Tăng già là cộng đồng tăng,
ni đại diện Phật giáo trên thế giới trong suốt hai mươi
lăm thế kỷ qua. Bằng vào việc thực hành giới luật và
truyền bá chánh pháp, Cộng đồng Tăng già duy trì và bảo
tồn sự tương tục của di sản Phật giáo.
Tăng già sẽ tiếp tục sống còn cho đến khi nào? Sự trường tồn của Tam
bảo lệ thuộc vào Tăng già, ngôi thứ ba trong Tam bảo. Chỉ
nương vào sức mạnh của trí tuệ và đức hạnh, Tăng già đã
sống còn trên 2.500 năm không vũ khí, không nguồn tài
chánh, không có quân đội riêng; lâu hơn Đế quốc La mã, các
triều đại vua chúa Trung hoa, và vương triều Anh quốc.
Tuy nhiên, không có một sự bảo đảm nào là Tăng già sẽ tiếp
tục sống còn và cống hiến những đóng góp trọng yếu cho nhân
loại. Đây là một nhiệm vụ tùy thuộc vào chính những thành viên
của Tăng già, những thế hệ Tăng Ni kế thừa, và nhiệm vụ này cực kỳ
quan trọng vì tương lai của Phật pháp đều lệ thuộc vào tương lai của
Tăng già.
Như chúng ta đã biết, Tăng già được tồn tại
cho đến ngày nay nhờ những liên kết mật thiết với cộng đồng cư
sĩ Phật tử. Mối liên hệ giữa hai cộng đồng là một sự tương
giao, hợp tác trên tinh thần “môi hở, răng lạnh.” Theo
truyền thống Phật giáo, cư sĩ Phật tử cung cấp những vật dụng cần
thiết như quần áo, thực phẩm, nơi ăn chốn ở, thuốc men, v.v... cho
tăng, ni, trong khi Tăng già cung ứng cho cộng đồng cư sĩ về mặt
giáo lý, và đời sống gương mẫu của một vị xuất gia, cống hiến
đời mình cho Phật pháp. Để cộng đồng tăng, ni được tiếp tục, một
số hình thức của mối liên hệ mật thiết này phải được
duy trì, nhưng những sự thay đổi trong xã hội hiện đại có thể sẽ
đặt mối tương quan này trong một tình huống mới.
Yếu tố “nặng ký” nhất ảnh hưởng đến mối tương giao giữa tăng già và cư
sĩ Phật tử là sự quá độ từ xã hội truyền thống sang xã
hội hiện đại, và đến xã hội kỹ thuật. Sự thay đổi rõ
nét nhất hiện nay là hướng chuyển đổi từ việc đặt nặng vấn đề
sản xuất kỹ nghệ sang việc tiếp nhận và phân phối tin học. Sự
chuyển hướng này đã xảy ra khắp các nước phương Tây và mọi giai
cấp trong xã hội tiên tiến ở các quốc gia trên thế giới.
Để mô
tả hiện tượng này người ta nói rằng chúng ta đang chuyển hướng từ kỷ
nguyên kỹ nghệ sang kỷ nguyên tin học, từ nền văn minh sản
xuất sang nền văn minh trí năng. Sự chuyển đổi sang
một xã hội “nhạy cảm về tin học” sẽ biến đổi bản chất
của mối tương quan giữa tăng già và cư sĩ tận gốc rễ,
và những sự kiện này sẽ thử thách tăng già để tìm kiếm một giải
pháp mới mẻ nhằm duy trì tính thích hợp của Phật pháp trong giai
đoạn mới. Tôi không xem mình là một nhà tiên tri và, do vậy, không
thể tiên đoán tương lai, nhưng căn cứ theo xu hướng hiện nay, tôi
sẽ cố gắng phác hoạ vài thử thách quan trọng mà tăng già sẽ phải
đối đầu.
Vai trò của giáo dục cao cấp:
Trong kỷ nguyên tin học, đa số quần chúng đều có học vị đại học. Người
ta có nhiều phương tiện để tiếp nhận những kiến thức và thông tin
hơn trước đây, và sự hiểu biết của họ về thực tế và Phật pháp
cũng thêm tinh vi và phức tạp hơn. Họ hy vọng Phật pháp được
giải thích theo tiêu chuẩn kiến thức của một người có học và họ
sẽ không đơn giản chấp nhận những lời dạy theo truyền thống cổ
xưa vì cung kính. Họ được giáo dục ở học đường rằng muốn học hỏi
cần phải chất vấn, ngay như cả học Phật. Do vậy, chư
tăng, ni cần phải chuẩn bị để trả lời những câu hỏi Phật pháp. Chư
tăng, ni không thể chờ mong sự chấp thuận vì lòng tôn kính của cư
sĩ Phật tử, mà họ phải dành được sự kính nể qua những giải
thích Phật pháp hợp tình, hợp lý. Chư tăng, ni không
những phải có học vị cao, đặc biệt về Phật học, mà còn phải có
kiến thức về triết học, tâm lý học, và những ngành tương quan
khác. Làm sao để kết hợp thế học và Phật học là một việc khó;
các vị có trách nhiệm cần phải tìm ra giải pháp cho vấn đề này.
Vai
trò của việc xuất bản: Vấn đề có bằng cấp cao trong
hàng cư sĩ Phật tử liên quan mật thiết đến vai trò của việc xuất
bản. Việc sử dụng chữ viết chuyển hóa Phật giáo vào khoảng thế
kỷ thứ hai trước Công nguyên; cũng như việc in ấn và xuất bản
sách báo đã chuyển hóa Phật giáo trong thời kỳ đầu của hạ bán thế kỷ
thứ hai mươi. Ngày nay, hàng trăm quyển sách phổ thông và nghiên
cứu viết về mọi ngành Phật học đã được dịch sang tiếng Anh và
các ngôn ngữ khác. Vậy, bất kỳ một Phật tử nào, nếu chuyên tâm
học Phật, có thể có được một kiến thức rộng rãi về Phật pháp nhờ
đọc sách, báo. Máy vi tính đã góp thêm phần cách mạng hóa về
việc học Phật. Vị cư sĩ Phật tử nào cũng có thể chứa toàn bộ
tam tạng kinh điển và những tư liệu Phật học khác trong bộ đĩa
cứng (hard disk) của mình. Xuyên qua hệ thống mạng (internet)
họ còn có dịp tiếp cận nguồn tư liệu vô tận về Phật học và tham
gia những nhóm thảo luận trên mạng về bất cứ đề tài nào trong
Phật pháp. Như vậy, những sách báo về kiến thức Phật học
không còn là đặc quyền sử dụng của tăng, ni; và để học
hỏi thêm kinh tạng và luận tạng Phật tử không cần phải đến tu
viện hoặc chùa để cầu học, như những truyền thống văn hóa trước
đây. Chương trình nghiên cứu Phật pháp cũng được các trường đại học
giảng dạy và có nhiều học giả Phật giáo nổi tiếng đang nghiên cứu
những lãnh vực chuyên khoa Phật học. Đối với chúng ta, điều này
nêu lên một vấn đề: là tăng sĩ chúng ta sẽ cống hiến những gì?
Tôi xin thưa là nhiệm vụ của chúng ta không phải để cạnh
tranh với những học giả Phật giáo. Rõ ràng chúng ta
nên phát triển nguồn kiến thức Phật học của mình càng nhiều càng
tốt, và chúng ta nên học hỏi từ các bậc thức giả Phật tử nếu
cần. Nhưng đời sống tu viện cho chúng ta cái duyên
để hành trì Phật pháp; chúng ta có cơ hội kết hợp việc học và
hành trong đời sống tu sĩ dựa vào đức tin, lòng mộ đạo, và sự
tận tình với tam bảo. Chúng ta phải kết hợp tri
và hành, hiểu và tin. Chúng ta không thể chấp nhận tri
mà không hành; cũng như thực hành mù quáng mà không có trí tuệ.
Vai
trò của việc tập luyện tâm linh: Phật pháp thu phục
lòng người không chỉ vì áo nghĩa thâm sâu, hay việc thực hành
giới hạnh mà chính là quá trình công phu hành trì, chuyển
hóa tâm thức. Điều này tách biệt Phật giáo từ những hệ thống
của các tôn giáo khác: Sự nhấn mạnh trên vai trò chính
của tâm thức trong sự quyết định hạnh phúc hay khổ đau, và hướng
dẫn những phương pháp thực tế để tập luyện tâm linh.
Vì vậy, “Cửa ngõ quan yếu” để bước vào Phật pháp là sự thực hành
thiền định. Đây là “cửa ngõ” đặc biệt cho những ai không có
“gốc” Phật giáo (Buddhist background) mà muốn tu học, đặc biệt
là những người phương Tây. Nhưng thiền tập cũng đã từng là “cửa
ngõ” cho những Phật tử truyền thống có “gốc” khoa học, mang theo những
tâm thức hoài nghi và tò mò khi đến với Phật pháp. Tôi
không nghĩ chỉ có thiền định không thôi là câu trả lời, và trong
phương diện này tôi phê phán những thầy dạy thiền tách
rời thiền định từ Phật pháp và bác bỏ những học thuyết của Phật
giáo và đức tin. Tôi nghĩ rằng cần phải có một sự cân
xứng: một loại “kiềng ba chân” cân bằng giữa đức tin,
học Phật, và thực hành thiền. Đức tin chuyển hóa cảm xúc, học tập đưa
đến chánh kiến, và thiền định mang lại an lạc và trí tuệ.
Nhiều người hôm nay đến với Phật giáo qua tu tập thiền định.
Một khi họ đạt được những lợi lạc cụ thể nhờ thiền tập, sự thích
thú của họ đối với Phật pháp sẽ được đánh thức và rồi họ sẽ dần
dà học hỏi về Phật học, tăng trưởng tín tâm, và ngay cả xin
xuất gia.
Tăng già trước những thử thách nêu trên:
Hàng ngũ tăng già luôn tìm cách để duy trì, vinh danh những truyền
thống cổ, và sống tri túc. Theo đó, Tăng già khuyến khích mọi người
học sống cần kiệm, tôn trọng những gì cổ xưa, ca tụng và trân trọng
môi trường thiên nhiên. Trong thế giới hiện đại, bạo động đang
bùng nổ giữa những người thuộc tôn giáo hay sắc tộc khác nhau vì họ tin
rằng sử dụng sức mạnh sẽ giải quyết được vấn đề. Tăng già tin
vào nguyên tắc bất bạo động, kham nhẫn, thảo luận, và thỏa hiệp là nền
tảng đưa đến hoà bình. Như vậy, tăng già khuyến tấn mọi người
phải giải toả những vấn nạn bằng sự thông cảm lẫn nhau, khoan
dung, và từ bi. Để nêu cao tinh thần Phật pháp chuyển hóa thế
gian, Tăng già khuyến khích mọi nỗ lực đưa đến sự chung sống hoà
bình, và hiểu rằng trí tuệ siêu việt và tự do tối thượng vượt
ra ngoài những biên giới của thế gian.
Tiếng nói của lương tâm: Điều này khiến tôi
muốn nói đến một thử thách chính yếu khác mà tăng già đang đương
đầu trong thế giới hôm nay. Ngày nay những tai họa kinh khiếp
và to lớn đang làm tan nát đời sống của hàng triệu người và đang đe doạ
vô số sinh linh bằng những tổn hại không kể xiết. Tôi muốn nói
đến những thù hận từ mâu thuẫn sắc tộc và những cuộc chiến huỷ
diệt, giết vô số những người dân vô tội, bao gồm phụ
nữ và trẻ em. Tôi nói đến những chính quyền chuyên chế đàn áp, bắt bớ
những công dân của họ không lý do chính đáng, hành hạ, tra tấn,
và khủng bố tinh thần những người yêu chuộng tự do. Tôi nghĩ đến
những cách biệt giữa người giàu, người nghèo và nước giàu, nước
nghèo. Tôi nói đến những căn bệnh đói nghèo giết chết hàng
triệu người trên thế giới, mà có thể được trừ diệt dễ dàng với
số chi phí chẳng là bao!
Tôi nghĩ đến sự chà đạp phẩm giá của hàng triệu phụ nữ
bị chính gia đình họ cưỡng buộc hoặc bị dụ dỗ phải bán thân vì
nghèo cùng. Tôi nghĩ đến sự lãng phí hàng trăm tỉ mỹ kim
để mua vũ khí huỷ diệt hàng loạt, trong khi hàng
tỷ người trên thế giới thiếu ăn mỗi ngày. Và sau cùng
tôi nghĩ đến lối sống bừa bãi, khinh suất của chúng ta
đang tàn phá môi sinh - không khí, nguồn nước, đất đai, và thực
phẩm - mà không chút quan tâm cho thế hệ tương lai. Theo
quan điểm của tôi, nhiệm vụ của tăng già là nêu cao tiếng nói
của lương tâm thế giới.
Như vậy, Tăng già, hay
ít nhất là những thành viên có tiếng tăm trong hàng ngũ tăng, ni
- đều có khả năng truyền bá giá trị đạo đức Phật giáo để
đương đầu với những thử thách vô vàn khó khăn và to lớn mà nhân loại
đang đối mặt hôm nay. Bikkhu
Boddhi Thiện Ý dịch
(phỏng dịch từ: The challenge to the Sangha
in the 21st century) |