, 376 trên.

[33] Ấn Thuận, Tụng 3 Tạp nhân duyên, “4. Tương ưng đế”, gồm một trăm năm mươi kinh, nhưng chỉ sáu mươi lăm kinh có nội dung; Đại Chánh 379-443. phần lớn tương đương Pāli S.56. Sacca-Samyutta. Pāli, S. 56. 11- 12. Tathāgatena vuttā.

[34] Pāli: idaṃ dukkhaṃ ariyasaccan ti me, bhikkhave, pubbe ananussutesu dhammesu cakkhuṃ udapādi, ñāṇaṃ udapaādi, paññāṇaṃ udapādi vijjā udapādi, āloko udapādi, Này các Tỳ-kheo, đây là Khổ Thánh đế, trong các pháp mà trước đây Ta chưa từng nghe, phát sanh nhãn, phát sanh trí, phát sanh tuệ, phát sanh minh, phát sanh ánh sáng.

[35] Tri đương phục tri 智當復知.

[36] Dĩ tri dĩ xuất 知已出. Pāli: taṃ kho panidaṃ dukkhaṃ ariyasaccaṃ pariññeyyanti me, (...), taṃ kho panidṃ dukkhaṃ ariyasaccaṃ pariññātan ti me, Khổ Thánh đế này, cần biến tri, Ta đã biến tri.

[37] Dĩ tri dĩ đoạn xuất 已知已斷出. Pāli: (...) idaṃ dukkhasamudayaṃ ariyasaccaṃ pahātabban ti me (...) pahīnanti me; đây là Khổ tập Thánh đế cần phải đoạn, Ta đã đoạn.

[38] Dĩ tri dĩ tác chứng xuất 已知已作證出. Pāli: (...) idaṃ dukkhanirodham ariyasaccaṃ sacchikātabbanti me (...) sacchikatanti me, đây là Khổ diệt Thánh đế cần chứng, Ta đã chứng.

[39] Dĩ tri dĩ tu xuất 已知已修出. Pali: (...) idaṃ dukkhanirodhagāminī paṭipadā ariyasaccaṃ bhāvetabbanti me (...) bhāvitanti me, đây là Khổ diệt đạo Thánh đế cần tu, Ta đã tu.

[40] Tam chuyển thập nhị hành 三轉十二行. Pāli: tiparivattaṃ dvādasākāraṃ, ba vận chuyển, mười hai hình thái (hành tướng).

[41] Pāli: sadevake loke samārake sabrahmake sassamaṇabrāhmaṇiyā pajāya sadevamanussāya, trong thế giới gồm có chư Thiên, Ma vương, Phạm thiên, cùng giữa quần sanh loại gồm các Sa-môn, Bà-la-môn, các trời và con người.

[42] Trong bản: Kiều-trần-như憍陳如, nhưng đoạn dưới, phiên âm là Câu-lân.Pāli: Koṇḍañña .

[43] Trong nguyên bản: Câu-lân 拘鄰.

[44] A-nhã Câu-lân 阿若拘鄰. Pāli: Aññāta-Koṇḍañña.

[45] Chuyển pháp luân kinh 轉法輪經. Pāli: Dhamma cakkappa vattanasuttam.

[46] Nguyên Hán: vô gián đẳng 無間等.

[47] Nguyên bản: giác . Trưởng lão Ấn Thuận sửa lại là học .

[48] S. 56. 29. Abhiñeyyaṃ (cần được thắng tri).

[49] Xem kinh 379 và các cht. 34-37.

[50] Xem kinh 379 và các cht. 34-37.

[51] Nguyên văn: ư mạn vô minh đẳng 於慢無明等 (đối với mạn và vô minh mà cứu cánh khổ biên); Ấn Thuận sửa lại là ư mạn vô gián đẳng 於慢無間等, theo định nghĩa của kinh. Xem các kinh 23, 24: đoạn trừ ái dục, chuyển khứ chư kết, chánh vô gián đẳng; kinh 107: ư mạn khởi vô gián đẳng 於慢起無間等.

[52] S. 56. 25. Āsavakkhayo.

[53] Xem kinh 379 và các cht. 34-37.

[54] Đãi đắc kỷ lợi 逮得己利.

[55] Xem kinh 384 trên.

[56] Xem kinh 379 và các cht. 34-37.

[57] Thượng sĩ 上士. Pāli: uttamapurisa?

[58] Tham chiếu Trung A-hàm kinh 200; Pāli, M. 200. Alagadūpama-sutta: ayaṃ vuccati, bhikkhave, bhikkhu ukkhittapaligho itipi, saṃkiṇṇaparikkho itipi, abbūḷhesiko itipi, niraggaḷo itipi, ariyo pannaddhajo pannabhāro visaṃyutto itipi, Tỳ-kheo như vậy được gọi là vị đã dẹp bỏ chướng ngại vật, lấp bằng giao thông hào, nhổ bỏ cọc trụ, tháo bỏ then khóa. Xem giải thích kinh tiếp.

[59] Xem cht.58, kinh 386.

[60] Vô hữu quan kiện 無有關鍵. Pāli: niraggaḷo, vị đã tháo bỏ then cửa.

[61] Ngũ hạ phần kết, năm kết sử dẫn tái sanh Dục giới (hạ giới): thân kiến, nghi, giới cấm thủ, tham, sân; xem Trường A-hàm kinh 7. Pāli, D. 33. Saṅgīti. pañc’oram-bhāgiyāni saṃyojanāni: sakkāya-diṭṭhi, vicikicchā, sīlabbata-parāmāso, kāmacchando, vyāpādo.

[62] Bình trị thành tiệm 平治城塹. Pāli: saṃkiṇṇa-parikkha, lấp đầy các hào rãnh.

[63] Bản Pāli: saṃkiṇṇparikkho (...) ponobbhaviko jatisaṃsāro pahīno hoti, đã lấp đầy các hào rãnh, là đã đoạn trừ vòng luân chuyển tái sanh.

[64] Pāli: ukkhitta pāligho, đã dẹp bỏ chướng ngại vật.

[65] Pāli: ukkhittapaligho (...) avijjā pahīna hoti, đã dẹp bỏ chướng ngại, là đã đoạn trừ vô minh.

[66] Giải thoát kết phược 結縛. Pāli: abbhūḷhesika, đã nhổ bỏ cọc trụ.

[67] Pāli: abbhūḷhesiko (...) taṇhā pahīno hoti, đã nhổ bỏ cọc trụ, là đã đoạn trừ khát ái.

[68] Kiến lập Thánh tràng 建立聖幢. Pāli: ariyo pannaddhajo pannabhāro visaṃyutto, là vị Thánh đã hạ cờ, trút gánh nặng, bứt ràng buộc.

[69] Pāli: asmimāno pahīno, đoạn trừ phức cảm “tôi hiện hữu” (ngã mạn).

[70] S. 56. 13. Khandha; 14. Āyatana.

[71] S. 56. 12.Vajji (Koṭigāma).

[72] Tham chiếu kinh 352. Pāli, tham chiếu S. 12. 13; 56.12, na me te, bhikkhave, samaṇā vā brāhmaṇā vā samaṇesu vā samaṇasamatā brāhmaṇesu va brāhmaṇasamatā; na ca pana te āyasmanto sāmaññatthaṃ vā brāhmaññatthaṃ vā diṭṭtheva dhamme sayaṃ abhiñīa sacchikatvā... Các Sa-môn, Bà-la-môn này không phải những Sa-môn, Bà-la-môn chân chánh giữa các Sa-môn, Bà-la-môn; đối với mục đích của các Sa-môn, Bà-la-môn này, ngay trong đời này, không bằng thắng trí mà tự mình chứng nghiệm (...)

[73] Xem kinh 390.

[74] Phi Sa-môn số, phi Bà-la-môn số 非沙門, 非婆羅門數. Pāli: na (...) samaṇasaṃkhyā, brāhmaṇasaṃkhyā, không đúng danh nghĩa Sa-môn, Bà-la-môn.

[75] Xem kinh 390.

[76] Tóm tắt bảy kinh.

[77] Nguyên bản: . Ấn Thuận nghi là chữ tức : dập tắt.

[78] Pāli, S. 56. 3-4. Kulaputta.

[79] Chánh tín phi gia xuất gia học đạo 正信, 非家, 出家學道. Pāli (định cú): agārasmā anagāriyaṃ pabbajati.

[80] Tóm tắt có hai kinh.

[81] Tóm tắt có ba kinh.

[82] Tóm tắt có ba kinh.

[83] Sanh Bát-niết-bàn; năm hạng Bất hoàn, đây chỉ nêu một.

[84] Pāli, S. 56. 38. Suriyapamā.

