Bàn về vấn đề nên hay không nên thống nhất nghi lễ Phật giáo
Ban Nghi Lễ Thành hội Phật giáo Đà Nẵng
06/01/2011 09:58 (GMT+7)

Nói đến tôn giáo là phải nói đến nghi lễ. Bất kỳ một tôn giáo nào cũng đều phải có những hình thức nghi lễ để tiêu biểu bản sắc tinh thần đạo lý. Mặc dầu trên hình thức, nghi lễ của mỗi đạo giáo có khác nhau, nhưng mục đích chung nhất của nghi lễ vẫn là biểu hiện lòng ngưỡng mộ, tán thán Giáo chủ, giáo lý  và các bậc tiền nhân có công đức trong việc kế thừa và phát triển đạo giáo của mình và lòng chí thành trong việc phát nguyện hay cầu nguyện của hành giả.  

Đạo Phật là một tôn giáo không chỉ chú trọng về nghi lễ, nhưng nghi lễ từ xưa đến nay luôn giữ vai trò quan trọng và cần thiết trong việc hoằng dương Phật pháp. Thông qua các sinh hoạt nghi lễ, chúng ta có thể mời gọi người khác vào đạo Phật một cách dễ dàng. Đó là những phương tiện thực tế để điều hòa lý trí, cân bằng tình cảm, ổn định tinh thần cho con người trong cuộc sống đời thường của xã hội.  

Cầu nguyện theo quan niệm Phật giáo là không phải van xin thần thánh hay bất cứ một lực lượng quyền năng nào. Cầu nguyện là tập trung dòng tư tưởng trở về một mối duy nhất; dùng năng lực của tinh thần để chuyển đổi quan niệm mê lầm, xấu ác trở nên trong sáng và lương thiện. Cầu nguyện vì thế chính là phương pháp nhìn lại con người thật của mình, quan sát tâm tính và khử trừ mọi khát vọng phàm tình, ích kỷ, ỷ lại, yếu đuối. Cầu nguyện là một cách định tâm, định ý để chuyển hóa lòng mình, lòng người. Thật vậy, vì nghi lễ có tính biểu cảm, nên nghi lễ chính là một trong hai con đường đưa đến giải thoát, đó là bằng tư duy để chứng nhập chân lý, và bằng sự rung cảm dọn đường cho một sự khai phóng tâm linh trác tuyệt.  

Thế nhưng, ngay cả một số Phật tử chính thống cũng có quan niệm lệch lạc về ý nghĩa lễ nghi và sự cầu nguyện trong Phật giáo. Trường hợp hiểu lầm Đức Phật sẽ quở phạt, hay cầu Phật, lạy Phật, cúng Phật để được Ngài ban bố tài lợi là một việc làm rất thường xảy ra trong giới Phật tử, chỉ biết Phật mà không có cơ hội học hỏi Phật pháp, không hiểu rõ nghĩa lý sâu xa của những biểu tượng lễ nghi và cầu nguyện trong Phật giáo. Ðây là nguyên nhân để cho một số người đứng ngoài Phật giáo vội kết luận rằng, hình thức lễ nghi và cầu nguyện trong Phật giáo là một hình thức lỗi thời, lạc hậu, mê tín, biểu hiện sự yếu đuối, thiếu tinh thần tự lực và tự giác.  

Nghi lễ Phật giáo đã có mặt và phát triển trên đất nước Việt Nam từ rất sớm. Nhìn trên mặt văn hóa, nghi lễ chính là một trong những yếu tố căn bản và tất yếu để tạo nên sắc thái đặc trưng của Phật giáo Việt Nam , một tôn giáo gắn liền với vận mệnh thăng trầm của đất nước, in đậm dấu ấn bản sắc dân tộc.

Nhằm thích nghi với phong tục, tập quán, đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng của quần chúng và cũng để tự tồn tại, phát triển thích nghi theo từng vùng, miền văn hóa khác nhau, nghi lễ đã được chư Tổ chế tác thành những kịch bản với nội dung thâm thúy, phong cách điêu luyện, nghệ thuật nhuần nhuyễn trên cơ sở phù hợp với những loại hình văn hóa nghệ thuật, biểu diễn nhạc điệu, sân khấu của từng vùng miền trong nước. Như chúng thấy, âm điệu nghi lễ Phật giáo miền Bắc có ít nhiều ảnh hưởng loại hình nghệ thuật chèo, quan họ, chầu văn phía Bắc; phong cách xướng tán của nghi lễ miền Trung lại phưởng phất loại hình nghệ thuật hò Huế hay hát bộ Bình Định; còn cung cách và giọng điệu nghi lễ miền Nam thì lại rất gần gũi với loại hình nghệ thuật cải lương Nam bộ. Thái dụng và vận dụng một cách hài hòa sinh động những loại hình văn hóa nghệ thuật của từng địa phương, các Tổ đã sáng tác, cải biên các hoạt động nghi lễ với sự chuẩn mực hóa cao về mặt thẩm mỹ và nghệ thuật đã đi vào đời sống tâm linh, mà đã được xem như là nhu cầu tinh thần của cuộc sống xã hội. Những hình thức nghi lễ hiện hành trong sinh hoạt tôn giáo của Phật giáo Việt Nam có một số lễ như sau:  

1.. Đại lễ của Giáo hội như Đại hội, Hội nghị, Đại lễ Phật đản.           

2.. Nghi lễ Đại giới đàn.           

3.. Nghi lễ đại tang của chư Tôn đức Tăng Ni, húy nhựt Tôn sư  theo nghi thức Thiền môn.           

4.. Nghi lễ đặc biệt tại các Tự, Viện như: Khánh thành,  Hoàn nguyện các công trình, An vị Tôn tượng Phật, Bồ tát, Tổ sư, Bố tát thuyết giới, Kiết giới an cư, Tự tứ ...            

5.. Nghi lễ Đại trai đàn Cầu siêu Bạt độ giải oan, Chẩn tế cô hồn.           

6.. Nghi lễ thường nhật tại các Tự, Viện như công phu, bái sám, cầu an, cầu siêu, truyền Tam quy ngũ giới, truyền giới Bát quan trai.           

Như vậy, đề cập đến vấn đề thống nhất nghi lễ Phật giáo Việt Nam, nhất là trong thời đại ngày nay Phật giáo cả nước đã thống nhất thành một khối và đang trong xu thế theo đà hội nhập và phát triển chung của toàn xã hội, là đề tài đã được rất nhiều vị Tôn túc lãnh đạo Giáo hội cũng như một số các trí thức Phật giáo từng quan tâm thao thức và cũng đã chia thành hai khuynh hướng khác nhau thậm chí đối lập nhau, đó là thống nhất hay không nên thống nhất nghi lễ Phật giáo.  

Theo thiển kiến của chúng tôi, đối với những hình thức nghi lễ hiện hành của Phật giáo Việt Nam nêu trên, chúng ta có hai hướng thực hiện như sau:  

1. Chỉ cần và phải thống nhất những nghi lễ phục vụ cho các Đại lễ chung của Giáo hội như Đại hội, Hội nghị, Đại lễ Phật đản v.v... để thể hiện tính thống nhất của Giáo hội Phật giáo Việt Nam.  

2. Còn những nghi lễ khác, nhất là đối với những Nghi lễ Đại trai đàn Cầu siêu Bạt độ giải oan, Chẩn tế cô hồn v.v... thì không cần phải thực hiện thống nhất trên cả nước, mà có thực hiện thì cũng rất khó có tính khả thi, bởi vì đó là những nghi lễ phản ánh bản sắc văn hóa nghệ thuật âm nhạc của từng khu vực, vùng miền và đã thâm nhập nhuần nhuyễn vào trong đời sống tâm linh của người Phật tử bản địa. Hơn nữa chính sự không thống nhất ấy sẽ làm cho sinh hoạt nghi lễ Phật giáo trở nên phong phú, đa dạng và cũng là cách khiến cho bản sắc văn hóa Phật giáo của các vùng miền được bảo vệ, duy trì. Trái lại, nếu được thống nhất thì cũng chỉ có tính cách áp đặt và sẽ làm cho nghi lễ Phật giáo trở thành đơn điệu, mất tính phong phú hấp dẫn, đưa đến việc ngăn trở không cho pháp âm giải thoát khi được lồng ghép vào trong nhạc điệu nghi lễ vốn rất dễ đi vào ngõ ngách tâm linh, vốn là sinh hoạt văn hóa tâm linh đặc sắc trong đạo Phật./.  

Các tin đã đăng: