Truyền bá đạo pháp trong các nhà tù
Viết bởi Thích nữ Chơn Ấn
06/02/2010 23:09 (GMT+7)

Nói đến thế kỷ XXI, người ta thường nghĩ đến những thành tựu của nhân loại như chinh phục vũ trụ, sự phát triển vượt bậc của công nghiệp: “Ðây là thời đại thức ăn nhanh, tiêu hoá chậm”. Nhưng đằng sau sự thành công hào nhoáng kia, mấy ai biết rằng đạo đức con người đang ngày càng suy đồi, những tệ nạn xã hội gia tăng, cánh cửa ngục thất rộng mở chào đón tù nhân. Thật chua xót biết bao!


Gia đình là hạt nhân của xã hội, trong một cộng đồng, gia đình là tế bào của xã hội, cha mẹ là chỗ dựa tinh thần cho con cái. Vì đồng tiền, cuộc sống hào nhoáng mà nhiều bậc phụ huynh đã quên đi trách nhiệm thiêng liêng của mình. Từ đó dẫn đến những kết cục bi thương mà đâu đó chúng ta đã và đang được nghe, chứng kiến qua phương tiện truyền thông, báo chí… Một lúc nào có dịp, bạn hãy ghé thăm những trại cải huấn, trường giáo dưỡng, bạn sẽ cảm nhận được một điều rằng: Con người không hẳn mất đi nhân tính, họ chỉ là nạn nhân của đồng tiền bất lương. Họ có thể trở thành công dân lương thiện, là nền tảng của đất nước nếu được giáo huấn tốt.

Vậy ai có thể làm được điều này? Bên cạnh sự giáo dục rèn luyện của nhà nước cần phải có hệ thống triết lý đạo giáo được truyền tải đến phạm nhân lỡ bước chờ ngày hoàn lương. Với tiêu chí đem lại sự an lạc giải thoát cho con người trong đời sống hằng ngày, sự truyền bá đạo pháp đến ngục thất là phương pháp cải tạo tù nhân hoàn lương rất thiết thực mà toàn thể mọi người nói chung, các cơ quan Nhà nước và Giáo hội nói riêng cần lưu tâm.

Ðạo Phật có ảnh hưởng sâu đậm vào văn hoá truyền thống của dân tộc Việt Nam. Bằng pháp Tứ vô lượng tâm, đem lòng từ bi hỷ xả để ứng cơ, độ nhân xử thế chắc chắn thể nhập và đi sâu vào lòng người. Thuở xưa, đức Phật từng độ cho sát nhân Vô Não chứng đạo, tại sao hôm nay chúng ta không thể?

Một buổi sinh hoạt trò chuyện giữa vị tăng sĩ và những kẻ lạc lối trong hằng tuần, những quyển sách, đĩa kinh giảng với nội dung triết lý Phật giáo, các phương tiện truyền thông hiện nay nhằm hướng dẫn họ tìm về lại chính mình. Cổ đức có nói : “Nhân chi sơ, tánh bổn thiện”. Chân - Thiện - Mỹ vốn có sẵn trong mỗi người, chỉ vì vô minh che lấp, nếu được lau chùi, bản lai diện mục kia sẽ hiện ra. Bởi lẽ: “Không có người xấu, chỉ có những kẻ mê, dẫm lại vết mòn lối xưa”.

Tóm lại, với tốc độ phát triển công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước ngày nay, để củng cố nền văn hoá đạo đức của nhân loại, việc truyền bá đạo Phật đến ngục thất đang là vấn đề cần sự quan tâm của mọi tầng lớp. Sự mong mỏi này mong rằng sẽ được các nhà chức trách và Giáo hội chú tâm để có phương hướng giáo dục xác thực và rõ ràng hơn./.

Thích nữ Chơn Ấn

(Trích tham luận Hội nghị Phật giáo thế giới lần thứ XI tại Tp. HCM, Việt Nam) 

Các tin đã đăng: