Một nhóm trẻ con
vây quanh một chú chim sẻ đã
chết. Chúng làm dấu thánh giá và cùng cất lời: “Lạy Chúa tôi!”: Tôi
dừng lại quan sát và hỏi mấy đứa trẻ: “Chúa ở đâu ?” Bọn trẻ đồng
thanh trả lời: “Chúa ở trên trời” và cùng ngước nhìn bầu trời. Bầu
trời của một ngày cuối đông u ám, nhiều mây, nơi mà chúng tin có
Chúa trời ngự trị trên ấy.
Đây không phải là câu chuyện tưởng tượng mà
chúng xảy ra trong khu phố nhỏ của chúng tôi.
Chúng ta nói nhiều đến chuyện dùng bả vật chất,
tiền bạc của các tôn giáo “bạn” để dụ dỗ, lôi kéo những người đang
rơi vào hoàn cảnh khó khăn trên nhiều phương diện để cải đạo hoặc
muốn dựa vào sự giúp đỡ của họ để thăng tiến bản thân. Những đối
tượng này thường đã trưởng thành, sự nhận thức có thể còn hạn chế ở
một mức độ nào đó, nhưng niềm tin tôn giáo được trao đổi bằng vật
chất nên khó có thể trở thành con chiên ngoan đạo được.
Niềm tin tôn
giáo mang tính chất thương mại này có thể bị thay đổi theo trọng
lượng của giá trị vật chất mà bên đối tác trao đổi với họ. Ví dụ giá
trị của món tiền hay hiện vật, điều kiện giúp đỡ giữa các nhóm Công
giáo và Tin lành tranh giành ảnh hưởng đối với họ. Đó là những gia
đình theo truyền thống thờ cúng ông bà và những người theo đạo Phật
nhưng lại không hiểu những giá trị của giáo lý cơ bản nhất của đạo
Phật. Những người chỉ biết khấn vái, cầu nguyện, xem các vị Phật như
là những vị thần linh ban phước, giáng họa cho con người như những
tôn giáo độc thần khác. Đây không hoàn toàn là sự lựa chọn của họ,
mà một phần là do sự thiếu quan tâm giúp đỡ vật chất lẫn tinh thần
của những người có trách nhiệm trong cộng đồng Phật giáo.
Không phải những người “mua linh hồn” không
hiểu được điều này, nhưng đối tượng của họ nhắm đến chính là trẻ em,
con cháu của những người được cải đạo, những tín đồ tiềm năng này sẽ
làm thay đổi tương quan tôn giáo hiện hữu của nước sở tại, hay nói
một cách cụ thể là nền văn hóa Ki tô sẽ từng bước xóa sạch nền văn
hóa bản địa. Bản sắc văn hóa dân tộc mất đi, thì Việt Nam chỉ là một
nước Vatican thu nhỏ ở châu Á mà thôi.
Quay trở lại với những đứa trẻ và chú chim sẻ.
Trong số những đứa trẻ mà tôi biết hầu hết là con em của những gia
đình không theo đạo và có cả con em của những gia đình viên chức
không tôn giáo. Thoạt tiên, tôi chỉ cho rằng các cháu chơi với nhau
và ảnh hưởng nhau một cách vô ý thức như thế mà thôi cho đến một
hôm, nhân tình cờ đi qua một căn hộ trong khu phố, tôi nghe tiếng
hát cất lên, rồi tiếp đến là tiếng kinh cầu xen kẽ nhau. Nhìn vào,
tôi nhận ra bọn trẻ con hôm trước. Chúng đang quì chung quanh hang
Bê lem hay hang đá Lộ Đức gì đó không rõ. Hang đá bằng giấy bổi này
đặt ở góc nhà, cạnh cửa ra vào và có giăng đèn màu lấp lánh. Trong
khoảng lặng, có tiếng của một người phụ nữ dạy giáo lý vẳng ra:
“Ngài tách ánh sáng ra khỏi bóng tối. Ngài phán
với ánh sáng: “Ngươi là ngày”. Và ngài nói với bóng tối: “Ngươi là
đêm”. Đó là ngày đầu tiên. [*]
Đây có lẽ là một lớp dạy giáo lý tại gia chứ
không phải như những lớp giáo lý thường được dạy trong nhà thờ.
Ở
đây ta không bàn về khoa học, chỉ nghĩ những thứ làm thui chột tư
duy khoa học của lũ trẻ, những công dân mai sau của đất nước, trong
nỗ lực phát triển công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước hiện nay.
Khi ngôn ngữ của “kinh thánh” đã điều kiện hóa mọi tư duy thì các
cháu sẽ là “công dân” của Vatican, theo một ý nghĩa nào đó, trong
tương lai.
Mục đích truyền đạo được thể hiện một cách rõ
ràng. Những đứa trẻ của con nhà có đạo rũ rê bọn trẻ không có đạo,
có thể có cả bạn học của chúng nữa, đến nơi này vui chơi, ca hát và
cầu nguyện, và có cả quà bánh nữa! Tôi không biết đó có phải là chủ
trương của một tổ chức nào đó hay không nên không dám xác quyết,
nhưng mục đích truyền đạo, gieo “hạt giống” huyễn hoặc vào đầu óc
những đứa trẻ còn trong trắng, ngây thơ là có thật. Một mô hình “xã
hội hóa Ki tô giáo” đến từng khu phố, bắt đầu bằng cách thu hút bọn
trẻ con. Trẻ em nào cũng thích vui chơi, ca hát mà xã hội ta hiện
nay lại quá thừa quán xá ăn nhậu, karaoke, cafe đèn mờ trá hình mà
lại thiếu sân chơi lành mạnh cho các cháu.
Chúng ta có nhiều bài viết phân tích về những
cách thức mà các tổ chức Công giáo và Tin lành đang nỗ lực tìm cách
cải đạo các tín đồ của các tôn giáo khác. Đối tượng có nguy cơ bị
khuyến dụ cải đạo thường rơi vào người đã trưởng thành gặp các hoàn
cảnh khó khăn, ít học và đồng bào dân tộc thiểu số nhưng đối tượng
mà chúng ta ít quan tâm đến là trẻ em bị ảnh hưởng thông qua hình
thức truyền đạo mới, hoặc thông qua một vài hoạt động “từ thiện” hay
vui chơi nào đó. Các bậc phụ huynh cần cảnh giác với những phương
thức cải đạo, truyền giáo này.
Giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc bắt
đầu từ bàn thờ gia tiên, khi các cháu chỉ luôn miệng “lạy Chúa tôi”
thì việc thắp ba nén hương thơm trên bàn thờ ông bà, tổ tiên trong
những giỗ kỵ, ngày Tết sẽ chỉ còn là quá khứ. Thờ cúng ông bà, tổ
tiên là một trong những bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc cần
phải được giữ gìn. Đó cũng là giữ nước trên mặt trận văn hóa.
Việc truyền đạo bắt đầu từ trẻ con sẽ xây dựng
nên một nền tảng “Ki-tô hóa” vững chắc, mà lại ít tốn kém hơn nhiều
như đối với người đã trưởng thành. Chúng ta cần phải quan tâm bảo vệ
những mầm non dễ bị tác động và tổn thương này.
SG, 4.1.2010
Nguyễn Trí Cảm (Theo sachhiem.net)
[*] Trích từ cuốn giáo lý của một cháu có đề
tựa là: “Chúa Nói Với Trẻ Em” – Các bản văn Kinh Thánh – Tòa Tổng
Giám Mục TP. HCM – 1994.