Thế mạnh của truyền thông hiện đại đã và đang tiếp tục được
làm rõ. Việc khai thác truyền thông là hết sức cần thiết.
Nhưng khi khai thác truyền thông phải luôn chú ý đến những vấn đề “mặt
trái” của nó. Tác động của “mặt trái” này không chỉ đối với riêng chỉ
đạo Phật, như trọng tâm của bài viết này, mà nó bao trùm lên toàn xã hội
hiện đại.
Học giả người Nga Mikhail Epstein, khi nghiên cứu về hậu hiện đại ở Nga,
đã đặc biệt chú ý đến tính “phì đại” (hyper) trong văn hóa thế kỷ XX
nói chung. Tính phì đại này được ghi nhận như là từ một trong nhiều
nguyên nhân, trong đó truyền thông đại chúng là một.
Đây là điểm chúng ta cần chú ý đúng mức khi tìm hiểu và khai thác truyền
thông hiện đại.
Theo Mikhail Epstein, “phì đại”, theo cách dịch của Đào Tuấn Ảnh thuật
ngữ “hyper”, có nghĩa chỉ sự “khuếch đại”, “tăng cường”, “thái quá”. Ông
cho rằng việc cần sử dụng tiền tố này là vì “dựa vào chỗ có khá nhiều
phẩm chất của thực tại thế kỷ XX đã được đẩy tới ngưỡng tận cùng của sự
phát triển, làm bộc lộ sự đối lập với chính nó”.
Để làm rõ nhận định có vẻ khó hiểu này, Mikhail Epstein đã dẫn Umberto
Eco và Jean Baudrillard: “Trong ý nghĩa này khái niệm “thực tại phì đại”
do nhà ký hiệu học Ý Umberto Eco và nhà triết học Pháp Jean Baudrillard
đưa ra năm 1976, chỉ sự biến mất của thực tại do sự thống trị của các
phương tiện thông tin đại chúng. Dường như những phương tiện đó nỗ lực
in dấu ấn của thực tại tới mọi chi tiết nhỏ nhặt nhất, song chính với
mức độ xâm nhập như vậy bản thân những phương tiện kỹ thuật ảo thị đã
tạo ra một phẩm chất mới cho thực tại, cái gọi là “hyper”. Thực tại phì
đại chính là ảo tưởng được tạo bởi những phương tiện thông tin đại chúng
và thực tại này còn có vẻ xác thực, chính xác, và “thực” hơn cái thực
tại mà chúng ta tiếp nhận ở cuộc sống xung quanh”.
Mikhail Epstein đã dẫn lại Jean Baudrillard, rằng “thực tại biến mất
trong thế giới phương Tây, cái thế giới bị gói chặt trong mạng lưới
thông tin đại chúng, dần trở nên phì đại một cách giả tạo. Hiện thực tự
đi xuống tận đáy trong chủ nghĩa hiện thực phì đại vốn tái tạo kỹ lưỡng
cái thực tại thường là gián tiếp thông qua những phương tiện sao lại,
như ảnh chụp. Từ phương tiện tái tạo này tới phương tiện tái tạo khác,
thực tại biến mất dần, trở nên giống như cái chết. Song trong một ý nghĩ
nào đó, nó đồng thời lại được khuếch đại lên ngay trong bản thân sự tàn
phá của mình. Nó trở thành một thực tại vì bản thân, thành bái vật của
khách thể đã mất, không còn là khách thể mô tả, mà là sự phấn hứng cao
độ trong việc loại bỏ và hành động tự hủy diệt mang tính lễ nghi: phì
đại thực tại”.
Đi vào cụ thể, Mikhail Epstein tiếp tục trích dẫn: “Về sự xuất hiện của
hiện tượng thực tại phì đại này, trong lĩnh vực văn hóa, bốn mươi năm
trước Baudrillard đã viết: Từ phương tái tạo này tới phương tái tạo
khác, thực tại dần dần biến mất…Hơn nữa, điều muốn nói tới ở đây lại là
những phương tiện tái hiện chính xác, tinh tế, mang màu sắc xúc cảm, như
chụp ảnh và vô tuyến truyền hình. Phương pháp quan trắc và tái hiện
càng chân thật bao nhiêu, bản thân phạm trù sự thật càng trở nên đáng
ngờ bấy nhiêu, bởi đối tượng được tái hiện lại một cách đầy đủ và chính
xác đã thôi không còn khác gì dấu vết và hình hài thật của nó”.
Truyền thông hiện đại, được các học giả hiện đại nhìn nhận như vậy, đi
kèm với từ đánh giá là phì đại, qua những phân tích ở trên, quả là có cơ
sở của nó.
Sự phát triển quá mức, đến nỗi được gọi là “phì đại” của truyền thông
hiện đại, đã tạo nên một thực tại ảo, mà có khi hoàn toàn trái ngược lại
với thực tại thật. Nói thẳng ra, sự phì đại của truyền thông hiện đại
có thể tạo nên một sự lừa dối, có thể là ngoài ý muốn, có thể là do
chính ý muốn chủ quan của người thực hiện hoạt động truyền thông.
Ví dụ cho việc này là vô số, ở đây, chỉ xin lấy trường hợp nhiều “ca sĩ”
chỉ có thể hát trên dĩa thu, trên chương trình video, mà không thể hát
trực tiếp với người trực tiếp nghe không micro, mixer, ampli…, và thậm
chí có những thứ đó cũng không hát được.
Media, các phương tiện điện tử…đã tạo ra một thế giới khác, mà trong đó
người ta có thể đóng giả.
Đạo Phật là đạo của sự thật, của xác tín. Một hiện thực ảo do truyền
thông mang lại khác với hiện thực thật là điều những người tu Phật phải
lưu tâm.
Nếu chỉ căn cứ vào hiện thực của truyền thông “phì đại”, chắc chắc không
phải là điều tốt. Trong đạo Phật có khái niệm “thân giáo”.
Thân giáo là tu học bằng tiếp xúc trực tiếp, trên hiện thực “thật”,
trong từng phút giây.
Thân giáo đối lập với truyền thông “phì đại” của thế kỷ XX – XXI.
Nếu chúng ta theo học một vị thầy, mà chỉ qua băng dĩa giảng, qua hình
ảnh tiếng nói trên CD, VCD, thì đó chỉ là tu học trên hiện thực ảo của
truyền thông “phì đại”. Hoàn cảnh có thể buộc chúng ta phải tu học như
vậy, nhưng không nên phụ thuộc hoàn toàn vào nó, bỏ qua hiện thực thật.
Lời giảng vị sư trong băng có thể rất hay, sách của vị sư đó viết rất
thâm sâu, hoàn toàn đúng với chánh pháp, hình tượng của vị sư đó qua ống
kính camera được ghi lại trên dĩa VCD, DVD rất oai nghi. Đó là hiện
thực thông qua truyền thông “phì đại”. Hiện thực đó đã qua một quá trình
chọn lọc chủ quan, hoặc thậm chí có thể dàn dựng.
Có thể vị sư đó ở bên ngoài, được nhìn nhận qua sự tiếp xúc gần gũi liên
tục, có thể hoàn toàn khác, hay ít hơn, có khoảng cách so với hình ảnh
qua truyền thông hiện đại.
Có thể thuyết pháp, cử hành nghi thức thông qua phương tiện truyền thông
hiện đại. Nhưng giáo hóa bằng “hạnh”, thì phương tiện truyền thông
không làm được, thậm chí, tính chất phì đại của nó cuối thế kỷ XX, đầu
thế kỷ XXI, lại có tác dụng ngược lại.
Công chúng truyền thông, tức là tất cả chúng ta nói chung, và Phật tử
nói riêng, nên nhìn nhận truyền thông hiện đại một cách rõ ràng ở điểm
này, nó “phì đại” theo cách nói của những nhà triết học.
Không hiếm khi chúng ta nghe những lời phê bình chính khách này đắc cử
tổng thống, tổ chức kia chiếm nhiều ghế trong nghị viện đều do khéo léo
sử dụng phương tiện truyền thông, đặc biệt là truyền hình, thay vì thực
tài.
Xu hướng chỉ chạy theo truyền thông, theo quán tính chung, cũng không
hiếm trong đạo Phật, cũng như các tôn giáo.
Điều này nếu do điều kiện khách quan như Phật tử nước ngoài chỉ biết
đến những vị thầy trong nước qua băng dĩa giảng pháp và ngược lại, đã là
một điều rõ ràng cần ý thức là chuyện chẳng đặng đừng. Còn nếu do chủ
quan thì thật không nên.
Hiện nay có vị tự xưng mình là Vô thượng sư, supreme master, maha kuru
trên TV, quảng bá hình ảnh qua sóng vệ tinh, thu nhận đệ tử qua web được
nhiều người tin tưởng… là đang khai thác mặt trái của sự “phì đại”.
Nếu mọi người chúng ta không ý thức được điều này, thì e rằng, người ta
quên đi mọi thứ khác và chỉ nhìn nhận mọi việc qua truyền thông. Pháp sư
đạo cao đức trọng, Vô thượng sư cứu nhân độ thế được xác định qua
truyền hình, video, CD, cassette… sẽ đưa đến những hậu quả không lường.
Vì vậy, truyền thông cần được xác định rõ sự hạn chế của nó, và do sự
hạn chế đó, cần hết sức thận trọng với nó, dù không thể không sử dụng.
Truyền thông chỉ là một phương tiện của phương tiện. Nó không thể nào
thay thế được sự tiếp xúc trực tiếp, được giáo hóa trực tiếp. Không nên
chỉ y cứ vào những nội dung mà truyền thông chuyển tải, và nên luôn ý
thức về sự “phì đại”, sự chủ quan và rất có thể thiên lệch, không đúng
với sự thật của nó.
Người xưa nói “trăm nghe không bằng một thấy” (thấy đây là thấy trực
tiếp hiện thực).
Nay có thể bổ sung: “trăm thấy qua truyền hình, qua video không bằng một
thấy tận mắt”.