Phật giáo nơi các tỉnh địa đầu Tổ quốc
P.Đăng - H.Diệu thực hiện
08/02/2017 19:21 (GMT+7)

HT.Thích Gia Quang - Ảnh: B.Toàn

HT.Thích Gia Quang, Phó Chủ tịch HĐTS, Trưởng BTS GHPGVN tỉnh Hà Giang: “Nỗ lực để Phật giáo phù hợp với tỉnh có nhiều dân tộc, tín ngưỡng, truyền thống khác nhau của đồng bào”

 BTS GHPGVN tỉnh Hà Giang “sinh sau đẻ muộn”, mới được thành lập vào năm 2013, là một tỉnh thuộc miền núi Đông bắc Việt Nam nên có rất đông đồng bào các dân tộc khác nhau sinh sống, kinh tế còn nhiều khó khăn, đường sá giao thông còn nhiều trắc trở; đặc biệt là ở Hà Giang, hàng trăm năm qua, Phật giáo ở đây không được nhắc tới… 

Chính vì điều này, Phật giáo tỉnh Hà Giang cần phải cố gắng làm sao để Phật giáo phù hợp giữa nhiều dân tộc, tín ngưỡng, truyền thống khác nhau của đồng bào ở đây. Đạo Phật ở Hà Giang có thể như là một trong những tín ngưỡng ở vùng núi Đông bắc này. Cho nên, BTS GHPGVN tỉnh muốn đưa đạo Phật đến với bà con rộng rãi hơn cần phải có thời gian nhất định, và phải có “chiến lược” cụ thể để tiếp cận và thu hút đồng bào đến với đạo Phật và phát triển Phật giáo ở vùng núi này.

Với đặc thù địa lý, văn hóa của tỉnh Hà Giang, sắp tới Phật giáo Hà Giang có định hướng trọng tâm là sẽ xây dựng lại những cơ sở thờ tự mà thời gian đã làm cho hư nát, nếu được cũng sẽ xây dựng thêm những ngôi chùa mới cho đồng bào. Đấy là phát triển cơ sở vật chất, cái nữa là chư tôn đức phải nỗ lực trong công tác hoằng pháp, để tiếp cận, thu hút, đưa Phật pháp đến với bà con vùng cao Hà Giang càng nhiều càng tốt, càng rộng càng tốt. Phật giáo tỉnh cũng tăng cường công tác từ thiện xã hội, bởi vì Phật giáo làm tốt công tác này tức là giúp đỡ được bà con một cách thực tế. 

Từ đó, bà con mới đến với mình, Phật giáo mới có cơ hội truyền bá Phật pháp rộng rãi trong đồng bào các dân tộc. Bên cạnh đó, chư Tăng BTS GHPGVN tỉnh phải cố gắng nỗ lực bản thân, cũng như nối kết với các đoàn Ban Hoằng pháp, Ban Hướng dẫn Phật tử để hoằng pháp, hướng dẫn tu tập cho bà con vùng núi Hà Giang.

Phật giáo tỉnh Hà Giang thời gian vừa qua được sự quan tâm, giúp đỡ của Trung ương GHPGVN, thời gian tới Giáo hội cũng tiếp tục quan tâm, hỗ trợ cho BTS GHPGVN tỉnh Hà Giang phát triển Phật sự. Quan tâm ở đây là Trung ương GHPGVN tiếp tục tạo điều kiện cho Tăng Ni dấn thân đến với Phật giáo Hà Giang hoằng pháp, đóng góp năng lực cho Phật giáo tỉnh. Giáo hội, chính quyền các cấp tạo điều kiện về mặt thủ tục dễ dàng hơn để chư Tăng Ni dấn thân, đóng góp công sức phát triển đạo Phật tại tỉnh Hà Giang. Bên cạnh đó, Giáo hội cũng vận động, kêu gọi Ban Từ thiện xã hội T.Ư, các tỉnh thành kết hợp với BTS GHPGVN tỉnh Hà Giang dành một phần từ thiện nhất định giúp đỡ cho bà con nghèo vùng núi ở đây.

TT.Thích Đức ThiệnTổng Thư ký HĐTS, Trưởng BTS GHPGVN tỉnh Điện Biên: “Mở rộng vòng tay” đón Tăng Ni đến với đồng bào các dân tộc miền núi biên giới Tây

Bắc”


TT.Thích Đức Thiện - Ảnh: B.Toàn

Điện Biên là một tỉnh biên giới miền núi thuộc vùng Tây bắc Việt Nam, Điện Biên là một trong hai tỉnh được thành lập BTS sau cùng (4-2014), chỉ trước tỉnh Lai Châu (là tỉnh sau cùng được thành lập BTS – 3-2015). Tuy vậy, BTS GHPGVN tỉnh Điện Biên hoạt động Phật sự rất tốt, làm thay đổi quan niệm về tôn giáo nói chung và đồng bào theo Phật giáo nói riêng. Cụ thể, qua các khóa tu mùa hè cho các cháu thanh thiếu niên, chính phụ huynh yêu cầu mở thêm những khóa tu tiếp theo cho con em. Mối quan hệ giữa Phật giáo và chính quyền cũng rất tốt. Phật giáo tỉnh Điện Biên làm được nhiều Phật sự, như qua Lễ hội Mùa Hoa Ban - lễ hội của tỉnh, tuy nhiên khi Phật giáo chính thức xuất hiện năm 2014 thì đã biết kết hợp để trở thành lễ hội Phật giáo. Chính lãnh đạo UBND tỉnh có yêu cầu Phật giáo tiếp tục tổ chức các lễ hội tiếp theo. Đây có thể nói là cơ hội tốt để Phật giáo đem ánh sáng Phật pháp đến với đồng bào các dân tộc ở Điện Biên.

Tại Điện Biên có hai ngôi chùa, chùa Linh Quang là cơ sở của GHPGVN tỉnh và chùa Linh Sơn mới được xây dựng. Chúng tôi tạo điều kiện cho đồng bào tu tập bằng cách thường xuyên tổ chức những chuyến xe đến tận các bản làng đón bà con về chùa tụng kinh, tu tập. Tại chùa cũng có trung tâm khám chữa bệnh miễn phí cho đồng bào và Tăng Ni ở các tỉnh thành phát tâm lên phục vụ tại đây. Các hoạt động từ thiện của Phật giáo Điện Biên được các cấp chính quyền đánh giá rất cao. Năm 2016, Phật giáo xây dựng được hai trường mầm non (mỗi trường trị giá 1,5 tỷ đồng) cho con em đồng bào và các hoạt động phát quà đến đồng bào nghèo thường xuyên được tổ chức, đặc biệt là dịp Tết cổ truyền.

Điện Biên có những khó khăn về địa hình, sự tiếp thu của đồng bào các dân tộc còn hạn chế nên công tác hoằng pháp, giáo dục, nghi lễ… Phật giáo ở Điện Biên đều phải đơn giản hóa, phải sáng tạo để phù hợp mới đáp ứng được nhu cầu của đồng bào các dân tộc vốn có nền văn hóa đa dạng, đậm đà bản sắc.

Dù còn rất nhiều khó khăn nhưng chư tôn đức Tăng Ni và Phật tử thuộc BTS GHPGVN tỉnh Điện Biên rất cố gắng để hoạt động Phật sự (toàn BTS có 26 thành viên, trong đó có 7 Tăng Ni). Hiện nay, Điện Biên có hơn 3.500 Phật tử, số người tin Phật cũng rất nhiều. Hàng ngày, tại hai ngôi chùa, Phật tử vẫn về tham dự các khóa lễ tụng kinh, niệm Phật.

Năm 2017, Phật giáo tỉnh Điện Biên sẽ tổ chức Đại hội đại biểu Phật giáo tỉnh lần thứ I (nhiệm kỳ 2017-2022), BTS GHPGVN tỉnh sẽ cố gắng kêu gọi, “mở rộng vòng tay” đón Tăng Ni có tâm huyết, đã được đào tạo qua các trường Phật học trên cả nước đến với đồng bào các dân tộc miền núi biên giới Tây bắc, cùng với chư tôn đức BTS phát triển Phật giáo nơi này. Phật giáo Điện Biên cũng mong Trung ương GHPGVN cử hoặc đề xuất Tăng Ni có trình độ, năng lực, chịu hy sinh, dấn thân đến hoằng pháp tại Điện Biên.

HT.Thích Quảng Xả, Trưởng BTS GHPGVN tỉnh Kon Tum: “Xây dựng cơ sở để phục vụ nhu cầu cho Phật tử người Kinh và người dân tộc”

 
HT.Thích Quảng Xả - Ảnh: B.Toàn

Trong năm tới, BTS sẽ kết hợp với Ban Hoằng pháp T.Ư để mời các giảng sư của T.Ư về phụ trách giảng định kỳ hàng tháng, tại các giảng đường thuộc các chùa của BTS quản lý, trong đó có chùa Huệ Chiếu là cơ sở mới của văn phòng BTS. Việc làm này nhằm thúc đẩy hoạt động tu học của các đạo tràng Bát quan trai, đạo tràng Niệm Phật, khóa tu Một ngày an lạc… thu hút Phật tử đến tham dự. Riêng những khóa tu cho người dân tộc thì BTS quyết định tổ chức riêng một khóa tu đặc thù, chẳng hạn dành một ngày trong một tháng để tập trung họ về tham dự khóa tu.

Sang năm mới, chúng tôi cũng dự định sẽ khuyến khích và tập trung một số Tăng Ni trẻ có khả năng và tinh thần phụng sự đã tốt nghiệp các trường Phật học, bồi dưỡng họ giảng dạy các tiếng dân tộc như Bana, Gia-rai…

Tỉnh Kon Tum có 1 thành phố, 2 thị trấn và 9 huyện. Đa phần vùng núi và vùng sâu xa, nên những vùng gần với thành thị thì bà con dân tộc có thể hiểu được chút ít, nhưng vùng sâu xa thì phải có người hiểu biết tiếng các dân tộc. Vấn đề này năm tới đây cũng như nhiệm kỳ sắp tới sẽ được BTS đưa ra bàn thảo kỹ lưỡng để đưa vào thực hiện. Trong các huyện vùng sâu xa, chúng tôi đã thành lập ở 6 huyện, mỗi huyện một ngôi chùa để đáp ứng tín ngưỡng cho Phật tử người Kinh, cũng như cho Phật tử người dân tộc tại địa phương. Còn lại 3 huyện là: Dak Glei, Tu Mơ Rông và Sa Thầy chưa có chùa nên chúng tôi đang tiến hành xin phép thành lập các cơ sở.

Hy vọng trong năm này sẽ xong các thủ tục pháp lý, tiến tới vận động xây dựng. Vừa qua tại ngã ba biên giới Việt Nam - Lào - Campuchia đã xây dựng một đền tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ. BTS cũng đã có ý kiến với chính quyền địa phương để BTS phụ trách phần tâm linh.

TT.Thích Huệ Thành, Trưởng BTS GHPGVN tỉnh Cà Mau: “Xây dựng cơ sở tự viện là nhu cầu bức thiết”

 
TT.Thích Huệ Thành - Ảnh: B.Toàn

Năm Đinh Dậu - 2017 này là năm BTS tiến hành đại hội các huyện còn lại của tỉnh. Hiện nay Phật giáo tỉnh Cà Mau chỉ mới đại hội TP.Cà Mau và một số huyện. Trong năm nay còn có một việc quan trọng là xây dựng lại trụ sở của BTS GHPGVN tỉnh mà các kỳ họp cuối của nhiệm kỳ này, chư tôn đức trong BTS đã quyết định.

Những năm gần đây văn phòng BTS tỉnh đã xuống cấp nghiêm trọng. BTS đã nhất trí tiến hành xây dựng cơ sở mới gồm các hạng mục như: chánh điện, giảng đường, văn phòng làm việc… BTS cũng đã chuẩn bị một số khâu cho Đại hội đại biểu PG tỉnh nhiệm kỳ VIII (2017-2022).

Về mặt nhân sự, tỉnh Cà Mau còn có sự khó khăn về mặt nhân sự, vì số lượng nhân sự khá khiêm tốn. Và đó cũng là khó khăn hiện giờ của Cà Mau; hiện giờ chưa sắp xếp được, có thể sau quý I, vấn đề nhân sự chuẩn bị cho đại hội tỉnh sẽ ổn thỏa.

Về cơ sở tự viện, cả tỉnh chỉ có 55 cơ sở tôn giáo. Đây là một con số khá khiêm tốn so với các tỉnh bạn. Chúng tôi cũng có kế hoạch xây dựng các cơ sở mới để phục vụ cho bà con Phật tử. Trước mắt BTS đang làm các thủ tục để xây dựng 2 ngôi chùa tại hai huyện xưa nay chưa có chùa là Năm Căn và Ngọc Hiển. Cà Mau có một sự khó khăn hơn các địa phương khác khi xin lập các cơ sở mới. Trải qua 6 nhiệm kỳ rồi, nhưng chư tôn đức đã xin lập các cơ sở vẫn chưa xong. Trong khi đó nhu cầu sinh hoạt của các Phật tử và các đạo tràng ngày càng bức thiết. Chúng tôi hy vọng trong nhiệm kỳ tới, các cấp chính quyền sẽ tạo điều kiện thông thoáng hơn để BTS tỉnh có thể lập mới các cơ sở tự viện tại các địa phương thực sự có nhu cầu tín ngưỡng tâm linh…

HT.Thích Thiện Tánh, Phó Chủ tịch HĐTS, Phó Trưởng ban Thường trực BTS GHPGVN TP.HCM“Dự kiến Đại hội đại biểu Phật giáo TP (nhiệm kỳ 2017-2022) sẽ được tiến hành vào khoảng giữa năm 2017”

 
HT.Thích Thiện Tánh - B.Toàn

Năm 2017, Phật giáo TP.HCM có nhiều Phật sự quan trọng, đặc biệt trong dịp đầu xuân Đinh Dậu, BTS PG TP sẽ tổ chức Pháp hội Dược Sư - tiêu tai diên thọ, kỳ quốc thái dân an, nguyện phong điều vũ thuận tại Việt Nam Quốc Tự.

Năm nay là lần thứ hai, Pháp hội này được tổ chức tại công trình đang xây dựng Việt Nam Quốc Tự cho Phật tử, người dân TP đến cầu an đầu năm. BTS PG TP cũng chỉ đạo 24 BTS GHPGVN quận, huyện có sự quan tâm, hướng dẫn Tăng Ni trụ trì các tự viện tổ chức trang nghiêm Pháp hội Dược Sư vào tháng Giêng Đinh Dậu - 2017 tại các cơ sở tự viện để cầu nguyện “Nước nhà thịnh trị, Đạo pháp xương minh, thế giới hòa bình, chúng sanh an lạc”.

Đối với Tăng Ni các tự viện TP, sau dịp Tết Nguyên đán nên tiếp tục quan tâm đến người nghèo khổ, tổ chức tặng quà cho người nghèo ăn Tết, không tổ chức đốt vàng mã, xin xăm, bói quẻ; Phật tử, người dân đi chùa cầu nguyện bình an trong tinh thần Chánh pháp, không nên tin vào xin xăm, bói quẻ, mê tín dị đoan.

Sau Tết Nguyên đán, một trong những Phật sự quan trọng của Phật giáo TP.HCM là chỉ đạo tổ chức hoàn tất Đại hội đại biểu Phật giáo quận huyện. Dự kiến, Đại hội đại biểu Phật giáo toàn thành phố (nhiệm kỳ 2017-2022) sẽ được tiến hành vào khoảng giữa năm 2017, tất cả tiến trình chuẩn bị cho Đại hội đều dựa vào Thông tư 015 của HĐTS GHPGVN. Chúng tôi mong muốn Đại hội đại biểu Phật giáo TP.HCM lần thứ IX thành công tốt đẹp.

Vừa qua, Hội nghị thường niên kỳ 5 khóa VII Trung ương Giáo hội cũng đã thông qua Đề án tổ chức Đại hội đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ VIII (nhiệm kỳ 2017-2022), thống nhất lấy chủ đề của Đại hội là “Trí tuệ - Kỷ cương - Hội nhập - Phát triển”, do đó Phật giáo TP.HCM cũng xem đây là một chủ trương của Giáo hội cần phải quan tâm.

Đặc biệt, tại TP.HCM, Tăng Ni trẻ từ các tỉnh, thành khác đến tu học đông, do đó vấn đề về nề nếp, kỷ cương trong sinh hoạt thiền môn cần được quan tâm nhiều. Chúng tôi kêu gọi các thầy trụ trì (nơi Tăng Ni trẻ tạm trú) phải quan tâm, giúp đỡ, nhắc nhở về vấn đề tu và học để Tăng Ni trẻ có sự ổn định, sinh hoạt tu học đi vào nề nếp.

Chúng tôi kỳ vọng năm 2017, Tăng Ni, Phật tử 24 BTS GHPGVN quận huyện sinh hoạt tu học trong tinh thần đoàn kết, gắn bó hơn nữa với các hoạt động Phật sự của BTS GHPGVN TP.HCM để thúc đẩy sự phát triển các hoạt động Phật sự đã đề ra năm Đinh Dậu - 2017 đi đến thành tựu tốt đẹp.


Các tin đã đăng: