Khi hoạt động mê tín diễn ra một cách thắng thế ở chùa, thì
đó cũng đồng thời là sự thụt lùi, thối thất của chánh pháp. Nhà chùa
không giáo hóa được nhân sinh, mà ngược lại nhân sinh lại đưa xu hướng
mê tín vào chùa, vây bọc chùa bằng bói toán, cầu cúng theo kiểu mua bán
đổi chác với thần…
Tháng giêng là tháng cao điểm lễ hội, trong đó có lễ hội
chùa. Khách đến chùa đông là việc đại hoan hỷ, là nhân duyên lớn cho
hoạt động hoằng pháp.
Nhưng bên cạnh đó một số vấn đề tiêu cực cũng đã bộc lộ, như mê tín, lợi
dụng kinh doanh, tệ nạn trộm cướp…Báo chí đã đề cập nhiều, tưởng không
cần nhắc lại.
Dưới đây, chúng tôi sẽ tập trung tìm hiểu, phân tích từng vấn đề từ góc
độ lý luận, để góp thêm một số ý kiến tham khảo, phục vụ cho mục tiêu cố
gắng hạn chế các mặt tiêu cực, phát triển các mặt tích cực, đẩy mạnh
hoằng dương chánh pháp.
Trước hết, xin đề cập đến mâu thuẫn giữa mê tín và chánh pháp. Các vấn
đề khác sẽ được tìm hiểu tiếp sau.
Cuộc đấu tranh giữa chánh tín và mê tín là một hoạt động diễn ra thường
xuyên trong lòng đạo Phật tại Việt Nam. Hoằng pháp chính là hoạt động
xiển dương chánh pháp, xác định chánh tín, và tất nhiên, là đối lập với
mê tín, là giải trừ mê tín.
Thế nhưng, cứ đến tháng giêng, mê tín lại ập vào cửa chùa. Các hoạt
động mê tín xuất hiện khắp nơi, từ cổng tam quan đến chánh điện, lan
rộng ra khắp nơi trong vườn chùa.
Hàng dãy lá số tử vi được bày bán, chào mời xô bồ khi chỉ mới đến gần
chùa. Người ta đốt nhang từng bó lớn, với ý nghĩ đốt nhang càng nhiều
thì lời cầu nguyện càng thiêng, khấn vái ở đủ mọi nơi, mọi chỗ, từ hòn
đá đến gốc cây, bụi rậm, cắm nhang la liệt, khói bốc mù mịt như một đám
cháy, rồi dán tiền lẻ vào tượng Phật, tượng Bồ Tát, tượng hộ pháp ở
những chỗ có thể trên tượng…
Những sự kiện đến hẹn lại lên này tưởng chừng như là điều bình thường.
Nhưng xét kỹ ra, khi hoạt động mê tín diễn ra một cách thắng thế ở chùa,
thì đó cũng đồng thời là sự thụt lùi, thối thất của chánh pháp. Nhà
chùa không giáo hóa được nhân sinh, mà ngược lại nhân sinh lại đưa xu
hướng mê tín vào chùa, vây bọc chùa bằng bói toán, cầu cúng theo kiểu
mua bán đổi chác với thần…
Đã đến lúc không còn có thể xem đây là chuyện bình thường, thậm chí chấp
nhận xu thế lan rộng. Vì nếu như vậy, thì có nghĩa là đã thỏa hiệp với
sự mê tín, chấp nhận mê tín hóa nhà chùa.
Điều trước tiên là phải nhận diện cuộc đấu tranh giữa chánh pháp và mê
tín diễn ra ở hầu hết các ngôi chùa trong tháng đầu năm và ở đó, mê tín
lấn át chánh pháp.
Vấn đề có đến mức nghiêm trọng như thế không, hay là đã có sự cường
điệu. Theo chúng tôi là không cường điệu một chút nào hết, mà vấn đề đã
hết sức nghiêm trọng: sự thối thất chánh tín.
Đồng thời với hoạt động mê tín diễn ra ở khắp các chùa đó, những luồng
người đông đảo đó đã định nghĩa lại đạo Phật theo cách của họ.
Đức Phật không còn là vị đạo sư nữa, mà đã được chuyển cải sang một vị
thần linh, ban phúc, giáng họa, có thể chạy chọt, lo lót chỉ bằng…tiền
lẻ! Phật Thích ca trở nên đồng đẳng với bà Thiên Hậu, với Quan Thánh,
Thái Thượng Lão Quân và các vị thần thánh ở khắp các đình miếu nào đó.
Pháp bảo thì đương nhiên không còn. Ở đây, người đi chùa mê tín chẳng
cần biết gì đến kinh pháp, mà chỉ là sự van vái, cầu xin. Một quan hệ xa
lạ với nội dung pháp bảo được triển khai và chi phối mọi hoạt động.
Những khái niệm cơ bản của đạo Phật, như “quy y Phật, không quy y thiên
thần quỷ, vật” bị loại bỏ thẳng thừng. Người ta cắm hương cầu cúng, xá
vái ở gốc cây, hòn đá, hay bất cứ vật thể nào tương đối huyền bí một
chút.
Còn Tăng bảo, bậc chúng trung tôn, biểu hiện cụ thể của sự hiện hữu giáo
pháp, thì được đồng hóa như những ông từ giữ đền. Hoạt động mê tín chỉ
cần những ông thần, không cần giáo pháp, nên cũng không cần người chuyển
tải là tăng bảo. Tăng ni thì vẫn còn ở chùa, nhưng họ không có vị trí
gì trong lòng những người đi chùa mê tín, trừ vị trí là Thầy Cúng.
Trước chùa thì nhan nhản sư giả, dơ dáy, bất lương vẫn nhận được tiền
cúng. Có khi sư giả ào cả vào sân chùa hợp cùng với đội ngũ thầy bói,
hình thành một kiểu “thầy” dị dạng.
Còn chùa, thì được đánh đồng với đền, miếu, phủ, từ…, chỉ là nơi để cầu
cúng. Đi chùa người ta cũng khấn vái thế, đi đền, đi miếu người ta cũng
khấn vái thế.
Như vậy, thì với hoạt động mê tín, người ta đã định nghĩa lại đạo Phật
chứ còn gì nữa. Đạo Phật biến mất, bị tha hóa, bị chuyển đổi ngay tại
chùa, thì sẽ là gì nếu không coi là việc nghiêm trọng.
Sau khi đã xác nhận vấn đề, phân tích bản chất, thẩm định cấp độ, thì
điều còn lại là cách giải quyết.
Mê tín tức là ma sự. Chánh tín đấu tranh với mê tín, thực chất, là đấu
tranh giữa đạo Pháp và tha hóa đạo pháp.
Không làm cho người lễ chùa thấy được Phật, Pháp, Tăng chân chính, thì
còn nói gì tới chuyện giáo hóa ai, cứu độ ai.
Để khẳng định chánh pháp, trước nói phải giảng, phải thuyết.
Trong bối cảnh khách lễ chùa tháng giêng ào ạt như những dòng chảy
chuyển dịch, nếu không hình thành được buổi thuyết pháp, thì những cẩm
nang, tờ gấp, tờ rơi chỉ dẫn việc đi lễ chùa đầu năm, những việc cần
làm, những điều cần tránh, trình bày ngắn gọn dễ đọc, dễ nhớ là phương
tiện cần thiết.
Nội dung chỉ dẫn cần phân biệt rõ Phật Bồ tát La Hán với thần thánh
(điều mà nhiều người không biết), chuyển tải được những khái niệm cơ bản
của giáo pháp (như tam quy, ngũ giới, thập thiện, nhân quả), phân biệt
rõ sư giả, sư thật, chánh tín và mê tín, chùa khác với miếu, phủ, đền…
Chư vị tôn túc có thể chủ động hợp tác với các cơ quan truyền thông
giải thích và hướng dẫn đi chùa đầu năm sao cho đúng với tinh thần đạo
Phật, tinh thần chánh pháp, để người đi chùa thật sự có được lợi lạc,
công đức. Năm nay, trước thực trạng đi chùa mê tín gia tăng, phía cơ
quan truyền thông đã chủ động tìm đến chư vị tăng sĩ để xin ý kiến,
chúng ta cũng thấy các trang web Phật giáo đăng lại.
Nếu những cố gắng như thế mà vẫn chưa làm thay đổi cục diện, chưa lấy
lại được vị thế chánh pháp trước sự xâm nhập của mê tín nơi cửa Phật,
thì cần thiết phải nổ lực nhiều hơn nữa, bằng nhiều biện pháp hơn nữa,
như yết bản chỉ dẫn, phát loa, phát video clip vận động trên màn hình
lớn…
Khách lễ muốn cúng tiền, dù là tiền lẻ trước Phật, thì cũng không phải
là sai. Một cái khay, cái dĩa nhỏ, vài dòng hướng dẫn là có thể điều
chỉnh hành động thiếu ý thức của một số người.
Hình ảnh tên tuổi những kẻ móc túi, trộm cắp được phổ biến để khách thập
phương đề phòng, thì sao không thể có thông báo chi tiết rõ ràng về
những kẻ giả mạo tu sĩ, cũng như những người kiếm tiền bằng bói toán mê
tín.
Lễ chùa là một việc đơn giản. Nếu không lễ hướng dẫn được, người Phật tử
lễ chùa đúng chánh pháp, thì làm sao có thể mở rộng giáo hóa ở những
cấp độ cao hơn, như tu tập thiện nghiệp, thiền định…
Người viết nghĩ rằng vấn đề trước hết là ở sự nhận thức. Cứ để mặc cho
người ta coi chùa như miễu, như đền, như động như phủ, Phật như Quan
Thánh, như Thiên Hậu, thì đến lúc nào đó sư thật và sư giả cũng lẫn
lộn…, sẽ không còn Phật, còn Pháp, còn Tăng thực sự nữa.
MT