Cách đây 126 năm, vào tối 4/7/1885 (nhằm ngày 22 tháng 5 âm lịch), sau khi Tôn Thất Thuyết chỉ huy binh lính triều Nguyễn tấn công bất ngờ vào sào huyệt giặc Pháp ở Mang Cá và khu Tòa Khâm bên sông Hương, do vũ khí quân ta quá thô sơ nên đã bị giặc phản công. Sau đó, địch đã chiếm thành, đốt phá, bắn giết không từ một ai.
Một cuộc chạy loạn hết sức đau thương và bi thảm đối với người dân Huế từ 2 đến 4 giờ sáng hôm sau (23 tháng 5 ÂL). Theo con số thống kê chưa cụ thể, hàng ngàn người gồm quan lại, binh lính, thường dân... đã chết tại các đường phố, ao hồ do bị trúng đạn, chà đạp lên nhau, ngã xuống bờ thành cao, sỉa chân xuống nước... Khi đào mộ cải táng, ngoài dân thường, người ta còn thấy có mũ mãng các chức sắc, bài ngà quan lẫn xác ngựa.
Theo TS. Tôn Thất Bình, nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Huế: “Con đường Mai Thúc Loan hiện nay là đường chính chứng kiến nhiều người chết nhất trong số đó. Sau biến cố 10 năm, Miếu Âm hồn được xây dựng ở góc đường, trải qua các biến cố lịch sử, nay vẫn là ngôi miếu âm hồn cổ nhất trong TP Huế.
Dưới thời đại quân chủ, bà Từ Cung đã cho lính gánh lễ ra cúng tại miếu. Giờ hành lễ, quan lại các bộ trong Thành Nội cúng đến hành lễ. Năm nào phẩm vật và tiền bạc cúng phong phú thì ban tổ chức cho hạ bò, lợn để cúng tế.
Theo tục lệ, trong khoảng từ 20 đến 30/5 âm lịch, toàn bộ người dân Huế từ cá nhân đến tập thể, những người cùng chung sinh hoạt như tiểu thương các chợ lớn nhỏ, khuôn hội, chùa chiền… đều cùng nhau đặt bàn cúng âm hồn giữa trời. Trong đó, lớn nhất vẫn là đàn tế tại Miếu Âm hồn đường Mai Thúc Loan”.
Đã thành tục lệ, người dân Huế cúng âm hồn bên đường ngày 23 tháng 5 âm lịch hàng năm
Năm nay, kỷ niệm 126 năm ngày thất thủ kinh đô, vào trưa 24/6 (nhằm 23/5 âm lịch), đàn tế Âm hồn được tổ chức trang trọng với chè, cháo, gạo, muối, cơm nắm, bông ba hoa quả, hương, nhang trầm, trà, giấy tiền, vàng bạc, hạt nổ, áo binh, giấy ngũ sắc, cau trầu rượu. Các thầy sau khi đọc sớ kể về lịch sử đàn tế và ngày 23/5 đã làm lễ cầu siêu cho các oan hồn được giải thoát và phóng sinh chim, lươn, cá. Nhiều người dân Huế từ phương xa đã trở về, đến cầu nguyện, thắp hương tại đàn.
Đặc biệt ở các bàn cúng xung quanh TP Huế mà nhiều nhất tập trung ở khu vực Đông thành Nội, ngoài các lễ vật, trên mỗi bàn có một bình nước đầy (nước lọc, nước chè) và một đống lửa đốt bên cạnh bàn cúng. Tục xưa truyền lại rằng, các âm hồn bị chết khát và chết nước sẽ đến đây uống nước, sưởi ấm trong một ngày, sau đó quay trở lại Âm thế.
Bác Khổng Trọng Hoài, cựu giáo viên, trú tại số 58 đường Lê Thánh Tôn cho biết: “Dù trải qua nhiều thế hệ nhưng là người Huế thì ai cũng nhớ tới ngày bi thương này. Vì thế lễ cúng cô hồn đã trở thành một tục lệ, ăn sâu vào tâm thức và trở thành một ngày không thể thiếu với người dân xứ Huế”.
Dưới đây là chùm ảnh về lễ cúng âm hồn tại Huế được PV DT ghi lại trong ngày 24/6.
Đàn chính ở Miếu Âm Hồn ngã tư đường Mai Thúc Loan - Lê Thánh Tôn Ông Phan Quốc (62 tuổi) ghi lại tên những người dâng lễ cúng tại miếu Âm Hồn. Đến ngày lễ này, hầu hết tất cả người dân các phường xung quanh miếu đều quyên góp tiền hay hiện vật (xôi, hoa quả) để cúng Vắt cơm nắm cho âm hồn Lễ truy niệm chiến sĩ trận vong và đồng bào tử nạn năm 1885 hay còn gọi theo cách quen thuộc là “Lễ cúng âm hồn Huế" Hơn 15h30’ chiều 24/6 - nhằm 23 tháng 5 âm lịch, buổi lễ bắt đầuMâm cúng đồ chay có nhiều chén bát và muỗng cho oan hồnCầu siêu cho oan hồn trước bàn thờ PhậtNhiều nhà dân đã bày mâm cúng ra bên đường cùng với thời điểm miếu Âm Hồn cúngVan vái, cầu nguyện cho oan hồn siêu thoát và phù hộ cho nhàTrên bàn cúng thường thấy một xô nước (nước lã hay nước chè) – dành cho các vong linh chết khát vào uốngĐời sống phát triển, trên mâm cúng đã có thêm bia, nước ngọt thay nước lã như trước kia
Một nghệ sĩ nước ngoài đang ở tại Huế ghi hình làm tư liệu ngày cúng Âm hồn độc đáo ở cố đô.Đại Dương - Thái Bá (Dân trí)