Đức Thánh Tổ Ni Đại Ái Đạo - Ngàn năm gương sáng
23/03/2018 12:42 (GMT+7)

u Tuất). 


NT.Thích nữ Huệ Hương và chư Ni tỉnh Đồng Nai đón nhận cờ và biểu tượng quyền đăng cai
tổ chức lễ tưởng niệm Đức Thánh Tổ Đại Ái Đạo 2018 từ NT.TN Tịnh Nguyện - Ảnh: Vũ Giang

PV Giác Ngộ đã có cuộc trao đổi với NT.Thích nữ Huệ Hương, Phó BTS kiêm Trưởng Phân ban Ni giới Phật giáo tỉnh Đồng Nai, về nhân duyên chư Ni chọn ngày Đức Thích Ca Mâu Ni xuất gia (mùng 8-2 ÂL) hàng năm để tổ chức lễ tưởng niệm Đức Thánh Tổ Ni Đại Ái Đạo. Ni trưởng cho biết:

- Đức Thánh Tổ Ni Đại Ái Đạo Kiều Đàm Di (Mahā Pajāpatī Gotamī) là vị Ni đầu tiên của Phật giáo. Đức Thánh Tổ là người dì ruột cũng là kế mẫu, trực tiếp nuôi dưỡng Thái tử Tất Đạt Đa từ lúc sinh ra đến trưởng thành, cũng được gọi là Di mẫu của Bồ-tát Goutama. Sau khi Đức Phật thành đạo vào mùa hạ thứ năm, Đức Thế Tôn về thăm phụ thân và hoàng tộc, lần đầu tiên nghe Đức Phật thuyết pháp, bà đã chứng sơ quả. Bà từ bỏ vương vị, điện ngọc với mục đích xuất gia theo hạnh giải thoát của Đức Thế Tôn.

Tuy nhiên, trong quá trình cần cầu xuất gia, Người cũng đã trải qua vô vàn khó khăn, thử thách nhưng với sự quyết tâm, cùng 500 mệnh phụ phu nhân nên đã được Đức Thế Tôn chấp nhận vào Tăng đoàn của Giáo hội thời bấy giờ. Chính vì vậy, Người được tôn xưng là Đức Thánh Tổ Ni Đại Ái Đạo.

Với lòng tôn kính và tri ân Đức Thánh Tổ Ni Đại Ái Đạo, năm 1956, NT.Thích nữ Như Thanh tiên phong thống nhất Ni giới, cùng chư Ni trưởng tiền bối thành lập Ni bộ Bắc tông. NT.Thích nữ Như Thanh cùng chư Ni trưởng, Ni sư đã họp bàn và thống nhất chọn mùng 8-2 ÂL, là ngày Phật xuất gia để làm ngày tưởng niệm Đức Thánh Tổ Ni Đại Ái Đạo. Chư tôn đức Ni cũng đã dựa vào các tư liệu có được để phác thảo hình ảnh và tạc tượng Đức Thánh Tổ Ni Đại Ái Đạo, tôn trí tại trụ sở của Ni bộ Bắc tông - chùa Từ Nghiêm (TP.HCM) thời bấy giờ.

Năm 2009, được chư tôn đức HĐCM, HĐTS cho phép Ni giới VN thành lập Phân ban Ni giới T.Ư (trực thuộc Ban Tăng sự T.Ư). Chư tôn đức Ni thống nhất hàng năm, Phật giáo tỉnh thành đã thành lập Phân ban Ni giới nếu có khả năng thì đăng cai tổ chức lễ tưởng niệm Đức Thánh Tổ Ni Đại Ái Đạo và chư Ni tiền bối Phật giáo VN hữu công để tỏ lòng đền đáp ơn Người và các bậc Ni tiền nhân nhưng phải chọn ngày mùng 6-2 ÂL. Riêng ngày mùng 8-2 ÂL dành cho Phân ban Ni giới T.Ư tổ chức lễ tưởng niệm tại chùa Từ Nghiêm (trụ sở của Phân ban Ni giới T.Ư) và xem ngày này là ngày truyền thống của Ni giới toàn quốc.

Lễ tưởng niệm Đức Thánh Tổ Ni Đại Ái Đạo năm nay do Phân ban Ni giới tỉnh Đồng Nai tổ chức, dự kiến có 1.000 đại biểu chính thức tham dự, sẽ diễn ra những sự kiện gì, hình thức lễ tâm linh và quy mô như thế nào, thưa Ni trưởng?

- Chúng tôi nhận cờ đăng cai tổ chức lễ tưởng niệm không có nghĩa là phải tổ chức hoành tráng hơn các tỉnh khác hoặc phô trương cho Phật giáo tỉnh nhà, nhưng đối với ân đức, công hạnh của Đức Thánh Tổ Ni Đại Ái Đạo và chư Ni tiền bối Phật giáo VN hữu công quá cao cả đối với Ni giới VN. 

Vì vậy, năm nay được sự cho phép của chư tôn đức Trung ương Giáo hội, Ban Tăng sự  T.Ư, Phân ban Ni giới T.Ư và sự ủng hộ BTS Phật giáo tỉnh, các huyện thị thành, sự thống nhất, nhiệt tình của chư Ni các tỉnh, thành và toàn thể chư Ni trong tỉnh Đồng Nai, sự quan tâm của các lãnh đạo ban ngành nhà nước các cấp, Ni giới Phật giáo tỉnh Đồng Nai sẽ nhất tâm tổ chức lễ tâm linh này thật trang nghiêm và long trọng nhưng tiết kiệm tại chùa Bửu Phong (P.Bửu Long, TP.Biên Hòa), ngôi cổ tự trên 400 năm.

Ngoài các nghi thức tâm linh, vào lúc 13 giờ mùng 5-2 ÂL, chúng tôi còn tổ chức tọa đàm với các chủ đề:“Ni giới Phật giáo Việt Nam nói chung, Đồng Nai nói riêng đồng hành cùng dân tộc, ổn định và phát triển”, “Ni giới Phật giáo Việt Nam trong mạch sống của dân tộc”. Đúng 8 giờ, mùng 6-2 ÂL, chính thức khai mạc lễ tưởng niệm tại chùa Tỉnh Hội, trụ sở BTS GHPGVN tỉnh Đồng Nai. Ngoài ra, trước khi tổ chức lễ chính thức, Phân ban Ni giới tỉnh sẽ đến viếng Nghĩa trang Liệt sĩ tỉnh Đồng Nai, đến thắp hương tưởng niệm các danh nhân Việt Nam tại Văn miếu Trấn Biên và về tổ đình Long Thiền đảnh lễ chư Tổ.

Sau lễ, dùng số tiền tiết kiệm tổ chức buổi lễ để ủng hộ những gia đình khó khăn, tiếp bước học sinh nghèo hiếu học, tặng 100 chiếc xe đạp cho các cháu học sinh hiếu học và ủng hộ 100 triệu đồng tiền mặt cho chiến sĩ đang ở biển đảo quê hương, tặng quà cho các Bà mẹ Việt Nam anh hùng, tặng xe lăn cho những người nghèo khuyết tật...

Xin Ni trưởng cho biết điểm nhấn của lễ tưởng niệm Đức Thánh Tổ Đại Ái Đạo năm nay là gì?

- Ngoài các nghi thức tâm linh trang nghiêm của lễ tưởng niệm nhằm mục đích tri ân và báo ân  Đức Thánh Tổ Ni Đại Ái Đạo Kiều Đàm Di, điểm nhấn của chương trình mang tính giáo dục, đó là buổi tọa đàm và văn nghệ Phật giáo. Các chương trình đều mang ý nghĩa tinh thần giáo dục, tri ân, báo ân và học theo gương hạnh đạo đức của người xưa để trở thành người hữu dụng cho đạo pháp và dân tộc ở tương lai, có được như vậy thì đất nước mới phồn vinh, đạo pháp mới xương minh.

Đức Thánh Tổ Ni Đại Ái Đạo Kiều Đàm Di là vị đứng đầu Ni đoàn thời Đức Phật tại thế, thưa Ni trưởng, tinh thần của Đức Thánh Tổ Ni Đại Ái Đạo được Ni lưu ngày nay thừa hưởng và phát huy như thế nào trong tu tập, các công tác Phật sự và phụng sự xã hội?

- Phải nói rằng, Ni giới VN thừa hưởng rất nhiều ân đức của Đức Thánh Tổ Ni Đại Ái Đạo, người được Đức Thế Tôn “mở cửa phương tiện” chấp nhận cho nữ giới xuất gia vào hàng Tăng bảo. Đức Thế Tôn cho phép thành lập Ni đoàn và Đức Thánh Tổ Ni Đại Ái Đạo là vị Ni đầu tiên lãnh đạo Ni đoàn Phật giáo. Di mẫu và 500 vị Tỳ-kheo-ni lần lượt chứng Thánh quả. 

Chính gương đức hạnh của Người đã ảnh hưởng rất lớn trong xã hội và Ni đoàn từ thời Đức Phật cho đến ngày nay. Vì vậy, đối với Ni lưu không những nước ta mà trên toàn thế giới, những nước có Phật giáo thì Ni giới đều được thừa hưởng ân đức của Đức Thánh Tổ Ni Đại Ái Đạo. Hình ảnh của Người là ngọn đuốc sáng của trí tuệ và lòng từ bi luôn lưu chuyển trong tâm hồn và huyết mạch của chư Ni trên thế giới hàng ngàn năm qua, trong đó có chư Ni VN.

Từ khi thành lập Phân ban Ni giới T.Ư (2009), chư Ni đã thực hiện nhiều chương trình Phật sự rất hiệu quả, đặc biệt là công tác giáo dục, từ thiện xã hội, mở trường mầm non giáo dưỡng con em Phật tử...; các công tác này sẽ tiếp tục như thế nào trong thời gian tới, thưa Ni trưởng?

- Sau khi Phân ban Ni giới T.Ư được thành lập, chư Ni tu tập, sinh hoạt Phật sự, phát triển các lĩnh vực như: hoằng pháp, từ thiện xã hội, giáo dục đào tạo cho Ni trẻ ở các trường sơ, cao, trung cấp Phật học, đặc biệt thành lập được gần 50 Phân ban Ni giới Phật giáo tỉnh thành, giúp Ni giới tu tập, sinh hoạt ổn định, nề nếp.

Chư Ni đã tổ chức Hội nghị Sakyadhita lần thứ 11 tại Việt Nam vào cuối năm 2009, đầu năm 2010 là sự kiện được Ni giới thế giới đánh giá cao bởi sự trang nghiêm, hoành tráng. Tuy nhiên, Ni giới vẫn còn gặp không ít khó khăn trong sinh hoạt, ở một ít địa phương, dù vậy chư Ni luôn cố gắng khắc phục để hoàn thành nhiệm vụ của mình trong vấn đề phụng sự đạo pháp, dân tộc.

Trong thời đại hội nhập toàn cầu, Ni giới có nhiều cơ hội trong tu học, đồng thời cũng đối mặt nhiều thách thức; theo Ni trưởng, chư Ni hậu học ngày nay cần phải làm gì để xứng đáng là người kế thừa, phát huy tinh thần của bậc khai sáng Ni đoàn - Đức Thánh Tổ Ni Đại Ái Đạo?

- Chư Ni trưởng, Ni sư, Sư cô thuộc Phân ban Ni giới T.Ư và Phân ban Ni giới các tỉnh thành luôn giữ gìn giới luật, phẩm hạnh, nỗ lực trong tu trì, cố gắng hoàn thành nhiệm vụ đào tạo Ni tài để xứng đáng là “người con gái của Đức Thế Tôn”. Chư tôn đức Ni trong Phân ban Ni giới tỉnh, thành luôn sách tấn, nhắc nhở chư Ni trẻ cố gắng tu học. 

Bởi lẽ, người có tu nội lực thâm sâu, có học, trí tuệ sáng suốt để tiếp thu mọi vấn đề, để thanh lọc, chọn cái “tốt đạo đẹp đời” mà phát huy. Dù trong thời đại nào, chư Ni cũng phải tinh chuyên giới luật, đoàn kết hòa hợp, trưởng dưỡng đạo tâm, trang nghiêm Giáo hội, được như vậy là Phật pháp xương minh, nước nhà thạnh trị.

H.Diệu thực hiện

Theo giacngo.vn

Các tin đã đăng: