Cơ hội rộng mở cho mô hình “tôn giáo xã hội”
Diệu Âm
21/12/2016 18:40 (GMT+7)


Luật Tín ngưỡng, tôn giáo gồm 9 chương, 68 điều, quy định về quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo; hoạt động tín ngưỡng, hoạt động tôn giáo; tổ chức tôn giáo; quyền và nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động tín ngưỡng, hoạt động tôn giáo. Luật áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc bảo đảm và thực hiện quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo.


Các đại biểu QH biểu quyết thông qua Luật Tín ngưỡng, tôn giáo - Ảnh: Đăng Khoa

Việc Quốc hội thông qua bộ luật này, theo đánh giá chung, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Lần đầu tiên trong lịch sử lập pháp của Việt Nam có luật quy định về quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo.

Về mặt tiến bộ, nhiều cơ chế xin - cho trước đây được thay thế bằng hình thức đăng ký thông báo khi bộ luật này được đưa vào thực tiễn. Song song đó, việc công nhận các tổ chức tôn giáo đã dễ dàng, thuận lợi hơn. Luật có chương riêng quy định về quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mọi người và xác định rõ trách nhiệm của Nhà nước đối hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo, góp phần cho các tổ chức tôn giáo hội nhập quốc tế thuận lợi hơn.

HT.Thích Bảo Nghiêm, Phó Chủ tịch HĐTS, đại biểu TP.Hà Nội khẳng định việc thông qua Bộ luật Tín ngưỡng, tôn giáo là bước ngoặt lớn trong chính sách đối với tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam mà Đảng, Nhà nước đang thực thi để hiện thực hóa Hiến pháp 2013. TT.Thích Thanh Quyết, Phó Chủ tịch HĐTS, đại biểu tỉnh Quảng Ninh cho rằng bộ luật có nhiều điều tiến bộ so với pháp lệnh về tín ngưỡng, tôn giáo đã ban hành trước đây.

Một cách khách quan, kể từ sau ngày thống nhất đất nước, cái nhìn và chính sách về tôn giáo tại nước ta liên tục được cải thiện. Nói như GS.TS Đỗ Quang Hưng, Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn Tôn giáo của MTTQVN trong một lần trả lời phỏng vấn Báo Giác Ngộ, kể từ sau Nghị quyết 24/NQ (10-1990 của Bộ Chính trị), nhận thức về tôn giáo ở nước ta đã có “sự thay đổi ngoạn mục”, có nhiều điểm đột phá.

Theo đó, tháng 11-2004, Pháp lệnh Tín ngưỡng, tôn giáo được Quốc hội thông qua và có hiệu lực. Việc thông qua Bộ luật Tín ngưỡng, tôn giáo vừa rồi thuộc lộ trình tất yếu của con đường cải cách, hoàn thiện hệ thống pháp quyền XHCN tại nước ta.

Nhớ một thời, khi “hệ tư tưởng vô thần” được xem là tư tưởng chính thống của toàn xã hội, với 3 luận đề quen thuộc: tôn giáo là duy tâm, tôn giáo là mê tín và tôn giáo là chính trị nên cần phải hạn chế và xóa bỏ, thì đến nay, nhận thức đã khác hẳn.

Nhiều giá trị đạo đức tôn giáo đã được công nhận, và gần đây, loại hình “tôn giáo xã hội” đã được khuyến khích. Theo đó, các tôn giáo đã được khuyến khích tham gia vào các lĩnh vực giáo dục, y tế, chăm sóc sức khỏe cho cộng đồng theo quy định của pháp luật. Với Bộ luật Tín ngưỡng, tôn giáo, vấn đề đó càng được khuyến khích, rộng mở để các tôn giáo tích cực dấn thân vào các lĩnh vực một thời được xem là cấm kỵ.

Qua thăm dò ý kiến, một số vị giáo phẩm bày tỏ nhiều ý kiến về bộ luật có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với đời sống tôn giáo, tín ngưỡng tại nước ta, trong đó có Phật giáo, một tôn giáo có truyền thống hai ngàn năm gắn bó với dân tộc trước khi Luật Tín ngưỡng, tôn giáo có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1-1-2018. Báo Giác Ngộ sẽ ghi nhận và đăng tải trong các số tới.


Các tin đã đăng: