TẠP A-HÀM QUYỂN 21
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại nước
Ba-la-lợi-phất-đố-lộ[2].
Bấy giờ Tôn giả A-nan và Tôn giả Ca-ma[3]
cũng ở tại tinh xá Kê lâm[4],
nước Ba-la-lợi-phất-đố-lộ.
Lúc bấy giờ, Tôn giả Ca-ma đi đến
chỗ Tôn giả A-nan, cùng nhau chào hỏi xong, rồi ngồi lui qua một bên, nói
với Tôn giả A-nan:
“Lạ thay! Thưa Tôn giả A-nan, có
mắt, có sắc[5];
có tai, có âm thanh; có mũi, có mùi; có lưỡi, có vị; có thân, có xúc; có
ý, có pháp. Nhưng có Tỳ-kheo có những pháp này mà lại không giác tri được.
Vì sao, Tôn giả A-nan, Tỳ-kheo này vì có tưởng nên không giác tri được,
hay vì không có tưởng nên không giác tri được?”
Tôn giả A-nan nói với Tôn giả
Ca-ma:
“Người có tưởng cũng không giác tri
được, huống chi là người không có tưởng!”
Tôn giả Ca-ma lại hỏi Tôn giả
A-nan:
“Những gì là có tưởng, có pháp mà
không giác tri được?”
Tôn giả A-nan bảo Tôn giả Ca-ma:
“Nếu Tỳ-kheo nào ly dục, ly pháp ác bất thiện, có
giác có quán, có hỷ lạc phát sanh do viễn ly, chứng và an trụ Sơ thiền;
như vậy Tỳ-kheo có tưởng có pháp mà không giác tri. Cũng vậy, chứng và an
trụ đệ Nhị thiền, đệ Tam thiền, đệ Tứ thiền, Không nhập xứ, Thức nhập xứ,
Vô sở hữu nhập xứ. Như vậy Tỳ-kheo có tưởng có pháp mà không giác tri.”
“Thế nào là không có tưởng, có pháp mà không giác
tri?”
“Tỳ-kheo như vậy không niệm tưởng hết thảy tưởng,
thân tác chứng, thành tựu và an trú vô tưởng tâm tam-muội[6];
đó gọi là Tỳ-kheo không có tưởng, có pháp mà không giác tri.”
Tôn giả Ca-ma lại hỏi Tôn giả A-nan:
“Nếu Tỳ-kheo nào đạt được tâm vô tướng tam-muội,
không vọt lên, không chìm xuống, giải thoát rồi an trụ, an trụ rồi giải
thoát, thì Thế Tôn nói đây là quả gì, công đức gì?”
Tôn giả A-nan bảo Tôn giả Ca-ma:
“Nếu Tỳ-kheo nào đạt được tâm vô tướng tam-muội,
không vọt lên, không chìm xuống, giải thoát rồi an trụ, an trụ rồi giải
thoát, thì Thế Tôn nói đó là trí quả, trí công đức[7].”
Hai vị Tôn giả cùng nhau bàn luận rồi tùy hỷ hoan
hỷ, mỗi người từ chỗ ngồi đứng dậy ra đi.
*
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại vườn Cù-sư-la, thuộc nước
Câu-diệm-di. Bấy giờ Tôn giả A-nan cũng ở đó.
Lúc ấy Tôn giả A-nan bảo các Tỳ-kheo:
“Nếu có Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni nào tự xác nhận[9]
trước mặt tôi, tôi sẽ chào mừng ủy lạo rằng: Lành thay! Hoặc do suy cầu
bốn đạo[10].
Những gì là bốn? Đó là, Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni ngồi mà trụ tâm như vầy: Thiện
xảo trụ tâm, cục bộ trụ tâm, điều phục tâm, nhất tâm bình đẳng mà tiếp thọ
phân biệt chỉ quán, đối với pháp mà lượng độ, tu tập, tu tập nhiều rồi,
dứt hết các sử. Nếu có Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni trước mặt tôi tự xác nhận, thì
tôi ủy dụ: ‘Như vậy, lành thay!’ Hoăïc suy cầu điều này. Đó là đạo thứ
nhất.
“Lại nữa, Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni ngồi thẳng tư duy,
đối với pháp tuyển trạch, tư lương mà trụ tâm: Thiện xảo trụ tâm, cục bộ
trụ tâm, điều phục tâm, nhất tâm bình đẳng mà tiếp thọ chỉ quán. Như thế
chánh hướng an trụ nhiều, lìa được các sử. Nếu có Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni
trước mặt tôi tự xác nhận, thì tôi ủy dụ: ‘Như vậy, lành thay!’ Hoăïc suy
cầu điều này. Đó là đạo thứ hai.
“Lại nữa, Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni bị nắm giữ bởi sự
động loạn, vì để điều phục tâm mà ngồi, ngồi ngay ngắn trụ tâm: Thiện xảo
trụ tâm, cục bộ trụ tâm, điều phục tâm, chỉ quán, nhất tâm bình đẳng mà
tiếp thọ hóa[11].
Như thế chánh hướng an trụ nhiều, lìa được các sử. Nếu có Tỳ-kheo,
Tỳ-kheo-ni trước mặt tôi tự xác nhận, thì tôi ủy dụ: ‘Như vậy, lành thay!’
Hoăïc suy cầu điều này. Đó là đạo thứ ba.
“Lại nữa, Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni chỉ và quán hòa hợp,
cả hai cùng thực hành, tác ý như thế mà chánh hướng an trụ nhiều, thì sẽ
dứt hết các sử. Nếu có Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni trước mặt tôi tự xác nhận, thì
tôi ủy dụ: ‘Như vậy, lành thay!’ Hoăïc suy cầu điều này. Đó là đạo thứ tư[12].”
Sau khi các Tỳ-kheo nghe những gì Tôn giả A-nan dạy
xong, hoan hỷ phụng hành.
*
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại vườn Cù-sư-la, nước
Câu-diệm-di. Bấy giờ Tôn giả A-nan cũng ở đó.
Lúc ấy, có Bà-la-môn đến chỗ Tôn giả A-nan cùng
chào đón hỏi thăm, rồi ngồi lui sang một bên, hỏi Tôn giả A-nan:
“Vì sao Tôn giả ở chỗ Sa-môn Cù-đàm tu phạm hạnh?”
Tôn giả A-nan trả lời Bà-la-môn:
“Vì đoạn trừ.”
Bà-la-môn ấy lại hỏi:
“Thưa Tôn giả, đoạn dứt cái gì?”
“Đoạn dứt ái.”[14]
“Thưa Tôn giả A-nan, y chỉ gì để đoạn dứt ái?”
“Này Bà-la-môn, y chỉ dục[15]
để đoạn dứt ái.”
“Thưa Tôn giả A-nan, há không phải không có biên tế[16]?”
“Này Bà-la-môn, không phải không có biên tế. Quả
vậy, có biên tế, không phải không có biên tế.”
“Thưa Tôn giả A-nan, thế nào là có biên tế, không
phải không có biên tế?”
“Này Bà-la-môn, nay tôi hỏi ông, tùy ý mà trả lời.
Ông nghĩ thế nào, trước đây có ý dục đến tinh xá không?”
Bà-la-môn đáp:
“Đúng vậy, thưa Tôn giả A-nan!”
“Như thế, Bà-la-môn, sau khi đến tinh xá, dục kia
dứt phải không?
“Đúng vậy, thưa Tôn giả A-nan, kia tinh tấn, phương
tiện, trù lượng mà đi đến tinh xá.”
Tôn giả A-nan lại hỏi:
“Sau khi đến tinh xá thì sự tinh tấn, phương tiẹân,
trù lượng có dứt không?”
“Đúng vậy.”
Tôn giả A-nan lại nói với Bà-la-môn:
“Như thế, Bà-la-môn, Như Lai, Ứng Cúng, Đẳng Chánh
Giác, là đấng Tri giả, Kiến giả, nói bốn Như ý túc, bằng nhứt thừa đoạn mà
thanh tịnh chúng sanh, diệt khổ não, đoạn ưu bi. Những gì là bốn? Như ý
túc được thành tựu với sự cần hành trên dục định[17].
Như ý túc được thành tựu với sự cần hành trên tinh tấn định, tâm định, tư
duy định[18].
Như thế Thánh đệ tử tu dục định, đoạn tham ái, thành tựu bốn Như ý túc. Y
xa lìa, y vô dục, y giải thoát, y diệt, hướng đến xả đoạn dứt ái; tham ái
dứt rồi, thì dục kia cũng dứt; tu tinh tấn định, tâm định, tư duy định,
đoạn tham ái, thành tựu, y xa lìa, y vô dục, y giải thoát, y tịch diệt,
hướng đến xả tham ái dứt sạch; ái dứt sạch rồi, tư duy định liền dứt.”
“Này Bà-la-môn, ý ông thế nào? Đây chẳng phải là
biên tế chăng?”
Bà-la-môn thưa:
“Thưa Tôn giả A-nan, đây là biên tế chẳng phải
không biên tế.”
Bà-la-môn nghe Tôn giả A-nan nói, hoan hỷ, tùy hỷ,
làm lễ rồi đi.
*
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại vườn Cù-sư-la, thuộc nước
Câu-diệm-di. Bấy giờ Tôn giả A-nan cũng ở đó. Lúc ấy có trưởng giả
Cù-sư-la đến chỗ Tôn giả A-nan, cúi đầu đảnh lễ Tôn giả, rồi ngồi lui qua
một bên, thưa Tôn giả A-nan:
“Thưa Tôn giả A-nan, thế nào gọi là vị thuyết pháp
trong thế gian? Sao gọi là thiện hướng trong thế gian[19]?
Sao gọi là thiện đáo trong thế gian[20]?”
Tôn giả A-nan bảo trưởng giả Cù-sư-la:
“Bây giờ, tôi hỏi ông, tùy ý đáp câu hỏi của tôi.
Này Trưởng giả, ý ông nghĩ sao, nếu có vị thuyết pháp để điều phục tham
dục, điều phục sân nhuế, điều phục ngu si, được gọi là vị thuyết pháp
trong thế gian không?”
Trưởng giả đáp:
“Thưa Tôn giả A-nan, nếu có vị thuyết pháp để điều
phục tham dục, điều phục sân nhuế, điều phục ngu si, vị ấy được gọi là vị
thuyết pháp trong thế gian.”
Tôn giả A-nan lại hỏi trưởng giả:
“Ý ông nghĩ sao, nếu trong đời có vị hướng đến điều
phục tham dục, điều phục sân nhuế, điều phục ngu si, đó gọi là vị thiện
hướng trong thế gian. Nếu trong đời có vị đã điều phục tham dục, sân nhuế,
ngu si, vị đó gọi là thiện đáo hay chẳng phải?”
Trưởng giả đáp:
“Thưa Tôn giả A-nan, nếu trong đời có vị đã điều
phục tham dục không dư tàn; điều phục sân nhuế, ngu si không dư tàn, vị đó
gọi là thiện đáo.”
Tôn giả A-nan nói:
“Tôi thử hỏi ông, ông đã chân thật trả lời nghĩa ấy
như vậy, ông nên ghi nhận giữ gìn.”
Trưởng giả Cù-sư-la sau khi nghe những gì Tôn giả
A-nan chỉ dạy, hoan hỷ, tùy hỷ, làm lễ rồi lui ra.
*
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại giảng đường
Trùng các, bên bờ ao Di-hầu, nước Tỳ-xá-ly. Bấy giờ Tôn giả A-nan cũng ở
đó. Lúc ấy có Vô Úy người Ly-xa[22]
là đệ tử của Ni-kiền và Thông Minh đồng tử[23]
người Ly-xa là đệ tử của A-kỳ-tỳ[24],
cả hai cùng đi đến chỗ Tôn giả A-nan, cùng nhau ân cần hỏi thăm xong, rồi
ngồi lui qua một bên.
Khi ấy, Ly-xa Vô Úy nói với Tôn giả
A-nan:
“Thầy tôi Ni-kiền Tử đã diệt trừ
pháp thiêu đốt[25],
thanh tịnh siêu xuất, đã vì các đệ tử nói đạo lý như vầy: Nghiệp của đời
trước, do thực hành khổ hạnh nên chắc chắn có thể được trút bỏ[26];
thân nghiệp chẳng tạo tác, chặt đứt cầu đò, trong đời vị lai, không còn
các lậu, các nghiệp vĩnh viễn đoạn tận. Vì nghiệp đã vĩnh viễn đoạn tận
nên các khổ vĩnh viễn chấm dứt; vì khổ vĩnh viễn chấm dứt nên cứu cánh
biên tế khổ. Thưa Tôn giả A-nan, nghĩa này như thế nào?”
Tôn giả A-nan bảo Vô-úy:
“Như Lai, Ứng Cúng, Đẳng Chánh Giác, là bâïc Tri
giả, Kiến giả, nói ba thứ đạo dứt lìa sự thiêu đốt, thanh tịnh siêu xuất[27],
bằng nhất thừa đạo mà thanh tịnh chúng sanh, lìa ưu bi, vượt qua khổ não,
được pháp chân như[28].
Những gì là ba? Như vậy, Thánh đệ tử sống an trụ trong tịnh giới, thọ trì
Ba-la-đề-mộc-xoa, oai nghi đầy đủ, tín nơi các tội lỗi mà sanh ý tưởng sợ
hãi[29].
Giữ gìn tịnh giới đầy đủ như vậy; nghiệp cũ dần dần trút sạch, ngay trong
hiện tại được lìa nhiệt não, không đợi thời tiết, chứng đắc Chánh pháp,
quán sát thông đạt bằng sự hiện thấy, tự giác ngộ bằng trí tuệ[30].
Này trưởng giả Ly-xa, đó gọi là Như Lai, Ứng Cúng, Đẳng Chánh Giác, là
bâïc Tri giả, Kiến giả, nói ba thứ đạo dứt lìa sự thiêu đốt, thanh tịnh
siêu xuất, bằng nhất thừa đạo mà thanh tịnh chúng sanh, lìa ưu bi, vượt
qua khổ não, được pháp chân như.”
Lại nữa Vô Úy, với tịnh giới
đã đầy đủ như thế, mà ly dục, lìa pháp ác bất thiện... cho đến,
chứng và an trụ đệ Tứ thiền. Đó gọi là Như Lai, Ứng Cúng, Đẳng Chánh Giác
nói lìa nhiệt não được pháp như thật.
Lại có tam-muội chánh thọ, đối với Khổ Thánh đế này
biết như thật: Khổ tập Thánh đế, Khổ diệt Thánh đế, Khổ diệt đạo Thánh đế
biết như thật. Thành tựu một cách đầy đủ tâm trí tuệ như thế, nghiệp mới
chẳng tạo, nghiệp cũ dần dần dứt sạch, ngay trong hiện tại được lìa nhiệt
não, không đợi thời tiết, chứng đắc Chánh pháp, quán sát thông đạt bằng sự
hiện thấy, tự giác ngộ bằng trí tuệ[31].
Này trưởng giả Ly-xa, đó gọi là Như Lai, Ứng Cúng, Đẳng Chánh Giác, là
bâïc Tri giả, Kiến giả, nói ba thứ đạo dứt lìa sự thiêu đốt, thanh tịnh
siêu xuất, bằng nhất thừa đạo mà thanh tịnh chúng sanh, lìa ưu bi, vượt
qua khổ não, được pháp như thật.”
Bấy giờ, đệ tử của Ni-kiền Tử là Ly-xa Vô
Úy, im lặng trong giây lâu. Đệ tử của A-kỳ-tỳ là
Ly-xa Thông Minh lặp lại với Vô Úy rằng:
“Lạ thay, Vô Úy!
Sao im lặng như vậy? Pháp được khéo giảng nói bởi Như Lai,
Ứng Cúng, Đẳng Chánh Giác, là đấng Tri giả, Kiến giả, ông nghe mà không
tùy hỷ chăng?”
Ly-xa Vô Úy đáp:
“Vì tôi đang suy nghĩ nghĩa ấy nên
im lặng. Ai nghe pháp được khéo giảng nói bởi Thế Tôn Sa-môn Cù-đàm, mà
không tùy hỷ? Nếu có người nào nghe pháp được khéo giảng nói bởi Thế Tôn
Sa-môn Cù-đàm mà không tùy hỷ thì đó là kẻ ngu si, sẽ lâu dài cam chịu khổ
quả, không phải nghĩa lợi, không phải hữu ích.”
Bấy giờ, đệ tử của Ni-kiền Tử là
Ly-xa Vô Úy và đệ tử của A-kỳ-tỳ là Ly-xa Thông Minh nghe lại lời nói pháp
của Phật do Tôn giả A-nan nói xong, tùy hỷ hoan hỷ, từ chỗ ngồi đứng dậy
ra đi.
*
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô
độc, cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ Tôn giả A-nan cũng ở đó.
Lúc ấy có một Tỳ-kheo-ni khởi tâm
nhiễm trước đối với Tôn giả A-nan, sai người đến thưa Tôn giả A-nan:
“Thân con bị bệnh khổ, xin Tôn giả
thương xót đến thăm.”
Tôn giả A-nan sáng sớm đắp y mang
bát đến chỗ Tỳ-kheo-ni kia. Tỳ-kheo-ni kia từ xa trông thấy Tôn giả A-nan
đi đến, để thân thể lõa lồ nằm trên giường. Tôn giả A-nan từ xa trông thấy
thân thể của Tỳ-kheo-ni liền thu nhiếp các căn, đứng xoay lưng lại.
Tỳ-kheo-ni kia trông thấy Tôn giả A-nan thu nhiếp các căn, đứng xoay lưng
lại, liền tự cảm thấy hổ thẹn. Cô đứng lên khoác lại y phục, trải tọa cụ,
đón tiếp Tôn giả A-nan, mời ngồi, cúi đầu đảnh lễ chân Tôn giả, rồi lui
đứng sang một bên.
Lúc ấy, Tôn giả A-nan liền vì
Tỳ-kheo-ni này nói pháp:
“Này cô, như cái thân này là do
thức ăn uế tạp nuôi lớn, do kiêu mạn nuôi lớn, do ái nuôi lớn, do dâm dục
nuôi lớn. Này cô, nương nơi thức ăn uế tạp thì nên dứt các thức ăn uế tạp.
Nếu nương nơi kiêu mạn, thì nên dứt kiêu mạn. Nương nơi ái dục, hãy dứt ái
dục.
“Này cô, thế nào gọi là nương nơi
thức ăn uế tạp thì dứt thức ăn uế tạp? Thánh đệ tử đối với sự ăn uống,
phải xét lường, suy nghĩ mà ăn, không ăn với ý tưởng đắm đuối lạc thú,
không ăn với ý tưởng kiêu mạn, không ăn với ý tưởng trau chuốt, không ăn
với ý tưởng làm đẹp, mà chỉ vì duy trì thân, chỉ vì nuôi sống, vì trị cái
bệnh đói khát, vì nhiếp thọ phạm hạnh, vì muốn làm dứt các cảm thọ cũ, các
cảm thọ mới chẳng phát sanh, nuôi lớn theo tập quán cao thượng; hoặc lực,
hoặc lạc, hoặc xúc nên trụ như thế. Thí như khách buôn dùng dầu tô hay dầu
nấu đặc để bôi xe, không có ý tưởng nhiễm trước, không có ý tưởng kiêu
mạn, không có ý tưởng trau chuốt, không ý tưởng làm đẹp mà chỉ vì chuyên
chở. Lại như người bị bệnh ghẻ bôi dầu không ý tưởng nhiễm trước hay ưa
thích, không ý tưởng kiêu mạn, không có ý tưởng trau chuốt, không có ý
tưởng làm đẹp mà vì lành bệnh ghẻ. Như thế Thánh đệ tử xét lường mà ăn,
không ăn với ý tưởng đắm đuối lạc thú, không ăn với ý tưởng kiêu mạn,
không ăn với ý tưởng trau chuốt, không ăn với ý tưởng làm đẹp; mà chỉ vì
duy trì thân, chỉ vì nuôi sống, vì trị cái bệnh đói khát, vì nhiếp thọ
phạm hạnh, vì muốn làm dứt các cảm thọ cũ, các cảm thọ mới chẳng phát
sanh, nuôi lớn theo tập quán cao thượng; hoặc lực, hoặc lạc, hoặc xúc,
không lỗi lầm, trụ an ổn. Này cô, đó gọi là nương thức ăn thì dứt ăn.
“Nương kiêu mạn thì dứt kiêu mạn.
Thế nào là nương kiêu mạn thì dứt kiêu mạn? Thánh đệ tử nghe Tôn giả kia,
hay đệ tử của Tôn giả kia, sạch hết các hữu lậu, tâm giải thoát vô lậu,
tuệ giải thoát, ngay trong đời này tự biết tác chứng: ‘Ta, sự sanh đã dứt,
phạm hạnh đã lập, việc cần làm đã xong, tự biết không còn tái sanh nữa.’
Nghe rồi liền nghĩ rằng: ‘Thánh đệ tử kia hết sạch hữu lậu, tự biết không
còn tái sanh nữa. Còn ta ngày nay, vì sao không hết hữu lậu, vì sao không
tự biết không còn tái sanh nữa?’ Ngay lúc đó chắc chắn sẽ có thể dứt các
hữu lậu, tự biết không còn tái sanh nữa. Này cô, đó gọi là nương kiêu mạn
thì dứt kiêu mạn.
“Này cô, thế nào là nương ái
thì dứt ái? Thánh đệ tử nghe Tôn giả kia, hay đệ tử của Tôn giả kia,
hết sạch các pháp hữu lậu, tự biết không còn tái sanh nữa. Còn chúng ta
sao chẳng hết hữu lậu, tự biết không còn tái sanh nữa. Ngay lúc ấy có thể
dứt các hữu lậu tự biết không còn tái sanh nữa Này cô, đó gọi là nương ái
thì ái dứt. Này cô, người không còn việc để làm, tức là người đã cắt đứt
cầu đò, đoạn tuyệt dâm dục.”
Khi Tôn giả A-nan nói pháp,
Tỳ-kheo-ni xa lìa trần cấu, được pháp nhãn thanh tịnh. Tỳ-kheo-ni ấy thấy
pháp đắc pháp, giác pháp, nhập pháp, không còn hồ nghi, chẳng do người
khác, đối với Chánh pháp luật tâm không sợ hãi.
Tỳ-kheo-ni đến đảnh lễ dưới chân
Tôn giả A-nan và thưa:
“Ngày nay con xin phát lồ sám hối.
Con ngu si, không tốt, làm ra chuyện xấu xa như thế. Nay ở nơi Tôn giả
A-nan, con tự thấy lỗi lầm, tự biết lỗi, con xin phát lồ sám hối, mong Tôn
giả thương xót.”
Tôn giả A-nan bảo Tỳ-kheo-ni:
“Bây giờ cô đã chân thật tự
thấy tội, biết lỗi, ngu si, bất thiện. Cô tự biết đã tạo tội xấu xa. Cô tự
biết, tự thấy và ăn năn lỗi lầm, ở đời vị lai sẽ được đầy đủ giới. Nay tôi
nhận sự sám hối của cô, vì thương xót muốn khiến cô được tăng trưởng pháp
lành trọn không thoái giảm. Vì sao? Vì nếu người tự thấy tội, tự biết tội,
luôn sám hối thì ở đời vị lai sẽ được đầy đủ giới, pháp lành tăng trưởng,
trọn không thoái giảm.”
Sau khi Tỳ-kheo-ni này nghe Tôn giả A-nan nói pháp,
khai thị, chỉ giáo, soi sáng, làm cho hoan hỷ, rồi từ chỗ ngồi đứng dậy ra
về.
*
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật cùng Tôn giả A-nan ở tại Kiều-trì[34],
du hành trong nhân gian, đi đến rừng Thân-thứ[35],
phía Bắc làng Bà-đầu[36].
Bấy giờ các thiếu niên tại làng Bà-đầu nghe nói Tôn
giả A-nan ở tại Kiều-trì, du hành trong nhân gian, đi đến rừng Thân-thứ,
phía Bắc làng Bà-đầu, bèn kêu gọi nhau tập hợp lại, rồi cùng nhau đi đến
chỗ Tôn giả A-nan, đảnh lễ Tôn giả, ngồi lui qua một bên. Lúc ấy Tôn giả
A-nan bảo các thiếu niên:
“Này các Hổ chủng[37],
Như Lai, Ứng Cúng, Đẳng Chánh Giác, nói bốn thứ thanh tịnh[38]:
Giới thanh tịnh, Tâm thanh tịnh, Kiến thanh tịnh, Giải thoát thanh tịnh.
“Thế nào là Giới thanh tịnh? Thánh đệ tử trụ nơi
Ba-la-đề-mộc-xoa, giới tăng trưởng, oai nghi đầy đủ, đối với tội vi tế
cũng sanh sợ hãi, giữ gìn các học giới, giới thân chưa trọn vẹn có thể làm
cho đầy đủ hoàn toàn, đã đầy đủ rồi tùy thuận giữ gìn. Dục, tinh tấn
phương tiện siêu xuất, siêng năng dũng mãnh, thân, tâm pháp luôn luôn
nhiếp thọ[39];
đó gọi là Giới tịnh đoạn.
“Này các Hổ chủng? Thế nào là Tâm tịnh đoạn? Thánh
đệ tử ly dục, lìa pháp ác bất thiện chứng và an trụ đệ Tứ thiền; định thân
chưa đầy đủ thì làm cho được đầy đủ, đã đầy đủ rồi thì tùy thuận giữ gìn.
Dục, tinh tấn, cho đến luôn luôn nhiếp thọ; đó gọi là Tâm tịnh đoạn[40].
“Này các Hổ chủng, thế nào gọi là Kiến tịnh đoạn?
Thánh đệ tử nghe Đại Sư nói pháp; với pháp được nói như vậy, như vậy, thì
như vậy, như vậy mà nhập chánh quán như thật, như vậy, như vậy mà được
hoan hỷ, được tùy hỷ, được theo Phật.
“Lại nữa, Thánh đệ tử tuy chẳng nghe Đại Sư nói
pháp, nhưng nghe từ bậc minh trí được các vị phạm hạnh tôn trọng. Nghe các
vị phạm hạnh được tôn trọng nói như vậy, như vậy, thì như vậy, như vậy mà
nhập chánh quán như thật, như vậy, như vậy mà được hoan hỷ, được tùy hỷ,
có tín đối với Chánh pháp.
“Lại nữa, Thánh đệ tử chẳng được nghe Đại Sư nói
pháp, cũng chẳng nghe từ bậc minh trí được các vị phạm hạnh tôn trọng nói.
Chỉ nghe những điều đã nghe và thọ trì trước kia, đọc đi đọc lại tập quen.
Sau khi thọ trì những điều đã nghe trước kia mà đọc đi đọc lại như vậy,
như vậy rồi, như vậy mà thâm nhập có tín đối với Chánh pháp.
“Lại nữa Thánh đệ tử chẳng nghe Đại Sư nói pháp,
cũng chẳng nghe từ bậc minh trí được các vị phạm hạnh tôn trọng nói lại,
cũng chẳng có thể đọc lại những điều đã được thọ trì trước kia, nhưng với
pháp đã được nghe trước kia mà nói rộng cho người khác; với pháp đã được
nghe trước kia mà nói rộng cho người khác như vậy, như vậy rồi, như vậy mà
thâm nhập có tín đối với Chánh pháp.
“Lại nữa, Thánh đệ tử chẳng nghe Đại Sư nói pháp,
cũng chẳng nghe từ bậc minh trí được các vị phạm hạnh tôn trọng nói lại,
cũng chẳng có thể đọc lại những điều đã được thọ trì trước kia, cũng chẳng
có thể với pháp đã được nghe trước kia mà nói rộng cho người khác; nhưng
đối với pháp đã được nghe trước kia một mình ở chỗ vắng vẻ tư duy quán
sát. Tư duy quán sát như vậy, như vậy rồi, như vậy mà thâm nhập có tín đối
với Chánh pháp.
“Như thế từ người khác được nghe, bên trong chánh
tư duy. Đó gọi là chánh kiến chưa khởi khiến khởi; chánh kiến đã khởi làm
cho rộng thêm. Đó gọi là tuệ thân[41]
chưa đầy đủ làm cho đầy đủ; tuệ thân đã đầy đủ rồi, tùy thuận giữ gìn.
Dục, tinh tấn, cho đến luôn luôn nhiếp thọ; đó gọi là Kiến tịnh đoạn[42].
“Này các Hổ chủng, thế nào gọi là Giải thoát thanh
tịnh đoạn? Thánh đệ tử đối với tâm tham mà vô dục được giải thoát; đối với
tâm sân, si mà vô dục được giải thoát. Giải thoát như thế chưa đầy đủ
khiến cho đầy đủ; đã đầy đủ rồi tùy thuận giữ gìn. Dục, tinh tấn, cho đến
luôn luôn nhiếp thọ; đó gọi là Giải thoát tịnh đoạn[43].”
Sau khi nghe Tôn giả A-nan chỉ dạy xong, các thiếu
niên làng Bà-đầu, tùy hỷ, hoan hỷ, làm lễ rồi lui.
*
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở trong rừng Am-la tại làng Am-la[45],
cùng với các Tỳ-kheo Thượng tọa. Bấy giờ có trưởng giả Chất-đa-la[46]
đến chỗ các Tỳ-kheo Thượng tọa, cúi đầu đảnh lễ dưới chân, rồi ngồi lui
qua một bên. Các Tỳ-kheo Thượng tọa vì trưởng giả Chất-đa-la nói pháp bằng
nhiều hình thức, khai thị, chỉ giáo, soi sáng, làm cho hoan hỷ. Sau khi
nói pháp bằng nhiều hình thức, khai thị, chỉ giáo, soi sáng, làm cho hoan
hỷ, các Thượng tọa ngồi im lặng. Trưởng giả Chất-đa-la liền cúi đầu đảnh
lễ các Tỳ-kheo Thượng tọa, rồi đi đến phòng Tỳ-kheo Na-già-đạt-đa; đảnh lễ
Tỳ-kheo Na-già-đạt-đa, rồi ngồi lui qua một bên. Tỳ-kheo Na-già-đạt-đa hỏi
trưởng giả Chất-đa-la:
“Có lời nói như vầy:
Chi xanh[47]
được phủ trắng[48]
Xe một bánh lăn quay;
Lìa kết, đến quán sát,
Cắt dòng, chẳng còn trói.
“Này Trưởng giả, bài kệ này có
nghĩa gì?”
Trưởng giả Chất-đa-la thưa:
“Tôn giả Na-già-đạt-đa, có phải Đức
Thế Tôn nói bài kệ này không?”
“Phải.”
Chất-đa-la thưa Tôn giả
Na-già-đạt-đa:
“Xin Tôn giả im lặng chốc lát, tôi
sẽ suy nghĩ ý nghĩa này.”
Sau một hồi im lặng suy nghĩ,
Chất-đa-la nói với Tôn giả Na-già-đạt-đa:
“Xanh nghĩa là Giới[49].
Phủ trắng[50]
là giải thoát. Một bánh là thân niệm. Quay là quay ra. Xe
là chỉ quán[51].
Lìa kết[52],
có ba thứ kết là tham, sân, si. A-la-hán kia đã dứt sạch các lậu, đã diệt,
đã biến tri, đã cắt đứt rễ, như chặt ngọn cây đa-la không sanh trở lại
nữa, đời vị lai thành pháp bất sanh.
“Quán sát[53]
nghĩa là thấy. Đến, là người đến[54].
“Cắt dòng[55],
nghĩa là dòng ái nơi sanh tử. Tỳ-kheo A-la-hán kia đã dứt sạch các lậu, đã
diệt, đã biến tri, đã cắt đứt rễ, như chặt ngọn cây đa-la không sanh trở
lại nữa, đời vị lai thành pháp bất sanh.
“Chẳng còn trói[56],
là ba hệ phược: tham dục phược, sân nhuế phược, ngu si phược. Tỳ-kheo
A-la-hán kia đã dứt sạch các lậu, đã diệt, đã biến tri, đã cắt đứt rễ, như
chặt ngọn cây đa-la không sanh trở lại nữa, đời vị lai thành pháp bất
sanh.
“Thế nên, này Tôn giả
Na-già-đạt-đa, Thế Tôn nói bài kệ này:
“Chi xanh được phủ trắng
Xe một bánh lăn quay;
Lìa kết, quán sát đến,
Cắt dòng, chẳng còn trói.”
“Thế Tôn nói bài kệ này, tôi đã
phân biệt rồi.”
Tôn giả Na-già-đạt-đa hỏi trưởng
giả Chất-đa-la:
“Ông đã nghe nghĩa này trước rồi
chăng?”
“Thưa, không được nghe.”
Tôn giả Na-già-đạt-đa nói:
“Này Trưởng giả, ông được lợi ích
tốt lành, ở nơi Phật pháp sâu xa này mà được thâm nhập bằng tuệ nhãn của
Hiền thánh.”
Trưởng giả Chất-đa-la sau khi nghe
Tôn giả Na-già-đạt-đa nói xong, tùy hỷ, hoan hỷ, làm lễ rồi lui.
*
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở trong rừng Am-la tại làng Am-la,
cùng với các Tỳ-kheo Thượng tọa. Bấy giờ có trưởng giả Chất-đa-la đến chỗ
các Tỳ-kheo Thượng tọa, cúi đầu đảnh lễ dưới chân, rồi ngồi lui qua một
bên. Các Tỳ-kheo Thượng tọa vì trưởng giả Chất-đa-la nói pháp bằng nhiều
hình thức, khai thị, chỉ giáo, soi sáng, làm cho hoan hỷ. Sau khi nói pháp
bằng nhiều hình thức, khai thị, chỉ giáo, soi sáng, làm cho hoan hỷ, các
Thượng tọa ngồi im lặng. Trưởng giả Chất-đa-la liền cúi đầu đảnh lễ các
Tỳ-kheo Thượng tọa, rồi đi đến phòng Tỳ-kheo Na-già-đạt-đa; đảnh lễ
Tỳ-kheo Na-già-đạt-đa, rồi ngồi lui qua một bên. Tỳ-kheo Na-già-đạt-đa hỏi
trưởng giả Chất-đa-la:
“Có vô lượng tâm tam-muội, vô tướng tâm tam-muội,
vô sở hữu tâm tam-muội, không tâm tam-muội. Thế nào, trưởng giả, các pháp
này vì có nhiều nghĩa khác nhau nên có nhiều tên khác nhau, hay là chỉ có
một nghĩa mà có nhiều tên?”
Trưởng giả Chất-đa-la hỏi Tôn giả Na-già-đạt-đa:
“Các tam-muội này là do Thế Tôn nói hay Tôn giả tự
ý nói?”
Tôn giả Na-già-đạt-đa đáp:
“Đây là do Thế Tôn nói.”
Trưởng giả Chất-đa-la thưa Tôn giả Na-già-đạt-đa:
“Xin cho tôi được suy nghĩ một chút nghĩa này, rồi
sẽ trả lời.”
Sau giây lát suy nghĩ, trưởng giả nói với Tôn giả
Na-già-đạt-đa:
“Có pháp gồm nhiều nghĩa, nhiều câu, nhiều vị khác
nhau, có pháp chỉ một nghĩa mà nhiều vị.”
Tôn giả Na-già-đạt-đa lại hỏi trưởng giả:
“Thế nào là có pháp nhiều nghĩa, nhiều câu, nhiều
vị khác nhau?”
Trưởng giả Chất-đa-la đáp:
“Vô lượng tâm tam-muội[58],
nghĩa là tâm của Thánh đệ tử câu hữu với từ, không oán, không hận, không
sân, khoan dung, rộng lớn, tu tập vô lượng, duyên khắp mọi phương. Cũng
thế phương thứ hai, phương thứ ba, phương thứ tư, trên dưới tất cả tâm câu
hữu với từ, không oán, không hận, không sân, khoan dung, rộng lớn, tu tập
vô lượng, sung mãn khắp mọi phương, duyên khắp tất cả thế gian mà an trú.
Đó gọi là vô lượng tâm tam-muội.
“Thế nào là vô tướng tâm tam-muội[59]?
Thánh đệ tử đối với tất cả tướng đều không niệm tưởng, tự thân tác chứng
vô tướng tâm tam-muội. Đó gọi là vô tướng tâm tam-muội.
“Thế nào gọi là vô sở hữu tâm tam-muội[60]?
Thánh đệ tử vượt qua tất cả vô lượng thức nhập xứ, vô sở hữu, trụ vô sở
hữu. Đó gọi là vô sở hữu tâm tam-muội.
“Thế nào gọi là không tâm tam-muội[61]?
Thánh đệ tử, thế gian trống rỗng[62],
quan sát như thật rằng thế gian trống rỗng, thường trụ, không biến đổi,
chẳng phải ngã, chẳng phải ngã sở. Đó gọi là không tâm tam-muội.
“Đó gọi là pháp gồm nhiều nghĩa, nhiều câu, nhiều
vị.”
Tôn giả Na-già-đạt-đa hỏi trưởng giả:
“Thế nào là pháp chỉ có một nghĩa mà có nhiều vị?”
“Thưa Tôn giả, tham là có lượng[63].
Nếu vô tránh, là đệ nhất vô lượng[64].
Nghĩa là, tham là có tướng; nhuế, si là có tướng; vô tránh là vô tướng.
Tham là sở hữu, sân nhuế là sở hữu, vô tránh là vô sở hữu. Lại nữa, vô
tránh là trống không, không có tham, không có sân, không có si, trống
không thường trụ chẳng biến đổi, không phải ngã, không phải ngã sở. Đó là
pháp chỉ có một nghĩa mà có nhiều vị.”
Tôn giả Na-già-đạt-đa hỏi:
“Thế nào, trưởng giả, nghĩa này ông đã nghe trước
rồi phải không?
“Thưa Tôn giả con không nghe.”
Tôn giả Na-già-đạt-đa lại bảo trưởng giả:
“Này Trưởng giả, ông được lợi ích lớn, ở nơi Phật
pháp sâu xa này mà được thâm nhập bằng tuệ nhãn của Hiền thánh.”
Trưởng giả Chất-đa-la sau khi nghe Tôn giả
Na-già-đạt-đa nói xong, tùy hỷ, hoan hỷ, làm lễ rồi lui.
Sau khi trưởng giả nghe Tôn giả Na-già-đạt-đa nói
xong, tùy hỷ hoan hỷ, làm lễ rồi lui.
*
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở trong rừng Am-la
tại làng Am-la cùng với các Tỳ-kheo Thượng tọa. Bấy giờ, trưởng giả
Chất-đa-la đến đảnh lễ các Tỳ-kheo Thượng tọa, rồi đến đảnh lễ Tỳ-kheo
Già-ma[66],
rồi ngồi lui qua một bên, thưa Tỳ-kheo Già-ma:
“Hành, thế nào gọi là hành[67]?”
Tỳ-kheo Già-ma đáp:
“Hành, nghĩa là có ba hành: thân
hành, khẩu hành và ý hành.”
“Thế nào là thân hành, thế nào là
khẩu hành, thế nào là ý hành?”
“Này Trưởng giả, hơi thở ra vào là
thân hành; có giác, có quán gọi là khẩu hành; tưởng, tư gọi là ý hành.”
“Vì sao hơi thở ra vào gọi là thân
hành; có giác, có quán[68]
gọi là khẩu hành; có tưởng, tư[69]
gọi là ý hành? Này Trưởng giả, hơi thở ra vào là pháp của
thân, y nơi thân, thuộc nơi thân, nương nơi thân mà chuyển, do đó hơi thở
ra vào gọi là thân hành. Vì có giác, có quán nên miệng nói năng, thế nên
có giác, có quán gọi là khẩu hành. Tưởng, tư là ý hành. Nương nơi tâm,
thuộc về tâm, y tâm mà chuyển, do đó tưởng, tư là ý hành.”
Trưởng giả lại hỏi Tôn giả:
“Giác, quán rồi phát ra miêïng nói,
thế nên giác, quán thuộc về khẩu hành. Tưởng, tư là tâm sở pháp, nương nơi
tâm, thuộc nơi tâm mà tưởng chuyển, thế nên tưởng, tư gọi là ý hành.”
Trưởng giả lại hỏi Tôn giả có bao
nhiêu pháp:
Lúc người bỏ thân này,
Thân xác nằm trên đất,
Ném vào trong gò mả,
Vô tâm như gỗ đá?
Tôn giả đáp lại:
Hơi ấm, thọ và thức,
Lúc xả thân đều bỏ,
Thân kia trong gò mả,
Vô tri như gỗ đá.
Trưởng giả lại hỏi Tôn giả:
“Người chết
và người nhập chánh thọ Diệt tận[70]
có khác nhau không?”
“- Xả thọ và
hơi ấm, các căn hư hoại, thân mạng phân ly, đó gọi là chết. Người Diệt tận
định, thân, khẩu, ý hành diệt, nhưng không xả thọ mạng, chẳng lìa hơi ấm,
các căn không hoại, thân mạng thuộc nhau. Đó là tướng sai khác giữa người
chết và người nhập Diệt tận định.”
Trưởng giả lại hỏi Tôn giả:
“Thế nào là nhập Diệt tận chánh
thọ?”
“- Trưởng giả, người nhập Diệt tận
chánh thọ không nói, ‘ta đang nhập Diệt tận chánh thọ, ta sẽ nhập Diệt tận
chánh thọ’. Nhưng trước đó đã làm phương tiện tắt dần như thế; như phương
tiện từ trước, hướng đến nhập Diệt tận chánh thọ.”
“Lúc nhập Diệt tận chánh thọ, trước
hết diệt pháp gì, là diệt thân hành, khẩu hành hay ý hành?”
“- Này Trưởng giả, người nhập Diệt
tận chánh thọ trước hết diệt khẩu hành, kế đến thân hành, sau đó là ý
hành.”
Trưởng giả lại hỏi Tôn giả:
“Thế nào là xuất Diệt tận chánh
thọ?”
Tôn giả đáp:
“Trưởng giả, người xuất Diệt tận
chánh thọ cũng không nghĩ rằng: ‘Ta nay xuất chánh thọ, ta sẽ xuất chánh
thọ’. Nhưng trước kia đã tác thành tâm phương tiện; như tâm trước kia mà
khởi.”
“Khởi Diệt tận chánh thọ, pháp nào
khởi trước, là thân hành, khẩu hành hay ý hành?”
“- Này Trưởng giả, từ Diệt tận
chánh thọ khởi, ý hành khởi trước, kế đến thân hành, rồi đến khẩu hành.”
“Tôn giả, sự nhập Diệt tận định,
thế nào là thuận xuôi, chảy xuôi, chảy sâu[71]?”
“- Này Trưởng giả, sự nhập Diệt tận
chánh thọ thuận xuôi về viễn ly, chảy xuôi về viễn ly, chảy sâu về viễn
ly; thuận xuôi về xuất ly, chảy xuôi về xuất ly, chảy sâu về xuất ly;
thuận xuôi Niết-bàn, chảy xuôi Niết-bàn, chảy sâu vào Niết-bàn.”
Trưởng giả lại hỏi Tôn giả:
“Lúc trụ Diệt tận chánh thọ, được
xúc bởi bao nhiêu xúc?”
Tôn giả đáp:
“- Này Trưởng giả, xúc bất động,
xúc vô tướng, xúc vô sở hữu.”
Trưởng giả lại hỏi Tôn giả:
“Lúc nhập Diệt tận chánh thọ, tác
thành bao nhiêu pháp?”
Tôn giả đáp:
“Này Trưởng giả, điều ấy nên hỏi
trước, sao đến bây giờ mới hỏi? Nhưng tôi cũng nói cho ông biết. Tỳ-kheo
nhập Diệt tận chánh thọ tu hai pháp: Chỉ và quán.”
Sau khi trưởng giả Chất-đa-la nghe
Tôn giả nói xong, tùy hỷ hoan hỷ làm lễ rồi đi.
*
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở trong rừng Am-la tại làng Am-la,
cùng với các Tỳ-kheo Thượng tọa. Bấy giờ, có trưởng giả Chất-đa-la đến chỗ
các Tỳ-kheo Thượng tọa, cúi đầu đảnh lễ dưới chân, rồi ngồi lui qua một
bên. Các Tỳ-kheo Thượng tọa vì trưởng giả Chất-đa-la nói pháp bằng nhiều
hình thức, khai thị, chỉ giáo, soi sáng, làm cho hoan hỷ. Sau khi nói pháp
bằng nhiều hình thức, khai thị, chỉ giáo, soi sáng, làm cho hoan hỷ, các
Thượng tọa ngồi im lặng.
Trưởng giả Chất-đa-la liền rời khỏi chỗ ngồi, trịch
vai áo bên phải, quỳ gối chắp tay thưa thỉnh các Thượng tọa:
“Con cúi xin chư tôn nhận lễ cúng dường, bữa ăn đạm
bạc của con.”
Khi ấy các Thượng tọa im lặng nhận lời. Trưởng giả
biết các Thượng tọa đã im lặng nhận lời mời, vội vã đảnh lễ rồi lui. Về
nhà, sửa soạn các thứ đồ ăn thức uống, trải chỗ ngồi. Sáng sớm, sai người
đến báo đã đến giờ. Các Thượng tọa đều đắp y mang bát đến nhà trưởng giả,
ngồi vào chỗ ngồi dọn sẵn. Trưởng giả cúi đầu đảnh lễ các Thượng tọa, rồi
ngồi lui qua một bên thưa rằng:
“Thưa các Thượng tọa, gọi là đa dạng giới[73].
Vậy thế nào là đa dạng giới?”
Bấy giờ, các Thượng tọa im lặng. Ba lần thưa như
vậy. Lúc ấy Tôn giả Lê-tê-đạt-đa[74]
ngồi hạ tọa trong chúng, thưa với các Tỳ-kheo Thượng tọa:
“Thưa các Tôn giả, con muốn đáp câu hỏi của trưởng
giả này.”
Các Thượng tọa đáp:
“Được.”
Trưởng giả Chất-đa-la liền hỏi:
“Thưa Tôn giả, đa dạng giới; những gì là đa dạng
giới?”
Lê-tê-đạt-đa đáp:
“Này trưởng giả, nhãn giới khác, sắc giới khác,
nhãn thức giới khác; nhĩ giới khác, thanh giới khác, nhĩ thức giới khác;
tỷ giới khác, hương giới khác, tỷ thức giới khác; thiệt giới khác, vị giới
khác, thiệt thức giới khác; thân giới khác, xúc giới khác, thân thức giới
khác; ý giới khác, pháp giới khác, ý thức giới khác. Như vậy, Trưởng giả,
đó gọi là đa dạng giới.”
Bấy giờ, trưởng giả Chất-đa-la đem các thứ thức ăn
ngon lành, tinh khiết cúng dường. Sau khi chúng Tăng thọ thực, súc miệng,
cất y bát xong, trưởng giả Chất-đa-la trải một chỗ ngồi thấp ở trước các
Thượng tọa để nghe pháp.
Các Thượng tọa vì trưởng giả nói pháp, khai thị,
chỉ giáo, soi sáng, làm cho hoan hỷ, sau đó các Thượng tọa rời chỗ ngồi mà
đi. Dọc đường các Thượng tọa nói với Lê-tê-đạt-đa:
“Lành thay, lành thay! Tỳ-kheo Lê-tê-đạt-đa, ông
thật khéo biện tài và nói rất đúng lúc. Nếu ở trường hợp khác, ông cũng
nên ứng đáp như vậy.”
Các Thượng tọa sau khi nghe những lời của
Lê-tê-đạt-đa, hoan hỷ phụng hành.
*
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở trong rừng Am-la tại làng Am-la
cùng với chúng Tăng gồm các Tỳ-kheo Thượng tọa. Bấy giờ, trưởng giả
Chất-đa-la đến chỗ các Thượng tọa, cúi đầu đảnh lễ dưới chân, rồi ngồi lui
qua một bên, thưa các Thượng tọa:
“Theo cái thấy của thế gian, có người nói có ngã,
hoặc nói chúng sanh, hoặc nói thọ mạng, hoặc nói việc tốt xấu ở thế gian.
Thế nào, thưa Tôn giả, có sở kiến khác nhau đó là do gốc gì, tập gì, sanh
gì, chuyển gì[76]?”
Các Thượng tọa im lặng chẳng đáp. Được hỏi ba lần
như vậy, các Thượng tọa vẫn im lặng. Bấy giờ, có Tỳ-kheo hạ tọa là
Lê-tê-đạt-đa thưa với các Thượng tọa:
“Thưa các Thượng tọa, con muốn đáp câu hỏi của
Trưởng giả này.”
Các Thượng tọa bảo:
“Khéo đáp được thì đáp.”
Trưởng giả liền hỏi Tôn giả Lê-tê-đạt-đa:
“Những sở kiến của thế gian do gốc gì, tập gì, sanh
gì, chuyển gì?”
Tôn giả Lê-tê-đạt-đa đáp:
“Này Trưởng giả, những gì là sở kiến của thế gian,
hoặc nói có ngã, hoặc nói chúng sanh, hoặc nói thọ mạng, hoặc nói việc tốt
xấu của thế gian; các sở kiến ấy đều lấy thân kiến làm gốc, thân kiến tập,
thân kiến sanh, thân kiến chuyển.”
Trưởng giả lại hỏi:
“Thế nào là thân kiến[77]?”
Tôn giả đáp:
“Này Trưởng giả, phàm phu ngu si không học thấy sắc
là ngã, sắc khác ngã, ngã ở trong sắc, sắc ở trong ngã; thấy thọ, tưởng,
hành, thức là ngã, thức khác ngã, thức ở trong ngã, ngã ở trong thức. Này
Trưởng giả, đó gọi là thân kiến.”
Trưởng giả lại hỏi Tôn giả:
“Làm thế nào để không có thân kiến này?”
Tôn giả đáp:
“Này Trưởng giả, đa văn Thánh đệ tử chẳng thấy sắc
là ngã, chẳng thấy sắc khác ngã, chẳng thấy sắc trong ngã, ngã trong sắc[78];
chẳng thấy thọ, tưởng, hành, thức là ngã, chẳng thấy thức khác ngã, chẳng
thấy thức trong ngã, ngã trong thức; đó gọi là không có thân kiến.”
“Cha của Tôn giả tên gì? Sanh ở đâu?”
“Tôi sanh ở phía sau nhà trưởng giả.”
Trưởng giả Chất-đa-la bảo Tôn giả Lê-tê-đạt-đa:
“Hai cụ thân sanh của con và Tôn giả vốn là chỗ
quen biết.”
Tôn giả Lê-tê-đạt-đa đáp:
“Vâng, đúng như thế.”
Trưởng giả Chất-đa-la bảo Lê-tê-đạt-đa:
“Nếu Tôn giả ở trong vườn Am-la này, suốt đời con
xin cúng dường y phục, thức ăn và thuốc men.”
Tôn giả Lê-tê-đạt-đa im lặng nhận lời. Vì Tôn giả
Lê-tê-đạt-đa đã nhận sự cúng dường rồi nên thường bị chướng ngại, lâu ngày
không đến chỗ Thế Tôn.
Bấy giờ, các Thượng tọa vì trưởng giả Chất-đa-la
nói pháp, khai thị, chỉ giáo, soi sáng, làm cho hoan hỷ.
Sau khi được sự khai thị, chỉ giáo, soi sáng, làm
cho hoan hỷ, trưởng giả Chất-đa-la tùy hỷ hoan hỷ làm lễ rồi lui.
*
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở trong rừng Am-la
tại làng Am-la, cùng chúng Tăng gồm các vị Tỳ-kheo Thượng tọa. Bấy giờ
trưởng giả Chất-đa-la đến chỗ các Thượng tọa, cúi đầu đảnh lễ dưới chân,
rồi ngồi lui qua một bên, thưa với các Thượng tọa:
“Xin thỉnh các Tôn giả nhận lời mời
của con đến trại bò[80]
thọ thực.”
Các Thượng tọa im lặng nhận lời
mời. Trưởng giả Chất-đa-la biết các Thượng tọa im lặng nhận lời rồi, liền
vội vàng trở về nhà. Suốt đêm trưởng giả chuẩn bị đầy đủ các thứ đồ ăn
thức uống, sáng sớm sắp xếp chỗ ngồi, rồi sai người đến thưa với các
Thượng tọa biết đã đến giờ. Các Thượng tọa đắp y mang bát đến nhà trưởng
giả Chất-đa-la trong thôn trại bò. Khi đã ngồi xong, trưởng giả Chất-đa-la
tự tay dâng các thứ đồ ăn thức uống cúng dường. Sau khi các Thượng tọa thọ
trai, súc miệng, rửa bát xong, trưởng giả Chất-đa-la trải một chỗ ngồi
thấp trước các Thượng tọa để nghe pháp.
Bấy giờ, các Thượng tọa vì trưởng
giả mà nói pháp, khai thị, chỉ giáo, soi sáng, làm cho hoan hỷ. Sau khi
khai thị, chỉ giáo, soi sáng, làm cho hoan hỷ, các Thượng tọa rời chỗ ngồi
đứng dậy ra đi. Trưởng giả Chất-đa-la cũng đi theo sau. Các Thượng tọa vì
ăn mật, tô, lạc, quá no, lúc ấy vào tháng cuối xuân, trời nóng bức, nên đi
đường rất mệt nhọc.
Bấy giờ có Tỳ-kheo hạ tọa tên là
Ma-ha-ca[81]
thưa với các vị Thượng tọa:
“Hôm nay trời quá oi bức, con muốn
nổi mây mưa và gió mát có được không?”
Các Thượng tọa đáp:
“Ngươi có thể làm như vậy thì tốt
lắm.”
Ma-ha-ca liền nhập tam-muội, bằng
chánh thọ như vậy[82],
liền khi đó mây nổi, mưa nhẹ và gió mát từ bốn phương thổi tới. Đến cửa
tinh xá, Tôn giả Ma-ha-ca hỏi các Thượng tọa:
“Việc làm này có thể dừng lại được
chưa?”
Các Thượng tọa đáp:
“Hãy dừng đi.”
Lúc ấy, Ma-ha-ca liền ngưng thần
thông, rồi trở về phòng riêng. Trong khi đó trưởng giả Chất-đa-la nghĩ
thầm: Vị Tỳ-kheo tối hạ tọa mà có thể có sức thần thông lớn như thế, huống
chi là các bậc trung tọa, thượng tọa. Nghĩ như thế liền đảnh lễ chân các
Tỳ-kheo Thượng tọa, rồi đi theo Tỳ-kheo Ma-ha-ca đến phòng của Tỳ-kheo
này, làm lễ Tôn giả Ma-ha-ca, rồi ngồi lui qua một bên thưa:
“Thưa Tôn giả, con muốn được thấy
sự hóa hiện thần túc siêu quá người thường của Tôn giả[83].”
Tôn giả Ma-ha-ca nói:
“Trưởng giả chớ nên thấy, sẽ sợ
hãi!”
Ba lần thỉnh, ba lần Tôn giả đều từ
chối. Trưởng giả lại thỉnh nữa:
“Xin Tôn giả cho xem thần thông
biến hóa.”
Tôn giả Ma-ha-ca bảo trưởng giả:
“Thôi ông hãy ra ngoài, lấy cỏ khô
và củi gom lại một đống, rồi đem tấm đệm trùm lên trên.”
Trưởng giả Chất-đa-la y theo lời
dạy của Tôn giả, ra ngoài gom củi thành đống, rồi đến thưa Tôn giả:
“Đống củi đã có và con đã phủ lên
bằng một tấm đệm.”
Tôn giả Ma-ha-ca liền nhập tam-muội
hỏa quang, từ lỗ trống then cửa phát ra ngọn lửa. Lửa đốt trụi đống củi,
chỉ có tấm đệm trắng không cháy. Tôn giả bảo trưởng giả:
“Nay ông thấy không?”
“Đã thấy, thưa Tôn giả, thật là kỳ
diệu!”
Tôn giả Ma-ha-ca bảo trưởng giả:
“Ông nên biết, đây đều do không
buông lung làm gốc, không buông lung mà tập khởi, không buông lung mà
sanh, không buông lung mà chuyển. Do không buông lung nên được Vô thượng
Chánh đẳng Chánh giác. Này Trưởng giả, thế nên việc này cùng với công đức
khác, tất cả đều do không buông lung làm gốc, không buông lung mà tập
khởi, không buông lung mà sanh, không buông lung mà chuyển. Do không buông
lung nên được Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác và những pháp đạo phẩm
khác.”
Trưởng giả Chất-đa-la thưa với Tôn
giả Ma-ha-ca:
“Xin Tôn giả ở luôn trong rừng này,
con sẽ trọn đời cúng dường y phục, thức ăn và thuốc men tùy bệnh.”
Tôn giả Ma-ha-ca vì có việc phải đi
nên không nhận lời mời của trưởng giả.
Trưởng giả Chất-đa-la nghe pháp
xong, tùy hỷ, hoan hỷ, liền từ chỗ ngồi đứng lên làm lễ rồi đi.
Tôn giả Ma-ha-ca không muốn làm cho
người cúng dường lợi dưỡng trở thành tội chướng, nên Tôn giả vội vã từ chỗ
ngồi đứng dậy ra đi không trở lại.
*
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở trong rừng Am-la, cùng số đông các
vị Tỳ-kheo Thượng tọa.
Bấy giờ các Tỳ-kheo Thượng tọa tụ tập ở nhà ăn,
cùng bàn luận như sau:
“Các vị nghĩ thế nào, mắt
trói buộc sắc chăng? Sắc trói buộc mắt chăng? Cũng thế, tai với âm thanh,
mũi với mùi, lưỡi với vị, thân với xúc, ý với pháp, là ý trói buộc chăng?
Hay pháp trói buộc ý?”
Trong khi đó, trưởng giả Chất-đa-la đang đi lo công
việc, ngang qua tinh xá, trông thấy các Tỳ-kheo Thượng tọa tụ tập tại nhà
ăn, liền đến trước đảnh lễ các Thượng tọa và thưa hỏi:
“Chư Tôn giả tụ tập tại nhà ăn đang bàn luận điều
gì vậy?”
Các Thượng tọa đáp:
“Này Trưởng giả, chúng tôi hôm nay tụ tập tại nhà
ăn này, bàn luận rằng: Có phải mắt trói buộc sắc, hay sắc trói buộc mắt?
Cũng như vậy, tai với âm thanh, mũi với mùi, lưỡi với vị, thân với xúc, ý
với pháp, là ý trói buộc chăng? Hay pháp trói buộc ý?”
Trưởng giả hỏi:
“Thưa các Tôn giả, các Tôn giả sẽ nói thế nào về
nghĩa này?”
Các Thượng tọa nói:
“Còn đối với trưởng giả, ông nghĩ sao?”
Trưởng giả thưa các Thượng tọa:
“Theo ý con, mắt chẳng trói buộc sắc, chẳng phải
sắc trói buộc mắt; cho đến chẳng phải ý trói buộc pháp, chẳng phải pháp
trói buộc ý. Nhưng ở khoảng giữa có dục tham[85],
theo đó mà trói buộc. Ví như hai con bò, một đen, một trắng, mang cái ách.
Có người hỏi: bò đen trói buộc bò trắng hay bò trắng trói buộc bò đen? Hỏi
như thế có đúng không?”
Các Thượng tọa đáp:
“Này Trưởng giả, hỏi như thế không đúng. Vì sao? Vì
chẳng phải bò đen trói buộc bò trắng và cũng không phải bò trắng trói buộc
bò đen. Cái ách kia là vật trói buộc cả hai.”
“Cũng vậy, thưa các Tôn giả, chẳng phải mắt trói
buộc sắc, chẳng phải sắc trói buộc mắt cho đến không phải ý trói buộc
pháp, không phải pháp trói buộc ý, nhưng ở giữa đó, tham dục là sự trói
buộc.”
Trưởng giả Chất-đa-la nghe các Tỳ-kheo Thượng tọa
nói xong, tùy hỷ hoan hỷ, làm lễ mà lui.
*
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở trong rừng Am-la.
Bấy giờ có ngoại đạo A-kỳ-tỳ-ca[87],
là chỗ thân hậu của tiên nhân của trưởng giả Chất-đa-la, đi đến chỗ
Chất-đa-la, cùng nhau chào hỏi ân cần, rồi đứng một bên. Trưởng giả
Chất-đa-la hỏi ngoại đạo A-kỳ-tỳ-ca:
“Nhân giả xuất gia được bao lâu rồi?”
“Trưởng giả, tôi xuất gia đến nay đã hơn hai mươi
năm[88].”
Trưởng giả Chất-đa-la hỏi:
“Nhân giả xuất gia đã hơn hai mươi năm, có được
pháp siêu quá người thường[89],
tột cùng tri kiến và an lạc trụ không?”
A-kỳ-tỳ-ca đáp:
“Này Trưởng giả, tuy tôi đã xuất gia hơn hai mươi
năm mà chẳng được pháp siêu quá người thường, tột cùng tri kiến và an lạc
trụ. Chỉ có lõa hình, nhổ tóc, khất thực, du hành trong nhân gian, nằm
trên tro đất.”
Trưởng giả Chất-đa-la bảo:
“Đây không phải là pháp luật đúng danh xưng. Đây là
ác tri kiến; chẳng phải là con đường xuất yếu, chẳng gọi là Đẳng giác, chỗ
chẳng đáng khen ngợi, chẳng có thể nương tựa. Luống gọi là người xuất gia
hơn hai mươi năm, lõa hình, nhổ tóc, du hành khất thực trong nhân gian,
nằm trên tro đất.”
A-kỳ-tỳ-ca hỏi trưởng giả Chất-đa-la:
“Ông làm đệ tử của Sa-môn Cù-đàm đã được bao lâu?”
Trưởng giả Chất-đa-la đáp:
“Tôi làm đệ tử của Thế Tôn hơn hai mươi năm.”
Lại hỏi trưởng giả Chất-đa-la:
“Ông là đệ tử của Sa-môn Cù-đàm đã hơn hai mươi
năm, có được pháp siêu quá người thường, tột cùng tri kiến và an lạc trụ
không?”
Trưởng giả Chất-đa-la đáp:
“Ông nên biết, trưởng giả Chất-đa-la sẽ không còn
thọ sanh vào bào thai nữa, không còn tăng thêm mồ mả, không còn sanh khởi
từ khí huyết. Như Thế Tôn nói: ‘Năm hạ phần kết sử, Ta không còn thấy một
kết nào mà không đoạn. Nếu có một kết nào chưa đoạn, sẽ còn trở lại sau
đời này’.”
Trong lúc trưởng giả nói như vậy, A-kỳ-tỳ-ca càng
thêm buồn bã, than thở rơi lệ, lấy áo lau mặt và nói với trưởng giả
Chất-đa-la:
“Tôi phải tính sao bây giờ?”
Trưởng giả Chất-đa-la đáp:
“Nếu ông có thể ở trong Chánh pháp luật xuất gia,
tôi sẽ cung cấp y bát và những vật cần thiết.”
A-kỳ-tỳ-ca suy nghĩ giây lát, rồi nói với trưởng
giả Chất-đa-la:
“Tôi nay tùy theo anh, xin chỉ dạy tôi việc cần
làm.”
Trưởng giả Chất-đa-la liền đưa A-kỳ-tỳ-ca đế chỗ
các Thượng tọa, rồi ngồi lui qua một bên, thưa các Tỳ-kheo Thượng tọa:
“A-kỳ-tỳ-ca này là chỗ thân hậu của tiên nhân của
con, ngày nay xin được xuất gia làm Tỳ-kheo. Mong các Thượng tọa độ cho
xuất gia. Con sẽ cung cấp y bát và các vật dụng cần thiết.”
Các Thượng tọa liền cho xuất gia, cạo bỏ râu tóc,
mặc áo ca-sa. Xuất gia xong, A-kỳ-tỳ-ca suy nghĩ những lý do mà người
thiện nam cạo bỏ râu tóc, mặc áo ca-sa, xuất gia tăng tiến học đạo, tịnh
tu phạm hạnh, đắc quả A-la-hán.
*
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở trong rừng Am-la
tại làng Am-la, cùng các vị Tỳ-kheo Thượng tọa. Bấy giờ có Ni-kiền Nhã-đề
Tử[91]
cùng với năm trăm quyến thuộc đi đến rừng Am-la, muốn dụ
trưởng giả Chất-đa-la làm đệ tử. Trưởng giả Chất-đa-la nghe tin Ni-kiền
Nhã-đề Tử cùng với năm trăm quyến thuộc đến rừng Am-la muốn dụ mình làm đệ
tử. Sau khi nghe như vậy rồi, ông liền đi đến chỗ Ni-kiền Nhã-đề Tử. Hai
bên cùng nhau chào hỏi, rồi mỗi người ngồi lui qua một bên. Bấy giờ
Ni-kiền Nhã-đề Tử nói với trưởng giả Chất-đa-la:
“Ông có tin Sa-môn Cù-đàm được
tam-muội không giác không quán[92]
chăng[93]?”
Trưởng giả Chất-đa-la đáp:
“Tôi không vì tin mà đến đây[94].”
A-kỳ-tỳ-ca[95]
nói:
“Này Trưởng giả, ông không quanh co, không dối trá,
chất thực, bản chất chất trực. Này Trưởng giả, nếu người có thể dứt được
hữu giác hữu quán, cũng có thể dùng dây buộc gió; hoặc người dứt hữu giác
hữu quán, cũng có thể lấy một nắm đất ngăn được dòng nước sông Hằng. Ta
trong lúc đi, đứng, nằm, ngồi, tri kiến thường sanh.”
Trưởng giả Chất-đa-la hỏi Ni-kiền Nhã-đề Tử:
“Tín được đặt trước hay trí được đặt trước? Tín và
trí cái nào trước, cái nào hơn?”
Ni-kiền Nhã-đề Tử đáp:
“Tín nên đặt trước, sau đó có trí. Tín và trí so
sánh nhau thì trí là hơn.”
Trưởng giả Chất-đa-la nói với Ni-kiền Nhã-đề Tử:
“Tôi đã cầu được dứt hữu giác hữu quán, nội tịnh,
nhất, không giác không quán, có hỷ lạc do tam-muội sanh, chứng và an trụ
đệ Nhị thiền. Ban ngày tôi cũng ở trong tam-muội này. Ban đêm tôi cũng ở
trong tam-muội này. Có trí như vậy thì cần gì tin Thế Tôn!”
Ni-kiền Nhã-đề Tử nói:
“Ngươi quanh co, dối trá, không chất trực, bản chất
không chất trực.”
Trưởng giả Chất-đa-la nói:
“Lúc nãy ông đã nói là tôi không quanh co, không
dối trá, chất thực, bản chất chất trực, vì sao bây giờ lại nói là tôi
quanh co, dối trá, không chất thực, bản chất không chất trực? Nếu như lời
trước của ông là thật, thì lời sau là dối trá; hoặc lời sau thật thì lời
trước dối trá! Trước ông đã nói: ‘Ta trong đi, đứng, nằm, ngồi tri kiến
thường sanh, đối với trước sau, việc nhỏ như vậy mà còn không rõ thì làm
sao biết được pháp siêu quá người thường, hoặc tri kiến, hoặc việc trụ an
lạc?’”
Trưởng giả lại hỏi Ni-kiền Nhã-đề Tử:
“Có người hỏi một liền đáp một, cho đến hỏi mười
đáp mười, ông có như vậy không? Nếu không hỏi một đáp một, hỏi mười đáp
mười, mà đến rừng Am-la này hòng mong dụ dỗ tôi sao?”
Ngay lúc ấy Ni-kiền Nhã-đề Tử nghẹn thở, lắc đầu,
chắp tay chào và đi thẳng không nhìn lại.
*
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở trong rừng Am-la tại làng Am-la,
cùng số đông các vị Tỳ-kheo Thượng tọa.
Bấy giờ trưởng giả Chất-đa-la bị bệnh khổ, các thân
thuộc vây quanh. Có nhiều vị trời đến chỗ trưởng giả Chất-đa-la, bảo rằng:
“Này Trưởng giả, ông nên phát nguyện làm Chuyển
luân vương.”
Trưởng giả Chất-đa-la nói với chư Thiên:
“Nếu làm Chuyển luân vương; kia cũng vô thường,
khổ, không, vô ngã.”
Rồi, các thân thuộc của trưởng giả bảo trưởng giả:
“Ông nên buộc niệm lại! Ông nên buộc niệm lại!”
Trưởng giả Chất-đa-la nói với thân thuộc:
“Vì sao các ông dạy tôi phải buộc niệm lại?”
Những người thân nói rằng:
“Ông đã nói: Vô thường, khổ, không, vô ngã. Vì vậy
nên chúng tôi bảo ông nên buộc niệm lại, buộc niệm lại!”
Trưởng giả nói với các quyến thuộc:
“Có chư Thiên đến chỗ tôi, nói với tôi: Ông nên
phát nguyện được làm Chuyển luân Thánh vương, sẽ tùy nguyện đắc quả. Tôi
liền đáp: Chuyển luân Thánh vương lại cũng vô thường, khổ, không, vô ngã.”
Các quyến thuộc hỏi trưởng giả Chất-đa-la:
“Chuyển luân vương có gì mà chư Thiên bảo ông mong
cầu?”
Trưởng giả đáp:
“Chuyển luân vương đem chánh pháp cai trị, giáo
hóa. Vì chư Thiên thấy phước lợi như vậy nên dạy tôi phát nguyện mong
cầu.”
Các quyến thuộc hỏi:
“Nay ông dụng tâm như thế nào?”
Trưởng giả đáp:
“Này các thân quyến, ngày nay tâm tôi nguyện rằng
chỉ không còn thọ sanh vào bào thai nữa, không thêm mồ mả, không thọ nhận
huyết khí. Như Thế Tôn nói: Năm hạ phần kết sử, Ta không thấy có, không tự
thấy một kết nào mà không đoạn. Nếu kết không đoạn thì còn sanh lại đời
này.”
Ngay lúc ấy Trưởng giả ngay từ giường nằm, ngồi
kiết già, chánh niệm và nói kệ:
Chứa thức ăn đã chứa,
Rộng độ các hoạn nạn;
Bố thí tăng ruộng phước,
Vun trồng năm chủng lực.
Vì mong muốn nghĩa ấy,
Người
tục sống tại nhà.
Ta điều được
lợi này,
Đã khỏi các thứ nạn.
Điều thế gian nghe quen,
Xa lìa các việc khó;
Sanh vui, biết chút khó,
Tùy thuận Đẳng Chánh Giác.
Cúng dường
người trì giới,
Khéo tu các phạm hạnh;
Lậu tận A-la-hán,
Và ẩn sĩ Thanh văn.
Kiến siêu việt như
vậy,
Trên các cõi thù thắng;
Thường
làm người bố thí,
Cuối cùng được
quả lớn.
Tập hành bố thí chúng,
Cho các ruộng phước
tốt;
Nơi
đời này mạng chung,
Hóa sanh về cõi trời.
Năm dục được
đầy đủ,
Tâm vô lượng
mừng vui;
Được
báo vi diệu này,
Vì không tâm keo bẩn;
Thọ sanh ở nơi
nào,
Đều luôn được vui vẻ.
Trưởng giả Chất-đa-la nói kệ này
xong, liền mạng chung, sanh vào cõi Vô phiền nhiệt thiên.
Bấy giờ Thiên tử Chất-đa-la nghĩ
rằng: Ta không nên đình trú ở đây, mà nên đến Diêm-phù-đề lễ bái các
Tỳ-kheo Thượng tọa. Trong khoảnh khắc nhanh như người lực sĩ co duỗi cánh
tay, dùng sức Thiên thần hiện đến rừng Am-la, phóng ánh sáng từ thân trời,
chiếu sáng khắp rừng Am-la. Bấy giờ, có Tỳ-kheo nọ, ra khỏi phòng ban đêm
đi kinh hành nơi đất trống, trông thấy ánh sáng kỳ diệu, chiếu khắp rừng
cây, liền nói kệ:
Sắc trời nào vi diệu,
Trụ ở giữa hư
không;
Giống như
núi vàng rực,
Ánh sáng Diêm-phù-đàn?
Thiên tử Chất-đa-la nói kệ đáp:
Tôi là vua trời, người,
Là đệ tử Cù-đàm;
Trong rừng Am-la này,
Trưởng
giả Chất-đa-la.
Nhờ tịnh giới đầy đủ,
Hệ niệm tự tịch tịnh;
Thân giải thoát đầy đủ,
Thân trí tuệ cũng thế.
Tôi biết pháp nên đến,
Nhân giả cần nên biết;
Nên nơi
Niết-bàn kia,
Pháp này pháp như vậy.
Thiên tử Chất-đa-la nói kệ xong,
liền biến mất.
*
[1].
Đại Chánh quyển 21, kinh 559;
Pāli, S.35.192
Kāmanhū.
[2].
Ba-la-lợi-phất-đố-lộ
波羅利弗妒路Bản
Pāli: Phật trú tại tinh xá Ghositārāma,
Kosambī.
[3].
Ca-ma
波羅. Pāli:
Kāmabhū.
[4].
Kê lâm tinh xá
雞林精舍, Pāli:
Kukkuṭārāma? Bản Pāli: tính xá
Ghositārāma.
[5].
Bản Pāli, S.35.192: “Con mắt là hệ phược
của sắc, hay sắc là hệ phược của con mắt?” Nội dung Hán và Pāli không
đồng nhất.
[6].
Vô tưởng tâm tam-muội
無想心三昧:
tức vô tướng tâm tam-muội. Xem các kinh 556 và
tiếp.
[8].
Pāli, A.4.170 Yuganandha.
[9].
Tự ký thuyết
自記說.
Bản Pāli: arahattapattiṃ
vyākaroti, tự xác
nhận đắc quả A-la-hán.
[10].
Bản Pāli:
sabbo so catuhi aṅgehi etesaṃ vā aññatarena,
“(tự ký thuyết) bằng bốn chi, hay một trong bốn chi”.
[11].
Hán: nhất tâm đẳng thọ hóa
一心等受化;
không rõ nghĩa. Ấn Thuận cho là dư chữ hóa
化
.
[12].
Bốn chi (Hán: tứ đạo
四道),
bản Pāli: 1.
samathapubaṅgamaṃ vipassanaṃ bhāveti,
tu quán với chỉ đi trước. 2.
vipassanāpubbaṅgamaṃ samathaṃ bhāveti,
tu chỉ với quán đi trước. 3.
samathavipassanaṃ yuganaddhaṃ bhāveti,
chỉ quán song hành. 4.
dhammuddhaccaviggahitaṃ mānasaṃ hoti,
tác ý để diệt trừ sự loạn động đối với pháp.
[13].
Pāli, S.51.15
Brāhmaịa.
[14].
Pāli:
chandappahānattham, mục
đích đoạn trừ dục.
[15].
Bản Pāli: y chỉ dục tam-ma-địa cần hành
thần túc (chandasamādhi-padhāna-saṃkhāra-samannāgataṃ
iddhipādaṃ). Tức tu bốn thần túc
(iddhipāda).
[16].
Pāli: “Lấy dục để đoạn dục, như thế thì
không cùng tận (...
santakaṃ hoti no asantakaṃ).
[17].
Bốn Như ý túc, hay thần túc, xem cht.15,
kinh 561.
[18].
Dục, tinh tấn định, tâm định, tư duy
định; thứ tự này không đồng với các bản khác: dục, tâm, tinh tấn, tư
duy. Pāli:
chanda-samādhi-, citta-samādhi-, viriya-samādhi-, vīmaṃsā-samādhi.
[19].
Thế gian thiện hướng; xem cht.11, kinh
490(2).
[20].
Thế gian thiện đáo; chỗ khác: thế gian
thiện thệ. Xem cht.12, kinh 490(2).
[21].
Pāli, A.3.74
Nigaṇṭha.
[22].
Vô Úy Ly-xa
無畏離車.
Pāli: Abhaya-licchavi.
[23].
Thông Minh đồng tử
聰明童子. Pāli: Paṇḍita
Kumarāka.
[24].
A-kỳ-tỳ
阿耆毘. Có lẽ Pāli:
Ājivika, tà mạng ngoại đạo. Xem kinh 573.
[26].
Pāli:
so purāṇānaṃ kammānaṃ tapasā vyantībhāvaṃ paññapeti,
“Ngài chủ trương phá trừ nghiệp quá khứ bằng sự nhiệt hành (khổ
hành)”.
[27].
Pāli:
tisso nijjarā visuddhiyo,
ba sự diệt tận, thanh tịnh.
[28].
Hán: đắc chân như pháp
得真如法.
Pāli: ñāyassa adhigamāya
nibbānassa sacchikiriyāya, để chứng đắc
như lý; để thân chứng Niết-bàn.
[29].
Pāli thường gặp về giới:
pātimokkhasaṃvarasaṃvutto
viharati ācāragocarasampanno aṇumattesu vajjesu bhayadassāvī,
“sống phòng hộ với sự phòng hộ bằng Ba-la-đề-mộc-xoa, đầy đủ oai nghi
chánh hạnh; thấy sợ hãi trong những lỗi lầm nhỏ nhặt”.
[30].
Pāli:
sandiṭṭhikā nijjarā akālikā ehipassikā opaneyyikā
paccattaṃ veditabbā viññūhī’ti, “sự diệt
tận ngay hiện thời, phi thời gian, được thấy do đến gần, có tính tùy
thuận, được nhận biết bằng nội tâm bởi những bậc trí.
[31].
Pāli:
so bhikkhu evaṃ sīlasampanno ... āsavānaṃ khayā
anāsavaṃ cetovimuttiṃ ditth’eva dhamme sayaṃ abhiññā sacchikatvā
upasampajja viharati, “Tỳ-kheo ấy thành
tựu giới như vậy, đoạn tận hữu lậu, ngay trong đời hiện tại, bằng
thắng trí, vô lậu tâm giải thoát tự mình thân chứng, thành tựu và an
trú.”
[32].
Pāli, A.4.159 Bhikkhunī.
[33].
Pāli, A.4.194
Sāpūgī.
[34].
Kiều-trì 橋池.
Pāli: Koliyesu Sāpūgan
nāma nigame, giữa những người Koliya,
trong một xón tên là Sāpūga.
[35].
Thân-thứ lâm
身恕林,
rừng cây siṃsapa.
[36].
Bà-đầu tụ lạc quốc
婆頭聚落國.
Pāli: Sāpūga.
[37].
Hổ chủng, tên gọi một dòng họ. Bản Cao-ly
chép đế
帝; bản Tống-Nguyên-Minh:
khổ 苦.
Y theo bản Pāli, sửa lại là “hổ” 虎.
Pāli: Vyagghapajja.
[38].
Pāli: bốn thanh tịnh cần chi;
pāriuddhipadhānyaṅga.
[39].
Dục tinh tấn...
欲精進. Pāli:
yo tattha chando ca vayāmo ca ussāho ca appaṭivāni ca
sati ca sampajaññañca idaṃ vuccati... sīlapārisuddhipadhāni-yaṅgaṃ,
ở đây, ý dục, tinh cần, dũng mãnh, nổ lực, không thoái thất, chánh
niệm, chánh trí, đều được gọi là giới thanh tịnh tinh cần.
[40].
Pāli:
cittapārisuddhipadhāniyaṅgaṃ,
tâm thanh tịnh cần chi. Pāli: Padhāna, bản Hán đọc là Pahāna.
[41].
Nguyên Hán chép nhầm là giới thân
戒身.
[42].
Pāli:
diṭṭhipārisuddhipadhāniyaṅgaṃ,
kiến thanh tịnh cần chi.
[43].
Pāli:
vimuttipārisuddhipadhāniyaṅgaṃ,
giải thoát thanh tịnh cần chi.
[44].
Ấn Thuận, “33. Tương ưng Chất-đa-la” gồm
các kinh, Đại Chánh 566-575. phần lớn tương đương Pāli S.41.
Cittasaṃyutta.
Đại Chánh kinh 566, Pāli, S.41.5
Kāmabhū.
[45].
Am-la tụ lạc Am-la lâm
菴羅聚落菴羅林.
Pāli: Macchikāsaṇḍe
Ambāṭakavane.
[46].
Chất-đa-la trưởng giả
質多羅長者.
Pāli:
Citta-gahapati.
[49].
Hán: chi thanh
枝青 (cành cây xanh). Pāli:
nelaṅga,
chi phần không khuyết điểm. Bản Hán đọc:
nīla: mau xanh, thay vì
nela:
không khuyết điểm, không tội lỗi.
[50].
Hán: bạch phú
白覆. Pāli:
setapacchāda, lọng
trắng.
[51].
Pāli: ratho…imasseta
cātumahābhūtikassa kāyassa adhivacanaṃ,
xe đồng nghĩa với thân bốn đại này.
[52].
Ly kết
離結. Pāli:
anīgham,
không khổ, không động chuyển.
[53].
Pāli:
passa, hãy nhìn!
[54].
Pāli:
āyantam, người đang đến.
[55].
Hán: đoạn lưu
斷流. Pāli:
chinnasotam.
[56].
Hán: bất phục phược
不復縛. Pāli:
abandhana,
không bị cột trói.
[57].
Pāli, S.41.7
Godatta.
[58].
Vô lượng tâm tam-muội
無量心三昧. Pāli:
appamānā cetovimutti,
tâm giải thoát không hạn lượng.
[59].
Vô tướng tâm tam muội
無相心三昧.
Pāli: animittā cetovimutti,
tâm giải thoát vô tướng.
[60].
Vô sở hữu tâm tam-muội
無所有心三昧.
Pāli: akiñcaññā
cetovimutti.
[61].
Không tâm tam-muội
空心三昧. Pāli:
sūññā cetovimutti.
[62].
Bản Pāli: Tỳ-kheo vào rừng,… hay nhà
trống, tư duy, “Cái này trống không; không có ngã và ngã sở”.
[63].
Pāli:
rāgo bhante pamāṇakaraṇo,
tham là cái làm ra hạn lượng.
[64].
Pāli: trong tất cả vô lượng tâm giải thoát, bất đọâng
tâm giải thoát là bậc nhất:
akuppā tāsaṃ cetovimutti aggam akkhāyati.
[65].
Pāli, S.41.6
Kāmabhū (2).
[66].
Nguyên bản viết
già 伽.
Trên kia, kinh 559, viết là ca
迦.
[67].
Hành
行. Pāli:
saṅkhāra;
ở đây chỉ hành vi.
[68].
Hán: giác hữu quán
覺有觀.
Pāli:
(sa)vitakka-(sa)vicārā.
[69].
Hán: tưởng tư
想思. Pāli: saññā
ca vedanā.
[70].
Diệt tận chánh thọ
滅盡正受, tức diệt tận định, hay
tưởng tri diệt tận định. Pāli:
saññvedayita-norodhasamāpatti.
[71].
Hán: thuận thú, lưu chú, tuấn
thâu 順趣,流注,浚輸.
Pāli:...
kiṃnaṃ cittam hoti, kiṃpoṇaṃ kiṃpabbhāran ’ti,
tâm hướng đến cái già, nghiêng về cái gì, xuôi theo cái gì.
[72].
Pāli, S.41.2
Isidatta (1).
[73].
Chủng chủng giới 種種界.
Pāli: dhātunānattaṃ.
[74].
Lê-tê-đạt-đa 梨犀達多.
Pāli: Isidatta.
[75].
Pāli, S.41.3
Isidatta (2).
[76].
Hà bản, hà tập, hà sanh, hà chuyển
何本,
何集,
何生,
何轉; xem cht.104, kinh 57.
[77].
Thân kiến 身見,
đây chỉ hữu thân kiến. Pāli:
sakkāgadiṭṭhi.
[78].
Pāli:
rūpam attato samanupassati, rūpavantaṃ và attānaṃ
attanivā rūpaṃ rūpasmiṃ vā attānam, quán
sát sắc là tự ngã, tự ngã có sắc, chính tự ngã là sắc, tự ngã ở trong
sắc.
[80].
Hán: ngưu mục
牛牧. Pāli:
gokula,
ngưu xá, nhà cho bò ở, hay trại bò.
[81].
Ma-ha-ca 摩訶迦.
Pāli: Mahaka.
[82].
Như kỳ chánh thọ 如其正受.
Pāli: tathārūpaṃ
iddhābhisaṅkhāraṃ abhisaṅkhati, thực
hiện thắng hành thần thông như vậy.
[83].
Quá nhân pháp thần túc hiện hóa
過人法神足現化. Pāli:
uttarimanussadhamma
iddhipāṭihāriya.
[84].
Hệ phược, hay kết. Pāli, S.41.1
Saññojana.
[85].
Dục tham
欲貪. Pāli:
chandarāga.
[87].
A-kỳ-tỳ-ca
阿耆毘迦,
bản Cao ly không có chữ ca
迦.
Pāli:
ājivika. Bản
Pāli, S.41.9: Acela Kassapa, lõa thể ngoại đạo, bạn cũ của Citta trước
khi tu lõa thể.
[89].
Quá nhân pháp
過人法. Pāli:
uttarimanussa-dhamma,
nhân thượng pháp, hay thượng nhân pháp, pháp của bậc thượng nhân.
[90].
Pāli, S.41.8
Nigaṇṭha.
[91].
Ni-kiền Nhã-đề Tử
尼犍若提子.
Pāli: Nigaṇṭha Nāṭaputta.
[92].
Vô giác vô quán tam muôi
無覺無觀三昧,
định không tầm và tứ, từ Nhị thiền trở lên. Pāli:
saddahasi tvam gahapati samanassa
gotamassa atthi avitakko avicāro samādhi, atthi vitakkavicārānaṃ
nirodho’ti, gia chủ có tin lời Sa-môn
Cù-đàm rằng có định không tầm không tứ và có sự diệt tận của tầm và
tứ?
[93].
Bản Pāli: “Ông có tin lời Phật về định không tầm
không tứ?
[94].
Pāli:
na khvāhaṃ ettha, bhante, bhegavato saddhāya gacchāmi,
atthi avitakko avicāro, atthi vitakkavicārāṇaṃ nirodho’ti,
tôi không đến đây để tin Thế Tôn nói rằng có định không tầm không tứ
và có sự diệt tận của tầm và tứ.
[95].
Bản Minh chép là Ni-kiền Nhã-đề Tử.
[96].
Pāli, S.41.10
Gilānadasana (thăm
bệnh).