TẠP A-HÀM QUYỂN 27
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở trong hang núi Kỳ-xà-quật, tại
thành Vương xá.
Như đã nói ở trên, nhưng có một vài sai biệt:
“Có Sa-môn, Bà-la-môn thấy như vầy, nói như vầy:
‘Không có nhân, không có duyên cho sự vô trí, vô kiến, của chúng sanh.
Không nhân, không duyên cho trí kiến của chúng sanh[2].’
Như đã nói đầy đủ... cho đến vương tử Vô Úy, sau khi nghe những gì
Đức Phật đã dạy, hoan hỷ, tùy hỷ, cúi đầu lễ dưới chân Phật, rồi lui.
*
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở trong vườn Cấp cô độc, cây Kỳ-đà,
nước Xá-vệ. Bấy giờ có số đông các Tỳ-kheo, sáng sớm đắp y mang bát vào
thành Vương xá khất thực. Lúc ấy số đông các Tỳ-kheo nghĩ như vầy: ‘Hôm
nay còn quá sớm, chưa đến giờ đi khất thực. Chúng ta hãy ghé qua tinh xá
các ngoại đạo.’ Số đông các Tỳ-kheo này liền vào tinh xá ngoại đạo, cùng
các ngoại đạo chào hỏi nhau. Sau khi chào hỏi nhau xong, ngồi qua một bên.
Các ngoại đạo hỏi Tỳ-kheo rằng:
“Sa-môn Cù-đàm vì các đệ tử nói pháp đoạn trừ năm
cái, chúng che lấp tâm làm cho tuệ lực suy kém, là phần chướng ngại, không
chuyển hướng Niết-bàn. An trụ bốn Niệm xứ, tu bảy Giác ý. Chúng tôi cũng
vậy, vì các đệ tử nói đoạn năm cái vốn che lấp tâm làm cho tuệ lực suy
giảm và khéo an trụ bốn Niệm xứ, tu bảy Giác phần. Chúng tôi cùng với
Sa-môn Cù-đàm có gì là khác nhau, đều có thể nói pháp?”
Khi các Tỳ-kheo nghe những điều
ngoại đạo nói, trong lòng không vui, bèn chỉ trích ngược lại[4],
rồi từ chỗ ngồi đứng dậy bỏ đi, vào thành Xá-vệ khất thực. Khất thực xong,
trở về tinh xá, cất y bát, rửa chân xong, đến chỗ Phật, cúi đầu đảnh lễ
dưới chân Phật, ngồi lui sang một bên, đem những lời nói của ngoại đạo
bạch đầy đủ lên Thế Tôn. Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
“Lúc ngoại đạo kia nói như vậy, các
ông nên hỏi ngược lại rằng: ‘Năm cái của ngoại đạo, chủng loại lý ưng là
mười. Bảy Giác chi, đáng ra phải là mười bốn.’ Mười của năm cái là những
gì? Mười bốn của bảy giác là những gì? Nếu hỏi như vậy, những ngoại đạo
kia sẽ tự giật mình tán loạn. Theo pháp của ngoại đạo[5],
tâm sanh sân nhuế, kiêu mạn, chê bai, hiềm hận, không nhẫn thọ, hoặc im
lặng cúi đầu, không thể biện luận, âm thầm suy nghĩ. Vì sao? Ta không thấy
người nào trong chúng chư Thiên, Ma, Phạm, Sa-môn, Bà-la-môn, Trời, Người
nghe những gì Ta nói mà hoan hỷ tùy thuận, chỉ trừ có Như Lai và chúng
Thanh văn ở đây nghe mà thôi[6].
“Này các Tỳ-kheo, mười của năm cái
là những gì? Đó là có tham dục bên trong, tham dục bên ngoài. Tham dục bên
trong kia là triền cái, là chẳng phải trí, chẳng phải đẳng giác, không
chuyển hướng đến Niết-bàn. Tham dục bên ngoài kia là cái, chẳng phải trí,
chẳng phải đẳng giác, không chuyển hướng đến Niết-bàn.
“Sân nhuế có tướng sân nhuế. Nếu
sân nhuế cùng với tướng sân nhuế[7],
tức là triền cái, chẳng phải trí, chẳng phải đẳng giác, không chuyển đến
Niết-bàn. Có thùy, có miên[8];
thùy này, miên này tức là triền cái, chẳng phải trí, chẳng phải đẳng giác,
không chuyển hướng đến Niết-bàn. Có trạo cử, có hối tiếc; trạo cử này, hối
tiếc này tức là cái[9],
chẳng phải trí, chẳng phải đẳng giác, không chuyển hướng đến Niết-bàn. Có
nghi pháp thiện, có nghi pháp bất thiện[10];
nghi pháp thiện này, nghi pháp bất thiện này tức là cái, chẳng phải trí,
chẳng phải đẳng giác, không chuyển hướng đến Niết-bàn. Đó gọi là năm cái
nói mười.
“Bảy Giác phần nói là mười bốn là
những gì? Có tâm an trú chánh niệm nơi pháp bên trong[11],
có tâm an trú chánh niệm nói pháp bên ngoài. Niệm trụ pháp bên trong này
chỉ cho Niệm giác phần, là trí, là đẳng giác, có thể chuyển hướng đến
Niết-bàn; niệm trụ pháp bên ngoài này cũng chỉ cho Niệm giác phần, là trí,
là đẳng giác, có thể chuyển hướng hướng đến Niết-bàn. Có tuyển trạch pháp
thiện, tuyển trạch pháp chẳng thiện[12].
Tuyển trạch pháp thiện kia là chỉ cho Trạch pháp giác phần, là trí, là
đẳng giác, có thể chuyển đến Niết-bàn; tuyển trạch pháp chẳng thiện kia
cũng chỉ cho Trạch pháp giác phần, là trí, là đẳng giác, có thể chuyển đến
Niết-bàn. Có tinh tấn để đoạn pháp bất thiện, có tinh tấn để nuôi lớn pháp
thiện[13].
Tinh tấn để đoạn trừ pháp bất thiện kia là chỉ cho Tinh tấn giác phần, là
trí, là đẳng giác, có thể chuyển đến Niết-bàn. Tinh tấn để nuôi lớn pháp
thiện kia cũng chỉ cho Tinh tấn giác phần, là trí, là đẳng giác, có thể
chuyển đến Niết-bàn. Có hỷ, có hỷ xứ[14].
Hỷ này là Hỷ giác phần, là trí, là đẳng giác, có thể chuyển đến Niết-bàn.
Hỷ xứ này cũng là Hỷ giác phần, là trí, là đẳng giác, có thể chuyển đến
Niết-bàn. Có thân khinh an, có tâm khinh an[15].
Thân khinh an này là Khinh an giác phần, là trí, là đẳng giác, có thể
chuyển đến Niết-bàn; tâm khinh an này cũng là Khinh an giác phần, là trí,
là đẳng giác, có thể chuyển đến Niết-bàn. Có định, có tướng định[16].
Định này chỉ cho Định giác phần, là trí, là đẳng giác, có thể chuyển đến
Niết-bàn; tướng định này cũng chỉ cho Định giác phần, là trí, là đẳng
giác, có thể chuyển đến Niết-bàn. Có xả pháp thiện, có xả pháp bất thiện[17].
Xả pháp thiện này chỉ cho Xả giác phần, là trí, là đẳng giác, có thể
chuyển đến Niết-bàn; xả pháp bất thiện này cũng chỉ cho Xả giác phần, là
trí, là đẳng giác, có thể chuyển đến Niết-bàn. Đó gọi là bảy Giác phần nói
là mười bốn.”
Sau khi Phật nói kinh này xong, các
Tỳ-kheo nghe những gì Phật đã dạy, đều hoan hỷ phụng hành.
*
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở trong vườn Cấp cô
độc, cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ có số đông các Tỳ-kheo.
Như đã nói ở trên, nhưng có một
vài sai biệt.
“Có các xuất gia ngoại đạo nói như
vậy, nên hỏi lại rằng: ‘Nếu tâm yếu kém, còn do dự, bấy giờ nên tu những
giác phần nào? Những gì tu không đúng lúc[19]?
Nếu lại tâm điệu cử[20];
với tâm điệu cử, do dự ấy, bấy giờ nên tu những giác phần nào? Và những gì
là không đúng lúc? Nếu hỏi như vậy, các ngoại đạo kia tâm sẽ giật mình,
phân tán, nói lãng sang những pháp khác; tâm sanh phẫn nhuế, kiêu mạn, hủy
báng, hiềm hận không nhẫn thọ; hoặc im lặng, cúi đầu, không thể biện luận
âm thầm suy nghĩ. Vì sao? Ta không thấy người nào trong chúng chư Thiên,
Ma, Phạm, Sa-môn, Bà-la-môn, Trời, Người nghe những gì Ta nói mà hoan hỷ
tùy thuận, chỉ trừ có Như Lai và chúng Thanh văn ở đây nghe mà thôi[21].
“Này các Tỳ-kheo, nếu lúc tâm yếu
kém, tâm do dự, thì không nên tu Khinh an giác phần, Định giác phần, Xả
giác phần. Vì sao? Khi tâm yếu kém phát sanh, vì yếu kém, do dự, các pháp
này càng làm tăng thêm yếu kém. Thí như một đóm lửa mà muốn cháy mạnh lên,
lại bỏ than tro[22]
vào. Thế nào, này Tỳ-kheo, chẳng phải vì thêm tro vào khiến cho lửa tắt
chăng?”
Tỳ-kheo bạch Phật:
“Đúng vậy, bạch Thế Tôn!”
“Cũng vậy, Tỳ-kheo, yếu đuối, do
dự, nếu tu Khinh an giác phần, Định giác phần, Xả giác phần, thì đây không
phải thời, vì tăng thêm lười biếng thôi.
“Hoặc khi tâm điệu cử khởi lên, nếu
tâm điệu cử, do dự, bấy giờ, không nên tu Trạch pháp giác phần, Tinh tấn
giác phần, Hỷ giác phần. Vì sao? Vì khi tâm điệu cử khởi lên, với tâm điệu
cử, do dự, các pháp này làm cho tăng thêm. Thí như lửa đang cháy, muốn dập
tắt mà đem cỏ khô thêm vào. Ý các ông thế nào? Há không khiến cho lửa cháy
bùng lên đó sao?”
Tỳ-kheo bạch Phật:
“Đúng vậy, bạch Thế Tôn!”
Phật bảo Tỳ-kheo:
“Khi tâm điệu cử khởi lên, nếu tâm
điệu cử, do dự, mà tu Trạch pháp giác phần, Tinh tấn giác phần, Hỷ giác
phần, làm tăng thêm điệu cử.
“Này các Tỳ-kheo, khi tâm yếu đuối
sanh khởi, nếu tâm yếu đuối, do dự. Lúc bấy giờ nên tu Trạch pháp giác
phần, Tinh tấn giác phần, Hỷ giác phần. Vì sao? Vì khi tâm yếu đuối sanh
khởi, nếu tâm yếu đuối, do dự, bằng các pháp này mà được khai thị, chỉ
giáo, khích lệ, làm cho hoan hỷû. Thí như một đóm lửa muốn cho nó cháy
lên, thì nên cho cỏ khô vào. Thế nào Tỳ-kheo! Lửa này có cháy hừng lên
không?”
Tỳ-kheo bạch Phật:
“Đúng vậy, bạch Thế Tôn!”
Phật bảo Tỳ-kheo:
“Khi tâm yếu đuối sanh khởi như
vậy, nếu tâm yếu đuối, do dự, lúc bấy giờ nên tu Trạch pháp giác phần,
Tinh tấn giác phần, Hỷ giác phần để được khai thị, chỉ giáo, khích lệ, làm
cho hoan hỷ.
“Hoặc khi tâm điệu cử sanh khởi;
nếu tâm điệu cử, do dự, thì nên tu Khinh an giác phần, Định giác phần, Xả
giác phần. Vì sao? Vì khi tâm điệu cử sanh khởi; nếu tâm điệu cử, do dự,
thì bằng các pháp này mà có thể khiến cho an trụ bên trong, nhất tâm nhiếp
trì. Thí như lửa đang cháy, muốn cho nó tắt, chỉ cần cho than tro vào, thì
lửa này sẽ tắt.
“Như vậy, này các Tỳ-kheo, nếu tâm
điệu cử, do dự, mà tu Trạch pháp giác phần, Tinh tấn giác phần, Hỷ giác
phần thì không đúng thời; nếu tu Khinh an, Định, Xả giác phần thì tự nó
mới đúng thời. Vì các pháp này khiến cho an trụ bên trong, nhất tâm, nhiếp
trì. Niệm giác phần thì hỗ trợ cho tất cả.”
Sau khi Phật nói kinh này xong, các
Tỳ-kheo nghe những gì Phật đã dạy, đều hoan hỷ phụng hành.
*
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở trong vườn Cấp cô
độc, cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ Đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
“Có năm triền cái, bảy Giác phần,
có thức ăn, không thức ăn. Nay Ta sẽ nói. Hãy lắng nghe và suy nghĩ kỹ, Ta
sẽ vì các ông mà nói. Thí như thân thể phải nhờ vào thức ăn mới tồn tại,
chứ chẳng phải không nhờ thức ăn. Cũng vậy, năm triền cái nhờ vào thức ăn
mới tồn tại, chứ chẳng phải không nhờ thức ăn.
“Tham dục triền cái lấy gì làm thức
ăn? Đó là tướng xúc[24].
Đối với tướng ấy mà không tư duy đúng[25],
tham dục chưa khởi sẽ khiến khởi; tham dục đã khởi rồi thì có thể khiến
cho tăng rộng. Đó gọi là thức ăn của dục ái triền cái[26].
“Những gì là thức ăn của sân nhuế
triền cái? Đó là tướng chướng ngại[27].
Đối với tướng ấy mà không tư duy đúng, thì sân nhuế cái chưa khởi sẽ khiến
khởi; sân nhuế cái đã khởi rồi thì có thể khiến cho tăng rộng. Đó gọi là
thức ăn của sân nhuế triền cái.
“Những gì là thức ăn của thùy miên
cái? Gồm có năm pháp. Những gì là năm? Đó là yếu đuối, chẳng vui, ngáp ợ,
ăn nhiều, lười biếng. Đối với chúng không tư duy đúng, khi thùy miên cái
chưa khởi thì khiến khởi, thùy miên cái đã khởi rồi, có thể khiến cho nó
tăng rộng. Đó gọi là thức ăn của thùy miên cái.
“Những gì là thức ăn của trạo hối?
Gồm có bốn pháp. Những gì là bốn? Đó là giác tưởng về thân thuộc, giác
tưởng về mọi người, giác tưởng về chư Thiên, giác tưởng về những khoái lạc
vốn đã tự kinh qua[28].
Tự mình nhớ nghĩ hay dò người khác khiến nhớ nghĩ mà sanh giác tưởng. Đối
với chúng khởi tư duy không chân chánh, khi trạo hối chưa khởi thì khiến
khởi; trạo hối đã khởi rồi thì có thể khiến cho nó tăng rộng. Đó gọi là
thức ăn của trạo hối.
“Những gì là thức ăn của nghi cái?
Có ba đời. Những gì là ba? Đó là đời quá khứ, đời vị lai, đời hiện tại.
Đối với đời quá khứ còn do dự, đời vị lai còn do dự, đời hiện tại còn do
dự. Đối với chúng khởi tư duy không chân chánh, nghi cái chưa khởi sẽ
khiến khởi; nghi cái đã khởi thì có thể khiến cho nó tăng rộng. Đó gọi là
thức ăn của nghi cái.
“Thí như thân thể nhờ vào thức ăn
mà được nuôi lớn, chứ chẳng phải không nhờ thức ăn. Cũng vậy, bảy Giác
phần cũng nhờ vào thức ăn mà tồn tại, nhờ vào thức ăn mà nuôi lớn, chứ
chẳng phải không nhờ ăn.
“Cái gì là chẳng phải thức ăn của
Niệm giác phần? Không tư duy về bốn Niệm xứ, Niệm giác phần chưa khởi sẽ
chẳng cho khởi; Niệm giác phần đã khởi rồi, khiến cho giảm đi. Đó gọi là
chẳng phải thức ăn của Niệm giác phần.
“Cái gì chẳng phải là thức ăn của
Trạch pháp giác phần? Lựa chọn đối với pháp thiện, lựa chọn đối với pháp
bất thiện; không tư duy đối với chúng, Trạch pháp giác phần chưa khởi sẽ
không cho khởi; Trạch pháp giác phần đã khởi sẽ khiến cho bị giảm đi. Đó
gọi là chẳng phải thức ăn của Trạch pháp giác phần.
“Những gì là chẳng phải là thức ăn
của Tinh tấn giác phần? bốn Chánh đoạn; đối với chúng không tư duy, tinh
tấn giác phần chưa khởi sẽ không khởi; Tinh tấn giác phần đã khởi sẽ khiến
cho bị giảm đi. Đó gọi là không phải thức ăn của Tinh tấn giác phần.
“Những gì là chẳng phải là thức ăn
của Hỷ giác phần? Có pháp Hỷ, có pháp hỷ xứ; đối với chúng không tư duy,
Hỷ giác phần chưa khởi sẽ không cho khởi; Hỷ giác phần đã khởi sẽ khiến
cho bị giảm đi. Đó gọi là chẳng phải thức ăn của Hỷ giác phần.
“Những gì là chẳng phải là thức ăn
của Khinh an giác phần? Có thân khinh an cùng tâm khinh an; đối với chúng
không tư duy, khi Khinh an giác phần chưa sanh sẽ không cho khởi; Khinh an
giác phần đã sanh sẽ khiến cho bị giảm đi. Đó gọi là chẳng phải thức ăn
của Khinh an giác phần.
“Những gì là chẳng phải là thức ăn
của Định giác phần? Có bốn Thiền; đối với chúng không tư duy, Định giác
phần chưa khởi sẽ không cho khởi; Định giác phần đã khởi sẽ khiến cho bị
giảm đi. Đó gọi là chẳng phải thức ăn của Định giác phần.
“Những gì là chẳng phải là thức ăn
của Xả giác phần? Có ba giới; đó là đoạn giới, vô dục giới, diệt giới; đối
với chúng không tư duy, Xả giác phần chưa khởi sẽ không cho khởi; Xả giác
phần đã khởi sẽ khiến cho bị giảm đi. Đó gọi là chẳng phải thức ăn của Xả
giác phần.
“Những gì là chẳng phải là thức ăn
của tham dục cái? Quán bất tịnh; tư duy đối với nó, tham dục cái chưa khởi
sẽ không khởi; tham dục cái đã khởi sẽ khiến cho bị dứt. Đó gọi là chẳng
phải thức ăn của tham dục cái.
“Những gì là chẳng phải thức ăn của
sân nhuế cái? Tư duy về tâm từ kia,[29]
sân nhuế cái chưa sanh sẽ không khởi; sân nhuế cái đã sanh sẽ khiến cho bị
diệt đi. Đó gọi là chẳng phải thức ăn của sân nhuế cái.
“Những gì là chẳng phải thức ăn của
thùy miên cái? Tư duy về sự chiếu sáng[30]
kia, khi thùy miên chưa sanh, không cho khởi; thùy miên đã sanh rồi, khiến
cho bị diệt đi. Đó gọi là chẳng phải thức ăn của thùy miên cái.
“Những gì là chẳng phải thức ăn của
trạo hối cái? Tư duy đúng về sự tĩnh chỉ kia, trạo hối cái chưa sanh sẽ
không khởi; trạo hối cái đã sanh sẽ khiến cho diệt đi. Đó gọi là chẳng
phải thức ăn của trạo hối cái.
“Những gì là chẳng phải thức ăn của
nghi cái? Tư duy về pháp duyên khởi, nghi cái chưa sanh sẽ không khởi;
nghi cái đã sanh sẽ khiến cho diệt đi. Đó gọi là chẳng phải thức ăn của
nghi cái.
“Thí như thân thể phải nhờ vào thức
ăn mà sống, nhờ vào ăn mà tồn tại. Những gì là thức ăn của Niệm giác phần?
Tư duy bốn Niệm xứ rồi, Niệm giác phần chưa sanh sẽ khiến cho sanh khởi;
Niệm giác phần đã sanh càng sanh khởi khiến cho tăng rộng. Đó gọi là thức
ăn của Niệm giác phần.
“Những gì là thức ăn của Trạch pháp
giác phần? Có lựa chọn pháp thiện, có lựa chọn pháp bất thiện; khi tư duy
về chúng, nếu Trạch pháp giác phần chưa sanh, khiến cho sanh khởi, Trạch
pháp giác phần đã sanh rồi, thì càng sanh khởi khiến cho tăng rộng. Đó gọi
là thức ăn của Trạch pháp giác phần.
“Những gì là thức ăn của Tinh tấn
giác phần? Tư duy về bốn Chánh đoạn, nếu Tinh tấn giác phần chưa sanh,
khiến cho sanh khởi, Tinh tấn giác phần đã sanh rồi, thì tái sanh khiến
cho tăng rộng. Đó gọi là thức ăn của Tinh tấn giác phần.
“Những gì là thức ăn của Hỷ giác
phần? Có Hỷ, có Hỷ xứ; tư duy về chúng, nếu Hỷ giác phần chưa sanh, khiến
sanh khởi; Hỷ giác phần đã sanh rồi, thì tái sanh khiến cho tăng rộng. Đó
gọi là thức ăn của Hỷ giác phần.
“Những gì là thức ăn của Khinh an
giác phần? Có thân khinh an, tâm khinh an; tư duy về chúng, nếu Khinh an
giác phần chưa sanh, khiến sanh khởi, Khinh an giác phần đã sanh rồi, thì
tái sanh khiến cho tăng rộng. Đó gọi là thức ăn của Khinh an giác phần.
“Những gì là thức ăn của Định giác
phần? Tư duy về bốn Thiền, Định giác phần chưa sanh, khiến cho sanh khởi,
Định giác phần đã sanh rồi, thì tái sanh khiến cho tăng rộng. Đó gọi là
thức ăn của Định giác phần.
“Những gì là thức ăn của Xả giác
phần? Gồm có ba giới. Những gì là ba? Đó là đoạn giới, vô dục giới, diệt
giới; tư duy về chúng, Xả giác phần chưa sanh khiến cho sanh khởi; Xả giác
phần đã sanh rồi, thì tái sanh khiến cho tăng rộng. Đó gọi là thức ăn của
Xả giác phần.”
Sau khi Phật nói kinh này xong, các
Tỳ-kheo nghe những gì Phật đã dạy, đều hoan hỷ phụng hành.
*
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở trong vườn Cấp cô
độc, cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ Đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
“Ở trong nội pháp, Ta không thấy có
một pháp nào mà pháp ác bất thiện chưa sanh lại khiến cho nó sanh; pháp ác
bất thiện đã sanh rồi, thì tái sanh khiến cho tăng rộng. Hay pháp thiện
chưa sanh, khiến cho không sanh; đã sanh rồi, khiến cho bị giảm đi. Đó là
không tư duy chân chánh.
“Này các Tỳ-kheo, không tư duy chân
chánh, tham dục cái chưa sanh khiến cho sanh; đã sanh rồi, thì tái sanh
khiến tăng rộng. sân nhuế, thùy miên, trạo hối, nghi cái chưa sanh, khiến
cho sanh; đã sanh rồi, thì tái sanh khiến cho tăng rộng. Niệm giác phần
chưa sanh, không cho sanh; đã sanh rồi, khiến giảm đi; Trạch pháp, Tinh
tấn, Hỷ, Khinh an, Định, Xả giác phần chưa sanh, không cho sanh; đã sanh
rồi, khiến giảm đi.
“Ta không thấy một pháp nào có thể
khiến cho pháp ác bất thiện chưa sanh thì không sanh; đã sanh rồi, khiến
cho đoạn; pháp thiện chưa sanh, thì khiến sanh; đã sanh rồi, thì cho tái
sanh khiến tăng rộng. Đó là tư duy chân chánh.
“Này Tỳ-kheo, tư duy chân chánh thì
tham dục cái chưa sanh, sẽ khiến không sanh; đã sanh rồi, khiến cho nó
dứt. Sân nhuế, thùy miên, trạo hối, nghi cái chưa sanh, khiến không sanh;
đã sanh rồi, khiến dứt. Niệm giác phần chưa sanh, khiến cho sanh; sanh
rồi, cho tái sanh khiến tăng rộng; Trạch pháp, Tinh tấn, Hỷ, Khinh an,
Định, Xả giác phần chưa sanh, khiến cho sanh; đã sanh rồi, thì tái sanh
khiến cho tăng rộng.”
Sau khi Phật nói kinh này xong, các
Tỳ-kheo nghe những gì Phật đã dạy, đều hoan hỷ phụng hành.
*
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở trong vườn Cấp cô
độc, cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ Đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
“Ở trong ngoại pháp, Ta không thấy
một pháp nào như là tri thức ác, bạn đảng ác mà pháp ác bất thiện chưa
sanh, khiến cho sanh, đã sanh rồi, thì tái sanh khiến cho tăng rộng; pháp
thiện chưa sanh lại khiến không sanh; đã sanh rồi lại khiến giảm đi.
“Với tri thức ác, bạn đảng ác; tham
dục cái chưa sanh, ï khiến sanh; đã sanh thì tái sanh khiến tăng rộng. Sân
nhuế, thùy miên, trạo hối, nghi cái chưa sanh khiến sanh; đã sanh rồi, thì
tái sanh khiến tăng rộng. Niệm giác phần chưa sanh, thì khiến không sanh,
đã sanh rồi khiến giảm đi; Trạch pháp, Tinh tấn, Hỷ, Khinh an, Định, Xả
giác phần chưa sanh, khiến không sanh; đã sanh rồi, khiến giảm đi.
“Này các Tỳ-kheo, Ta không thấy một
pháp nào, mà pháp ác bất thiện chưa sanh, khiến không sanh, đã sanh rồi,
khiến nó dứt; khi pháp thiện chưa sanh, khiến sanh, đã sanh rồi, thì tái
sanh khiến tăng rộng. Đó là thiện tri thức, thiện bạn đảng, thiện tùy
tùng.
“Với thiện tri thức, thiện bạn
đảng, thiện tùy tùng, tham dục cái chưa sanh, thì không cho sanh; đã sanh
rồi, thì khiến cho diệt đi; sân nhuế, thùy miên, trạo hối, nghi cái chưa
sanh, thì khiến cho không sanh, đã sanh rồi, thì khiến dứt. Niệm giác phần
chưa sanh, thì khiến sanh, đã sanh rồi, thì tái sanh khiến tăng rộng;
Trạch pháp, Tinh tấn, Hỷ, Khinh an, Định, Xả giác phần khi chưa sanh, thì
khiến sanh, đã sanh rồi, thì tái sanh khiến chúng tăng rộng.”
Sau khi Phật nói kinh này xong, các
Tỳ-kheo nghe những gì Phật đã dạy, đều hoan hỷ phụng hành.
*
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở trong vườn Cấp cô
độc, cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ Tôn giả Xá-lợi-phất bảo các Tỳ-kheo:
“Có bảy Giác phần. Những gì là bảy?
Đó là Niệm giác phần, Trạch pháp giác phần, Tinh tấn giác phần, Hỷ giác
phần, Khinh an giác phần, Định giác phần, Xả giác phần. Bảy Giác phần này
quyết định mà được, không tinh cần mà được, tôi tùy theo ý muốn mà chứng
nhập một giác phần[33].
Hoặc buổi sáng, giữa trưa, hay buổi chiều mà nếu muốn chứng nhập, thì
nhiều lần chứng nhập tùy theo sở dục. Thí như vua, đại thần, có đủ thứ y
phục để ở trong rương tráp, tùy theo nhu cầu cần dùng của mình mà vào lúc
trưa hay chiều, theo ý dùng tự do. Cũng vậy, này các Tỳ-kheo, bảy Giác
phần này, vì quyết định mà được, không tinh cần mà được, tùy ý chứng nhập.
Tôi, đối với Niệm giác phần này, là thuần trắng thanh tịnh, lúc khởi biết
khởi, lúc diệt biết diệt, lúc biến mất biết biến mất; đã khởi biết đã
khởi, đã diệt biết đã diệt. Cũng vậy, đối với Trạch pháp, Tinh tấn, Hỷ,
Khinh an, Định, Xả giác phần, thì cũng nói như vậy.”
Sau khi Tôn giả Xá-lợi-phất nói
kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Tôn giả đã nói, đều hoan hỷ phụng
hành.
*
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại ấp
Ba-liên-phất. Bấy giờ Tôn giả Ưu-ba-ma[35],
Tôn giả A-đề-mục-đa[36]
đang ngụ tại tinh xá Kê lâm ở ấp Ba-liên-phất. Bấy giờ, Tôn giả
A-đề-mục-đa vào buổi chiều sau khi từ thiền tịnh thức dậy, đến chỗ Tôn giả
Ưu-ba-ma, chào hỏi khích lệ nhau xong, ngồi lui qua một bên, hỏi Tôn giả
Ưu-ba-ma:
“Tôn giả, có thể cho biết phương
tiện của bảy Giác phần[37],
được chứng nhập với an trú lạc[38]
như vậy, hay chứng nhập với an trú khổ như vậy?”
Ưu-ba-ma đáp rằng:
“Tôn giả A-đề-mục-đa, Tỳ-kheo khéo
biết phương tiện tu bảy Giác phần thì cũng có thể chứng nhập với an trú
lạc như vậy, cũng có thể chứng nhập với an trú khổ như vậy.”
Lại hỏi:
“Tỳ-kheo làm thế nào để khéo biết
phương tiện tu bảy Giác phần?”
Ưu-ba-ma đáp rằng:
“Tỳ-kheo lúc phương tiện tu Niệm
giác phần, tư duy biết rằng[39]
‘Tâm kia không khéo giải thoát, không bỏ ngủ nghỉ, không khéo điều phục
trạo hối. Như tư duy về pháp Niệm giác xứ của ta, tuy phương tiện tinh tấn
cũng không đạt được bình đẳng.’ Cũng vậy, Trạch pháp, Tinh tấn, Hỷ, Khinh
an, Định, Xả giác phần cũng nói như vậy.
“Nếu Tỳ-kheo lúc phương tiện tu
Niệm giác phần, trước hết tư duy: ‘Tâm khéo giải thoát, dẹp bỏ ngủ nghỉ,
điều phục trạo hối, đối với pháp Niệm giác xứ này như ta tư duy rồi, sau
đó tuy không tinh cần phương tiện mà đạt được bình đẳng. Như vậy
A-đề-mục-đa, Tỳ-kheo biết phương tiện tu bảy Giác phần, chứng nhập với an
trú lạc như vậy, chứng nhập với an trú khổ như vậy.”
Sau khi hai vị Chánh sĩ cùng bàn
luận với nhau xong, mỗi người từ chỗ ngồi đứng dậy ra về.
*
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở trong vườn Cấp cô
độc, cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ Tôn giả A-na-luật cũng ở nước Xá-vệ,
trong tinh xá Tòng lâm. Lúc ấy, có số đông các Tỳ-kheo đến chỗ A-na-luật,
chào hỏi khích lệ nhau. Sau khi chào hỏi khích lệ xong, ngồi lui qua một
bên, nói với Tôn giả A-na-luật:
“Thưa Tôn giả có biết, khi phương
tiện tu bảy Giác phần, có sanh ra lạc trú không?”
Tôn giả A-na-luật bảo các Tỳ-kheo
rằng:
“Tôi biết, lúc Tỳ-kheo phương tiện
tu bảy Giác phần, sanh ra lạc trú.”
Các Tỳ-kheo hỏi Tôn giả A-na-luật:
“Thế nào là biết Tỳ-kheo khi phương
tiện tu bảy Giác phần, sanh lạc trú?”
Tôn giả A-na-luật bảo các Tỳ-kheo:
“Tỳ-kheo phương tiện tu Niệm giác
phần, mà khéo biết tư duy, tâm ta khéo giải thoát, khéo bỏ ngủ nghỉ, khéo
điều phục trạo hối. Như pháp niệm giác phần xứ này, tư duy rồi, nỗ lực
phương tiện, tâm không lười biếng, thân khinh an không loạn động, buộc tâm
an trụ, không khởi loạn niệm, nhất tâm chứng nhập. Cũng vậy, đối với Trạch
pháp, Tinh tấn, Hỷ, Khinh an, Định, Xả giác phần cũng nói như vậy. Đó gọi
là biết Tỳ-kheo lúc phương tiện tu bảy Giác phần, thì sanh ra lạc trú.”
Sau khi các Tỳ-kheo nghe những gì
Tôn giả A-na-luật đã nói, đều hoan hỷ tùy hỷ, từ chỗ ngồi đứng dậy ra về.
*
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở trong vườn Cấp cô
độc, cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ Đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
“Lúc Chuyển luân Thánh vương ra
đời, có bảy báu hiện ra ở thế gian: bánh xe vàng báu, voi báu, ngựa báu,
thần châu báu, ngọc nữ báu, quan giữ kho báu. Cũng vậy, Như Lai xuất thế
cũng có báu bảy Giác phần hiện ra.
“Trai giới[41],
ngồi trên lầu quán, đại thần vây quanh, có bánh xe vàng báu xuất hiện từ
phương Đông, bánh xe có ngàn căm, trục quay đều, vành bánh xe tròn, tướng
bánh xe đầy đủ, vua nghĩ: ‘Có điềm lành này, nên chắc chắn là Chuyển luân
Thánh vương. Ta nay nhất định là Luân vương.’ Liền dùng hai tay đỡ lấy
bánh xe vàng báu, đặt vào giữa lòng tay trái, tay phải thì quay, nói rằng:
‘Nếu đây là bánh xe vàng báu của Chuyển luân Thánh vương, thì hãy quay
theo con đường cổ xưa của Chuyển luân Thánh vương mà đi.’ Lúc ấy bánh xe
báu liền xuất phát, lăn đi phía trước vua và số đông, ở phương Đông, nương
vào hư không, nhắm hướng Đông mà đi, lăn theo con đường ngay thẳng của
Thánh vương xưa. Vua theo bánh xe báu; bốn binh chủng cùng theo. Nếu đến
nơi nào bánh xe báu dừng lại thì vua và bốn binh chủng cũng dừng lại nơi
đó. Các Tiểu vương những xứ phương Đông thấy Thánh vương đến, tất cả đều
quy phục.
“Như Lai xuất hiện ở đời cũng có
bảy Giác phần hiện ra ở thế gian; đó là Niệm giác phần, Trạch pháp giác
phần, Tinh tấn giác phần, Hỷ giác phần, Khinh an giác phần, Định giác
phần, Xả giác phần.”
Sau khi Phật nói kinh này xong, các
Tỳ-kheo nghe những gì Phật đã dạy, đều hoan hỷ phụng hành.
*
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở trong vườn Cấp cô độc, cây Kỳ-đà,
nước Xá-vệ. Bấy giờ Đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
“Lúc Chuyển luân Thánh vương xuất hiện ở đời, bảy
báu cũng hiện ra ở thế gian.
“Khi Chuyển luân Thánh vương ra đời, bánh xe vàng
báu xuất hiện như thế nào? Bấy giờ Thánh vương Quán đảnh dòng Sát-lợi,
nhằm vào ngày rằm, tắm rửa sạch sẽ, thọ trì trai giới, ở trên lầu các, đại
thần vây quanh. Khi ấy, có bánh xe vàng báu từ phương Đông xuất hiện. Bánh
xe có ngàn căm, trục quay đều, vành bánh xe tròn, tướng bánh xe đầy đủ,
bằng vàng ròng cõi trời. Vua tự nghĩ: ‘Nghe từ xa xưa truyền lại rằng,
ngày rằm nhằm ngày bố-tát, Đại vương Quán đảnh dòng Sát-lợi, tắm rửa sạch
sẽ, thọ trì trai phước, thì có bánh xe báu hiện ra. Nay cũng như ngày xưa,
đã có điềm lành này, nên biết ta là Chuyển luân Thánh vương.’ Liền dùng
hai tay đỡ lấy bánh xe vàng báu, đặt vào giữa lòng tay trái, tay phải thì
quay, nói rằng: ‘Nếu là bánh xe vàng báu của Chuyển luân Thánh vương, thì
phải quay lại con đường cổ xưa của Chuyển luân Thánh vương mà đi.’ Nói
xong lời này rồi, bấy giờ bánh xe báu liền từ trước vua nhắm hướng Đông mà
đi theo con đường ngay thẳng của Thánh vương xưa. Nhà vua cùng bốn binh
chủng theo bánh xe báu, đến phương Đông. Các Tiểu vương các nước phương
Đông thấy Thánh vương đến, đều tung hô: ‘Lành thay, hoan nghinh Đại vương
đến! Đây là nước của Đại vương. Nước này an ổn, nhân dân phồn vinh an lạc.
Xin ngài dừng lại ở đây, giáo hóa mọi người nước này. Chúng tôi thảy đều
là tùy tùng của Thiên tôn.’
Thánh vương đáp rằng:
“–Này các chủ tụ lạc, từ nay các ngươi nên khéo
giáo hóa người dân trong nước. Nếu có ai nghịch lại, thì nên đến báo cho
ta, sẽ theo như pháp luật mà giáo hóa. Chớ nên làm những điều phi pháp. Và
cũng nên khiến mọi người trong nước khéo cải hóa những điều phi pháp. Nếu
đúng như vậy, thì đó là theo sự giáo hóa của ta.
“Từ biển Đông này, Thánh vương nương theo đường của
Thánh vương xưa đến biển Nam. Rồi nương theo con đường của Thánh vương xưa
vượt biển Nam mà đến biển Tây; theo con đường của Thánh vương xưa vượt qua
biển Tây đến biển Bắc. Các Tiểu vương quốc của các phương Nam, Tây, Bắc
đều cung đón thỉnh mời cũng nói đầy đủ như phương Đông. Bấy giờ, bánh xe
vàng báu mà Thánh vương đã đi theo này vượt qua biển Bắc, trở lại trên
cung điện Chánh trị, ở giữa hư không. Đó là Chuyển luân Thánh vương khi
xuất hiện ở đời thì có bánh xe vàng báu hiện ra ở thế gian.
“Khi Chuyển luân Thánh vương xuất hiện ở đời, voi
trắng báu hiện ra ở thế gian như thế nào? Đại vương Quán đảnh dòng Sát-lợi
thấy voi hoàn toàn trắng, màu sắc nó tươi đẹp, bảy chi vững vàng[43].
Thánh vương thấy vậy, lòng hân hoan nghĩ: ‘Voi báu này, nay lại ứng hiện
đối với ta.’ Vua liền cho kêu tượng sư, người điều phục voi giỏi, bảo
nhanh chóng điều phục voi báu này, khi nào điều phục xong hãy đưa đến.
Tượng sư vâng lệnh, chưa đầy một ngày mà đã điều phục được voi; đầy đủ tất
cả dấu hiệu chứng tỏ đã được điều phục. Giống như voi khác đã được điều
phục trong một năm; con voi báu này chỉ được điều phục trong vòng một ngày
mà được như vậy. Sau khi đã điều phục xong, dẫn đến chỗ vua, tâu lên vua
rằng: ‘Voi này đã được điều phục xong, giờ xin vua biết cho.’
“Bấy giờ, Thánh vương, xem kỹ tướng
voi đã được điều phục hoàn bị này, rồi cưỡi voi báu, vào lúc sáng sớm, đi
khắp bốn biển, cho đến giữa ngày trở về vương cung. Đó gọi là khi Chuyển
luân Thánh vương xuất hiện ở đời, thì voi báu này hiện ra ở thế gian.
“Khi Chuyển luân Thánh vương xuất
hiện ở đời, thì ngựa báu hiện ra ở thế gian như thế nào? Chuyển luân Thánh
vương sở hữu một con ngựa báu, thân toàn màu xanh, đầu đen, đuôi đỏ. Thánh
vương thấy ngựa, lòng sanh hân hoan, nghĩ: ‘Ngựa thần này, nay lại ứng
hiện đối với ta.’ Vua liền giao cho mã sư, hãy nhanh chóng điều phục nó,
khi nào điều phục xong thì dẫn đến đây. Mã sư vâng lệnh, chưa đầy một ngày
mà đã điều phục được ngựa này. Giống như ngựa khác đã được điều phục cả
năm, ngựa báu này chỉ không đầy một ngày mà được điều phục như vậy. Sau
khi biết ngựa đã điều phục xong, dẫn đến chỗ vua thưa rằng: ‘Ngựa này đã
được điều phục xong.’
“Bấy giờ, Thánh vương xem kỹ tướng
ngựa báu đã được điều phục hoàn bị, rồi cưỡi ngựa báu, vào lúc sáng sớm,
đi khắp bốn biển, cho đến giữa ngày trở về vương cung. Đó gọi là khi
Chuyển luân Thánh vương xuất hiện ở đời thì ngựa báu cũng hiện ra thế
gian.
“Khi Chuyển luân Thánh vương xuất
hiện ở đời, thì ngọc báu Ma-ni hiện ra ở thế gian như thế nào? Ngọc báu mà
Chuyển luân Thánh vương sở hữu, hình dáng của nó có tám cạnh, chiếu ánh
sáng đượm, không tỳ vết, thường làm đèn sáng trong cung vua. Chuyển luân
Thánh vương thí nghiệm ngọc báu. Vào một đêm trời mưa tối tăm, cầm ngọc
báu đi trước dẫn đường, đem bốn binh chủng vào trong vườn rừng, ánh sáng
của nó tỏa rạng ra cỡ một do-tuần. Đó gọi là lúc Chuyển luân Thánh vương
xuất hiện ở đời, thì ngọc báu Ma-ni hiện ra ở thế gian.
“Khi Chuyển luân Thánh vương xuất
hiện ở đời, thì Ngọc nữ hiền báu hiện ra ở thế gian như thế nào? Ngọc nữ
mà Chuyển luân Thánh vương sở hữu, không đen không trắng, không cao không
thấp, không lớn quá, không nhỏ quá, không mập không ốm, thân thể đoan
chánh, thân thể lúc lạnh thì ấm, lúc nóng thì mát, thân thể mềm mại như áo
ca-lăng-già; những lỗ chân lông trên cơ thể toát ra mùi hương chiên-đàn,
hơi thở mũi, miệng thoảng mùi thơm Ưu-bát-la; ngủ sau dậy trước, hầu hạ
nhà vua, theo sắc mặt biết ý mà phục vụ; lời nói dịu dàng đáng yêu, đoan
tâm chánh niệm làm cho vua phát sanh đạo ý; tâm không vượt trái, huống chi
là thân và khẩu. Đó gọi là lúc Chuyển luân Thánh vương xuất hiện ở đời thì
có Ngọc nữ hiện ra thế gian.
“Khi Chuyển luân Thánh vương xuất
hiện ở đời thì thần báu chủ kho tàng hiện ra thế gian? Vì đại thần chủ kho
tàng của Chuyển luân Thánh vương, vốn hay làm việc bố thí, nên khi sanh ra
đã có thiên nhãn, có thể thấy kho tàng ẩn dấu là có chủ hay không chủ,
hoặc dưới nước hay trong đất, hoặc gần hay xa, tất cả đều thấy hết. Khi
Chuyển luân Thánh vương cần trân bảo thì lập tức ra lệnh, tùy theo chỗ cần
dùng của vua liền dâng lên. Một hôm Thánh vương muốn xem thử khả năng của
vị đại thần này, nên cho giong thuyền ra biển và bảo vị đại thần này:
“–Ta đang cần vật báu.
Đại thần tâu vua rằng:
“–Xin dừng bên bờ một chút, thần sẽ
dâng lên.
Vua bảo đại thần này:
“–Hiện tại ta không cần vật báu bên
bờ, mà cần đưa hết cho ta ngay[44]!
“Bấy giờ, ngay trong nước đại thần
liền lấy ra bốn chum vàng, bên trong đựng đầy kim bảo dâng lên Thánh
vương, tùy theo chỗ cần dùng của vua mà lấy sử dụng. Nếu lấy đủ rồi, những
kim bảo còn lại đều được trả lại trong nước. Đó gọi là Thánh vương khi
xuất hiện ở đời, thì có thần chủ kho tàng như vậy hiện ra ở thế gian.
“Khi Thánh vương xuất hiện ở đời,
có thần chủ binh hiện ra ở thế gian như thế nào? Có vị đại thần chủ binh
thông minh, tài trí, biện thông. Cũng như người ở thế gian thành tựu sự
suy tính khéo léo, thần này tùy theo chỗ cần của Đại vương mà đáp ứng như
cần đi, cần dừng lại, cần xuất, cần nhập; hay bốn loại binh chủng của
Thánh vương đang hành quân đường xa chợt dừng lại vẫn khiến không bị mệt
mỏi; biết tất cả những gì vua cần nên làm, cùng những việc có công đức
ngay trong hiện tại và đời sau đem trình tâu Thánh vương. Đó gọi là lúc
Chuyển luân Thánh vương xuất hiện ở đời, có sự xuất hiện của thần chủ
binh. Cũng vậy, khi Như Lai, Ứng Cúng, Đẳng Chánh Giác xuất hiện ở đời, có
bảy Giác phần hiện ra ở thế gian.
“Những gì là bảy? Đó là Niệm giác
phần, Trạch pháp giác phần, Tinh tấn giác phần, Hỷ giác phần, Khinh an
giác phần, Định giác phần, Xả giác phần.”
Sau khi Phật nói kinh này xong, các
Tỳ-kheo nghe những gì Phật đã dạy, đều hoan hỷ phụng hành.
*
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở trong vườn Cấp cô
độc, cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ Đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
“Lành thay, Tỳ-kheo! Nương[46]
vào người mà nghe pháp, các Tỳ-kheo trẻ tuổi nên cúng dường, phụng sự các
vị Trưởng lão tôn túc. Vì sao? Vì nếu Tỳ-kheo nhỏ tuổi nào cúng dường,
phụng sự các vị Tỳ-kheo Trưởng lão, thì lúc nào cũng nghe được pháp thâm
diệu. Sau khi đã nghe pháp thâm diệu rồi, sẽ thành tựu được hai việc chánh
là thân chánh và tâm chánh; bấy giờ tu Niệm giác phần. Sau khi tu Niệm
giác phần rồi, Niệm giác phần sẽ đầy đủ. Khi Niệm giác phần đã đầy đủ rồi,
đối với pháp lựa chọn, phân biệt, suy lường; bấy giờ, phương tiện tu tập
Trạch pháp giác phần, chi tiết cho đến, tu tập Xả giác phần sẽ đều đầy
đủ.”
Sau khi Phật nói kinh này xong, các
Tỳ-kheo nghe những gì Phật đã dạy, đều hoan hỷ phụng hành.
*
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở trong vườn Cấp cô
độc, cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ Đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
“Nếu Tỳ-kheo trì giới, tu đức, có
tàm quý, thành tựu pháp chân thật. Người nào thấy vị này, sẽ được nhiều
quả báo. Hoặc lại nghe vị này, hoặc còn nhớ nghĩ đến, theo xuất gia, sẽ
được nhiều công đức; huống chi là lại gần gũi, cung kính, phụng sự. Vì
sao? Vì gần gũi, phụng sự người như vậy, thì lúc nào cũng sẽ được nghe
pháp thâm diệu. Sau khi đã nghe pháp thâm diệu rồi, sẽ thành tựu hai việc
chánh là thân chánh và tâm chánh, phương tiện tu tập Định giác phần. Sau
khi đã tu tập rồi, sự tu tập sẽ đầy đủ… cho đến, Xả giác phần tu tập đầy
đủ.”
Sau khi Phật nói kinh này xong, các
Tỳ-kheo nghe những gì Phật đã dạy, đều hoan hỷ phụng hành.
]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở trong vườn Cấp cô
độc, cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ Đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
“Nói tụ bất thiện là nói năm triền
cái, đó là chánh thuyết. Vì sao? Tụ thuần bất thiện, đó chính là năm triền
cái. Những gì là năm? Đó là tham dục cái, sân nhuế cái, thùy miên cái,
trạo hối cái và nghi cái.
“Nói tụ thiện là nói bảy Giác phần,
đó là chánh thuyết. Vì sao? Thuần nhất thanh tịnh, đó chính là bảy Giác
phần. Những gì là bảy? Đó là Niệm giác phần, Trạch pháp giác phần, Tinh
tấn giác phần, Hỷ giác phần, Khinh an giác phần, Định giác phần, Xả giác
phần.”
Sau khi Phật nói kinh này xong, các
Tỳ-kheo nghe những gì Phật đã dạy, đều hoan hỷ phụng hành.
*
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tinh xá Giáp cốc[50]
thành Vương xá. Khi ấy Tôn giả A-nan cũng ở tại đó.
Bấy giờ, Tôn giả ở một mình nơi
vắng, thiền tịnh tư duy và nghĩ như vầy: ‘Một nửa phạm hạnh tức là thiện
tri thức, thiện bạn đảng, thiện tùy tùng, chẳng phải là ác tri thức, ác
bạn đảng, ác tùy tùng.’
Rồi Tôn giả từ thiền tịnh tỉnh
giấc, đi đến chỗ Phật, cúi đầu đảnh lễ dưới chân Phật, rồi ngồi lui qua
một bên, bạch Phật rằng:
“Bạch Thế Tôn, Con ở một mình nơi
vắng, thiền định tư duy và nghĩ như vầy: ‘Một nửa phạm hạnh này là thiện
tri thức, thiện bạn đảng, thiện tùy tùng, chẳng phải là ác tri thức, ác
bạn đảng, ác tùy tùng’.”
Phật bảo A-nan:
“Chớ nghĩ như vầy: ‘Một nửa phạm
hạnh này là thiện tri thức, thiện bạn đảng, thiện tùy tùng, chẳng phải là
ác tri thức, ác bạn đảng, ác tùy tùng.’ Vì sao? Thuần nhất mãn tịnh, phạm
hạnh thanh bạch[51],
chính là thiện tri thức, thiện bạn đảng, thiện tùy tùng, chẳng phải là ác
tri thức, ác bạn đảng, ác tùy tùng. Vì Ta là thiện tri thức nên có chúng
sanh ở nơi Ta mà tiếp nhận Niệm giác phần, y viễn ly, y vô dục, y tịch
diệt, hướng đến xả. Cũng vậy, Trạch giác phần, Tinh tấn giác phần, Hỷ,
Khinh an, Định và Xả giác phần, y viễn ly, y vô dục, y tịch diệt, hướng
đến xả. Vì vậy cho nên, A-nan, thuần nhất mãn tịnh, phạm hạnh thanh bạch
chính là thiện tri thức, thiện bạn đảng, thiện tùy tùng, chẳng phải là ác
tri thức, ác bạn đảng, ác tùy tùng.”
Sau khi Phật nói kinh này xong, các
Tỳ-kheo nghe những gì Phật đã dạy, đều hoan hỷ phụng hành.
*
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại tụ lạc Lực sĩ,
du hành trong nhân gian, đến khoảng giữa thành Câu-di-na-kiệt và sông
Hy-liên, ở cạnh tụ lạc. Bấy giờ Thế Tôn bảo Tôn giả A-nan:
“Hôm nay, Ta bị đau lưng, muốn nằm
nghỉ một chút. Hãy gấp Uất-đa-la-tăng làm bốn lớp cho Thế Tôn.”
Tôn giả A-nan liền vâng lời dạy,
gấp làm bốn lớp, trải Uất-đa-la-tăng xong bạch Phật rằng:
“Bạch Thế Tôn con đã gấp làm bốn
lớp và đã trải Uất-đa-la-tăng rồi, xin Thế Tôn biết cho!”
Bấy giờ, Thế Tôn gối đầu lên
Tăng-già-lê gấp dày, nằm nghiêng hông bên phải, hai chân xếp chồng nhau,
cột niệm vào tướng sáng, chánh niệm chánh trí, với giác tưởng muốn trỗi
dậy, bảo Tôn giả A-nan:
“Ông hãy nói về bảy Giác phần.”
Tôn giả A-nan liền bạch Phật:
“Bạch Thế Tôn, đó là Niệm giác
phần, được Thế Tôn nói sau khi tự giác ngộ, thành Đẳng chánh giác, y viễn
ly, y vô dục, y diệt, hướng đến xả. Và đối với Trạch pháp, Tinh tấn, Hỷ,
Khinh an, Định, Xả giác phần, được Thế Tôn nói sau khi thành Đẳng chánh
giác, y viễn ly, y dục, y diệt, hướng đến xả.”
Phật bảo A-nan:
“Ông nói tinh tấn chăng?”
A-nan bạch Phật:
“Bạch Thế Tôn, con nói tinh tấn.
Bạch Thiện Thệ, con nói tinh tấn.”
Phật bảo A-nan:
“Chỉ tu tập tinh tấn, tu tập nhiều,
sẽ được Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.”
Nói xong, Ngài ngồi ngay thẳng, cột
niệm. Lúc này, có một Tỳ-kheo liền nói kệ rằng:
Thích nghe pháp vi diệu,
Chịu đau, bảo người
nói;
Tỳ-kheo liền nói pháp,
Nói về bảy Giác phần.
Lành thay! Ngài A-nan,
Hiểu rõ khéo diễn thuyết;
Pháp thanh thịnh thù thắng,
Nói lìa cấu vi diệu.
Niệm, Trạch pháp, Tinh tấn,
Hỷ, Khinh an,
Định, Xả;
Đó là bảy Giác phần,
Pháp vi diệu khéo nói.
Nghe nói bảy Giác phần,
Đạt sâu vị Chánh giác;
Thân chịu nhiều đau nhức,
Gắng chịu ngồi lắng nghe.
Hãy nhìn vua chánh pháp,
Thường
vì người
nói năng;
Mà còn thích nghe nói,
Huống chi người
chưa
nghe.
Trí tuệ lớn bậc nhất,
Mười
lực, bậc đáng lễ;
Ngài cũng lại vội vàng,
Đến nghe nói Chánh pháp.
Người
hiểu biết thông đạt,
Khế kinh, A-tỳ-đàm;
Người
thông suốt Pháp luật,
Còn nghe huống chi người.
Nghe nói pháp như
thật,
Chuyên tâm tĩnh giác nghe;
Những pháp Phật đã dạy,
Được
lìa dục, vui sướng.
Vui sướng
thân nhẹ nhàng,
Tâm tự vui cũng vậy;
Tâm vui được
chứng nhập,
Chánh quán trong việc làm.
Nhàm chán ba đường
ác,
Lìa dục tâm giải thoát;
Chán các Hữu đường
ác,
Không tạo nhân Trời, Người.
Vô dư,
như
đèn tắt,
Cứu cánh Bát-niết-bàn;
Nghe pháp nhiều phước
lợi,
Những lời dạy tối thắng;
Cho nên luôn tư
duy,
Nghe lời Đại Sư dạy.
Tỳ-kheo này nói kệ xong, từ chỗ
ngồi đứng dậy mà đi.
*
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở trong vườn Cấp cô
độc, cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ Đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
“Có bảy Giác phần. Những gì là bảy?
Đó là Niệm giác phần,… cho đến Xả giác phần.”
Sau khi Phật nói kinh này xong, các
Tỳ-kheo nghe những gì Phật đã dạy, đều hoan hỷ phụng hành.
*
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở trong vườn Cấp cô
độc, cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ Đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
“Nên tu tập bảy Giác phần. Tu tập
những gì là bảy Giác phần? Là Niệm giác phần,… cho đến Xả giác phần. Nếu
Tỳ-kheo tu Niệm giác phần, y viễn ly, y vô dục, y diệt, hướng đến xả. Cũng
vậy, tu Trạch pháp, Tinh tấn, Hỷ, Ỷ, Định và Xả giác phần, y viễn ly, y vô
dục, y diệt, hướng đến xả.”
Sau khi Phật nói kinh này xong, các
Tỳ-kheo nghe những gì Phật đã dạy, đều hoan hỷ phụng hành.
*
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở trong vườn Cấp cô
độc, cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ Đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
Như đã nói ở trên, nhưng có một
vài sai biệt.
“Các Tỳ-kheo, quá khứ đã tu bảy
Giác phần như vậy, vị lai cũng sẽ tu bảy Giác phần như vậy.”
Sau khi Phật nói kinh này xong, các
Tỳ-kheo nghe những gì Phật đã dạy, đều hoan hỷ phụng hành.
*
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở trong vườn Cấp cô
độc, cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ Đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
“Tỳ-kheo đối với Niệm giác phần
thanh tịnh, trắng tinh, không có chi tiết, lìa các phiền não; giác chi ấy
chưa khởi thì không khởi, trừ phi có Phật điều phục giáo thọ[57].
Cho đến Xả giác phần cũng nói như vậy.
“Nếu Tỳ-kheo đối với Niệm giác phần
thanh tịnh, trắng tinh, không có chi tiết, lìa các phiền não; giác chi ấy
chưa khởi thì khởi, vì được Phật điều phục giáo thọ, không phải khác. Cho
đến Xả giác phần cũng nói như vậy.”
Sau khi Phật nói kinh này xong, các
Tỳ-kheo nghe những gì Phật đã dạy, đều hoan hỷ phụng hành.
*
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở trong vườn Cấp cô
độc, cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ Đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
Như đã nói ở trên, nhưng có một
vài sai biệt.
“Giác chi chưa khởi không khởi, vì
không có Thiện Thệ. Giác chi chưa khởi thì khởi, có Thiện Thệ điều phục
giáo thọ, không phải khác.”
Sau khi Phật nói kinh này xong, các
Tỳ-kheo nghe những gì Phật đã dạy, đều hoan hỷ phụng hành.
*
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở trong vườn Cấp cô
độc, cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ có Tỳ-kheo đến chỗ Đức Phật, cúi đầu
đảnh lễ dưới chân, rồi ngồi lui qua một bên, bạch Phật rằng:
“Bạch Thế Tôn, gọi là giác phần.
Bạch Thế Tôn, thế nào là giác phần?”
Phật bảo Tỳ-kheo:
“Giác phần là bảy pháp Đạo phẩm[60].
Nhưng này các Tỳ-kheo, bảy Giác phần phải theo thứ tự mà khởi, được tu tập
đầy đủ.”
Tỳ-kheo bạch Phật:
“Bạch Thế Tôn, thế nào là giác phần
theo thứ tự mà khởi và tu tập đầy đủ?”
Phật bảo Tỳ-kheo:
“Nếu Tỳ-kheo sống quán thân trên
nội thân. Vị kia khi sống quán nội thân trên thân, nhiếp tâm cột niệm
không quên, lúc bấy giờ phương tiện tu tập Niệm giác phần. Sau khi đã
phương tiện tu tập Niệm giác phần, tu tập mãn túc. Khi Niệm giác phần đã
được mãn túc, đối với pháp mà tuyển trạch, phân biệt, tư lường, lúc bấy
giờ phương tiện tu tập Trạch pháp giác phần. Sau khi đã phương tiện tu
tập, tu tập mãn túc. Như vậy cho đến tu tập mãn túc Xả giác phần. Như sống
quán niệm nội thân trên thân, sống quán niệm ngoại thân, nội ngoại thân,
thọ, tâm, pháp cũng vậy, lúc bấy giờ, chuyên tâm, cột niệm, không quên,…
cho đến Xả giác phần cũng nói như vậy. An trú như vậy, thì giác phần khởi
theo thứ tự; khi đã khởi theo thứ tự rồi, tu tập mãn túc.”
Sau khi Phật nói kinh này xong, các
Tỳ-kheo nghe những gì Phật đã dạy, đều hoan hỷ phụng hành.
*
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở trong vườn Cấp cô
độc, cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ Đức Thế Tôn bảo Tỳ-kheo kia:
Như đã nói trên, nhưng có một vài
sai biệt.
“Nếu Tỳ-kheo đã tu tập bảy Giác
phần như vậy, sẽ được hai loại quả: Hiện tại lậu tận mà Vô dư Niết-bàn,
hoặc được quả A-na-hàm.”
Sau khi Phật nói kinh này xong, các
Tỳ-kheo nghe những gì Phật đã dạy, đều hoan hỷ phụng hành.
*
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở trong vườn Cấp cô
độc, cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ.
Như đã nói ở trên, nhưng có một
vài sai biệt.
“Tỳ-kheo sau khi tu tập bảy Giác
phần như vậy, tu tập nhiều, sẽ được bốn quả, bốn
phước lợi. Những gì là bốn? Là quả
Tu-đà-hoàn, quả Tư-đà-hàm, quả A-na-hàm và quả A-la-hán.”
Sau khi Phật nói kinh này xong, các
Tỳ-kheo nghe những gì Phật đã dạy, đều hoan hỷ phụng hành.
*
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở trong vườn Cấp cô
độc, cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ.
Như đã nói ở trên, nhưng có một
vài sai biệt.
“Nếu Tỳ-kheo tu tập bảy Giác phần,
tu tập nhiều, sẽ được bảy quả, bảy phước lợi. Những gì là bảy? Đó là
Tỳ-kheo được niềm vui chứng chánh trí trong đời hiện tại[64].
Hoặc lúc qua đời, mà không được niềm vui chứng chánh trí trong đời hiện
tại[65],
nhưng lúc qua đời mà đoạn tận năm hạ phần kết, đạt được Trung
Bát-niết-bàn. Nếu không được Trung Bát-niết-bàn, thì được Sanh
Bát-niết-bàn. Nếu không được Sanh Bát-niết-bàn, thì được Vô hành
Bát-niết-bàn. Nếu không được Vô hành Bát-niết-bàn, thì được Hữu hành
Bát-niết-bàn. Nếu không được Hữu hành Bát-niết-bàn, thì được Thượng lưu
Bát-niết-bàn.”
Sau khi Phật nói kinh này xong,
Tỳ-kheo nọ nghe những gì Phật đã dạy, hoan hỷ phụng hành.
*
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở trong vườn Cấp cô
độc, cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ Đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
“Gọi là giác phần, vậy thế nào là
giác phần?”
Các Tỳ-kheo bạch Phật:
“Thế Tôn là gốc pháp, là con mắt
pháp, là nơi pháp y cứ; xin vì chúng con mà nói, các Tỳ-kheo sau khi nghe
xong sẽ lãnh thọ thực hành theo.”
Phật bảo các Tỳ-kheo:
“Bảy Giác phần là bảy pháp Đạo phẩm[67].
Các Tỳ-kheo, bảy Giác phần này theo thứ lớp khởi, khi đã theo thứ lớp khởi
rồi, thì sự tu tập sẽ đầy đủ”.
Các Tỳ-kheo bạch Phật:
“Thế nào là bảy Giác phần theo thứ
lớp mà khởi. Sau khi theo thứ lớp khởi, sự tu tập được đầy đủ?”
“Nếu Tỳ-kheo an trụ chánh niệm quán
thân trên thân. Vị ấy sau khi an trụ chánh niệm quán thân trên thân,
chuyên tâm cột niệm không quên, lúc bấy giờ tinh cần phương tiện tu Niệm
giác phần. Sau khi tinh cần phương tiện tu Niệm giác phần, sự tu tập được
đầy đủ. Nghĩa là khi đã tu Niệm giác phần rồi, thì tuyển trạch pháp, lúc
bấy giờ tinh cần phương tiện tu tập Trạch pháp giác phần. Sau khi tinh cần
phương tiện tu Trạch pháp giác phần rồi, sự tu tập được đầy đủ. Cũng vậy,
đối với Tinh tấn, Hỷ, Khinh an, Định và Xả giác phần cũng nói như vậy. Như
nội thân, cũng vậy an trụ chánh niệm quán ngoại thân, nội ngoại thân, thọ,
tâm, pháp trên pháp, chuyên tâm, cột niệm, không quên lúc bấy giờ tinh cần
phương tiện tu Niệm giác phần. Sau khi tinh cần phương tiện tu Niệm giác
phần, sự tu tập được đầy đủ. Cho đến Xả giác phần cũng nói như vậy. Đó gọi
là Tỳ-kheo đối với bảy Giác phần theo thứ lớp khởi; khi đã theo thứ lớp
khởi rồi, sự tu tập đầy đủ.”
Sau khi Phật nói kinh này xong, các
Tỳ-kheo nghe những gì Phật đã dạy, đều hoan hỷ phụng hành.
*
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở trong vườn Cấp cô
độc, cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ Đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
Như đã nói ở trên, nhưng có một
vài sai biệt.
“Tu tập bảy Giác phần này, tu tập
nhiều, sẽ được hai quả: Hiện tại chứng trí; hoặc còn hữu dư y, chứng quả
A-na-hàm[69].”
Sau khi Phật nói kinh này xong, các
Tỳ-kheo nghe những gì Phật đã dạy, đều hoan hỷ phụng hành.
*
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở trong vườn Cấp cô
độc, cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ Đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
Như đã nói ở trên, nhưng có một
vài sai biệt.
“Nếu Tỳ-kheo tu tập bảy Giác phần,
tu tập nhiều, sẽ được bốn quả. Những gì là bốn? Đó là quả Tu-đà-hoàn, quả
Tư-đà-hàm, quả A-na-hàm và quả A-la-hán.”
Sau khi Phật nói kinh này xong, các
Tỳ-kheo nghe những gì Phật đã dạy, đều hoan hỷ phụng hành.
*
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở trong vườn Cấp cô
độc, cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ.
Như đã nói ở trên, nhưng có sự sai
biệt:
“Nếu Tỳ-kheo tu tập bảy Giác phần,
tu tập nhiều, sẽ được bảy quả. Những gì là bảy? Đó là hiện tại chánh trí
hữu dư Niết-bàn. Cho đến khi qua đời, nếu không vậy[72].
Nếu không như vậy, năm hạ phần kết hết, đạt được Trung Bát-niết-bàn. Nếu
không như vậy, sẽ được Sanh Bát-niết-bàn. Nếu không như vậy, sẽ được Vô
hành Bát-niết-bàn. Nếu không như vậy, sẽ được Hữu hành Bát-niết-bàn. Nếu
không như vậy, sẽ được Thượng lưu Bát-niết-bàn.”
Sau khi Phật nói kinh này xong, các
Tỳ-kheo nghe những gì Phật đã dạy, đều hoan hỷ phụng hành.
*
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở trong vườn Cấp cô
độc, cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ Đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
“Nên tu Bất tịnh quán. Sau khi tu
tập nhiều rồi, sẽ được quả lớn, phước lợi lớn. Thế nào là tu Bất tịnh quán
và khi tu tập nhiều rồi, sẽ được quả lớn, phước lợi lớn? Tỳ-kheo ấy tu Bất
tịnh quán song hành với Niệm giác phần, y viễn ly, y vô dục, y diệt, hướng
đến xả. Tu Trạch pháp, Tinh tấn, Hỷ, Khinh an, Định, Xả giác phần, y viễn
ly, y vô dục, y diệt, hướng đến xả.”
Sau khi Phật nói kinh này xong, các
Tỳ-kheo nghe những gì Phật đã dạy, đều hoan hỷ phụng hành.
*
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở trong vườn Cấp cô
độc, cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ Đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
“Nếu Tỳ-kheo nào tu tập niệm tưởng
về sự chết, tu tập nhiều, sẽ được quả lớn, phước lợi lớn. Thế nào là
Tỳ-kheo tu tập niệm tưởng về sự chết, tu tập nhiều, sẽ được quả lớn, phước
lợi lớn? Tỳ-kheo tu tập niệm tưởng về sự chết cùng Niệm giác phần, y viễn
ly, y vô dục, y diệt, hướng đến xả,… cho đến Xả giác phần.”
Sau khi Phật nói kinh này xong, các
Tỳ-kheo nghe những gì Phật đã dạy, đều hoan hỷ phụng hành.
*
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại ấp Hoàng chẩm[76]
của dòng họ Thích. Bấy giờ, buổi sáng sớm, số đông các Tỳ-kheo đắp y mang
bát vào ấp Hoàng chẩm khất thực. Lúc ấy số đông các Tỳ-kheo nghĩ: ‘Nay còn
rất sớm, chưa đến giờ khất thực. Chúng ta có thể ghé vào tinh xá ngoại
đạo.’ Sau đó số đông các Tỳ-kheo liền vào tinh xá ngoại đạo, cùng các xuất
gia ngoại đạo chào hỏi khích lệ nhau, rồi ngồi đối diện một bên. Các xuất
gia ngoại đạo hỏi:
“Sa-môn Cù-đàm vì các đệ tử nói
pháp như vầy: ‘Không đoạn trừ năm triền cái vốn làm phiền não tâm, tuệ lực
suy yếu, là phần chướng ngại, không đưa đến Niết-bàn. Nếu khéo nhiếp tâm
mình, an trụ bốn Niệm xứ, tâm câu hữu với Từ, không oán hận, không tật đố,
cũng không sân nhuế, rộng lớn vô lượng, khéo tu tập sung mãn, bốn phương,
bốn duy, phương trên, phương dưới, tất cả thế gian. Tâm câu hữu với Từ,
không oán hận, không tật đố, cũng không sân nhuế, rộng lớn vô lượng, khéo
tu tập sung mãn. Cũng vậy, tu tập tâm hợp với Bi, Hỷ, Xả cũng nói như
vậy.’ Chúng tôi cũng vì các đệ tử nói như vậy. Vậy chúng tôi cùng với
Sa-môn Cù-đàm kia có những gì khác nhau? Nghĩa là cả hai đều nói pháp!”
Khi các Tỳ-kheo nghe những lời của
các xuất gia ngoại đạo nói lòng không vui, im lặng, không chỉ trích, từ
chỗ ngồi đứng dậy, đi vào ấp Hoàng chẩm khất thực. Khất thực xong rồi trở
về lại tinh xá, cất y bát, rửa chân xong, đến chỗ Phật, cúi đầu đảnh lễ
dưới chân, rồi ngồi lui qua một bên, đem những lời của các xuất gia ngoại
đạo kia trình lại đầy đủ lên Thế Tôn. Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
“Theo những lời nói của các xuất
gia ngoại đạo kia, các ông nên hỏi lại là: Tu tập Từ tâm lấy gì làm chỗ
tối thắng?[77]
Tu tập Bi, Hỷ, Xả tâm lấy gì làm tối thắng? Khi được hỏi như vậy, của các
xuất gia ngoại đạo kia trong lòng giật mình kinh hãi, hoặc nói quàng sang
chuyện khác, hoặc nổi giận, khinh mạn, chê bai, phản đối, không nhẫn thọ,
hoặc im lặng, buồn hiu, cúi đầu không nói lời nào, lặng lẽ tư duy. Vì sao?
Vì Ta không thấy ai trong chúng chư Thiên, Ma, Phạm, Sa-môn, Bà-la-môn,
Trời, Người nghe những điều Ta nói mà tùy thuận ưa thích, chỉ trừ Như Lai
và chúng Thanh văn.
“Tỳ-kheo, tâm câu hữu với Từ, tu
tập nhiều, tịnh là tối thắng[78];
Bi tâm tu tập, tu tập nhiều, Không nhập xứ là tối thắng[79];
Hỷ tâm tu tập, tu tập nhiều, Thức nhập xứ là tối thắng; Xả tâm tu tập, tu
tập nhiều, Vô hữu nhập xứ là tối thắng.”
Sau khi Phật nói kinh này xong, các
Tỳ-kheo nghe những gì Phật đã dạy, đều hoan hỷ phụng hành.
*
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở trong vườn Cấp cô
độc, cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ Đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
“Nếu Tỳ-kheo tu tập Từ tâm, tu tập
nhiều, sẽ được quả lớn, phước lợi lớn. Thế nào là Tỳ-kheo tu tập Từ tâm sẽ
được quả lớn, phước lợi lớn? Tỳ-kheo, tâm câu hữu với Từ, tu Niệm giác
phần, y viễn ly, y vô dục, y diệt, hướng đến xả. Cho đến tu tập Xả giác
phần, y vào viễn ly, y vào vô dục, y vào diệt hướng đến xả.”
Sau khi Phật nói kinh này xong, các
Tỳ-kheo nghe những gì Phật đã dạy, đều hoan hỷ phụng hành.
*
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở trong vườn Cấp cô
độc, cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ Đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
“Nếu Tỳ-kheo tu Không nhập xứ, tu
tập nhiều, sẽ được quả lớn, phước lợi lớn. Thế nào là Tỳ-kheo tu Không
nhập xứ, khi tu tập nhiều rồi sẽ được quả lớn, phước lợi lớn? Tỳ-kheo tâm
câu hữu với Không nhập xứ, tu Niệm giác phần, y viễn ly, y vô dục, y diệt,
hướng đến xả. Cho đến tu tập Xả giác phần, y viễn ly, y vô dục, y diệt,
hướng đến xả.”
Sau khi Phật nói kinh này xong, các
Tỳ-kheo nghe những gì Phật đã dạy, đều hoan hỷ phụng hành.
Như tu Không nhập xứ, cũng vậy ba
kinh Thức nhập xứ, Vô sở hữu xứ, Phi tưởng phi phi tưởng nhập xứ cũng nói
như trên.
*
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở trong vườn Cấp cô
độc, cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ Đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
“Nếu Tỳ-kheo tu tập A-na-ban-na
niệm[83],
tu tập nhiều, sẽ được quả lớn, phước lợi lớn. Thế nào là tu tập
An-na-ban-na niệm, tu tập nhiều, sẽ được quả lớn, phước lợi lớn? Tỳ-kheo
tâm câu hữu với An-na-ban-na niệm, tu Niệm giác phần, y viễn ly, y vô dục,
y diệt hướng đến xả,… cho đến tu Xả giác phần, y viễn ly, y vô dục, y diệt
hướng đến xả.”
Sau khi Phật nói kinh này xong, các
Tỳ-kheo nghe những gì Phật đã dạy, đều hoan hỷ phụng hành.
*
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở trong vườn Cấp cô
độc, cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ Đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
“Nếu Tỳ-kheo tu Vô thường tưởng, tu
tập nhiều, sẽ được quả lớn, phước lợi lớn. Thế nào là Tỳ-kheo tu Vô thường
tưởng, tu tập nhiều, sẽ được quả lớn, phước lợi lớn? Tỳ-kheo tâm[85]
câu hữu với Vô thường tưởng, tu Niệm giác phần,
y viễn ly, y vô dục, y diệt hướng đến xả,…
cho đến tu Xả giác phần, y viễn ly, y vô dục, y diệt hướng đến xả.”
Sau khi Phật nói kinh này xong, các
Tỳ-kheo nghe những gì Phật đã dạy, đều hoan hỷ phụng hành.
Như Vô thường tưởng, cũng vậy hai
mươi kinh: Vô thường khổ tưởng, Khổ vô ngã tưởng, Quán thực tưởng, Tất cả
thế gian không khả lạc tưởng, Tận tưởng, Đoạn tưởng, Vô dục tưởng, Diệt
tưởng, Hoạn tưởng, Tư tưởng,[86]
Bất tịnh tưởng, Thanh ứ tưởng, Nùng nội tưởng, Phùng trướng tưởng, Hoại
tưởng, Thực bất tận tưởng, Huyết tưởng, Phân ly tưởng, Cốt tưởng, Không
tưởng, mỗi một kinh cũng nói như trên.
*
[1].
Đại Chánh quyển 27. Phật Quang quyển 27.
Quốc Dịch quyển 24. Pāli, S.46.56
Abhya.
[2].
Bản Pāli,
quan điểm của
Puraṇa
Kassapa:
natthi hetu natthi paccayo aññāya adassanāya ahetu
apaccayo aññānaṃ adassanaṃ hoti không có
nhân, không duyên cho sự vô trí và vô kiến; vì vậy, vô trí, vô kiến là
vô nhân vô duyên. Xem thuyết vô tác (akiriya),
D.ii. Smāññaphala-sutta.
[3].
Pāli, S.46.52
Pariyāya.
[4].
Hán: phản a mạ
反呵罵.
Bản Pāli: neva
abhinandiṃsu nappaṭikkosiṃsu, không hoan
hỷ cũng không chỉ trích.
[5].
Hán: thuyết ngoại đạo pháp
説外道法.
Tống-Nguyên-Minh: dư chữ thuyết. Xem đoạn văn tương đương ở
kinh 714.
[6].
Bản Pāli:
nāhaṃ... yo imesaṃ pañhānaṃ veyyākaraṇena cittaṃ
ārādheyya aññatra tathāgatena vā tathāgatasāvakena vā ito vā sutvā,
Ta... không ai có thể làm hài lòng với sự trả lời cho những câu hỏi
này, trừ Như Lai hay đệ tử của Như Lai đã nghe từ đây.
[7].
Bản Pāli:
ajjhattaṃ vyāpādo, bahiddhā
vyāpādo, nội sân, ngoại sân.
[8].
Hữu thụy, hữu miên. Bản
Pāli: thinaṃ nīvaraṇaṃ,
middhaṃ nīvaraṇaṃ, hôn trầm là triền
cái; thụy miên là triền cái.
[9].
Trạo (điệu) hối
掉悔.
Pāli:
uddhacca-kukkucca,
bồn chồn và hối tiếc.
[10].
Bản Pāli:
ajjhattaṃ
dhammesu vicikicchā, bahiddhā dhammesu vicikicchā,
hoài nghi các pháp bên trong, hoài nghi các pháp bên ngoài.
[11].
Bản Pāli:
yadapi... ajjhattaṃ dhammesu sati
tadapi satibojjhaṅgo, có chánh niệm nơi
các pháp bên trong, đó là niệm giác chi.
[12].
Bản Pāli:
ajjhattaṃ dhammesu paññāya
pavicinati pavicarati... bahidhā dhammesu...,
bằng trí tuệ mà khảo sát (tư trạch) và khảo nghiệm (tư sát) các pháp
bên trong... các pháp bên ngoài.
[13].
Bản Pāli: kāyikaṃ
vīriyaṃ... cetasikaṃ vīriyaṃ, thân tinh
tấn, tâm tinh tấn.
[14].
Bản Pāli:
savitakkavicārā pītī...
avitakkāvicarā pītī, hỷ đồng hành với
tầm tứ, hỷ không đồng hành với tầm tứ.
[15].
Nguyên Hán: thân ỷ tức, tâm y tức
身猗息,心猗息.
Pāli:
kāyapassaddhi,
cittapassaddhi.
[16].
Bản Pāli:
savitakko
savicāro samādhi, avitakkao avicāro samādhi,
định có tầm có tứ, định không tầm không tứ.
[17].
Bản Pāli:
ajjhattaṃ
dhammesu upekkhā, bahidhā dhammesu upekkhā,
xả nơi các pháp bên trong, xả nơi các pháp bên ngoài.
[18].
Pāli, S.46.53
Aggi.
[19].
Bản Pāli:...
līnaṃ cittaṃ hoti,
katamesaṃ tasmiṃ samaye bojjhaṅgānaṃ akālo bhāvanāya... kālo bhāvanāya,
khi tâm co rút, lúc ấy là hợp thời để tu tập
những giác chi nào, không hợp thời cho sự tu tập những giác chi nào.
[20].
Xem cht.8 kinh 713.
[21].
Xem cht.6 kinh 713.
[22].
Hán: tiêu thán
燋炭.
Bản Pāli:...allāni ceva
tiṇāni,... allāni ca gomayāni, ...allāni ca kaṭṭhāni pakkhipeyya,
bỏ vào những cỏ ướt, phân bò ướt, củi ướt.
[23].
Cf. S.46.2
Kāya;
46.51 Āhāra.
[24].
Hán: xúc tướng
觸相.
Bản Pāli:
subhanimitta,
tịnh tướng.
[25].
Bản Pāli:
ayonisomanasikārabahulīkāro, tu tập
nhiều (với tịnh tướng) mà không tác ý một cách như lý.
[26].
Dục ái
欲愛.
Pāli: kāmachanda.
[27].
Chướng ngại tướng
障礙相.
Pāli: paṭighanimittaṃ,
tướng đối nghịch hay đối ngại. Trong Pāli,
paṭigha,
có nghĩa là sân, cũng có nghĩa là đối nghịch (chướng ngại).
[28].
Bản Pāli:
cetaso avūpasamo, tâm
không an tĩnh.
[29].
Bản Pāli:
mettācetovimutti, từ tâm
giải thoát.
[30].
Hán: minh chiếu.
Bản Pāli: atthi
ārambhadhātu
nikkamadhātu parakkamadhātu,
có phát cần giới, tinh cần giới, dũng mãnh
giới.
[31].
Pāli, S.45.83
Yoniso;
46.29 Ekadhamma.
[32].
Pāli, S.46.4
Vatta.
[34].
Pāli, S.46.8
Upavāṇa.
[36].
A-đề-mục-đa
阿提目多.
Pāli: Adhimutta.
[37].
Thất giác phần phương tiện
七覺分方便.
Pāli: susamāraddhā satta
bojjhaṅgā, bảy Giác chi được khéo nỗ
lực.
[38].
Lạc trú chánh thọ
樂住正受. Pāli:
phāsuvihārāya saṃvattanti,
chúng tác dụng để dẫn đến an trú lạc.
[39].
Hán: tri tư duy
知思惟.
Ấn Thuận thêm từ bất
不,
không biết tư duy.
[40].
Pāli, 46.42
Cakkavatti.
[41].
Bản Hán, văn đột ngột; có thể nhảy sót
một đoạn. Xem kinh 722 dưới.
[42].
Pāli, S.46.42
Cakkavatti.
Tham chiếu, N0125(39.7), D.17
Mahāsudassana-suttanta.
[43].
Hán: thất chi trụ địa
七支[14]拄地.
Pāli: sattappatiṭṭhito.
Bảy chỗ.
[44].
Bản Cao-ly: tận thời
盡時.
Bản Tống-Nguyên-Minh: trú thời
住時,
(ngay ban ngày).
[45].
Cf. S. 46.3.
Sīla (phần đầu).
[46].
Nguyên bản:
tăng,
僧.
Theo Tống bản: y,
依
[47].
S.46.3
Sīla
(phần đầu).
[50].
Giáp cốc tinh xá
夾谷精舍.
[51].
Pāli:
sakalam evidaṃ brahmacariyaṃ yadidṃ kalyaṇāmittā
kalyāṇasahāyatā, chính toàn bộ đời sống
phạm hạnh này là thiện tri thức, thiện đồng hành...
[52].
S. 46.16
Gilāna. Cf. D.16
Mahāparinibbāna-suttanta.
[56].
S. 46.9-10
Uppannā;
46. 49 Aṅga.
[57].
Hán: trừ Phật điều phục giáo thọ
除佛調伏教授. Pāli:
...bojjhaīgā
bhāvitā bahulīkatā uppannā uppajjanti nāññatra tathāgatassa pātubhāvā,
giác chi được tu tập, được sung mãn, nếu chưa sanh thì sanh, trừ phi
không có Như Lai xuất hiện.
[58].
S. 46.9-10
Uppannā.
Xem kinh 731 trên.
[60].
Đạo phẩm pháp
道品法.
Pāli: bodhāya saṃvattantī
‘ti ... bojjhaṅgā’ ti vuccanti,
chúng tư trợ cho sự giác ngộ, nên chúng được gọi là giác chi.
[61].
S. 48.65
Dve phalā.
[64].
Hán: đắc hiện pháp trí chứng lạc
得現法智證樂. Pāli:
diṭṭhidhamme
paṭikacca aññam ārādheti, ngay trong đời
hiện tại nhất định chứng đắc chánh trí. Bản Hán hiểu
ārādheti:
vui thích; cũng có nghĩa là thành đạt.
[65].
Pāli:
no ce diṭṭheva dhamme paṭikacca aññam ārādheti atha
maraṇakāle aññam ārādheti, nếu hiện pháp
không nhất định chứng đắc chánh trí, khi lâm chung sẽ chứng đắc chánh
trí. Đây là kết quả thứ hai.
[68].
S. 48.65
Dve phalā.
[69].
Bản Hán: đắc hiện pháp trí hữu dư
Niết-bàn cập a-na-hàm quả
得現法智有餘涅槃及阿那含果.
Có sự nhầm lẫn. Pāli:
diṭṭhiva dhamme aññā, sati
vā upādisesa anāgamitā’ti.
[72].
Hán: cập mạng chung thời, nhược bất nhĩ
giả
及命終時,
若不爾者.
Tối nghĩa. Được hiểu như sau: Nếu không như vậy
(không Chánh trí tức chứng quả A-la-hán trong đời hiện tại), thì kịp
khi mạng chung (sẽ chứng Chánh trí lúc đó). Xem cht.69 kinh 738.
[76].
Hoàng chẩm ấp
黃枕邑.
Pāli: Koliyesu viharati
haliddavasanaṃ nāma koliyānaṃ nigamo,
trú ở Koliya,
tại Haliddavasana,
một thị trấn của người
Koliya.
[77].
Bản Pāli:...
bhāvitā... mettācetovimutti kiṃgatikā hoti kiṃparamā
kiṃphalā kiṃpariyosanā, tu tập từ tâm
giải thoát, hướng về đâu, cái gì là tối thắng, cái gì là kết quả, cái
gì là cứu cánh?
[78].
Pāli:
subhaparamā mettācetovimutti.
[79].
Pāli:
ākāsānañcāyatanaparamā kuruṇācetovimutti,
bi tâm giải thoát, Không vô biên xứ là tối thắng.
[83].
An-na-ban-na niệm
安那般那念. Pāli ;
anāpānassati, niệm hơi
thở ra vào.
[84].
S. 46.57-61
Aṭṭhika v.v.
[85].
Trong bản: tâm khẩu
心口,
dư chữ khẩu.
[86].
Ấn Thuận y theo luận Du-già Sư Địa mà
thêm vào.