“Cô Then”Thực
ra, xã Hương Sơn không phải là nơi quá xa xôi, hiểm hóc. Từ thành phố
Bắc Giang đi ngược về Lạng Sơn thêm khoảng chục cây số rồi rẽ phải.
Nhưng vì không biết rõ thôn nào, xã nào có thầy Then nên chúng tôi rất
vất vả và mất quá nhiều thời gian để lần mò. Thế rồi sau mươi lần hỏi
đường và không nhớ đi bao quãng đường đất, vượt qua bao quả đồi thì
chúng tôi đến được nhà chị Chu Thị Vân, người Nùng. Ngôi nhà khá tươm
nằm trên sườn đồi và ngoảnh mặt sang một quả đồi khác, tầm nhìn khoáng
đạt. Chị Vân đi hái củi, chỉ có anh chồng và đứa con trai ở nhà.
Trong
lúc chờ chị Vân trở về, tôi chăm chú quan sát bàn thờ. Cây đàn tính
dựng phía dưới, bên trên la liệt từng chùm sắc bùa đủ màu. Có vẻ đây là
nhà của một thầy cúng hơn là của một nghệ nhân hát Then đã giật nhiều
giải thưởng ở huyện, tỉnh và khu vực. Quả đúng vậy. Chị Vân thừa nhận:
“Tôi là thầy Then. Gọi thầy cúng cũng được. Then tiếng Nùng cón nghĩa là
cúng mà”.
Chị Vân giải thích cho chúng tôi, Then không phải là
dân ca thông thường mà là những điệu hát tín ngưỡng, có tính chất trường
ca và được thể hiện trong các lễ cúng. Chỉ có các thầy Then mới hát
Then, không phải ai muốn hát thì hát. Chị Vân tâm sự: “Không phải tôi
thích làm thầy Then đâu. Thánh chọn đấy (!). Hồi còn con gái tôi bị bệnh
“lẩn thẩn”, đi bệnh viện chữa không được. Phải mời thầy cúng. Rồi tôi
khỏi bệnh. Thầy phán rằng muốn trả ơn Thánh thì phải làm nghề thầy Then.
Thế là tôi học hát Then, học cách cúng lễ một tháng rồi làm thầy Then
từ đó”.
Tôi hỏi, vậy thầy Then khác thầy mo chỗ nào? Khác nhiều
đấy. Chỉ có đàn ông làm thầy mo thôi. Còn thầy Then thì có nhiều đàn bà.
Thầy Then thì phải hát Then, nếu không thì sao gọi là thầy Then được.
Thầy mo cũng hát, nhưng theo điệu khác, hát theo sách. Thầy Then không
được giở sách, phải học thuộc lòng thôi. Thầy mo làm lễ cúng trừ bệnh
tật, mừng thọ, ma chay, không xem bói. Thầy Then có xem bói và làm lễ
cúng giải hạn, trừ bệnh tật, mừng thọ nhưng không làm lễ ma chay.
Hát
Then có nhiều bài. Bài một là Khen hương lên đường, báo cáo với Ngọc
hoàng rằng gia chủ cúng việc này, việc nọ. Bài hai, là cúng giải hạn,
trừ bệnh tật, mừng thọ... (mỗi loại lễ cúng đều có bài hát riêng). Bài
ba, làm lễ dâng tổ tiên. Bài bốn, lễ phục hồn...
Thầy Then bình
thường thì ở nhà, làm các công việc đồng áng như mọi người. Khi có người
mời mới xách cây đàn tính đi hát cúng. Hát suốt một đêm một ngày, hết
khoảng 10 điệu. Có điệu chỉ dài 5 phút, có điệu kéo dài cả tiếng đồng
hồ. Gia chủ phải sắm lễ gồm 3 con gà (nhất thiết phải 2 mái, 1 trống),
gạo, xôi và tiền lễ. Tùy theo loại hình cúng lễ và hoàn cảnh của gia chủ
mà lễ to hay nhỏ, tiền lễ có thể 50.000 đồng, 60.000 đồng hoặc 100.000
đồng.
Nỗi lo bảo tồnCó thời hát Then vì
gắn với cúng lễ nên bị liệt vào dạng mê tín dị đoan, bị cấm ngặt. Ngày
nay hát Then được coi là bản sắc văn hóa của các dân tộc Tày, Nùng nên
được khuyến khích bảo tồn. Then cũng được cải biên để phục vụ sự nghiệp
đổi mới, phục vụ công cuộc xây dựng CNXH. Nhưng để góp vui trong các dịp
hội hè và tuyên truyền thì chỉ điệu Khen hương là phù hợp, không thể
hát điệu giải hạn hay trừ bệnh được. Thành ra các bài Then mà chúng ta
nghe trên sân khấu chuyên nghiệp hay hội diễn văn nghệ quần chúng đều na
ná nhau. Chỉ lời là khác thôi. Mà đặt lời cho then không dễ, hát bằng
tiếng Kinh càng khó, nhiều khi phải ép nhạc, ép vần, thành ra điệu hát
bị biến dạng.
Nể lời chúng tôi, “thầy Vân” khoác chiếc áo truyền
thống của phụ nữ Nùng, ôm đàn tính hát cho chúng tôi nghe. Tiếng đàn
phừng phừng, chưa thật điêu luyện, nhưng giọng hát khá mượt mà. Đây là
điệu Then cải biên lời mới với nội dung ca ngợi xã Hương Sơn:
“Ai mà thăm Hương Sơn quê noọng (em)
Đừng chê Hương Sơn em nghèo đói đấy
Hương Sơn noọng chỉ có cái nương cái rẫy đấy
Và những cánh đồng bậc thang...”.
Hương
Sơn là xã nghèo với 3.000 hộ dân, trong đó trên 52% là người Nùng và
Tày. Rất ít cánh đồng lúa. Đồi thì nhiều. Đất cằn khô. Thôn Hố Cao đúng
như tên gọi, ở trên đồi cao. Thôn có 100 hộ với 500 khẩu, vẫn còn nỗi lo
thiếu gạo. Gia đình vợ chồng chị Vân có hơn 1 sào ruộng và 1 hécta đồi
trồng bạch đàn, thuộc loại khá trong thôn.
Điều đáng lo là trình
độ hát Then của các thầy Then đang theo đồ thị đi xuống. Chị Chu Thị Vân
là giọng hát Then có tiếng ở huyện Lạng Giang và tỉnh Bắc Giang, hội
diễn quần chúng nào cũng được cử đi góp mặt. Giải vàng, giải bạc đều có
cả. Nhưng so với người thầy của chị và các bậc tiền bối thì giọng chị
kém xa, thuộc ít điệu hơn và ngón đàn còn chập chững. Các thầy Then lứa
sau chị lại tụt mấy bậc. Có thầy chỉ giỏi cúng chứ không giỏi hát, giọng
làng nhàng, chỉ thuộc ít điệu gọi là. Vốn cổ cứ mai một dần.
Tại
thôn Hố Cao ngoài chị Chu Thị Vân còn một thầy Then nữa cao tuổi hơn.
Đội ngũ tiếp cận chưa thấy ai. Và theo lời chị Vân thì không do con
người chủ động mà ai “hợp số” thì “khắc được Thánh chọn”, thường là
người trong dòng họ của thầy Then.
Trần Quang Vinh (Tamnhin.net)