[85] Pāli: yato ca kho, bhikkhave, tathāgato loke uppajjati (...) atha mahato ālokassa pātubhāvo (...): Như Lai xuất hiện trong đời, ánh sáng vĩ đại xuất hiện (đó là bốn Thánh đế).

[86] Pāli, như kinh 394.

[87] S. 56. 32. Khadira.

[88] Hán: …vị vô gián đẳng ...未無間等. Pāli: ahaṃ dukkhaṃ ariyasaccaṃ yathābhūtaṃ anabhisamecca,... dukkhanirodhagāminiṃ paṭipadaṃ ariyasaccaṃ yathābhūtaṃ anabhisamecca, sammā dukkhassantam karissāmīti, tôi chưa chân thật hiện quán Khổ Thánh đế,... chưa chân thật hiện quán đạo tích diệt Khổ Thánh đế, nhưng tôi sẽ chân chánh diệt tận khổ.

[89] Khư-đề-la 佉提羅. Pāli: khadira, loại cây gỗ rất cứng (Acacia Catechu),nhựa dùng làm thuốc.

[90] Bát-đàm-ma diệp 缽曇摩葉. Pāli: padumapatta: lá sen. Nguyên bản chép nhầm là thuần-đàm-ma diệp 純曇摩葉.

[91] Ma-lâu-ca 摩樓迦. Pāli: māluvā (một giống khoai); Hán âm theo Skt. māluka, một loại cây (Acimum Sanctum).

[92] S. 56. 39. Indakhīlo.

[93] Pāli: te aññassa samaṇassa vā brāhmaṇassa vā mukhaṃ ullokenti, ‘ayaṃ nūna bhavaṃ jānaṃ jānāti passaṃ passatī’ti: các Sa-môn Bà-la-môn không có nhận thức ấy trông nhìn mặt mà nói, ‘vị tôn giả này biết và đang biết, thấy và đang thấy’.

[94] Nhân-đà-la trụ 因陀羅柱. Pāli: indakhīla, cột nêu ở cổng chợ.

[95] S. 56. 40. Vādino (Vāditthika).

[96] S. 56. 34. Cela.

[97] Tăng thượng dục 增上欲. Pāli: adhimatto chando, ý muốn mãnh liệt.

[98] Nguyên bản có thiếu: Phật hỏi các Tỳ-kheo, phải làm thế nào. Tỳ-kheo trả lời: khẩn cấp dập tắt. Phật nói tiếp.

[99] Nguyên bản, câu này có vẻ thừa.

[100]. Một trăm mũi giáo. Pāli, S. 56. 35. Sattisata.

[101]. S. 56. 23. Sammāsambuddha.

[102]. Bình đẳng chánh giác 平等正覺. Pāli: abhisambuddhata, giác ngộ siêu việt.

[103]. S. 56. 21. Vajji.

[104]. Pāli gọi là xóm Koṭigāma.

[105]. Tùy thuận giác 隨順覺. Pāli: anubodha, được giác ngộ một cách phù hợp, được giác tri, liễu giải, nhận thức chính xác.

[106]. Vô tùy thuận thọ 無隨順受. Pāli: appaṭivedha, chưa được quán triệt, thông đạt.

[107]. Thuận nhập 順入; ở trên nói: tùy thuận thọ 隨順受.

[108]. Hữu lưu 有流 dòng xoáy của hữu; Pāli: bhavogha. Nhưng bản Pāli: ucchinnā bhataṇhā, cắt đứt khát ái đối với hữu.

[109]. Pāli, S. 56. 31. Siṃsapā.

[110]. Thân-thứ lâm 申恕林; rừng cây siṃsapā (loại cây Dalbergia Sissoo).

[111]. Trong bản: định thuyết . Có lẽ tuyên mà chép nhầm.

[112]. Chỉ pháp được tuyên thuyết.

[113]. Ích lợi cho mục đích . Pāli: atthasaṃhitaṃ, liên hệ đến mục đích (giải thoát).

[114]. Những pháp không được công bố.

[115]. Lỗ khóa. Pāli, S. 56. 45. Vāla (cọng lông).

[116]. Ly-xa đồng tử 離車童子. Pāli: Licchavikumāraka, con trai người Licchavi.

[117]. Tinh xá môn khổng 精舍門. Pāli: Āḷacchigaḷena, xuyên qua lỗ khóa.

[118]. Con rùa mù.

Tiêu điểm:
Các tin đã đăng: