Vụ bác sĩ Nguyễn Mạnh Tường vứt xác phi tang, nghĩ đến lời Phật dạy về y đức
30/10/2013 07:02 (GMT+7)

Thời gian gần đây, việc các sản phụ tử vong khi sinh con lại nóng trở lại sau một loạt các tai biến trong năm 2012. Vụ việc mới nhất xảy ra là mẹ con sản phụ Nguyễn Thị Xuân đã bị tử vong tại BV Đa khoa huyện Thiệu Hóa (Thanh Hóa) , khiến gia đình sản phụ bức xúc mang quan tài diễu phố.

Câu chuyện về sản phụ tử vong "chưa nguội" thì dư luận cả nước lại đang chấn động về vụ việc Nguyễn Mạnh Tường, bác sĩ bệnh viện Bạch Mai, Giám đốc Thẩm mỹ viện Cát Tường (Hà Nội) làm chết bệnh nhân rồi vứt xác xuống sông Hồng để phi tang vào ngày 19/10/2013.

Tất cả những sự việc này khiến hàng loạt câu hỏi đã được đặt ra về vấn đề xói mòn y đức, trách nhiệm quản lý, giám sát của các cơ quan chức năng chưa có lời giải đáp thỏa đáng.



                          Bác sĩ Nguyễn Mạnh Tường - Giám đốc Thẩm mỹ viện Cát Tường

Từ trước đến nay, cộng đồng luôn cho rằng nghề y là một nghề cao quý bởi ai làm nghề này là có cơ hội cứu sống rất nhiều mạng người, làm giảm thiểu nỗi khổ về thân cho con người. 

Theo Giáo lý của đạo Phật: "Ai lựa chọn và có khả năng với một nghề hay nào đó thì đó là phước đức lớn nhất" Điều này được thể hiện rõ trong kinh Phúc Đức khi đức Phật đã thuyết cho một vị Thiên giả về phước đức. Ngài dạy rằng:

Có học có nghề hay
Biết hành trì giới luật
Biết nói lời ái ngữ
Là phước đức lớn nhất

Theo đó, nếu người thầy thuốc chữa bệnh bằng cái tâm thì chính họ đang hiến tặng "mật ngọt" cho cuộc đời này. Chọn nghề y, học hỏi chuyên môn đó và ra làm nghề y là một phước đức mà có thể nói bản thân của vị ấy đã có phát nguyện từ nhiều đời và đời này tiếp tục cố gắng, phát nguyện, nuôi dưỡng tâm ấy.

Tuy nhiên, không phải ai chọn nghề y cũng xuất phát bởi ý niệm đẹp đó mà ngày nay, nhất là khi đời sống vật chất leo thang, người ta nghĩ rằng: "Chọn nghề nghiệp tạo ra nhiều tiền là sẽ có...hạnh phúc". Chính cái suy nghĩ này đã "biến hóa" nghề y bây giờ là nghề dễ “hái” ra tiền trong bối cảnh người ta bệnh ngày càng nhiều. Do đó, khiến cho đạo đức của người làm y của một số người đã dần bị suy đồi bởi đã có nhiều trường hợp làm nghề y, vì đồng tiền mà đánh đổi cả mạng sống của bệnh nhân.

Đạo Phật không có những giáo điều xơ cứng, những nguyên tắc tuyệt đối, những cấm đoán ngặt nghèo. Đa số những vấn đề đạo đức xảy ra trong xã hội hiện đại mặc dù chưa đặt ra dưới thời đức Phật, nhưng chúng ta cũng có thể suy luận ra từ một vài điểm căn bản của đạo Phật như:

- Đạo Phật tôn trọng sự sống, nhưng không coi đó là một giá trị tuyệt đối

- Đạo Phật trước hết là đạo diệt khổ, lấy cứu khổ làm mục đích duy nhất.

- Nghiệp là do ý muốn của mình tạo ra, chứ không phải là kết quả của mọi hành động; vô tình hại không gây nghiệp hại.

- Gốc rễ của đạo Phật là khổ đau, cũng như hoa sen mọc từ bùn lầy; đạo Phật bao giờ cũng gắn liền với thực tại, dù thực tại xấu xa tới đâu chăng nữa.

Do vậy, nếu những người làm nghề y mà quên mất y đức, lấy việc kiếm tiền trên nỗi đau của bệnh nhân là chính thì đó là điều đau đớn không chỉ với vị trí, vai trò của người thầy thuốc mà còn là của cả toàn xã hội. Và nếu những điều đó được lan ra theo quy luật của “vết dầu loang” thì người ta sẽ còn tin ai lúc bị bệnh khi mà nhiều người làm nghề y chỉ nhìn vào phong bì, vào sự lót tay của bệnh nhân để chăm sóc?

Thuốc có thể chữa vết đau trên thân, nhưng nếu nó được một bác sĩ chữa bệnh hoặc kê đơn thuốc mà thiếu cái tâm, thiếu đạo đức thì cách thức chữa bệnh và vị thuốc ấy như con dao khoét một lỗ vào tâm hồn người bác sĩ ấy và cũng cắt một nhát mất niềm tin nơi người bệnh. Họ sẽ bị tổn phước bởi tâm hồn không được nuôi dưỡng hạt giống từ bi, bởi tình thương thiếu vắng.

Giá mà, người làm nghề y cũng được tiếp xúc được với giáo lý đạo Phật, những lời dạy ân cần của đức Phật được xem là “thuốc” trị bệnh tâm, những bệnh do tham, sân và si hay cũng là ba món độc làm người ta mê muội…

Nếu tiếp xúc được và có sự hành trì thì người làm nghề y khi ấy sẽ chữa cả bệnh thân và cả tâm bệnh cho bệnh nhân.

Lời Phật dạy: "Nghề y là một nghề hay, bởi chức năng của nghề là cứu người. Người làm nghề y nếu có tâm từ bi, hiểu rõ nhân quả thì sẽ tự khắc trở thành mẹ hiền, là người thầy thuốc vừa hồng vừa chuyên với đầy đủ đức tài, đáng kính. Nhưng, tiếc là, nghề y cũng giống như bao nghề hay khác, ở đó có những người làm nghề không bằng cái tâm thương người, cũng có những con sâu làm hoang mang lòng người, gây bao nỗi hoài nghi không đáng có".

Nguồn: phatgiao.org.vn

Các tin đã đăng: