Từ 7h sáng, hàng trăm người đã tề tựu tại khuôn viên Đền thờ Liệt sĩ tỉnh Thái Bình rộng hàng nghìn m2 nằm ở trung tâm thành phố. Họ là những Phật tử, là những cựu chiến binh, là thân nhân gia đình liệt sĩ,... Trên khuôn mặt họ vừa thể hiện sự trang trọng, vừa thể hiện một niềm vui khó tả. Không ồn ào, đầy sự sâu lắng, không lặng lẽ nhưng cũng không quá tất bật, tất cả đều đã được chuẩn bị chu đáo từ nhiều ngày qua. Hôm nay, Chi hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ thành phố Thái Bình chính thức ra mắt và bước vào hoạt động mới nhằm cùng các Chi hội thuộc Hội hỗ trợ gia đình liệt sĩ tỉnh Thái Bình chung lòng dốc sức vì sự nghiệp tri ân liệt sĩ, thực hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn”.
Trong suốt chặng đường chiến đấu giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước và bảo vệ Tổ quốc, hơn 40 vạn người con ưu tú của Thái Bình đã tham gia chiến đấu và phục vụ chiến đấu trên khắp các chiến trường: Trên 51.000 người con thân yêu của quê hương đã dâng hiến tuổi xuân và xương máu cho Tổ quốc; gần 30.000 liệt sĩ chưa rõ phần mộ, chưa biết tên hoặc chưa xác nhận được danh tính liệt sĩ; trên 32.000 người mang trên mình thương tích; 29.000 người nhiễm chất độc da cam, chịu thương tật suốt đời.
Ông Đào Minh Mẫn, Chủ tịch Hội hỗ trợ gia đình liệt sĩ tỉnh Thái Bình, cho biết: tại Nghĩa trang liệt sĩ xã Hải Ba (huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị) có gần 800 liệt sĩ an nghỉ thì trong đó có hơn 500 liệt sĩ quê hương tỉnh Thái Bình. Thành phố Thái Bình có 3.183 liệt sĩ, 2.716 thương bệnh binh, 1.678 người bị nhiễm chất độc da cam, 246 mẹ Việt Nam anh hùng... Trong số liệt sĩ hiện còn hàng nghìn người chưa tìm được phần mộ, chưa xác định được danh tính, hàng trăm thân nhân liệt sĩ khó khăn về nhà ở cần được giúp đỡ... Công tác và hoạt động của Chi hội trong thời gian tới sẽ gặp nhiều khó khăn, nhưng với đội ngũ những hội viên giàu nhiệt huyết và Ban chấp hành đầy bản lĩnh và trách nhiệm, Chi hội đã đưa ra mục tiêu về công tác tìm kiếm quy tập liệt sĩ, xác định danh tính để các liệt sĩ sớm trở về với gia đình; cổ vũ động viên những tổ chức, cá nhân trong hoạt động tìm kiếm quy tập liệt sĩ, giúp đỡ gia đình liệt sĩ và gia đình chính sách có khó khăn bằng các nguồn xã hội hóa...
Công việc bộn bề nhưng quyết tâm cao, ban chấp hành và toàn thể hội viên nhất định giành được những thành công trên con đường tri ân liệt sĩ.
Bầu không khí của ngôi đền trở nên linh thiêng hơn khi tất cả mọi người cất tiếng tụng kinh cầu nguyện cho các liệt sĩ. Chủ trì buổi lễ cầu siêu là Thượng tọa Thích Thanh Định, Ủy viên Hội đồng Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Thái Bình, Trụ trì chùa Từ Xuyên (thành phố Thái Bình). Vị Thầy đức hạnh quê Nam Định, nhưng có duyên với quê hương Thái Bình. Nói như bà Vũ Minh Hiến, Phó Chủ tịch Hội hỗ trợ gia đình liệt sĩ tỉnh Thái Bình: “Từ ngày Thượng tọa về hoằng pháp tại tỉnh Thái Bình và làm công tác từ thiện xã hội, không khí Phật giáo ở đây ấm hẳn lên...”
Tiếng tụng kinh trầm ấm, nhẹ nhàng làm cho không gian linh thiêng, mênh mông của ngôi đền thờ liệt sĩ tỉnh Thái Bình như gần gũi hơn, ấm áp hơn trong buổi sáng chớm đông. Mọi người đều trang nghiêm, thành kính dâng cả tấm lòng tri ân, hợp nhất tâm cầu nguyện cho hương linh các liệt sỹ sớm siêu sinh Lạc quốc, cho Tổ quốc trường tồn, đất nước phồn vinh, nhân dân an lạc. Ngoài kia, trời đang rắc những hạt mưa đầu đông như cảm ứng tấm lòng của mọi người trong buổi lễ hôm nay.
Xin giới thiệu chùm ảnh:
Các đoàn dâng hương trước đền thờ Liệt sỹ tỉnh
Chư tôn đức cùng quý vị lãnh đạo niêm hương cầu nguyện
Chi hội hỗ trợ gia đình Liệt sỹ TP.Thái Bình ra mắt
Qúy Phật tử nhất tâm tụng kinh cầu nguyện