Vài suy nghĩ về pháp phục, y phục trong sinh hoạt đới sống tăng già
Thích Phước Đạt Phó Ban Văn hóa Trung ương
10/01/2011 01:52 (GMT+7)

Kể từ khi Phật giáo truyền vào nước ta, quá trình tự thân tiếp biến đã làm cho đạo Phật dễ dàng cắm rễ sâu và thích nghi trên nhiều phương diện của đời sống văn hóa, văn học, đạo đức, giáo dục, tôn giáo của nước nhà. Nói đến tôn giáo là nói đến giáo lý và lễ nghi. Bài viết này chỉ tập trung đề cập đến sự chuyển biến cách tân y phục của các các tu sĩ Phật giáo Đại thừa (thuộc hệ Bắc Tông) trong đời sống sinh hoạt Tăng già thông qua tiến trình tiếp biến, hội nhập và phát triển đạo Phật từ xưa cho đến nay.

Thiết nghĩ, bất cứ là hành giả xuất gia học đạo, mỗi khi bước vào thế giới thực nghiệm đời sống tâm linh là bước vào nhà Như lai, mặc áo Như lai, ngồi tòa Như lai. Hình ảnh các Tăng sĩ trong bộ pháp phục cà-sa uy nghi sẽ góp phần đưa quần chúng Phật tử hướng tâm vào đạo trong tiếng kinh cầu của buổi lễ trang nghiêm thanh tịnh. Chính cái đẹp thánh thiện của chư Tăng, đại diện một trong ba ngôi Tam bảo hướng mọi người dễ dàng kết nối yêu thương, chuyển hóa thân tâm, cùng nhau chung sống trong hòa bình, an lạc.

Như thế pháp phục trong các lễ nghi sinh hoạt tín ngưỡng của Phật giáo có ý nghĩa vô cùng quan trọng, chính pháp phục (y hậu) mà chư Tăng mặc vào sẽ có giá trị như là sự minh chứng thể hiện một đời sống hướng thiện trong quá trình truyền thừa, truyền bá Chánh pháp ở đời. Tùy theo không gian, thời gian và đối tượng hành pháp, tu trì các hạnh mà đạo Phật cũng chuyển biến thích nghi, tùy duyên hóa độ. Pháp phục, y phục trong lễ nghi, trong đời sống sinh hoạt thường nhật cũng thế, cũng tùy theo thời đại, tùy theo phong tục tập quán của mỗi địa phương mà nó được tiếp tục điều chỉnh, thay đổi cho thích ứng đời sống xã hội. Nguyên tắc thay đổi của Phật giáo là “tùy duyên bất biến, bất biến mà tùy duyên”, cho nên dù thay đổi theo kiểu nào đi nữa, chúng ta thấy pháp phục của Phật giáo vẫn giữ lại hình ảnh “đầu tròn áo vuông”, theo tinh thần giải thoát khổ đau. Đây chính là điểm chung của các tu sĩ Phật giáo giữa các nước, các hệ phái, dù theo truyền thống nào, nhưng trong cái hình tướng chung ấy, pháp phục, y phục vẫn có nét khác biệt.

Đầu tròn áo vuông là hình ảnh vị tu sĩ cạo bỏ râu tóc, sống một đời sống không gia đình; áo vuông là mặc áo cà-sa với những ô hình chữ nhật tựa như những thửa ruộng phước điền. Theo Tương ưng bộ kinh và Luật tạng Pali kể rằng, khi Phật còn tại thế, giáo đoàn của Ngài vẫn giữ y phục của các hành giả khất sĩ đương thời. Nhưng sau khi được vua Tần Bà Sa La thỉnh cầu, Phật đã cho phép được cúng dường y phục cho chư Tăng riêng biệt. Do nhân duyên như vậy, trên đường hóa độ, Phật nhìn thấy những thửa ruộng trên một cánh đồng, Đức Phật hỏi Đại đức Ananda có thấy những thửa ruộng của cánh đồng này không?. Đại đức Ananda thưa, dạ có. Vậy là Ananda theo lời chỉ dạy của Phật lấy hình ảnh các thửa ruộng mà thiết kế thực hiện pháp phục cho chư Tăng. Do đó chúng ta thường gọi cà-sa là pháp phục biểu trưng cho áo ruộng phước (phước điền) của chư thiên và loài người. Thửa ruộng thì có nhiều bờ đê, nên y phục trong Luật tạng cũng quy định bao gồm các điều: y 5 điều, 7 điều, 9 điều… Như vậy, cà-sa trở thành pháp phục của chư Tăng từ đó, biểu trưng cho sự tu tập phước trí trang nghiêm, thành tựu giải thoát.

Theo Tự điển Phật học của Phân viện Viện NCPHVN thì Kasaya, cà-sa, đầy đủ là cà-sa duệ…Pháp y của của Tỳ kheo có ba loại: đại, trung, tiểu; tránh dùng năm màu chính, xanh, vàng, đỏ, trắng, đen, mà lại dùng pha trộn các màu đó, nên theo sắc gọi là cà-sa. Ba loại áo đại, trung, tiểu cũng có tên riêng. Loại nhỏ gọi là An đà hội (an tarva saka), còn có tên là áo năm mảnh (ngũ điều y); áo loại trung gọi là Uất đa la tăng (yttaarasamha), còn gọi là áo bảy điều; áo loại lớn còn gọi là Tăng già lê (samhati) Theo Lục vật đồ, cà-sa còn có 12 tên gọi: 1. Cà sa; 2. Đạo phục, áo của người tu theo đạo Phật; 3. Thế phục, áo của người xa rời thế tục; 4. Pháp y, áo dùng đúng pháp quy định; 5. Ly trần tục, áo xa rời lục trần; 6. Tiêu sấu phục, là mặc áo này có công đức tiêu hết phiền não; 7. Liên hoa phục, áo như hoa sen không nhiễm bùn hôi; 8. Gián sắc phục, áo không dùng 5 màu chính, 5 màu nguyên; 9. Từ bi phục, áo của người thực hành đức tính từ bi; 10. Phúc điền phúc, áo cà sa do nhiều miếng vải đắp lại, như từng thửa ruộng trên cánh đồng. 11. Ngọa cụ, được dùng như cái nệm để nằm; 12. Phu cụ, được dùng như cái chăn để đắp.

Đối với Phật tử, việc tôn kính cà-sa là sự tôn kính hình ảnh chư Tăng, đại diện một trong ba ngôi Tam bảo. Theo sách Thích thị yếu lâm thì việc tôn kính cà-sa thì được 5 phần công đức. 1. Đệ tử Phật tuy phạm các thứ tà kiến, nhưng nếu thành tâm tôn kính cà-sa thì được bất thoái chuyển đối với quả vị Tam thừa; 2. Trời rồng quỷ, người, phi nhân, nếu hay cung kính cà-sa thì sẽ được bất thoái chuyển đối với đạo Vô thượng giải thoát của Tam thừa; 3. Quỷ thần hay loài người bị đói khát bần cùng bức bách nếu có được một mảnh nhỏ cà-sa thì cũng được no ấm. 4. Nếu chúng sinh nào lúc xung đột, coi nhau như thù địch mà khởi niệm đến thần lực cà-sa thì chúng sinh đó cũng sinh tâm từ bi; 5. Khi ra trận mà có mang theo người một mảnh nhỏ cà-sa thì chúng sinh đó với lòng cung kính tôn trọng thì sẽ được an toàn.

Rõ ràng, trong thời Đức Phật còn tại thế, việc chư Tăng mặc pháp phục vào buổi đầu khi Phật vừa thành đạo có thể tùy nghi, nhưng kể từ khi Phật chỉ dạy cho Ananda về cách thức y phục, cũng như quy định về màu sắc, chất liệu mang tính hoại sắc như Tứ phần luật quyển 5 đã ghi, hẳn nhiên cà-sa trở thành “phước điền y”, mang giá trị tạo duyên tích lũy phước đức, đồng nghĩa làm cho trí tuệ hưng khởi. Sự hủy hoại sắc và ghép lại những miếng vải hình chữ nhật là nhằm mục đích đoạn trừ tâm chấp ái thủ, không còn ham muốn bất cứ vật gì ở đời mà trong Luật tạng cũng như Đại phẩm đã ghi.

Theo truyền thống, vào thời Đức Phật cách thức đắp y thì khoác cả hai vai, hoặc để lộ vai phải, che khuất vai trái. Lúc cúng dường Phật và chư Tăng thì trịch áo bày vai phải. Khi du hành hoặc vào nhà thế tục thì khoác y kín vai. Ấn Độ là xứ nóng, lại có truyền thống mặc áo để trần vai phải trong đời sống sinh hoạt, do đó hình ảnh chư Tăng khoát y để lộ vai trần bên phải là điều tự nhiên dễ hiểu.

Khi Phật giáo truyền vào Trung Quốc, quá trình tiếp biến hội nhập Phật giáo trong đời sống văn hóa diễn ra, nên y phục cũng có thay đổi theo nguyên tắc tùy duyên bất biến như đã nói trên là điều tất yếu. Hình thức chư Tăng Ni đắp y để lộ vai trần không còn phù hợp lễ nghi phong kiến Trung Hoa của đạo Khổng. Người Trung Hoa xem việc ăn mặc kín thân là một biểu hiện sự tôn kính và nho nhã. Việc thay đổi pháp phục, y phục thường nhật đối với Tăng Ni trong các thiền môn, tự viện Trung Hoa để thích hợp thuần phong mỹ tục cũng như điều kiện khí hậu tại địa phương là điều phải làm. Do đó, pháp phục chư Tăng Ni tu hành tại đất nước Trung Hoa đã biến đổi một cách sáng tạo, nhưng vẫn mang tính chất truyền thống bộ y hậu như tên gọi ngày nay. Áo hậu là áo có tay rộng dài, màu vàng, có lẽ ảnh hưởng kiểu áo của các đạo sĩ theo Lão giáo; còn y là bao gồm những ô (điều) có hình dáng chữ nhật ghép lại.

Mỗi khi hình thức pháp phục thay đổi thì nội dung hoằng pháp cũng tùy duyên thay đổi. Các Tăng Ni Phật giáo Đại thừa cũng uyển chuyển tùy duyên thay đổi cho phù hợp truyền thống văn hóa và lễ nghi của mỗi quốc gia, của trú xứ mình đang tu tập hành đạo. Và như thế, Tăng Ni có pháp phục trong khi thực hiện các nghi thức tín ngưỡng tôn giáo, có y phục sinh hoạt thường nhật. Ba y được sử dụng trong từng trường hợp cụ thể và được quy định về ô điều theo hạ lạp và tùy theo tầm quan trọng của lễ nghi mà luật định cho phép sử dụng y điều thích hợp. Việc sáng tạo ra áo Tràng, áo Nhật bình khi đi ra ngoài, y phục phục vụ trong việc chấp tác, phù hợp với tinh thần nhập thế là điều tất yếu.

Phật giáo truyền vào nước ta bằng hai con đường từ phương Nam và phương Bắc, do đó, hình thành Phật giáo Nguyên thủy (Nam tông), Phật giáo Đại thừa (Bắc tông), sau này vào thế kỷ 20 còn có hệ phái Khất sĩ do Tổ sư Minh Đăng Quang sáng lập. Nhưng do điều kiện lịch sử, sự thể nhập giáo lý tinh thần nhập thế tích cực trong tiến trình dựng nước, giữ nước và phát triển đất nước mà Phật giáo Đại thừa phát triển mạnh mẽ. Ngay từ thời kỳ Phật giáo du nhập, Trung tâm Phật giáo Luy Lâu vào thế kỷ II là nơi diễn ra các hoạt động hoằng pháp sinh động, dịch thuật, nghiên cứu kinh điển, và sinh hoạt tín ngưỡng tâm linh. Tại đây, các hình ảnh chư Tăng Trung Hoa, chư Tăng Ấn Độ sang tu hành, truyền đạo, trong pháp phục, y phục riêng biệt của mình. Điều lý thú là trong tác phẩm Lý hoặc luận của Ngài Mâu Tử có các câu hỏi của giới trí thức Nho gia chất vấn về cách ăn mặc và xử thế của các Tăng sĩ xứ Giao Châu ở đời được ghi ở điều 11, 12. Nội dung chất vấn với thái độ cố chấp vào lời Khổng Mạnh, cho rằng cái gì khác phong tục, tập quán văn hóa, lễ nghi Trung Hoa là sai lầm cả. Cho nên, việc Tăng sĩ Giao Châu mặt y áo cà-sa đỏ, hay vàng và trong giao tiếp ứng xử không theo khuôn phép của Thánh Nho như không quỳ, không tỏ vẻ săn đón. Chứng tỏ đạo Phật ở Giao Châu chịu ảnh hưởng Phật giáo Ấn Độ vào thời Mâu Tử nên mới mặc áo cà sa đỏ, hay cà sa vàng và quy tắc ứng xử theo khuôn phép của Tăng sĩ Ấn Độ, nên Nho sĩ đã phản ứng và thắc mắc.

Về sau, do điều kiện lịch sử, 1000 năm phong kiến phương Bắc trị vì, hẳn nhiên hình ảnh chư Tăng Ni Phật giáo Đại thừa từ Trung Hoa sang nước ta truyền đạo, nghiên cứu, dịch thuật, thực hiện các nghi thức tín ngưỡng tâm linh; quá trình tiếp biến giao lưu văn hóa, tôn giáo này ít nhiều đã ảnh hưởng, tác động qua lại trên nhiều phương diện. Chúng ta cũng biết trước khi Thiền phái Trúc Lâm ra đời thì các dòng thiền trước đó như Tỳ Ni Đa Lưu Chi, Vô Ngôn Thông, Thảo Đường hoạt động tại nước ta đều có nguồn gốc ảnh hưởng từ Trung Hoa.

Khi nước nhà độc lập, tự chủ kể từ sau chiến thắng Bạch Đằng lịch sử, các triều đại Đinh, Lê, Lý, Trần, sau này là triều Nguyễn đều chủ trương phục hưng văn hóa Đại Việt, khẳng định tính độc lập tự chủ trên nhiều phương diện. Sử chép khi vua Lý Công Uẩn mới lên ngôi, ông đã cho tạo dựng nhiều chùa, đồng thời vào cuối năm 1009, ông đã đích thân “ban pháp phục, y phục cho hàng Tăng đạo” như Khâm định Việt sử thông giám cương mục ghi, tiếc rằng sử sách không chép màu sắc và chi tiết cụ thể từng loại y áo.

Tinh thần tùy duyên và tinh thần nhập thế của Phật giáo càng được vận dụng hơn bao giờ hết. Chúng ta cũng biết được các triều đại này đều lấy Phật giáo để lập quốc an dân. Do đó giới Phật giáo đều tích cực tham gia trong việc giữ nước và phát triển đất nước. Nhiều lễ nghi, lễ hội Phật giáo như Đại lễ cầu an, chúc thọ đầu năm cầu cho quốc thái dân an, hay lễ hội hoa đăng, đèn Quảng Chiếu, lễ rước Phật, tắm Phật nhân mùa Phật đản, lễ Vu lan, cầu siêu mang tầm quốc gia đã được diễn ra dưới sự bảo trợ của triều đình, trong đó các vị vua, quan lại, hoàng thân quốc thích là những vị Phật tử thuần thành hết lòng ủng hộ như trong Đại Việt sử ký toàn thư ghi. Do tính chất đại lễ, nên các ngài Quốc sư, Pháp sư đạo cao đức trọng đã thọ nhận bộ pháp phục (y hậu) của triều đình ban tặng, hỷ cúng. Hẳn nhiên, các pháp phục do triều đình ban tặng, tất nhiên chất liệu, màu sắc, ô điều, sự trang trọng quý phái gắn liền giới phẩm, vị trí, vai trò lãnh đạo Phật giáo dành cho các vị cao Tăng thạc đức phải khác pháp phục của chư Tăng thường thấy trong các nghi lễ sinh hoạt thiền môn. Chẳng hạn sách Thiền Uyển tập anh có đoạn ghi chép về Quốc sư Thông Biện (? – 1134), thế hệ thứ VII dòng Vô Ngôn Thông: “Vào năm 1096, sư được Phù Thánh Cảm Linh Nhân Hoàng Thái hậu (tức Nguyên phi Ỷ Lan) phong làm Tăng thống, ban cà-sa màu tía, ban hiệu là Thông Biện đại sư. Hậu thường tỏ rõ sự vinh sủng. Sau Hoàng Thái hậu lại thỉnh sư vào đại nội, phong làm Quốc sư. ...”.

Tuy nhiên, có những cao Tăng phát nguyện mặc pháp phục thô sơ, đúng như tinh thần luật định. Cũng theo Thiền uyển tập anh, ghi rằng thiền sư Bảo Giám (? – 1173) là người Trú trì chùa Bảo Phúc, quận Mỹ Lăng (huyện Chương Mỹ, Hà Nội ngày nay)… Chẳng mấy chú ý đến bản thân, sư thường ăn vận đồ sô gai, hàng tơ lụa không bao giờ dùng đến, năm này qua năm khác cứ một mực như thế.

Rõ ràng pháp phục, y phục ngay từ thời Phật giáo du nhập cho đến thời kỳ đất nước độc lập, giới lãnh đạo Phật giáo nước ta, cũng như các tông phái Thiền tông, Tịnh độ, Mật tông không quy định thật cụ thể, chi tiết về pháp phục, y phục.

Ngay như triều Trần, trong tinh thần nêu cao ý thức độc lập, tự chủ, phục hưng văn hóa Đại Việt, với sự ra đời của Thiền phái Trúc Lâm trên cơ sở thống nhất ba Thiền phái vốn có trước đó về mặt tôn chỉ, đường lối hoạt động, hình thức sinh hoạt, nhưng cũng không thấy tài liệu bàn đến việc quy định pháp phục, y phục. Giáo hội và Tăng Ni hình như tự mặc định pháp phục cho Tăng Ni là y hậu vàng khi hành lễ, y phục đi đường là áo tràng nâu, y phục chấp tác là bộ nâu sồng dành cho Tăng Ni. Sau đời Trần là nhà Hồ, nhà Lê, rồi đến nhà Nguyễn vấn đề y phục như là sự mặc định chung, đó là chư Tăng chỉ mặc pháp phục y hậu vàng khi hành lễ, còn mặc thường phục là áo tràng nâu đối chư Tăng Ni ở Bắc, riêng ở miền Nam có thêm áo hậu lam dành cho Sa di và chư Ni khi hành lễ và áo nhật bình lam khi giao tiếp, đi đường làm Phật sự.

Thực tế cho thấy chỉ có sự khác biệt về độ đậm nhạt của màu sắc về pháp phục, y phục thường nhật mà thôi hoặc là có những trường hợp cao Tăng, Trưởng lão tùy theo đại lễ mà mặc hậu vàng, đắp y đỏ, y gấm 25 điều nhưng hậu thì áo vàng tay rộng. Nói chung, hễ nói đến tu sĩ Phật giáo thì người ta nghĩ ngay là hình ảnh người xuất gia mặc áo cà sa khi hành lễ, áo nâu, áo lam khi sinh hoạt trong đời sống sinh hoạt bình thường. Giai thoại về cuộc đàm đạo giữa chúa Nguyễn Phúc Chu và Hòa thượng Thạch Liêm (Quảng Châu – Trung Quốc) khi được chúa Nguyễn mời sang Đàng Trong hoằng pháp, có chi tiết nói về pháp phục, y phục tu sĩ Phật giáo không gì khác là bộ cà-sa, áo nâu và áo lam. Một hôm Chúa hỏi Hòa thượng Thạch Liêm: “Đệ tử từ nhỏ nghe hai chữ Phật pháp đã sinh tâm kính ngưỡng, mỗi lúc gặp tu sĩ áo nâu, áo lam tức thì hoan hỷ, chẳng biết kiếp trước là ai, làm phúc gì mà nay sinh ra làm vua ở đây? Xin Tôn sư chỉ điểm cho biết, hầu như chẳng quên nghiệp trước, đội đức từ bi vô lượng” mà sử sách từng ghi. Vào thời Nguyễn, tương truyền bà Từ Cung cũng từng ban tặng cho các vị danh Tăng nhiều bộ pháp y gấm của vương triều để đăng đàn thuyết pháp.

Để đáp ứng yêu cầu lịch sử của Phật giáo Việt Nam, nhiều hội Phật học ra đời như Hội Nam Kỳ Nghiên cứu Phật học ra đời 1931, Hội An Nam Phật học 1932, Hội Phật giáo Bắc Kỳ 1936. Ba hội Phật giáo hoạt động cả ba miền có Quy chế hoạt động, trong có các chương điều, nhưng cũng không điều nào quy định về pháp phục và y phục của Tăng Ni.

Cho đến khi Đại hội Phật giáo toàn quốc để thành lập Giáo hội Tăng già Việt Nam từ ngày 7 – 14 tháng 9 năm 1952 tại chùa Quán Sứ, Hà Nội đã ra Bản Quy chế về pháp phục, y phục của chư Tăng toàn quốc. Trong đó, y phục thường nhật: Thượng tọa bộ: áo tràng bảy thân, tay rộng; Đại chúng bộ: áo tràng bảy thân, tay hẹp; Sa di: áo nhật bình tay hẹp; Hình đồng: áo cài khuy cổ đứng, năm thân; Hạ y: quần cũng toàn dùng màu nâu thẫm; Áo mặc thường ngày của Ni giới thì kiểu may như 4 bộ của chư Tăng, nhưng dùng toàn màu mực khói hương. Về lễ phục: Tăng giới: cà-sa toàn màu vàng, áo tràng rộng màu mực khói hương; Ni giới: cà sa và áo tràng rộng đều dùng màu nâu. Quy chế này được áp dụng vào ngày 10 – 12 – 1952, chư Tăng chùa Quán Sứ, chùa Vọng Cung Nam Định đã mặc lễ phục mới theo quy chế của Giáo hội Tăng già toàn quốc ấn định. Tuy nhiên Ni giới 2 miền đã gởi thư kiến nghị xin dùng màu lam để tránh đồng với sắc áo lễ của chư Tăng, nên Giáo hội Tăng già đã đồng ý để Ni chúng được mặc thường phục màu nâu như trước.

Sau ngày đất nước thống nhất 1975, Giáo hội Phật giáo Việt Nam được thành lập 1981, đến nay đã là nhiệm kỳ VI, Hiến chương được tu chỉnh qua 4 lần, nhất là Nội qui Ban Tăng sự Trung ương Giáo hội đã quy định cụ thể về pháp phục, lễ phục, thường phục của Tăng Ni GHPGVN. Điều này cũng có nghĩa tùy theo hệ phái mà sắc phục của mỗi hệ phái có khác biệt (Bắc tông, Nam tông, Khất sĩ). Trên đại thể mỗi hệ phái đều có sự đồng nhất về pháp phục, y phục một cách tương đối, do độ đậm nhạt màu sắc phục không có quy định cụ thể.

Bộ pháp phục của Tăng sĩ Bắc tông là có một điểm chung là bộ y hậu màu vàng, nhưng cái không đồng bộ là chất liệu và gam màu vàng có độ đậm nhạt khác nhau. Còn y phục thường nhật là chiếc áo tràng xiên, áo nhật bình nâu trên bình diện tổng thể đã tạo nên nét riêng về y phục của Tăng Ni Việt Nam. Hình ảnh tu sĩ với chiếc áo nâu sồng, cà-sa vàng đã đi vào văn chương và tâm thức người Việt Nam. Tuy nhiên, ngày nay phải chăng quá trình giao lưu văn hóa Phật giáo các nước đã tác động lẫn nhau, chúng ta thấy có hiện tượng Tăng sĩ Việt Nam mặc y phục áo tràng màu vàng theo kiểu Trung Quốc, Đài Loan, áo, kèm theo giỏ, đảy, giày Trung Quốc… Vấn đề đặt ra là, chúng ta suy nghĩ Phật giáo Việt Nam sau bao nhiêu năm tháng thăng trầm biến động của lịch sử, nước nhà đã thống nhất, Giáo hội cũng đã thống nhất về mặt tổ chức, tư tưởng, hành động, hoạt động… trong cùng một Hiến chương, nội quy. Thiết nghĩ chư Tăng Ni cũng nên đồng tâm thống nhất mặc pháp phục, y phục từ chất liệu và màu sắc, kiểu dáng mà từ lâu nghiễm nhiên trở thành sắc phục của tu sĩ người Việt. Mỗi khi Tăng Ni Việt Nam mặc pháp phục, hay y phục vào là biết đây là Tu sĩ Việt Nam, đó là hình ảnh đầy tự hào của tu sĩ mặc pháp phục và y phục của người Việt Nam.

Trước sự không đồng bộ về pháp phục, y phục từ chất liệu, màu sắc và kiểu dáng thì vào năm 2005, Ban Trị sự Thành hội Phật giáo TP. Hồ Chí Minh đã vận động Tăng Ni thành phố thống nhất mặc pháp phục y hậu màu vàng hoại sắc và cùng một chất liệu. Bước đầu Tăng Ni Thành phố đã hưởng ứng gần như 80%, hiện nay sắc phục y hậu do Ban Trị sự Thành phố quy định đã lan tỏa đến một số Tăng Ni các tỉnh thành khác. Hy vọng sự đồng bộ về pháp phục, y phục thường nhật trong giao tiếp, ứng xử, trong chấp tác, từ màu sắc cho đến chất liệu trong Giáo hội Phật giáo Việt Nam, chắc chắn tạo ra một nét riêng cho Tu sĩ Việt Nam. Có như vậy, sự quy định thống nhất trong cả nước về pháp phục, y phục của Tăng Ni tu sĩ Việt Nam sẽ mang ý nghĩa thống nhất từ trong ý chí từ tưởng, hành động, sinh hoạt cho đến cả hình thức bên ngoài, nó sẽ tạo hình ảnh Tăng sĩ Việt mang bản sắc Việt trong thời kỳ hội nhập và phát triển toàn cầu./.

Các tin đã đăng: